điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Trao đổi với Trịnh Cung về mỹ thuật Việt Nam [kỳ 5]

 

Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và hoạ sĩ Trịnh Cung dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải thành nhiều kỳ cho đến khi kết thúc.

 

Đã đăng: [kỳ 1][kỳ 2][kỳ 3][kỳ 4]

 

Tiền Vệ [TV]: Bây giờ chúng ta hãy thử trao đổi về mỹ thuật Trình Diễn (Performance art) ở Việt Nam. Trong bài “Ngôn từ không diễn tả nổi”,[1] Sonia Kolesnikov-Jessop có đưa ra nhận xét: “Nói chung, mỹ thuật Trình Diễn vẫn bị xem như một hình thức nghệ thuật suy đồi của nước ngoài, quá xa lạ với những giá trị cổ điển của phong cách hội hoạ mang tính mỹ thuật trường lớp mà giới công an văn hoá của Việt Nam cảm thấy dễ chịu hơn.”

Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy không riêng công an văn hoá, mà ngay cả trong giới hoạ sĩ vẫn có những người cảm thấy khó chịu với mỹ thuật Trình Diễn, thậm chí xem rẻ nó, chống đối nó. Theo quan sát của anh, tại sao họ lại có những phản ứng như thế?

 

Trịnh Cung [TC]: Có thể Sonia đã dựa vào ý kiến của loạt bài “Chuyên đề Nghệ thuật đương đại” của báo điện tử VieTimes[2] từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11-2007. Với loạt bài ấy, VieTimes không những dịch thuật theo lối bóp méo bài viết của một tay bỉnh bút tên là Spengler của tờ Asia Times với mục đích xuyên tạc, chê bai tơi tả các loại hình nghệ thuật mới (kể cả mỹ thuật và âm nhạc, kể cả thái độ không tiếc lời mạt sát một số cá nhân nghệ sĩ Việt Nam đương đại), mà còn mượn lời của một số người có chức quyền quản lý nghệ thuật, và thậm chí còn kéo theo sự tham gia của một nhà trí thức cộng sản Hà Nội, vào chiến dịch chê bai ấy. Khổ nỗi, ông trí thức ấy lại phát biểu như một người mù mỹ thuật, khiến Đào Mai Trang (một nhà viết mỹ thuật trẻ thuộc Viện Mỹ Thuật Hà Nội) và hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng (đang sống và vẽ tại Nhật) phải lên tiếng trên talawas.org, phản bác và chỉ ra sự bất chính của tờ báo mạng ấy đã cố tình xuyên tạc sự thật để thực hiện chủ trương xoá sổ các loại hình nghệ thuật mới đang thu hút giới nghệ sĩ trẻ và trí thức cấp tiến Việt Nam. Ngoài ra, ở Việt Nam, trên thực tế cũng có nhiều người, nhiều hoạ sĩ, không có khái niệm về mỹ thuật đương đại nên họ không cho các cuộc Trình Diễn và Sắp Đặt là mỹ thuật dù các loại hình ấy đã xuất hiện tại Việt Nam trên 10 năm rồi và một số tác phẩm mỹ thuật Trình Diễn và Sắp Đặt của Việt Nam cũng đã có mặt tại một số các festival mỹ thuật đương đại quốc tế rồi.

Tuy nhiên, để làm rõ hơn về các suy nghĩ quanh vấn đề trên, tôi cho rằng hiện nay ở Việt Nam có hai phía đối lập nhau: 1/ Những người chống báng, gồm những người làm an ninh văn hoá và một số hoạ sĩ và trí thức bảo thủ. 2/ Những người ủng hộ, gồm các hoạ sĩ trẻ và trí thức cấp tiến cùng với các nhà văn, nhà thơ hậu hiện đại.

Riêng tôi, tôi đứng về phía thứ 2, không chỉ vì thế hội nhập của Việt Nam mà vì sự đổi mới của sáng tạo mỹ thuật Việt Nam.

Có thể nói mỹ thuật Trình Diễn đến Việt Nam đã muộn hơn một thập niên so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Nó có thể không còn mới đối với Tây Âu nhưng nó vẫn đang là trào lưu chính cho mỹ thuật hôm nay.

Ở Việt Nam, nó đã đến muộn còn bị khoanh vùng như ổ dịch. Nếu không còn sự tài trợ của các quĩ văn hoá quốc tế và “mái ấm” cho những đứa con vô thừa nhận này (như các Viện Goethe, L’Espace, British Council ở Hà Nội) thì những sân chơi lớn của mỹ thuật đương đại thế giới sẽ không có tác phẩm Việt Nam là điều hiển nhiên.

 

TV: Như chúng ta thấy, một tác phẩm mỹ thuật Trình Diễn chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rồi biến mất. Chúng ta chỉ giữ lại được những bức ảnh chụp hay một cuốn video dưới hình thức tài liệu về nó. Như thế, nó là một thứ nghệ thuật mà chất liệu là ý niệm. Ta không thể mua hay bán nó, và nó không cần tồn tại trong hệ thống của các phòng triển lãm hay viện bảo tàng. Theo anh, có phải vì nó không trường tồn dưới dạng vật chất như một bức tranh hay một bức tượng, không cất giữ được, không mua bán được, nên người ta xem rẻ nó? Hay vì nó đứng bên ngoài hệ thống triển lãm và bảo tàng, nên người ta xem nó chỉ là một thứ nghệ thuật “vỉa hè”? Hay vì đa số các nghệ sĩ sáng tạo mỹ thuật Trình Diễn không đi qua con đường cầm cọ một cách “chính quy”, nên người ta nghi ngờ khả năng sáng tạo nghệ thuật của họ?

 

TC: Như bạn biết đấy, thứ nghệ thuật này mang tính non-profit, bất cần trưng bày trong những ngôi nhà sang trọng như viện bảo tàng hay biệt thự của các đại gia, và bất cần những giá trị vĩnh cửu... Nó chống lại tất cả những lề thói trưởng giả, kinh điển. Nó muốn băng bó lại những vết thương của cộng đồng bị xâm hại. Chẳng hạn, nó muốn mọi người phải giải trừ nạn hành hạ phụ nữ; nó muốn kêu gọi mọi người hãy vì bầu khí quyển mà bảo vệ môi trường; nó muốn thét lên thật to vì cuộc sống không có tự do... bằng chính những ý niệm sáng tạo chuyển qua cơ thể và động tác của chính cá nhân nghệ sĩ hoặc một tập thể nghệ sĩ cùng trình diễn.

Hãy xem một tác phẩm Trình Diễn [Performance] kết hợp với Sắp Đặt [Installation] của Cosima von Bonin, một người đàn bà da đen ở Kenya và là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới:

 
Cosima Von Bonin, “Hundeschule / Obedience School”, 2004.
 

Hoặc Vanessa Beecroft, một nữ nghệ sĩ người Ý rất nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới, đã sáng tạo những cuộc Trình Diễn ý niệm, với các nữ diễn viên khoả thân (có khi đến 100 người, như trong “VB55” ở Berlin, 2005), hoặc với nam diễn viên khoả thân (như trong “VB39” và “VB42” ở San Diego, Mỹ, 1999-2000). Bức ảnh sau đây ghi lại một khoảnh khắc của cuộc trình diễn “VB50” tại São Paulo Bienal, Brazil, 2002:

 
Vanessa Beecroft, “VB50”, 2002.
 

TV: Thật vậy, cuộc trình diễn “VB50” là một tác phẩm mỹ thuật thâm hậu, qua đó chúng ta nghe một thứ tuyên ngôn mãnh liệt về vấn đề giải phóng phụ nữ. Còn tác phẩm “Hundeschule / Obedience School” của Cosima Von Bonin lại biểu lộ một sự phản kháng sâu sắc đối với bất cứ một cơ chế chính trị độc tài nào cố tình biến con người thành công cụ, thành chó săn chỉ biết vâng lời chủ.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn chia sẻ cùng hoạ sĩ Trịnh Cung và độc giả, một tác phẩm mỹ thuật Trình Diễn của Wafaa Bilal , một nghệ sĩ người Iraq. Cuộc trình diễn “Raze 213” diễn tả một trong những phương pháp tra tấn dã man đối với tù nhân chính trị dưới chế độ độc tài của Saddam Hussein. Người tù bị nhốt trong một phòng biệt giam chật chội, trên trần phòng có một hệ thống gồm một giàn những cái ống, từ đó những giọt át-xít liên tục thay nhau rơi xuống ở những vị trí ngẫu nhiên, khiến cho người tù, để tránh khỏi bị át-xít đốt da thịt mình, phải không ngừng chạy quanh và lăn lộn cho đến khi kiệt sức và chết. Trong lần trình diễn tác phẩm này ở Albuquerque, New Mexico năm 1999, ngoài hình ảnh và âm thanh trực tiếp đến từ những cử động và tiếng la hét của Wafaa Bilal, những miếng thịt thối cũng được treo sẵn ở nơi trình diễn, để khán giả vừa xem, vừa nghe, vừa ngửi được cái mùi tương tự như mùi thịt người chết trong các phòng tra tấn tù chính trị. [Độc giả có thể bấm vào hình dưới đây để xem đoạn video ghi lại một cuộc trình diễn tác phẩm “Raze 213” của Wafaa Bilal.]

 
Wafaa Bilal, “Raze 213”, 1999.
 

TC: Có xem những tác phẩm như thế thì chúng ta mới thấy được phần nào tinh thần nghệ sĩ của họ. Đúng ra, người ta phải biết quí trọng mỹ thuật Trình Diễn, chứ tại sao lại xem rẻ nó! Nó là thứ nghệ thuật giải phóng và nhân bản nhất hiện nay. Tất nhiên, vì vô số những giới hạn khó vượt qua, những tác phẩm thuộc loại này ở Việt Nam còn rất tương đối về phẩm chất. Mỹ thuật Trình Diễn ở Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn khai phá đầy nhọc nhằn. Vì thế, mọi sự nghi ngờ về tính sáng tạo của nó là rất bất công và thiển kiến.

 

TV: Vì một tác phẩm mỹ thuật Trình Diễn chỉ xảy ra rồi biến mất trong một khoảnh khắc, nên nhà nghệ sĩ cần đưa ra những ý niệm gây ấn tượng nhanh, gây chấn động cấp thời, và vì thế họ thường nhắm vào những góc độ “khác thường” so với quan điểm chính thống về chính trị và văn hoá đương hành. Hệ quả là các nghệ sĩ sáng tạo mỹ thuật Trình Diễn thường được xem như những “dissidents”. Theo quan sát của anh, ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các nghệ sĩ ấy là những “dissidents” thực sự trên phương diện chính trị và văn hoá, hay phần lớn chỉ gây được những cú “shock” nông cạn?

 

TC: Nếu không gây “shock” được thì tính hiệu quả của cuộc trình diễn không đi tới đâu. Tính chất nặng về nhân bản của ngôn ngữ nghệ thuật này, như tôi đã nói ở trên, trong một thiết chế xã hội như ở Việt Nam, nó không được chấp nhận và tất nhiên nếu người nghệ sĩ cố làm thì sẽ phải bị nhà nước coi là những “dissidents”. Hiện những nghệ sĩ có tiếng nói mạnh như Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Trần Lương đều gặp phải sự kiểm soát gắt gao, và kết quả là Trương Tân đã bỏ nước ra đi.

 

TV: Riêng anh, sau khi đã trải qua hơn nửa thế kỷ làm việc với giá vẽ, anh đã thử tiếp cận mỹ thuật Trình Diễn chưa, hoặc có một dự định gì liên quan đến mỹ thuật Trình Diễn? Và anh dự đoán về tương lai của mỹ thuật Trình Diễn ở Việt Nam như thế nào?

 

TC: Tôi đã nhiều lần trực tiếp quan sát các cuộc triển lãm Sắp Đặt và Trình Diễn tại Hà Nội và Sài Gòn, và cũng từng được mời trình bày tham luận về nghệ thật đương đại tại một số cuộc hội thảo, cũng như từng nhận lời làm cố vấn cho dự án Saigon Open City năm 2006 do quỹ Ford tài trợ (tôi đã rút lui ngay vì đây là dự án thực hiện không đúng như kế hoạch và cũng không được nhà cầm quyền địa phương cho phép). Kinh nghiệm cho thấy là chỉ có các nghệ sĩ đương đại Hà Nội là làm được như ý muốn của họ với điều kiện thiết yếu nhất để thoát khỏi kiểm duyệt của cơ quan quản lý mỹ thuật là được diễn ra trong “lãnh thổ” của các nhà văn hóa thuộc các Đại Sứ Quán như Viện Goethe, L’Espace hoặc British Council. Tuy vậy, bây giờ việc này đã không còn thuận lợi cho họ nữa như những năm trước. Rõ ràng là khi nào còn guồng máy cai trị như hiện nay ở nước ta thì loại nghệ thuật này, nếu sống sót, sẽ là “cái ao nhà ta”, hoặc “con sáo sông Hồng” được viết theo tiết tấu Rock hay Hip Hop, sẽ chỉ là những “dị bản” mà thôi.

 

_________________________

[1]“Ngôn từ không diễn tả nổi” , Phạm Chí Diệp dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Words Cannot Express: In Vietnam, performance art is gaining favor as a way to push boundaries while evading censorship” của Sonia Kolesnikov-Jessop, trên tạp chí NEWSWEEK (July 7-14, 2008 issue).

[2]Loạt bài “Chuyên đề Nghệ thuật đương đại” của tờ VieTimes gồm những bài: "Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật đương đại!", "Đương và Đại: Những con chích choè trần trụi", "Đừng nghe những 'con ngan' khàn khàn trong âm nhạc", "Chuyện những con chim nhựa hát bằng pin", “Giáo sư Vũ Khiêu: ‘Phải biết loại bỏ đồ rởm!’” “L’Espace - Gặp gỡ là chính, nghệ thuật là phụ”, và “Thẩm mỹ công chúng: Định hướng chứ không tạo hiếu kỳ”.

 

-----------

Đã đăng:

... Những gì mà tôi trình bày về “Mỹ Thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” đã đưa ra toàn cảnh của mỹ thuật hai miền Bắc và Nam Việt Nam đúng như nó đã diễn ra. Vì vừa là chứng nhân và cũng là người trong cuộc chiến thảm khốc, dai dẳng ấy, tôi đã xác định không nhìn vấn đề này theo một ý thức hệ chính trị nào. Khách quan và chuyên môn là hai tiêu chí tôi dành cho đề tài này... (...)
 
... Ngôn ngữ của mỹ thuật là một thứ ngôn ngữ khó đọc (trừ cổ điển và hiện thực), lại không thuộc về đám đông ngay cả với nghê thuật đương đại (tính cộng đồng cao hơn). Tất nhiên, đa phần hoạ sĩ đều vẽ tranh để bán mà ít quan tâm đến các nỗi đau về số phận con người, nên dưới mắt những quan chức văn hoá, mỹ thuật là đứa con ngoan hơn văn chương rất nhiều. Còn văn chương thì là một công cụ chính trị rất rõ ràng kể cả chống và làm nô dịch... (...)
 
... Hiển nhiên, không có sự phủ định cái cũ, không vượt qua cái cũ, thì chúng ta không có cái mới. Cái mới không hoàn hảo là điều tất nhiên, khi hoàn cảnh của hoạ sĩ trẻ Việt Nam đang còn như vậy. Ta hãy đọc họ ở cái ẩn chứa trong tác phẩm của họ. Cái ý niệm và hoạt động tư duy sáng tạo của họ mới là điều quan trọng nhất để ta chia sẻ với họ... (...)
 
... Các tác phẩm mới của giới trẻ đầy cá tính, to tiếng phản biện, đã đẩy mỹ thuật “chính thống” vào cái chết mòn không thương tiếc... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021