tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Thu Trần Dần  [chuyên đề  TRẦN DẦN]
                                                                                          "Ainsi sous chaque Mot de la poésie moderne gît une sorte de géologie existentielle, où se rassemble le contenu total du Nom, et non plus son contenu électif dans la prose et dans la poésie classique."

 

                                                                                          "Như thế, dưới mỗi Chữ trong thơ hiện đại tồn tại một vỉa địa chất sinh tồn mang tất cả các nội dung của Từ, chứ không chỉ một nội dung có tính chọn lọc như trong văn thơ cổ điển".
                                             Roland Barthes - Le degré zéro de l'écriture
 

Thu là mùa của thi sĩ. Dường như điều này đã trở thành qui luật. Mở bất cứ tuyển tập thơ nào, người ta bắt gặp rất nhiều Thu. Thu ngân nga, thu thả lá vàng, thu đượm hương cốm trong thơ Việt.

Phải chăng Trần Dần, thi sĩ của cách tân, có thoát khỏi qui luật đó?

Tôi mở Mùa sạch [1], và thấy "Lịch thu".

 

         I

Tay thu cấy thu

Hạt thu ngâm thu

Ngoại thành thu gieo thu

Gió thu vi vu thu

Vải thu đầm đập chiều thu

 

         II

Mưa thu phay phay thu

Nhà máy xay thu xay thu

Xổ số thu quay thu

Mậu dịch thu bày thu

Đèn thu hấp hay thu

Khăn san thu bay thu

Nốt giày thu hày hạy nội thành thu

 

         III

Cành thu chiết thu

Công viên thu rét đầu thu

Gái thu ríu rít thu

Lụa thu tinh khiết thu

Phòng cưới thu xì xẹt nhạc thu

Đàn thu da diết phím thu

Phong bì thu trinh tuyết tem thu

...

 

Phải nói ngay rằng "Lịch thu" không nằm trong Phần I - Mùa sạch, mà trong Phần II - Lịch Việt Nam. Nhưng ngay từ đầu, cách Trần Dần đặt tên cho các bài thơ trong Mùa sạch: "Hành trình trong", "Sau mưa", "Đỉnh sạch", "Lịch hài nhi", "Lịch xuân", "Lịch họ hàng",... cho thấy rằng ông không có ý định đóng khung MÙA và LỊCH vào một nghĩa cụ thể.

*

Nguyễn Du tả thu: "Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô". Trăm năm sau, "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu ra đời và được liệt ngay vào hàng kiệt tác:

 

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng

 

Từ nửa thế kỷ nay, "Tiếng thu" Lưu Trọng Lư ngân nga trong lòng người Việt:

 

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ

 

Với Nguyễn Đình Thi, THU là nỗi xao xác buồn của buổi giã từ Hà Nội:

 

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

 

Trong những bài thơ trên, mọi yếu tố được sử dụng nhằm một mục đích duy nhất: lấy cảnh thu bên ngoài để diễn tả thế giới bên trong sâu thẳm của tâm hồn con người, ở đây là tâm hồn thi sĩ. Một tư tưởng nhất quán chạy dọc các tác phẩm: phản ánh mối tương hợp, vẻ hài hoà giữa thi nhân và vũ trụ, theo qui luật "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Ở đây, ý bao giờ cũng có trước. Chữ chỉ để phục vụ ý, là phương tiện để chuyển tải thông điệp của nhà thơ. Việc chọn chữ này bỏ chữ kia thực ra cũng chỉ nhằm tăng tính hiệu quả của công việc chuyển tải đó. "Từ cuộc sống mà toát ra ý, thì ý ấy đầu thai thành cảm xúc, tình cảm, ý ấy nên trở thành tứ": Xuân Diệu viết như vậy trong Công việc làm thơ [2]. Cho nên, cái cách tân mà Thơ Mới kêu gọi, chỉ là trong cách diễn đạt: quan niệm về thơ của phong trào này không có gì Mới.

Nguyễn Đình Thi, trong cuộc thử nghiệm táo bạo ở Việt Bắc, tìm cách giải phóng thơ khỏi sự cầm tù của vần điệu. Nhưng ông vẫn cho rằng thơ phải chứa "tình cảm" và "tư tưởng", thông qua "hình ảnh": "Hình ảnh của thơ không phải những hình ảnh mà cái ống kính ghi được. Đứng bên ngoài mà chụp ảnh lại sự vật thì trông mà không thấy. 'Trong nghệ thuật, một phong cách là một tâm trạng'. Những hình ảnh của thơ đã bao hàm một nhận thức, một thái độ tình cảm hoặc suy nghĩ. Câu thơ nói cảnh mà kỳ thực nói ý tình. 'Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa', Mắt trông mà lòng đã nặng buồn nhớ, khát khao biển rộng" [3]. Thơ Nguyễn Đình Thi, trong mọi cách, vẫn là thơ "kể chuyện":

 

Dừng chân trong mưa bay

ướt đầm mái tóc

Em em nhìn đi đâu

Môi em đôi mắt

Còn ôm đây

Nhìn em nữa

Phút giây

Chiều mờ gió hút

Em

Bóng nhỏ

Đường lầy

         ("Không nói ")

 

Có lẽ chính vì quá lo âu về "nghĩa" mà văn học đã phát triển chậm hơn các hình thức nghệ thuật khác? Trước một bức tranh trừu tượng, ít người đặt câu hỏi về "nội dung", "tình cảm", "tư tưởng", đơn giản vì hội hoạ hiện đại đã vượt ra khỏi những vấn đề này, lên đường tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới.

Tính trừu tượng đó, Trần Dần muốn đem lại cho thơ. Ông đảo ngược hoàn toàn khái niệm về thơ, về chữ. Mùa sạch không có các yếu tố cảm xúc, tâm lý. Mùa sạch không "kể chuyện", không có "nội dung", không mang "ý nghĩa chủ đạo", không hàm chứa "tính tư tưởng". Bằng chứng là nó không thể diễn nôm được và khó học thuộc lòng. Các chi tiết của nó không liên quan đến nhau, không giải thích cho nhau một cách logique, hợp lý. Nhà thơ từ chối làm "văn vần". Vì vậy, mọi phân tích tâm lý và cú pháp nhằm "hiểu", "giải nghĩa", "giải mã" thơ Trần Dần, sẽ dẫn đến thất bại. Trong những bài thơ đầu của Mùa sạch, 'tôi' xuất hiện nhiều lần. Ở "Hành trình trong", ta bắt gặp 'Tôi trong'. Trong "Sau mưa", ta có 'Tôi đi sành sạch'. "Đỉnh sạch" cho ta 'Tôi trèo đỉnh sạch'. Với "Ao ta", "Trên quả đất mùa", "Sáng chiêm sáng sáng", "Thích toàn mùa", 'tôi' được phát triển hơn, nhưng nó không bao giờ là cái "tôi" tiềm ẩn, mang nặng ước mơ và hồi ức của chủ thể nhà thơ. Nó cũng vượt ra ngoài qui luật lấy vật để nói người, lấy ngoại cảnh tả nội tâm, lấy cái cụ thể để diễn đạt cái trừu tượng. Ngay cả khi "tôi" đi cùng với THíCH, thì rõ ràng nhà thơ cũng không có ý định khai thác nó trên phạm trù tâm lý:

 

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa

Miền miền sầm uất thị thành mùa

Bộ hành như dáo mác tủa mùa

Tàu mùa tấp nập còi mùa

Trong mát mặt trời mùa

Ngực mùa len lụa phố mùi mùa

                  ("Trên quả đất mùa")

 

Tôi thích mùa sen gồm cả sen mùa

Gồm cả cánh tem mùa

Gồm cả lạt nem mùa

Gồm cả cốc kem mùa

Gồm cả cột đèn mùa

                  ("Thích toàn mùa")

 

"Lịch thu" không phản ánh một tâm trạng, một nỗi niềm. Nó không bộc lộ những suy nghĩ của nhà thơ về "sự đời", về những "xung đột" của cuộc sống. "Lịch thu" không có cái tôi trữ tình, cái tôi-thi-sĩ, càng thiếu cái người ta thường gọi là "điểm nhìn thẩm mỹ" hay "thi hứng sáng tạo". Thế giới của Trần Dần hướng tới phi nhân cách: nó không hiện lên qua trực quan của thi sĩ như trong thơ viết theo lối "truyền thống". Vì vậy thơ Trần Dần thoát được chất "truyền cảm", "hình tượng", "biểu cảm". Nó tự vứt bỏ khả năng làm chẩy nước mắt và không có ý định tìm kiếm sự "đồng cảm" của người đọc. Nó cũng từ chối một "chức năng cao cả" của văn chương: giải thích và cải tạo thế giới. Vâng, thơ Trần Dần không phải là "thơ quảng trường" - theo chính chữ của ông. Phải chăng vì thế mà thơ ông không ngân nga, không du dương, rất khó thuộc?

 

         IV

Ruộng thu dọn cỏ thu

Bướm thu nở thu

Nụ thu nhú thu

Phân thu ủ thu

Đọt thu tụ sữa thu

Cốm hồng thu dạm ngõ thu

 

         V

Sen thu bành bạch đầm thu

Nước thu thành thạch ao thu

Mây thu sành sạch én thu

Thuyền thu lành lạnh ngòi thu

Giếng thu sành sạch gàu thu

 

         VI

Xà lan thu vượt tải than thu

Phố cúc thu mài mại trưa thu

Thóc thu tài tãi sân thu

Nhà ươm thu mày mạy nữ kỹ sư thu

Tối thu thổi lổi sao thu

Thị thành thu thổi lổi đèn thu

....

 

"Lịch thu" trước hết là một ngày hội của chữ. THU có mặt hai lần trong mỗi câu thơ, chính xác, đều đặn. Đứng sau một từ, THU có tác dụng rửa chữ, trả nó về trạng thái tinh khôi ban đầu. Tay, cấy, hạt, ngâm, ngoại thành, gieo, gió, vải, mưa, nhà máy... xuất hiện trong thơ Trần Dần mộc mạc nhưng mạnh mẽ, tiềm tàng. Chữ của Trần Dần không bị giới hạn trong một nghĩa. Nếu MÙA của Xuân Diệu (trong "Đây mùa thu tới") và Lưu Trọng Lư (trong "Em không nghe mùa thu") chỉ được hiểu trong một nghĩa duy nhất: "phần thời gian trong năm, chia theo đặc điểm thiên văn, khí hậu", MÙA trong "mùa sạch" của Trần Dần mang một trường ngữ nghĩa vô hạn, lung linh. Nó có tất cả các nghĩa của chữ MÙA trong từ điển: 1. Phần thời gian trong năm, chia theo đặc điểm thiên văn, khí hậu (ví dụ: mùa thu, mùa đông....). 2. Phần thời gian trong năm, thích hợp cho trồng trọt canh tác (ví dụ: mùa cải bắp, tranh trái mùa). 3. Thời gian tiến hành những hoạt động thường kỳ (ví dụ: mùa thi, mùa bơi lội). 4. Thuộc loại lúa, hoa màu trồng từ giữa mùa hè, thu hoạch đầu mùa đông (ví dụ: khoai mùa, lúa mùa), vv...

Mặt khác, Trần Dần ghép các chữ với THU, bất chấp mọi qui tắc thông thường về ngữ nghĩa và cú pháp, tạo ra những từ, những khái niệm hoàn toàn mới: "tay thu", "đèn thu", "hạt thu", "nữ kỹ sư thu", "thể thao thu",... "Đầm đập", "hày hạy", "hấp hay", "xì xẹt", "mài mại", "thổi lổi", "mày mạy", là những từ chỉ có trong kho-chữ-Trần-Dần. Đặc điểm của những từ này là không có định nghĩa chính xác. Chúng gợi, mở. Chúng vừa vô nghĩa vừa đa nghĩa, vừa cụ thể vừa khó nắm bắt, vừa có những hố đen vừa chan hoà ánh sáng. Nhưng đó chính là cái Trần Dần tìm kiếm.

Hai chữ "Ao thu" của Nguyễn Khuyến, trong"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...", có nghĩa xác định - mùa thu tại một làng Bắc bộ -, nhờ những từ đi kèm theo: nước, lạnh, thuyền, sóng, lá vàng, gió, buông cần, cá đớp, chân bèo. Tất cả tạo nên một hệ thống rất logique, nhằm giải thích nội dung sau: trước cái vắng lặng, buồn bã của cảnh trời đất mùa thu, cụ Tam Nguyên trăn trở, day dứt về thân phận của cá nhân, của quê hương. Ngược lại, rất khó phân tích rành rẽ nghĩa và vai trò của "mứt kẹo thu", "môi thu", tăc xi thu", "phố thu", "ngực thu"... trong bài thơ của Trần Dần.

 

         VII

Mứt kẹo thu ngòn ngọt môi thu

Tăcxi thu vòn vọt phố thu

Mayô thu đòn đọt ngực thu

Thể thao thu thon thót nữ thu

Yach thu tì tọt buồm thu

Sao thu bòn bọt chiều thu

 

         VIII

Nữ thợ cấy thu cấy thu

Nữ thợ tiện thu tiện thu

Nữ tự vệ thu xạ kích thu

Nữ vận động viên thu thi thu

Nữ diễn viên thu trình diễn thu

Nữ dược sĩ thu chế thuốc thu

Nữ hộ sinh thu đỡ đẻ thu

Phân thu bón ruộng thu

Rét thu gờn gợn xóm thu

Lúa thu ngồn ngộn vè thu

Đom đóm thu lườn lượn ngõ thu

Khói thu lởn vởn bếp thu

Gái thu con cón quê thu

 

Cái cách THU được lặp đi lặp lại đến độ như mất trí, như ma ám ấy, thể hiện tính quyết liệt, gai góc của Trần Dần trong thử nghiệm: chạm đến đáy chữ, trèo sang phía bên kia cái gương, nhảy qua bóng mình. Đọc Trần Dần vì vậy là phải từ biệt trạng thái thường có khi đọc thơ "kinh điển": bình an nhưng bị động. Đọc thơ ông là sẵn sàng đón nhũng cú sốc, là không tìm cách "hiểu nghĩa", là yêu cái gồ ghề, là cùng ông tham gia vào trò ảo thuật chữ, là... cười trước những tổ hợp kỳ thú: "Nhà máy xay thu xay thu", "Vải thu đầm đập chiều thu", "Nốt giày thu hày hạy nội thành thu", "Đèn thu hấp hay thu", "Gái thu ríu rít thu", "Phòng cưới thu xì xẹt nhạc thu", "Nhà ươm thu mày mạy nữ kỹ sư thu", "Thị thành thu thổi lổi đèn thu", " Gái thu con cón quê thu"...

THU trong thơ thường là cái cớ để nói về tình yêu, nôĩ buồn, kỷ niệm.... Nhưng THU Trần Dần là cuộc phiêu lưu của chữ. "Lịch thu", cũng như các tác phẩm khác của Mùa sạch, là một lời thách đố, bắt đầu từ những con chữ: mùa, sạch, sáng, trong, chiêm, hạt, sao, xuân, trưa, hè, tươi, mậu dịch, thu, đêm, đông.... Chữ bao giờ cũng là điểm xuất phát và cái đích của thơ ông: Trần Dần làm thơ không phải vì nhu cầu tình cảm hay giao tiếp. Ông làm thơ vì chữ. Vì vậy có lần ông tuyên bố: "Thơ vì thơ tuyệt đối. Hễ vì bất cứ gì khác, dù cao quí mấy, thơ sẽ chẳng còn là thơ. Không đùa được với thơ (... ). Những thơ tình, thơ chính trị, bất cứ tính từ nào, đều vô nghĩa với tôi". Ươm THU, ngâm THU, gieo THU, ghép THU, ông tạo nên những mầm THU lạ. Những con chữ của Trần Dần hay có những số phận bất ngờ. Từ Mùa sạch, THÈM và MÙA sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu mới trong Ô mai của Đặng Đình Hưng[4]. Chữ của Trần Dần bình đẳng: trong thơ ông không có từ mang nhiều chất thơ, từ mang ít chất thơ. Chúng bao giờ cũng mới, cũng hiện đại. Hơn thế nữa, chúng đương đại, với "mậu dịch", "phòng cưới", "xà lan", "tăcxi", "mayô", "yach",... Làm thơ, với ông là lẽ sống, đã đành. Nó còn thể hiện một cách sống: sống với thời đại của mình.

Mùa sạch của Trần Dần gần gũi với những tìm kiếm của nhiều nghệ sĩ cùng thời với ông. Cách ông lặp đi lặp lại một từ (mùa, sạch, trong, thu...) hay một cụm từ ("Tôi nhất thích công tác ở Việt nam mùa", v.v) làm người ta nghĩ đến tác phẩm mang tên Marylin Moroe (1962) trong đó chân dung cô diễn viên Mỹ được A. Warhol vẽ theo lối chụp ảnh với nét bút và màu mực thô, rồi nhân lên hàng trăm lần...

 

(Tháng Năm, 2003)

_________________________

[1]Mùa sạch, viết vào khoảng 1963-1964, in năm 1998, Hà Nội, NXB Văn Học.

[2]NXB Văn Học, Hà Nội, 1984.

[3]"Mấy ý nghĩ về thơ", viết 12.9.1949, in lại trên tạp chí Tác Phẩm Mới, số 3, năm 1992, Hà Nội.

[4] Đặng Đình Hưng viết: "đi jữa mùa em jó lộng", "Anh cảm thấy bất lực. Không phải thiếu thèm. Ngược lại, thèm cứ chồm", ...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021