thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hồi ức chiến tranh
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường.
Riêng tặng Hoàng Ngọc-Tuấn
NĐT.
 
 
 
BOB KAUFMAN
(1925-1986)
 
Sinh tại New Orleans, Louisiana, ngày 18 tháng Tư năm 1925 trong một gia đình đông con. Mẹ là phụ nữ Martinique, cha là người Đức gốc Do-thái.
 
Kaufman bỏ nhà ra đi năm lên 13. Năm 1940 ông lên New York ghi tên học văn khoa ở New School, gặp William S. Burroughs, Allen Ginsberg ở đây. Sau đó cả ba đã tới San Francisco đoàn tụ với Gregory Corso, Jack Kerouac, Lawrence Ferlinghetti.
 
Là một nhà thơ beat chính hiệu, thơ Kaufman ảnh hưởng đến thơ ca đương đại. Theo nhà thơ A. D. Winans, thơ Kaufman đôi khi có đượm không khí voodoo -- những cuộc "lên đồng" -- trên quê hương mẹ. Giới trí thức văn học Pháp đã vinh danh Kaufman với nhãn hiệu "anh chàng Rimbaud da đen của nước Mỹ".
 
Riêng tôi, Bob Kaufman là Bob Kaufman. Thơ Kaufman là thơ Kaufman. Vậy cũng quá đẹp rồi. Không cần, không nên "đồng hoá" tất cả với... Rimbaud!
 
Bob Kaufman có khi cũng được gọi là thi sĩ jazz, nhà thơ be-bop.
 
Nguyễn Đăng Thường
 
 
 

HỒI ỨC CHIẾN TRANH

 
Jazz ― hãy nghe jazz dù jazz có thể nguy hại
      đến sức khoẻ của bạn.
Thoạt tiên
jazz chỉ là một chỗ ấm và đen.
 
(Tiếng thét của jazz là tiếng kèn
      trompette-cười
Chưa hẳn là blues, nhưng cũng đã rối ren.)
 
Nức nở
trên nỗi đớn đau
để chúng ta tự tha thứ
và nguyên tội[*] là một dĩa nhạc hư.
Thượng đế chơi jazz
để giết thì giờ ― tất cả thì giờ.
Chúng ta chào đời trên những làn sóng đỏ.
 
(Biết bao tiếng cười giấu trong máu
và trong niềm tin;
Cuộc đời là chiếc kèn saxo do cái chết thổi.)
 
Vì muốn làm vui lòng chúng ta đã tập khóc.
Vì quá ham sống chúng ta đã học chết.
Tim ta là một chàng nhạc sĩ hay phiền muộn
Cứ ca hát mãi những bài blues buồn.
 
Blues thổi đời sống
như đời sống thổi hãi sợ
cái chết tới
và jazz êm ái thổi thổi thổi trong đêm
quá êm ả cho đôi tai của những kẻ
chỉ lắng nghe
      thanh âm của cái chết
của chiến tranh
của tro hoả táng gói trong lá quốc kỳ
      ở những miền đất đắng
cay.
 
Không có jazz
với cái xẻng vét bùn
trám miệng; jazz quằn quại
trong tiếng thét lìa đời của trẻ con ở những nơi
      hoang địa
jazz vất bỏ chúng ta lại với tro tàn.
 
(Jazz là một tên phản
bội đã tới từ châu Phi.)
 
Một người hoang dã trăm phần trăm
có phí thì giờ quí báu không nhỉ
để nghe jazz
khi có nhiều cuộc giết chóc đang chờ?
 
Hãy im hẳn tiếng trống
để chúng ta lắng nghe tiếng cháy xèo xèo
của người Nhật
trên màn ảnh colorcinemascope nguyên tử
và hồi tưởng lại
những tiếng thét
của âm thanh
                     nổi.
 
 
_________________________

[*]original sin.

 
-----------------------
Chuyển ngữ từ nguyên tác "War Memoir" của Bob Kaufman trong thi tập Solitudes Crowded with Loneliness (New York: New Directions, 1965) 52-53.
 
 
 
Đã đăng:
 
Năm bài thơ của Bob Kaufman (1925-1986) — nhà thơ Mỹ đương đại — người từng được coi là nhà thơ jazz lớn nhất xưa nay... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021