thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hành trình

 

Linh và tôi ngồi co chân lên ghế, ngoảnh mặt vào nhau và ngủ. Thi thoảng, giữa những cú lắc của con tàu, chúng tôi va vào nhau và giật mình tỉnh dậy. Trong tranh tối tranh sáng, tôi nhìn khuôn mặt Linh, hình như nó bé đi trông thấy. Tôi biết khuôn mặt ấy không còn lưu giữ những chuyến đi của chúng tôi cách đây ba năm. Tôi có cảm giác cái mũi Linh nhỏ đi, cái miệng cũng thế. Cái áo phông màu xanh đen kia, đôi giày cũ dính đầy bụi kia, cái quần jean rộng thùng thình kia hợp với Linh hơn bao giờ hết, nó rất hợp với một người mà tôi chưa bao giờ quen biết. Có thể đó không phải là Linh. Có thể đó là một người hoàn toàn lạ lẫm và tôi không biết gì về chị ta ngoài việc chúng tôi có thể cùng bất ngờ chạm ánh mắt nhau mà không phải nhìn ngay đi nơi khác. Tôi nhìn qua bờ vai Linh và thấy một người đàn ông mặt rất nhiều mụn đang đọc một tờ báo. Anh ta cỡ ngoài ba mươi tuổi. Có sự khác biệt nào giữa Linh và anh ta đối với tôi? Có lẽ, đó chỉ là khả năng mà tôi có thể chạm hay không chạm vào thân thể họ.

Linh ngồi quay mặt ra phía cửa sổ. Trong màn đêm le lói những ánh sáng, tôi nhìn thấy xúc cảm của chính tôi, nhìn thấy sự im lặng, nỗi buồn của tôi nhiều năm về trước, đồng loạt bất động, nhìn tôi bằng cái nhìn u tối và câm lặng. Dương ngồi trước mặt tôi. Mẹ Dương mang một khay trầu cau sang nhà. Đi cùng bà có một đám người lố nhố quần áo sặc sỡ. Tôi mở cánh của liếp, bỏ chạy, tắt ngang qua khu vườn rau muống. Dương không hề biết gì về giấc mơ ấy. Tình yêu không được đáp lại của cậu bé mười chín tuổi có cái nhìn của một tu sĩ. Tôi ở ngoài kia, vui thú với những bóng sáng trong đêm, thả mình trong không khí lạnh. Những làng mạc phía xa là chốn nương náu của tôi, là chỗ nấp khỏi vòng tay, hơi thở, tất cả những gì xác thực là của Dương. Ban đêm, những thôn làng đã mất đi vẻ tiều tụy, khắc nghiệt, lạc hậu như tất cả những con người sống trong nó, như tất cả các làng quê trên đất nước này. Đối với tôi lúc này chúng là biểu tượng của cô độc và hạnh phúc không bị cầm tù. Ngay cả đồng ruộng trước mắt tôi, sự xác xơ đã thay bằng một sự huyền bí. Nó đồng lõa với nỗi buồn và sự ngang ngạnh.

Tôi rồ ga trong đêm khuya. Bà chủ nhà thét lạc cả giọng, bà ta không còn cơ may nữa. Những ánh đèn sáng lóa của thành phố về đêm hỏi tôi rằng tôi sẽ đi đâu sau khi về nhà trọ muộn hơn so với quy định và bị chửi mắng. Những ánh đèn bảo nhiều năm về trước tôi đã đạp xe theo sau một người con trai trong đêm khuya. Anh ơi cho em đi với! Em không có chỗ ngủ. Nhà em ở đâu? Em không dám về nhà trọ, muộn quá rồi. Đúng thế, muộn quá, khi người ta đã ngủ, có nghĩa thế giới phải ngưng mọi hoạt động. Cậu tắt đèn đi, để thế chói mắt mình không ngủ được. Chị ơi đọc nhỏ một tí, em buồn ngủ lắm! Buồn ngủ, ôi những cơn buồn ngủ! Anh quay mặt lại đây với em, ôm em một tí! Không! Anh buồn ngủ. Anh yêu! Dậy đi, em sợ lắm, em cô độc lắm, đừng ngủ, đừng ngủ khi vừa yêu nhau xong, đừng bỏ em phải nghĩ ngợi một mình! Nhưng anh mệt, anh đau sống lưng! Hai người bên kia bóng tối của khoang ngồi vẫn riết lấy nhau như hai con rắn. Có lẽ người con trai ấy không buồn ngủ. Sức mạnh nào giữ cho anh ta không muốn nhắm nghiền mắt và thả lỏng cơ thể. Tôi tự hỏi người đàn ông mặt mụn kia liệu có buồn ngủ sau khi làm tình không. Cái đó hẳn cũng thật khó biết.

Sự im lặng bao giờ cũng làm chúng ta khó kết thúc một câu chuyện. Có lẽ cần phải có đối thoại. Nhưng Linh ngủ. Hai mươi sáu tuổi. Linh đang ngủ, khuôn mặt giống như một bà già. Không hiểu viên thuốc tránh thai cấp tốc sáng nay có làm cho Linh bị chảy máu bất thường không. Linh ngủ và con tinh trùng bé nhỏ sẽ chết trong giấc ngủ của Linh. Nó nhìn thấy cái khả năng biến thành bào thai đã ở đằng xa, nhưng vô vọng khoảng cách. Nó chết vì chờ đợi. Linh ngủ, hai tay vòng qua chân. Chị gọi tôi tới hiệu làm tóc. Chị làm đầu cuốn, trên mái có điểm những bông hoa li ti nhỏ bé màu trắng. Tôi nhìn chị trong gương, thấy các nét của khuôn mặt dần dần biến mất và cuối cùng gương mặt Linh trở thành một mặt phẳng màu trắng, dày, vô cảm. Chỉ còn lại đôi môi và hai con mắt là còn giữ lại được cái màu vàng của da. Nhưng trông nó mới gớm ghiếc làm sao, nhớn nhác làm sao. Sau rốt, khuôn mặt ấy được chia thành các màu rõ rệt. Hai môi trước tiên được viền chì nâu rồi phủ một lớp son bóng màu cánh sen, hai mi mắt được dán một lớp keo để tạo độ rộng, nhưng chúng sưng vù cả lên. Linh chảy nước mắt. Mi mắt lại được chia thành các màu: hồng nhạt ở đầu, hồng đậm ở giữa và cuối đuôi mắt là màu cánh sen. Tất cả đều được phủ nhũ lấp lánh. Hai gò má được kéo xuống bằng lớp phấn trắng phía trên và hồng phía dưới. Đôi mi giả cong vút, rậm rạp và đen thẫm được dán vào hai mí mắt, đè lên đôi lông mi ngắn và thưa của Linh. Cả đôi lông mày màu xanh nhạt thường ngày của Linh cũng biến mất. Tôi nhìn Linh, thấy Linh nhìn chằm chằm vào bóng mình trong gương. Thi thoảng Linh nói với người thợ trang điểm: "Cần phải làm cho khuôn mặt trở nên hiền lành hơn, nhất thiết không được làm cho sắc sảo quá". Rồi Linh mặc bộ đồ áo dài màu trắng, đi dôi dày da màu trắng. Tôi tưởng Linh là một cô diễn viên trong kịch Nô (hay là một geishả) của Nhật Bản với hai cái môi bé tí.

Ban ngày, thành phố không có vẻ đáng sợ. Nhưng ban đêm, vẻ lương thiện của nó biến mất. Tôi đi qua một toà đại sứ, có hai người đàn ông đứng quay mặt vào bờ tường, đái bậy. Trên hành lang toà nhà thương mại, nhiều người lao động nằm ngủ, gác chân lên nhau. Họ nằm dài, đầu quay vào trong, bàn chân chìa ra mặt đường. Những xác chết xếp hàng xuất hiện trên màn hình trong chương trình thời sự trước giờ cơm tối. Ban đêm, tôi thường có những giấc mơ bạo lực. Tôi làm thịt một con chó màu đen. Khi đầu đã lìa khỏi cổ, con chó bỗng biến ngay thành chàng trai đeo đuổi tôi cách đây nhiều năm. Có lần, tôi thấy mình cho thuốc độc (kiểu Hamlet của Shakespeare?) vào tai một em bé. Lí do nào khiến tôi giết người? Tôi quên khuấy ngay sau khi âm mưu đã được thực hiện. Nhưng ngược lại với Meursault , tôi hết sức đau khổ chờ ngày bị phát giác. Tôi tìm mọi cách để che giấu tội lỗi. Đại loại những cuộc rượt đuổi trong mơ như vậy làm tôi kiệt sức.

Giấc ngủ đến không cần lí lẽ. Tôi quay về ngôi nhà trọ cũ ngày xưa, khu trọ dành riêng cho nữ giới. Mai dẫn tôi vào phòng của chị. Căn phòng rộng mười mét vuông. Nằm trên giường, chỉ cần quơ tay là chạm được vào hai chiếc xe máy. Mai không có tủ quần áo, tất cả được treo trên một chiếc dây sắt mắc vòng qua hai ống thông gió. Những ống quần thẳng đuỗn, những ống tay nghều ngoào giang rộng ra hai bên. Những hình thù cứng nhắc cô độc mệt mỏi lửng lơ ngay cuối giường như những bóng ma đói rét và yếu đuối. Mùi cá, mùi nước mắm vẫn còn sực nức. Tôi không ngủ được, chỗ tôi nằm đây, ban sáng, là của người đàn ông có khuôn mặt đã chảy những khối cơ. Ông ta đã nằm lên người Mai hay ngược lại. Bây giờ, Mai nằm nghiêng, thở nhẹ, rất nhẹ.

Tôi ngồi dậy đi vòng ra phía khu nhà vệ sinh. Trăng sáng như rằm tháng Tám. Bóng tôi đổ xuống đất, ngắn cũn cỡn. Tôi vấp vào gờ tường. Chính chỗ này, chỗ này, tôi đã đánh thuốc chết mấy con chuột. Tôi đã nhìn thấy con chuột cuối cùng chạy ngắc ngoải. Nó chạy qua gờ tường, và trước khi chết, vẫn cố lủi vào bóng tối. Qua ánh trăng, tôi thấy mình có những cử động y hệt con chuột ngày ấy. Có thể lắm, khi tôi đi qua phần sân này, tôi cũng sẽ giật giật mấy cái, giơ bốn chi lên trời, và trong giây phút cuối cùng, ánh trăng ngọt ngào sẽ tràn trề trên mặt, cổ, ngực và bụng tôi. Nhưng có thể tôi không bị đánh thuốc, mặc dù bữa cơm bình dân buổi chiều tôi ăn có hẳn một con đỉa trong đĩa rau. Tôi không dám kêu vì sợ khách hàng sẽ bỏ chạy, nhưng tôi đã nôn suốt. Và tệ hại thay, tôi vẫn phải hàng ngày vào cái quán cơm ấy, chẳng thể nào khác được.

Mai xoay người sang phía tôi, vóc dáng gầy hơn trước. Hai đứa trẻ con học bài bi bô ngay sát vách không ngăn được câu chuyện của chị. Chị kể lại câu chuyện nghe được ở hiệu làm đầu về những người đàn ông và đàn bà ngoại tình. Bây giờ đấy là chuyện vặt, em ạ! Đám người này thường làm cùng cơ quan. Buổi trưa, họ sẽ cùng nhau tới nhà nghỉ. Nhưng nhà nghỉ mỗi ngày một trăm nghìn đồng, thế thì tội gì không thuê một căn nhà trọ ba trăm nghìn đồng một tháng, vị chi mỗi ngày mười nghìn. Chưa nói có thể ra vào lúc nào tuỳ ý và không bị ai xem xét rình mò. Và hơn thế bây giờ lại thuờng xuất hiện nhiều đôi cùng rủ nhau thuê nhà để tiết kiệm tiền. Em chẳng biết có bà cô mang tiếng có học thức mà ăn mặc chẳng bao giờ ra hồn. Đầu vú đã đen lại mặc áo ren rất mỏng. Đấy, lại còn một bà già nữa sáu mươi tuổi là fan của chủ nghĩa độc thân. Mỗi lần chị hỏi sao không lấy chồng, thế là ngay tức thì: Tao đang sung sướng thế này, tội gì phải lấy một thằng để nó đè lên người tao? Chị kể như một narrateur hậu hiện đại, hoàn toàn khách quan, hoàn toàn không nhập vai nhân vật, ngay cả với chính mình.

Chị quê miền sơn cước. Tôi hình dung mùi thơm quê chị. Tôi muốn ôm chị. Nhưng khuôn mặt đầy kem của chị làm tôi sợ. Tôi muốn chị đừng thoa kem vào buổi tối. ít nhất là hôm nay. Lớp kem bóng nhẫy khiến khuôn mặt ngăm đen của chị có vẻ đùa đùa cợt cợt. Chiếc áo bò hai dây và chiếc short chị mặc bó sát người như trêu ngươi. Hai bắp chân chi chít sẹo của tuổi thơ đồng quê theo chị tới thành phố. Sự tinh tế trong ăn mặc đã nhắc chị không phô chúng ra ngoài đường. Nhưng chị cũng không thể lạc hậu so với các cô gái ngoài kia. Vậy thì đây là cách thoả hiệp duy nhất: Chị mặc chúng ở nhà. Tôi biết chị cử động rất khó khăn trong bộ quần áo ấy. Và tôi cũng biết chắc chắn chị không đủ tiền để sắm thêm một đồ sa tanh như các cô gái ngoài phố sẽ mặc khi đi ngủ. Chị trở người, hỏi: Có phải em khó chịu vì mùi kem không? Tôi im lặng. Mai nói: Vậy thì để chị lau đi nhé!

Mai mở cửa, vặn vòi nước.

Linh đột nhiên tỉnh dậy. Em không ngủ à? Tôi đưa mắt về phía đôi tình nhân phía bên kia. Người con gái nằm co trên ghế, mặt sục vào phần bụng người tình đang ngồi. Anh ta nhắm mắt, tôi và Linh đều hiểu điều gì đang xảy ra. Chiếc chăn trên tàu quá hẹp khiến chúng tôi ngộ ra những cử động của cái đầu bé xinh xinh. Chàng trai không hề ngủ. Đôi mi mắt khép hờ. Con tàu lúc lắc trong đêm sâu chở những cuộc đào thoát và những nỗi thách thức. Giờ đây, không chỉ có chúng tôi, cả người đàn ông mặt mụn cũng đã nhìn thấy cảnh tượng kia, im lặng quan sát. Căn phòng của chị chỉ có mười ba mét vuông, tầng hai, cửa sổ mở ra ngay con phố. Đêm khuya thường có một người điên hát ngay phía dưới, có thể ở bên kia đường. Em thấy, mỗi lần bọn chị bắt đầu làm tình là ông ta lại hát. Không đêm nào thiếu. Dần dần, chị có cảm giác như cuộc yêu đương bọn chị có một sứ mệnh. Cần phải theo nhịp điệu hùng tráng kia, cần phải có những nhịp nhanh, mạnh và dứt khoát, và hơn hết là phải lạc quan. Nếu ông ta chuyển đột ngột sang lyrique, tức thì bọn chị muốn chấm dứt. Sáng mai chị đi đâu? Em có cùng chị ra biển không? Đôi tình nhân mở mắt, biết xung quanh đã mục kích chiến tích của họ. Tất thảy đều ngưỡng mộ nhưng không ai thốt lên lời khen. Họ ôm nhau, và như để che giấu sự ngượng ngùng, cả hai quay mặt vào bóng tối, chờ đợi giây phút hành khách trên tàu ngủ say.

Dương nhìn tôi, vẫn không nói một câu nào.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.

Mai trở vào chẳng nói chẳng rằng, khuôn mặt sưng cong lên. Chị đã thay lớp mặt nạ kem buổi tối bằng lòng trắng trứng gà. Tôi đủ thông minh để hiểu bây giờ thì chẳng thể nói với chị câu chuyện nào nữa. Lòng trắng trứng gà -- dưỡng chất của thiên nhiên chăm sóc da mặt rất tốt. Nó sẽ làm sạch các chất bẩn bám vào da, loại bỏ các tế bào chết. Cần phải giữ bất động khuôn mặt trong vài tiếng. Nếu cử động môi miệng, nhất là nếu cười thì thật tai hại. Lòng trắng trứng sẽ bong ra từng mảng, da mặt sẽ rát bỏng và hơn hết là mất công toi. Con gái không ai không biết thủ thuật chăm sóc da mặt đơn giản đó. Mai lấy chiếc gương bé tí trong hộp đồ trang điểm ra soi. Chị nhẹ nhàng gỡ những sợi tóc dính vào má. Xong, chị chỉ vào bụng tôi, phác một cử chỉ. Tôi gật đầu. Chị ra đóng cửa, trèo lên giường, mở chiếc rương đựng đồ mùa đông. Lục lọi. Một lát, chị lôi ra một hộp bánh Chocopie còn mới nguyên. Chị gật gật đầu. Tôi ăn hai cái. Tôi biết, nếu không có lớp lòng trắng trứng gà kia, chị sẽ bảo: Em ăn bao nhiêu tuỳ thích. Mẹ tìm chìa khoá mở cánh cửa tủ giữa. Tôi biết giây phút hạnh phúc đang đến, vội trèo lên giường, kiếm một chỗ ngồi hợp lí. Đây rồi, nó đã xuất hiện. Đó là chiếc bao ni lông màu xanh lá cây có những chữ cái như những ô vuông trông rất kì quặc. Nhưng tôi đã biết xuất xứ của nó. Đó là chiếc bao đựng gạo do Trung Quốc viện trợ trong chiến tranh. Chiếc bao này làm bằng ni lông, rất dày. Như thế gạo trôi theo sông mới không bị úng nước. Trong bao có một tấm vải sọc đỏ, ba tấm vải màu xanh lơ, ba bộ complet. Tấm này sặc sỡ nhất, cho con, đúng không mẹ? Mẹ giở từng tấm một, rũ rũ. Tôi xin mẹ cho tôi ngửi một tấm. Mẹ cho tôi sờ vào tấm vải dành cho tôi khi lớn lên. Lớn lên là bao giờ, không biết, lớn đủ để may vừa vặn tấm vải này, không thừa một phân. Mùi vải thơm kỳ lạ. Mỗi năm tôi chỉ được ngửi tấm vải thân yêu ấy một lần, trong vòng năm phút, khi mùa đông tới. Mẹ xếp nhanh những tấm vải vào túi để tránh bị mốc. Mai cho gói bánh vào rương quần áo.

Chị nằm ngửa, cổ vươn cao hơn bình thường. Bắt đầu ngủ.

Và tôi tin, đó là lần duy nhất trong đời Dương, vào năm Dương mười chín tuổi, ngồi trên tàu, chong mắt suốt đêm để nhìn một người. Cái nhìn độc thoại trong suốt mười hai tiếng đồng hồ kháng cự sự tan chảy của thời gian. Có thể nhiều năm về sau, Dương không còn nhớ nổi điều gì ở đằng sau cái nhìn dai dẳng đó, cũng như tôi, tôi không còn nhớ nổi cái gì đã ở trong bóng tối xa tít mù tắp ngoài cánh đồng và làng mạc tối thẫm kia mà tôi thấy qua ô cửa con tàu đang chạy.

Khi thức giấc bởi ánh nắng chiếu xiên qua ô cửa kính, tôi thấy Việt nhìn mình. Hai con mắt của anh thật kì lạ, nó to hơn bình thường, và cũng nhiều lòng trắng hơn bình thường. Song tôi không có cảm giác sợ. Đường về nhà chỉ còn rất ngắn. Trong mười lăm phút, tôi đã kịp biết thân phận lưu lạc của anh. Những chiếc ghế trên tàu không bao giờ đủ cho một người nằm ngủ. Thế mà tụi sinh viên trốn vé qua khỏi khoảnh khắc kiểm soát cuối cùng đã vội chiếm mỗi đứa một chỗ, đầu kê lên cặp sách, hai tay ôm ngực và hai chân thò ra ngoài cửa sổ. Qua một đêm. Một đêm anh ngồi đó, đích thực là anh đã nhìn tôi suốt tám tiếng đồng hồ, lăn lóc trên ghế. Và chỉ nhìn. Hai mắt anh mở to, càng to hơn khi tàu gần về thành phố. Tôi không hiểu sự lan dần của màu trắng trong mắt anh muốn nói điều gì? Anh ngồi, hai cùi chỏ tì lên đầu gối. Anh muốn nói điều gì? Anh đã làm gì với cái đêm của anh?

May mắn cho Linh, cả toa tàu đêm không ai hát. Vì Linh biết chắc, cả tôi cũng biết chắc, rằng hễ có một ai cất lên tiếng hát thì đó sẽ là một bài hát cách mạng. Những bài hát như thế có ở khắp nơi trên đất nước này. Người ta hát nó ở tất cả mọi lễ hội, trong ngày sinh nhật, ngày chẵn tháng trẻ em, ngày mừng nhà mới, trong các quán bar với các cô cave rất biết dùng condom. Những bài hát bảo chúng ta hãy đi, đi mãi. Linh ngủ ngon, giấc ngủ có những âm thanh cơ khí của con tàu nghiến vào đường ray làm chói tai, và Linh ngồi, hai chân lại co lên ghế, như một bà già.

Những tiếng chuột chít chít bắt đầu nổi lên phía trên trần nhà bằng liếp. Có thể đó là đám con cháu còn sót lại sau trận tổng động viên giết chuột của đám sinh viên năm ngoái. Không giống tôi, ban đêm, Mai không bao giờ thức giấc bởi những âm thanh khoái lạc của đám chuột. Tôi thừa biết có cái gì đang xảy ra: chắc chắn ngay trên đầu tôi, cách đình màn năm mươi centimét. Phía trên ấy: hai con chuột. Chúng nó không hề biết rằng thế giới đang ngủ. Tôi nằm im nghe chuột rên rỉ trên đầu mình. Tiếng kêu nhỏ dần, thi thoảng chỉ còn một tiếng chít rất dễ thương.

Linh kéo tôi quay lại, phủ lên người tôi một chiếc chăn carô: - Ngủ đi!

Tôi nghĩ, cả hai con chuột đều đã ngủ.

Nào, em có dám không? Dám! Linh cúi người, vóc dáng như một cậu bé con, cởi nhanh chiếc quần bò rộng thùng thình. Tôi hăm hở làm theo. Trong thoáng chốc, quần áo của hai chị em bay tuột khỏi cơ thể, nằm lại với mấy cái chăn ca rô hôi hám.

(16. 10. 2003)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021