điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Trao đổi với Trịnh Cung về mỹ thuật Việt Nam [kỳ 3]

 

Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và hoạ sĩ Trịnh Cung dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải thành nhiều kỳ cho đến khi kết thúc.

 

Đã đăng: [kỳ 1][kỳ 2]

 

Tiền Vệ [TV]: Nói về lớp hoạ sĩ trẻ Việt Nam bây giờ, chúng ta có thể trở lại với “Symposium on Modern and Contemporary Vietnamese Art”. Sáng ngày thứ ba của Hội Thảo, hoạ sĩ kiêm phê bình gia Phan Cẩm Thượng có thuyết trình về đề tài “Hoạ sĩ trẻ Việt Nam hôm nay”. Bài thuyết trình ấy, theo anh, có những điểm gì đáng lưu tâm?

 

Trịnh Cung [TC]: Đó là một tiểu luận hay, dựa vào hành trình văn hoá mà thế hệ của tác giả (50-60 tuổi) đã trải qua và tích luỹ từ những tinh hoa của cái được gọi là văn hoá truyền thống Việt Nam, ông đưa ra một hình ảnh của đất nước ngày nay trong bối cảnh nền văn hoá ấy: một đất nước, sau hơn 30 năm thống nhất đất nước, đang bị phá hủy vì cơn lốc kinh tế thị trường. Tác giả Phan Cẩm Thượng xuất thân từ nông thôn, đã đi bộ đội, theo đạo Phật (gần đây ông đã từng vào ở trong chùa), dạy môn lý luận và phê bình mỹ thuật tại Đại Học Mỹ Thuật Hà Nôi. Ông trình chiếu những hình ảnh ngôi làng xanh tươi và thơ mộng của ông thuộc một nơi không xa Hà Nội lắm, nay nó đã biến mất và thay vào đó là một khu nhà phố lầu xây dựng một cách thô thiển, rẻ tiền, có ý đồ nếu phải bi giải toả thì chủ đầu tư phải đền bù cho nông dân cao giá hơn nhiều so với đất ruộng. Chuyện này đang xảy ra khắp nơi, quả là sự tác hại của nó gây nên cái chết tức tưởi của một đời sống có triết lý, tôn giáo và văn hoá cổ truyền mà người Việt đã hình thành từ bao đời. Chủ nghĩa thực dụng đang hoành hành khắp nơi khiến cho nhiều người trong thế hệ trẻ Việt Nam đã trở nên có đầu óc cơ hội, tàn nhẫn, lạnh lùng và xa lạ. Họ quay lưng với nền văn hoá cũ như không hề biết trước đây hơn 30 năm nền văn hoá ấy đã làm nên bản sắc của thế hệ cha anh của họ. (Xin vào đọc thêm “Thư Của Người Nông Dân”, bài mới của Phan Cẩm Thượng trên talawas.org ngày 30-5-2008.)

Thế thì nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nói gì về thế hệ hoạ sĩ trẻ Việt Nam hôm nay?

Tất nhiên ông nói lên sự thất vọng của ông về cái thế hệ đã không còn thấy bước tiếp con đường văn hoá của thế hệ ông và trước nữa. Ông thất vọng trước lớp hoạ sĩ trẻ Việt Nam ngày nay, cụ thể là thế hệ sinh sau năm 1980. Và điều này không chỉ xảy ra trong lãnh vực mỹ thuật, mà nó cũng xảy ra đồng thời bên văn chương trẻ như thơ của Vi Thùy Linh, nhóm Ngựa Trời... Ông cho rằng trong các tác phẩm của họ hoàn toàn vắng bóng triết lý, tôn giáo và nghệ thuật — 3 điều mà ông cho là cột sống của người làm văn học nghệ thuật dù ở bất cứ đâu và thời đại nào. Tác giả Phan Cẩm Thượng đã cho trình chiếu các tác phẩm Sắp Đặt, Trình Diễn, của các hoạ sĩ trẻ trong một Festival nghệ thuật đương đại lần đầu tiên được phép tổ chức có tầm toàn quốc tại Hà Nội năm 2007, để minh chứng cho điều mà ông không lý giải được rằng vì sao lại có một khoảng trống lớn, một lỗ thủng sâu giữa hai thời kỳ văn hoá Việt Nam trước 1975 và sau. Tác phẩm của họ không còn chút gì thơ mộng, không mang thông điệp tin yêu và không nối gót truyền thống của cái Đẹp mà lớp cha anh họ đã tạo dựng.

Tuy nhiên, các tác phẩm của họ mà ông đem ra dẫn chứng lại cho chúng ta thấy một vấn đề lớn khác mà giới trẻ hôm nay. đã đặt ra với xã hội mà ông không đề cập đến. Chẳng hạn, trong một tác phẩm sắp đặt, một hoạ sĩ trẻ đã trình bày một bộ não con người bị nhốt trong cái lồng sắt; hoặc trong một tác phẩm Trình Diễn khác, có một con người lưng sơn đỏ đối mặt với một tờ giấy lớn căng trên vách; hay một tác phẩm khác trình bày những con cá ươn bị treo chúc đầu, rỏ từng giọt tanh tưởi xuống một góc nhà... v.v. Thế thì sao lại cho rằng họ không có triết lý, tôn giáo và nghệ thuật? Điều rõ ràng là những tác phẩm ấy cho thấy chủ nghĩa hoài nghi về cái gọi là ưu việt của một thiết chế xã hội mà họ đang trải qua. Điều đáng nêu ra là cái khoảng trống lớn giữa người lớn và người trẻ hôm nay vì sao không có nổi một đường nối nào cả? Ai đã tạo ra sự đứt khúc văn hoá này? Thực trạng là nền nhân văn của người Việt Nam được hun đúc hằng bao đời nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả thế hệ người lớn cũng chỉ đang giương mắt ngó và sống thây kệ, thì bảo sao tuổi trẻ không hoang mang. Trịnh Công Sơn thời chiến tranh đã viết: “…Gia tài của Mẹ để lại cho con, gia tài của Mẹ là nước Việt buồn...” Ngày nay, sống trong một Việt Nam thống nhất, hoà bình, sao lớp trẻ vẫn thấy đất nước không được vui? Và chính ông Phan Cẩm Thượng cũng rất buồn khi thấy ngôi làng xanh tươi, trù phú và an lạc của ông vừa bị biến mất.

 

TV: Nhân nói về Phan Cẩm Thượng, chúng tôi có đọc trên tờ Tuổi Trẻ (13/04/2005), thấy anh ấy phát biểu thế này về lớp hoạ sĩ trẻ:

“Lớp họa sĩ trẻ không qua chiến tranh, nếm trải chút ít khó khăn cuối thời bao cấp, tỏ ra thờ ơ với những điều mà những người đi trước quan tâm. Đề tài chiến tranh cách mạng không mấy thu hút họ. Tự lo học hành, kiếm việc ra trường, rồi tự lo triển lãm, bán tranh, cũng như tìm kiếm quan hệ với hoạt động nghệ thuật ngoài nước. Cái mới tỏ ra quan trọng hơn cái đẹp. Gây sốc để được chú ý. Theo đuổi những hình thức tân kỳ, và tự coi mình là nghệ sỹ tiền phong, tất nhiên không tiến đến chỗ tham nhũng. Song cái thời phấn khởi tranh bán chạy như tôm tươi đã qua, nếu không muốn suy đồi bởi thương mại hóa, chỉ còn cách lao vào hoặc Pop Art chính trị, hoặc là Sắp đặt và Trình diễn, và tìm kiếm tài trợ ít ỏi từ các quỹ văn hóa nước ngoài.”

Trên tờ Thanh Niên (23/05/2008) anh Phan Cẩm Thượng cho rằng

“... trước năm 2000, các sinh viên mỹ thuật rất quan tâm mảng mỹ thuật dân tộc, nhưng sau năm 2000 thì có lẽ 'chùa nhà' không còn 'thiêng', những người làm mỹ thuật trẻ ào ạt chọn những hình thức nghệ thuật mới này.”

Tuy vậy, theo Phan Cẩm Thượng,

“... các họa sĩ trẻ Việt Nam đã tiếp cận các loại hình nghệ thuật đương đại dựa trên thông tin góp nhặt là chính chứ chưa có những cơ sở lý luận vững chắc. Điều tích cực là các họa sĩ trẻ có một khát khao được phản biện xã hội, họ muốn có những loại hình nghệ thuật giúp họ bộc lộ được chính cảm xúc của xã hội đương đại mà họ đang sống.”

Riêng anh, anh có đồng tình với những suy nghĩ này không?

 

TC: Hai nhận định trên của Phan Cẩm Thượng đều mô tả đúng thực trạng mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Cái hào hùng của thời chiến tranh nay chỉ là cái cối xay cho những hoạ sĩ già từng tham chiến. Đời sống nay đã quá khác, người lớn nói một đường làm một nẻo, sao bọn trẻ tin được. Vài năm vừa qua, kết quả môn thi lịch sử Việt Nam vào đại học, 90% là 1 điểm (báo chí đều đưa tin). Lớp trẻ ngán ngẩm giáo điều, nhưng đường lối giáo dục vẫn là cái lò đúc. Tôi đang sống sau lưng một trường tiểu học, hàng ngày đều nghe ra rả tiếng cô giáo la mắng học sinh, tiếng giảng lòng yêu Đảng, yêu bác Hồ được phát qua loa với một công suất cực lớn. Cả lớp học thuộc lòng từ văn đến toán theo nhịp đọc của cô giáo. Thế thì những con người của lớp trẻ này sẽ ra sao khi cứ tiếp tục học như vậy cho đến lúc lên đại học. Trước cơn lốc của đời sống vật chất và sự bất chính của một số đông người quyền thế như ngày hôm nay, lớp trẻ không hư hỏng mới là điều lạ.

Về việc chạy theo cái mới trong sáng tạo, tôi cho rằng nó là thuộc tính của người trẻ từ lâu rồi. Nếu không như thế, thì bên phía âm nhạc làm sao chúng ta có những Văn Cao, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn–Từ Linh...? Và bên hội hoạ làm sao có những tên tuổi như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Tỵ... đã đưa mỹ thuật Việt Nam lên tầm hiện đại? Bên văn chương cũng vậy, cái mới trong các tác phẩm của thời tiền chiến cũng không phải từ đất mọc lên. Chúng ta biết rõ nó từ đâu đến, và nay nó nghiễm nhiên là di sản văn hoá Việt Nam. Đám trẻ của chúng ta ngày nay biết từ khước cái cũ, tìm đến cái mới trong ngôn ngữ và khái niệm sáng tạo, thì chúng ta phải quí trọng họ, phải cám ơn họ đã dũng cảm chọn cho chính họ một con đường vừa khó khăn vừa bị người lớn trù dập.

Tất nhiên, trong một thiết chế xã hội như Việt Nam, nơi không tạo ra bệ phóng cho ngôn ngữ nghệ thuật mới, thì lấy đâu ra lý thuyết của dòng nghệ thuật đương đại? Góp nhặt thông tin qua mạng internet và vài tạp chí mỹ thuật của các nước phương Tây để tăng cường kiến thức, rõ ràng các hoạ sĩ trẻ đương đại của chúng ta thật đáng thương, và hình như số phận này cũng giống như số phận của các lớp hoạ sĩ Việt Nam ngày trước. Chỉ bằng trực giác thôi, dựa trên một thông tin nào đó về một trường phái mới, ngôn ngữ cubism đã nhập ngay vào tâm hồn của Tạ Tỵ và Nguyễn Tư Nghiêm ngay lúc họ còn học ở trường mỹ thuật. Sau này, ở Sài Gòn cũng vậy, chúng tôi cũng không vẽ theo cách nhà trường dạy, ngoại trừ những lúc làm bài tập. Lúc bấy giờ, Sài Gòn có nhiều sách phổ thông nói về các danh hoạ hiện đại thế giới, bán với giá rẻ, chúng tôi mua về xem, và như được mở mắt ra trước bao phong cách và trường phái của mỹ thuật mới. Thế là dính thuốc ngay, say mê vẽ, dù mơ hồ về lý thuyết, và một số người trong thế hệ của tôi đã bị đuổi học như Nguyễn Trung, Nghiêu Đề... và tự ý bỏ học như Lâm Triết... Nhưng oái ăm thay, chính họ là những người tạo ra một dòng chảy mới cho hội hoạ Việt Nam mà ngày nay chúng ta coi đó là một thành tựu đẹp đẽ.

Hiển nhiên, không có sự phủ định cái cũ, không vượt qua cái cũ, thì chúng ta không có cái mới. Cái mới không hoàn hảo là điều tất nhiên, khi hoàn cảnh của hoạ sĩ trẻ Việt Nam đang còn như vậy. Ta hãy đọc họ ở cái ẩn chứa trong tác phẩm của họ. Cái ý niệm và hoạt động tư duy sáng tạo của họ mới là điều quan trọng nhất để ta chia sẻ với họ.

Trở lại phần nhận định của Phan Cẩm Thượng trên báo Thanh Niên, ông đã nhận ra sự khao khát của thế hệ hoạ sĩ trẻ muốn “phản biện với xã hội”“muốn có những loại hình nghệ thuật giúp họ bộc lộ được chính cảm xúc xã hội đương đại mà họ đang sống”. Và tất nhiên họ “dựa trên thông tin góp nhặt là chính chứ chưa có những cơ sở lý luận vững chắc”. Nhưng, theo tôi, điều đó không phải là không có hy vọng. Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại tên tuổi của một vài hoạ sĩ tự học (self-taught) lẫy lừng của thế kỷ 20 như Marcel Duchamp, Wassily Kandinsky, Andy Warhol... và một sự thật không thể chối cãi: những hoạ sĩ tự học đã góp phần làm nên sự lẫy lừng cho mỹ thuật thế kỷ 20.

 

[còn tiếp]

 

 

-----------

Đã đăng:

... Những gì mà tôi trình bày về “Mỹ Thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” đã đưa ra toàn cảnh của mỹ thuật hai miền Bắc và Nam Việt Nam đúng như nó đã diễn ra. Vì vừa là chứng nhân và cũng là người trong cuộc chiến thảm khốc, dai dẳng ấy, tôi đã xác định không nhìn vấn đề này theo một ý thức hệ chính trị nào. Khách quan và chuyên môn là hai tiêu chí tôi dành cho đề tài này... (...)
 
... Ngôn ngữ của mỹ thuật là một thứ ngôn ngữ khó đọc (trừ cổ điển và hiện thực), lại không thuộc về đám đông ngay cả với nghê thuật đương đại (tính cộng đồng cao hơn). Tất nhiên, đa phần hoạ sĩ đều vẽ tranh để bán mà ít quan tâm đến các nỗi đau về số phận con người, nên dưới mắt những quan chức văn hoá, mỹ thuật là đứa con ngoan hơn văn chương rất nhiều. Còn văn chương thì là một công cụ chính trị rất rõ ràng kể cả chống và làm nô dịch... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021