Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 8
Lý thuyết và phê bình văn học đương đại: từ cấu trúc luận đến giải cấu trúc

Lời toà soạn: Bài viết dưới đây chỉ là một phần trong trong công trình nghiên cứu của Nguyễn Minh Quân, "Từ lý thuyết đến phê bình", trong đó, tác giả giới thiệu những trào lưu lý thuyết và phê bình quan trọng nhất ở Tây phương từ xưa đến nay, từ Plato và Aristotle cho đến chủ nghĩa tân cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, hình thức luận ở Nga, Phê bình Mới ở Anh và Mỹ, cấu trúc luận ở Pháp và cuối cùng, giải cấu trúc. Do số trang có giới hạn, chúng tôi chỉ có thể đăng được hai phần sau. Theo chúng tôi, đây cũng là phẩn quan trọng nhất trong bài nghiên cứu. Nếu chúng tôi không nhầm, đây cũng là bài viết đầu tiên bằng Việt ngữ giới thiệu một cách khá tường tận về giải cấu trúc, một trào lưu lý thuyết và phê bình văn học cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới cầm bút Tây phương.

                                                                                                         Việt

Cấu Trúc Luận - Ngôn Ngữ Kiến Tạo Thế Giới

Cấu trúc luận (structuralism) là một phong trào tri thức bắt nguồn ở Pháp trong những năm đầu của thập niên 1950 và lần đầu tiên được đưa vào ứng dụng thực tiễn thông qua công trình nghiên cứu của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss. Nhưng chính Roland Barthes mới là người tiên phong ứng dụng những nguyên lý của chủ thuyết này vào việc nghiên cứu và phê bình văn học cũng như văn hoá hiện đại Pháp. Một số công trình phê bình văn học của Roland Barthes tiến hành trong hai thập niên 1960 và 1970 như S/Z (24), Textual Analysis of a Tale by Edgar Allen Poe và The Facts in the Case of M. Valdemar (25), theo sau công trình nghiên cứu văn hoá Mythologies (xuất bản năm 1957), đã tạo nên một tầm ảnh hưởng sâu rộng của cấu trúc luận tại Paris cũng như thế giới. Một số nhà khoa bảng và nghiên cứu Anh-Mỹ đã đến Paris thụ huấn các khoá ngắn hạn về lý thuyết cấu trúc luận và quay về nước mở các khoá giảng dạy tương tự tại các trường đại học danh tiếng của Anh Quốc lẫn Hoa Kỳ. Chính các nhà khoa bảng và nghiên cứu này đã du nhập và truyền bá tinh thần của cấu trúc luận đến các độc giả nói tiếng Anh thông qua việc giới thiệu cũng như chuyển dịch các luận văn về các đề tài cấu trúc luận lưu hành tại Paris; trong số đó bao gồm: Structuralist Poetics (Thi Pháp Cấu Trúc Luận) của Jonathan Culler (Hoa Kỳ, 1975) (26); Structuralism in Literature: An Introduction (Cấu Trúc Luận trong Văn Học: Dẫn Nhập) của Robert Scholes (Hoa Kỳ, 1974) (27); Structuralism and Semiotics (Cấu Trúc Luận và Ký Hiệu Học) của Terence Hawkes (Anh Quốc, 1977) (28); ngoài ra còn phải kể đến hai nhà khoa bảng có tiếng tăm tại Anh: Giáo Sư Frank Kermode (University College, London), người đã hết sức nhiệt tình giới thiệu và mở các cuộc hội thảo chuyên đề về các công trình nghiên cứu văn học của nhà phê bình - ký hiệu học Roland Barthes; và Giáo Sư văn chương Anh David Lodge (Birmingham University) đã tìm cách kết hợp phương pháp truyền thống (phê bình thực hành của Richards) và lý thuyết cấu trúc luận vào việc nghiên cứu và phê bình văn học tại Anh, cố gắng này của Lodge được đúc kết trong cuốn Working with Structuralism (xuất bản năm 1980).

Sự ra đời của cấu trúc luận được xem như một cuộc cách mạng triệt để về lý thuyết phê bình văn học, vì sự xuất hiện của nó đồng nghĩa với sự lật đổ các quan niệm truyền thống có tính cách nguyên lý tồn tại trước đó. Từ Plato cho đến các nhà phê bình mới Hoa Kỳ, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hoặc ít, loài người đã tin rằng một tác phẩm văn học là con đẻ của công trình sáng tạo của tác giả, diễn tả bản ngã của chính tác giả; văn bản là môi trường, nơi người đọc có thể chia sẻ những cảm nhận về khía cạnh tinh thần và nhân bản từ tư tưởng và tình cảm của tác giả và sau hết, một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch được xem như thành công nếu nó thể hiện được sự thật của đời sống nhân loại, nói khác đi nó là hiện thân của thế giới hiện thực xung quanh chúng ta. Cấu trúc luận đã phá bỏ tất cả các quan niệm trên bằng sự tuyên xưng cái chết của tác giả; tác giả hay người viết chỉ làm công việc viết lại những gì đã có từ trước chứ không thể dùng văn bản để diễn tả chính nội tâm hay bản ngã của mình, những gì được viết ra bởi tác giả là sự sắp xếp phối trí lại những gì đã hiện diện trong thế giới ngôn ngữ và văn hoá xuất hiện trước đó. Vì vậy, văn bản xuất hiện hôm nay thuần tuý là một dạng khác của văn bản đã tồn tại từ trước trong một mạng lưới chằng chịt nối kết với các văn bản khác, và sau cùng giải trình ngôn ngữ văn học tồn tại trong văn bản không bao giờ là sự phản ánh của hiện thực. Cấu trúc luận phủ nhận toàn thể các hình thức lý thuyết phê bình văn học, trong đó chủ thể con người được xem như xuất xứ hay nguồn gốc gợi cảm cho ý nghĩa của một văn bản: văn học thực sự đoạn tuyệt hẳn với nhân loại để bước vào văn bản.

Cấu trúc luận mang tính chất cách mạng trong nghĩa phương pháp nghiên cứu vì nó ngầm chứa sự độc chiếm hoặc loại trừ, chứ không thể là một lý thuyết dự phòng cho những phương pháp khác, khi chúng thất bại trong việc phân tích hay giải thích một công trình văn học. Tính chất cách mạng của cấu trúc luận còn nằm ở khía cạnh ảnh hưởng rộng lớn có tính chất dây chuyền của nó đối với nhiều ngành nghiên cứu như nhân chủng học, xã hội học, cùng nhiều ngành nghệ thuật khác. Nhưng đặc điểm mang tính cách mạng nhất của lý thuyết cấu trúc luận là sự xác định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ngôn ngữ trong quá trình nghiên cứu và phê bình văn học; ngôn ngữ không những là tiền đề xuất xứ của việc hình thành lý thuyết cấu trúc luận mà bản thân ngôn ngữ được sử dụng như một khuôn mẫu cho tất cả mọi thể loại hành ngôn phi văn học. Dưới quan điểm lý thuyết của cấu trúc luận, ngôn ngữ của phê bình cũng tạo ra nhiều hệ quả có tầm ảnh hưởng rộng lớn không thua kém gì ngôn ngữ văn học; nói khác đi, dưới mắt một nhà cấu trúc luận, văn bản phê bình cũng là một văn bản văn học, và lý thuyết phê bình là một thể loại văn học. Khi đặt ngôn ngữ trở thành đối tượng chính để xác định cấu trúc của một văn bản, cấu trúc luận đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn nhất, triệt để nhất và toàn diện nhất về lý thuyết cả trên phương diện chặt chẽ trong khái niệm lẫn tính chất khách quan khoa học của đối tượng nghiên cứu. Vì vậy, để tiếp cận được chiều sâu và tầm cao của chủ thuyết này, một người làm công việc nghiên cứu hay một nhà phê bình cần trang bị cho mình một kiến thức căn bản về lý thuyết ngôn ngữ, điều này có nghĩa, chúng ta nên bắt đầu với ngôn ngữ học tổng quát của Ferdinand de Saussure.

Ferdinand de Saussure và Lý Thuyết Ngôn Ngữ Học Tổng Quát

Mặc dầu cấu trúc luận phát triển và hình thành trong hai thập niên 50 và 60, nhưng nguồn gốc sâu xa của chủ thuyết này bắt đầu từ nhà ngôn ngữ học người Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure (1857 - 1913); ông được xem là cha đẻ của lý thuyết ngôn ngữ hiện đại. Trong thế kỷ thứ 19, những nhà nghiên cứu ngôn ngữ thường tập trung chú ý đến khía cạnh lịch sử của ngôn ngữ như tìm tòi về lịch sử phát triển của ngôn ngữ, liên kết giữa các ngôn ngữ và suy đoán về nguồn gốc xuất hiện của ngôn ngữ. Saussure, trái lại, không quan tâm gì đến khía cạnh lịch sử của ngôn ngữ, thay vào đó ông tập trung phân tích những khuôn mẫu và chức năng của ngôn ngữ ứng dụng hiện đại và đặt trọng tâm vào việc giải thích sự hình thành và duy trì ý nghĩa của từ ngữ cùng những chức năng liên quan đến cấu trúc ngữ pháp. Trong lý thuyết của Saussure, chúng ta có thể tóm tắt vào ba điểm chính: thứ nhất, ý nghĩa của một từ ngữ mang tính chất quy ước (conventional) và tự ý (arbitrary) dựa trên sự cảm nhận chủ quan của con người chứ không tồn tại trong bản thân sự vật; thứ hai, ý nghĩa của từ ngữ mang tính chất liên hệ (relational) và thứ ba, chính ngôn ngữ cấu tạo nên những khái niệm giúp con người cảm nhận về thế giới hiện thực, vì vậy ngôn ngữ mới là nhân tố căn bản cấu tạo hiện thực chứ không phải đóng vai trò ghi nhận hiện thực. Vì sự vật được hình thành từ sự cảm nhận chủ quan của tri thức con người, xuất phát từ cảm nhận đó, tri thức con người sẽ có những hoạt động trừu tượng và liên tưởng để tạo ra một khái niệm về sự tồn tại của sự vật, những khái niệm hình thành trong ý thức con người sau đó sẽ được cấu trúc hoá và ký hiệu hoá bằng ngôn ngữ. Như vậy, sự hình thành ý nghĩa của một từ ngữ mang tính chất hoàn toàn chủ quan và quy ước của con người mà không bao giờ tồn tại từ trước với sự vật của thế giới hiện thực. Không có sự quy định ý nghĩa của ngôn ngữ trong tri thức hiểu biết, hiện thực sẽ chỉ là một thế giới vô hình đối với loài người, một thế giới hỗn độn vô trật tự và thực ra không phải chỉ có một thế giới, mà có thể là không có thế giới nào, hoặc có vô số thế giới tuỳ theo sự cảm nhận và sự hình thành khái niệm riêng biệt trong tri thức của mỗi cá nhân. Ðiều này giúp giải thích tại sao một bệnh nhân tâm thần vô cảm luôn nhìn vào một khoảng không một cách…vô hồn, trong đầu óc người bệnh này không có sự hình thành khái niệm ý nghĩa của ngôn ngữ quy định cho sự vật, mọi thứ đối với bệnh nhân này hoàn toàn vô nghĩa. Trái lại, một bệnh nhân tâm thần hoang tưởng sẽ luôn có cảm giác hoảng hốt lo sợ, vì trước mắt anh ta cái bàn sẽ biến thành chiếc xe tăng hoặc cô gái đẹp sẽ biến thành mụ phù thuỷ chẳng hạn. Người bệnh này đã vượt qua giới hạn quy định ý nghĩa của ngôn ngữ rất xa, trong đầu óc của hắn tồn tại không phải chỉ một khái niệm ý nghĩa mà có thể có rất nhiều ý nghĩa quy định cho một sự vật và các ý nghĩa này thường bị trộn lẫn trong ý thức của hắn. Dù không có sự liên hệ tuyệt đối, nhưng tỉ lệ mắc chứng hoang tưởng ý thức thường xảy ra ở những người…rất nhiều chữ nghĩa!

Saussure, được mệnh danh là nhà cấu trúc ngôn ngữ học (linguistic structuralist), xem ngôn ngữ như một hệ thống hoặc một cấu trúc, vì vậy lý thuyết của ông áp dụng cho bất cứ ngôn ngữ nào, Anh ngữ, Pháp ngữ, Ðức ngữ, Thổ ngữ hay ngôn ngữ điện toán…, và bất cứ một hệ thống cấu trúc nào được gọi là hệ thống ký hiệu (vì vậy mà lý thuyết ngôn ngữ của ông thường được gọi là lý thuyết ngôn ngữ tổng quát). Saussure mô tả những cấu trúc chứa đựng trong ngôn ngữ giúp tạo nghĩa, nhưng ông không đi sâu vào từng cơ chế của quá trình tạo nghĩa trong ngôn ngữ; và những nhà cấu trức luận sau này cũng vậy, họ không quan tâm đến những gì đã làm đầy một cấu trúc, những nét đặc thù của diễn ngôn hay văn bản, mà chú ý chủ yếu đến sự thiết kế khuôn mẫu của một cấu trúc.

a. Bản chất của ký hiệu ngôn ngữ (linguistic sign): Ngôn ngữ dựa trên quá trình đặt tên; từ đó, sự vật gắn kết với từ ngữ hoặc tên gọi; Saussure cho rằng đây là một quan niệm cơ bản tuy có vẻ ngây thơ nhưng rất hữu ích vì nhờ nó mà ông phát hiện ra rằng một đơn vị ngôn ngữ căn bản (basic linguistic unit) bao gồm hai phần: phần khái niệm (concept) và phần tượng thanh (sound image). Ðể ý, phần tượng thanh không có liên hệ gì đến việc tạo ra âm thanh khi chúng ta phát ngôn hoặc khi chúng ta lắng tai nghe người khác nói, tượng thanh theo quan điểm của Saussure là một ấn tượng về tâm lý (psychological impression) in hằn vào tri thức con người khi chúng ta liên tưởng đến từ ngữ ấy. Chẳng hạn khi đọc thầm những bài học trước giờ vào phòng thi chẳng hạn, không có âm thanh phát ra, nhưng trong đầu chúng ta vẫn có ấn tượng về các từ ngữ mình ôn lại.

Ký hiệu ngôn ngữ (linguistic SIGN) được tạo thành bởi sự liên kết hai phần khái niệm và tượng thanh và đây là một liên kết rất gần gũi, vì khái niệm của một ký hiệu ngôn ngữ sẽ gợi ra tính tượng thanh của nó. Ý nghĩa của ký hiệu ngôn ngữ sẽ xuất hiện khi sự kết hợp xảy ra giữa hai phần khái niệm và tượng thanh, ví dụ một người Anh khi nói từ “tree”, âm thanh gây ấn tượng của tree sẽ làm bật lên khái niệm về “tree”. Hay nếu người Việt nói đến từ “trâu”, sự liên tưởng đến khái niệm con trâu sẽ xuất hiện trong ý thức chúng ta. Tổng quát hơn Saussure đã định nghĩa ký hiệu ngôn ngữ là sự kết hợp hai phần: cái biểu đạt (Signifier, SFR) và đối tượng được biểu đạt (Signified, SFD), trong đó: phần tượng thanh (sound image) = SIGNIFIER và khái niệm (concept) = SIGNIFIED; như vậy, từ ngữ sẽ là SFR (cái biểu đạt) và sự vật nó ám chỉ đến là SFD (đối tượng được biểu đạt), mặc dầu chúng có thể được gọi là dấu hiệu (sign) và quy chiếu (referent) một cách tương ứng.

Ký hiệu ngôn ngữ, gọi tắt là SIGN, là sự kết hợp giữa SFR va SFD, có hai đặc điểm: (1) sự liên kết giữa hai phần SFR & SFD là hoàn toàn mang tính chất CHỦ QUAN và TỰ Ý; không có một quy luật tự nhiên hay bất cứ một sự liên hệ biện chứng nào làm cho cái SFR này phải đi đôi với SFD kia, giữa khái niệm và tượng thanh của một ký hiệu ngôn ngữ không bao giờ tồn tại một quan hệ tương liên hay quan hệ nhân quả nào. Ðể minh hoạ cho khái niệm này, chúng ta nên nghĩ đến có rất nhiều từ ngữ ở những ngôn ngữ khác nhau dùng để chỉ một sự vật, ví dụ: con chó, người Việt gọi là chó, người Anh gọi là dog, người Pháp gọi là chien, người Tây Ban Nha gọi là perro, và người Ðức sẽ gọi là hund. Nguyên tắc thứ nhất này bao trùm tất cả mọi ý tưởng về cấu trúc của ngôn ngữ, nhờ đó, làm cho việc phân ly cái biểu đạt và đối tượng được biểu đạt có thể xảy ra hoặc có thể thay đổi quan hệ đã từng tồn tại giữa hai phần này của ký hiệu ngôn ngữ. Cũng nhờ nguyên tắc này mà một SFR có thể có nhiều SFD và ngược lại, một SFD có thể có nhiều SFR; do đó giúp giải thích tính chất tối nghĩa (Ambiguity) hay tính chất đa nghĩa (Multiplicity of Meaning) của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một loại hệ thống ký hiệu (semiological system, semiotic) và bất cứ một hệ thống ký hiệu nào, tạo nên bởi các SFR và SFD, đều được gọi là hệ thống ký hiệu (semiotic hoặc signifying system). (2) Ðặc điểm thứ hai của ký hiệu ngôn ngữ là thời gian tính, và tính chất thời gian trong ngôn ngữ học là đơn tuyến (linear). Không ai có thể phát ngôn hai từ cùng một lúc, mà phải nói từng từ một, trong một chuỗi liên tục từ này nối tiếp từ kia, theo một tiến trình đơn tuyến. Tương tự như vậy, khi viết, chúng ta cũng chỉ viết từng từ ngữ một, từ này nối tiếp từ kia và thông thường chúng ta viết chúng theo một đường thẳng. Ðặc điểm này rất quan trọng, nó cho chúng ta thấy sự hoạt động của ngôn ngữ tiến hành theo chuỗi đơn tuyến (linear sequence) và tất cả mọi yếu tố của một chuỗi nào đó sẽ hình thành một mắt xích. Lấy ví dụ, câu văn được hình thành nhờ từng từ một được viết một cách tuần tự chữ này sau chữ kia vào một chuỗi vàvì vậy các từ trong câu có liên kết chặt chẽ với nhau.

b. Giá trị ngôn ngữ (linguistic value): Saussure cho rằng tư tưởng sẽ không tồn tại nếu không có ngôn ngữ, ngôn ngữ hình thành tư tưởng và làm cho nó có thể diễn tả được. Theo đó các nhà cấu trúc luận và hậu cấu trúc hình thành quan điểm nhấn mạnh đến vai trò ngôn ngữ, ngôn ngữ giúp định hình các khái niệm về thế giới của con người và vì vậy chính ngôn ngữ kiến tạo nên hiện thực. Saussure cũng cho rằng âm thanh cũng như tư tưởng, không có sự cố định, mặc dầu có thể phân biệt giữa âm thanh này và âm thanh khác và vì vậy gắn kết với ý tưởng; âm thanh có thể đóng vai trò của cái biểu đạt (SFR) cho ý tưởng - đối tượng được biểu đạt (SFD). Ký hiệu, theo quan điểm này, sẽ bao gồm cả tính chất thể lý (âm thanh) lẫn tri thức (ý tưởng); điều này rất quan trọng đối lý thuyết ngôn ngữ của Saussure, vì ông luôn tìm cách duy trì một đặc trưng của ngôn ngữ: ngôn ngữ là một hệ thống hoặc một cấu trúc.

Giá trị của ký hiệu được quyết định không phải bằng sự tạo ra các mối liên kết riêng lẻ giữa SFR và SFD, mà giá trị của ký hiệu xuất phát từ toàn thể hệ thống các ký hiệu đã được sử dụng trong cộng đồng. Giá trị là sản phẩm của một cấu trúc hoặc một hệ thống ngôn ngữ (LANGUE) chứ không phải đem lại từ những quan hệ riêng biệt của cặp SFR - SFD (PAROLE). Từ đây, Saussure đã phân biệt giữa Giá Trị (Value) và Ý Nghĩa (Signification); Ý nghĩa chỉ đến mối quan hệ thiết lập giữa một cái biểu đạt (SFR) và một đối tượng được biểu đạt (SFD); trong khi giá trị chỉ đến mối quan hệ giữa các ký hiệu trong một hệ thống. Như Saussure đã định nghĩa: “ngôn ngữ là một hệ thống bao gồm những từ phụ thuộc lẫn nhau mà giá trị của mỗi từ là kết quả thu được bằng sự hiện diện đồng thời của các từ khác” (29). Mối quan hệ quan trọng nhất tạo ra giá trị giữa các yếu tố biểu đạt (SFR) là mối quan hệ khác biệt; một yếu tố biểu đạt có được ý nghĩa trong một hệ thống, không phải là do có mối quan hệ chuyên biệt với một đối tượng được biểu đạt (SFD) mà nhờ nó KHÁC với tất cả các yếu tố biểu đạt khác trong cùng hệ thống đó. Ví dụ, từ ngữ bay có nghĩa là vì nó không phải là bảy, là hay, là xay, là khay vân vân. Xét sâu hơn về quy định phát âm của các mẫu tự, vì sự phát âm của các mẫu tự trong một hệ thống ngôn ngữ là sự quy ước có tính cách tự ý, do đó khi chúng phát âm mẫu tự “t” âm thanh đó có thể được quy định bằng D, X hoặc % chẳng hạn, sự quy ước quan hệ giữa yếu tố biểu đạtđối tượng biểu đạt. Nhưng trong hệ thống alphabet, T có nghĩa (bất luận sự phát âm của nó ra sao) vì nó không phải là A, B hoặc Z; Saussure gọi sự khác biệt để tạo nghĩa này là giá trị âm tính (negative value) - nó có nghĩa vì nó không phải là một yếu tố khác trong cùng hệ thống; chúng ta có thể liên hệ khái niệm âm tính này trong ngôn ngữ điện toán: 1 có nghĩa vì nó không phải là 0, và ngược lại.

c. Quan hệ tuyến tính của ngôn ngữ: Theo Saussure, mối quan hệ quan trọng nhất giữa các đơn vị trong một hệ thống ký hiệu là quan hệ tuyến tính (linear relation) mà Saussure gọi là quan hệ cú pháp (syntagmatic relation). Trong ngôn ngữ nói hay viết, như đề cập ở phần trên, từ ngữ được nói hay viết sẽ xuất hiện từng đơn vị riêng lẻ và nối tiếp, chúng hình thành một chuỗi liên kết các đơn vị ngôn ngữ lại với nhau, trong đó, một từ sẽ có quan hệ với một từ khác xuất hiện trước và sau nó. Mối quan hệ này tạo nghĩa vì tính chất giá trị âm tính, một từ ngữ trong một câu có nghĩa vì nó không phải là từ ngữ đứng trước hay đứng sau nó.

Cấu Trúc Luận Và Phê Bình Văn Học:

Lý thuyết cấu trúc luận đã lôi cuốn nhiều nhà phê bình do bởi tính khách quan khoa học (scientific objectivity) đối với lãnh vực nghiên cứu văn học - thường bị phê phán mang tính chất ấn tượng chủ quan. Saussure không chú trọng đến từng đơn vị PAROLE mà chỉ tập trung vào LANGUE; các nhà cấu trúc luận cũng áp dụng một nguyên tắc tương tự, không quan tâm đến tính chất riêng biệt của từng văn bản; ý nghĩa riêng lẻ của từng văn bản sẽ biến mất, thay vào đó là những khuôn mẫu, hệ thống và cấu trúc. Vì vậy, khi xét đến tính tự sự (narrative), tác giả sẽ bị loại trừ: văn bản chỉ đóng một vai trò chức năng trong một hệ thống chứ không lệ thuộc vào một cá nhân.

Trong khi chủ nghĩa lãng mạn cũng như các khuynh hướng nhân bản khác xem tác giả là cội nguồn của văn bản - người sáng tạo ra văn bản, nên thay vì chú ý đến văn bản nhà phê bình thường tập trung vào tác giả, cấu trúc luận có quan điểm hoàn toàn trái ngược, bất cứ một bản văn nào hoặc bất cứ một hệ thống biểu đạt nào đều không có nguồn gốc; tác giả thuần tuý là người sống trong những cấu trúc đã tồn tại từ trước (pre-existing structures - langue) mà nhờ vào nó, họ viết nên một câu văn hay một câu chuyện - những đơn vị của ngôn ngữ (parole). Do vậy, ngôn ngữ nói lên tư tưởng của con người chứ không phải con người diễn đạt tư tưởng qua ngôn ngữ, như quan điểm của Saussure: chính ngôn ngữ sáng tạo ra tư tưởng.

Sau hết, khi tập trung vào hệ thống cấu trúc theo phương pháp phân tích đồng đại (synchronic analysis), lý thuyết cấu trúc luận đã loại bỏ luôn vai trò của lịch sử đối với văn học; như Claude Lévi-Strauss đã chỉ ra: “trong vũ trụ của cấu trúc, vai trò thời gian sẽ không cần phải xét đến.” Cũng vì chỉ tập trung sự phân tích vào cấu trúc, cấu trúc luận đã không giải thích được sự thay đổi hay sự phát triển của văn học, chẳng hạn các hình thức văn học sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Ðối với một nhà cấu trúc luận, điều quan trong nhất, không phải ở chỗ văn bản đã ra đời như thế nào, vì sao có sự thay đổi về hình thức hay thể loại, mà là cấu trúc nào đã cấu tạo nên chúng.

Với sự loại trừ vai trò tác giả và người đọc, sự phủ nhận ý nghĩa của từng văn bản riêng biệt cũng như sự chối bỏ ảnh hưởng của lịch sử đối với văn học, cấu trúc luận đã làm sụp đổ toàn bộ hệ thống triết lý của các phong trào thuộc chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa thực chứng - những khuynh hướng tạo nên các lý thuyết phê bình truyền thống kéo dài hơn mười mấy thế kỷ.

Trong khi lý thuyết nhân bản và thực chứng tin tưởng rằng có một thế giới hiện thực tồn tại trong vũ trụ và chúng ta có thể hiểu được vũ trụ ấy bằng chính lý trí của chúng ta. Cấu trúc luận không bao giờ chấp nhận có một thế giới hiện thực tồn tại độc lập ngoài ý tưởng của loài người, những gì mà chúng ta gọi là hiện thực đều xuất phát từ ngôn ngữ, chúng ta chỉ có thể suy nghĩ thông qua những khái niệm định hình bằng ngôn ngữ, vì thế mà sự cảm nhận của chúng ta về hiện thực đã được đóng khung và quyết định trước bởi cấu trúc ngôn ngữ.

Lý thuyết phê bình truyền thống lập luận rằng, ngôn ngữ là sản phẩm trí óc của từng cá nhân (tác giả), nghĩa là, chúng ta có toàn quyền quyết định về những gì chúng ta phát ngôn; mỗi cá nhân đều chứa đựng một bản ngã riêng biệt và ngôn ngữ có thể diễn đạt được tính chất đặc thù trong bản ngã cá nhân đó; hơn thế, ngôn ngữ còn có khả năng mô tả thế giới hiện thực một cách chính xác thông qua sự cảm nhận của bản ngã. Theo khuôn mẫu lý thuyết của cấu trúc luận, những cơ sở lý thuyết truyền thống này đều bị phủ nhận. Nguồn gốc của ý nghĩa có căn nguyên từ những hệ thống của ký hiệu, ngữ pháp, sự đối lập, sự tương tác giữa các yếu tố biểu đạt (SFR) chi phối đến ngôn ngữ; ý nghĩa ngôn ngữ xuất phát từ hệ thống điều hành cấu trúc chứ không bắt nguồn từ một cá nhân. Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ để mô tả thế giới hiện thực mà những gì chúng ta cảm nhận được là do ngôn ngữ quyết định, ngôn ngữ đã nói ra tư tưởng của chúng ta.

Bản ngã cá nhân trong lý thuyết nhân bản đóng vai trò chủ thể vì nhờ nó mà chúng ta có thể biểu hiện tư tưởng của chủ thể trong ngôn ngữ. Khi chúng ta phát ngôn TÔI, chủ từ của một câu, nó trở thành trung tâm của mọi ý nghĩa và sự thật. Từ ngữ mà cái TÔI nói ra sẽ mang ý nghĩa những gì cái TÔI muốn nói và sự thật là những gì cái TÔI đó cảm nhận được về đời sống; cái TÔI sáng tạo ra những ý nghĩa của lời phát ngôn thông qua kinh nghiệm của một cá nhân, và ngôn ngữ, một cách thụ động, sẽ diễn đạt về cái TÔI riêng lẻ đó. Thay vì đặt bản ngã cá nhân như một trung tâm của mọi ý nghĩa, cấu trúc luận đặt cấu trúc vào trung tâm - chính cấu trúc phát sinh ra ý nghĩa chứ không phải bản ngã cá nhân. Ngôn ngữ mới là trung tâm của mọi bản ngã và ý nghĩa; cái TÔI có thể phát ngôn cho chính nó vì cái TÔI này đã được sinh ra và dựa vào hệ thống ngôn ngữ trong đó vị trí của chủ thể được xác định (theo quy ước có tính cách tự ý) bằng đại danh xưng ngôi thứ nhất, vì vậy, đặc tính của cái TÔI cũng chinh là sản phẩm của hệ thống ngôn ngữ mà cái TÔI ấy lệ thuộc.

Ứng dụng cấu trúc luận vào phê bình văn học:

Khi ứng dụng cấu trúc luận vào phê bình văn học, một mặt các nhà phê bình đồng ý rằng văn học có một quan hệ đặc biệt với ngôn ngữ, do đó khi tiến hành phân tích một tác phẩm, người ta thường tập trung chú ý đến những bản chất đặc trưng nhất của ngôn ngữ sử dụng trong văn bản. Trên quan điểm này, các nhà phê bình cấu trúc luận đã có cái nhìn về thơ rất gần gũi với trường phái hình thức luận của Nga. Nhưng mặt khác, người ta cũng cho rằng, mặc dầu văn học sử dụng ngôn ngữ như một môi trường chuyển tải, nhưng không nhất thiết cấu trúc của văn học sẽ trùng hợp với cấu trúc của ngôn ngữ và những đơn vị của cấu trúc văn học phải có sự tương đồng với những yếu tố căn bản của ngôn ngữ (parole) (31). Vì vậy, nhà phê bình cần phải có một phương pháp phân tích để làm nổi lên những tính chất bao quát nhất về cấu trúc của một văn bản văn học.

Cấu trúc luận là một lý thuyết tổng quát có tầm ảnh hưởng rộng lớn và phân nhánh đến nhiều ngành khác nhau; khi đưa vào một ngành chuyên biệt như phê bình văn học, cấu trúc luận đã không chỉ ra một phương pháp rành mạch, khu trú, nhằm hướng dẫn nhà phê bình nên làm cái gì trước cái gì sau theo từng bước tuần tự như một đồ án khoa học. Ðể có thể ứng dụng lý thuyết này vào quá trình nghiên cứu văn học một cách nhuần nhuyễn, nó đòi hỏi ở nhà phê bình một sự sáng tạo trong phân tích, sự tinh tế trong quan sát và sự nhuần nhuyễn về kỹ năng. Chẳng hạn trong quá trình nghiên cứu và phân tích thể loại tự sự (narrative), Greimas (32), Barthes (24) và Todorov (33) đã tìm cách phân tích kỹ thuật và cấu trúc của tính chất hư cấu - một ngành nghiên cứu đã dẫn đến khoa nghiên cứu chuyên biệt về thể loại văn học này - Naratology, nhằm tìm ra ngữ pháp riêng cho thể văn tự sự (specific grammar of narrative) hay nói theo ngôn ngữ của Todorov: Thi Pháp của Văn Xuôi (Poetics of Prose) (34). Khi nghiên cứu các yếu tố cấu tạo và những liên hệ giữa các cấu trúc của Sarrasine - một truyện ngắn dài khoảng 30 trang của Honoré de Balzac, Barthes đã viết hẳn một cuốn sách dài đến 200 trang (S/Z, 24) để bàn luận về tác phẩm này; phương pháp phân tích cấu trúc luận của Barthes là chia cuốn sách trên thành 561 lexies (đơn vị ý nghĩa); những lexies sau đó sẽ được phân loại dựa trên năm nguyên tắc (code) và xem chúng như những cấu trúc tiềm tàng của tất cả mọi văn bản trong thể loại tự sự.

Proairetic: chuyên chú vào sự vật trong chuỗi sự kiện xảy ra có tính cách liên tục; quan sát những hành động dễ nhận thấy và ảnh hưởng của chúng.

Semic: lãnh vực nơi các yếu tố biểu đạt này (SFR) liên hệ hoặc đối kháng đến các yếu tố biểu đạt khác để tạo ra một chuỗi những ý nghĩa có thể nhận thấy được; theo nghĩa rộng, đây là quá trình phân tích làm cho ý nghĩa được bật lên.

Hermeneutic: nguyên tắc của sự ngưng đọng mạch văn, bao gồm cả những cách mà một câu chuyện kể tiến dần đến điểm kết, những cấu trúc đồng hiện, tính lập lại vân vân hướng đến sự đóng lại một mạch chuyện.

Symbolic: nguyên tắc làm nổi lên ý nghĩa thông qua giá trị âm tính (difference, negative value), những hệ nhị nguyên mà một nền văn hoá nhất định sử dụng để tạo nghĩa - hệ nhị nguyên chứa đựng cả sự phân ly lẫn sự tái hợp.

Reference: nguyên tắc quy chiếu, quy chiếu và so sánh với những hình thức tri thức khác nhau đã cấu thành xã hội; quá trình này sẽ tạo ra một sự hiểu biết về hiện thực bằng cách tham khảo từ những nguồn gốc văn bản rộng lớn khác đã được phân loại mà xã hội sử dụng để điều hành và tổ chức tri thức trong cuộc sống thực tiễn: Y Khoa, Luật, Ðạo Ðức, Tâm Lý, Triết Học, Tôn Giáo cùng với tất cả những loại ca dao tục ngữ của nền văn hoá cộng đồng.

Sau này, các nhà phê bình cấu trúc luận đã thêm vào một nguyên tắc nữa: nguyên tắc thứ sáu, Diegetic, có thể gọi là tính truyền dẫn của mạch chuyện, nhà phê bình sẽ tìm cách giải mã, từ văn bản, những quy ước truyền thống của thể tự sự để có thể chỉ ra ý nghĩa của mạch chuyện kể như thế nào (35).

Ngoài những nguyên tắc của Barthes nêu trên, sự ứng dụng lý thuyết cấu trúc luận còn cho phép nhà phê bình nghiên cứu và phân tích cấu trúc ý nghĩa trong những văn bản để tìm sự tương đồng và dị biệt thông qua sự so sánh và đối chứng, phép chuyển nghĩa (tropes), sự lập lại của những điểm khác biệt vân vân; chẳng hạn như Hayden White (36) phân tích thể tự sự lịch sử Tây Phương thông qua lý thuyết của phép chuyển nghĩa; Lodge (37) đã chứng minh được phép ẩn dụ (metaphor) và phép hoán dụ (metonymy) có thể hình thành những cấu trúc căn bản trong các văn bản của khuynh hướng tượng trưng (symbolism) và chủ nghĩa hiện thực (realism). Dưới lăng kính của lý thuyết cấu trúc luận, sự nghiên cứu về thuyết sao phỏng (mimesis) - một hình thức biểu hiện của hiện thực theo lý thuyết của Socrate và Plato, đã trở thành sự phân tích và đào sâu vào tiến trình tự nhiên hoá, lý giải những tác động của hiện thực và làm rõ quá trình tạo ra sự cảm nhận từ hiện thực vào con người; đồng thời nghiên cứu cấu trúc của những quy ước cổ điển về ý nghĩa của văn bản. Văn bản cũng sẽ được mổ xẻ những chi tiết về các cấu trúc đối lập, đặc biệt là quan hệ đối lập nhị phân, hay sẽ tìm kiếm những cấu trúc truyền dẫn biểu hiện cho những mối quan tâm chính yếu của xã hội hoặc những cấu trúc tưởng tượng hiện thân cho xã hội đó. Sau cùng, phê bình cấu trúc luận sẽ phân tích để thấy được những nguyên tắc và quy ước văn hoá biểu hiện qua những hệ thống cấu trúc chứa đựng trong văn bản; chúng ta có thể đọc văn bản như một cách để hiểu được những cấu trúc chứa đựng ý nghĩa của những nền văn hoá khác nhau hay ngay cả những cấu trúc văn hoá ở đơn vị nhỏ hơn mà chúng đã được viết nên và biểu hiện trong văn bản.

Một cách tóm tắt, thay vì đi ngay vào nội dung và nhấn mạnh đến những ý nghĩa đạo đức của tác phẩm hoặc sự diễn dịch văn bản như các lý thuyết phê bình truyền thống, nhà phê bình cấu trúc luận sẽ tìm kiếm những hệ thống tương đương, sự bùng vỡ một cấu trúc thông thường, sự phản ánh, sự lập lại, những tính chất đối kháng và những khuôn mẫu rõ rệt vân vân để cắt nhỏ và tái phối trí văn bản thành một biểu đồ ý nghĩa của hệ cấu trúc trung tâm, của các tình tiết, của những đặc tính và của các động cơ nhân vật, của cấu trúc hoàn cảnh, của ngôn ngữ và hình tượng, trước khi đi đến sự diễn dịch ý nghĩa sau cùng của văn bản.

Ưu điểm nổi bật nhất và có tính khoa học khách quan nhất của Cấu trúc luận là đưa cấu trúc văn bản vào vị trí trung tâm tạo nghĩa, bằng cách này, như đã bàn luận ở phần trên, lý thuyết cấu trúc luận đã loại trừ những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến quá trình phê bình văn học như: tác giả, hiện thực, lịch sử cùng những yếu tố mang màu sắc kinh nghiệm và đạo đức xã hội của khuynh hướng nhân bản - nơi cái TÔI chủ thể luôn đóng vai trò then chốt của mọi động hướng phê bình. Nhưng cũng chính tại điểm sinh tử của cấu trúc trung tâm này, cấu trúc luận đã bị tấn công và rồi bộc lộ hết những khiếm khuyết của nó, mỡ đường cho một học thuyết mới ra đời: Giải Cấu Trúc (Deconstruction) hay hậu cấu trúc luận (Post-structuralism).

Giải cấu trúc: Con Người Ðang Sống Trong Thế Giới Của Các Hệ Thống Bất Ðịnh - Nơi Các Trung Tâm Trượt Ði Trong Mạng Lưới Chằng Chịt Của Các Văn Bản

Giải cấu trúc (Deconstruction) hay hậu cấu trúc luận (Post-structuralism) xuất hiện tại Pháp vào cuối thập niên 1960, gắn liền với hai khuôn mặt: Jacques Derrida - một triết gia, tác giả của luận văn “Structure, Sign and Play in the Discourse of the Human Sciences” (1966) (38) - công trình phê bình triết học đánh dấu cho sự ra đời của Deconstruction; người thứ hai, Roland Barthes - nhà ký hiệu học và cũng là nhà phê bình văn học lừng lẫy tại Paris. Người ta cho rằng lý thuyết giải cấu trúc, dù không phải là tất cả, nhưng chủ yếu và phần lớn bắt nguồn từ những công trình phê bình triết học của Jacques Derrida; trong khi, R. Barthes (dù không muốn phủ nhận sự đóng góp của ông) chỉ là nhà thực hành hậu cấu trúc luận (practical poststructuralist critics). Những công trình của Barthes trong khoảng thời gian trên bắt đầu có sự chuyển đổi từ cấu trúc luận sang hậu cấu trúc, sự chuyển hướng trong lý thuyết phê bình này có thể nhận thấy rõ qua sự so sánh hai luận văn xuất hiện cách nhau bảy năm: Khởi Ðầu cho việc Phân Tích Cấu Trúc Của Tính Tự Sự (Introduction to the Structural Analysis of Narrative, 1966) (39)Ðiều Thú Vị của Văn Bản (The Pleasure of the Text, 1973) (40). Tính chất khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu giữa hai luận văn trên đã đánh dấu sự chuyển hướng nhanh chóng của Barthes trong đường hướng phê bình; trong khi cuốn đầu mang màu sắc chặt chẽ ở phương pháp với những kỹ thuật phân tích dựa trên nền tảng của cấu trúc luận, thì luận văn thứ hai, chỉ là loạt bài bình luận về thể tự sự sắp xếp theo trật tự alphabet - một cách trình bày nhằm nhấn mạnh một cách có chủ ý về tính chất ngẫu nhiên; giữa hai luận văn trên là Cái Chết của Tác Giả (The death of Author) (1968, 29) báo hiệu sự chuyển hướng lý thuyết của Barthes. Phải thừa nhận rằng, trong những thập niên sau cùng của thế kỷ hai mươi, Roland Barthes là nhà phê bình có tầm ảnh hưởng rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong lãnh vực lý thuyết phê bình, công trình nghiên cứu và phê bình của ông đã gần như xuất hiện đồng thời với các chủ thuyết lớn, dù rằng ông thuần tuý là nhà phê bình chứ không phải là nhà tư tưởng.

Giải cấu trúc xuất phát từ lý thuyết triết học tại Pháp nhưng lại tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ vào văn học chủ yếu tại Hoa Kỳ thông qua các nhà lý thuyết của trường đại học Yale (New Haven, Connecticut) (41). Giải cấu trúc thu hút được giới phê bình văn học một phần vì nó nhìn nhận tất cả mọi tác phẩm là kết quả của một quá trình tương tác tinh vi của lịch sử và văn hoá, có nguồn gốc từ những sự liên hệ của hệ thống liên văn bản (intertexuality) và từ những định chế cũng như những quy ước của văn học. Phần khác, giải cấu trúc đã tác động mạnh vào giới phê bình vì tính chất đa phương và cường độ mãnh liệt trong sự tấn công vào những nền tảng được xem là căn bản vững chắc nhất của tri thức luận Phương Tây (Western epistemology): Khoa Học và Tri Thức con người. Giải cấu trúc tấn công trực diện vào thành trì của nền tảng triết lý này bằng cách tranh luận rằng tri thức con người không có khả năng và không thể có khả năng tìm đến sự thật tuyệt đối (vì không bao giờ có một sự thật khách quan hằng hữu và bất biến tồn tại trong vũ trụ) - sự thật phát hiện dưới ánh sáng khoa học, một biểu hiện của tri thức, đơn giản chỉ là những cảm nhận chủ quan và rất tương đối. Sau hết, giải cấu trúc lật đổ quan niệm cấu trúc ngôn ngữ của cấu trúc luận khi phản bác rằng, ngôn ngữ hoạt động theo một cách thức vô cùng tế vi và đôi khi ở trong tình trạng mâu thuẫn, chứ không tồn tại như những khuôn mẫu cấu trúc hằng định, vì vậy sẽ không có một cấu trúc văn bản nào bền vững với thời gian; thêm vào đó, tính chất năng động của thực tiễn trong ngôn ngữ sẽ luôn luôn vượt qua mọi hiểu biết của chúng ta, ngôn ngữ trượt đi trong một mạng lưới chằng chịt và sự phi tâm hoá (decenteralization) sẽ làm cho chúng chuyển dịch không ngừng nghĩ trong hệ thống liên văn bản.

Giải cấu trúc - Những Nền Tảng Lý Thuyết Căn Bản

Trong lý thuyết giải cấu trúc, có hai điểm mở đầu hết sức quan trọng và thiết yếu: thứ nhất, muốn phân tích một vấn đề, một sự kiện, một văn kiện hay một tác phẩm - văn bản, giải cấu trúc chỉ quan tâm đến cấu trúc và hệ thống chứ không xét đến từng đơn vị cá biệt; mọi cấu trúc và mọi hệ thống luôn luôn tồn tại một TRUNG TÂM (CENTER). Thứ hai, mọi hệ thống cấu trúc đều được tạo nên từ ít nhất là một cặp đối lập nhị phân (binary oppositional pair), và trong mọi cấu trúc căn bản đó, nguyên tắc của sự khác biệt (différance, principle of difference) phải được xác định vị trí trung tâm, trung tâm khác biệt này (différance) vừa mang tính chất bản thể (ontology) vừa mang đặc tính ký hiệu (semiotics); mọi sự vật ngay trước khi xuất hiện đã tồn tại một trung tâm khác biệt, vì chỉ nhờ vào sự khác biệt này mà một vật này không bị trộn lẫn bởi vật kia.

Theo Derrida, trong mỗi đơn vị cấu trúc của hệ thống, một trong hai phần của cặp đối lập nhị phân (binary oppositional pair), đóng vai trò quan trọng hơn phần còn lại. Phần trội hơn, quan trọng hơn, được đánh dấu là dương tính (positive part), phần kia là âm tính (negative part). Trong lý thuyết căn bản của triết lý phương Tây, phần đứng trước, Derrida lý luận, luôn luôn có giá trị hơn (hay quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn, có ích hơn…) phần đứng sau; vì vậây, cặp Tốt/xấu, Hiền hậu/gian ác, Sáng/tối, Nam/nữ, Phải/trái, các yếu tố đứng trước bao giờ cũng có giá trị trấn áp so với phần đứng sau. Trong công trình nổi tiếng nhất của mình, Of Grammatology (42), Derrida đã chú ý một cách đặc biệt đến cặp đối lập Nói/viết và kết luận rằng: Nói thì bao giờ cũng quan trọng hơn viết. Ðiều này không tự chứng minh một cách rõ ràng như cặp Lương Thiện/gian ác, nhưng khi xét đến khía cạnh lý thuyết ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy vì sao J. Derrida đã kết luận như vậy. Theo căn bản ngôn ngữ học, Nói được xem là hình thức đầu tiên của ngôn ngữ và Viết chỉ là một hoạt động ký âm của Nói; thêm vào đó, Nói còn chiếm vị trí trội hơn Viết vì nói gắn liền với tính chất của sự hiện hữu, và khi nói, một ai đó phải có mặt để phát ngôn. Ý tưởng này của Derrida được suy luận như sau: một từ ngữ phát ngôn sẽ bảo chứng cho sự tồn tại của một chủ thể tiến hành hành động phát ngôn - điều này hoàn toàn trùng hợp với, và củng cố cho, quan điểm chủ yếu của tư tưởng lý thuyết nhân bản truyền thống: có một bản ngã thực sự nơi khởi thuỷ cho những gì đang được phát ngôn. Derrida gọi sự tồn tại của một bản ngã làm hành động phát ngôn này là một phần của lý thuyết siêu hình phương Tây: SỰ HIỆN HỮU (PRESENCE); ý tưởng về sự Hiện Hữu (the idea of being or presence) là TRUNG TÂM đối với tất cả các hệ thống của triết lý Tây Phương, từ Plato cho đến thời đại của Derrida. Sự hiện hữu còn là một yếu tố trong cặp đối lập nhị phân Hiện hữu/vắng mặt, trong đó Hiện Hữu đóng vai trò ưu thế. Phát ngôn gắn liền với sự Hiện Hữu, và hai yếu tố trội này sẽ trấn áp hai yếu tố lặn: viết và vắng mặt - tính chất ưu thế đặc quyền của phát ngôn và hiện hữu là những tính chất mà Derrida gọi là LÝ TÂM LUẬN (LOGOCENTRISM).

Ứng dụng lý thuyết cặp đối lập nhị phân và lý tâm luận vào kinh thánh, chúng ta có thể giải thích câu nói khải huyền sau đây: hãy đến với nguồn sáng của ta. Tuyên ngôn này khẳng định: có một Thượng Ðế hằng hữu, vì Thượng Ðế là cội nguồn của câu khải huyền, người phát ngôn và vì sự phát ngôn gắn liền với sự hiện hưũ; Thượng Ðế hằng hữu là nguồn gốc phát sinh của mọi sự vật vì Thượng Ðế sáng tạo ra thế giới muôn loài bằng sự phát ngôn; và những gì mà Thượng Ðế khởi sự công cuộc sáng tạo là tạo nên các cặp đối lập nhị phân bắt đầu từ cặp Ánh Sáng/bóng tối. Chúng ta cũng có thể liên hệ đến các cặp nhị phân khác như Gần/xa, Ðẹp/xấu, Lý trí/ngu muội, Nam/nữ, Âm Thanh/thinh lặng, Văn Hoá/thiên nhiên, Tinh Thần/thể xác vân vân. Mỗi phần trong cặp nhị phân có nghĩa nhờ vào tính chất quy chiếu vào phần kia, chẳng hạn như Gần có nghĩa vì nó không xa hoặc ngược lại; tương tự như trong lý thuyết tổng quát về ngôn ngữ hiện đại của Saussure: Những yếu tố biểu đạt (SFRs) có nghĩa nhờ giá trị âm tính trong tương quan với các yếu tố biểu đạt khác cùng tồn tại trong một hệ thống. Những cặp đối lập nhị phân này là những cấu trúc cơ bản (fundamental structures) trong triết học Tây Phương, và đây sẽ là đối tượng mà Jacques Derrida sẽ tìm cách giải cấu trúc (to deconstruct).

Do bởi tính chất trấn áp trong cặp đối lập nhị phân mà mọi hệ thống cấu trúc phải có một trung tâm, nơi phát xuất của toàn bộ hệ thống và các trung tâm này sẽ xác quyết một ý nghĩa của hệ thống, ít nhất là tính chất hiện hữu của nó. Nếu xét cơ thể sống (cả về tinh thần lẫn thể lý) của chúng ta là một hệ thống bao gồm nhiều thành tố như suy nghĩ, cảm nhận, chạy, nhảy, la hét.., thì tâm bản vị của hệ thống đó sẽ là BẢN NGÃ - cái TÔI, một cái tôi ổn định, thống nhất và chặt chẽ, đó là phần khởi thuỷ làm cho tôi biết khi tôi phát ngôn “TÔI.” Ðiểm xuất xứ bản ngã TÔI này trở thành TRUNG TÂM của hệ thống TÔI - là LANGUE của sự hiện hữu hệ thống TÔI và mọi phần khác (như suy nghĩ, hành động) sẽ là PAROLE của hệ thống đó. TÔI là nơi bắt đầu của mọi việc làm và lời nói, mà hệ thống TÔI tiến hành và bản ngã TÔI khẳng định sự hiện hữu của hệ thống TÔI.

Ðối với triết lý truyền thống của tây phương chúng ta có thể tìm ra rất nhiều khái niệm đóng vai trò TRUNG TÂM cho cả một hệ tư tưởng kéo dài hàng chục thế kỷ, ví dụ như tồn tại (being), cơ bản (essence), chất liệu (substance), sự thật (truth), hình thức (form), ý thức (consciousness), đàn ông và Thượng Ðế vân vân. Derrida phân tích các trung tâm này và chỉ ra rằng, mỗi một khái niệm vừa nêu, được thiết đặt để trở thành một trung tâm của một hệ thống với hai đặc điểm: thứ nhất, trung tâm là nơi phát xuất của hệ thống và bảo đảm cho mọi thành phần trong hệ thống đó có được tính chất tương liên; thứ hai, trung tâm này cũng là yếu tố VƯỢT RA NGOÀI HỆ THỐNG, không được điều phối bởi các quy luật của hệ thống.

Derrida cho rằng TRUNG TÂM là phần cốt lõi có tính chất sinh tử của mọi hệ thống; đó là nơi mà chúng ta sẽ không có một phương cách nào thay thế nếu bị khiếm khuyết. Tại TRUNG TÂM, một nhân tố duy nhất có thể hiện hữu là yếu tố TRUNG TÂM; không có bất cứ một thành tố nào trong hệ thống có thể thay thế được nó - trung tâm bao giờ cũng mang tính tuyệt đối.

Ðể làm rõ điểm này, Derrida phân tích những đặc điểm của vai trò trung tâm trong hệ thống thần học Thiên Chúa Giáo La Mã - Thượng Ðế, làm ví dụ minh hoạ. Như ai cũng biết, trong triết học của Thiên Chúa Giáo, Thượng Ðế là cội nguồn phát sinh ra muôn loài và tất cả mọi yếu tố cần thiết cho sự sống - Thượng Ðế là trung tâm của đời sống nhân loại. Không có bất cứ một vật thể hay một sinh vật nào trên thế giới và trong vũ trụ có thể thay thế Thượng Ðế, ngài là đấng chí tôn là nơi tạo ra mọi sự sống, ngài là đấng hằng hữu và quyền năng.

Derrida cũng chọn khuôn mẫu của lý thuyết ngôn ngữ Saussure để phân tích về vai trò trung tâm: theo Saussure, giá trị của Sign bắt nguồn từ Sự Khác Biệt (Difference) - ý tưởng dựa trên tính chất có thể hoán đổi (exchangeability) giữa các đơn vị ký hiệu: động từ thì khác với danh từ, danh từ thì khác với tính từ, nhưng tựu chung chúng đều là từ ngữ và vẫn có thể hoán đổi được; nhưng Sự Khác Biệt thì không thể hoán đổi, nó là trung tâm của hệ thống.

Derrida kết luận: “trung tâm của một hệ thống là yếu tố không có giá trị tương đương và không có bất cứ một yếu tố nào trong hệ thống có thể thay thế hay hoán đổi, nó là khởi thuỷ và cũng là chung cục cho mọi yếu tố trong hệ thống quy chiếu đến.” Cũng vì lý do này mà Derrida cho rằng, trung tâm trở thành một yếu tố ngoại lệ kỳ lạ của hệ thống, một yếu tố phá cách như lời của Derrida: “trung tâm là một phần của hệ thống nhưng lại vượt thoát tính chất cấu trúc của hệ thống.” (38, trang 84). Ông chỉ ra, Thượng Ðế sáng tạo thế giới và vũ trụ, điều hành vũ trụ và chịu trách nhiệm cho mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ nhưng lại không phải là một yếu tố của vũ trụ! Như vậy, trung tâm là nơi phát xuất sự mâu thuẫn, vì nó là phần cốt yếu kiến tạo nên hệ thống mà không thuộc trong hệ thống, nó không phải là một thành phần của tính toàn thể (totality) - tính chất trung tâm, tự bản chất của nó, đã bị PHI TÂM HOÁ (decenteralization). Cấu trúc trung tâm, dưới quan điểm của cấu trúc luận đóng phần quan trọng nhất của một hệ thống, trở thành mâu thuẫn trong tính chặt chẽ của nó, nói theo ngôn ngữ của Derrida: sự chặt chẽ một cách mâu thuẫn (contradictorily coherent).

Trong lý thuyết triết học phương Tây, theo Derrida, mọi hệ thống cần phải ổn định, hiện hữu và thống nhất một cách chặt chẽ - một hệ thống toàn trị (totalization) bao gồm đầy đủ mọi phương tiện tri thức như triết lý, khoa học, xã hội học vân vân để có thể giải thích được mọi vấn đề về vũ trụ hiện thực (38, trang 91). Derrida cho rằng không thể có và sẽ không bao giờ có một hệ thống lý thuyết mang tính chất toàn trị như thế vì trong bất cứ một hệ thống nào cũng đều có những nhân tố tự do vượt thoát ra ngoài sự chi phối của trung tâm, ông gọi đó là “trò chơi” như “trò chơi của ngôn ngữ chẳng hạn” (play of language).

Khi đưa vào ứng dụng lý thuyết giải cấu trúc, những gì Derrida tiến hành là quan sát các cặp đối lập nhị phân - đơn vị cơ bản của một cấu trúc, có chức năng gì trong hệ thống. Tìm cách chứng minh sự bất cân xứng ngay trong hai yếu tố của cặp đối lập: A không bằng b, nhưng A sẽ không có nghĩa nếu không có b và ngược lại. Ông không tìm cách chứng minh điều ngược lại là b có thể trội hơn A trong đơn vị A/b để phá bỏ tính chất nguyên lý của hệ thống. Thay vào đó là tìm cách phá vỡ lằn ranh đối lập giữa hai yếu tố, tính chất đối lập sẽ bị khủng hoảng ngay trong đơn vị nhỏ nhất của hệ thống, sự gắn kết sẽ trở nên lỏng lẻo và một trong hai yếu tố sẽ bị trượt ra ngoài nguyên tắc của hệ thống, trở thành yếu tố tự do (play). Từ ngữ Deconstruction (giải cấu trúc) ở đây là sự kết hợp của hai từ construction/destruction (xây dựng và phá huỷ), giải cấu trúc không xây dựng và cũng không phá huỷ một hệ thống; hệ thống đã tồn tại từ trước, những gì cần làm là tìm ra các đơn vị đối lập nhị phân trong cấu trúc của hệ thống và chứng minh tính chất gắn kết, bền vững, thống nhất và hiện hữu của nó bị mâu thuẫn nội tại với chính tính chất biện chứng cấu tạo nên hệ thống đó; một trong hai thành tố của cặp đối lập nhị phân trở thành yếu tố play; play mang nghĩa vượt thoát và phá vỡ sự hiện hữu của tính chất biện chứng gắn chặt hai yếu tố trong cặp đối lập lại với nhau. Vì như đã đề cập ở phần trên, một trung tâm sẽ luôn chứa đựng hai tính chất: tính ổn định (stability) và tính gắn kết (fixity) - những tính chất không thể thiếu của sự hiện hữu (presence). Bất cứ một hệ thống nào chỉ có thể được xem là hoàn toàn hiện hữu nếu nó ổn định và gắn kết mà không mang tính chất giả định hay dịch chuyển; Play là sự phá vỡ tính chất hiện hữu (play is the discruption of presence) (38, trang 93).

Giải cấu trúc và Phê Bình Văn Học

Giải cấu trúc phủ nhận sự tồn tại của một cấu trúc căn bản hằng định, sẽ không bao giờ có những nguyên lý cấu trúc của ngôn ngữ đã từng hiện diện một cách bất biến từ trước mà thực tế là tất cả mọi cấu trúc đó đều có tính cách lịch sử, tạm thời và ngẫu nhiên, hoạt động thông qua quá trình biệt hoá và dịch chuyển. Tất cả mọi văn bản đều được cấu tạo bằng sự khác biệt với, và có nguồn gốc từ, các văn bản khác. Những gì mà chúng ta biết đến là văn bản, không có gì ngoài văn bản, văn bản là một hệ thống liên hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ.

Giải cấu trúc về bản chất là lý thuyết của việc đọc chứ không phải là lý thuyết văn học, nó có thể áp dụng cho việc đọc bất cứ một văn bản nào, chính Derrida khởi đầu xây dựng lý thuyết này từ việc “đọc lại” các văn bản triết học để chỉ ra tính chất mâu thuẫn siêu hình học và tính chất lịch sử của văn bản đã từng được tuyên xưng và xác quyết sự thật tuyệt đối. Văn bản văn học trở thành cánh cửa mở rộng cho lý thuyết giải cấu trúc vì nó dựa hẳn vào tính chất đa nghĩa của từ ngữ, dựa vào tính chất loại trừ, sự thay thế, vào tính chất liên văn bản, vào tính chất liên kết lịch sử của ý nghĩa và ký hiệu ngôn ngữ, dựa vào sự hoạt tác của ý nghĩa… Một văn bản càng có tính chất siêu hình chừng nào, càng nhiều ý nghĩa chừng nào và càng có tính chất phổ thông chừng nào thì càng khích động lối đọc giải cấu trúc chừng đó. Tương tự như sự hàm ý đọc theo phương pháp văn học để đưa được ý nghĩa văn học lên mức độ cao nhất của tính phổ biến thì lối đọc văn học cũng sẽ thu hút một đối lực tương đương về sự phủ nhận phương pháp đọc này. Như chính Derrida xác định: “văn học càng được viết nhiều thì càng làm xáo trộn giới hạn của nó hoặc cần để cho nó được tái xét” (38). Ðọc văn bản theo phương pháp giải cấu trúc không phải là thực hành một quá trình giải mã các ngữ điệp chứa đựng trong văn bản; đó là một quá trình đi vào sự hoạt tác tư tưởng của sự mâu thuẫn, quy chiếu đa phương, là những nghi vấn vô tận về những kết luận và phản ứng. Một văn bản càng ít tính chất đối lập, ít tương phản, ít đối kháng.. thì người đọc cần phải tìm kiếm những cấu trúc tư tưởng tiềm tàng, đặt ra những giả định thừa nhận những gì nó phủ nhận và tìm cách phủ nhận những gì nó khẳng định về ý nghĩa.

Ðọc theo Derrida là “phải luôn luôn nhắm đến một quan hệ nhất định mà người viết không nhận thức được, giữa những gì mà hắn điều khiển và những gì hắn không chế ngự những khuôn mẫu ngôn ngữ hắn sử dụng… là một cố gắng đem ra ánh sáng những gì không thấy được” (42, trang 158 - 163). Giải cấu trúc không đồng nghĩa với sự phá huỷ (destruction) mà trên thực tế nó rất gần gũi với ý nghĩa của sự phân tích có từ nguyên của sự tháo gỡ; giải cấu trúc một văn bản không có nghĩa là đọc một cách ngẫu hứng, bất định và phá bỏ cấu trúc văn bản một cách tự ý, thay vào đó là sự tách rời hết sức cẩn thận những xung lực gây hấn về ý nghĩa chứa đựng trong văn bản (43, trang 5).

Việc đọc của một nhà phê bình giải cấu trúc là một sự phản biện văn bản để làm bộc lộ những sự vô thức tiềm ẩn trong ngôn ngữ, ở những điểm mà ý nghĩa bị che khuất, có thể trở nên mâu thuẫn với những ý nghĩa bộc lộ một cách rõ ràng. Ðây là hình thức đọc trong tư thế đối lập để tìm ra những khía cạnh thiếu tính nhất quán trong văn bản nhắm đến việc soi sáng các đặc điểm hỗn loạn dấu kín đằng sau bề mặt đồng nhất, một lối đọc đi ngược với phương pháp đọc gần của lý thuyết Phê Bình Mới (New Criticism) - kiến tạo sự đồng nhất trên các biểu hiện rời rạc. Ðể đạt được mục đích này, các nhà phê bình giải cấu trúc thường tập trung vào một chi tiết nào đó của văn bản có vẻ như ngẫu nhiên, chẳng hạn như cố định sự phân tích vào một phép ẩn dụ (metaphor) đã được sử dụng trong mạch văn, rồi dùng nó như một trục chính của toàn bộ văn bản và việc đọc sẽ được tiến hành thông qua phép so sánh và đối chiếu với trục văn bản đó.

Sau cùng, nếu dựa trên phương pháp của trường phái cấu trúc luận, chúng ta sẽ cố gắng phát hiện những đặc trưng cấu trúc như tính tương đương, sự phản hồi, tính cân bằng, tính lập lại, tính cân đối, tính đối kháng, tính chất đối xứng hay một khuôn mẫu xác định nào đó, xuất hiện một cách rõ ràng và bền vững, với mục đích sau cùng là chứng minh tính nhất quán và đồng bộ về cấu trúc chứa đựng trong văn bản; một hành động nói thay cho văn bản những gì nó muốn hướng đến ý nghĩa sau cùng. Lý thuyết giải cấu trúc sẽ hướng dẫn nhà phê bình đi theo con đường ngược lại để chỉ ra: văn bản luôn chứa đựng những sự đối kháng nội tại, phân ly và bất nhất. Với kiểu mẫu phân tích này, chúng ta thường thấy các nhà giải cấu trúc chú ý đến những tính chất cắt đoạn, những điểm vỡ trong mạch văn và những khoảng trống giữa các sự kiện, xem đó như những bằng chứng của ý nghĩa bị che phủ trong văn bản; hoặc một đoạn văn sẽ được đọc với sự tập trung tối đa vào sự phân tích từng khía cạnh nhỏ để chỉ ra tính chất thiếu biện chứng ở ngay trong từng đơn vị ý nghĩa - những cặp đối lập nhị phân; thao tác này sẽ làm cho văn bản không thể nào tồn tại như một thể đồng nhất và ngôn ngữ xử dụng của nó sẽ bùng vỡ và tạo ra tính chất đa nghĩa của từ ngữ, tác phẩm sẽ thu được nhiều ý nghĩa ở những góc độ phân tích khác nhau.

Thay lời kết

Dẫu đồng ý hay chống đối hệ tư tưởng đã và đang tạo ra những tầm ảnh hưởng rộng lớn về nhiều khía cạnh của đời sống như lý thuyết giải cấu trúc vừa trình bày ở phần trên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, thế giới chúng ta đang sống đã thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn đa văn hoá và toàn cầu hoá. Trong bối cảnh ấy, lý thuyết văn học nói chung hay lý thuyết phê bình nói riêng cũng đã thay đổi để bắt kịp với đà tiến hoá của nhân loại, mà tính chất cấp tiến nhất của các lý thuyết này là sự chấp nhận mọi ý kiến của mọi chủng tộc, của tất cả các cộng đồng văn hoá khác nhau. Một viễn ảnh của thế giới tiến dần đến một nền Cộng hoà Văn hoá: văn hoá điện tử - một môi trường không có sự phân biệt giới tính, quốc gia, chủng tộc, tuổi tác, chính kiến, một thế giới hậu hiện đại, đang dần dần định hình ngày một rõ nét hơn. Ðó cũng là lý do, theo tôi, chúng ta cần phải cố gắng bắt kịp những nền tảng lý thuyết đã có tác động mạnh mẽ đến văn học thế giới; muốn thế, thiết tưởng trình bày những hệ lý thuyết văn học xem ra đã khá cũ vẫn có mục đích của nó: trang bị cho mình một nền tảng tri thức có tính cách kinh điển để có thể phát hiện kịp thời những cái mới một cách nhanh nhạy, đồng thời làm sáng thêm những lý thuyết hậu hiện đại mà Việt đã chủ trương trong số báo trước.

Melbourne, 30/6/2001.

Tài Liệu Tham Khảo

[]24 Barthes, R. (1975) S/Z. London: Jonathan Cape; translated by Richard Miller from S/Z: Editions du Seuil, Paris.

[]25. Barthes, R. The Semiotic Challenge, translated by Richard Howard, Blackwell (1988); section 3.

[]26. Culler, J. (1975) Structuralist Poetics. Routledge, USA.

[]27. Scholes, R. (1974) Structuralism in Literature: An Introduction. Yale University Press.

[]28. Hawkes, T. (1977) Structuralism and Semiotics. Methuen, UK.

[]29. Barthes, R. The Death of the Author. In Image, Music, Text, translated by Stephen Heath, London: Fontana, 1977; pp. 145 - 147.

[]30. Adams, H. and Searle, L. (1986) Critical Theory Since 1965. University of Florida Press; p. 650.

[]31. Selden, R. (1989) A Reader’s Guide to Contemporary Literary Theory. Hertfordshine: Harvester Wheatsheaf; 2nd Ed., p.56.

[]32. Greimas, A. -J. (1966) Structural Semantics. Translated by Denicle McDowell et al. Lincohn and London: University of Nebraska Press, 1983; pp. 200 - 208. French Original: Sémantique structurale. Paris: Larouse, 1966.

[]33. Todorov, T. (1975) The Fantastic: A Structural Approach to a Literary Genre. Translated by Richard Howard. Ithaca: Cornell University Press.

[]34. Todorov, T. (1977) The Poetics of Prose. Translated by Richard Howard. Ithaca: Cornell University Press and addition of The Typology of Detective Fiction.

[]35. Genette, G. Narrative Discourse. Oxford University Press, 1980 & Figures of Literary Discourse, Oxford University Press, 1982.

[]36. Rivkin, J. & Ryan, M. (1998) Literary Theory: An Anthology. Malden, Massachussetts, USA: Blackwell Publishers.

[]37. Lodge, D. (1980) Working with Structuralism. London.

[]38. Derrida, J. Structure, Sign and Play in the Discourse of Human Sciences. Reprinted in short form in K. M. Newton’s Twentieth Century Literary Theory: A Reader, MacMillan: 1988.

[]39. Barthes, R. Introduction to the Structural Analysis of Narrative. In Image, Music, Text edited by Stephen Heath; London: Fontana, 1977; pp. 123 - 124. From the Ogirinal French “Introduction à l’analyse structurale des récits”, Communications, No. 8 (1966).

[]40. Barthes, R. (1973) The Pleasure of The Text. Translated by Richard Miller, Hill & Wang: 1975.

[]41. Còn gọi là trường phái giải cấu trúc đại học Yale (deconstructionist school of Yale University) bao gồm các tên tuổi nổi tiếng như Paul de Man, J. Hillis Miller, Geoffrey H. Hartman and Harold Bloom, chủ yếu khai triển học thuyết của J. Derrida và được mệnh danh là những nhà phê bình theo thuyết hư vô (nihilism), tương đối (relativism) và hoài nghi (skepticism).

[]42. Derrida, J. Of Grammatology. Translated by Gayatri Chakravorty Spivak; Johns Hopkins University Press, 1976).

[]43. Johnson, B. (1980) The Critical Difference: Essays in the Contemporary Rhetoric of Reading. Baltimore, Md; p.5.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021