thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
13 bài thơ
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
Aleksandar Ristović (1933-1994), nhà thơ Serbian, sinh tại Cacak, một thành phố khá lớn cách xa Belgrade vài trăm dặm về hướng nam. Ông đã xuất bản hơn hai mươi thi tập lúc sinh thời, cùng với một cuốn tiểu luận, một cuốn sách về những giấc mơ, và một tập bản dịch thơ Pháp. Ông sống tại Belgrade bằng nghề biên tập viên sách nhi đồng cho một nhà xuất bản, ông đoạt nhiều giải thưởng lớn của Nam Tư.
 
Charles Simic, nhà thơ Mỹ gốc Serb và người dịch thơ A. Ristovic sang tiếng Anh, đã viết trong lời giới thiệu thi tuyển Devil's Lunch: "Thơ [Ristovic] khiến tôi nhớ tới tranh mộc bản thời trung cổ minh họa những câu cách ngôn về hiểm nguy và thú vị của Bảy đại tội... Tất cả những tác phẩm thi ca lớn đều là sự nhìn ngắm vài hình ảnh cốt yếu. Ristovic thì có đồ tể, lợn, cốc rượu nho và nhiều hình ảnh tái hồi khác. Chúng thường xuyên quấy nhiễu anh. Hình ảnh có nhiều đòi hỏi hơn ý tưởng... Có khá nhiều bạo tàn và đau khổ trong các bài thơ ấy. Cái ác chế ngự thế giới. Cái thiện yếu đuối, chỉ để lại trong ký ức chúng ta vài khoảnh khắc của tình thương và cái đẹp."
 
 
Tranh cắt dán của Nguyễn Đăng Thường (khoảng cuối thập niên 70)
do nhà thơ Hoàng Ngọc Biên tìm thấy lại trong chuyến về thăm Việt Nam
vào khoảng đầu tháng Tư 2005.
 
 

Ánh vàng lờ mờ

 
Bây giờ không còn người đọc thơ,
vậy bạn là ai
ta thấy cúi khom trên cuốn sách này?
 
 

Không tựa

 
Thời đại điên khùng đang kéo tới,
thời của lều vải trên sân chơi
và của kẻ với cái bản mặt của hề
đang nguyền rủa Thượng đế.
 
Thời của cái bút lông công
chạy từ phải qua trái
trên tờ giấy lộn ngược đầu.
 
Thời mà bạn chẳng buồn chìa ngón út ra
nếu nó chưa được nhúng vào một cái gì đó
chúng bảo là khiếm nhã.
 
Thời đại điên khùng đang kéo tới,
thời của anh giáo sư-chả-biết-gì-cả
và của cuốn sách không thể mở ra
ở cả hai đầu.
 
 

Lá vàng

 
Danton* đang chờ chết
nhưng trời chưa sáng.
Chiếc áo vét của hắn đầy rận
và đôi ủng của hắn có nước.
Trên khuôn mặt hắn đã có những dấu hiệu
của một định mệnh phi thường.
Hắn nhìn tôi từ chỗ xa xôi ấy
đang bước dưới cây
thu nhặt lá vàng
bằng cái chỉa gắn vào một chiếc cán rất dài.
 
------------------------
* Danton, George Jacques (1759-1794), một luật sư Pháp ở Paris có tài hùng biện, một nhân vật quan trọng trong cuộc Cách mạng 1789 lật đổ chế độ quân chủ. Năm 1794 ông bị gán tội chống chính phủ rồi bị chặt đầu.
 
 

Tuyệt vọng

 
Bạn mở cái hộp quẹt.
Trong hộp chỉ còn một cây diêm.
Bạn lấy nó ra, và bây giờ
Bạn bỏ ba con bọ rùa vào.
Với cây diêm đó bạn châm lửa
đốt chiếc hộp,
và trong lúc nó bốc cháy,
tỏa làn khói mỏng,
bạn quay lại phía tôi,
nhìn vào mặt và cười.
 
 

Từ tập Vết bẩn trên âm bản

 
Hạnh phúc thay ôi chị đàn bà
phủ bọt xà bông của buổi tối.
Chúa đứng sau lưng chị,
chân không vớ trong đôi dép gỗ.
Ngài trút nước xuống người chị
từ một chiếc lọ bằng vàng
và trao cho chị một chiếc khăn
có in những cái hình tục tĩu.
 
 

Nhà xí

 
Qua một kẽ hở bên tay phải
bạn có thể nhìn thấy anh gà trống đỏ,
và qua cái kẽ hở bên tay trái,
nếu cố gắng một tí,
bạn có thể nhìn thấy cái bàn ăn,
chiếc khăn trắng
và một chai rượu vang.
Đằng sau lưng, nếu bạn quay lại,
bạn có thể hình dung đàn cừu
đang cố bay lên với đôi cánh len của chúng.
Và qua cái lỗ hình tim
trên cánh cửa,
là khuôn mặt hí hửng của kẻ nào đó
đang nhìn bạn ngồi ỉa.
 
 

Toa lét trên sàn gỗ

 
Nhân vật nam bước ra sân khấu
mở nút chiếc quần hết thời
và để nó tụt xuống chân
nằm thẳng nếp.
Hắn ngồi xuống bồn cầu trực diện khán giả,
trong lúc ở ngăn bên cạnh,
dành cho phụ nữ,
người thủ vai Phaedra*
cũng đang làm vậy.
Xây lưng về phía cử tọa,
nàng đột nhiên vén váy lên
và phơi bày cái mông lộng lẫy.
Tiếp theo là những âm thanh
khiến khuôn mặt của khán giả ngồi ban công,**
đấy là chưa kể những người nơi hàng ghế đầu,
đỏ bừng.
 
------------------------
*Phaedra (Phèdre), một bà hoàng hậu của huyền thoại Hy Lạp, đã yêu Hippolytus (Hippolyte) người con trai duy nhất của chồng bằng một mối tình tuyệt vọng đầy đam mê và cuồng nộ. Họ là nhân vật chính của hai kịch bản, Hippolytus của kịch tác gia Hy Lạp Euripides (khoảng 480-406 trước công nguyên) và Phèdre (1677), được đánh giá là kiệt tác của kịch tác gia Pháp Jean Racine (1639-1699).
** nguyên tác: sitting in the boxes
 
 

Bữa trưa của Quỷ

 
Một chiếc gai cũng đủ cho nó.
Một trái táo bằng sắt.
Cái núm vú của một cô gái chỉ mặc xì-líp vải
đếm bước trong phòng nàng.
Một cái tai heo cũng đủ cho nó.
Con bọ bò giữa hai cái dĩa bẩn.
Đứa bé thổi vào đóa bồ công anh.
Tứ chi khô héo của một bà lão
trên giường tử thần.
Chân tay của một cô thiếu nữ
chờ người yêu
với một bàn tay trên ngực
và bàn tay kia trên môi.
 
Các món nó ăn trong bữa trưa
nó sẽ ói ra cho bữa tối
vào một bụi hoa hồng
hay dưới một cây thông Giáng sinh.
 
 

Hạnh phúc

 
Con chuột nhắt bằng vàng
và cũng thế con rùa và con nhện
và thậm chí con rết cũng vậy,
và hòn đá bạn định sử dụng
để giết nó
nhưng khỏi phải rời chiếc ghế băng,
từ chỗ ấy người ta có thể nhìn thấy rất nhiều
thứ khác và các sinh vật bằng vàng.
 
 

Sử

 
Tôi chết năm 1864. Tôi là một thằng bé có cái đầu bằng chì và môi bị tuyết đóng. Cha đuổi theo và mong tạo được sự chú ý nơi tôi bằng những cử chỉ khiến bất cứ ai cũng có thể kinh ngạc. Liên tiếp mấy năm liền cha đã bán dầu hồng nguyên chất, đèn lồng cho các hướng dẫn viên và bán mũ lụa. Tôi nhìn cha từ đáy hòm một buổi chiều có tuyết rơi khi mùi cây hương mộc tỏa ngát trong không khí.
 
 

So sánh

 
Họ nói, Uy-lịch-sơn không yêu biển cả,
vì vậy mà hắn đã là tù nhân
của gió biển, bão biển và sóng biển
giống như khăn trải giường có đính ren.
Tôi cũng vậy. Không yêu thơ
mà vẫn đeo đuổi, tôi đã trở thành người tù của thơ
nên chỉ có thể dâng cái tôi cho độc giả mà thôi.
Như một kẻ không ngớt chuyển
từ chèo sang buồm và ngược lại, đánh bài với
một cái truyện trong đó hắn không được nhận ra
giữa những hình ảnh chọn lựa rất kỹ:
 
Ta là con heo đó.
Ta là trái dâu trong vườn đó.
Ta là khói của cái tẩu đó.
Ta là bọt nơi mép môi đó.
Ta là bánh xe đó.
Ta là bàn tay bị cán bởi cái bánh xe đó
khi nó di chuyển và nghiến sỏi sạn
song song với một cái bánh xe khác.
 
 

Đoán

 
Tôi sẽ chết. Tôi sẽ không chết.
 
Không, tôi sẽ không chết,
dù cho tôi có nhìn thấy các thiên thần
rất gần,
tôi có thể rờ chúng
với ngón trỏ,
dù cho
khuôn mặt của chúng bị xóa
như thể bằng cục tẩy của một đứa bé.
 
Tôi sẽ chết. Tôi sẽ không chết.
 
 

Điều cốt yếu

 
Tôi không được phép sống cuộc đời mình,
nên tôi giả chết
và chỉ thích những cái
mà một người chết có thể thích:
rắn hóa đá,
vụn vặt trong bảo tàng,
chứng cớ giả hiệu được coi như là sự thật.
Tôi có ấn tượng mạnh rằng mình phải chết thực sự,
nên tôi luôn luôn mang
một chiếc mặt nạ gỗ
trên đó thỉnh thoảng có người vẽ lên
bằng bút chì màu,
cái bộ mặt tự mãn,
nôn nóng, đam mê, hạnh phúc,
hoặc cái nét mặt của một kẻ đang nghĩ
tới một điều gì khác.
 
 
__________________________
 
Nguồn: Aleksandar Ristović, Devil's Lunch, Selected Poems,
translated from Serbian and introduced by Charles Simic (London: Faber and Faber, 1999).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021