tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ông tiến sĩ luật sư Nguyễn Hữu Liêm và ông Bá Cò cắt tóc gội đầu  [đối thoại]

 

Không hiểu vì lí do gì, sáng ngày hôm nay, nghĩa là có thể bất cứ sáng ngày nào đó, tôi mở máy tính và ngồi đần thối sau khi đọc lướt các kiểu các loại web với các kiểu các loại tin tức bài vở từ “lề trái” tới “lề phải”.

Tôi đần thối, thật sự đần thối, vì tôi chẳng biết nghĩ gì khi đọc những tin tức kinh hoàng như thầy giáo địt [xin lỗi các nhà đức hạnh với tiêu chuẩn kép,[1] tôi ưa dùng thuần từ Việt] học trò bằng tuổi cháu ngoại mình bởi cô bé học trò kia muốn nâng điểm cho một môn học nào đó.

Tôi lại tự hỏi, người ta học để làm gì kia chứ?

Từ câu tự hỏi này, tôi chịu không thể trả lời mà bỗng dưng lan man liên tưởng sang một câu chuyện khác.

Ông Bá Cò[2] là người thân của tôi, ông là sản phẩm của não bộ tôi. Nhưng thực lòng, não tôi chẳng là cái đinh gỉ, nếu môi trường tôi sống, khí quyển tôi ở trong, không có những điều kiện hay chất xúc tác khiến não tôi nẩy sinh một ông thợ cắt tóc có tên Bá Cò.

Ông tiến sĩ luật sư Nguyễn Hữu Liêm thì khác hẳn, bởi ông là người thật chăm phần chăm.

Ông Bá Cò thân thương của tôi thuộc giới bình dân, lao động tay chân.

Ông Nguyễn Hữu Liêm là một trí thức.

Ông Nguyễn Hữu Liêm còn là một Việt kiều, khúc ruột ngàn dặm đang có giá với Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Liêm biết ít nhất hai thứ ngôn ngữ, một trong hai ngôn ngữ ấy là Việt ngữ. Ông Liêm cũng biết trích dẫn các danh nhân thời thượng, từ Hegel tới Emmanuel Kant, từ Các Mác tới Pôn-pốt, từ Derrida tới Lý Đông A, Trần Đức Thảo. Không chỉ thế, ông còn định bắt chước cả Edmund Husserl đi soi tìm một tinh hoa, về cái thực chất của tình yêu nước, trên cơ sở của hiện tượng luận.[3]

Ông Bá Cò thân thương của tôi, ngay cả tiếng mẹ đẻ, ông cũng chỉ sở hữu một vốn từ vựng vô cùng nghèo nàn.

Nhưng ông Bá Cò biết làm đẹp cho đời thông qua bàn tay khéo léo. Ông nổi tiếng là cắt tóc đẹp. Và ông ấy nuôi được tới mấy bà vợ với cả bầy con chỉ bằng đôi tay tông-đơ, kéo, lược...

Ông Nguyễn Hữu Liêm là người giầu cảm xúc, bởi vậy, ông thấy điện chạy dọc sống lưng khi nghe “Tiến Quân Ca” cũng như ngồi trên xe ôtô có môtô đi kèm với còi hụ. Ông Liêm cũng còn thuộc cả ca khúc bất hủ: Như có Bác trong ngày đại thắng, để mỗi khi cần, ông có thể hát và vỗ tay theo nhịp

Ông Bá Cò của tôi thì (thật buồn, và làm tôi xấu hổ) chỉ biết cắt tóc nuôi vợ con, đồng thời cũng rất ác độc vì ngày nào cũng chửi vợ chửi con, rất đúng giờ. Phi lý như truyện của Kafka vậy. Chán thế!

Và thay vì như ông Nguyễn Hữu Liêm, hát như có Bác Hồ và vỗ tay theo nhịp, ông Bá Cò thật cục súc khi phá lệ, tức thay giờ chửi vợ chửi con vào đúng ngày trọng đại của lịch sử, ngày 30/4/75 bất diệt. Đã vậy, ông còn hát theo nhịp bằng vốn từ ít ỏi của mình như thế này:

(Tiếng hát trên radio) Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng... (tiếng ông Bá Cò) Địt mẹ chúng mày! Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng... Khốn nạn! Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông... Bú cặc!

Ông Bá Cò thật hết sức vô văn hoá, ông làm tôi đau đớn và xấu hổ. Nhưng lạ lùng một điều, khi nghĩ về ông Nguyễn Hữu Liêm hát và vỗ tay, tôi lại nhớ tới ông Bá Cò chửi đệm cũng trên ca khúc ấy.

Nhưng chính điều đó làm tôi tự hào về ông — Ông Bá Cò cắt tóc gội đầu.

 

Sài thành trước ngày ông Táo về trời

 

 

_________________________

[1]Tôi không muốn dùng cụm từ “đạo đức giả”, “nói một đằng làm một nẻo”, bởi chuẩn đạo đức ngày nay ở Việt Nam thật sự đang có vấn đề trầm trọng. Vấn đề đủ để tôi nghi ngờ ngay cả những nhà “đạo đức thật”.

[2]Vương Văn Quang, “30 NĂM... XÓM TÔI [5 - Chuyện nhà Bá Cò]”, tienve.org.

[3]Nguyễn Hữu Liêm, “Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an”, talawas.org.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021