thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VIỆT NAM, TỔ QUỐC VÀ EM [III]
 
 
DIỄM CHÂU sinh tại Hải-phòng, thành phố cảng. Trở thành tổng thư ký tạp chí Trình bầy ở Sài-gòn trong những năm 70. Rời khỏi miền Nam Việt Nam từ năm 1983.
 
Thơ Diễm Châu phần lớn là thơ không vần, nhưng đôi khi cũng có vần. Thường là thơ “chính sự” hoặc “tình cảm” hoặc cả hai. Ông còn dịch thơ, truyện và kịch thế giới.
 
Việt Nam, tổ quốc và em in lần thứ nhất tại Lộ-trấn, Pháp vào năm 1993 trong tủ sách Thơ/ Trinh bầy, chia làm ba phần: “Người làm vườn và bông hoa”, “Việt Nam, tổ quốc và em” và “Đốm hương”, gồm một số bài viết từ 1969 đến 1993...
 
_________________
 
VIỆT NAM, TỔ QUỐC VÀ EM [III]
 
 
Đốm hương:
 
  Tình yêu của một đốm hương rực sáng trước bàn ông Thiên
có soi đủ mặt những đứa con trong đêm tối của Mẹ?
                                                  DC.
 

KHI KHA-LUÂN-BỐ TÌM ĐƯỜNG

 
Khi Kha-luân-bố tìm đường đi vòng quanh thế giới
ông gặp Tân thế giới
khi tôi tìm đường đi vòng quanh sự sống
tôi gặp em
ở nơi em tất cả đều là châu Mỹ
biển mênh mông sóng nước
đập vào những dấu hỏi triền miên
và con thuyền tôi ngơ ngác sau cơn hồng thủy
đậu trên đỉnh cao một thiếu nữ
tôi giắt đôi dòng thơ như Noé bước xuống một triền dốc
gặp tiếng cười em lảnh lót
và khi tôi nép mình bên một khóm hồng
tôi nhận ra tiếng hót kia cũng là một bông hoa
tôi không nhìn thấy em
nhưng làm sao lẫn được một mùi hương
em tỏa quanh tôi một làn âu yếm
và tôi kẻ khô cằn vì gió bão
tôi cảm thấy vòng tay em siết lại
vòng tay vô hình ấy mềm như nhung
hay như những sợi tơ vàng quấn trên khóm lá
em là một chuỗi bướm
rơi từ không trung thất lạc của tuổi thơ
rơi vào hồn tôi cõi trống
rơi xuống trái tim
em là nguồn suối mà da thịt tôi đã nghe
những mũi kim của dòng nước thoáng nhẹ
làm bừng lên sự sống
trên những mỏm rêu
a có lẽ em không phải là hoa là bướm là nguồn suối
cũng chẳng phải tiếng chim
em chỉ là châu Mỹ
của một kẻ mang nặng dĩ vãng dẫu không còn dĩ vãng
của một kẻ thất lạc quê hương từ tuổi thơ
 
khi Kha-luân-bố tìm đường đi vòng quanh thế giới
ông không tìm ra nơi mình muốn tới
ông tìm ra Tân thế giới
và đưa về cho nữ hoàng của ông
một vùng trời kiêu hãnh
khi tôi mưu cầu sự sống cho bản thân
tôi tìm ra nơi mình phải tới
và còn lại với sự vắng mặt vô bờ bến của em:
quê hương tôi tìm kiếm.
 
 

NGÀY CUỐI TUẦN

 
Ngày cuối tuần thường ra là một ngày nghỉ ngơi
ngày của thăm hỏi ngày của bạn bè
ngày của những người lính vô danh còn sống vẫn đứng gác xanh tươi trên đường phố
mà lâu lâu mình mới nhìn ra
ngày của những cuốn sách mới những tấm bìa không giấu giếm
những trang giấy lẳng lơ quyến rũ
ngày của những cô hàng sách tạm
lo ngại mình không ở lại với sách được lâu
ngày của buổi chiều vàng xõa tóc trên nỗi nhớ dòng sông
hay những nụ tuyết hôn lất phất lên những mình tuyết khác
nhưng ngày cuối tuần không có thư em
không phải là một ngày của
 
 

CẨM THẠCH HỒNG VÀ CỎ XANH

 
                               Rau muống với bèo bồng
                               nở hoa đồng màu tím nhạt
 
Em ngủ trên đỉnh cao giữa trời quang mưa tạnh
cẩm thạch hồng và từng búi cỏ xanh còn nhớ dấu chân
em ngủ trong hồn tôi một buổi chiều mịt mù sương
thế kỷ tàn
xin em cứ ngủ yên
để tôi được nhìn ngắm những mộng mị em hồng
trên đôi má...
hỡi những hạt bụi đường đừng tiếp tục chờn vờn trước mắt
hãy chờ tới một buổi mai hỡi những hạt sương giá
cẩm thạch hồng và cỏ xanh
hãy trả lại ta mọi dấu chân
 
như trong bài thơ họ Bạch
em tới em đi — “hoa, phải chăng hoa...”
nhưng đêm nay tôi xin em
cứ ngủ yên trong hồn tôi như thế
để tôi được tiếp tục nhìn ngắm những mộng mị em hồng...
 
một búi cỏ xanh và cẩm thạch hồng
cẩm thạch hồng và cỏ xanh
 
 

HÔM NAY TRỜI MỊN MÀNG

 
Hôm nay trời mịn màng như một người yêu
da trời màu ngọc xám
long lanh một tiếng hót chim sâu
và rưng rưng ngọn cỏ
tôi cảm thấy mình đầy đủ:
một lần nữa, tôi đã nghe tiếng em
– giữa cánh đồng bát ngát –
bài thơ em mới viết
trên trang giấy còn thơm
tôi đã đọc thơ em xa khuất mọi nẻo đường
bài thơ của một người tình viết cho một người ngày xưa
tỏ bày nỗi xót xa không thể lặp lại những lời yêu thương cũ
và sự tiếc nuối khôn nguôi của điều không thể ấy...
tôi nhìn năm tháng
và thầm nhủ
có lẽ nào...
và tôi chợt thấy những vòng bánh xe
bánh xe lớn bánh xe nhỏ
vô số những vòng bánh trong một đời người
những vòng bánh giao nhau loang loáng
qua mau
thoáng đó
đã chẳng còn thấy nhau
những vòng bánh bị nhấc hổng
nằm bên một miệng vực
còn quay được bao lâu
những vòng bánh vụt qua
trên khoảng đường bụi mù
có trở lại trong một kiếp nào sau...
và tôi lại thấy những lá cỏ
có một lần vô tình tôi đạp phải trên đường
một con chim sâu đã lấm lét nhìn tôi
rồi hốt hoảng bay đi
siêu vẹo
cuống quit
dưới đám mây chết đuối
của một vùng trời
vùng trời không thể ở
vùng trời có ngọn cỏ bầm nát
vùng trời có con chim lấm lét nhìn mi
rồi hoảng hốt bay đi
vùng trời mà mi cũng chỉ đi qua
và qua đi
như những vòng bánh
như chim...
tôi thấy mình muốn nói đôi điều
cùng cánh chim và ngọn cỏ
nhưng chung quanh chỉ có cánh đồng hoang vắng
trang giấy trắng
bài thơ
 
hôm nay tôi cảm thấy mình đầy đủ
khi đọc lại bài thơ em mới viết
và chợt nhận ra mình không có trong đó
tôi đầy đủ như cánh đồng
trống trơn
tôi đầy đủ như một bông quỳ
thiếu nắng
và tôi khám phá ra cái thói hư nhiễm phải từ thơ dại:
cái thói ngầm giấu những vết thương.
 
 

CƠN BÃO ĐÃ ĐI QUA

 
cơn bão đã đi qua
còn lại với ta bây giờ
                chỉ là
                       mùa đông của trời đất
ngươi là cát
cát của sông Hằng
cát biển Đông
cát của khu vườn đã khép lại
                trên giàn nho
                       con bướm
                               cánh chim
cát
     trên đôi vai mỏi mệt
          trên đường chỉ tay chằng chịt những vết nối
                trên đôi hồ nước đã cạn khô
cát
     dưới hàng cây
          giọt đèn
                thành phố
     cuộc mưu sinh
          rời rã
 
cơn bão đã đi qua
còn lại với ta bây giờ:
                                trời
                                       đất
                                              im lặng
                                                            cát & ta
 
 

NỖI NHỚ

 
Nỗi nhớ như hạt thóc
rơi từ bông lúa
rơi xuống sân phơi
còn ấm nắng những mùa ngậm sữa
lúa con gái
lúa nghiêng ngả đòng đòng
đất và nước tỏa hơi sương buổi sáng
vải thô thơm mùi mồ hôi
cánh tay âu yếm cũng là lưỡi hái
hạt thóc như nỗi nhớ
rơi từ con tim
rơi xuống đêm sâu
cuốn theo chuỗi tiếng cười rực rỡ
 
hạt thóc như nỗi nhớ
chưa biết khóc
 
 

HÃY CHO TÔI UỐNG

 
                               Hãy cho tôi uống, tôi không khát
                                                ÁLVARO DE CAMPOS
 
Dưới đáy chiếc ly có một vòng tròn
vòng đáy của chiếc ly
vòng vàng
óng ánh
bên trên là những mùa giông bão
những bắp thịt của sóng
dòng cuồng lưu
bên trên nữa là những cành rong
môi san hô
nắng mới pha màu hổ phách
chiếc giường lông chim ảo ảnh
khát vọng sủi tăm
bên trên nữa là mặt hồ thầm lặng
những vườn nho soi bóng êm đềm
mắt biếc nằm trên tay
ôi vòng mắt chim khuyên
chiếc nhẫn của con gi sừng...
 
hãy cho tôi uống...
 
 

NỖI ĐAU

 
Như một đoàn tàu luôn luôn hối hả
đi từ đường hầm của hư không tới mùa gặt bão
 
như một bãi biển trống vắng
đôi khi ngọn triều ập tới và rút ra quá vội
để lại đợi trông
một chấn thương không dấu tích
 
như một kẻ gây mê bằng châm cứu trước khi giải phẫu
tôi tìm về em
nỗi đau làm quên hết mọi nỗi đau
 
 

CON TRÂU KHÔNG PHẢI LÀ BẠN CỦA CON NGƯỜI

 
                           Cả đến loài thú đôi khi cũng vô nhân đạo
                                                                 ARVO VALTON
 
Con trâu không phải là bạn của con người
con trâu là bạn của lưỡi cày
mô đất cụm mây
đôi khi một con sáo
đôi khi một dòng sông
con trâu phì phò với con sáo
hì hụp với dòng sông
kéo gánh nặng của lưỡi cày
xẻ mô đất
hất tung những chân rạ còn bướng bỉnh
nhai đôi cọng cỏ khô
đôi khi gối đầu trên cụm mây
 
con trâu không phải là bạn của con người
 
 

ĐÒ NEO GIÓ

 
               — gửi Khế Iêm
 
Đò neo gió đợi người
hay neo người đợi gió
cũng vậy thôi
khi trái tim treo
trên lửa
khi đời
thủy tinh vỡ
ẩn ức như hơi thở lênh đênh
bộ lạc xa
rồi    tiếng chim rơi
đã chin một bờ môi
                    đò nhớ sóng
hay bông bụt còn lập lòe bên giậu vắng
                                                            đò
                            ơi
 
 

NHỮNG CHIẾC BÓNG

 
Một đêm trở về với khu rừng cổ tích
tôi tìm lại được chiếc bóng
chiếc bóng đã chăm chút
đã thương yêu âu yếm vuốt ve
tuổi thơ tôi chập chững
chiếc bóng ngồi bên bờ giếng
trong sâu thẳm núi rừng việt-bắc
đôi khi có tiếng cựa mình của một khóm trúc
đôi khi một giọt nước
trong thành giếng
cách xa
tôi chợt nhớ tới cha tôi khi người từ miền xuôi trở lại
cha tôi với ngọn đèn dầu
đêm đầu tiên người gặp lại chiếc bóng
chiếc bóng âu yếm
chiếc bóng vuốt ve
chiếc bóng muốn hôn lên người
chiếc bóng muốn nói một điều gì đó
nhẹ như hơi thở của bóng
chiếc bóng muốn thì thầm
rằng chiếc bóng nhớ
vành tai
vành tai đã nghe những tiếng quát tháo
vành tai đã nghe những tiếng khóc ngất
vành tai đã nghe lửa cháy
vành tai chỉ còn nghe những tiếng vút của mũi tên
vành tai chỉ còn nghe tiếng thở rền của những người chết
vành tai chỉ còn nghe chính hơi thở của mình còn sống sót
nhưng chiếc bóng không có tiếng nói
chiếc bóng chỉ biết nói bằng ánh mắt
chiếc bóng không thể cãi lại
nỗi đau của vành tai
nỗi đau của một vành tai không còn nhìn ra chiếc bóng
vẫn một chiếc bóng
khổ đau lầm lũi
câm nín
nhưng vành tai không thể nhìn ra chiếc bóng mình
vành tai chỉ còn nhận ra những chiếc bóng khác
những chiếc bóng dãy dụa
những chiếc bóng đổ sập
những chiếc bóng khóc ngất
khi chiếc bóng lao mình xuống giếng
cái giếng khơi ngoài vườn
cái giếng khơi còn lại giữa núi rừng việt-bắc
như một vết thương
như một nỗi nhớ
thì vành tai
vành tai biến thành một chiếc bóng khác
và trở lại miền xuôi
 
khi tôi trở về với núi rừng quê hương
tôi đã tìm lại được chiếc bóng
chiếc bóng lầm lũi
chiếc bóng thân thương
chiếc bóng ngồi bên bờ giếng
như vẫn chờ một vành tai
nhớ lắm
nhưng chiếc bóng vẫn không có tiếng nói
nhưng chiếc bóng không còn nhận ra tôi
tôi bây giờ khác
giữa núi rừng hà khắc
tôi bây giờ là một bông hoa
một bông hoa không bao giờ có thể mọc bên một bờ giếng
tôi muốn khóc
tôi muốn kêu lên mẹ ơi
nhưng tôi không còn tiếng nói
tôi đã trở thành một chiếc bóng
 
phải trả lại tiếng nói cho những chiếc bóng
 
 

NHỮNG TÍN HIỆU

 
Cuộc đối thoại giữa những người chết bắt đầu
chúng tôi sử dụng những máy khuếch âm cực mạnh
để có thể tiếp nhận những âm ba nhỏ yếu nhất
từ thế giới bên kia
 
qua những mùa đông dài dặc
chúng tôi nghe không thiếu những nhiễu âm
có khi chỉ đôi tiếng vo ve từ một ngôi cổ miếu
có khi cả những tiếng đàn hặc từ một triều vua
nhưng trong những đêm hè xanh biếc
những đêm gợi nhớ những đóa hồng nhung
chúng tôi bắt được một âm thanh thật lạ
không phải tiếng khóc đã quá quen
cũng không phải tiếng cười vay mượn của những mặt nạ
ấy là một làn sóng
dập dồn và dai dẳng
cả những khi bị lấp nghẹn vì gió lá
làn sóng ấy vẫn tiếp tục vẳng tới
đều đặn như một nhạc cụ xưa hay một mình sinh vật siết trên da cây
trong âm thanh ấy
chúng tôi nghe cả mùi đất đá
đồng cỏ
những dòng sông
lửa rực như những đóa hoa
và đôi khi tiếng nói câm nín của những vuông vải xé vội
phất phơ trên những cành đước
hòa lẫn những bước chân
hay tiếng trống ngực
 
 

KHI SÀI-GÒN CHẠNG VẠNG LÊN ĐÈN

                  
                                     — gừi Cao Bá Minh
 
Khi Sài-gòn chạng vạng lên đèn
chúng ta đã bay trong những đường phố
như trong không gian của những tấm tranh
lộ thiên...
 
níu trên vai anh tôi đã bay
với đôi cánh thiên thần
khi anh thầm thì
“kẻ thù của chúng ta
chính là thời gian...”
với cơn gió rít ngang tai chúng ta đã bay
trong tác phẩm lớn nhất của đời mình
tác phẩm chưa phát hiện
cả đến cho cây cọ
cả đến cho vành môi
chúng ta đã bay chúng ta đã bay
cả thế giới nào hay hai đốm lửa nhỏ nhất
có thể bay đến tận cùng trái đất
khi mức tới không phải mức ăn thua
và chuông giáo đường chưa điểm
chúng ta đã bay
vào chính cơn say chói lòa
với mái tóc làm ngọn cờ
và không gian ngang dọc chỉ còn là một khung tranh nhỏ nhít
(đêm vẫn còn đầy sao trong mắt chúng ta)
...
Tôi đã bước vào đường hầm của “nụ cười thầm lặng”
trước anh
tôi vẫn nhớ từng màu sắc
của “con chim thiên đường”
dưới mái tranh
và đêm nay
dõi theo hạt mầm của ai “vung vãi trên thảo nguyên”
tôi đã tìm lại được lời anh thì thầm...
và tự hỏi
ở đâu đó trên trái đất
có còn những cơn say...
 
 

NGÀY MAI CÓ NGƯỜI VỀ

 
Ngày mai có người về Sài-gòn
người ấy sẽ bay
người ấy sẽ đáp xuống
người ấy sẽ nhìn quanh
dường như những chiếc áo vàng vẫn còn chạy
ngoài khung cửa kính của hãng máy bay
trên đường phố
những chiếc áo vàng
một người bị kêu án –
có tiếng tắc-kè
từ công trường hòa bình tới bờ sông
– một người sài-gòn bị kêu án
con đường ấy giờ mang tên gì nhỉ
những con tắc-kè... ồ không
một người sài-gòn bị kêu án –
những con tắc-kè không đổi màu
nhiễu âm của câm nín
dưới gậm cầu
cuối dòng người và xe
một người –
những chiếc áo vàng
cuối dòng người và xe
những chiếc áo...
– sài-gòn bị kêu án
... vàng vẫn chạy
trong khói
một người sài-gòn bị – tiếng tắc-kè
– kêu án
những đốm lửa của muôn ngàn sạp thuốc lá
thắp đêm
tiếng tắc kè
một người... bị kêu án
tiếng –
ngã sáu miệt nhà thờ cha Tam
– tắc-kè
mưa
những chiếc áo
những chiếc áo vàng
cháy
 
một người sài-gòn – bị kêu án
ngày mai có người về sài-gòn tìm người ấy
 
 

TIẾNG KÊU

 
Có tiếng kêu nào không tới từ xa
có tiếng kêu nào không kể từng tội ác
nhưng sao đêm nay tôi nghe tiếng m gần gũi:
hãy viết cho m
hãy gửi thư cho m
               ... đừng quên
 
đêm nay
tôi vẫn còn nghe tiếng chim chiêm chiếp gọi hè
nhưng hoa phượng
hoa phượng đã nở dưới vực sâu
chúng ta không còn thời gian cho hận thù và cả đến tiếng khóc ngất
chúng ta chới với gọi nhau
ôi những tiếng kêu có trôi giạt về đâu
dòng hợp lưu nào dưới địa cầu
những trái tim
như mây
 
27. 6. 1993
 
 

TỪ TRONG VẾT GẤP CỦA TRÁI TIM

 
Từ trong vết gấp của trái tim
bóng m tuôn ra như mạch suối
mải lần về nguồn nước tôi không nghe tiếng m hỏi:
– chừng nào n trở lại với m?
 
những đứa trẻ
ngây thơ và tàn ác
ném mãi những bông cẩm trướng vào mắt tôi
trong lúc tiếng chuông chiều vẫn điểm
từng cánh hoa trinh nữ rời rã
 
– chừng nào n trở lại
biên tập cho m vở tuồng lộn xộn vô cùng nồng cháy
bên ngọn đèn âm u ta đã từng đạo diễn và là diễn viên
chừng nào n
những đêm xanh còn biếc ước mơ
 
 

MÙA NÀY HẠT BẮP

 
Hỡi cuộc tình còn thiếp ngủ
vừa trở mình trong nỗi nhớ
mùa này lá xanh lại trổ trên những cành phong
nhựa luyện với nhựa nguyên lại dâng tràn
những mình liễu rủ mềm đong đưa với gió
nắng say rượu nằm trên dòng sông
 
mùa này
lá bắp tả tơi
rã rời là thân bắp...
 
... bên kia sông thủa ấy là khu nhà mới cất
những ngôi nhà chưa có cửa
không gian thân thiết làm bằng đêm
và chúng ta biến thành khát vọng...
 
mùa này tóc đã bạc nhiều và
những mô đất rậm rì những cỏ
đôi khi xẹt ngang đầu có những con cu ngói
lốm đốm hoa
 
mùa này hạt bắp
mưng đầy sữa
 
 

HY VỌNG

 
Hy vọng là một thứ tình cảm hoang đường
khi nắng mới đương lên và trời xanh thơm ngát
và tiếng ai gần gũi còn vang dội bên tai
tôi nghe tiếng m thong thả hát
trong cơn mưa mùa cũ ban mai
con đường ấy chắc chắn là nhiều gai
những viên sỏi vẫn còn làm đau gót chân nai thủa trước
m làm gì khi không thể khóc được
m nghĩ gì khi loay hoay
với những con rối
những con rối vẫn hoài
múa may
con đường dài bất hạnh vẫn nối vòng tay với
tương lai
mưu sinh là một chữ đen tối
nhưng hy vọng còn soi một màu tối đen hơn:
... biếc xanh như đôi cánh thiên thần
nó chìm dần vào cõi ấy
và bỗng nhiên rực cháy
 
 

NIỀM BÍ ẨN

 
Tôi và m không được gần nhau 
bởi quê hương còn nhiều rào cản
những rào cản đôi khi phủ đầy hoa
hoặc ngụy trang dưới lớp sơn dân tộc...
với tình thương bao la
những người trẻ chúng ta
vẫn thường là những nạn nhân chọn lọc
dưới đáy giếng
lưới nhện giăng mắc
thỉnh thoảng rơi rớt một hòn sỏi
người ta nghe tiếng va chạm vào thành giếng xa vời
rồi thôi
dưới đáy giếng
là con nhện duy nhất đúng
– người hiệp sĩ thủa xưa lộ nguyên hình tên chủ nô –
kẻ trưng thu cả đến những yêu thương còn sót lại
từ những họng súng
và không thiếu gì những người tuổi trẻ biến thành những chiếc loa đồng tình
trong và ngoài vực thẳm
cuộc sống vẫn tiếp tục, cố nhiên
cuộc sống không hơn gì cái chết trả góp...
 
tôi tôi vẫn là tôi của một thủa nào
vẫn thiết tha vẫn căm hận vẫn buồn thương
cô đơn như một người, tóm lại
và thơ tôi rốt cuộc cũng vẫn là một sản phẩm của thời đại
phải, nếu muốn,
người ta có thể (?) phân xẻ thơ tôi ra làm hai
(thơ chính sự và thơ tình cảm)
nhưng đây là niềm bí ẩn –
một niềm bí ẩn thật rõ rệt:
tôi bao giờ cũng chỉ là một
bởi trọn vẹn tôi bao giờ cũng muốn ở lại bên m
nơi quê hương không rào cản
 
 

BÀI THƠ

 
Thế là tôi đã lấp đầy một hình chim
bây giờ cánh chim không còn là của tôi nữa
nó là của mọi chiều không gian
của mọi màu đèn của mọi thành phố của mọi làng quê
của những cành xanh của những cành tím của cả những cành
không còn màu sắc
trên trái đất
bây giờ thơ của người đã truyền vào mạch máu
tôi trả lại người cho sự sống
hay sự chết
đang tìm đường trở lại
đang vu vơ hỏi thăm những đường phố
khi những bụi gai đang chờ tôi
những giọt máu cũng đang chờ tôi nữa
ai sẽ ngắt những bông hồng đỏ thẫm cho tôi
ai sẽ gạt đôi hòn sỏi làm đau thân xác
ai sẽ trồng nơi tôi cây đời thẳng đứng
và ai sẽ đem lại cho tôi dòng nước ngầm
từng tưới đẫm hồn tôi
bây giờ
cánh chim mà tôi tự rót đầy
bằng những đêm nhung đen
bằng những ngày hồng thắm
cánh chim mà tôi đã trang sức
bằng những vòng âu yếm
và cả những nụ hôn thầm lén
cánh chim mà tôi đã vây bủa
bằng những lời yêu thương
cánh chim ấy không còn là của riêng tôi nữa
 
 

TỪ VỰC SÂU CỦA VỰC SÂU

 
Từ vực sâu của vực sâu
trong thung lũng nước mắt
bao năm trước tôi còn nghe tiếng ai nói:
“tất cả những người làm thơ
đều là người do-thái...”*
tôi nghĩ tới một nghĩa trang lâu đời ở Tân-phố**
và lần ấy em đã hát bài thánh ca
theo nhịp ca hiện đại
và tôi lại nhớ tới em của lần đi thăm hồng hạc
em chỉ cây đa xum xuê:
— nếu cái cây biết bay?
— thì... trái đất cũng bay theo!
bây giờ kỷ niệm về em đã chìm khuất
dưới dòng nước xanh lục chúng ta đã cùng rõi theo...
từ một nhà hàng nằm sâu dưới lòng đất
cái cây không bao giờ biết bay
và trái đất vẫn quay cuồng như thế
những người... do-thái – phần lớn – đã hóa thành mây
và cuốn vần tập đọc của họ bây giờ
là xóa bỏ hận thù
với những kẻ tiếp tục quật mồ trên trái đất
người do-thái chưa bao giờ biết tới nghỉ yên
dù nằm sâu dưới vực sâu của vực sâu
lúc này –
              em có khoẻ không
em làm gì sau những cơn mưa ngắn ngủi của Tân-phố?
 
-------------------
* Marina Tsvetaeva (1892-1941), theo Paul Celan.
** Tân-phố: Singapore. Ở Tân-phố có cả một nghĩa trang lớn của người do-thái, không biết tới đây từ bao giờ. (DC.)
 
 

TRONG KHI CHỜ CÔNG CHÚA

 
Trên trái đất
tôi già ngay từ nhỏ
tôi đã qua hai ba lần chết nhưng lần nào cũng sống lại
và mỗi lần, em hiểu, là lại yêu lại nhớ lại khổ đau...
nhưng học lại những... khổ đau đôi khi chỉ làm mình già thêm
mà không thể bật cười
như mình vẫn cười khi còn bé bỏng
ngã quay lơ mà chẳng có ai nâng...
một lần thấy mình già đi không thể đảo ngược
tôi quyết định trẻ lại
tôi tập yêu tập nhớ và học đánh vần hai chữ cát bụi – khổ đau
từ bước chân vững chãi
tôi học đi như con chim sẻ mới ra ràng
từ cái nhìn chính xác lạnh lùng
trước mắt tôi một tấm voan hồng phơ phất
và trái tim tôi rộng mở
tưởng chừng như một đóa hoa vĩnh viễn của Shangri-la*
nhưng rồi nét mặt đăm chiêu của em
khiến tôi nhớ tới khu nhà rộng lớn bên bãi biển nghỉ mát ấy**
tiếng reo cười trên sân gôn họ Lee trở thành mũi nhọn
bài thánh ca thổn thức
từ ngọn cờ hồng cắm giữa tuổi thơ
dưới trăng liềm
một vệt máu tươi bỗng chốc trào ra...
tình yêu lặp lại
bẻ hết những chồi non mới nhú
của đắm say vụng dại thơ ngây
và tôi chợt hiểu:
tuổi trẻ không phải bao giờ cũng tới
với những kẻ lội ngược dòng về... với tuổi trẻ
tuổi trẻ lúc này là một bước ngoặt
bứt xa mọi ngã tư tưởng tiếc và hiểu biết già nua
tôi chỉ có thể yêu nhắm mắt nếu muốn là một người hoàn toàn trẻ...
 
và tôi đã trở thành một cây gậy vùi sâu dưới lòng đất mẹ
trong khi chờ công chúa Tiên dong
khiến tôi mọc rễ và ra lá
và chim chóc và gió sẽ tới dậy tôi yêu
như em đã yêu tôi
trên trái đất thủa xưa
 
---------------------
* Xứ trẻ-mãi-không-già huyền hoặc, được dùng làm tên cho một khách sạn lớn ở Tân-phố (Singapore).
** Nhà tù chính của họ Lí ở Tân-phố. (DC.)
 
 

ĐỨA TRẺ THẤT LẠC

 
Những lúc rảnh rỗi tôi làm gì ư
những lúc “rãnh rỗi” tôi chẳng làm gì cả
tôi tìm một bóng râm bằng hữu
ngả mình trên thân cây hồi tưởng
mượn một ngón bút vô hình của hoài niệm
và vẽ
 
tôi đã vẽ chân dung thực của những người tôi yêu mến
kẻ còn lăng xăng trong vườn cây ăn trái
người đã vùi thây nơi đầm nước mặn
tôi chuyện trò thân mật với họ trước khi sửa sang đôi nét
(thực ra chiếc bóng của họ sửa giùm tôi)
 
người đã khuất vẫn tươi cười hăm hở
như còn đang đứng trước bao người trên sân khấu cuộc đời
cơn giặc nước của chúng tôi bọt bèo không hơn gì mây chó
hôm ấy anh đứng trước cái máy in chang-yung chạy số báo chót
lặng lẽ bảo tôi ta bỏ núi bỏ rừng
                                           vì nghe mi gọi
                  giờ đây...
giờ đây anh đã nghỉ yên (?) mặc biển cả thét gào
 
đôi ống tay áo lụa của nàng lẫn với những gốc me
mà chấm lá non xanh còn vương trên những lọn tóc hoe vàng
tình yêu đầu đời có lẽ là một vết nhọn không phai
nay chỉ còn để lại một bãi bờ hoang dại
nhưng màu sắc chân thực của nàng là một màu hồng tím
của những trái bồ quân giận dữ
của tuổi thơ không bao giờ tìm thấy lại
nàng tiếp tục đạo diễn đời mình trong một hài kịch rất bi quan
 
tôi lại vẽ chân dung người thiếu nữ áo lam
có mảnh đời màu nâu của con chim sẻ
dung nhan của nàng có lẽ tôi không tài nào vẽ
ấy là một nụ hôn muôn đời chúm chím
nàng đứng trên một ngọn núi lửa đã tắt
vốc từ nắm đất đen
vun cho sắc máu của đóa hồng đời tôi
khi những cánh hồng của riêng nàng tàn tạ...
 
tôi nào biết rằng mình đã tự họa
qua những bức chân dung
và khi vẽ chính là mình tìm kiếm
cái đứa trẻ thất lạc
của cuộc đời bé mọn
cái hạt cát dấu yêu
của biển Đông vô cùng lầm lũi
phải
tôi đã chỉ tự họa qua những bức chân dung ấy
trong lúc một bên tai nghe thời gian rỉ rả
và bên kia đã triền miên một biển côn trùng
và giờ đây tôi vẽ đến khoảng không
không cần người mẫu
 
tôi làm gì ư những giờ tôi rảnh rỗi
tôi chẳng làm gì tôi lắng nghe
ở trong tôi hay ở đâu đây
tiếng thút thít của một đứa trẻ
tôi lặng nhìn đời tôi:
một chút đen của mực in đã loãng
một giọt máu chim sẻ
và rất nhiều tro than...
đôi khi tôi cũng tưởng mình là cái cây mùa đông
và tôi rùng mình nghe tiếng chim hót
 
 

ÔI CICERO...

 
Ôi Cicero của “Têrenxia hiền thê”
De Senectute*
một tuổi trẻ ta đã miệt mài dưới mái nhà trường
ở miền bắc thân yêu...
tại sao những người La-mã ta thương đều có những buổi chiều buồn thảm
như cánh đồng khoác áo màu lam dưới làn mưa bay
ta nhớ tới cây cải ngồng vô dụng
những đốm hoa vàng
và người thử vũ khí chỉ còn một tay
kẻ vẫn cùng ta đánh cờ tướng
                                     – chấp đôi xe
chính những đêm đông xuôi vô khối những dòng sông
đôi tay ấy đã ấp ủ ta ngon giấc
ta nhớ tới những khóm cúc tần ven đê
đã cho ta màu đen đậm
của những miếng bánh khúc trắng tươi hạt nếp mới
và người thiếu phụ chết thay ta
trên miệng hầm trú ẩn
giữa đất nâu
trong vườn bắp cải còn ngậm sương
                                                     khi giặc về...
 
Hỡi Cicero Caesar Tertullius...**
tại sao các người khiến ta già đi khi ta còn đương hoa
tại sao cũng chính các người khiến ta trổ nụ khi ta đã già?
Hãy chỉ cho ta những kẻ thiếu nợ ta
tuổi trẻ
 
-----------------
* De Senectute (“Về tuổi già”): một tác phẩm tiếng la-tinh của Marcus Tullius Cicero (106 – 43 trước Tây lịch), chính khách và diễn giả tài ba.
** Một số tác giả tiếng la-tinh ở nhà trường. (DC.)
 
 
NỤ HÔN
 
              —  gừi Shuntarô Tanikawa
 
Những ý nghĩ tản mạn
từ một vành môi này tới một vành môi khác
trở thành nụ hôn màu hoa đào
 
nụ hôn muốn đậu lên làn da phớt hồng của một đôi má
nhưng làn má ấy còn mải gạt một vài sợi tóc
nụ hôn muốn uống lấy hạt sương
toan nhuộm màu lạnh lẽo trên quầng sáng của một nhà thơ
nhưng nhà thơ bận vuốt ve một nỗi niềm riêng
nụ hôn muốn rong chơi cùng bầy chim non
nhưng những đứa “ranh con” ấy còn tinh ma hơn anh chị chúng
và chỉ thích mổ hạt cườm
cuối cùng nụ hôn nhìn thấy một em bé
một em bé thực
không phải cái đứa đang ngoẹo đầu ngoẹo cổ nũng nịu
không phải cái đứa đang hì hục vẽ tranh để chú bác nó triển lãm
triển lãm cái tài chăm sóc bầy trẻ thế hệ điện tử
thời đại mà những đứa trẻ chỉ biết tới con chuột con gà
trong tủ kính hoặc bao ny-lông
cũng không phải cái đứa đang đóng phim ở truồng
cho cha mẹ nó có dịp lãnh những oscars
về tình thương yêu hoàn toàn miễn phí
giữa những mắt đèn rọi của thiên hạ
nụ hôn nhìn thấy một em bé thực
một em bé chưa sinh ra
nhưng đã tươi cười vẫy gọi
trên bậc thềm của thế kỷ đang tới
đang vùn vụt lao tới
với tốc độ của cuộc chạy đua tiếp sức súc vật làm chủ
với tốc độ của xí gạt tự do trình diễn
với tốc độ của nhân mãn bệnh tật ngu dốt đói nghèo thêm mãi
với tốc độ của mọi thứ xe-hòm
nụ hôn nhìn thấy em bé tươi cười vẫy gọi trên một bậc thềm
nhưng bậc thềm không xây trên gì hết
chung quanh nó là trống trơn
chung quanh nó là vực thẳm
chung quanh nó là đèn rọi
của một lũ yêu tinh
nụ hôn muốn bao bọc lấy em bé
bằng những gì nồng nàn nhất
nụ hôn muốn ấp ủ em bé
bằng hương yêu nhẹ nhàng
nụ hôn muốn lên tiếng kêu gọi bé
nhưng nụ hôn không phải là một tiếng nói
nhưng em bé chưa có tên
 
giữa vành môi và vành môi
đã xao động những không gian
đã chập chờn những chiếc bóng
và ngả nghiêng bậc thềm
nụ hôn màu hoa đào của những ý nghĩ tản mạn
không thể biến thành cánh cửa
không thể biến thành chiếc mái
không thể biến thành bức tường
và cả đến một bụi găng
và cả đến một viền mi
nụ hôn ở lại trong màu hoa đào
và vây bọc lấy em bé bằng một điệu ru lặng lẽ
 
 

KẺ VƯỢT TRƯỜNG SƠN BÂY GIỜ

 
                                 — gửi Thái Tể Trị & thế hệ đi tới
 
Kẻ vượt Trường Sơn bây giờ đi giải độc cho bạo lực về chiều 
kẻ rải thuốc khai quang
hối thúc nhau xưng tội với quái thai và các dòng sông
kẻ mím môi hô sát
tiếp tục xây bảo tháp cho các vị bồ tát
những chuyên viên đảo chánh
ưa nói chuyện hòa bình và mở siêu thị
kẻ biện minh cho máu trong cải cách ruộng đất
thăm dò “tọa độ” ông Trường Tộ
kẻ mang theo quê hương ở đâu đó
chuyển quê hương sang phần hội nhập mỹ-việt đề huề
nhà chí sĩ muộn màng
luận thông chỗ bài tiết của một ẩn sĩ
người quân tử cuồng chân
hô hào hiệp thương văn hóa với cái cối xay và dựng nước cộng hòa... khổng giáo
tin mới nhất:
hết thảy những người do-thái trong các lò thiêu
đã ra quyết nghị đòi xóa bỏ hận thù với đức quốc xã
người bạn cũ của tôi, nhà thơ bận rộn với những trái tim hèn mọn
nhỏ một giọt nước mắt âm thầm bên những mẩu phim câm cuộc đời...
còn anh, kẻ long đong chạy giặc và tay chưa lấm máu
anh tính làm gì sau cái quảng cáo chuyển ngân và những chuyến bay
và em
người chưa sinh ra nhưng đã được hóa giải... một chân
ở cõi nhân gian thất cách? *
 
------------------
* Nhân gian thất cách: tên một tác phẩm tiểu thuyết của Thái Tể Trị (Dazai Osamu). (DC.)
 
 

GỬI MỘT NHÀ THƠ Ở NAM BÁN CẦU

 
Một biển hoa hồng chào đón anh
khi anh không còn đó
khi anh không bao giờ tới nữa
anh
người suốt một cuộc đời đã lục lọi khắp các mê lộ
để tìm một bông hồng
để tìm một nắm cát
làm thay đổi dạng thức của sa mạc
anh
người đã kết hôn vắng mặt với một bông hồng
kẻ từ tạ một dòng sông
để đi nốt một dòng sông khác
hay cũng là một dòng sông ấy
anh
người lúc này có lẽ đang tiếp tục học nói
một cổ ngữ của các vì sao
để phiên dịch cho mọi thế giới
hơi thở nồng nàn
của bông hồng không bao giờ tới được
 
xin tặng anh một cơn mưa của trái đất
xin tặng anh một chiếc lá phong hồng
chúc anh đi bình yên
 
-------------------------
* Xin xem các chi tiết về Jorge Luis Borges trên Tiền Vệ. (DC.)
 
 

TÔI TRỞ LẠI VỚI CON SÔNG ĐÀO CỦA LỘ-TRẤN

 
Tôi trở lại với con sông đào của Lộ-trấn*
con sông đào như một vòng ôm
một vòng ôm như mọi thèm khát ước ao của con người
chỉ toan be bờ giữ chặt lấy những gì mình yêu dấu
dù đó chỉ là nơi gặp gỡ của bụi chiến trường
hay nơi tạm nghỉ của những mảnh tim tan nát
 
tôi trở lại với dòng Yên-hà
nơi chiều nay khi chợt nhớ tới em
tôi đã bước vào một nhà bưu điện nho nhỏ ở bên sông
tình yêu liên-lục địa cũng chính là cõi tinh thần thuần túy
mây trời chĩu nặng
khói sóng nhẹ dâng
một bông tuyết lặng lẽ
chao xuống tay tôi
 
trước sau gì tôi cũng sẽ phải rời xa Lộ-trấn
rời xa vòng ôm của dòng Yên-hà
rời xa máu và những dòng sông của thế giới
để tới một nơi không có trong trí nhớ
dù là trí nhớ của bụi
tôi sẽ mang theo bông tuyết ấy
 
---------------------
* trích đoạn cuối “Đây là dòng Yên-hà”, một bài thơ dài về Lộ-trấn. Sông Yên hay Yên-hà, chính là dòng L’ Ill của Strasbourg, là một con sông thiên nhiên, chỉ có một phần là sông đào. (DC.)
 
 

NHỮNG ĐOÀN TẦU

 
Thật không sao hiểu được
vì đâu lại có những đoàn tàu dài đến thế
những đoàn tàu kéo suốt đêm thâu
những đoàn tàu đi hết đêm này qua đêm khác
những đoàn tàu di chuyển từ mùa đông sang mùa xuân
những đoàn tàu nối tiếp nhau chạy vòng quanh trái đất
chạy vòng quanh giấc ngủ và mất ngủ
xuyên qua tiếng chuông khuya
xuyên qua từng giọt giờ đều đặn
không ai còn muốn biết nhịp điệu của thời khắc
khi những đoàn tàu ròng rã ấy đi qua
những đoàn tàu chạy mãi trong tim
như một sợi dây mảnh lần nhưng không đứt
những đoàn tàu không một vòng bánh
không một tiếng còi thét trong đêm
ngay cả khi trái đất im.
 
1993
 
 
__________________
 
VIỆT-NAM, TỔ QUỐC & EM
gổm ba phần:
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021