thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LÀM THƠ [3]
 
Đã đăng: LÀM THƠ [1] - [2]
 

bi kịch của sự nghe

 
những nhà thơ hay sai lầm
khi nghĩ về giá trị của thơ
khi đọc
 
thơ không biết,
bằng nghị định số... người ta kết luận 50 năm sau mọi thứ sẽ là...
bằng nghị định số... người ta kết luận 100 năm sau mọi thứ vẫn sẽ là...
bằng nghị định số... người ta kết luận 300 năm sau mọi thứ mãi mãi là...
...
làm sao thơ làm được
mà người ta nghe?
 
và bây giờ người ta đang nghe
có hai kẻ cùng phe
như trời đất khoẻ re
thay nhau canh giữ hòa bình
bằng cách lấy máu của nhân dân mình
đi tắm
 
máu chảy đã bao nhiêu năm
nên các nhà thơ hãy đi nằm
hoặc chui vào hầm
cho bớt sợ
 
không phải người ta không nghe thơ
vì người ta đang nghe
những lời. làm nín thở
 
 
 

bi kịch của sự đọc

 
nhà thơ thường không đọc sách chính trị
nhưng quyển thơ nhà thơ đọc đầu tiên
cơ bản là chính trị
“những năm băng đạn
vàng như lúa đồng”
các bà các chị
cấy cày chổng mông
 
nhà thơ giờ cũng không tham dự những cuộc tụ họp thơ
bởi nhà thơ thường hay có động cơ
bị người ta coi là xấu
 
nhà thơ cũng biết thơ là một ngôi đền
người ta đã viết điều này lên các poster
treo trên cột điện
 
nhà thơ cũng uống cà phê
và cãi nhau rằng ngôn ngữ có thể tác động lên bất cứ thứ gì
khi
có người nghĩ thơ nói chung là tốt
 
mà nhà thơ cũng dốt
khi không viết được các bài thơ đơn giản
nhà thơ thường hay bị ngôn ngữ ngăn cản
trong mọi vấn đề
 
ví như muốn viết về cái lồng sắt nhà thơ thắc mắc về người tự tử
muốn viết về mỏ dầu nhà thơ viết về áp bức phụ nữ
 
tôi cũng thử
cố hết sức mình
nhưng thực tình
người ta đúng
thơ nói chung là tốt
tại tôi dốt
 
không phải tôi
không phải tôi
không cố gắng
đừng bắn
 
 
 

bi kịch của phê bình

 
nhà thơ bây giờ rất quan tâm đến phê bình
như in-ra-xa chẳng hạn
các nhà thơ bây giờ phải giải thích những gì mình viết ra
không thôi không ai hiểu
 
điểm mấu chốt là các nhà thơ cũng là nhà nhạy cảm
mà không biết ngoại cảm. để đoán mò
nên nhiều khi rủi ro
rất mệt
 
bạn chỉ phê bình thơ
nhưng người ta cứ giả vờ
nên bạn thành đối thủ
nhiều đêm sợ mất ngủ
 
có người đã chết
vì làm thơ
 
thơ là thiêng liêng
không ai có quyền
đùa chơi với nó
 
bạn muốn được tôn trọng
khi bạn làm việc rõ ràng
nhưng bạn sẽ hoang mang
khi người ta phê bình mình không cùng thẩm mỹ
chẳng hạn, với nhân dân
 
khi bạn không đi với nhân dân
nhân dân sẽ ra sân
và bạn cũng rời sân
vì thẻ đỏ
 
ra khỏi đó
nếu bạn vẫn muốn làm thơ
thì bạn sẽ làm trong trại
 
và khi đó bạn sẽ học lại bài
thơ ca là thiêng liêng
và không ai có quyền
đùa chơi với nó
 
có người đã chết
vì làm thơ
 
mà không biết sợ phê bình
 
 
 

phụ lục, hay bài thơ làm ví dụ

 
1.
 
cổ thụ ngã xuống
rạp như cỏ
để nghiền thành giấy
 
tờ giấy ngã xuống
nát thành bụi
để nghiền thành thơ
 
vậy mà thơ vẫn còn vô ích?
 
2.
 
thơ như chú bé con
đái trên bãi cỏ
vạch ra
chữ A chữ O
làm lộ bí mật
 
người ta thường lo lắng
với kiểu xếp chữ này
vì bây giờ
ai cũng thích đóng vào bìa cho thơ
chữ “mật”
 
3.
 
người ta tặng cho thơ một chữ
kiểu như boomerang
để tha hồ tung hứng
 
thơ vui mừng
ném cái boomerang cũ đi
để xài cái mới
 
nhưng thơ quên mất rằng nó là boomerang
nên nó quay lại
tán vào đầu làm thơ chết ngắc
 
chắc là người ta nhắc
đừng nên xài những chữ kiểu boomerang
xài kiểu chữ hai hàng
(dân gian gọi là thơ chàng hảng)
 
 
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021