điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Trao đổi với Trịnh Cung về mỹ thuật Việt Nam [kỳ 2]

 

Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và hoạ sĩ Trịnh Cung dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải thành nhiều kỳ cho đến khi kết thúc.

 

Đã đăng: [kỳ 1]

 

Tiền Vệ [TV]: Cách đây sáu bảy năm, chúng tôi có nói chuyện với chị Huỳnh Bội Trân và được biết rằng lúc ấy chị phải sang Úc để làm luận án tiến sĩ về một đề tài liên quan đến mỹ thuật ở miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975, vì chị không được phép làm luận án về đề tài đó tại Việt Nam. Bây giờ thì tình hình ấy có gì thay đổi không? Trong nước đã có sách báo hay những buổi toạ đàm, thuyết trình công khai nào về đề tài đó chưa? Trong văn chương thì chúng ta đã thấy, mới đây, hồi năm ngoái (2007), sau khi vài quyển sách của Dương Nghiễm Mậu được tái bản, báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết rằng “những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần”, “… nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động”, và việc tái bản “những vũ khí độc hại” này “là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.” Ngay sau đó, mấy cuốn sách ấy bị thu hồi. Theo anh thấy, trong những năm gần đây, hội hoạ miền Nam trước 1975 có được đối xử khá hơn văn chương miền Nam trước 1975 hay không?

 

Trịnh Cung [TC]: Xét về mặt hiện tựợng, sự đối xử của chế độ đối với mỹ thuật Sài Gòn trước 1975 đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. Cụ thể là mỹ thuật Sài Gòn đã được coi như một giá trị trong toàn bộ lịch sử mỹ thuật của đất nước kể từ khi có cuốn sách Mỹ Thuật Việt Nam Hiện Đại do Viện Mỹ Thuật thuộc trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội xuất bản năm 2004. Tuy nhiên, đây là một việc làm không dễ dàng gì và cũng chỉ dừng lại trong phạm vi đánh động của một số nhà chuyên môn ở Hà Nội có cái nhìn rộng hơn và cấp tiến hơn.

Còn về một hội thảo? Chuyện lớn quá. Một toạ đàm về mỹ thuật Sài Gòn còn chưa có huống gì, mặc dù Mỹ Thuật Sài Gòn, chỉ xét về mặt chính trị, đó là một nền mỹ thuật thuần tuý sáng tạo và yêu thương con người, không làm công cụ cho một quyền lực chính trị nào. Chính vì yếu tố này mà Mỹ Thuật Sài Gòn được đối xử tử tế hơn bên văn chương, không phải mới đây mà ngay từ sau ngày 30-4-75. Tất nhiên để được như vậy, nó phải có một yếu tố quan trọng hơn có liên quan đến Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam (Sài Gòn). Tôi sẽ giải thích và chỉ ra yếu tố này trong một dịp khác và vào một thời điểm thích hợp hơn.

 

Trịnh Cung, “Cuộc đầu hàng của gia đình tôi” (sơn dầu trên bố, 1974).

 

TV: Vừa là hoạ sĩ, vừa là nhà thơ, anh sinh hoạt cùng lúc trong mỹ thuật và văn chương ở Việt nam. Chúng tôi vẫn thấy dường như không khí mỹ thuật dễ thở hơn, có lẽ vì nó không dính dấp trực tiếp đến "chữ nghĩa", hay vì giới mỹ thuật "làm ăn" khá hơn, nên họ không quan tâm lắm đến những "thông điệp" như giới văn chương. Anh thấy thế nào? Không khí sinh hoạt trong hai thế giới ấy thật sự khác nhau ra sao?

 

TC: Đúng như vậy, ngôn ngữ của mỹ thuật là một thứ ngôn ngữ khó đọc (trừ cổ điển và hiện thực), lại không thuộc về đám đông ngay cả với nghê thuật đương đại (tính cộng đồng cao hơn). Tất nhiên, đa phần hoạ sĩ đều vẽ tranh để bán mà ít quan tâm đến các nỗi đau về số phận con người, nên dưới mắt những quan chức văn hoá, mỹ thuật là đứa con ngoan hơn văn chương rất nhiều. Còn văn chương thì là một công cụ chính trị rất rõ ràng kể cả chống và làm nô dịch. Chính vì thế mà cứ mỗi lần Đại Hội Nhà Văn Việt Nam đều có mặt một nhân vật của Bộ Chính Trị, còn các hội khác thì để cho các quan chức ít quan trọng hơn chủ trì. Nhờ vậy mà phần lớn văn chương cũng ngoan không kém gì mỹ thuật.

 

TV: Anh đã sống và sáng tạo như thế nào kể từ 1975 cho đến giai đoạn "đổi mới"? Và từ giai đoạn "đổi mới" ấy cho đến nay?

 

TC: Tôi phải mất đi 12 năm không sáng tác kể từ 1975. Ở trong trại cải tạo hết 3 năm, 1 năm đi kinh tế mới và 8 năm vẽ ngừa sốt xuất huyết và đặt vòng tránh thai cho Sở Y Tế tp (Có lẽ cái nghệ danh của tôi đã “vận” vào tôi). Lúc đó, tôi coi như mình bẻ bút vì uất và không thể nào vẽ theo chủ trương của chế độ mới cho đến khi tôi phát hiện một điều: Bỏ vẽ là ngu xuẩn, uất mà bỏ vẽ càng ngu xuẩn, và tôi bắt đầu vẽ lại với một niềm tin: sáng tạo là con đường cứu rỗi, chứ không phải vẽ lại nhờ có chủ trương “đổi mới”.

 

Trịnh Cung, “Hoà nhạc trên sa mạc” (sơn dầu trên bố, 1987).

 

Tất nhiên, từ lúc này cho đến trước chuyến đi Pháp năm 1994 là một giai đoạn hội hoạ figuratif mang nặng tâm thức của một con người lưu vong ngay trên quê hương mình.

 

Trịnh Cung, “Treo trên giá vẽ” (sơn dầu trên bố, 1991),

 

Hằng tháng đều có khách từ ngoại quốc về mua, hiện số tranh này nằm rải rác ở Pháp, Singapore, Hồng Kông, Anh, Mỹ và Canada. Nhờ vậy mà tôi thoát ra khỏi cảnh nghèo túng và thôi làm việc cho Sở Y Tế tp để tập trung cho việc sáng tác.

 

Trịnh Cung, “La lune sur la Seine” (sơn dầu trên bố, Paris, 1994).

 

Và tôi đã chuyển sang một giai đoạn hội hoạ khác trong chuyến đi Mỹ năm 1996 theo lời mời thỉnh giảng của trường Đại Học San Francisco. Đây là chuyến đi mang tính bước ngoặt cho hội hoạ của tôi, đó là việc phải dừng lại lối vẽ kể chuyện, ray rứt về nỗi đau phận người. Như thế là tạm đủ, cần có một tư duy hội hoạ mới, cần một hình thái sáng tạo khác, phải vượt biên văn hóa để mở rông không gian cảm xúc nghệ thuật.

 

Trịnh Cung, “Echo of The Land” No.8 (sơn dầu trên bố, California, 1997).

 

Và như thế, tôi đã chia tay với hội hoạ biểu hình và sống với hội hoạ trừu tượng. Với 9 tháng ở lại Mỹ, tôi vẽ được 10 bức trừu tượng có tên chung là Echo of The Land, và loạt tranh ấy đã mang lại sự thành công ngoài mong đợi trong 2 cuộc triển lãm ở Orange County (California) và Washington DC. năm 1997. Và tiếng vang của nó đã giúp tôi nhận ngay lời mời triển lãm tại LA Artcore (một gallery Mỹ phi vụ lợi dành cho các hoạ sĩ được chọn trong nước và các quốc gia khác) thuộc thành phố Los Angeles vào năm sau mà không qua một thủ tục lượng giá và xếp hạng nào như những hoạ sĩ khác.

Như hiệu ứng vết dầu loang, cảm xúc sáng tạo ấy tiếp tục đưa tôi ra khỏi vùng của những lốc xoáy thế sự cho đến hôm nay, ít ra là trong hội hoạ.

 

TV: Là một hoạ sĩ thành danh ở miền Nam thời trước 1975, anh thấy không khí sáng tạo thời ấy và thời bây giờ khác nhau ra sao? Chẳng hạn, nếu ta thử so sánh tinh thần nghệ thuật của giới hoạ sĩ trẻ trước 1975 và giới hoạ sĩ trẻ bây giờ, thì ta sẽ thấy những sự khác biệt gì?

 

TC: Thật khó mà so sánh về mặt tinh thần nghệ thuật của giới hoạ sĩ trẻ của hai thời kỳ cách nhau hơn 30 năm và khá xa nhau về môi trường sống. Nếu nói về thiệt thòi của lớp hoạ sĩ trẻ ngày hôm nay về những điều kiện tự do tư duy và hoạt động nghệ thuật, thì chúng tôi thời trước may mắn hơn họ nhiều. Nhưng họ — các hoạ sĩ trẻ hôm nay — có những người đã dám từ khước con đường mỹ thuật thị trường để làm nghệ thuật đương đại — thứ nghệ thuật rất tự do và đầy tính cộng đồng, không phù hợp với thiết chế xã hội của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa — vì thế, họ luôn bị các nhà quản lý văn hóa gây khó dễ. Đó là thực sự rất đáng trân trọng. Đây là điểm nổi bật của phẩm cách người nghệ sĩ trẻ hôm nay. Chúng tôi thời trước 75 thì không ai giầu có, nhưng vẫn là những đứa con được xã hội nuôi dưỡng tử tế, dù chúng tôi có là những đứa trẻ khó bảo.

 

Trịnh Cung trong studio mới, Sài Gòn, 2004.

 

[còn tiếp]

 

----------
Phụ chú:
Hình chụp những bức tranh của Trịnh Cung trên đây do Tiền Vệ sưu tầm.

 

 

-----------

Đã đăng:

... Những gì mà tôi trình bày về “Mỹ Thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” đã đưa ra toàn cảnh của mỹ thuật hai miền Bắc và Nam Việt Nam đúng như nó đã diễn ra. Vì vừa là chứng nhân và cũng là người trong cuộc chiến thảm khốc, dai dẳng ấy, tôi đã xác định không nhìn vấn đề này theo một ý thức hệ chính trị nào. Khách quan và chuyên môn là hai tiêu chí tôi dành cho đề tài này... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021