thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những suy tưởng rối bù [kỳ XVI]
(Diễm Châu dịch)

 

Giấc mơ của những kẻ nô lệ:

một khu chợ nơi người ta có thể mua các ông chủ.

 

*

 

Tôi đã thấy những hậu quả

năm nào cũng sản sinh vô khối những nguyên nhân mới.

 

*

 

Phải chăng bổn phận của con người, mỗi khi tìm được

nơi mình một điều gì đó có giá trị,

là phải báo ngay cho trạm công an gần nhất?

 

*

 

Không ai lại ngu ngốc tới độ lâu lâu

không làm ra bộ ngu ngốc.

 

*

 

Cả đến những kẻ ăn thịt người cũng tới cứu những người

bị mắc trong hàm cá mập.

 

*

 

Khi kẻ thù của mi xoa tay,

thời đến lượt mi hành động: hãy thu xếp làm sao

để đôi tay mi được rảnh rang!

 

*

 

Một xạ thủ dầy kinh nghiệm tuyên bố:

"Bắn trúng những anh lớn khó hơn những anh nhỏ."

 

*

 

Mi đừng ngạc nhiên khi kẻ có mùi khét lẹt

rất ưa được xông hương.

 

*

 

Tôi chạm tới nàng Vệ-nữ đảo Milo. "Hạ cẳng xuống!",

bị mặc cảm, nàng bảo.

 

*

 

Sự phân xẻ của bản ngã là một căn bệnh tâm thần

trầm trọng, trong phạm vi nó giảm thiểu vào một

đối nguyên tính* thảm hại sự bùng nổ bình thường

của con người thành một khối lượng vô tận

những con người.

---------------------------------------

(* dualité hay "lưỡng nguyên tính".)

 

*

 

Đôi khi cổ họng chúng ta se thắt lại để

ngăn ngừa tiếng nói của con tim đi lên đầu óc,

hay ngược lại.

 

*

 

Hãy miễn thứ cho những kẻ ăn thịt người:

"Con người ta là những con bê."

 

*

 

"Thưa quý ngài, xin hãy đặt cuộc!"

Quả địa cầu bắt đầu lăn.

 

*

 

Khi thời buổi nguy hiểm,

mi chớ bước vào trong mi; chính đó là nơi

người ta có thể tìm ra mi dễ nhất.

 

*

 

Một con chim săn mồi phải nuốt bao nhiêu con

họa mi để có thể bắt đầu hót?

 

*

 

Tất cả những con phụng hoàng tái sinh từ lớp tro

không thú nhận quá khứ của chúng.

 

*

 

Khốn cho kẻ nào không thấy các vì sao

khi không nhận được một cú đấm vào mắt.

 

*

 

Một nhà truyền giáo bị 'xơi tái' có quyền

coi như mình đã hoàn thành sứ mạng chăng?

 

*

 

Ta hãy đặt những câu cú tạm thời.

Là vì nếu như có một cuộc động đất?

 

*

 

Chúng ta hãy tỏ ra mình là người ít ra là bao lâu

khoa học chưa khám phá ra chúng ta là

thứ gì khác.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

Những suy tưởng rối bù [kỳ I]

Những suy tưởng rối bù [kỳ II]

Những suy tưởng rối bù [kỳ III]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IV]

Những suy tưởng rối bù [kỳ V]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VI]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VIII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IX]

Những suy tưởng rối bù [kỳ X]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XI]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XIII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XIV]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XV]

 

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

STANISŁAW JERZY LEC [đọc như Letz] là một nhà thơ Ba-lan, tác giả khoảng hai ngàn câu "cách ngôn". Ông sinh năm 1909 tại Lwów, ở Galicie, trong một gia đình Do-thái. Sau khi học luật và ngữ ngôn học Ba-lan, ông khởi nghiệp nhà báo và nhà thơ ở Vac-xa-va. Bị bắt nhốt trong trại tập trung của Đức quốc xã từ 1941 tới 1943, ông đã vượt thoát và gia nhập hàng ngũ quân kháng chiến.

Từ 1946 tới 1950, ông làm tùy viên báo chí cho Phái bộ chính trị Ba-lan ở Vienne. Và bắt đầu viết những câu “cách ngôn”.

Những câu “cách ngôn” này xuất hiện từ 1954 trên các tạp chí văn nghệ Ba-lan và, vào năm 1957, dưới hình thức ‘xã luận’, hết sức thành công cả ở trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là ở Đức. Trong bản Pháp văn, người ta đã có nhận xét về những câu ấy như ".. sự cô đọng có tính cách xói mòn cao độ, chống lại sự man dã đen và đỏ của thời đại, chống lại sự tầm thường quá ồn ào của những kẻ tiếm đoạt quyền bính và ngôn ngữ, chống lại sự hèn nhát và ích kỷ chung của con người..."

Stanisław Jerzy Lec mất năm 1966.

 

Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của André và Zofia Kozimor, do nhà xuất bản NOIR SUR BLANC in tại Lausanne vào tháng 10-1991, với nhiều minh họa của Roland Topor và lời đề tựa của Claude Roy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021