|
Bất định
|
|
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
JOHN CAGE (1912-1992) John Cage là một nhà soạn nhạc người Mỹ, một nhà thơ, một lý thuyết gia âm nhạc, một nghệ sĩ tạo hình, một đạo hữu Phật giáo Thiền tông, và là một “đạo nấm”[1] nổi tiếng. Nhưng bên cạnh những hoạt động sôi nổi ấy, và đáng kể không kém, phải nhắc đến hoạt động viết lách của ông, với cả một danh sách ấn phẩm dài không thua những nhà văn sung sức của thế kỷ 20. Tên tuổi ông gắn liền với sự tìm kiếm và sáng tạo cái xuất thần, cái mới,[2] ông làm thơ, viết lý luận, tiểu phẩm, làm đồ họa — gần như đủ loại nghệ thuật. Ông là “... bậc thầy của nhiều thể loại, nhưng không lệ thuộc vào thể loại nào...” [Richard Kostelanetz, The New York Times Book Review].
Năm 1986, California Institure of the Arts trao tặng cho John Cage bằng Tiến Sĩ của Mọi Nghệ Thuật (Doctor of All the Arts). Đó là vinh dự cao nhất và duy nhất mà Viện Nghệ Thuật California đã trao tặng cho một nghệ sĩ toàn diện.
Indeterminacy là một tác phẩm gồm 190 truyện cực ngắn, ghi lại những giai thoại, suy nghĩ, có khi là những chuyện vui ông đọc, hoặc đọc kèm trong những buổi thuyết trình, giữa những bài múa của Merce Cunningham, và luôn theo một nhịp điệu sao cho mỗi truyện chiếm đúng một phút. Những truyện này đươc trình bày cách quãng, đánh số, rút ra từ hai cuốn sách đã xuất bản trước của ông: Silence và A Year from Monday, và từ dĩa nhựa Folkways thu giọng đọc của tác giả (có tiếng đệm piano của Daivid Tudor) — có khi được ông thay đổi hoặc sửa chữa chút ít trong bản in.
Những truyện dưới đây được trích dịch từ nguyên tác tiếng Anh trong Indeterminacy của John Cage (bản online do Eddie Kohler thiết kế; số thứ tự là của tác giả).
JOHN CAGE: Not Wanting to Say Anything About Marcel, Lithograph A
(1969)
1
Một buổi tối khi tôi hãy còn sống ở Grand Street và Monroe, Isamu Noguchi đến nhà thăm tôi.
Chẳng có gì trong căn phòng (không bàn ghế, không tranh ảnh).
Nền nhà trải đầy, tường này qua tường kia, toàn chiếu dệt vỏ dừa.
Cửa sổ không treo màn, không trướng.
Isamu Noguchi bảo, “Một chiếc giày cũ hẳn là trông đẹp mắt trong căn phòng này.”
Isamu Noguchi
5
Sau khi tôi đến thành phố Boston tôi bước vào căn phòng không có tiếng dội ở Đại học Harvard. Bất cứ ai quen tôi đều biết chuyện này. Tôi cứ liên tục đem nó ra kể. Đại khái, trong căn phòng yên tĩnh ấy, Tôi nghe hai âm thanh, một cao và một thấp. Sau đó tôi hỏi anh kỹ sư phụ trách tại sao, nếu căn phòng yên tĩnh như thế, tôi vẫn nghe hai âm thanh. Anh bảo, “Ông mô tả xem.” Tôi mô tả. Anh bảo, “Âm thanh cao là hệ thần kinh của ông đang hoạt động. Âm thanh thấp là máu của ông đang lưu thông.”
8
Sau khi anh phiên dịch xong qua tiếng Đức bài đầu tiên tôi giảng ở Darmstadt[3] tháng Chín vừa qua, Christian Wolff bảo,
“Những chuyện kể ở phần cuối nghe rất hay.
Nhưng có lẽ người ta sẽ bảo là anh ngây thơ.
Tôi hi vọng anh có thể đánh tan ý nghĩ ấy.”
Christian Wolff, Earle Brown, John Cage, Morton Feldman.
9
Trở ngược Greensboro, North Calorina, David Tudor và tôi biểu diễn một chương trình thú vị. Chúng tôi chơi năm bản mỗi bản ba lần. Đó là bản Klavierstuck XI của Karlheinz Stockhausen, bản Duo for Pianists của Christian Wolff, bản Intermission #6 của Morton Feldman, bản 4 Systems của Earle Brown, và Variations của tôi. Tất cả các bản này đều được soạn bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng có chung một kiểu biểu diễn bất định. Mỗi kiểu biểu diễn là duy nhất, thú vị đối với các nhà soạn nhạc và người biểu diễn cũng như đối với thính giả. Có nghĩa, quả thật, mỗi người trở thành một người nghe. Tôi giải thích hết những điều này cho thính giả trước khi chương trình nhạc bắt đầu. Tôi vạch rõ là người ta thường quen nghĩ về một tác phẩm nhạc như một đối tượng thích hợp cho việc hiểu và sau đó là đánh giá, nhưng ở đây thì hoàn cảnh khá là khác. Những bản này, tôi nói, không phải là những phẩm vật,[4] mà là những tiến trình, về bản chất là không chủ đích. Rồi, tất nhiên, tôi phải giải thích chủ đích của việc cần có cái gì đó không chủ đích. Tôi bảo rằng âm thanh chỉ là âm thanh thôi, nếu chúng không chỉ là những âm thanh thì chúng ta nên (quả là tôi đang dùng chữ “chúng tôi” của người biên tập) — chúng ta nên làm một cái gì đó về nó trong sáng tác tới đây. Tôi bảo rằng bởi vì âm thanh là âm thanh, nên nó cho những người nghe nó cơ hội là những con người, tập trung bên trong chính họ, là nơi thực sự họ có mặt, chứ không phải giả tạo từ xa như họ quen nghĩ là thế, cố gắng hình dung ra những gì đang được phát biểu bởi một nghệ sĩ nào đó bằng những phương tiện âm thanh. Rốt cuộc tôi nói rằng mục đích của thứ âm nhạc không mục đích này sẽ được hoàn thành nếu như con người học cách nghe. Rằng khi họ lắng nghe họ có thể khám phá ra là họ thích những âm thanh của cuộc sống ngày thường hơn là những âm thanh họ hiện đang nghe trong những chương trình nhạc. Rằng chuyện này theo tôi là tốt thôi.
Trái: David Tudor và John Cage — Phải: Stockhausen và John Cage.
15
Hai tu sĩ đi đến một con suối. Một người theo Ấn-độ giáo, người kia Thiền tông. Tu sĩ Ấn-độ giáo bắt đầu đi qua con suối bằng cách bước chân bên trên mặt nước. Tu sĩ Nhật bỗng thấy hưng phấn và lên tiếng gọi ngài quay trở lại. “Có chuyện chi vậy,” tu sĩ Ấn-độ giáo hỏi. Vị tu sĩ Thiền đáp, “Đấy không phải là cách người ta qua suối. Hãy theo ta.” Ông đưa người tu sĩ kia đến một chỗ nước nông và hai người lội qua.
46
Trong cuộc thi thơ ở Trung quốc qua đó người ta chọn vị Đệ Lục Tổ phái Phật giáo Thiền, có hai bài thơ. Một bài bảo: “Trí tuệ giống như gương soi. Nó hút bụi. Vấn đề là cần phải phủi bụi.” Bài kia và là bài thắng cuộc thi đúng ra là một bài trả lời bài thứ nhất. Bài này bảo, “Gương soi ở chỗ nào và bụi ở chỗ nào?”[5] Mấy thế kỷ sau trong một tu viện Nhật bản, có một vị tăng lúc nào cũng đi tắm. Một tăng trẻ hơn đến gặp ngài và thưa, “Tại sao, nếu như không có bụi, lúc nào ngài cũng đi tắm?” Vị tăng lớn tuổi đáp, “Chỉ nhúng nước thôi. Chẳng tại sao.”
50
Năm 1949 Merce Cunningham và tôi đi châu Âu trên một chiếc tàu Hà-lan. Khi chúng tôi đến gần Rotterdam, sương mù bắt đầu dày đặc đến nỗi người ta phải dời giờ cặp bến. Để giải quyết công việc, các nhân viên quan thuế phải lên tàu. Hành khách đứng thành nhiều dãy và lần lượt được thẩm vấn. Merce Cunningham đứng trong một dãy, tôi đứng trong một dãy khác. Tôi hút thuốc rất dữ, trong khi ông thì không hút. Tuy nhiên, ông mang vào châu Âu năm tút thuốc lá cho tôi còn tôi tôi cũng mang cùng số lượng ấy. Cả hai chúng tôi đều đi qua Hà-lan để đến Bỉ và sau đó là Pháp, và qui định thuế quan vế thuốc lá ở tất cả các nước đó không giống nhau. Chẳng hạn, thời ấy bạn có thể mỗi người mang vào Pháp năm tút thuốc nhưng vào Hà-lan thì mỗi người có hai tút thôi. Khi tôi đứng trước nhân viên quan thuế của mình, điều này hai bên chúng tôi đều hiểu rõ ràng. Do lòng từ bi hỉ xả của mình, anh chàng không muốn phải tước mất của tôi ba tút ngoài qui định hoặc là đánh thuế thuốc, nhưng anh khó tìm ra một lý do biện minh việc bỏ qua cho tôi. Rốt cuộc anh nói: “Ông sẽ ra khỏi Hà-lan đi thụt lùi chứ?” Tôi đáp: “Vâng.” Anh có vẻ vui mừng vô cùng. Rồi anh nói: “Ông có thể giữ hết mấy tút thuốc này. Chúc ông đi bình an.” Tôi ra khỏi hàng và nhận ra Merce Cunningham vừa đến ngay trước nhân viên quan thuế của mình và đang lúng túng vì mấy tút thuốc ngoài qui định. Vậy là tôi bước đến và nói với anh quan thuế là Merce Cunningham sắp ra khỏi Hà-lan đi thụt lùi. Anh lộ vẻ vui mừng. “Ồ,” anh nói, “nếu vậy thì chẳng có gì rắc rối cả.”
Merce Cunningham và John Cage
(1965)
104
Mies van der Rohe bảo,
“Cái ít nhất
là cái nhiều nhất.”
Tôi đồng ý với ông hoàn toàn.
Nhưng đồng thời,
cái làm tôi quan tâm bây giờ
là số lượng.
Mies van der Rohe: “Cái ít nhất là cái nhiều nhất...”
_________________________ Chú thích của người dịch: [1]Cuối năm 1991, chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi nhặt được một cuốn sách của ông ở Sam Weller’s, Salt Lake City, cuốn Empty Words: Writings ‘73-’78 [Wesleyan, 1979]. May quá, ngoài hai bài tiểu luận về âm nhạc mà cố gắng lắm tôi cũng chỉ lượm được năm ba ấn tượng của một người ngoại đạo, phần còn lại là những bài viết chia sẻ với người đọc những ý nghĩ độc đáo của một nghệ sĩ — tập hợp nghệ thuật / âm nhạc / thơ ca: từ những bản văn trong Nhật ký của Thoreau, hay trong kinh Dịch, nguồn gốc nhan đề «Finnegans Wake» của James Joyce, v.v. đến chi tiết những món nấm ông trải nghiệm qua những chuyến lưu diễn... [2]John Cage: “Tôi không hiểu nổi vì sao người ta lại sợ những ý tưởng mới. Tôi thì tôi sợ những ý tưởng cũ.” [I can't understand why people are frightened of new ideas. I'm frightened of the old ones.] [3]International Music Institute Darmstadt. [4]Objects: phẩm vật. Trong quan niệm thẩm mỹ của mình, John Cage muốn thính giả thưởng thức bản nhạc như một tiến trình (process) qua đó công việc sáng tạo đang diễn ra, thay vì xem bản nhạc như một phẩm vật (object) hay một sản phẩm (product) đã hoàn tất. {Phụ chú của HN-T} [5]Đây là câu chuyện về hai bài kệ của Thần Tú và Huệ Năng. Sau khi đọc bài kệ của Huệ Năng, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã truyền y bát cho ngài, và Huệ Năng trở thành Lục tổ của Thiền Tông. Xin đọc thêm ở link này. {Phụ chú của HN-T}
------------ Đã đăng:
Về MUSICIRCUS (nhận định âm nhạc)
Một bức thư John Cage gửi cho Richard Kostelanetz vào năm 1969. Trong đó, ông mô tả diễn biến của nhạc phẩm Musicircus, thực hiện tại University of Illinois vào năm 1967. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
Tại sao sáng tác nghệ thuật? (tiểu luận / nhận định)
Điều chúng ta phải làm trong cuộc sống là trở nên trôi chảy với cuộc sống mà chúng ta đang sống, và nghệ thuật có thể hỗ trợ cho điều này... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
|