thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BỐN [1]
Bản dịch Diễm Châu
 
Đôi lời về tác giả:
 
ROBERTO JUARROZ (1925-1995) là một nhà thơ hiện đại của Á-căn-đình (Argentina), được thế giới biết tới nhiều hơn cả, có lẽ chỉ sau Jorge-Luis Borges, người đồng hương của ông. Roberto Juarroz sinh ngày 5.10.1925 tại Coronel Dorrego thuộc Buenos Aires, và mất tại Buenos Aires ngày 31.3.1995 sau một cuộc đời lưu lạc vì nạn độc tài ở chính xứ ông. Ông là tác giả của 15 tập thơ mang cùng tên: Thơ thẳng đứng, chỉ khác số thứ tự.
 
Thơ thẳng đứng thứ mười bốn là tập “thơ thẳng đứng” áp chót của Roberto Juarroz, do nhà xuất bản José Corti, Paris, in năm 1997. Tập thơ này được in song ngữ (bản Pháp văn của Silvia Baron Supervielle), gồm 110 bài thơ và một bức “tam bình thẳng đứng” (ba bài).
 
Laura Cerrato (bà R. Juarroz), trong lời nói đầu “Câu chuyện Thơ thẳng đứng thứ mười bốn”, cho biết: đây là tập thơ mà Roberto Juarroz đã chuẩn bị ráo riết và lúc nào cũng mang theo bên mình trong “ba hay bốn năm sau cùng của đời ông”. Và khi ông mất (31. 3. 1995), đã có “gần một nửa” số bài trong bản thảo được chính ông chọn lựa dứt khoát. Số còn lại, với những biến thái khác nhau, đã được Laura Cerrato xem xét kỹ, theo những tiêu chuẩn của tác giả, trước khi quyết định.
 
Số thơ thẳng đứng của Roberto Juarroz đã được dịch sang Việt ngữ và in trong tủ sách Thơ / Trình bầy cho tới nay, gồm một tuyển tập Thơ thẳng đứng I-XI; Thơ thẳng đứng XII; Thơ thẳng đứng XIII; Thơ thẳng đứng XIV;Thơ thẳng đứng XV (bốn tập sau được dịch trọn vẹn). Một số tác phẩm quan trọng bằng văn xuôi của ông chỉ mới được trích dịch sang tiếng ta: Những mảnh đoạn thẳng đứng; Thơ và sáng tạo; Thơ và thực tại; Trung thành với ánh chớp.
 
Muốn biết thêm về Roberto Juarroz, bạn có thể tìm đọc các tư liệu của Fernand Verhesen, Roger Munier, hoặc lời nói đầu tuyển tập Vertical Poetry, bản dịch Anh văn của W. S. Merwin (North Point Press, San Francisco, 1988). (DC.)
 
 
 
ROBERTO JUARROZ
(1925-1995)
 
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BỐN [1]
 
Bản dịch này để tặng Lê Khắc Cầm.
DC.
 
1
 
Không biết tới thời gian,
hủy bỏ cái nhỏ giọt của tuổi tác
và xé nát tấm khăn liệm
của những phút giây lặp lại như những cánh ong.
 
Làm sao dẫm đạp thời gian
và bước đi trên nó
như trên một bãi biển
mà nước biển đã khô?
 
Làm sao nhảy lên trên thời gian
một chân đưa lên trống không
và đào sâu sự vắng mặt của nó?
 
Làm sao lùi lại trong thời gian
và nối liền quá khứ
với tất cả những gì đang bỏ trốn?
 
Làm sao tìm thấy vĩnh cửu trong thời gian,
vĩnh cửu làm bằng thời gian,
bằng thời gian băng giá trong những cổ họng lạnh lẽo nhất?
 
Làm sao nhận biết thời gian
và tìm ra sợi chỉ xa lạ
cắt đứt những khoảnh khắc của nó
và mãi mãi phân chia nó
ngay ở chính giữa?
 
 
2
 
Cụng ly với ly cuối cùng,
chứ không phải ly đầu tiên.
Cụng ly khi ly rượu đã hầu như trống rỗng,
rồi chờ một lúc,
ngộ có ai đó sẽ chia sẻ ly rượu mừng này.
 
Và nếu không có ai đáp ứng,
cụng ly với ly rượu đã hầu như trống rỗng
để có thể còn nghĩ
tới một ly rượu sau ly cuối cùng.
 
Và uống chút gì còn lại.
 
 
3
 
Có điều gì đó nhìn qua mọi cửa sổ,
về phía bên trong hay bên ngoài.
Có điều gì đó đi qua mọi cửa ra vào,
về phía bên ngoài hay bên trong.
 
Không thể xác nhận hữu thể.
Không thể xác nhận phi thể.
 
Chỉ có cái gì nhìn qua mọi cửa sổ.
Chỉ có cái gì đi qua mọi cửa ra vào.
 
 
4
 
Người ta cũng có thể phản bội trí tưởng,
những hình thù không hàng rào bao quanh của nó,
những cuộc nổi dậy sẵn có của nó
và nhất là một vài viễn ảnh nào đó
làm phương hại tới sự chung thủy của chúng ta,
như một buổi rạng đông nào đó
làm phương hại tới ánh ngày.
 
Những hình ảnh này sẽ luôn luôn trở lại
như một đòi hỏi không thể giảm thiểu
của thực tại chính xác nhất.
 
Thực tại muốn hiện hữu
cần trí tưởng.
 
 
5
 
Suy nghĩ một điều
là khởi sự một lời cầu nguyện,
thiết lập một phản ánh của tất cả
trong một giọt hiện hữu.
 
Suy nghĩ một điều
cũng là tin ở điều đó
và xác nhận sự hiện hữu của nó,
dự vào niềm tin
rằng điều đó hiện hữu tự bản thân nó
và được hoàn thành trong bóng nó.
 
Suy nghĩ một điều
là cử hành một nghi thức ở vực sâu
hoàn trả chúng ta về với giấc mơ không thể thú nhận:
đối diện với một điều gì đó luôn luôn có một điều gì đó.
 
 
6
 
Có thể cuộc sống là một bản sao
của một quá trình được hoàn thành ở nơi khác.
 
Có thể là ta chỉ sống trong một tấm gương
hay nơi sự thu lại thành những hạt nhỏ hâm hẩm của một màn ảnh.
 
Có thể là có những bản sao khác.
 
Có thể cuộc sống cũng chỉ là
bản sao của một bản sao.
 
 
7
 
Con mắt của cô quạnh
trông chừng tình yêu.
 
Có lẽ cũng chẳng nên trông chừng tình yêu
nhưng đôi khi nó tàn phá cái gì nó yêu,
hủy hoại cái gì nó không yêu
hay tự hủy chính mình.
 
Tình yêu luôn luôn là một mối đe dọa cho con người,
có lẽ cả cho thần linh nữa.
Tình yêu cần trông chừng.
Cả đến đóa hoa cũng cần trông chừng.
 
Và duy có nỗi cô quạnh không thể nào lay chuyển
cắm rễ trong chúng ta như một kẻ canh chừng nghiêm khắc
mới có thể cứu vớt chúng ta khỏi những cơn sóng gió này
trong lúc canh chừng những vực thẳm của mình.
 
Hơn nữa con mắt của cô quạnh tập trung này
chẳng phải cũng là một thứ tình yêu khác,
cách thức của nó dè dặt và đúng đắn nhất?
 
 
8
 
Không thể chận được dĩ vãng.
 
Mọi vòi nước bít lại
vẫn tiếp tục nhỏ
bóng những giọt nước.
 
Dĩ vãng nhỏ giọt.
 
 
9
 
Mất tất cả.
Từ bỏ một giấc mơ
và tìm thấy một giấc mơ khác:
giấc mơ nơi cư ngụ
cơn choáng váng mãnh liệt nhất của tình cờ.
 
Và khúc hát mà cả đến thần linh cũng không hát
dẫu vẫn thường tập dượt,
khúc hát nhẹ hơn là thần linh:
khúc hát của sự truất hữu.
 
 
10
 
Họ đã theo một thế giới khác.
 
Mọi đối thoại, vỡ tan.
Mọi tình yêu, vá víu.
Mọi trò chơi, bị ghi dấu.
Mọi vẻ đẹp, bị cắt cụt.
 
Làm sao họ đã tới mãi tận chốn này?
 
Mọi đối thoại, ngôn từ.
Mọi tình yêu, không đại danh.
Mọi cuộc chơi, không quy tắc.
Mọi vẻ đẹp, giao nạp.
 
Hẳn là có một sai lạc nào đó
trong việc quản trị vũ trụ.
Những tạo vật lầm lộn?
Những thế giới lạc lõng?
Những thần linh vô trách nhiệm?
 
Họ đã theo một thế giới khác.
 
 
11
 
Một cửa sổ mở
và một cửa sổ đóng.
Có điều gì đó lọt vào qua cả hai.
Có điều gì đó thoát ra qua cả hai.
 
Mọi cửa sổ
đều như nhau,
mở hay đóng.
 
Và con người,
kẻ duy nhất tạo ra những cửa sổ,
biến đổi vực sâu
thành một cửa sổ khác,
chả quan trọng gì mở hay đóng.
 
 
12
 
Thứ nửa ánh sáng bướng bỉnh của những ngày nào đó
tháo gỡ ra màu xám tựa như một quên lãng
và cả đến máu chúng ta cũng trở thành xám,
cả đến chúng ta cũng suy nghĩ xám.
 
Lúc đó chúng ta cảm thấy thèm ẩn nấp,
thế nhưng ta đã ẩn nấp
bởi ở trong màu xám là ẩn nấp.
Sau đó chúng ta thấy có điều gì cần che đậy,
nhưng chúng ta không tìm ra điều gì phải giấu diếm.
Thế rồi chúng ta nhận thấy rằng cả đến trần nhà cũng là một lỗ hổng,
nhưng chúng ta biết rằng không có vật liệu để che phủ nó.
Và chúng ta không hiểu được tại sao các màu sắc khác lại không xuất hiện,
thế nhưng không một màu nào từng phản bội một màu khác.
 
Lúc đó chúng ta liền hiểu
rằng hệt như đôi khi một màu sắc cũng đủ để khiến chúng ta lạc mất,
có những khi khác một màu sắc cũng đủ để cứu vớt chúng ta.
 
Có lẽ cần mở một cuộc chơi
cho những cuộc giải hòa bấp bênh nhất.
 
 
13
 
Luôn luôn tới một lúc
mọi người cần phải nghỉ,
như bông hồng nghỉ người làm vườn
hay khu vườn bông hồng.
 
Như nước nghỉ nước
hay trời nghỉ trời.
 
Như một chiếc giày nghỉ bàn chân
hay một vị cứu nhân nghỉ cây thập giá.
 
Như một đấng tạo hóa nghỉ sáng thế
hay sáng thế nghỉ đấng tạo hóa.
 
 
14
 
Phản ánh của một đóa hoa
hiệu chính lại sự trong sáng của bầu pha lê
và hình ảnh ở lại bên nó.
 
Như thế ngọn triều lui của sự trong sáng
khôi phục đóa hoa cho đóa hoa.
 
Ngược lại băng qua sự trong sáng
chính là hủy bỏ mọi cuộc quay về.
 
Và ngay như sự quay về không có,
tốt hơn cũng chẳng nên xóa bỏ nó đi.
 
 
15
 
Viết một bản văn
và bỏ nó lại trên trang giấy.
 
Không đọc lại nó,
chẳng đưa cho bất kỳ ai coi,
cũng chẳng gửi đi bất kỳ đâu.
Để nó ở lại trong ngơi nghỉ của bản văn.
 
Và để nó tìm ra người đọc ở đấy,
như mọi bản văn đều gặp được người đọc.
 
Kể cả bản văn được viết bên trong chúng ta,
và dường như không thể có người nào đọc được.
 
 
16
 
Có những từ chỉ có thể được nói ra
trong một vài thứ ngôn ngữ nào đó.
Trong những ngôn ngữ khác cần phải để lại những khoảng trống của chúng
để những phản ánh của tình cờ cư ngụ.
 
Liệu có chăng một từ
không thể được nói ra trong bất kỳ một ngôn ngữ nào?
Phản ánh nào sẽ tới cư ngụ khoảng trống của nó?
Phản ánh ấy liệu có đủ
để thiết lập thứ ngôn ngữ còn thiếu kia?
 
Song song với các từ của một ngôn ngữ,
có ngôn ngữ của những phản ánh đã dừng lại
trong những khoảng trống của những từ còn thiếu.
Rất có thể là cùng một điều ấy xảy ra
song song với các ngôn ngữ
và với những từ không hiện hữu.
 
 
17
 
Một món đồ pha lê rạn nứt
phân phối những phản ánh
như một mặt trời nho nhỏ lạnh lẽo
mà một luồng gió đã giật ra khỏi sự trong sáng.
 
Có điều gì đó luôn luôn dẫn giắt con người
tới chỗ làm gián đoạn những gì trôi chảy:
ánh sáng, nước, suy tưởng,
một vị thần, im lặng, đêm tối.
 
Nhưng sự gián đoạn này đôi khi làm chỗi dậy
một sự liên tục khác, một trình tự khác,
một dòng nước vươn rộng qua bên kia những dấu chỉ,
một cách tiếp tục theo đuổi tự tái tạo
từ phía bên kia những vết cắt.
 
Một cách trôi chảy không được học biết,
thế tuy nhiên vẫn kêu đòi chúng ta.
 
 
18
 
Tôi có trong đôi tay một điều gì đó đã cạn kiệt.
Có lẽ điều ấy đã không còn thuộc về sự sống
và là một mầm đọt tới trước của sự chết.
 
Chất liệu héo khô của nó
dường như không còn là chất liệu.
Màu sắc của nó là một lớp sơn vay mượn.
Sự vững bền của nó, một vẻ nhạt mờ trong gió.
 
Nếu để được rảnh rang
đôi tay tôi buông nó ra,
nó cũng chẳng xuống tới mặt đất.
Thế tuy nhiên,
đôi tay tôi đã không còn có thể buông thả nó.
 
Cái gì cạn kiệt
là thành phần không thể tách rời nhất của chúng ta.
 
 
19
 
Mỏi mệt vì trông chờ điều dự đoán,
một khát vọng, mùa thu, cái chết,
chúng ta bước qua sự chờ đợi điều bất ngờ.
 
Và hệt như đã chẳng bao giờ quan trọng lắm
là chuyện trông chờ sẽ tới hay không,
lúc này cũng chẳng quan trọng gì lắm
là chuyện bất ngờ có tới hay không.
 
Hơn hẳn đối vật
hay nỗi lo âu trong trông chờ của chúng ta,
điều quan trọng, ấy là sự thay đổi
trong ý hướng trông chờ của chúng ta,
sự thay đổi ấy dần dần sẽ đưa tới một sự trông chờ khác
ở bên kia điều dự đoán và chuyện bất ngờ:
là sự trông chờ không tha thiết gì tới mọi hình thức trông chờ.
 
 
20
 
Một bài thơ đã mất mất cái hình ảnh khiến nó phát sinh.
Sự soi rọi nho nhỏ đi theo hình ảnh ấy
và có lẽ đã tạo ra nó,
ở lại đó trống vắng như một đường bay không cánh chim.
 
Sự soi rọi nho nhỏ lúc ấy
liền quên đi bài thơ
và lọt vào đôi mắt nhà thi sĩ,
để đôi mắt ấy ít ra cũng thấy
bài thơ không được viết kia.
 
Và cũng để chờ đợi ở bên trong chúng
và chêm vào bất cứ một bài thơ nào trong tương lai.
 
 
21
 
Chúng ta thường mơ tới một người đọc hoàn hảo.
Cao hơn chúng ta.
Hay hơn cả chính việc đọc
của bản thân chúng ta.
 
Vì kẻ kia chúng ta viết
dẫu như y không hiện hữu.
Chúng ta không thể không cảm thấy
sự có mặt của người ấy nấp sau sự im lặng,
sự im lặng mà các từ cuốn theo
như một tấm áo bị xẻ ra.
 
Nếu chúng ta vẫn một mực
trong cái nghề thê lương này
dựng những tầng tháp không dàn gióng,
thời có lẽ người đọc vắng mặt ấy
một ngày kia sẽ thức dậy
ở nơi mà người đọc
không còn cần thiết nữa,
là vì rốt cuộc mọi sự đọc đều sẽ tự đọc một mình.
 
 
22
 
Thượng đế đã mất cái tên ngài.
Không quan trọng gì lắm:
giấc mơ trọng đại không cần tên.
 
Tuy nhiên, giấc mơ của chúng ta
vẫn tiếp tục tìm kiếm tên của nó.
Và nếu như không gặp được,
nó cũng sẽ mất cả những cái tên khác.
 
Để đặt tên cho thần linh
hốc rỗng của những cái tên cũng đủ.
 
Duy với sự trống rỗng,
mới có thể gọi tên sự trống rỗng.
Và nhận được một câu trả lời.
 
 
23
 
Thâu ngắn những khoảng im lặng
như thể giữa chúng có một sự trông chờ.
Thâu ngắn các từ
như thể chúng là những cánh chim thiếu không khí.
Thâu ngắn cả những cánh chim
như thể chúng phải bay trong mắt một người mù.
Và thâu ngắn những suy tưởng
như thể chúng phải nghĩ tới điều gì mỏng manh nhất,
tới điều gì không bao giờ là một suy tưởng.
 
Có thể là bài tập tiệm tiến này
cho phép chúng ta sau này thâu ngắn vĩnh cửu.
 
Và vĩnh cửu được thâu ngắn như thế
có lẽ sẽ nằm trong thời gian.
 
 
24
 
Biết mỗi lần một hơn,
cho đến khi đi tới chỗ biết
mỗi lần một kém.
Và như thế hoàn tất sự không biết.
 
Trong những không gian hiếm có khi trong trẻo này
những ánh chớp của nguyên thủy
sẽ lại khai sinh cho tầm mắt,
để nó có thể thấy những gì lúc này nó không thấy
từ những vùng chung quanh của không gì hết này.
 
Bởi đôi khi không thấy
là cách thấy duy nhất.
 
 
25
 
Không có lý do gì chiếm ngụ những khoảng không.
Những khoảng trống không cần thiết hơn là
những khoảng đầy.
 
Trạng thái trống không thiết lập sự vật
và giảm nhẹ con người
khi đo lường các thế giới.
 
Hơn nữa, sự trống-không kêu gọi chúng ta
dẫu chúng ta không biết trả lời tiếng gọi.
 
 
26
 
Nghĩ tới cái chết cho thấu đáo
hẳn sẽ miễn cho chúng ta khỏi chết.
Dẫu như muốn thế cũng chỉ cần
nghĩ tới sự sống cho thấu đáo.
 
Và nếu sống không đủ
để nghĩ tới một điều gì đó cho thấu đáo,
hẳn ít ra cũng có thể
tiếp tục nghĩ tới nó trong cái chết.
 
 
27
 
Từ thứ ánh sáng nửa vời
hay bóng tối nửa vời này
chúng ta có thể đi về đâu?
 
Về nơi nhiều ánh sáng hơn,
bóp ngạt chúng ta là sự hòa hợp.
Về nơi nhiều bóng tối hơn,
lạc lõng những bước chân của chúng ta.
Và nơi đây
chúng ta không thể ở lại.
 
Không có thứ nửa ánh sáng
hay nửa bóng tối nào khác.
 
Từ nơi đây chúng ta không thể đi đâu hết.
Trừ phi chúng ta tìm ra được một không gian
nơi ánh sáng và bóng tối cũng là một.
 
 
28
 
Là gì nhỉ cái gì không già đi?
Chiếc lá không rụng xuống
khi hết thảy những chiếc lá đều rụng,
giờ luôn luôn ở phút đầu tiên,
mùi vị không suy giảm.
Cái diện tích không tuân theo
văn tự của hủy hoại.
Chất liệu dành cho một dấu hiệu
mà có lẽ không ai biết vạch ra.
 
Một điều gì đó đột nhiên im lặng
mà không liên kết với suy đồi.
Một điều gì đó chỉ dành để rụng rơi
ngoài thời gian.
 
 
29
 
Vạch một đường chu vi
và lọt vào đường ấy.
 
Có lẽ sẽ có thể từ đấy
thấy mọi sự
ở cùng một khoảng cách.
 
 
30
 
Một chuyến đi đôi khi quay về phía bên trong
và tìm lại được ở đấy mọi chuyến đi
mà quá khứ đã vẽ ra
và cả những chuyến đi không bao giờ thực hiện.
 
Lúc đó chúng ta khám phá ra rằng chuyến đi này,
được thực hiện với bước chân của những người khác,
đã hình thành chùng lén
và dần dà đưa chúng ta
tới một nơi chúng ta đã chẳng bao giờ đi tới đó.
 
Những chuyến đi đã thực hiện hay không thực hiện
chỉ là một cái cớ và khuôn đúc
của một chuyến đi không mỏi mệt cũng chẳng tới
tái tạo lại vào mọi lúc người lữ khách của nó
và cả con đường lẫn mục đích của y.
 
 
31
 
Đôi khi không có chỗ đó,
chúng ta không có chỗ để đặt mọi sự
cũng chẳng có chỗ để quên chúng đi.
 
Chúng ta không tạo được một nơi chốn
và chồng chất tất cả ở bên trong
rốt cuộc để lạc mất thứ tự và các dấu hiệu.
Và như thế chúng ta mang vũ trụ ở bên trên,
với một sức nặng lớn dần,
một sức nặng cuối cùng đè bẹp chúng ta.
 
Trừ phi có điều gì đó trong bóng tối chuộc lại chúng ta,
đặt thêm bên cạnh chúng ta một nơi chốn
và để chúng ta chỉ có việc bước ra.
 
 
32
 
Có những con người luôn luôn có cùng một tuổi.
Hoặc giả họ không có tuổi?
Một điều gì đó không theo nhịp tăm tối của thời gian
ở lại nơi họ như một mùa ở bên lề.
Và chúng ta gặp lại họ ở đó, như trước,
được sắp đặt lúc sau,
câu tán rộng của muôn thủa.
 
Có lẽ ở nơi họ tự báo trước
một cuộc tính sổ khác về mọi sự.
Cuộc tính sổ mà chúng ta đã hoài công tìm kiếm.
 
 
33
 
Một bài ca quay lại
và trút vào bên trong.
Nó chạm tới giấc mơ của con người,
tới mê lộ trôi chảy của máu y,
cái đam mê khuấy nhiễu y,
hòn đảo của suy tưởng,
trung tâm hành hương của tình ái,
cái xó xỉnh nhạt mờ của những sự vắng mặt.
 
Bài ca rảo qua giấc mơ
như đường bay của một cánh chim.
Và đột nhiên đường bay ấy
biến thành đám mây
trên một bầu trời bị quên lãng.
 
Khi bài ca lại xuất hiện,
tiếng hát không phải là tiếng đang hát.
Cũng hát nữa những bàn tay,
làn da, con người trọn vẹn,
khuôn mặt y, chiếc bóng y.
Và hết thảy truyền đi:
cõi vô tận hát.
 
Kể từ nay bài ca không còn cần
lại phải bắt đầu quay trở lại nữa.
 
Kể từ nay
hát ở bên ngoài hay bên trong cũng vậy.
 
 
34
 
Viết một bài thơ về không gì hết,
nơi có thể nổi trôi hết mọi điều trong sáng:
những gì không bao giờ biết tới sự trừng phạt của hữu thể,
những gì đã từ bỏ nó,
những gì mới sắp sửa bắt đầu
và có lẽ sẽ không bao giờ khởi sự.
 
Và viết bài thơ ấy với không gì hết hay hầu như không gì hết,
với chiếc bóng của các từ,
những không gian bị quên lãng,
một nhịp điệu chỉ hơi tách rời im lặng
và một im lặng được đánh ghi nơi một điểm
ở bên kia cuộc đời.
 
Một bài thơ về không gì hết và với không gì hết.
Có lẽ rằng hết mọi bài thơ
đã qua, sắp tới hay không thể được
đều có thể nằm trong nó,
ít ra mỗi bài một khoảnh khắc
như thể chúng ngơi nghỉ nơi hình thức của nó,
nơi hình thức hay cái không gì hết của nó.
 
 
35
 
Những cuốn sách nhìn tôi từ những kệ sách,
chúng nhìn tôi nhưng không cần tôi.
Những ánh mắt câm nín của chúng
có thể nhìn điều khác.
 
Không ai cần tôi,
cả đến tôi cũng không cần tôi,
nhưng có điều gì đó ở đáy cùng tôi cần điều khác.
 
Không ai cần chúng ta.
Cả đến thần linh cũng không cần thần linh.
Nhưng ở đáy cùng hết thảy có điều gì đó cần điều gì đó.
Và chúng ta biết thế.
 
 
36
 
Tôi nhầm lẫn tên họ của người ta,
nhưng không nhầm lẫn những im lặng của họ.
Tôi nhầm lẫn những lá cây,
nhưng không bao giờ nhầm lẫn bóng lá.
 
Tôi nhầm lẫn trong khi mơn trớn vuốt ve
sự tiếp xúc của em với sự tiếp xúc của tôi,
nhưng không nhầm lẫn bàn tay em với bàn tay tôi.
Tôi nhầm lẫn ánh mắt của em với ánh mắt của tôi
nhưng không nhầm lẫn mắt em và mắt tôi.
Tôi nhầm lẫn sự có mặt của tôi với sự vắng mặt của tôi,
nhưng không bao giờ nhầm lẫn sự vắng mặt của em và sự có mặt của em.
 
Tôi nhầm lẫn vị thần mà tôi đã có ngày xưa
với vị thần mà lúc này tôi không còn nữa,
chứ không phải với vị thần mà các từ của tôi đã tạo ra
giữa hai chúng ta.
Tôi rất thường nhầm lẫn sự sống với sự chết,
nhưng không bao giờ nhầm lẫn sự chết với sự sống.
Tôi nhầm lẫn thể chất với sự trống rỗng,
nhưng không bao giờ nhầm lẫn sự trống rỗng với một khoảng trống.
Và tôi ghê sợ cái bước mà tôi chưa bước này:
nhầm lẫn tất cả những gì tôi nhầm lẫn
với những gì tôi không nhầm lẫn
hay có lẽ không còn nhầm lẫn gì nữa hết.
 
Thế tuy nhiên, tôi không còn biết
có phải nhầm lẫn một điều gì với một điều gì đó
chỉ là một mánh lới
để không nhầm lẫn chúng.
Và không nhầm lẫn một điều gì với một điều khác,
chẳng qua cũng chỉ là một cuộc diên trì
sự nhầm lẫn toàn diện.
 
 
37
 
Mọi sự không cân đối là nỗi nhớ
của một sự cân đối.
 
Như cội cây là nỗi nhớ của con chim,
con chim là của đám mây hoàn hảo
và đám mây là của một bầu trời không mây.
 
Nhưng mọi sự cân đối
ngợi ca một sự không cân đối.
 
Cả đến hữu thể cũng là bài ca và nỗi nhớ
của cái gì không hiện hữu,
của cái gì ở trong cái gì không hiện hữu,
của cái gì không ở trong cái gì hiện hữu.
 
Là vì sự cân đối và sự không cân đối
chỉ là những trạng thái tạm thời.
 
 
38
 
Những sự yếu đuối nâng đỡ tôi.
Những sự yếu đuối của tôi,
và những sự yếu đuối lang thang như những cánh chim bị gãy
qua những ngày đã đếm
của một thế giới không biết đếm.
 
Những thiếu sót trong viết lách của tôi tháo gỡ lối viết của tôi
và đưa tới một sự nâng đỡ
trung thực hơn là điều tôi sử dụng.
 
Sự mong manh của một suy tưởng
khiến suy tưởng tôi bay bổng
và đưa qua một đường bay khác
nơi suy tưởng có đôi cánh của em.
 
Duy có những cành đã gãy
thu lượm trọn tình yêu đã mất
và cùng với nó đính lại những mẩu đoạn của chúng
và khiến tàng cây đông đảo lại cư dân.
 
 
39
 
Không có gì ở vào chỗ của nó.
Nhưng một ngày nào đó
đột nhiên hết thảy lại ở vào chỗ của nó.
 
Lúc đó chúng ta liền hiểu ra:
không ở vào chỗ của mình
chính là cách thức
ở vào chỗ của mình.
 
Nhưng có lẽ không có thế lưỡng nan:
chỉ thiếu có chuẩn điểm
để cho một sự vật ở hay không ở vào chỗ của nó.
Có chăng ở đâu đó
một không gian thật mãnh liệt
có thể cho tá túc
cái chuẩn điểm
không có chỗ này?
 
 
40
 
Chung cuộc cũng là một lối qua.
Chúng ta cũng chẳng thể
dừng lại ở chung cuộc.
 
Để chứng minh điều ấy chỉ cần
thử tưởng tượng
cội cây cuối cùng,
con người cuối cùng,
thần linh cuối cùng.
 
Chung cuộc là một nền đất bằng
từ đó phóng ra điều xa lạ
như một đóa hoa không phải do chúng ta trồng tỉa.
 
Chỉ cần nghĩ tới ngày cuối cùng,
suy tưởng cuối cùng,
sự sa ngã cuối cùng,
bài thơ cuối cùng.
 
Và kế đó thử đến mục
không suy nghĩ nữa.
 
 
41
 
Vẫn còn phải nói ra
hầu như hết mọi sự.
Thật quá đáng bắt đầu lại từ đầu
cái gì phải nói ra.
 
Duy có lời nói của chúng ta
mới trả lại cho chúng ta thực tại.
Lời nói của những người khác
khi thì xác nhận cửa miệng của chúng ta
và khi thì xê dịch của chúng ta
cái gì phải nói ra.
 
Và như thế chúng ta sẽ tới chung cuộc,
những cái thực nửa vời,
cũng bị xiềng cột
vì những gì không nên nói.
 
Chúng ta sẽ theo đuổi việc tìm kiếm
chiếc chìa khóa không thể tìm thấy.
Và đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy
một bông hoa ngôn từ trong trống không,
một bông hoa không hoàn toàn xa lạ
đối với sự kiếm tìm dai dẳng của chúng ta
là một điều gì giữa cái nói và cái không nói.
 
 
Xin xem tiếp THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BỐN [2]
 
----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021