thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
 
ß2
Về tập thơ CHỮ CÁI [kỳ 1/2]

 

[Cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thị Từ Huy
do Nguyễn Thị Thanh Phượng thực hiện]

 

 

 

Nguyễn Thị Thanh Phượng (NTTP): “Chữ cái” phải chăng là một ý niệm khởi nguồn mang tính triết học mà nhà thơ đã chủ động lựa chọn, để rồi bùng vỡ thành những suy tư chứa đựng một nỗ lực vượt thoát khỏi giới hạn của chính những “chữ cái”? Hay đó là một trạng huống ngẫu nhiên mà nhà thơ đã rơi vào và gợi mở cho chị một mạch nguồn cảm xúc?

Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH): Tập thơ này được khởi đầu trực tiếp (sự khởi đầu nhiều khi lại là điểm kết thúc của những gì có thể đã được dồn nén từ rất lâu trước đó) từ một trận ốm. Một trận ốm về thể chất. Lần ấy tôi bị co cơ ở lưng và phải nằm bất động mất gần một tuần. Bất động vì mỗi cử động nhỏ đều gây đau kinh khủng. Lần đó nếu không có bạn tôi là Kazuko, người Nhật, thì không hiểu tôi sẽ vượt qua bằng cách nào. Tôi buộc phải nằm thẳng. Hai tay cũng duỗi thẳng. Đó là tư thế dễ chịu nhất trong cơn đau. Rồi một lần tôi dang ngang hai tay, và thấy mình giống như một chữ T. Chữ T cũng là chữ cái bắt đầu tên tôi, cái tên mà ba mẹ tôi đặt cho tôi. Cái chữ T là tôi ấy (với thân hình duỗi thẳng, hai tay dang ngang), trong cơn đau, xa lạ đối với tôi một cách khó hiểu... Đấy là lý do trực tiếp để hình thành nên các ý tưởng. Tất nhiên còn có nhiều lý do khác nữa. Lúc mà tôi có thể ngồi tựa lưng vào gối dựa, và vẫn chưa thể đi lại được, thì tôi dùng các tờ giấy và bắt đầu vẽ các chữ cái lên đó. Đầu tiên là một số chữ, bắt đầu bằng chữ T, rồi U... giống như một đứa trẻ tập viết. Tôi nhìn chúng thật lâu, rồi hiểu ra một điều, một sự thật hiển nhiên: Những chữ cái đó thực sự không có nghĩa gì cả. Chưa bao giờ tôi cảm nhận sự vô nghĩa của chúng theo cách đó. Chúng vô nghĩa, như chính bản thân tôi vậy. Lúc đó tôi thấy những chữ cái đó đúng là chính tôi. Trống rỗng và vô nghĩa. Trống rỗng vì vô nghĩa. Và vô nghĩa vì trống rỗng.

Và tôi tìm cách lấp đầy các chữ cái bằng các từ. Tôi hoàn toàn không có ý định làm thơ, lúc đó tôi không nghĩ là mình làm thơ. Sau khi làm xong tôi đưa cho Phan Huy Đường đọc, ông ấy gọi nó là thơ. Còn lúc đó tôi chỉ tìm cách lấp đầy một sự vô nghĩa, tìm cách chống lại sự trống rỗng. Và tôi đã bắt đầu chữ T bằng những gì có thật sự trong tôi ở giây phút đó, đấy là cách bắt đầu duy nhất của chữ T, cũng là của tập thơ, không thể có một sự lựa chọn nào khác. Mọi thứ đến như một tất yếu. Tôi bắt đầu và nhận thấy là mình không thể dừng lại, chưa thể dừng lại. Và nhận thấy là tôi không hiểu gì cả. Không hiểu về cái thế giới trong đó tôi đang sống, không hiểu về những người mà tôi tưởng là tôi đã hiểu, và quan trọng nhất, không hiểu gì về tôi.

Tôi cứ tưởng là tôi làm chủ cơ thể mình. Vậy mà thực ra tôi không hiểu gì về nó. Và ta thực sự làm chủ cơ thể mình những lúc nào? Khi ta đau, cơ thể ta phải lệ thuộc vào bác sĩ, vào thuốc. Khi ta yêu một người nào đó, rất nhiều khả năng cơ thể ta bị lệ thuộc vào người ấy. Khi hai người không có tình cảm với nhau nhưng lại bị ràng buộc bởi một khế ước xã hội nào đó, như hôn nhân chẳng hạn, cơ thể họ bị phụ thuộc lẫn nhau, và một sự phụ thuộc như vậy nhiều khi vô cùng khổ sở. Còn có những sự phụ thuộc tệ hơn, ví dụ: những phụ nữ bị bạo hành. Trong trường hợp đó cơ thể của người phụ nữ bị lệ thuộc một cách đau đớn vào bạo lực mà chính chồng họ gây ra cho họ. Còn có sự lệ thuộc của những cơ thể người trong các trại tập trung... Và cuối cùng là sự lệ thuộc của cơ thể người vào thời gian.

Tôi tưởng tôi làm chủ ý nghĩ của tôi, nhưng 99,99% những gì tôi nghĩ ra là của người khác. Sự lệ thuộc về tư duy. Chuyện này không thể nói trong một vài lời được. Tôi tự hỏi: tôi có dám nói thẳng điều đó với tôi không? Ít nhất là với tôi? Việc tôi viết ra những chữ cái, trước hết, là sự tự thừa nhận nỗi bất lực của chính mình, thừa nhận sự lệ thuộc của tôi vào những ràng buộc mà tôi nhận thức được vào thời điểm đó, tức là thời điểm viết tập thơ. Không hề ngẫu nhiên khi tôi gọi chữ là “nhà tù chữ”. Toàn bộ tập Chữ cái, trước hết, là các vấn đề của chính tôi.

Khi sức khoẻ hoàn toàn bình phục thì tôi tập trung vào việc làm sao biến các chữ cái rỗng thành những cơ thể sống. Và tôi đã nuôi chúng bằng các tế bào từ. Khi nói như vậy tôi biết rằng có thể là tôi ảo tưởng, vì chưa chắc những chữ cái của tôi đã sống được. Nhưng thực sự giữa tôi và chúng đã có sự cộng sinh. Chúng ra đời từ những nghiệm sinh của cá nhân tôi. Và khi tạo ra chúng tôi đã sống những khoảnh khắc có thể gọi là những khoảnh khắc chữ cái.

 

NTTP: Thơ calligramme không phải là một cách tân về hình thức, nó đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX và được thể nghiệm rất nhiều trong những tác phẩm của Apollinaire. Ngay Lê Đạt và Dương Tường cũng đã sáng tác với hình thức thơ như vậy. Nhưng ở Việt Nam, tác phẩm của họ không tìm được sự đồng cảm của nhiều độc giả. Với tập Chữ cái, chị có cảm thấy mình phiêu lưu không, khi dấn thân vào một thế giới thơ xa lạ với đa số độc giả Việt Nam và có nguy cơ trở thành một tiếng thơ lạc lõng?

NTTH: Nói như vậy nghĩa là có thể hiểu rằng tôi đang tiếp tục những gì mà Dương Tường và Lê Đạt bắt đầu, và nếu đúng như vậy thì các nhà thơ ấy đã nhận được sự đồng cảm, có nghĩa là họ không đơn độc. Vậy tại sao tôi phải sợ? Vì Dương Tường và Lê Đạt không đơn độc thì tôi cũng sẽ không đơn độc. Tuy nhiên tôi chỉ tiếp tục tinh thần của Lê Đạt và Dương Tường, chứ không tiếp tục những tìm tòi về nghệ thuật thơ ca của họ. Về chuyện đồng cảm thì chỉ cần tôi có một độc giả là tôi đã nhận được sự đồng cảm. Điều mà Nam Cao đã từng sợ nhất trong văn chương: “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Không có gì tôn vinh một nhà văn hơn là việc anh ta có thể trở thành “lạc lõng” giữa bao nhiêu người viết khác. Tiếc thay điều đó chỉ là một ảo tưởng.

 

NTTP: Tập thơ đầu tiên của chị ra đời với vai trò cầu nối trong hoạt động hỗ trợ xuất bản của Quỹ Lời Vàng Eva. Theo chị, hoạt động của những tổ chức như vậy liệu có thể trở thành một đòn bẩy tốt cho những nhà thơ trẻ muốn khẳng định tiếng nói của mình trong làng thơ Việt Nam hay không?

NTTH: Nói một cách rất đơn giản thì: nhờ có hoạt động này mà tôi trở thành “tác giả”. Vì dù rằng tôi đã làm ra thơ, nhưng nếu nó không được xuất bản, thì tôi cũng không thể trở thành tác giả. Tất nhiên “tác giả” hiểu theo nghĩa là một người có sản phẩm được giới thiệu.

Những hoạt động như hoạt động của Quỹ Lời Vàng Eva sẽ tạo hiệu quả tốt. Với phương thức tuyển chọn tác phẩm để bảo trợ xuất bản, và với việc mời một hội đồng thẩm định gồm các nhà thơ uy tín để đánh giá chất lượng bản thảo, hoạt động này giúp cho những người làm thơ cảm thấy công việc của họ được tôn trọng.

Tuy nhiên, khi nhận được sự may mắn này, tôi nghĩ đến việc nhiều nhà thơ khác đang ở trong tình trạng không thể xuất bản tác phẩm của họ theo con đường bình thường. Ở đây tôi muốn nói đến hoạt động của nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn. Theo đánh giá của tôi, họ thực sự là những người dấn thân vì thơ. Điều tôi mong ước là làm sao chúng ta có một điều kiện xuất bản bình thường, và làm sao mọi nỗ lực sáng tạo đều được thừa nhận, không phải chịu một thiên kiến nào, dù đó là thiên kiến về chính trị, văn hóa hay đạo đức; và mong sao thơ không phải chịu một sự cấm đoán nào, dù đó là sự cấm đoán do áp lực bên ngoài hay do áp lực nội tại của người làm thơ.

 

NTTP: Giải phóng tính dục là vấn đề được các nhà thơ nữ quan tâm nhiều nhất hiện nay. Nhiều người coi đó như một xu hướng tiên phong của phong trào nữ quyền. Chị có cùng chia sẻ với họ mối quan tâm này không?

NTTH: Trong một bối cảnh xã hội còn rất nhiều thứ cần được giải phóng, thơ tham gia giải phóng được điều gì cũng đều đáng được trân trọng.

Phải nói thêm rằng phụ nữ Việt Nam còn cần được giải phóng khỏi nhiều sự ràng buộc khác. Và còn nhiều chuyện khác quan trọng với họ chứ không chỉ riêng tính dục. Và cũng cần phải giải thích tại sao việc thơ nữ đề cập đến tính dục lại trở thành hiện tượng, vì trong khi họ có táo bạo đến mấy cũng không thể bằng các tác giả nam trong vấn đề này. Cứ đọc Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bùi Chát, Lý Ðợi... thì sẽ thấy.

 

[còn tiếp 1 kỳ]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021