thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/NHẠC SĨ] Không còn mai sau
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
GUY BÉART
(1930)
 
Lời người dịch:
 
Guy Béart, tên thật là Guy Béhar, sinh ngày 16.07.1930 tại Cairo, Ai-cập. Suốt thời thơ ấu, Guy đã theo cha mẹ dời địa chỉ cư trú liên tục ở châu Âu và Mexico. Năm ông lên 10 tuổi, gia đình ông dời về Lebanon, và ở đó năng khiếu âm nhạc của ông bắt đầu phát triển nhanh chóng. Lên 17 tuổi, ông được sang Paris để theo học tại "École National de Musique". Song song với âm nhạc, ông học ngành kỹ sư. Sau khi thân phụ ông qua đời năm 1952, Guy đành bỏ dở con đường âm nhạc, và phải làm việc như một kỹ sư để nuôi gia đình. Tuy thế, sau giờ làm việc, ông vẫn viết ca khúc và ôm đàn guitar đi hát tại những quán cabaret ở Paris. Ông thực sự trở lại với âm nhạc sau khi một số ca khúc của ông trở nên nổi tiếng, và ông bắt đầu viết cho giọng hát của Juliette Gréco. Được sự hỗ trợ của nhà sản xuất âm nhạc lừng danh Jacques Cannetti và sự khuyến khích của nhạc/ca/văn/thi sĩ Boris Vian, ông cho ra đời đĩa nhạc đầu tay do chính ông hát và đệm đàn; và đĩa nhạc này đoạt giải Grand Prix de l'Académie du Disque Français năm 1958. Từ đó, Guy liên tục gặt hái thành công. Năm 1965, ông được trao giải Grand Prix de l'Académie Charles Cros. Từ những năm 1970, vì sức khoẻ suy giảm, hoạt động âm nhạc của Guy trở nên trầm lặng hơn, tuy ông vẫn còn viết ca khúc và thỉnh thoảng trình diễn. Năm 1994, ông được trao giải Grand Prix de l'Académie Française cho sự nghiệp âm nhạc của ông với hơn 300 tác phẩm.
 
Il n'y a plus d'après (Không còn mai sau) của Guy Béart, do cô ca sĩ “hiện sinh” Juliette Gréco (1927~) trình diễn, là bài ca một thời vang bóng. Gréco là bạn chơi thân với Sartre và Simone de Beauvoir và một nhóm văn nghệ sĩ (Boris Vian, Raymond Queneau, Jacques Prévert, Léo Ferré, Georges Brassens, Francoise Sagan...) thường lui tới Café de Flore và Les Deux Magots, quán cà phê và tiệm rượu tại “làng văn” hiện sinh Saint-Germain-des-Prés, bên tả ngạn sông Seine, sau Thế chiến thứ Hai. Ngày nay, Saint-Germain-des-Prés đã trở thành một khu phố dành cho du khách với các tiệm bán áo quần thời trang, xa xí phẩm và thức ăn nhanh, “Ngày xưa sẽ không còn nữa” (Il n'y a plus d'autrefois), như tác giả bài ca đã tiên đoán.
 
Người dịch đã đổi cách xưng hô có thể hiểu là “em” khi Gréco hát, thành “anh” cho bản dịch, đúng theo nguyên tác.
 
 
Juliette Gréco thời "Không còn mai sau"
 
 

KHÔNG CÒN MAI SAU

 
1.
Bây giờ sống xa vạn lí
Tận phía đầu kia Paris
Lúc nào em muốn đổi thời
Thì chọn một chuyến viễn khơi
Và tới thầm thì nhỏ to
Tại nơi góc đường Hoả Lò
Thăm ta em quay gót về
Xóm Saint-Germain-des-Prés.
 
ĐIỆP KHÚC:
Không còn mai sau đâu nhé
Ở Saint-Germain-des-Prés
Không còn trưa mốt em ghé
Những trưa hè ấy phai rồi
Chỉ có hôm nay mà thôi.
Khi anh lại được gặp em
Ở Saint-Germain-des-Prés
Em đã không còn là em
Anh cũng chẳng còn là anh
Ngày xưa sẽ không còn nữa.
 
 
2.
Em bảo: “Trông anh lạ quá!”
Phố xá cũng khác cũng lạ
Luôn cả cốc cà phê sữa
Cũng đã mất vị em ưa
Bởi vì em đã đổi thay
Và vì anh đã đổi thay
Như xưa đôi ta không thể
Ở Saint-Germain-des-Prés.
 
ĐIỆP KHÚC:
Không còn mai sau đâu nhé
Ở Saint-Germain-des-Prés
Không còn trưa mốt em ghé
Những trưa hè ấy phai rồi
Chỉ có hôm nay mà thôi.
Khi anh lại được gặp em
Ở Saint-Germain-des-Prés
Em đã không còn là em
Anh cũng chẳng còn là anh
Ngày xưa sẽ không còn nữa.
 
 
3.
Cái trò ái ân phút giây
Ở trong khu phố nhỏ này
Vì chỉ là sự tạm bợ
Đã mang dáng vẻ muôn thuở
Nhưng đêm rót đổ vào đêm
Thảy tắt chìm vào lãng quên
Bây giờ là chuyện hậu thế
Của Saint-Germain-des-Prés.
 
ĐIỆP KHÚC:
Không còn mai sau đâu nhé
Ở Saint-Germain-des-Prés
Không còn trưa mốt em ghé
Những trưa hè ấy phai rồi
Chỉ có hôm nay mà thôi.
Khi anh lại được gặp em
Ở Saint-Germain-des-Prés
Em đã không còn là em
Anh cũng chẳng còn là anh
Ngày xưa sẽ không còn nữa.
 
 
Nguyễn Đăng Thường dịch theo nguyên tác tiếng Pháp.
 
Nguyên tác:
 

Il n'y a plus d'après

 
1.
Maintenant que tu vis
À l'autre bout d'Paris
Quand tu veux changer d'âge
Tu t'offres un long voyage
Tu viens me dire bonjour
Au coin d'la rue du Four.
Tu viens me visiter
À Saint-Germain-des-Prés.
 
REFRAIN:
Il n'y a plus d'après
À Saint-Germain-des-Prés
Plus d'après-demain, plus d'après-midi
Il n'y a qu'aujourd'hui.
Quand je te reverrai
À Saint-Germain-des-Prés
Ce n'sera plus toi,
Ce n'sera plus moi:
Il n'y a plus d'autrefois.
 
 
2.
Tu me dis "Comme tout change!"
Les rues te semblent étranges.
Même les cafés-crème
N'ont plus le gout qu'tu aimes.
C'est que tu es une autre,
Et moi que je suis un autre.
Nous sommes étrangers
À Saint-Germain-des-Prés.
 
REFRAIN:
Il n'y a plus d'après
À Saint-Germain-des-Prés
Plus d'après-demain, plus d'après-midi
Il n'y a qu'aujourd'hui.
Quand je te reverrai
À Saint-Germain-des-Prés
Ce n'sera plus toi,
Ce n'sera plus moi:
Il n'y a plus d'autrefois.
 
 
3.
À vivre au jour le jour
Le moindre des amours
Prenait dans ces ruelles
Des allures éternelles
Mais à la nuit la nuit
C'était bientôt fini.
Voici l'éternité
De Saint-Germain-des-Prés.
 
REFRAIN:
Il n'y a plus d’ après
À Saint-Germain-des-Prés
Plus d'après-demain, plus d'après-midi
Il n'y a qu'aujourd'hui.
Quand je te reverrai
À Saint-Germain-des-Prés
Ce n'sera plus toi,
Ce n'sera plus moi:
Il n'y a plus d'autrefois.
 
 
-----------------
Nhận được bản dịch "Không còn mai sau" của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, tôi chợt nhớ mình còn giữ đâu đó một đĩa nhựa rất cũ kỹ ghi âm bài "Il n'y a plus d'après" qua giọng ca của Juliette Gréco. Sau vài ngày tìm kiếm vì không nhớ mình đã để đĩa nhạc ấy thất lạc nơi nào, tôi đã tình cờ bắt gặp nó nằm trên đầu một tủ sách trong nhà, đầy bụi bặm! Đó là đĩa Il n'y a plus d'après, do hãng Phillips sản xuất năm 1960. Tôi xin trích gửi đến nhà thơ Nguyễn Đăng Thường cùng bạn đọc một chút tiếng hát của Juliette Gréco qua bài "Il n'y a plus d'après". Tôi đã cố gắng dùng một vài softwares sẵn có để sửa chữa những chỗ âm thanh bị rè vì đầu kim đã mòn, chỉ hy vọng phục hồi được phần nào vẻ đẹp của tiếng hát.
 
Jean-Paul Sartre đã viết về tiếng hát Juliette Gréco như sau: “Elle a des millions dans la gorge, des millions de poèmes qui ne sont pas encore écrits...” (Nàng có trong thanh quản hàng triệu, hàng triệu bài thơ chưa được viết ra...)
Hoàng Ngọc-Tuấn
 
 
 
Đã đăng:
Nhiều lời ca của Brassens (1921-1981) đã đọng lại trong ký ức của người đương thời như những bài thơ hay, và ông đã được xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của Pháp thời hậu chiến. "La mauvaise réputation" là một trong những bài nổi tiếng của ông... Trong làng mình dù chẳng muốn khoe khoang / Tôi được tai tiếng là không đàng hoàng / Dẫu có nói năng hay dầu câm lặng / Tôi vẫn bị coi là kẻ nhập nhằng / Thế đấy tôi đâu có chọc ghẹo ai / Khi đường tôi tôi đi rất thoải mái / Nhưng ai nấy đều không ưa những đứa / Chưa theo họ trên đường ngay ở giữa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Lâu lắm, lâu lắm, lâu lắm / Sau khi các thi sĩ khuất bóng / Những bài ca họ còn chạy rong trên đường phố... | Ngôi làng tôi dưới đáy sông / Nhớ lại những giờ khắc rất gần gũi / Khi bắt đầu ngày mới âm thanh vui / của những cái chuông bay bổng... | Biển / Ta thấy đang tung tăng dọc theo những vịnh nước trong / Lấp lánh ánh bạc / Biển / Của những phản ảnh vạn trạng / Dưới làn mưa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên & Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Charles Trenet (1913-2001), ca sĩ với chiếc gậy và chiếc "mũ phớt" (feutre) hoặc "mũ cói/mũ chèo thuyền" (canotier), lúc ca hay đảo tròng mắt, nổi tiếng cuối những năm 30 và những thập niên kế tiếp. Một ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, đã được giới ái mộ tặng cho cái biệt danh "anh chàng hát như điên" ("Fou Chantant")... Tôi nhớ mãi một cái góc phố / Hôm nay nó không còn đấy nữa / Tuổi nhỏ tôi nô đùa nơi ấy / Tôi vẫn còn chưa quên điều đó / Chỗ ấy có một cái hàng rào / Một lùm cây để phục kích nhau / Lũ du côn trong khu phố tôi / Kéo tới đó đập đánh nhau chơi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Mick Micheyl (1922~) là một nghệ sĩ đa diện: hoạ sĩ, nhà trình diễn nhào lộn (acrobat), kịch sĩ, ca khúc tác gia, ca sĩ, và hiện nay bà là một nghệ sĩ điêu khắc trên thép... Một chú lỏi Paris / Là cả một bài thơ / Chưa hề ở xứ nào / Có được y như vậy / Vì chú nhỏ ti ti / Bé con tí tí này / Được mọi người đều si... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel... Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút / Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa / Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh / Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jean Hans Arp (1886-1966) là một điêu khắc gia lừng danh thế giới và cũng là một họa sĩ kiêm thi sĩ viết bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức... Trước tiên phải để mọc lên những hình dạng, sắc màu, ngôn từ, cung độ và kế đó giải thích. / Trước tiên phải để mọc lên những bắp chân, những chiếc cánh, những bàn tay và kế đó để chúng bay chúng ca hát hình thành biểu hiện... | Thánh đường là một trái tim. / Làm sao tôi nói được / Thánh đường Lộ-trấn / là một trái tim?... [Bản dịch Diễm Châu]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021