ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Không đề


El recuerdo se va
por mi memoria larga, removiendo
con finos pies las hojas secas
 
Kỷ niệm đi
trên con đường rộng của ký ức, chạm vào
lá khô xào xạc với đôi chân thanh mảnh của mình
 
Juan Ramon Jimenez

 

Thật sự mà nói, tôi không biết nói gì về bản nhạc điện tử này. Biết rõ mình sẽ phải làm cái gì đó vì cái đề tài cứ ám ảnh gần suốt cuộc đời, nhưng không xác định được một nguồn cụ thể nào có thể gọi là cảm hứng trực tiếp để âm thanh tuôn ra. Khổ thơ của Juan Ramon Jimenez tôi đã đọc cách đây hơn một thập kỷ, Thanh Lam hát a capella bài “Tôi ru em ngủ” của Trịnh Công Sơn tôi cũng đã nghe lâu lắm rồi. Bài viết gần đây nhất của tác giả Nguyễn Hưng Quốc về thơ và lời nhạc[1] chỉ gợi mở về hướng đi mới trong trong quá trình sắp đặt âm thanh, và quyết định dùng những mẫu âm thanh của ca sĩ Thanh Lam hát nhạc Trịnh theo một hướng khác với dự kiến ban đầu. Hoặc tất cả những điều nêu trên đã tích tụ cho đến một ngày đẹp trời – hoặc một ngày cuối đông u ám, trong trường hợp này – hoà quyện lại thành bản nhạc Ngôn Ngữ Bí Ẩn của Những Cơn Mê Sảng (The Secret Language of My Dreams).[2]

Đáng lẽ bài này có nhan đề “Những Dư Âm của Vô Tận” (Aftertones of Infinity). Tiếc, vì đó là tựa một bản nhạc của Joseph Schwantner. Những nhà ngoại cảm vẫn nhận thấy được sự hiện diện của một thực thể (presence, entity) mặc dù thực thể đó đã mất cách đây lâu rồi, vì nhìn/cảm thấy năng lượng tàn dư (residue energy) dưới dạng sóng của người đó. Âm thanh cũng vậy. Trong bài này tôi chỉ quan tâm tới dư âm (aftertones), bồi âm (harmonic spectrum), tàn âm (residue tones) và vi âm (microtones) được tạo ra trong giọng hát ca sĩ Thanh Lam. Tôi ít quan tâm tới lời nhạc, mà chỉ chú ý vào những dư âm, bồi âm và khoảng lặng ở giữa.

Tôi có thể trả lời câu hỏi đặt ra trong bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc không? Tôi nghĩ mình chỉ làm rối thêm vấn đề. Nhưng nghệ thuật, theo tôi, không phải là triết học hoặc lý thuyết, nên không có tính giải quyết hoặc đưa ra câu trả lời. Thất bại trên con đường tìm ra câu trả lời hoặc làm phức tạp hơn câu hỏi, theo tôi, chính là mục đích của nghệ thuật. Nghệ thuật để trải nghiệm chứ không phải để hiểu.

Và để trải nghiệm, kiến thức về âm nhạc cổ điển chắc sẽ chẳng giúp được gì, thậm chí có thể có hại. Nhưng khổ thơ trên của Jimenez và đoạn văn ngắn của Phạm Công Thiện do nhà thơ khủng bố Trần Wũ Khang trích[3] có thể, theo tôi, rất khả dụng trong trường hợp này.

Khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này. Nhìn tới nhìn lui, chỉ đầy chiêm bao mộng mị.

Giá như có thể kết hợp được những hình ảnh từ 2 đoạn văn-thơ của Juan Ramon Jimenez và Phạm Công Thiện.

 

 

_________________________

[1]Nguyễn Hưng Quốc, “Ca khúc và thơ”, Tiền Vệ, 03.02.2013.

[2]Nếu ai đó kê súng vào đầu và bắt phải giải thích, có lẽ tôi sẽ dẫn một khổ thơ của Anne Sexton. Trích dẫn khổ thơ này, tôi không có ý định cổ vũ cho hành động tự kết liễu cuộc sống của chính mình, mà chỉ đơn giản cảm nhận được sự giống nhau về nhiều mặt giữa khát vọng sáng tạo và tự huỷ diệt.

But suicides have a special language.
Like carpenters they want to know which tools.
They never ask why build.
 
Nhưng những người tự tử có một ngôn ngữ riêng biệt.
Như thợ mộc họ chỉ muốn biết dùng dụng cụ nào.
Họ không bao giờ hỏi tại sao phải làm.
 
Có nghĩa tôi hoàn toàn không biết rõ một lý do mãnh liệt và cụ thể nào đã đưa tới sự ra đời của bản nhạc, chỉ biết mình cần phải làm gì (tạo âm thanh nào, và sắp xếp âm thanh thế nào).

[3] http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=2124

 

__________
Chú thích: Bản nhạc điện tử này có sử dụng một số mẫu âm thanh của ca sĩ Thanh Lam hát a capella bài “Tôi ru em ngủ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguyên bản tại đây (http://www.youtube.com/watch?v=vSTlP4z8ug0).

 

 

-----------

Đã đăng:

... Có lẽ nhận xét sáng tác là “sắp xếp những hiện tượng âm thanh” không đâu đúng hơn trong nhạc điện tử, nhưng với những yêu cầu hiện đại riêng biệt của ngành này, tôi có cảm tưởng những người làm nhạc điện tử cũng phải lao động như những điêu khắc gia của âm thanh. Chính xác hơn, có khi là thợ hồ, thợ vữa... (...)
 
Những Dấu Hiệu (Signs)  (nhạc hòa tấu) 
Những Dấu Hiệu (Signs) là một tác phẩm âm nhạc điện tử mang âm hưởng của musique concrète, nhưng thay vì nguồn là những âm thanh được thu lại từ cuộc sống hàng ngày, tác giả đã tự tạo ra những âm thanh đó...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021