thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con ong, phần 1 [I]
Bản dịch của Hải Ngọc
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

Đôi nét về tác giả:
Aleksandar Hemon sinh năm 1964 tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Sarajevo (University of Sarajevo) năm 1990. Vào thời gian ấy ông đã in một số truyện và bài báo tại Nam Tư. Năm 1992 ông đến thành phố Chicago, Hoa Kỳ và sau đó định cư tại Mỹ khi Sarajevo xảy ra biến loạn. Bắt đầu từ đó ông viết bằng tiếng Anh. Sáng tác của ông đã được in trên các tạp chí uy tín như The New Yorker, Ploughshares, Granta, Esquire. Truyện ngắn “Những hòn đảo” của ông đã được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 1999 (Những truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 1999). Một số truyện ngắn khác của ông cũng được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 2000. Tập truyện đầu tiên của ông, The Question of Bruno (do nhà xuất bản Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2000) đã đoạt giải John C. Zacharis First Book Award của tạp chí Ploughshares năm 2001. Cuốn thứ nhì của ông, Nowhere Man, đã được nhà Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2002.

 

CHUYỆN NÀY LÀM GÌ CÓ THẬT

Cách đây đã nhiều năm, hồi còn ở Sarajevo, tôi và em gái cùng bố mẹ đi xem một bộ phim. Bộ phim kể về một anh chàng đẹp trai đi tìm một kho báu, thế rồi trong cuộc hành trình ấy, anh ta gặp một cô nàng xinh đẹp. Mẹ tôi ngủ gật ngay tức thì; phim ảnh vốn thường làm cho bà dễ buồn ngủ. Bố tôi thì có một phản ứng khác. Hết cảnh đầu tiên, bố tôi khịt khịt mũi tỏ ý giễu cợt:“Thật là ngớ ngẩn,”ông thì thầm vào tai tôi. Rồi bố tôi quay sang nói với mọi người xung quanh, giọng khẩn nài như thể ông đang có một ý đồ nào đó: “Các đồng chí! Đừng tin! Chuyện này làm gì có thật!” Lúc này nhân vật chính của bộ phim đang phải vật lộn giữa một bầy cá sấu đói ăn và khán giả tỏ ra không thiện cảm lắm khi bố tôi cứ làm gián đoạn sự chú ý của họ. Tôi và em gái giả vờ tập trung lên màn hình. Một nhân viên quản rạp phim xuất hiện, nhắc bố tôi phải giữ trật tự. Mẹ tôi, khi ấy bừng tỉnh bởi sự ồn ào xung quanh, nhận ra mình đang ở giữa một cảnh tượng bối rối. Cảnh tượng đó kết thúc khi bố tôi nổi giận đùng đùng, lôi chúng tôi ra khỏi rạp trong lúc mẹ tôi nán lại để xin lỗi khán giả. Tôi ngoái lại nhìn lên màn hình lần cuối, ở đó đang diễn ra cảnh nhân vật chính cùng một thiếu nữ áo quần tả tơi (nhưng quả thật là đẹp) cưỡi hai con la trông rất ngộ băng qua khu rừng đầy những kẻ thù.

 

ĐỜI TÔI

Vào mùa xuân năm 1979, bố tôi đem về nhà một chiếc máy quay phim loại Super-8 mà ông mượn được từ một người cộng sự của mình (chú Bozo A., người có đai đen karate và lúc đó đang mang một khối u trong não ở thời kỳ đầu – chú đã chết trước khi bố tôi trả lại chiếc máy quay phim). Chiếc máy tuy nhỏ nhưng cấu tạo kỹ thuật của nó rất tinh vi, dường như chỉ có những sự việc quan trọng mới xứng đáng được nó ghi lại. Bố tôi thông báo là ông sắp làm một bộ phim, bộ phim ấy sẽ không nói dối. Mẹ tôi hỏi bộ phim sẽ nói về cái gì. “Sự thật. Tất nhiên là thế”. Bố tôi nói.

Bố đã dành ra một tuần đề ngồi viết kịch bản trước khi tiết lộ cho mọi người biết bộ phim sẽ kể về cuộc đời của ông. Bộ phim được lên kế hoạch quay trong tháng Sáu, lúc đó chúng tôi sẽ ở miền quê, thăm ông bà nội. Chúng tôi sẽ quay bộ phim, như người ta vẫn nói, “ngay tại hiện trường”. Tôi được phân đóng vai bố hồi nhỏ, và em gái tôi sẽ đóng vai em gái của ông (bố không nói cụ thể là cô em nào—vì bố có đến sáu chị em gái). Mẹ tôi được đề nghị làm trợ lý đạo diễn nhưng mẹ từ chối ngay; bà bảo muốn dành kỳ nghỉ của mình để đọc sách.

Bố không cho chúng tôi xem kịch bản và hoàn toàn không thay đổi lập trường ngay cả khi chúng tôi nói rằng các diễn viên thông thường đều được nhận kịch bản để diễn tập: bố tôi muốn tự thân cuộc sống sẽ trở thành nguồn cảm hứng của chúng tôi, bởi vì, như bố thường xuyên nhắc chúng tôi ghi nhớ, bộ phim này nhất thiết phải thật. Tuy nhiên, trong một lần dọn dẹp bàn làm việc của bố như thường lệ, anh em tôi đã tìm thấy một tờ bản thảo. Chúng tôi đã đọc bản thảo đó cho nhau nghe đến mấy lần trong trạng thái vừa kinh ngạc lại vừa khoái trá. Nó như thế này:

Đời tôi
1. Tôi được sinh ra
2. Tôi tập đi;
3. Tôi đi chăn bò;
4. Tôi rời nhà để đến trường học;
5. Tôi về nhà. Mọi người đều vui;
6. Tôi rời nhà để đi học đại học;
7. Tôi ngồi trong lớp học. Tôi học khuya;
8. Tôi đi dạo. Tôi gặp một cô gái xinh đẹp;
9. Tôi đưa cô bạn gái xinh đẹp ấy về nhà ra mắt bố mẹ;
10. Tôi cưới cô gái xinh đẹp ấy;
11. Tôi làm việc;
12. Tôi có một cậu con trai;
13. Tôi hạnh phúc;
14. Tôi nuôi ong;
15. Tôi có một cô con gái;
16. Tôi hạnh phúc;
17. Tôi làm việc;
18. Chúng tôi ở ngoài bờ biển;
19. Chúng tôi hạnh phúc;
20. Các con tôi hôn tôi;
21.Tôi hôn bọn trẻ;
22. Vợ tôi hôn tôi;
23. Tôi hôn bà ấy;
24. Tôi làm việc;
25. Hết.

 

CHÀO TẠM BIỆT

Cảnh đầu tiên (và cũng là duy nhất) mà chúng tôi thực hiện là Cảnh 4. Địa điểm quay là ở sườn đồi, dưới chân ngôi nhà của ông bà nội. Tôi, trong vai bố năm mười bốn tuổi, phải diễn cảnh đang đi xuống đồi, rời xa dần chỗ đặt máy quay, với một chiếc tay nải vắt trên đầu một cây gậy đặt gá lên vai, miệng huýt sáo một giai điệu ủ ê, rồi quay đầu lại, nhìn chằm chằm về phía máy quay, nơi ấy có ngôi nhà mà tôi vừa rời khỏi, vẫy tay nói lời chào tạm biệt.

Lần quay đầy tiên thất bại vì cách vẫy tay của tôi không biểu lộ đủ cảm xúc. Bố tôi nói tay tôi trông giống như một con gá mềm oặt, bị vặt trụi lông vậy.

Lần quay thứ hai bị gián đoạn khi bố tôi quyết định quay cận cảnh một con ong đang rập rờn quanh một bông hoa gần đó.

Đến lần thứ ba thì hai bà dì của tôi bất ngờ xuất hiện đúng lúc bố tôi đang cho ống kính chuyển từ cảnh tạm biệt cảm động của tôi đến cảnh ngôi nhà. Họ đứng ngây ra, toét miệng cười, trong giây lát họ như bị thôi miên trước ống kính máy quay, rồi sau đó, họ vẫy tay chào cái máy quay một cách vô ý tứ.

Mỗi lần quay, tôi lại phải đi lên đồi, trở về điểm xuất phát của mình. Tôi đau nhừ chân, lại còn vừa đói vừa khát, mà lòng thì không khỏi băn khoăn về kiến thức đạo diễn của bố: Tại sao bố/tôi lại không bắt xe buýt? Chứ chẳng phải bố/tôi đã cần nhiều thứ hơn là có thể nhét vừa đủ một tay nải hay sao? Lẽ nào bố/tôi lại không cần đem theo chút đồ ăn để đi đường?

Trong lúc đang quay lần thứ tư thì máy hết phim.

Lần thứ năm cảnh quay gần như là hoàn hảo: tôi đi xa dần ngôi nhà, thõng vai buồn bã, bước đi ngập ngừng đúng điệu, cái tay nải đong đưa tội nghiệp trên đầu cây gậy cong oặt. Tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà mà tôi sắp rời xa mãi mãi. Ngôi nhà tường trắng mái đỏ; mặt trời đang lặn dần ở phía sau. Mắt tôi nhoè đi khi vẫy tay chào quá khứ yêu dấu, bàn tay tôi giống như một chiếc máy đánh nhịp đang đếm phách cho một khúc adagio[1] cực kỳ buồn bã. Chợt tôi nghe thấy tiếng một con ong. Nó vo ve sau cổ tôi. Bàn tay như chiếc máy đánh nhịp của tôi chuyển ngay sang điệu allegro[2] khi tôi lấy tay xua nó khỏi đầu mình để tránh bị đốt. Con ong không chịu bay đi. Tôi liền quẳng cây gậy và cắm đầu chạy như điên, đầu tiên là chạy lên đồi, rồi về phía máy quay, sau đó lại bổ xuống đồi, chân vắt lên cổ. Con ong vẫn không thôi truy đuổi tôi, và tôi thấy khiếp sợ hơn nữa vì sự quyết tâm của nó nhiều hơn là vì ý nghĩ về một vết ong châm khó tránh khỏi. Tôi hét toáng lên, huơ tay lên không trung, chạy bán sống bán chết, nhưng con ong vẫn không rời. Càng chạy tôi lại càng cách xa mọi sự cứu trợ. Thế rồi khi nhận ra con ong đã thật sự đậu trên đầu mình—như vậy nghĩa là mọi nỗ lực trốn chạy của tôi đều vô ích—tôi sảy chân và ngã lộn nhào. Tôi cảm thấy vết ong châm khi tôi ngã lăn xuống chân đồi nơi một bụi gai chặn tôi dừng lại.

Tôi có cần phải nói là bố tôi vẫn tiếp tục giữ máy quay? Và thế đó, tôi hiện hình trên ống kính, hai tay đập đập như thể muốn cất cánh, chẳng khác nào một chàng Icarus[3] không hiểu biết gì mà lại muốn vọt lên một nơi còn xa hơn cả đỉnh trời, trong khi đó, một con bò đứng nhìn cảnh tượng ấy với ánh mắt lãnh đạm siêu phàm—như thể muốn nói rằng Thượng Đế cùng những sinh vật ngây thơ do ngài tạo ra sẽ đếch thèm bận tâm đến cú ngã của con người. Rồi tôi ngã nhào vào bụi gai, còn bố tôi—với trạng thái tinh thần thản nhiên của một đạo diễn—làm hình ảnh của tôi nhoà dần đi trên ống kính máy quay.

 

NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC

Có lẽ tôi cũng nên bổ sung vào tiểu sử nghệ thuật của bố tôi thiên hướng của ông về nghề mộc. Hơn một lần tôi được chứng kiến bố mình mơn man, hôn hít cái thanh gỗ mà ông định biến nó thành một cái kệ, một cái ghế đẩu hay một cái khung tổ ong. Ông thường ép tôi mân mê và dí mũi ngửi một thanh gỗ “hoàn hảo”, ông muốn tôi phải cảm nhận được rõ rệt sự trơn nhẵn và mùi thơm tự nhiên của nó. Đối với bố tôi, thế giới này chỉ gồm những vật thể mà người ta có thể cầm nắm được trong tay mình. Ông làm ra đủ thứ đồ vật—hộp đựng dụng cụ, giường, ghế và những chiếc giàn cho các thứ cây mà mẹ tôi trồng—nhưng kiệt tác của ông là một chiếc bàn làm bếp không đóng đinh mà ông đã phải mất cả tháng trời để ghép những mảnh ván lại. Ông đã phải trả giá. Một buổi chiều, ông từ xưởng làm việc đi ra với bàn tay bị lạng lòi cả thịt bởi một cái chàng, máu phọt ra từ chính giữa lòng bàn tay y như từ một cái giếng—một hình ảnh có thể sánh với phép nhiệm màu trong Kinh Thánh. Bố tôi tự lái xe đến bệnh viện và chiếc xe sau đó trông giống như tang vật của một vụ án vậy.

Bố tôi cũng thích hát. Một buổi tối, tôi thấy ông ngồi trước màn hình ti vi với một cuốn sổ và một cây bút chì vót nhọn đợi để chép lời một bài hát yêu thích của ông thời đó, bài “Hãy nhỏ xuống, hỡi giọt lệ bội phản” (Drop, You Traitor Tear) sắp được trình diễn trong một chương trình ca nhạc. Liền nhiều ngày sau đó, ông hát đi hát lại không biết chán “Hãy nhỏ xuống, hỡi giọt lệ bội phản”, chỗ nào không nhớ được lời thì ông lại ngâm nga âm ư, tập dượt cho những buổi biểu diễn trong tương lai. Ông hát trong các buổi tiệc và những buổi gặp mặt gia đình, và thỉnh thoảng ông còn tự đệm đàn cho mình với một cây ghi ta lên dây rất tồi, chỉ chơi ba hợp âm La thứ, Đô, Rê 7 (Am, C, D7) bất kể cho bài hát nào. Bố tôi có vẻ tin rằng ngay cả một cây ghi ta bị lên dây sai đến mức thậm tệ cũng có thể tạo được “không khí”, còn sự đơn giản hoá về mặt hoà âm sẽ làm gia tăng tác động về mặt cảm xúc của bất cứ bài hát nào. Và, quả thế, thật khó chối cãi cái sức mạnh toát ra từ giọng nam trầm của ông trên một nền nhạc đệm chói tai nghe cứ tưởng là của ban Sonic Youth,[4] và một giọt lệ long lanh nơi khoé mắt ông khi ông suy ngẫm về khả năng bội phản của nó.

Tác phẩm nhiếp ảnh của ông cũng đáng được đề cập đến, cho dù mục đích chụp ảnh của ông chỉ là để ghi lại cái dòng chảy tàn nhẫn của thời gian. Tất cả những bức ảnh mà bố tôi chụp đều có bố cục giống nhau: mẹ tôi, em gái tôi và tôi đứng đối diện với máy ảnh, những năm tháng trôi qua được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những nếp nhăn trên khuôn mặt và những sợi tóc xám trên mái đầu của mẹ, bằng độ rộng của nụ cười rạng rỡ trên môi em gái tôi, và bằng độ dày của cái nhếch mép khinh mạn trong kiểu cười làm dáng của tôi.

Thêm một điều nữa: Có một lần bố tôi mua một cuốn sổ, và trên trang đầu tiên của cuốn sổ ấy, ông viết: Cuốn sổ này dành để ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của những thành viên trong gia đình. Có lẽ bố tôi dự định lấy những suy nghĩ và cảm xúc ấy làm chất liệu cho một cuốn sách trong tương lai, nhưng cuối cùng trong cuốn chỉ có hai dòng chữ: một ghi chú khó hiểu của mẹ tôi, chắc là bà đã vớ được cuốn sổ trong lúc đang nghe điện thoại và ghi vào đó: Thứ sáu / Bọn trẻ con khỏe / Húng tây; và một dòng chữ của em gái tôi viết tay nắn nót, đúng nét chữ của trẻ con: Mình thật sự thấy buồn vì mùa hè sắp hết.

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: “The Bees, Part 1”, đăng trên The New Yorker, số ngày 14 & 21/10/2002.

 

----------

Xem tiếp:

Những con ong, phần 1 [II]

Những con ong, phần 1 [III]

Những con ong, phần 1 [IV]

_________________________

[1]adagio: đoạn nhạc có tốc độ khoan thai, chậm rãi.

[2]allegro: đoạn nhạc có tốc độ nhanh

[3]Icarus: nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là con trai của Dedalus, một nghệ nhân thiên tài. Dedalus bị vua Minos xứ Crete bắt giam trong mê cung mà chính Dedalus đã xây. Không chịu bó tay, Dedalus đã sáng chế hai đôi cánh bằng lông vũ gắn trên khung gỗ và trao cho con trai mình một đôi. Ông căn dặn Icarus không được bay gần mặt trời vì sức nóng của mặt trời sẽ làm chảy sáp. Nhưng quá sung sướng trước chuyến bay này, Icarus đã quên mất lời dặn của cha, bay đến gần mặt trời. Lông vũ trên đôi cánh rơi rụng và rốt cục Icarus rơi nhào xuống biến.

[4]Sonic Youth: ban nhạc rock nổi tiếng thập kỷ 80. Sonic Youth bắt đầu hình thành phong cách của mình bằng việc khước từ những quy tắc của thể loại rock & roll. Ban nhạc đặc biệt chú ý đến hiệu quả của tiếng ồn trong nhạc rock & roll và khả năng của cây ghi ta trong nhạc rock. Âm nhạc của Sonic Youth chú trọng đến việc tạo ra những âm thanh nghịch nhĩ bằng cách làm rè tiếng ghi ta, và sử dụng những lối lên dây đàn phản quy tắc, nhờ đó đem lại hiệu quả âm thanh mới.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021