thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]
(tiếp theo)

 

Chuyện quốc gia đại sự. Bảy con rắn chui ra từ thất khiếu của người đàn ông, mỗi con một màu. Chúng đi về bảy hướng khác nhau. Hướng còn lại, người chủ của bảy con rắn bước. Sau khi đi hết hai ngàn dặm, chúng quay lại và kể cho nhau nghe những điều đã thấy trên đường. Con thứ nhất nói đã thấy một đứa trẻ ỉa ra toàn giun và nó kết luận rằng con người ăn gì không biết nhưng ỉa ra giun. Con thứ hai nói thấy rất nhiều xác rắn bị ngâm rượu và nó tin rằng rắn không phải là loài ác độc. Con thứ ba nói thấy một người đàn ông và một người đàn bà vật nhau trên bãi cỏ và nó nghĩ rằng con người lúc nào cũng đánh nhau. Con thứ tư nói thấy một ông già xúi đứa bé móc túi một người khác và nó cho rằng trong thế giới con người có nhiều cấp khác nhau nhưng sở hữu chung đồ vật. Con thứ năm nói thấy một cảnh tượng rất lạ, một đám đông xì xụp quì lạy một cục đá và nó không hiểu được đấy là chuyện gì. Con thứ sáu nói thấy có một người đứng nói và rất nhiều người lắng nghe, nó bảo chuyện này cũng lạ. Đến phiên con thứ bảy, nó quấn tròn người lại và gục đầu ngủ. Những con khác cắn vào đuôi nó và bảo mày phải kể chuyện đi chứ. Nhưng nó vẫn im lặng nhắm mắt. Lúc ấy ông chủ của bảy con rắn cũng về tới, chúng lần lượt chui vào các lỗ trên thân thể ông.

Chiều mail cho tôi: “Hình như anh cũng có vấn đề thật đấy! Cái cách tiếp cận vấn đề của anh có khả năng gây sốc cho nhiều người không chỉ mình em đâu. Song em nghĩ cái nhìn của con người sẽ ngày càng thoáng hơn, đa chiều hơn. Và rồi sẽ tiến đến đa thanh, phức điệu. Vấn đề của anh là vấn đề của thời điểm xã hội thôi… Em thì cầu toàn hơn. Nhưng lúc này lúc khác em cũng bị xem là kẻ có vấn đề đấy. Khác người một chút thì thường khó sống. Đó là cái cách sống “Xấu đều hơn tốt lõi” của người Việt. Anh có xem đó là tâm lý nhược tiểu không?”

Chiều cũng hỏi tôi: Nói chuyện với em, anh đã chán chưa?

Em thì không chán. Nhưng câu hỏi chán.

Y bảo em mà hát bài “Đừng xa em đêm nay” (Đức Huy) thì anh không về được đâu. Nhưng tại sao anh lại phải về? Đâu là chỗ con người phải về? Y bảo anh lại vớ vẩn rồi. Về là nằm trên một cái giường nào đó với một ai đó, hay một cái lỗ nào đó giống như lỗ huyệt. Tôi hỏi em không hát thì em có phải về không? Tất nhiên em sẽ phải về, với anh hoặc chồng em, hoặc một cái cọc nào đó đóng em xuống đất. Hốt nhiên lòng tôi xao xuyến. Tôi vẫn nghe nói đến một nỗi chia lìa vĩnh viễn không thể vãn hồi không thể tư nghị của con người nhưng lờ mờ nhận thức, giờ đây tôi thấy nó. Và tôi chết lặng một định mệnh khắc nghiệt. Tôi nói với Y, chúng ta đã từ giã rồi. Sao cơ? Tôi biết là Y không hiểu, nhưng tôi vẫn nói luôn luôn từ giã. Lynh Bacardi bảo để em hát “Đã lạnh rồi trầm hương” (Nguyễn Quang Tấn). Lynh hát như một cái rùng mình. Duy Quang nói tôi và Duy Cường xin hát tặng bố. “Hai năm tình lận đận”. “Thà như giọt mưa”… Ông Phạm Duy đứng lên, tới lân moa. “Nghìn trùng xa cách”. Con dế gáy gọi con giun. Tôi cầm tay Y. Sự chia ly là giấc mơ ngọt ngào nhất với bóng tối. Ẩn sĩ Nguyễn Quang Tấn ngồi co ro như sợ rét. Lynh Bacardi bảo phải tìm cho anh Tấn một khẩu súng.

Thì tương lai. Nhìn dấu chân tôi phía trước, Đ nói ông Viện đã bỏ đi trước khi ông Tấn nổ súng, như thế có nghĩa là ông Viện chưa chết. Ông Tấn chỉ bắn vào cái bóng của ông Viện. Ở hiện trường, xác cô Y tan nát mà không có một vết đạn nào. Đ đi tìm tôi. Em biết là anh không yêu ai ngoài em. Trong cái hốc bà tó của một ổ chuột, Đ tìm thấy tôi đang ngủ chèo queo một mình. Em nghĩ là anh đang thiền. Tôi khóc trong giấc ngủ. Đ lại nói anh không thể quên mọi sự dễ dàng đến thế. Tôi vẫn khóc trong giấc ngủ. Đ nằm xuống bên cạnh tôi. Đôi khi em cũng muốn dứt bỏ tất cả. Những con ma nằm xuống cạnh tôi. Chúng tôi thật sự muốn dứt bỏ cái chết. Tôi bật dậy ngơ ngác. Ở bên kia thế giới, gã chèo thuyền đang đợi tôi bước xuống. Tôi thấy Y đang ngồi trên thuyền nghiêm trang và vô định. Bất giác tôi lại khóc. Đ ôm tôi vào lòng, mẹ của con đây. Tôi không còn nhìn thấy Y nữa. Đ nói sự chia ly là điều kỳ diệu lớn lao nhất khi con người chọn sự sống. Tôi uống sữa Đ và lại chìm vào giấc ngủ.

Bí mật của HH: Trong khu vườn yên tĩnh chỗ em ngồi, tiếng chim hót làm em nhớ cái truyện “Buổi sáng không có tiếng chim hót trong quần” của anh. Em bật cười một mình. Mỗi lúc chán chường, em lại lôi truyện anh ra đọc. Phải chi có anh ở đây. Và em có thể nói em yêu anh.

Tôi trốn chạy HH. Trốn chạy tôi. Nhưng HH bảo cho em dựa lưng vào anh. Tôi nói với HH anh đã thấy cái cảm thức chia ly vĩnh viễn. HH hỏi làm sao thấy được nó? Tôi bảo khi ngồi với Y trong quán cà phê có rất nhiều người hát và tôi chợt thấy nó trong nụ hôn.

Tôi biết là cái cảm thức buồn phiền ấy sẽ không bao giờ mất đi. Tôi nói với Y, anh không muốn xa em.

HH bảo ông không phải là mẫu đàn ông để đàn bà chọn làm chồng. Tôi nói anh chỉ muốn có một tình bạn mà người ta có thể làm tình với nhau được. Ông đừng có mơ nhé.

Y lại cầm tay tôi và chìa má cho tôi hôn. Chồng em về rồi.

Tôi biến vào đám đông. Tôi vô danh tiểu tốt. HH cũng đã về với con. Tôi lại nghĩ đến Đ. Thì tương lai của tôi. Sữa của Đ thơm ngát, mộng của tôi ngọt ngào. Tôi lừng lững giữa chiều ánh sáng ngược, vĩnh biệt mọi buồn vui, đi về phía Đ. Em là sự chứng ngộ của anh.

Thư của Đ: “Em vừa mới đi Yên Tử về. Ở đó không có internet nên không liên lạc được với ai. Em vừa về, đã đọc kỳ 12 anh viết. Giọng văn vẫn ngon lắm anh à. Ngon thiệt đó. Tết này em ở nhà đọc sách thôi. Anh có biết sách gì hay gợi ý cho em đọc với. Em Đ.”

Có ba cuốn sách anh thích, nhưng không biết bây giờ có thể tìm được không, đó là “Nhà sư vướng lụy” do Bùi Giáng dịch, cuốn thứ hai “Milarepa con người siêu việt” (không nhớ tác giả, không nhớ ai dịch), cuốn thứ ba “Một thoáng nàng” của Holderlin. Anh muốn em chia sẻ với anh cái hành trình khai mở vào sự tuyệt vọng và đau thương của con người này.

Tôi hỏi Đ: Em có bỏ bùa cho sư không?

Đ nói em không mặc yếm thắm. Nhưng em mặc quần lót đỏ.

Tôi nói với Đ, em đừng giải nghiệp bằng việc ăn chay hay đi chùa mà hãy buông xả nhan sắc em cho ruồi bu kiến đậu, bởi vì người ta không thể giải nghiệp bằng nghiệp. Khi ruồi và kiến hóa kiếp thành Phật, em kiến tánh thành Quan Âm, anh sẽ đáo bỉ ngạn niết bàn.

 
2.2.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021