điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Mĩ thuật đương đại Việt Nam: thiếu một đào tạo căn bản

 

Bài phỏng vấn này đã đăng trên báo Lao Động số 183, ngày 11/08/2008, nhưng không đầy đủ. Tiền Vệ đăng lại ở đây hoàn toàn đầy đủ như nguyên bản do Nhã Thuyên thực hiện.

 

NHÃ THUYÊN [NT]: Thưa chị, ở Việt Nam, mĩ thuật trình diễn đã bắt đầu ra sao và đang ở giai đoạn nào?

TRANG THANH HIỀN [TTH]: Trên thế giới, mĩ thuật trình diễn đã có một bước đường dài với những tên tuổi lớn như Joseph Beuys, Gilbert Proesch, George Passmore,... Nó có mặt ở Việt Nam cũng gần hai chục năm nay, bên cạnh các loại hình mĩ thuật đương đại khác như video art, installation art (mĩ thuật sắp đặt)... Nhưng những gì chúng ta làm dường như bắt đầu bằng sự tự phát, thiếu một căn bản đào tạo và tất cả đều vừa làm vừa tự học nên vẫn đang ở tình trạng dò dẫm.

 

NT: Nét đặc trưng nhất của mĩ thuật trình diễn là gì? Có khuôn khổ nào cho nó không?

TTH: Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của mĩ thuật trình diễn là tính ứng tác, tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng trong một không gian cụ thể. Bắt đầu bằng một ý tưởng, nghệ sĩ có thể lên kế hoạch, chuẩn bị kĩ càng, nhưng quá trình diễn ra đồng thời là quá trình nghệ sĩ mời gọi sự tham gia của công chúng, nên gần như không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nó có thể hướng đến mọi chủ đề bức thiết nhất của đời sống văn hoá, chính trị, xã hội, từ sự phân biệt chủng tộc, màu da, nữ quyền, môi trường... đến những vấn đề cá nhân. Do đó, mĩ thuật trình diễn có khả năng gây hiệu ứng xã hội rất lớn và còn có thể đem lại lợi ích kinh tế, du lịch nếu chúng ta biết cách khai thác. Người nghệ sĩ trình diễn, ở nhiều trường hợp, có thể coi là những kẻ “dấn thân”, “hi sinh mình” để bày tỏ thái độ và phản ứng của họ. Có thể nói không có khuôn khổ nào cho nó cả.

 

NT: Nghĩa là nó không còn là một cuộc tìm kiếm “nghệ thuật thuần túy” mà nó mang tính chất phản ánh trực diện về văn hoá, chính trị. Vậy theo chị, làm thế nào để nó không biến thái thành các hành vi tuyên truyền / một dạng tụ tập đám đông dễ dãi với những ý tưởng bề nổi?

TTH: Khi từ chối mĩ thuật giá vẽ để hướng đến sự tương tác trực tiếp, sống động và mạnh mẽ với công chúng trong những bối cảnh cụ thể, mĩ thuật trình diễn đã bộc lộ sức sống và sự hấp dẫn nghệ thuật của nó. Nó có trở thành một hành vi tuyên truyền, kích động, hay tụ tập đám đông dễ dãi hay không, phụ thuộc rất lớn vào trình độ và cách thức thực hiện của chính người nghệ sĩ. Chẳng hạn, lần đầu Đào Anh Khánh trình diễn với những màn hú hét, người ta đã tưởng anh ấy vì danh. Nhưng dần dần người ta nhận ra rằng khi mỗi lần sau anh làm lại hay hơn trước, thì rõ ràng đó là biểu hiện của nhu cầu nội tại. Ở điểm này, nghệ thuật đã đặt ra những vấn đề ngoài phạm vi cá nhân nghệ sĩ.

 

NT: Gần đây nhất là dự án “Ra đường” của nghệ sĩ Ngô Lực, chị có nhận xét gì? Theo chị cái khó nhất của người làm mĩ thuật trình diễn ở Việt Nam là gì?

 

 

TTH: Nỗ lực đưa nghệ thuật “ra đường” của Ngô Lực thì thú vị và đáng quan tâm. Tuy nhiên, dự án này còn đơn giản trong việc thực hiện. Liệu Lê Anh Hoài có can đảm “làm cột điện” trong vòng một tháng, để có được một sự tiếp xúc thực sự giữa công chúng và nghệ sĩ (?) chứ không chỉ là diễn cho những người bạn. Nếu làm để chụp những bức ảnh trong chớp nhoáng thì có lẽ hiệu ứng khó có thể cao. Ở Việt Nam, cái khó là nghệ sĩ không được đào tạo có bài bản về lịch sử mĩ thuật trình diễn, nguyên nhân phát sinh, các cách thức thực hiện, cũng không được biết đến nay thế giới đã đi những bước ra sao rồi (?). Biết không phải để copy mà là để hiểu và phát triển. Do không có đào tạo nên mạnh ai nấy làm và người ta thấy dường như mĩ thuật đương đại còn rất manh mún.

 

NT: Vậy còn công chúng, họ nên tiếp cận như thế nào?

TTH: Tôi cho rằng gốc rễ chính vẫn là do hệ thống đào tạo mĩ thuật của ta ngay từ phổ thông đã không kiện toàn thì các thế hệ công chúng vẫn luôn mù mờ về mĩ thuật và do đó họ cũng không quan tâm. Dạy mĩ thuật ở ta chủ yếu là dạy nghề nhiều hơn là dạy thẩm mĩ. Thêm vào đó không có bảo tàng mĩ thuật đương đại, cũng như chẳng bao giờ có một mối liên hệ giữa bảo tàng mĩ thuật và đào tạo phổ thông thì mĩ thuật đương đại sẽ luôn là dấu hỏi lớn. Tất nhiên, mĩ thuật luôn có những hiệu ứng xã hội nhất định. Nếu công chúng ta chưa từng được đào tạo, thì quá trình này sẽ diễn ra chậm.

 

NT: Còn vai trò của các nhà phê bình? Liệu họ có thể thúc đẩy được quá trình này?

TTH: Tất nhiên là họ khá quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đó, nhưng những sinh viên lý luận ra trường có được những hoạt động thực sự trên lĩnh vực này dường như đếm trên đầu ngón tay, mặc dầu Đại Học Mĩ Thuật đến nay đã có 10 khoá lý luận ra trường. Trong khi đó, các nghệ sĩ lại muốn công chúng “hãy tự hiểu, tự cảm” tác phẩm. Ở đây, các curator có vai trò rất quan trọng, từ lúc làm việc với nghệ sĩ đến khi ra mắt công chúng và giúp công chúng tiếp cận mĩ thuật tốt hơn.

 

NT: Trong một trao đổi gần đây trên Tiền Vệ , hoạ sĩ Trịnh Cung nói đến một tương lai không mấy khả quan của mĩ thuật trình diễn ở Việt Nam, bởi sự khe khắt của xã hội khiến cho “loại nghệ thuật này, nếu sống sót... sẽ chỉ là những “dị bản”. Bản thân chị lạc quan/bi quan về mĩ thuật trình diễn Việt Nam?

TTH: Nói rằng chỉ là những “dị bản” thì hơi cực đoan. Thực tế, các nghệ sĩ cũng đã đã làm được ít nhiều, những nỗ lực của họ đã dần dần khiến công chúng biết và quan tâm đến các loại hình nghệ thuật mới. Còn chuyện lạc quan thì rất khó nói. Mĩ thuật đương đại nên được dạy trong chương trình học của sinh viên mĩ thuật. Khi được xã hội thừa nhận, những nghệ sĩ sẽ có đất để thể hiện mà không phải sợ “an ninh văn hoá”. Trước đây, khi mới xuất hiện, người ta không chấp nhận nổi những kẻ “cởi truồng làm nghệ thuật” và coi đó là một thứ cặn bã của “nghệ thuật đồi truỵ phương Tây”, nhưng dần dần, một lối đi đã được mở bởi các thế hệ nghệ sĩ như Trương Tân, Trần Lương... Mặc dầu con đường đã có, nhưng nếu không có một sự thay đổi trên toàn cục về đào tạo, quản lý, thì ta vẫn không hy vọng có thể tiến xa.

 

NT: Nếu có sự thay đổi toàn cục, chị nghĩ sẽ mất bao nhiêu năm?

TTH: Hơn mười năm trước tôi nghĩ cần 10 năm để mĩ thuật đương đại Việt Nam nhập cuộc với thế giới. Nhưng 10 năm đã trôi qua, căn bản, nó vẫn vậy thôi. Đã có những thay đổi nhưng mọi thứ đều rất chậm.

 

NT: Xin cảm ơn chị!

 

Nhã Thuyên thực hiện

 

-----------------------------
Mời độc giả xem tư liệu về tác phẩm trình diễn “I Like America and America Likes Me” (1974) của Joseph Beuys, do Hoàng Ngọc-Tuấn sưu tầm và giới thiệu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021