thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Biên bản của mister G. B.

 

Tôi quý trọng mister G. B. không giống như tôi quý trọng William Shakespeare. Tôi quý trọng ông khá giống tôi quý trọng ông già Bertrand Russell, dù mister G. B. không phải triết gia gì cả, ông là một “huyền thoại bóng đá Anh quốc”, như người ta nói. Mister G. B. năm nay 59 tuổi, bằng tuổi tôi, nghĩa là thuở ông tung hoành trên những sân cỏ của nhiều đất nước, tôi chẳng xem bóng đá gì cả, bây giờ có xem bóng đá thì tôi chỉ biết những David Beckham, Michael Owen mà thôi. Ông già Bertrand Russell sau vụ đi tàu bị đắm thoát chết, người ta bảo nhờ ơn Chúa, ông bảo ông chỉ nhờ chính ông thôi, ông bảo ông sống chẳng cần dựa vào cái gì, ông bảo ông là một người bi quan hạnh phúc. Mister G. B. cũng vậy. Nếu cần thiết phải dựa vào cái gì, mister G. B. chỉ dựa vào cái mà người ta gọi là “bản năng gốc”, hạnh phúc lớn nhất và không chừng duy nhất của ông là những cuộc ân ái giao hoan. Nếu mister G. B. viết văn, tác phẩm của ông sẽ hấp dẫn chẳng thua tác phẩm Nhục Bồ Đoàn của Lý Ngư đời nhà Minh, Trung quốc.

Những ngày nằm bịnh viện, tôi chẳng đau ốm gì ngoài cái cổ họng có vấn đề. Trên tầng 3 của Bịnh Viện Tai-Mũi-Họng thành phố, tôi may mắn được nghỉ ngơi một mình, tất nhiên căn phòng nhỏ xíu dành cho một người. Vì cổ họng của tôi có vấn đề đặc biệt, mỗi năm một lần tôi lặng lẽ vào đây chữa trị, không một ai hay biết, tôi muốn vậy. Trong hoàn cảnh của tôi, cái biên bản của tôi không thể so với biên bản của mister G. B., nên vấn đề ở đây là biên bản của ông, tất nhiên tôi gọi đấy là biên bản chứ ông chẳng gọi nó là cái gì hết. Nó chỉ là những nỗi niềm hạnh phúc của ông mà thôi, những nỗi niềm, mister G. B. nói rõ, ít nhất có 6 nỗi niềm trong khoảng thời gian một năm qua, năm ông 58 tuổi. Cũng chỉ từ năm qua, mister G. B. trở thành vị tửu khách có hạng ở những quán rượu, nếu ai xem đây là niềm vinh dự của đấng nam nhi, ông bảo người ấy hãy gặp mrs. A. để cảm ơn bà đã giúp mister G. B. trở thành vị tửu khách khả kính. Mrs. A. là người vợ mà ông đã chia tay trong năm qua.

“Đêm nào cũng vậy, cứ tới lúc tiếng chuông ở cái giường réo gọi, cô ấy (mrs. A.) hoặc bắt đầu lau những mặt sàn đã sạch bóng, hoặc sắp xếp đi sắp xếp lại những đồ vật đã yên vị từ khuya rồi. Tôi cứ đành nằm sấp mà chờ ông thần ngủ sớm muộn gì cũng tới lôi mình đi. Năm thì mười họa, cô ấy miễn cưỡng leo lên giường, thả dài tấm thân băng giá. Tôi còn chờ đợi gì nữa để không giải quyết ngã ngũ vấn đề?”

Vậy là mister G. B. gặp miss P., lần đầu ở một cánh rừng. “P. không xếch-xi gì lắm, nhưng vẻ tha thiết của cô làm tôi nao lòng, và cũng vì lần đầu, nơi cánh rừng hoang dại, cô run sợ quá, tôi rất muốn mần thịt cô ngay lập tức, nhưng tôi lại chỉ hôn cô đắm đuối mà thôi”.

“Với nàng G.”, mister G. B. nói, “quả là hạnh phúc tôi đã lên tới đỉnh Everest! Nàng thổ lộ với bạn thân của nàng, rằng khi gặp tôi, nàng toàn tâm toàn ý toàn lực để cả hai người cùng lên tới đỉnh núi Everest ấy… Nhưng tôi không còn muốn hạnh phúc cực điểm với nàng G. nữa, khi trong một lần ân ái, nàng nói tới cái chuyện ngu xuẩn hết sức, là hôn nhân. Và lập tức tôi xuống núi”. Tôi chẳng biết mister G. B. có đọc Ainsi parlait Zarathoustra hay không, ông nói y hệt vậy, rằng tình yêu là cơn điên ngắn, và hôn nhân là sự ngu xuẩn lâu dài.

Mister G. B. gặp cô vũ nữ có thân hình rất mỹ nhân ngư, mà mái đầu ngả bạc của ông chỉ muốn đặt trên ngực nàng, vòng tay ông muốn ôm siết đôi mông nàng. Và mister G. B. đã được toại nguyện ở mức độ ấy, và không thể hơn thế. Cô vũ nữ E. không muốn mình trở thành người tình thứ mấy của mister G. B., nàng biết ông còn dính dáng với ít nhất hai người đẹp khác. Mister G. B. đành lòng thất bại với E., ông thừa nhận mình khó quên đôi mông thần thánh của nàng.

Cô H. Q., chỉ một mình cô vào căn phòng nhỏ xíu dành cho một người. Mỗi ngày, ít nhất hai lần, cô dẫn dịch truyền, chích thuốc kháng viêm cho tôi. Tôi không dám chắc đôi mông của cô H. Q. có đẹp được bằng đôi mông thần thánh của người tình mister G. B., nhưng tôi cũng thừa nhận như mister G. B., rằng tôi khó quên đôi mông tuyệt vời của H. Q.

Một, hai ngày đầu thì chưa đến nỗi, nhưng tới ngày thứ 3 thì hai mu bàn tay tôi đau buốt vì gài kim dẫn dịch truyền, hai mông tôi cũng vậy, cô H. Q. cứ đều đặn gài kim dẫn dịch truyền và chích thuốc kháng viêm mỗi ngày hai lượt. Tuy nhiên chuyện ấy không trở ngại gì trong mối quan hệ giữa chúng tôi, giữa bàn tay tôi và đôi mông tuyệt vời: Vòng tay ôm, chỉ trong một vòng tay ôm, và bởi tôi luôn là kẻ đi tìm tuyệt đối, sau những vòng tay ôm tôi đều đã gặp chất dính ẩm ướt quyện dưới đáy chữ V hình tượng tuyệt đích của thân thể cô H. Q. tuyệt diệu. Và tuy nhiên tôi chẳng nên nói gì thêm, vì mister G. B., sau nỗi niềm khó quên của ông đối với miss E., thấy cần gặp ngay mrs. C., một góa phụ đã có hai con, nhưng vẫn còn một thân thể tuyệt hảo “một trái chín ngọt lịm”, mister G. B. nói. Thế nhưng khi mister G. B. nhìn thấy hình ảnh hai đứa con của mrs. C., thì ông cũng nhìn thấy trái chín ngọt lịm trên cây ấy rớt xuống gốc cây chẳng biết từ thuở nào.

“Và tôi đã gặp nàng công chúa thức dậy từ rừng hoa tulip, nàng còn quá trẻ, giúp việc trong một quán rượu ở xứ sở sương mù. Trong khi bọn đàn ông hết gã này tới gã khác trổ tài ve vãn, tỏ tình với nàng, tôi nâng cằm L., hỏi thẳng: Em đi với tôi nhé, ở khách sạn xyz”. L. còn trẻ quá, và không kém phần khờ dại, mister G. B. nói vậy, và quên nhanh nàng công chúa thức dậy từ rừng hoa tulip. Dù sao ông sẽ nhớ mãi cặp giò thon và dài của L., như cặp giò cô đào điện ảnh Mỹ Angie Dickinson một thuở.

Tôi nghe mister G. B. khinh bỉ bọn đàn ông chuyên ve vãn, hay có thể nói khác đi: Tỏ tình, tình gì? Tình yêu của họ đối với phụ nữ, mà nhớ một lần chàng nhạc sĩ xứ Kinh Thành Cũ, một lần mà chàng bớt bịnh mộng du da vàng, nói với một nhà thơ đồng hương, trong quán cà phê Đà Lạt sương mù, có tôi ngồi cùng: “Đi tới cái giường sao mà xa quá, phải qua một con đường dài dằng dặc gọi là tình yêu”.

Tôi và cô H. Q., dù không nói ra, nhưng hiển nhiên thầm hẹn “đến hẹn lại lên”. Không ai biết tại sao mỗi năm cái cổ họng tôi lại có vấn đề, phải vào Bịnh Viện Tai-Mũi-Họng thành phố một lần để điều trị khoảng trên dưới một tuần lễ. Tôi không thể giả vờ bịnh cho cái cổ họng, điều này bác sĩ và cô H. Q. biết rõ như vậy. Đấy là một bí mật, tình yêu phải có gì bí ẩn ở trong. Tôi có nói vắn tắt quan điểm của tôi về tình yêu, H, người phụ nữ tuyệt vời mà tôi biết, bảo: “Như vậy là anh chẳng hiểu được tình yêu”. Tôi chỉ có thể trả lời H: “Đúng là anh không hiểu, nhưng anh yêu, yêu rất nhiều là khác”.

 

Sài Gòn, 25-7-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021