thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÊN TRỜI
(Diễm Châu dịch)
 
[tuyển tập thơ]
 
 
«Giải thoát những gì bị Lịch sử vùi chôn, khử trừ, bằng ngôn ngữ, những cơn ác mộng của Lịch sử, và đồng thời, cơn ác mộng của chính bản thân.»
BẮC ĐẢO
 
 

BÌNH VỠ

 
Trọn chiếc bình
Chỉ còn những mảnh vụn trộn lẫn với đất
Những cành tản mác tiếng kêu thưa:
"Hãy cứu chúng tôi khỏi thảm sát!"
 
 

DI SẢN

 
Con bồ câu thẳng cánh bay đi
Để rơi một chiếc lông trắng
Này em nhỏ
Em đã thừa hưởng được gì
Từ máu mẹ?
 
 

NƯỚC MẮT

 
Nước mắt có vị muối
Biển đời vươn tới đâu?
Ước chi mọi kẻ sống
Cười tiếng cười chân thật
Khóc cho đã nước mắt.
 
                (1974-1975)
 
 

BÓ HOA

 
Giữa thế giới và tôi
em là vùng vịnh, em là cánh buồm
em là những đầu mút thủy chung của dây cột thuyền
em là mạch nước, em là gió
em là những tiếng nói trong trẻo ấy của tuổi thơ
 
Giữa thế giới và tôi
em là tấm khung tranh, em là ngã tư
cánh đồng hoang rải rắc những hoa
em là hơi thở, em là đầu giường
em là buổi muộn chiều có tinh tú kèm theo
 
Giữa thế giới và tôi
em là cuốn lịch, em là la-bàn
ánh sáng lướt trong đen tối
em là lý lịch, em là dải băng ghi dấu trang
bài tựa liệt xuống trang chót
 
Giữa thế giới và tôi
em là lớp màn thưa, em là sa mù
ngọn đèn soi sáng những mộng mị
em là tiếng còi, khúc hát không lời
em là đôi mắt nhìn xuống của những pho tượng đá
 
Giữa thế giới và tôi
em là vực sâu, em là bể cạn
em là hố thẳm xô lệch
em là rào sắt, em là lũy thành
huy hiệu bất diệt trên lưng tấm khiên
 
                                    (trước 1979)
 
 

ĐÊM MƯA

 
Khi đêm tối, phân mảnh trên những vũng nước,
đu đưa một cành dừa mới
như người ta đu đưa một đứa trẻ thiếp đi,
khi dưới ánh đèn
mưa xâu những hạt ngọc
trang điểm đôi vai em bằng những ánh lửa
rồi lăn xuống đất,
em nói: không,
thật quả quyết,
nhưng nụ cười em đã thuận tình với niềm bí ẩn của tim em.
 
Những đám mây thấp và đen tối, đưa những lòng bàn tay ẩm ướt,
phớt qua mái tóc em
hòa lẫn hương hoa và hơi thở tôi nóng bỏng với những vuốt ve mơn trớn,
những chiếc bóng mà những ngọn đèn đường kéo dài ra
khiến từng góc phố, từng giấc mộng nối liền nhau,
lưu giữ trong những chiếc lưới của chúng nỗi niềm hạnh phúc thật khó hiểu của chúng ta.
Những muộn phiền đã qua sững lại thành những giọt lệ thấm ướt chiếc khăn tay của em,
những muộn phiền đã quên dưới một hàng hiên tăm tối.
 
Và dẫu sáng mai
những họng súng và mặt trời đẫm máu
có buộc tôi phải trao nộp tự do, tuổi trẻ và ngọn bút,
đêm nay tôi sẽ không trao nộp chúng,
tôi sẽ không trao nộp em.
Những vách tường có thể niêm kín môi tôi,
những thanh sắt có thể cắt lìa tôi với bầu trời,
bao lâu tim tôi còn đập, máu tôi còn biết tới những ngọn triều của nó,
và nụ cười em, in trên vầng trăng đỏ,
vẫn cất lên đêm đêm trước cửa sổ buồng tôi,
khơi dậy ký ức tôi.
 
 

HÒA ÂM

 
Rừng và tôi
chúng tôi quấn quít lấy mảnh hồ nhỏ bé này
bàn tay tôi phóng xuống nước
khuấy động những giấc mộng thầm kín của loài di sẻ
gió mồ côi
biển      thật xa xôi
 
Tôi đi ngoài đường phố
tiếng ồn ào huyên náo ở bên đây những ánh đèn đỏ
chiếc bóng xòe ra như cây quạt
dấu vết những bước chân ở mọi hướng
bờ dốc mồ côi
biển      thật xa xôi
 
Một khung cửa sổ bật sáng
ở bên dưới là những người trai trẻ
hát nho nhỏ và gảy đàn
những điếu thuốc lá nhấp nháy
con sơn miêu mồ côi
biển      thật xa xôi
 
Trên bãi sạn em thiếp ngủ
làn gió nhẹ đậu trên khóe môi
những lớp sóng tiến tới      thầm lén
xếp lại đường cong thoai thoải
mộng mồ côi
biển      thật xa xôi
 
 

PHÂN RANH

 
Tôi sẽ đi trên bờ bên kia
 
Dòng sông sửa lại những sắc màu của trời
khuôn nắn lại tôi
tôi trôi
bóng tôi dựng trên bờ
là một thân cây sét đã nung chín
 
tôi sẽ đi trên bờ bên kia
 
Từ những khu rừng trên bờ bên kia
một con cu cườm đơn độc hoảng hốt cất cánh bay
về phía tôi
 
 

LÁ PHONG VÀ ĐẠI HÙNG TINH

 
Thế giới thu vào một cảnh phố
đây là cuộc gặp gỡ của chúng ta: em nghiêng đầu
thâu ngắn lại quá khứ
mọi thứ lễ độ
niềm vui chỉ là một lúc thoáng qua
tất cả đã chấm dứt
sao em còn điểm phấn tô son?
Kìa, trời trang sức bằng lá phong
thật trong trẻo, ánh sáng
mờ dần về phía một khung cửa sổ đã mất
 
Đằng sau mái nhà bao la
chòm Đại hùng tinh vượt lên
không còn hình thù chùm nho chín
và mùa thu đang trở lại
cố nhiên, đèn đường sắp bật sáng
tôi ưa nhìn nụ cười em
thản nhiên và hiền dịu
ánh mắt em bình yên
đèn đường sắp bật sáng
 
 

SAO CHỔI

 
Hãy trở lại, hoặc đi luôn đi
đừng đứng sững trên ngưỡng cửa
hỡi tượng đá
ánh mắt không trông chờ câu đáp
nói về chúng ta
 
Điều không quan niệm được
chính là rạng đông, chứ không phải bóng tối:
ngọn đèn có sống còn hay chăng?
Một ngôi sao chổi có lẽ sẽ sinh ra
cuốn đi những đổ nát và tàn tích
tên những kẻ chiến bại
để họ được biến dạng rực rỡ, được thiêu đốt, hóa thành tro
 
Hãy trở lại, chúng ta sẽ lại dựng xây một bếp lửa
hoặc đi luôn đi, hỡi sao chổi
tỏa sương giá lạnh lẽo
mi xua đuổi bóng tối nhưng cũng tự mãn trong vùng bóng
 
mi đã băng qua một hành lang trắng nối liền đêm tối với đêm tối
trong một lòng thung tràn ngập những vọng âm
mi ca hát đơn độc
 
 

ÁC MỘNG

 
Trên ngọn gió vô định
tôi đã vẽ một con mắt
khoảnh khắc giá đông lập tức tiêu tan
thế nhưng không một ai tỉnh dậy
ác mộng ngập ngụa ánh sáng ban ngày
tràn khỏi lòng sông, lan trên đá cuội
sản sinh những xung đột mới, những va chạm
ở đầu cành và dưới mái hiên
ánh mắt hãi sợ của chim chóc sững lại trong đá băng
và rơi xuống đất
những lằn bánh trên đường
dệt một màn mỏng sương giá
vẫn chưa một ai tỉnh dậy
 
 

ĐƯỜNG TRỞ VỀ

 
Hụ còi gầm lên không dứt
và mi muốn
đếm bầy quạ trên đám ngô đồng ư?
Hãy nhớ tới chúng trong lặng lẽ
như những dấu hiệu sẽ cản ngăn mi
lạc đường vào một giấc mộng khác
 
Những chiếc lá úa vàng, những nụ hoa đỏ
rung rinh trên những bụi cây
không khí tuy nhiên vẫn bất động
nhưng sương giá vương trong ánh hừng đông
băng qua khung cửa kính của toa tầu
bỏ lại đó khuôn mặt mi mỏi mệt và tái mét
 
Không có gì sẽ cản ngăn mi
tìm lại đường trở về
ở chốn hoang vu nọ những ống tiêu xưa
đã trở thành những khu rừng phong nhiêu
như những kẻ canh giữ con đường
chúng thanh khiết hóa bầu trời
 
                                (1979-1983)
 
 

VÔ ĐỀ

 
Lửa mãi mãi
sẽ là trái tim của mùa đông
khi khu rừng bốc cháy
những tảng đá khước từ sự bao vây
hú lên cực kỳ đau đớn
 
Chiếc đồng hồ móc trên gạc nai dừng lại
sự sống là một cơ may
cơ may duy nhất
Kẻ điều chỉnh thời gian
sẽ già đi tức khắc
 
 

NGHỆ THUẬT THI CA

 
Cái bàn
ấy những gì còn lại
của chốn ở bao la này nơi tôi cư ngụ
chung quanh những đầm lầy hút mắt
ánh trăng
phóng lên tôi những soi rọi khác nhau
mộng mơ còn dựng nơi xa xăm ấy
chiếc bóng mong manh những dàn gióng đã từ bỏ
những vết bùn nhơ này trên trang giấy trắng
con hồ-ly đã kiên trì nuôi dậy đó
hướng về tôi phe phẩy chiếc đuôi đỏ rực
nói với tôi những lời tán dương hoặc hăm dọa
 
thế rồi cố nhiên còn có em
ngồi trước mặt tôi
những ánh chớp biếc xanh lấp lánh trong tay em
biến thành củi khô tan thành tro than
 
 

TRÔNG CHỜ

 
Không một cầu thang bằng đá nào sẽ đủ dài
để tới được những nỗi quạnh hiu xa xăm
đến từ những thời đại khác nhau
mọi người không thể đi tới dưới cùng một ngọn roi
không một con nai đã được thuần hóa nào
có thể băng qua khoảng trống của mộng
không một trông chờ
 
Duy một hạt mầm hóa thạch
 
Những lời dối trá quanh co của núi
không chối bỏ sự hiện hữu ấy
những chiếc răng khôn của loài người
những chiếc răng nanh của kẻ hung bạo
nhẫn nại trông chờ
trông chờ, sau mùa hoa nở lộng lẫy,
trái chín duy nhất
 
Trông chờ cả ngàn năm
 
Không gian của hy vọng mở ra
một Lịch sử không dấu vết
một người mù mò mẫm bước tới
trên manh giấy trắng
bàn tay tôi xê dịch
không vẽ vạch gì hết
tôi tiến tới
đui mù
 
                               (1983-1986)
 
 

LÀM LẠI TRỜI XANH

 
Con chim bảo toàn
nguyên lực khí động
dưới chụp đèn pha lê
người mơ mộng khổ não
giữa không gian đối đầu
hai cánh cửa mở
 
gió nâng dậy một mẩu đêm
dưới ngọn đèn cổ
mơ màng tôi nghĩ tới điều khả hữu này:
làm lại trời xanh
 
 

VÔ ĐỀ

 
Hắn mở con mắt thứ ba
ngôi sao nọ bên trên trán hắn
những dòng nước ấm giao nhau từ đông sang tây
vẽ một vòng cầu
con đường xa lộ băng qua tà dương
hai rặng núi nghiền nát một con lạc đà
bộ xương nó khoét thêm chiều sâu
của những địa tằng than đá
 
Hắn ngồi trong căn chòi nhỏ xíu dưới đáy nước
trơ trơ như những tảng đá dằn con tàu
cá vọt lên từ khắp phía, những mũi tên ánh sáng
tự do là chiếc nắp thếp vàng của một cỗ áo quan
lơ lửng trên trần nhà tù của hắn
những hàng người kéo dài sau những tảng đá khổng lồ
hy vọng bước vào
ký ức của quân vương
 
Cuộc lưu đày của từ ngữ đã bắt đầu
 
 

NGƯỜI SƯU TẬP

 
Cửa sổ đóng khung bầu trời
bầu trời, bức tranh trong sưu tập của tôi
 
rặng núi, cao su  đen
đêm của các thế kỷ
những kẻ đặt tên các vì sao nghe
tiếng tù-và nức nở
nhịp thở khó khăn của kim khí
trong lòng đất
đứa con của kim khí chào đời
trên trang sách mở của nhân loại
những mái tranh gào thét chống lại đồng quê
những chiếc quạt bệnh hoạn
gió hạch hỏi các mùa
rồi chìm xuống biển, xê dịch hằng ngàn ngọn đèn nọ
soi rọi con đường của những người chết
 
Cửa sổ đóng khung tôi
tôi là bức tranh       bị giam nhốt của  trời
 
 

MÀI DAO

 
Dưới ánh sáng buổi đầu ngày tôi mài một con dao
sống dao mảnh lần đi
lưỡi dao vẫn cùn nhụt
mặt trời lấp lánh
 
Đám đông trên đại lộ
là rừng của một tủ kính bày hàng bao la
im lặng âm ỉ
tôi đã thấy mũi kim trên đĩa hát
theo những đường vòng của thân cây
lướt vào trung tâm những vòng ấy
 
 

GIỌNG BẢN THỔ

 
Tôi nói tiếng Tầu trước tấm gương
     một công viên có nỗi buồn riêng của nó
tôi để nhạc
     không có ruồi vào mùa đông
trầm tư tôi chế cà-phê
     giống ruồi mù tịt về chữ tổ quốc
tôi thêm một chút đường
     tổ quốc, cái âm giọng khó giải này
 
Ở đầu kia của dòng chữ
tôi nghe chính nỗi kinh hoàng của tôi
 
 

HÒA NHẠC BACH

 
Một hạt anh-túc thoát khỏi
cái lưỡi của con chim hướng đạo gió
hằng ngàn mảnh vải đỏ
rủ xuống từ trời cao
mọi người mất hút trong cái chết mát mẻ sáng ngời
chiếc tổ trống rỗng
đây là giờ những mưu định của Trời sẽ được phát lộ
 
Tòa đại thánh đường cất lên trên tầng sóng
những đỉnh cao dưới biển
mang tới sự im lặng của thời tiền sử
bàn tay trái của tôi đã trở thành pha lê
bàn tay phải trở thành sắt
tôi vỗ tay với sự vụng về
của con chim cánh ngắn bắc cực bước trên đất liền
 
 

HÌNH VẼ

(cho năm tuổi của Thiên Thiên)
 
Bình minh tiến tới với tấm áo cụt cánh
trên khắp mặt đất những trái táo lăn lăn
con gái tôi vẽ
bầu trời năm tuổi của con thật rộng lớn!
Tên con mở ra
hai cánh cửa của một khung cửa sổ
một cánh mở ra mặt trời không mấu chốt
cánh kia mở ra ta, cha con,
kẻ khó tính bị lưu đày này
đã ra đi với mấy tiếng thật khó hiểu
đã ra đi với trái táo đỏ nhất
người đã bước ra khỏi bức tranh của con
bầu trời năm tuổi của con thật rộng lớn!
 
 

TRỞ VỀ LÚC BAN ĐÊM

 
Sau cuộc thử thách của hụ còi phòng không
tôi treo chiếc bóng lên móc áo
tôi rứt bỏ đôi mắt chó
đã cho phép tôi bỏ chạy
tôi gỡ hàm răng giả
những lời cuối cùng nọ
khép lại chiếc đồng hồ hay giấu vặt,
con tim đã rút về sau hàng phòng thủ này
 
Lần lượt từng giờ
rơi xuống nước như những trái ngư lôi
phát nổ   trong mộng mị tôi
 
 

VĂN TỰ

 
Khởi sự với dòng nước
kết thúc với suối nguồn
 
một trận mưa kim cương
xé toang thật tàn nhẫn
thế giới pha lê này
 
mở những nắp cống, mở
đôi môi đàn bà
xăm trên cánh tay một người đàn ông
 
mở cuốn sách này, những nét chữ đã phai này
phế tích
có trọn vẹn một đế quốc
 
                               (1989-1990)
 
 

MỘT CA SĨ, NỬA KHUYA

 
Một tiếng hát
ấy là một kẻ đạo chích chạy trên mái
đánh cắp sáu màu
hướng mũi kim đỏ nho nhỏ chỉ giờ
về thiên đường của bốn giờ
bốn giờ bị nghiền nát
trong đầu một con gà trống: bốn giờ
cơn mê cuồng của buổi sớm mai.
 
Một tiếng hát
ấy là một cội cây, kẻ canh giữ những thù nghịch
ở bên kia biên giới
những hứa hẹn của nó
là những bầy sói ăn thịt những ngày mai.
 
Một tiếng hát
ấy là tấm gương thuật lại những thân xác
chúa của ký ức
ấy là những chiếc lưỡi bằng sáp
ngọn lửa của những cuộc tranh luận
ấy là những cây non mà các huyền thoại nuôi dưỡng
ấy là chiếc đầu tầu bốc khói
đột nhập tòa đại thánh đường.
 
Một tiếng hát
ấy là cái chết của người ca sĩ
đêm y mất
được ép thành dĩa nhựa đen
quay mãi không cùng.
 
 

GỬI TRANSTRÖMER*

 
Anh đã niêm một dòng thơ cuối cùng
trong hồn mình ___________ ấy trọng tâm của anh
khi trọng tâm ngôi đại thánh đường dao động cùng với những tiếng chuông
và nhảy múa giữa những vị thiên sứ không đầu
anh bảo toàn một thế quân bình.
 
Các thính giả
bám lấy cỗ dương cầm lớn của anh  trên vực thẳm
một tiếng sấm, những phím đàn bay lên
anh thấy lại chuyến tầu đêm
chụp bắt vùng tối tăm sắp đến.
 
Khởi đi từ nhà ga xanh
anh coi thường mưa, quan sát: những chiếc nấm,
mặt trời, mặt trăng, ngọn đèn hiệu trong  rừng:
ở phía sau bảy năm cầu vồng
hối hả những kẻ mang mặt nạ xe cộ.
 
-----------------------------------------
* Tomas Tranströmer, sinh năm 1931 tại Stockholm, một nhà thơ lớn của Thụy- điển, tác giả bài thơ quen biết: «Đường phố Thượng hải». Tờ KIM THIÊN (Hôm nay), do Bắc Đảo và các bạn chủ trương, có dịch và đăng thơ của ông. (người dịch)
 
 

VÔ ĐỀ

 
Bóng một con diều hâu lướt qua
đồng lúa mì rùng mình,
 
Này đây tôi kẻ chú giải của mùa hè,
tôi trở lại trên con đường cái
với một chiếc nón để tập trung những ý nghĩ của tôi
 
nếu trời không chết.
 
                             (1991)
 
 

BÊN TRỜI

 
Tình yêu nối liền những rặng núi
 
vĩnh cửu, như niềm nhẫn nhục của mọi vật
giản đơn hóa những tiếng nói
sắc nhọn và buồn một tiếng kêu
từ những thời xa xưa lọt tới chúng ta
 
hãy nghỉ ngơi, hỡi kẻ lữ hành mệt nhoài
đôi tai ngươi bầm dập
tỏ bày phẩm cách ngươi
 
sắc nhọn và buồn một tiếng kêu
 
 

NGƯỜI GIEO GIỐNG

 
Một người gieo hạt giống bước vào gian phòng
«Ở bên ngoài là chiến tranh!», ông ta nói
nhưng mi mi chìm đắm trong trống không
mi từ khước vai trò của kẻ canh chừng
nhân danh những đồng quê, ta tuyên cáo:
«Ở bên ngoài là chiến tranh!»
 
Tôi bước ra khỏi gian phòng này
bên ngoài là sự phong nhiêu của những mùa gặt hái
tôi chuẩn bị chiến tranh
nhái lại cái chết
các thứ mễ cốc mà tôi thiêu đốt
cất lên như những ngọn lửa báo động
 
Một ý nghĩ làm tôi điên:
người gieo giống gieo trên cẩm thạch
 
 

CHUNG THỦY VÀ THÀNH THẬT

 
Đừng thắp ngọn đèn
cánh cửa của bóng tối dẫn đưa người hiền minh
 
bàn tay tôi rành rẽ con đường
như một chiếc chìa khóa cũ
ở vị trí của con tim
chiếc chìa mở định mệnh anh
 
mùa xuân dao động sau cánh cửa
 
vài cành tre đung đưa
một thân xác bơi lên từ dưới lòng đất
cơn bão tuyết đã qua
bướm lại tụ tập
 
Ta bước theo mi, hỡi niềm tin,
mi kẻ bước theo cái chết
 
 

VÔ ĐỀ

 
Trên tuyến phòng vệ của tiếng mẹ
một nỗi sầu xứ thật dị kỳ
một bông hồng hấp hối
 
Bông hồng hút nước qua thân hoa
vì thiếu nước
nó hút bình minh
 
để rút cuộc phát hiện
những tiếng hát cuồng nhiệt của nửa khuya,
những tiếng hát điên dại
 
 

DƯỚI ÁNH CHỚP

 
Nước tươi mát và trong trẻo tràn qua bờ rêu
chim chiêm chiếp không ngừng, cơn mưa rào,
như vãi sỏi trên nước,
đo đạc vũ trụ
đá gọi đá
ngấm ngầm những khoảnh khắc cọ sát vào nhau
tia chớp dẫn tới cuộc hồi-sinh
hoa, nhạy bén, mở ra, khép lại
nghe ngóng những âm thanh đến từ trái tim
 
 

BÀI THƠ ĐIỀN DÃ

 
Nhạc phi mau, cuộc chạy đua ngoằn ngoèo của loài sói
những trái sơn-tra cười thầm
 
một trang đã lật qua,  con nước ròng
trên lan can các nhà thuyền trưởng trẻ trung
đưa ống nhòm nhìn xa
 
Đông và Tây:
một trái táo bổ làm hai
 
tôi chăng chiếc lưới đánh chim của mình
dưới cội cây mọc lên từ hạt nhân tôi đã khạc ra
tôi đã chờ, thật lâu
 
                                          (1992)
 
 

NƠI ĐẾN

 
Chúng tôi lúc ấy hãy còn trẻ
mỏi mệt, một cái chai,
chờ hờn căm dâng lên
 
hờn căm của thời đại
 
lửa đỏ vì ngượng ngùng, đêm thống trị không dứt
liều mạng mình trong sách vở
bậc hiền minh đã phô bày ý nghĩa của mùa đông
 
ý nghĩa của khởi hành
 
nối liền  những tiếng nức nở gào thét
đầu ngẩng lên
những tiếng bị thần linh ruồng bỏ
 
 

VÔ ĐỀ

 
Trong trí tưởng nhẵn nhụi của một người cha
những tiếng kêu bướng bỉnh của những đứa con
rốt cuộc đã va phải núi
xin đừng sợ
tôi lần theo dòng mơ mộng của cây cối
đi từ bập bẹ tới khúc ca
 
Nỗi đau từ xa tới này
là một quyền lực
nó giúp tôi cưa sẻ cái bàn
có những kẻ lên đường vì tình yêu
kìa một lâu đài đằng sau cơn bão tố
băng qua nhiều vương quốc thật mau
 
cuộc sống bày biện, xa hơn thế
một con rận đang gõ trống
các đạo sĩ luyện cách lên không trung
mùa xuân lọt vào lòng ngõ hẻm
khóc cho lý sự của đêm tối
và tôi tôi tìm được sự nghỉ ngơi
 
 

THÁNG THỨ NHÌ

 
Đêm đi tới chỗ hoàn hảo
tôi trôi giạt giữa lòng ngôn ngữ
nhạc cụ của cái chết
đầy đá băng
 
ai đang ca qua những kẽ
ngày? Nước trở nên mằn mặn
những ngọn lửa chảy máu
như con mèo rừng bỏ trốn chúng hối hả về với các vì sao
có một hình thể
đưa tới mộng
 
trong sớm mai lạnh lẽo
một con chim thức giấc
lại gần thêm đôi chút sự thật
và tôi tôi chìm đắm
với bài thơ
 
tháng thứ nhì trong sách vở:
vài cử chỉ, vài chiếc bóng
 
 

TIẾN TRÌNH

 
Ngày lại ngày nỗi đớn đau
suy tàn như một chính nghĩa
ngồi trên định mệnh mình
tôi có vẻ như một viên chức nhỏ
tôi soi rọi xứ sở đơn độc
 
Một người chết không có bạn
hòn than mù lòa, ngọn đèn chói lọi
tôi bước đi trên nỗi đau của mình
những đàn cừu ở bên kia hàng rào
tựa những cánh đồng xơ tưa
 
một cơn mưa rào những hình thể đập vỡ những tảng đá
thật khủng khiếp
tôi xây thời đại tôi
nhờ khẩu lệnh kia lũ trẻ
vượt qua phòng tuyến của cuốn sách
 
                                       (1993)
 
 

VỀ PHẦN CHÚNG TÔI

 
Vẻ mặt hốc hác, tâm hồn tàn bại
một ngọn đèn trên tay chúng tôi săn đuổi mùa xuân
 
vết sẹo lấp lánh, những mặt kính xoay xoay
ánh sáng được tạo ra
thấy giây lát mê hoặc này
một kẻ trộm lẻn vào bưu cục
lá thư thốt một tiếng kêu
 
những lời của bài ca không thể nào thay đổi
đã bị đóng đinh, ôi như đã bị đóng đinh
những đẫn củi ghì lấy nhau thật chặt
tìm một lớp thính giả
 
tìm trái tim của mùa đông
ở đầu dòng nước
người chèo thuyền chờ hoàng hôn bao la
 
Phải có ai đó viết lại tình yêu
 
 

VÔ ĐỀ

 
Những người qua lại thắp
những ngọn đèn trong sọ
đại lộ lao mình về cơn mê sảng tháng Mười
 
Cúi chào một con chó
chiếc bóng nghiêng mình trước những gì đã từng trải
 
dòng suối phát hiện
giấc ngủ dưới cảnh vật
lần lượt nghiêng mình nơi khung cửa vĩnh viễn được soi rọi
chúng ta nức nở
 
Lý Bạch vừa ca vừa gõ trống
thật khoan thai
 
 

NHỮNG KẺ TẬP SỰ

 
Đêm của những kẻ tập sự
không có gì đáng ngại
đồng thanh trên mái nhà họ cao tiếng đọc
hoàng hôn, trang giấy không in ấy
Giữa những món nợ của tuyết
và tiếng hổn hển của bầy ngựa
họ tiến lại gần địa điểm của mùa hoa nở
trên công viên thời đại
họ viết, dựng xây những lý thuyết
ở đầu một ngọn roi dài họ đạt tới ý hướng
trong những kẽ hở của xi-măng
họ gieo tên họ
 
Những ngày đã xếp qua một bên
còn lại gì?
Bài thơ uốn lượn giữa sống và chết
sẽ hoàn phục
những cửa miệng của họ hú lên sự im lặng
 
 

BÓNG TRÊN BÓNG

 
Ai dưới trăng gõ cửa
thấy đá nở hoa?
người kéo vĩ cầm lang thang ngoài hành lang
khiến tim ta đau thắt
không phân biệt hừng đông với hoàng hôn
nước nguồn và cá đỏ
quy định ý nghĩa của thời gian
 
Bông quỳ bị thương tích
chỉ đường
những người mù đứng
trên ánh sáng khôn dò
bấu víu nỗi hờn căm
kẻ sát nhân cùng với vầng trăng
bỏ đi một xứ khác
 
 

VÔ ĐỀ

 
Những nhà sưu tập bưu hoa rình rập sự sinh tồn
niềm vui qua mau như ánh chớp
 
Đêm kiêu hãnh quỳ gối
mang ánh sáng của biết bao thời đại
 
Gió trở chiều, chim chóc hoảng sợ
tiếng hát làm rơi rụng vô khối những trái táo
 
Những người tình không biết mỏi mệt tóc đã bạc trắng
tôi nghiêng mình để thoáng thấy định mệnh
 
Nước nguồn an ủi tôi
trong khoảnh khắc vô dụng này 
 
 

VÔ ĐỀ

 
Biết bao là bài thơ nơi mi soi mình hướng về quá khứ!
Chim đêm đồng thanh kêu réo
ở xa xa nơi tiếng hát hắt hiu
mi phóng thích sa mù *
 
Mi mở cây dù, mi lọt vào ngày mai
mi, kẻ rong chơi
ở mút cùng con người mi mi đẩy tới thêm mãi
lấy gì thay thế niềm vui?
 
Những con hồ-ly của thế kỷ
nhảy qua hố thẳm
mi thấy cây cầu sáng rỡ
mất hút ở chân trời
 
Một buổi sáng phớt qua
ý nghĩ ẩn núp trong hạt nhân
trên làn nước mà đam mê khua động
tràn ngập nỗi quạnh hiu của áng mây đang thức giấc
 
------------------------------------------
* Bản Pháp văn: la brume (sa mù), còn có nghĩa «nỗi ưu sầu».
 
 

MỘT NGÀY TRONG NÚI

 
Tháng Chín đi về phương tây
những cánh bồ câu của hư không bay về phương đông
ánh sáng và những cẳng chân khẳng khiu của con ngựa
theo một đường tắt
Tôi đã hoài công nếm mọi mầm hạt, không một giấc mộng,
tôi tập bay
về triền ánh sáng
vì điều này, và chỉ điều này: chìm vào giấc ngủ
 
biết lúc thức dậy
đồng hồ điểm mười hai tiếng
nửa khuya rơi rụng
từ ánh ngày bốc lên những làn hơi
 
 

VÔ ĐỀ

 
Mọi người rảo bước mãi tới
phút đầu thai lại, trườn vào giấc mộng của cánh chim
mặt trời trốn khỏi những đồng lúa mì
trở lại phía sau người hành khất
 
Ai tranh đua với trời?
Người ca sĩ mất sớm
bay lượn trên tấm bản đồ khí tượng
một cây đèn trên tay y lao mình vào gió, tuyết
 
Tôi mua tờ nhật báo
ánh ngày thối lại tôi tiền lẻ
ở lối vào đêm
tôi hóa thân thành một ánh chớp
 
Đám đông trải rộng
Này! các ngươi ở thượng lưu, những người mạnh giỏi
mãi tới ngày mai có còn xa?
 
                                            (1994)
 
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
BẮC ĐẢO (Bei dao hay PEI TAO), bút hiệu của Zhao Zhenkai, sinh ngày 2 tháng Tám 1949 tại Bắc-kinh trong một gia đình trí thức. Năm 1966, bỏ học để trở thành vệ binh đỏ vào hồi đầu cách mạng văn hóa, nhưng đã mau chóng tỉnh ngộ. Hai năm sau tốt nghiệp trung học và đến năm 1970 bắt đầu làm thơ. Năm 1974 hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tay với tựa đề: Ba động (Sóng). Đến tháng 12.1978, cùng một số nghệ sĩ trẻ Trung-hoa thành lập tạp chí Kim thiên (Hôm nay). Cho đăng Ba động trên tạp chí này (1979) với bút hiệu Aishan. Năm 1980, sau khi «Bức tường dân chủ» bị hủy bỏ, Kim thiên cũng bị cấm xuất bản. Sau khoảng mười năm lao động như một công nhân, Bắc Đảo trở thành biên tập viên về văn học cho nhiều tạp chí văn nghệ như Xin guancha (Tân quan sát, 1980-1981); Zhongguo bao dao (China Report, 1981-1985); Zhongguo (Trung quốc) và Guoji shikan (Quốc tế thi ca)... Hội viên Hội nhà văn Trung-quốc vào năm 1985; một năm sau, ông được tặng giải văn học Ngũ Tứ của Đại học Bắc- kinh.
 
Năm 1985 được phép xuất ngoại, lưu trú tại Anh và Hoa-kỳ. Năm 1987-1988, làm trợ giáo về ngôn ngữ tại Đại học Durham, Anh quốc. Đến tháng Năm 1988 được bộ Văn hóa Pháp mời tới thăm nước Pháp cùng với một số nhà văn Trung-hoa khác. Cũng năm này, ông được Đại học Iowa, Hoa-kỳ mời; được tặng giải thưởng thơ hay nhất ở Trung-quốc. Cuối năm 1988 về nước, và sau đó vào năm 1989 thảo một lá thư gửi các nhà cầm quyền Trung-hoa, có 33 nhà trí thức "tại chỗ" ký tên. Mùa xuân 1989 được mời qua Tây Bá-linh và có mặt tại đây khi các biến cố bi thảm tháng Sáu xảy ra ở Thiên-an môn... Không thể trở về nước, Bắc Đảo được mời tới Oslo, Na-uy và trở thành hội viên danh dự của Hội văn bút Thụy-điển. Năm 1990 ông được hội văn nghệ này mời tới Stockholm và tặng giải thưởng Tucholsky. Ông cũng được cử làm trợ giáo về ngôn ngữ và văn chương Trung-hoa tại Đại học Arrhus ở Đan-mạch, và ở lại đây tới năm 1992. Kế đó, ông được mời tới cư trú với tư cách nhà văn tại đại học Leiden, Hòa-lan (1992-1993) rồi tại đại học Michigan, Hoa-kỳ (1993-1994).
 
Mùa xuân năm 1990, tờ Kim thiên tái xuất hiện ở Oslo, với Bắc Đảo làm tổng biên tập. (Tờ tạp chí này có một bộ biên tập ở rải rắc trên thế giới, có một thời in ở Hương-cảng và nay trụ sở đã rời về Hoa-kỳ). Năm 1991, Bắc Đảo được bộ Văn hóa Pháp mời nhân dịp nhà xuất bản Ulysse fin de siècle in tập Quatre poètes chinois. Trong các năm 1991, 1992, 1994 và 1995 Bắc Đảo đã tới Pháp nhiều lần, tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa do lời mời của hai bộ Văn hóa và Ngoại giao Pháp hoặc của «Nghị viện quốc tế các nhà văn» (ở Strasbourg) mà ông là một thành viên.
 
Cũng nhân đó, ngày 4.11.1994, người dịch đã có dịp gặp Bắc Đảo ở Lộ- trấn trước khi ông tìm cách trở lại Bắc-kinh và bị nhà cầm quyền ở đây trục xuất.
 
Một số tác phẩm của Bắc Đảo đã in thành sách: Beidao shixuan (Bắc Đảo thi tuyển), Canton, 1986; Bei'ou xiandai shixuan (Bắc Âu hiện đại thi tuyển, do Bắc Đảo dịch), Hunan, 1986; Guilaide mosheng ren (Người cha trở về), tiểu thuyết và truyện ngắn, Canton, 1987; Sudegelang shixuan (Thơ Edith Södergran, do Bắc Đảo dịch), 1987; và Zai tianya, Beidao shixuan (Bên trời, Bắc Đảo thi tuyển), Oxford University Press, Hongkong, 1993. Tác phẩm của Bắc Đảo (thơ và truyện) đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Tây-ban-nha, Đan-mạch, Hòa-lan, Nhật-bản, Thụy-điển và Ý...
 
Bên trời, tuyển tập thơ Bắc Đảo này, gồm một số sáng tác từ 1974 đến 1994. Ba bài đầu (sáng tác vào khoảng 1974-1975) dịch theo bản Pháp văn của François Cheng trong Entre source et nuage, Albin Michel, Paris, 1990. Các bài khác, ngoại trừ bài «Bó hoa» đã có trước 1979, được sáng tác từ 1979-1994: các bản dịch đều dựa theo bản Pháp văn của Chantal Chen-Andro hoặc của Françoise Han và Chantal Chen-Andro trong Beidao, Au bord du ciel, Circé, Strasbourg, 1994. Dưới các bài thuộc từng thời kỳ đều có ghi số năm sáng tác.
 
Xin mời bạn đọc xem thêm bài của Bắc Đảo, "Mục tiêu của tạp chí Kim thiên"; bài "Nói chuyện với Bắc Đảo" do Chantal Chen-Andro và Claude Mouchard thực hiện; và truyện ngắn của Bắc Đảo, "Điểm giao thoa" (bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn), đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021