tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Con đường của cái đẹp  [đối thoại]

 

Ở cuối bài “Thế nào là đẹp?”, tôi có nhắc đến bức tranh “Benefits Supervisor Sleeping” của Lucien Freud. Sau khi viết xong, tôi lại bị Lucien Freud ám ảnh một cách kỳ lạ. Từ trước, tôi đã thích tranh của ông ấy. Bây giờ, sự thích thú ấy biến thành một sự tò mò. Thế là tôi lại vào internet tìm các bức tranh của Freud để xem. Thật ra, xem tranh trên internet khó có thể có cảm giác hoàn toàn thoả mãn. Nhưng chẳng lẽ tôi lại chạy tuốt đến tận Canberra, thủ đô nước Úc, để xem bức tranh của ông? Thú thực, tôi không biết tại Úc có được bao nhiêu bức tranh của Freud. Tôi chỉ biết, bức “After Cézanne” được Viện bảo tàng quốc gia Úc mua vào đầu năm 2000 với giá gần bảy triệu rưỡi đô la Úc. Việc mua bức tranh đắt giá như thế đã gây sôi nổi trong dư luận một thời gian dài. Không ít người chê bức tranh xấu. Nhiều người chê nó quá mắc. Lập luận của giám đốc viện bảo tàng quốc gia là: Úc phải quốc tế hoá và “sang” hoá tài sản nghệ thuật của mình bằng cách không ngại mua những bức tranh hàng đầu trên thế giới, bất kể là tốn tiền đến đâu. Dĩ nhiên là giới mê nghệ thuật rất hoan nghênh sáng kiến ấy.

Dưới đây là bức “After Cézanne” được Lucien Freud vẽ phỏng theo bức “L’Après-midi à Naples” của Paul Cézanne, hoạ sĩ mà Lê Thiết Cương rất thích và cho là ai cũng thích nhìn ngắm.

 

Paul Cézanne
“L'Après-midi à Naples” (c.1875)
 
 
Licien Freud
“After Cézanne” (1999)

 

Hai bức tranh thật khác nhau. Bức tranh của Cézanne có vẻ riêng tư, tình tứ và thơ mộng: hai người trần truồng nằm trên giường, quay lưng lại, nhưng vẫn nhìn nhau, trong một gian phòng có rèm cửa khá kín đáo, có người hầu da đen mang trà bánh vào tận trong phòng phục vụ. Người hầu ở trần, nhưng ý tứ khoác một tấm vải. Còn bức tranh của Freud thì khác hẳn. Có đến ba người trần truồng; hai người nằm ngay trên sàn một phòng vẽ khá trống trải; người đàn bà nhìn người đàn ông nhưng người đàn ông lại quay đi chỗ khác, chống tay có vẻ mệt mỏi và chán chường. Dưới chân là chiếc ghế đổ; chiếc ghế khá nặng, làm trũng hẳn một góc drap. Người phụ nữ có vẻ như đang an ủi người đàn ônng nhưng không có vẻ gì là lãng mạn cả. Nổi bật nhất ở người đàn ông là bộ phận sinh dục: nó nằm gần như ngay chính giữa bức tranh, trở thành trung tâm của bức tranh với nhúm lông đen đối lập hẳn với nền vải trắng. Có thể nói toàn bộ bức tranh toát lên sự đối lập: đối lập giữa sự riêng tư và công cộng, giữa sự âu yếm và sự hờ hững, giữa sự thân mật và sự xa lạ, giữa hạnh phúc và đổ vỡ. Dù vậy ấn tượng về sự đổ vỡ vẫn lấn át hạnh phúc: chiếc ghế đổ, bản thân bức tranh cũng bất bình thường với một mảng khuyết phía trên, ngay góc phải.

Tuy nhiên, sự khác nhau căn bản giữa bức tranh của Cézanne và bức tranh của Freud là ở chỗ: trong khi bức tranh của Cézanne rất thơ mộng; bức tranh của Freud không có vẻ gì thơ mộng cả. Cả ba người ở truồng đều được tả một cách rất chi tiết nhưng không có ai đẹp. Đó là nét đặc biệt ở Freud. Ông thích vẽ tranh khoả thân, nhưng khác với các hoạ sĩ khác, ông ít khi chọn người đẹp làm mẫu. Người mẫu của ông phần lớn đều xấu, da thịt bèo nhèo, không có vẻ gì quyến rũ cả.

Thế nhưng tranh của ông vẫn đẹp. Rõ ràng là cái đẹp của bức tranh không đồng nhất với cái đẹp của các đối tượng được mô tả trong bức tranh. Có lẽ đây cũng chính là sự khác biệt giữa tranh cổ điển, tranh hiện đại và tranh đương đại. Nó cũng thể hiện sự phát triển và thay đổi trong cách nhìn hiện thực và quan niệm về cái đẹp trong hội hoạ.

Thử so sánh với các bức tranh khoả thân của Titian (1488-1576), Goya (1746-1828) và Ingres (1780-1867):

 

 

Tranh khoả thân của Modigliani (1884-1920) ở đầu thế kỷ 20 vẫn còn “đẹp”:

 

 

Còn đây là tranh khoả thân của Lucien Freud: Tất cả đều lộ vẻ xanh xao, bệnh hoạn, nhếch nhác, hay sồ sề, bèo nhèo của một thứ da thịt sắp trương sình.

 

Lucien Freud
“Naked girl asleep” (1968)
 
 
Lucien Freud
“Man with leg up” (1992)
 
 
Lucien Freud
“Evening in the Studio” (1993)

 

30.11.2008
Chi Trần

 

-------------------

Các bài liên hệ:

29.11.2008
... Chỉ căn cứ vào lập luận chung chung của Lê Thiết Cương trong bài “Mèo trông nhà”, tôi có cảm tưởng quan điểm thẩm mỹ của Lê Thiết Cương vừa lạc hậu vừa ngây thơ... (...)
 
28.11.2008
... Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó... (...)
 
... Vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa... trông nhà... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021