|
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [9]
|
|
Năm 2000. Phương Phương nhặt những cánh hoa ngọc lan rụng trong sân chùa, gói vào vạt áo. Ma Giáng nhìn thấy động lòng, nói: Lẽ ra, qua không làm thơ lục bát nữa, nhưng nhìn em quần ống cao ống thấp so le hiện thực với huyền ảo, đành phải ngỏ vài câu thương cảm. Phương Phương e lệ thưa: Thày nói chi lời tài tử. Hồng nhan em đã nhuốm màu tê tái hậu hiện đại. Không, em đừng để phí thời gian với lão thợ đúc ngoài biên ải. Đã muộn rồi, thưa công tử của Bạc Liêu huyễn hoặc. Em đã biết mùi tanh tưởi của nguyên khí hào hoa? Thưa, phận gái già nào dám mơ tinh huyết của thiên tài. Ôi, ngọc lan ngọc nhũ ngọc mòng xứ lạ. Ngọc dương xanh ngọc cầm xanh thánh thót. Ngọc hoàn ngọc lệ qua về âm vực lối thu xưa. Ngày 16.3.2004. Lý Công Uẩn bảo cần phải đóng cửa các quán karaoke. Chúng nó lợi dụng văn nghệ văn gừng để đồi trụy phản động. Ly cà phê đã nguội, những cô gái gọi ưỡn ngực trên bàn uể oải, những người đàn ông đeo cravate sắp hàng trước cửa toilette. Trong nách tôi, những sợi lông ngọ nguậy, bốc mùi. Đám mây chuyển mưa kéo ngang bầu trời thành phố. Hằng nói: Những đám mây sẽ làm cho ma Tôn rớt xuống. Anh có định mời ông ấy uống cà phê không? Không, chưa bao giờ anh có ý muốn sẽ ngồi với ông ta. Anh vẫn ngồi với họa sĩ Trịnh Cung phải không? Ông ấy đang đọc báo. Anh thích bức tranh bước vào sa mạc của ông ấy, nơi tất cả mọi tự sự đã bị từ bỏ. Những sợi lông trong nách anh còn ngứa? Dường như nó đang mọc dài ra để thở. Hồng Phượng nói với Đại Quang: Mai mốt, quán karaoke đóng cửa, em sẽ ra đường, đứng dưới gốc me nhờ Huyền Trân Công Chúa phù hộ. Huyền Trân Công Chúa giẫy nẩy lên: Bà không phải là bà tổ chúng mày. Đừng có vin vào bà mà nhố nhăng. Đại Quang nói: Tổ tiên không lo được cho em, thì để anh lo. Anh sẽ xuất khẩu em sang châu Phi. Nếu em ngại châu Phi nghìn trùng kiểu cọ thì anh đưa em sang Campuchia, Đài Loan, hoặc Trung Quốc đại lục cho đồng văn, đồng khí. Hằng nói: “Em muốn uống cho say đến bất tỉnh”. Chuyện gì đang xảy ra với Hằng, tôi không biết. Đường dây điện thoại bị cắt. Internet không kết nối. Thần giao bất cảm. Tôi không thể gào lên. Anh cũng muốn uống cho say đến điên khùng. Những gã thợ săn đã đeo súng lên vai, chúng đi vào thành phố. Chiến dịch “Tìm và diệt” đã khởi động bằng những con chim mồi. Trên những ngọn cây vô tội, chúng nhìn trời xanh và hót về sự bao la. Trong bao la có những cái bẫy nhỏ của tình yêu và bao cao su thủng. Trong bao cao su thủng có những giấc mơ vụn an ủi đứa con hoang. Những đứa con hoang nghi ngờ tố cáo lẫn nhau về tính trung thực của sự hiện hữu. Năm 2001. Lý Công Uẩn tìm thấy xác tượng Nguyễn Trãi chìm trong đáy bùn một đìa tôm ở Khánh Hòa. Ông mang về đặt lại trên bệ tượng ở trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan Đồng Đế cũ. Trãi buồn buồn nói với Lý Công Uẩn: Hạ thần tưởng mình vẫn còn bị tru di. Không, Lê Thánh Tôn đã phục hồi danh dự cho khanh rồi. Nếu ở đây không còn ai hương khói, khanh có thể về vườn Đá Tảng ngắm trăng uống rượu với Nguyễn Xoong và những linh hồn oan khuất khác. Hạ thần không giao du với bọn tục tĩu. Trãi thưa. Đừng tưởng tục là tục. Ngươi ăn phải bả Khổng Tử. Thưa hoàng thượng, đấy là lễ. Nếu ngươi không trút bỏ được lễ thì ngươi sẽ phải chết vì lễ. Em không cần bất cứ điều gì, nhưng rồi vẫn cứ phải sống. Hằng nói. Không biết em đã uống bao nhiêu rượu. Em cũng không nhớ là có Quân hay không. Khi tỉnh lại, em thấy mình nằm trên sàn nhà. Cảm giác về sự hoang vu làm em nghẹn thở. Em cố lết vào phòng tắm. Làm thế nào có thể tìm thấy danh dự trong một thế giới không danh dự. Người ta vẫn tự nhục mạ mình bằng ảo tưởng. Thân thể em băng giá. Ngày 30.4.1975. Lúc 3 giờ sáng, trùm CIA ở Sài Gòn đánh bức điện cuối cùng gửi Washington với một nỗi cay đắng triết lý: “Ai không học gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử”. Quân báo tin cho tôi, Hằng đã chết vì rối loạn tim mạch sau một cơn say. Người ta nhìn thấy Hằng một mình nằm úp sấp trên sàn nhà. Tôi nói với Quân: Hằng vẫn còn đang nói chuyện với anh. Không, Hằng thật sự đã chết. Cô ấy hiện đã được đưa vào nhà xác. Hằng có nhắn gửi gì không? Cô ấy bảo anh đừng ảo tưởng. Chỉ có thế? Còn một chữ nữa. … “Em đây”. Năm 1999. Nguyễn Xoong ngồi khắc thơ mình lên đá. Bùi Giáng lùa dê đi ngang nhắm mắt không dám nhìn. Nhưng những con dê thì tò mò tọc mạch, chúng đứng lại nhìn Xoong hì hục đục. Chúng hỏi nhau: Con người vất vả để làm gì? Một con ra bộ tinh khôn nói để sống cho sướng. Con khác cãi lại, đã vất vả thì không sướng. Một con đến gần ngửi vào chỗ Xoong đang đục, nó nói: Chẳng có mùi gì cả. Bọn dê kéo nhau đi. Tôi nói với Hằng: Dù em còn sống hay đã chết, anh vẫn mong em về với anh. Anh cần em. Em biết thế và em đang ở bên anh. Cho anh hôn em. Em đây. Năm 1968. Đồng chí Mao Trạch Đông nói với Lý Công Uẩn: Chiến tranh nhân dân là tập đại thành của tất cả các binh pháp cổ kim đông tây. Kẻ nào nắm được nhân dân kẻ ấy nắm chắc phần thắng. Lý Công Uẩn ban đêm nằm mộng, thấy: Các chị em tiểu thương, bà con nông dân xông lên phía trước đối diện với súng đạn quân thù. Từng lớp người gục xuống. Trước khi chết, họ còn tự hào hô vang: Chết cho vinh quang người (phía) sau. Trong một đêm mộng khác, Lý Công Uẩn thấy: Hàng ngàn công nhân lao vào đám cháy cố cứu lấy bức ảnh chân dung chủ tịch muôn đời Kim Nhật Thành, không quan tâm đến những người bị thương trong đống lửa đang gào khóc. Nghe Lý Công Uẩn kể về hai cơn mộng ấy, nhạc sĩ Công Tôn nói: Mỗi ngày tôi chọn một loại bia. Bia để uống cho say. Bia đặt trên mộ. Và bia đỡ đạn. Anh vẫn sống với nỗi buồn và sự vô nghĩa. Tôi nói với Hằng. Chẳng phải là anh vẫn nói với em phải chống lại sự vô nghĩa sao? Chống lại sự vô nghĩa không có nghĩa là sẽ có nghĩa hơn. Thế thì tại sao anh lại để cho em chết? Anh muốn em thuộc về anh. Yêu anh. Ở trong anh. Nhưng xem ra thực tế, điều ấy đã trở nên bất khả. Ngày 16.3.2004. Tôi nói với Lý Công Uẩn: Còn có một người cần phải nhặt xác về, thưa hoàng thượng. Nó chết chưa? Xem như đã chết. Nó là ai? Linh mục Giuse. Nó là linh mục thì để Chúa của nó đón, bận gì đến ta. Ông ấy đã bị Chúa khước từ, không thể lên thiên đàng nhưng cũng không thể xuống địa ngục. Cần phải có một chỗ cho ông ta. Nó đã làm gì nên nỗi? Thưa hoàng thượng, trước 1975, ông ấy chống Mỹ cứu nước. Sau 1975, ông ấy chống Cộng cứu dân. Nhưng không có dân nước nào cứu ông ấy. Ngày 30.4.1975. Cơn mưa đầu mùa không lớn nhưng cũng đủ làm cho bầu trời vốn vàng bủng vữa ra những mảng xanh đỏ, xốp và có mùi khói súng. Cha Giuse ngửa mặt nhìn đám mây, thầm nghĩ: Thế là mọi sự đã hoàn tất. Ngài cởi áo linh mục đặt trên bàn thánh, nói: Lạy Chúa, con là kẻ có tội. Chúa đã chọn con, nhưng con lại chọn thế gian. Máu của con người không phải máu hằng sống nhưng con người vẫn tìm vinh quang bằng máu. Con đã đi hết con đường của mình, và ở cuối con đường ấy con lạc mất Chúa. Chúa có bỏ mặc đàn chiên giữa bầy sói để đi tìm một mình con không?
1.5.2004
Tài liệu tham khảo:
Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999).
Frank Snepp, Cuộc tháo chạy tán loạn (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000).
Bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Hà Nội, ngày 11-4-2001.
[hết]
Đã đăng:
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [1] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ tây sang đông, ở giữa in hoa văn chữ “song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “gia đình – hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [2] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... Ngày rồng hạ sinh, có mây ngũ sắc phủ trên mái nhà. Để cho cuộc đản sinh của rồng mãi mãi là huyền thoại, người mẹ đã phải chết trong sự sợ hãi bởi những bóng ma tật nguyền của tương lai đứng trước cửa đòi báo oán. Rồng không khóc. Bà mụ đỡ đẻ cho rồng bảo: Đứa bé có năm tràng hoa quấn cổ này về sau gan lì lắm... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [3] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Năm 1963. Bà Trần Lệ Xuân bảo món thịt nướng của mấy ông sư ăn không được. Mì lên chùa Ấn Quang đốt hương cầu nguyện cho bố. Người đưa tin cho biết, miền Nam sẽ có nhiều biến cố khó lường, nếu Mì muốn, sẽ đưa Mì ra nước ngoài. Mì nói: Tôi đã một lần xa bố. Tôi không muốn đi xa hơn nữa... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [4] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân. Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [5] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Đêm 24.12.1980. Trong lán trại bằng lá giữa rừng, có một tiếng nói nhỏ: Chúa đã đến. Hơn một trăm người đang nằm thao thức đều ngồi bật dậy. Họ tiếp tục thầm thì: Chúa đã đến... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [6] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Khi quá buồn thì con làm gì? Kẻ biến hình hỏi tôi. Tôi nói: Chửi một ai đó. Chửi sau lưng hay trước mặt? Dạ, chửi sau lưng. Sao không dám chửi trước mặt? Vì đó không phải là cách của tổ tiên dạy bảo. Thế con đã từng chửi ai? Dạ, con không dám nói. Con chửi thế nào?... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [7] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Năm 1969. Lý Công Uẩn bị đem ra phê bình. Đồng chí là con của giai cấp quan lại phong kiến thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ vô sản. Đồng chí là sản phẩm của thứ đạo đức lạc hậu. Đồng chí không có quyết tâm làm cách mạng xã hội chủ nghĩa... (...)
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [8] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Ngày 30.4.1975. Công Tôn chạy đến giữa cầu Hiền Lương nói: Tôi có công với cách mạng. Nhưng cách mạng không tin ông, cách mạng còn muốn bỏ tù ông, nhờ có một vị lãnh đạo thích nhạc ông mà ông không bị bắt. Đến lúc ấy ông mới hiểu, chính trị không phải là chỗ của ông... (...)
|