thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BỐN BÀI THƠ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
MIKHAIL GRONAS
(1970~)
 
Mikhail Gronas sinh năm 1970 tại Tashkent, Uzbekistan, tốt nghiệp Ban văn chương Đại học Quốc gia Moscow, và PhD tại Đại học Nam California (USC, 2002), hiện là giáo sư tại Phân khoa Văn học và Ngôn ngữ Nga, Đại học Dartmouth, Hanover, New Hampshire, Mỹ.[*] Ông có nhiều bài viết chuyên ngành đăng trên các tạp chí nghiên cứu văn học và lịch sử văn hoá trong các tuyển tập thơ văn – trong đó có nhiều bài gây tiếng vang rộng rãi trong giới văn học, như trường hợp bài “Tại sao trước đây thơ tự do được yêu chuộng ở phương Tây, mà không được yêu chuộng ở Nga?” đăng trên tạp chí Toronto Slavic Quarterly, No. 33, 2010 chẳng hạn. Ông từng dịch thơ Paul Celan cũng như nhiều tác phẩm của triết gia nhân chủng / xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu, và từng được trao Giải thưởng Andrei Bely[**] năm 2002, cũng là năm ông cho xuất bản tập thơ Những trẻ mồ côi thân ái [“Дорогие Сироты”, Moscow: OGI, 2001].
 
Trong bài “Siêu hình học qua tia X” đăng trên tạp chí Người Quan sát Văn học Mới (Новое литературное обозрение, số 62, 2003) ở Moscow, viết về tập thơ nói trên, nhà thơ nữ nổi tiếng Elena Fanailova có nhận định thơ Gronas “làm mới dòng thơ trữ tình truyền thống, trộn hình thức châu Âu với nội dung Nga – tạo ra một thứ “quang học mới nắm bắt những sự vật thường thoát ra ngoài tầm chú ý của mọi người.
 
_________________________

[*]Ngoài nhiều công trình nghiên cứu về Pushkin, các đề tài giảng dạy của ông trải dài từ Dostoevsky, Văn học dân gian Slavic, Văn học hiện đại Nga, Điện ảnh Nga và các nước Đông Âu...

[**]Giải thưởng Andrei Bely (Премия Андрея Белого) là một giải văn học độc lập lâu đời nhất ở Nga, thành lập năm 1978 bởi Ban biên tập tờ báo văn học samizdat lớn nhất ở Leningrad nhằm công nhận những tác giả thuộc ba thể loại văn xuôi, thơ và lý luận. Trong số những người sang lập, có thể kể Boris Ivanov, Boris Ostanin, Viktor Krivulin, Arkady Dragomoschenko. Giải  mang tên Andrei Bely bởi lẽ nhà văn này có ảnh hưởng xuyên suốt không chỉ thơ ca, mà cả văn xuôi mang đầy tính nhân bản Nga.

 
_______________
 
 
 
Bài thơ thứ bảy triệu chín trăm năm mươi ba ngàn
một trăm tám mươi sáu sau Auschwitz
 
Bài thơ này tác giả viết giữa đêm.
 
Nó là bài thơ thứ bảy triệu chín trăm năm mươi ba ngàn một trăm tám mươi sáu sau Auschwitz (ước lượng đại khái)
 
Nó biểu hiện những tình cảm khát khao với quê hương, tình yêu với những người thân thương và tình bằng hữu giữa bạn bè
 
Bằng lời nói và sau đó là chấm hết.
 
 
 

* * *

 
mùa thu
thế giới vỡ nát nằm yên bên vệ đường
không có ai đem ra sửa
không có ai dựng lại trục bánh xe
bạn hãy cứ vui lòng ngồi
yên và gật đầu tán thành
trong khi đám mồ côi và bà con thân thuộc
thuyết dông thuyết dài về bạn
và trao đổi những món quà
 
 
 

* * *

 
thế giới bấp bênh phù du mạo hiểm đưa mắt nhìn
            buổi mai sáng ta hãy bước
 
vào bên trong những thứ dự trữ thiên niên kỷ, những
            dụng cụ bếp núc ngày thường, ỏ đấy chẳng có gì là
 
chung cuộc ta sẽ lập một bản vẽ những đường nhăn của em và ta
            sẽ điều khiển vô số kể lông mao lạ lùng đi từ
            trên xuống dưới
 
theo hướng nghiêng
 
 
 

* * *

 
1
 
hôm nay chiến tranh
ngày mai đàm phán
nhưng chúng ta biết
những cuộc đàm phán
là một thất bại
 
hôm nay là nước
ngày mai là những chiếc thuyền cứu hộ
nhưng chúng ta biết
cuộc cứu hộ
sẽ nhận chìm chúng ta
 
hôm nay chiến tranh
hãy yêu tôi
hôm nay chiến tranh
hãy yêu tôi
hôm nay
 
 
2
 
đây đích thị là một cánh đồng
một cánh đồng có những lỗ trũng, những đường rãnh
bạn bước đi bạn bước đi, và thế là bạn chết chìm
 
bạn chết chìm bạn chết chìm,
và thế là bạn bước đi dưới mặt nước
thở bằng một cọng rơm
bạn thở bạn thở
bạn bước ra
và bạn hầu như không còn nhớ gì nữa
 
 
 
-------------------
“Bài thơ thứ bảy triệu chín trăm năm mươi ba ngàn một trăm tám mươi sáu sau Auschwitz” dịch từ bản tiếng Anh “Eight million nine hundred and fifty three thousand one hundred and eighty sixth poem after Auschwitz” của Christopher Mattison & tác giả trong tạp chí Jacket (No. 36, 2008). “mùa thu...”, “thế giới bấp bênh...”, “hôm nay chiến tranh...” dịch từ bản tiếng Pháp của Christine Zeytounian-Beloüs trong La nouvelle poésie russe - Anthologie – 33 poètes do Evgueni Bounimovitch giới thiệu, Evgueni Bounimovitch và Christine Zeytounian-Belous tuyển chọn, Ecrits des Forges và Autres Temps xuất bản, 2005.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021