thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/HOẠ SĨ] Chú lỏi Paris
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
MICK MICHEYL
(1920~)
 
Mick Micheyl, sinh ở Lyon trong thập niên 20, còn được gọi là "những năm điên cuồng".[1] Học vấn của bà được đẩy xa hơn và được vinh danh với giải nhất của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Lyon. Năm 1950, với các bức họa cặp tay, bà lên Paris thử thời vận, nhưng chẳng có cánh cửa nào hé mở đón nhận nhà họa sĩ tỉnh lẻ. Bà quyết chí tạo danh bằng cách trình diễn những ca khúc do bà sáng tác cả nhạc lẫn lời. Đoạt Giải nhất Ca khúc Pháp, Giải nhất Viện Hàn Lâm Charles Gros, xuất hiện trên sân khấu Music-hall (nhạc nhẹ) và Casino de Paris, ca khúc Un gamin de Paris (Chú lỏi Paris) chu du khắp thế giới. Trong thời gian hai mươi hai năm tên tuổi sáng rỡ, bà vẫn tiếp tục trau dồi hội họa. Năm 1968 bà sáng chế được kỹ thuật mới: khắc trên thép, sử dụng chất a-xit trên các bảng thép không rỉ mài láng bằng một bàn mài điện, để thay thế cọ và bút chì. Năm 1973 bà đã sẵn sàng cho cuộc triển lãm đầu tiên. Bà đột ngột huỷ các cuộc đi xa trình diễn cũng như ngưng sản xuất các sô truyền hình, để dồn hết thì giờ vào thiên chức. Ngôi sao của ca khúc nhẹ sẽ chế ngự ánh sáng và khiến thép "reo ca". "Tôi vẽ bằng Ánh Sáng. Nó bị bẫy bởi muôn ngàn vết thương nho nhỏ do tôi gây ra cho kim khí, bởi sự cọ xát của bàn mài điện. Đây chẳng phải là hội hoạ, cũng chẳng phải là điêu khắc, mà là sự 'biểu hiện' của tôi", bà nói. Tác phẩm của bà được sưu tầm ở Hoa Kỳ và Nhật, Úc và Nam Phi.
 
(NĐT dịch, từ website:"http://www.avezard.com/Micheyl.htm")
 
 

CHÚ LỎI PARIS

 
Một chú lỏi Paris
Là cả một bài thơ
Chưa hề ở xứ nào
Có được y như vậy
Vì chú nhỏ ti ti
Bé con tí tí này
Được mọi người đều si
 
Một chú lỏi Paris
Là sự dịu pha giữa
Một bầu trời giải phóng
Với quỉ và thiên thần
Và con mắt lém lỉnh của chú
Êm ả hóa trước một quả cam
Tuy chưa cao hơn ba quả táo
Mà lại dám thách đố
Một bậc cha anh hiền lành
Đã dám gọi chú là: "Bé ơi."
 
Một chú lỏi Paris
Là một lá hiệu kỳ
Búp hoa nhỏ đang nở
Trong hũ đựng mù-tạt
Chú là cả tinh thần
Tinh thần của Paris thơ thẩn
Ống quần còn dài hơn đôi chân
Hai tay luôn đút vào túi quần
Người ta thấy chú co giò chạy
Khi thoáng hiện chiếc mũ kê-pi.[2]
Một chú lỏi Paris
Là cả một bài thơ
Chưa hề ở xứ nào
Có được y như vậy
Vì chú nhỏ ti ti
Bé con tí tí này
Được mọi người đều si
 
Chú là người thừa hưởng
Từ khi mới sinh ra
Cả một cái dĩ vãng
Trĩu nặng nhiều hậu quả
Và điều này chú rõ
Dù mù tịt Lịch sử Nước Nhà [3]
Chú biết rằng nơi các công trường
Vì trọng một lý tưởng
Có những cậu nho nhỏ gan dạ
Đã khai dạ vũ theo lối mình
 
Một chú lỏi Paris
Đầy ắp những vô tư
Tinh ranh và hoan hỉ
Trước cuộc đời reo ca
Nếu cần chú sẽ như
Thằng Gavroche[4] lao vào điệu vũ
 
Một chú lỏi Paris
Đã rỉ vào tai tôi
Nếu em rời nơi này
Thì đêm trước khi đi
Em sẽ chẳng e ngại
Đút cả Paris vào chai.
 
 
Nguyên tác (có thêm âm nhạc ở cuối trang này)

Un gamin d'Paris

 
Un gamin d'Paris
C'est tout un poème
Dans aucun pays
Il n'y a le même
Car c'est un titi
Petit gars dégourdi
Que l'on aime
 
Un gamin d'Paris
C'est le doux mélange
D'un ciel affranchi
Du diable et d'un ange
Et son oeil hardi
S'attendrit devant une orange
Pas plus haut que trois pommes
Mais lance un défi
A l'aimable bonhomme
Qui l'appelait "Mon petit"
 
Un gamin d'Paris
C'est une cocarde,
Bouton qui fleurit
Dans un pot d'moutarde
Il est tout l'esprit
L'esprit de Paris qui musarde
Pantalons trop longs pour lui
Toujours les mains dans les poches
On le voit qui déguerpit
Aussitôt qu'il voit un képi.
Un gamin d'Paris
C'est tout un poème
Dans aucun pays
Il n'y a le même
Car c'est un titi
Petit gars dégourdi
Que l'on aime
 
Il est héritier
Lors de sa naissance
De tout un passé
Lourd de conséquences
Et ça, il le sait
Bien qu'il ignore l'Histoire de France
Sachant que sur les places
Pour un idéal
Des p'tits gars pleins d'audace
A leur façon fir'nt un bal
 
Un gamin d'Paris
Rempli d'insouciance
Gouailleur et ravi
De la vie qui chante
S'il faut, peut aussi
Comme Gavroch' entrer dans la danse
 
Un gamin d'Paris
M'a dit à l'oreille
Si je pars d'ici
Sachez que la veille
J'aurai réussi
A mettre Paris en bouteille.
 
Lời: Mick Micheyl. Nhạc: Adrien Marès
Éditions Métropolitaines, 1951.
Nguồn: La chansonnette, Yves Montand, Livre de Poche, 1995.
 
------
Chú:
[1] Điên cuồng do các phát minh mới: tàu xuyên Đại Tây Dương, nhà máy, khói công nghiệp, găng tơ, ôtô, hội quán, tỉ phú Mỹ, chủ nghĩa khoả thân Đức, phim câm; thác loạn với lối sống tân thời: phụ nữ-con trai (tóc ngắn), khiêu vũ, rượu... Và lạm phát tăng vọt.
[2] Képi: mũ cảnh sát.
[3] Nguyên tác: Histoire de France, Lịch sử Nước Pháp, Pháp Quốc Sử.
[4] Gavroche là chú bé bụi đời trong Những kẻ khốn khổ của Victor Hugo. Gavroche đã tham dự cách mạng xã hội. Lỏi tì này thường ca: "Tui té xuống đất nẻ / Bởi cái ông Vônte/ Lỗ mũi chui lỗ cống / Tại cái ông Rútxô..." (Je suis tombé par terre / C'est la faute à Voltaire / Le nez dans le ruisseau / C'est la faute à Rousseau...)
 
Chú lỏi Paris được nhiều ca sĩ Pháp nam lẫn nữ ca, có lẽ vì họ đều cảm thấy mình là một lỏi tì của Paris, tuy mỗi người đã diễn tả theo phong cách riêng. Tôi nghe bài ca này (Yves Montand, dĩa 45 vòng) đồng thời với "Em bé quê" (Thái Thanh, trên đài phát thanh Pháp-Á). Tất nhiên tôi thích Chú lỏi Paris hơn bài "dân ca" khai thác đời sống thôn dã hơi bị tô hồng, vào đúng thời điểm bi đát nhất của "bác nông phu". Dân quê trong nhạc "dân ca" của ta đều hầu hết có một cuộc đời hồng tươi. Chỉ bọn trưởng giả thành thị là bị... "ngàn thu áo tím", "mùa thu không trở lại vì... em ra đi"!
(Nguyễn Đăng Thường)
 
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
 
Rất may mắn, tôi sẵn có đĩa nhạc của Yves Montand, À Paris, trong đó có bài Un gamin d'Paris. Tôi nhặt được đĩa nhạc cũ kỹ này trong một tiệm lạc-xoong ở Paddington, Sydney, trong những ngày tháng vừa đặt chân lên đất Úc. Nay, nhân nhà thơ Nguyễn Đăng Thường dịch bài thơ / ca từ của Mick Micheyl, tôi lục lại kho đồ cũ và tìm lại được tiếng hát cố tri Yves Montand.
 
Tôi xin chuyển ca khúc Un gamin d'Paris này ra dạng mp3 để mời độc giả cùng thưởng thức giọng hát tuyệt với của Yves Montand. Và đây cũng là một chút "quà văn nghệ" để bày tỏ lòng thân ái của tôi đến nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.
 
Để nghe, mời thính giả bấm vào nhan đề này: Un gamin d'Paris.
 
 
 
 
Đã đăng:
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel... Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút / Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa / Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh / Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jean Hans Arp (1886-1966) là một điêu khắc gia lừng danh thế giới và cũng là một họa sĩ kiêm thi sĩ viết bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức... Trước tiên phải để mọc lên những hình dạng, sắc màu, ngôn từ, cung độ và kế đó giải thích. / Trước tiên phải để mọc lên những bắp chân, những chiếc cánh, những bàn tay và kế đó để chúng bay chúng ca hát hình thành biểu hiện... | Thánh đường là một trái tim. / Làm sao tôi nói được / Thánh đường Lộ-trấn / là một trái tim?... [Bản dịch Diễm Châu]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021