thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/NHẠC SĨ] Gái xinh
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
LÉO FERRÉ
(1916-1993)
 
 
Lời người dịch:
Jolie môme (Gái xinh) là một bài ca về "kiếp hoa" nhưng không bi lụy. Tiết điệu nhanh và mạnh. Từ "jolie môme" được lặp đi lặp lại để tạo nhịp và gây không khí tưng bừng, đưa tới kết cục có thể hậu hĩ: "Em là vui / Đã xa bờ / Hãy theo ta / Về xe tơ / Ơi gái xinh", tạo được sự ấm lòng nơi người nghe. Nhưng lý thú nhất phải là những tiếng lóng và chơi chữ sử dụng các vật quen thuộc (đồng cỏ, con suối, bờ dậu, hoa tím, bức rèm) lồng vào ngữ cảnh mới, gây cảm giác vừa đích thực, vừa lâng lâng bùi ngùi, nhưng khôi hài thoải mái. Tất nhiên với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình như đã kể, hơn nữa, vì phần lớn cái hay, cái duyên của bài ca này đến từ những chữ vần gieo đúng âm, nên bản dịch không thể trung thực một cách tuyệt đối, để giữ lại vần và tiết nhịp được phần nào hay phần ấy. "Môme" là tiếng lóng thông dụng để gọi thân mật một cậu hay một cô. Ca sĩ lừng danh Edith Piaf đã được quần chúng gọi "la môme Piaf" ngay cả khi bà đã trở thành siêu sao, để ghi nhớ thời nhỏ bà đã theo cha, một di dân Ý, hát rong trên đường phố Paris để kiếm sống.
 
Nguyễn Đăng Thường
 
 

Gái xinh

 
Em khoả thân
Dưới áo thun
Có con phố
Nó ma bùn
Ơi gái xinh
 
Trái tim em
Đeo ở cổ
Và hạnh phúc
Nằm dưới đó
Ơi gái xinh
 
Thuốc bôi mi
Đã trôi rồi
Cuộc chia li
Của lứa đôi
Ơi gái xinh
 
Đồng cỏ em
Thơm quá đỗi
Đem tặng nhé
Cho bạn bè
Ơi gái xinh
 
Em là hoa
Của xuân tình
Đéo sợ giờ
Và thời tiết
Em là hồng
Đã bung cánh
Bị người vất
Ven bờ sông
Ơi gái xinh
 
Em là cọng
Nắng mai hồng
Trong cơn buồn
Khi tỉnh giấc
Em là tiên
Người xếp lại
Như ánh điện
Lúc ban mai
Ơi gái xinh
 
Những nụ hôn
Của em nhọn
Hoắt như một
Cái dấu sắc
Ơi gái xinh
 
Trái vú em
Là của ngày
Vừa chín tới
Cho tình ái
Ơi gái xinh
 
Bờ dậu em
Ồ rộn rã
Phải chui qua
Nhưng êm quá
Ơi gái xinh
 
Hoa tím em
Là vĩ cầm
Bị vùi vập
Nhưng tuyệt vời
Ơi gái xinh
 
Em là hoa
Để mua vui
Đéo sợ giờ
Và thời tiết
Em là sao
Của tình yêu
Người đóng khung
Lúc chiều rụng
Ơi gái xinh
 
Em là điểm
Chấm của "i"
Trên muộn phiền
Trong cuộc sống
Em là vật
Mọn của đời
Để người tưới
Rồi lãng quên
Ơi gái xinh
 
Em chỉ có
Hai tia mắt
Trong ván bài
Đêm liêu trai
Ơi gái xinh
 
Em chỉ có
Một chữ vần
Với hạnh phúc
Hoặc là khóc
Ơi gái xinh
 
Em chỉ có
Một khe suối
Ở dưới bụng
Trời toé tung
Ơi gái xinh
 
Em chỉ có
Bức rèm the
Người tách rẽ
Và hí hò
Ơi gái xinh
 
Em là hoa
Be bé sầu
Người ve vuốt
Và nó héo
Em là ả
Để là ủi
Khi hồn nó
Bị nhăn nheo
Ơi gái xinh
 
Em là lá
Của mùa thu
Người bứt thả
Trong hững hờ
Em là vui
Đã xa bờ
Hãy theo ta
Về xe tơ
Ơi gái xinh
 
Em khoả thân
Dưới áo thun
Có con phố
Nó ma bùn
 
ƠI GÁI XINH
 
 
Nguyên tác:
 

Jolie môme

 
T'es tout' nue
Sous ton pull
Y'a la rue
Qu'est maboul'
Jolie môme
 
T'as ton coeur
À ton cou
Et l'bonheur
Par en d'ssous
Jolie môme
 
T'as l'rimmel
Qui fout l'camp
C'est l'dégel
Des amants
Jolie môme
 
Ta prairie
Ça sent bon
Fais-en don
Aux amis
Jolie môme
 
T'es qu'un' fleur
Du printemps
Qui s'fout d' l'heure
Et du temps
T'es qu'un' rose
Eclatée
Que l'on pose
À côté
Jolie môme
 
T'es qu'un brin
De soleil
Dans l'chagrin
Du réveil
T'es qu'un' vamp
Qu'on éteint
Comm' un' lampe
Au matin
Jolie môme
 
Tes baisers
Sont pointus
Comme un ac-
Cent aigu
Jolie môme
 
Tes p'tits seins
Sont du jour
A la coque
A l'amour
Jolie môme
 
Ta barrière
De frou-frous
Faut s' la faire
Mais c'est doux
Jolie môme
 
Ta violette
Est l' violon
Qu'on violente
Et c'est bon
Jolie môme
 
T'es qu'un' fleur
De pass' temps
Qui s' fout d' l'heure
Et du temps
T'es qu'une é-
Toil' d'amour
Qu'on entoile
Aux beaux jours
Jolie môme
 
T'es qu'un point
Sur les "i"
Du chagrin
De la vie
Et qu'un' chose
De la vie
Qu'on arrose
Qu'on oublie
Jolie môme
 
T'as qu'un' paire
De mirettes
Au poker
Des conquêtes
Jolie môme
 
T'as qu'un' rime
Au bonheur
Faut qu' ça rime
Ou qu' ça pleure
Jolie môme
 
T'as qu'un' source
Au milieu
Qu'éclabousse
Du bon dieu
Jolie môme
 
T'as qu'un' porte
En voil' blanc
Que l'on pousse
En chantant
Jolie môme
 
T'es qu'un' pauv'
Petit' fleur
Qu'on guimauve
Et qui meurt
T'es qu'un' femme
A r'passer
Quand son âme
Est froissée
Jolie môme
 
T'es qu'un' feuille
De l'automne
Qu'on effeuille
Monotone
T'es qu'un' joie
En allée
Viens chez moi
La r'trouver
Jolie môme
 
T'es tout' nue
Sous ton pull
Y'a la rue
Qu'est maboule
 
JOLIE MÔME
 
 
Nhạc và Lời: Léo Ferré, 1961
Nguồn: Léo Ferré, La Mauvaise Graine, Textes, poèmes et chansons (Paris: Livre de Poche, 2000)
 
 
Để phụ hoạ với bản dịch của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, tôi xin trích gửi đến thính giả một vài phút âm nhạc từ một đĩa hát rất cũ kỹ, thời 60, mà tôi tìm lại được. Giọng hát của Juliette Gréco thuở ấy, qua bài Jolie môme...
(HN-T)
 
----------------------------
Chú thích của người dịch:
Tôi nghe bài ca này qua giọng hát của tác giả, và Philippe Clay, và Yves Montand. Đó là phía "săng tơ" (nam ca nhi). Phía "săng tơi" (nữ ca sĩ) có Catherine Sauvage, Patachou, Florent Pagny và ai nữa. Nhưng thú vị nhất vẫn là qua tiếng ca của Juliette Gréco, nàng tiên hiện sinh, nàng thơ của Saint-Germain-des-Prés. Tôi nghe Gréco hát trong dĩa 45. Rồi dĩa 33. Rồi trên sân khấu rạp Eden, đầu thập niên 60, khi Juliette Gréco, trong cuộc đi trình diễn ở Nhật, ghé Sài Gòn hát một đêm độc nhất. Vì thế giá vé rất cao. Hình như 500 đồng hạng "chuồng gà" trên tầng ba (balcon). Số tiền tương đương với đồng lương tháng của một chị giúp việc nhà vào thời điểm đó. Học bổng Đại học Sư Phạm là ngàn rưởi. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là chuyện "ngàn năm một thuở" rất đáng chi tiền rồi nhịn thuốc lá cà phê.
 
Trong buổi ra mắt khán thính giả Việt Nam tất nhiên Gréco có ca bài Jolie môme, vì nó là một trong các bài ruột của cô. Cùng với một lô bài ca tủ khác, như Paname, Les feuilles mortes, Je hais les dimanches, La chanson de l'Auvergnat, Il n'y a plus d'après, Si tu t'imagines, Coin de rue, Sous le ciel de Paris... Chúng là những "top hits" của Pháp vào thời điểm đó. Buổi diễn bắt đầu với Paris canaille (Paris bụi đời), một bài hát rất tưng bừng, cũng của Léo Ferré, chơi nhanh và ồn như vũ điệu French Cancan. Tiếng vỗ tay vang dội như pháo tết... Tây, vì có khá nhiều ông tây mũi xẹp bà đầm tóc đen (phải chờ tới năm 75 mới được hồi hương về Pháp!) đang trong cơn tình... nhớ.
 
 
Lúc đến Sài Gòn, Gréco vẫn mặc chiếc áo dài đen bó sát người, trông giống như chiếc áo dài Việt Nam, nhưng rất dài, đầu tay áo nhọn như mũi hình tam giác đến giữa mu bàn tay. Cách trình diễn của Gréco là đứng im như tượng, dang hai cánh tay hoặc chống nạnh một cách khêu gợi / khiêu khích như nàng Carmen trong vở ca nhạc kịch của Bizet, hoặc bàn tay và các ngón tay xoè và xoáy như cánh bướm bay lượn, rất bắt mắt. Tiếng hát đang to bỗng thì thầm như rỉ vào tai thính giả. Sau buổi diễn tôi có xin được chữ ký trên tờ chương trình, cất giữ được nhiều năm, nhưng rồi cũng "mất mẹ" luôn, khi đời sống ở Saigon bắt đầu êm ái như chiến trường "chiều mưa bơi giếng anh ăn sầu riêng", khiến tôi phải bám sát cuộc đời "hiện hữu" trước mắt và phải xa rời chủ nghĩa "hiện sinh" xa vời của triết gia Sạc-trơ.
 
 
Trong bài ca này, các câu hát đều có ba âm tiết, ngoại trừ "jolie môme" phải ca theo bốn nhịp "jô-lì-môm-mớ" hay "jô-lí-môm-mờ", nhưng tôi đã chuyển thành "ơi gái xinh" cho cả bản dịch có sự đồng nhất ba âm / ba từ. "T'es tout' nue / Em khỏa thân": dấu [ ' ] thay chữ "e câm" không phát âm khi đọc, khi hát.
 
 
Juliette Gréco sinh ngày mồng 7 tháng Hai 1927 tại Montpellier, miền Nam nước Pháp. Không biết tên thật của cô là gì, nhưng "Gréco" được Juliette chọn để được mang tên của nhà danh họa Tây Ban Nha gốc Hy Lạp mà người đời sau tới nay vẫn quen gọi là "El Greco" (Gã Hy Lạp). Ngoài tài ca hát, Juliette Greco còn là diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình, từng có một thời vàng son ở Hollywood khi cô là bạn gái của nhà sản xuất phim "lão thành" Darryl Zanuck. Cô đã xuất hiện trong vài cuốn phim của nhà sản xuất phim này: Bonjour tristesse (Sagan), Le soleil se lève aussi (Hemingway), Les racines du ciel (Romain Gary, giải Goncourt, Greco giữ một trong hai vai chính).
 
(NĐT)
 
 
Đã đăng:
Hài hước của Brassens rất "cool", rất "tỉnh bơ" vì đến từ sự quan sát tỉ mỉ thực tại và tâm lý chứ không cố tình làm hề để chọc cười. Chưa thấy ai kể chuyện "xui" (nghĩa tếu) lý thú hơn tác giả bài "Marinette"... Khi con chạy tới hát bài ca nhỏ tặng con Marinette, / Người đẹp, con phản bội, đã đi nghe nhạc ô-pê-ra. / Với cái bài ca nhỏ, trông con quê quá, mẹ ạ. / Với cái bài ca nhỏ, trông con quê kệch quá trời... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Nhiều lời ca của Brassens (1921-1981) đã đọng lại trong ký ức của người đương thời như những bài thơ hay, và ông đã được xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của Pháp thời hậu chiến. "Les lilas" là một trong những bài nổi tiếng của ông... ... Tôi ghi bằng một chữ thập trắng / Để nhớ ngày hai đứa bay thẳng / Hổn hển bám vào một cành hoa / Một cành một cành hoa lilas... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
“Il n'y a plus d'après” của Guy Béart (1930~), do cô ca sĩ “hiện sinh” Juliette Gréco (1927~) trình diễn, là bài ca một thời vang bóng ở Pháp... Không còn mai sau đâu nhé / Ở Saint-Germain-des-Prés / Không còn trưa mốt em ghé / Những trưa hè ấy phai rồi / Chỉ có hôm nay mà thôi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Nhiều lời ca của Brassens (1921-1981) đã đọng lại trong ký ức của người đương thời như những bài thơ hay, và ông đã được xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của Pháp thời hậu chiến. "La mauvaise réputation" là một trong những bài nổi tiếng của ông... Trong làng mình dù chẳng muốn khoe khoang / Tôi được tai tiếng là không đàng hoàng / Dẫu có nói năng hay dầu câm lặng / Tôi vẫn bị coi là kẻ nhập nhằng / Thế đấy tôi đâu có chọc ghẹo ai / Khi đường tôi tôi đi rất thoải mái / Nhưng ai nấy đều không ưa những đứa / Chưa theo họ trên đường ngay ở giữa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Lâu lắm, lâu lắm, lâu lắm / Sau khi các thi sĩ khuất bóng / Những bài ca họ còn chạy rong trên đường phố... | Ngôi làng tôi dưới đáy sông / Nhớ lại những giờ khắc rất gần gũi / Khi bắt đầu ngày mới âm thanh vui / của những cái chuông bay bổng... | Biển / Ta thấy đang tung tăng dọc theo những vịnh nước trong / Lấp lánh ánh bạc / Biển / Của những phản ảnh vạn trạng / Dưới làn mưa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên & Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Charles Trenet (1913-2001), ca sĩ với chiếc gậy và chiếc "mũ phớt" (feutre) hoặc "mũ cói/mũ chèo thuyền" (canotier), lúc ca hay đảo tròng mắt, nổi tiếng cuối những năm 30 và những thập niên kế tiếp. Một ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, đã được giới ái mộ tặng cho cái biệt danh "anh chàng hát như điên" ("Fou Chantant")... Tôi nhớ mãi một cái góc phố / Hôm nay nó không còn đấy nữa / Tuổi nhỏ tôi nô đùa nơi ấy / Tôi vẫn còn chưa quên điều đó / Chỗ ấy có một cái hàng rào / Một lùm cây để phục kích nhau / Lũ du côn trong khu phố tôi / Kéo tới đó đập đánh nhau chơi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Mick Micheyl (1922~) là một nghệ sĩ đa diện: hoạ sĩ, nhà trình diễn nhào lộn (acrobat), kịch sĩ, ca khúc tác gia, ca sĩ, và hiện nay bà là một nghệ sĩ điêu khắc trên thép... Một chú lỏi Paris / Là cả một bài thơ / Chưa hề ở xứ nào / Có được y như vậy / Vì chú nhỏ ti ti / Bé con tí tí này / Được mọi người đều si... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel... Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút / Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa / Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh / Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jean Hans Arp (1886-1966) là một điêu khắc gia lừng danh thế giới và cũng là một họa sĩ kiêm thi sĩ viết bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức... Trước tiên phải để mọc lên những hình dạng, sắc màu, ngôn từ, cung độ và kế đó giải thích. / Trước tiên phải để mọc lên những bắp chân, những chiếc cánh, những bàn tay và kế đó để chúng bay chúng ca hát hình thành biểu hiện... | Thánh đường là một trái tim. / Làm sao tôi nói được / Thánh đường Lộ-trấn / là một trái tim?... [Bản dịch Diễm Châu]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021