điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Trao đổi với Trịnh Cung về mỹ thuật Việt Nam [kỳ 1]

 

Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và hoạ sĩ Trịnh Cung dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải thành nhiều kỳ cho đến khi kết thúc.

 

_______________

 

Tiền Vệ [TV]: Trước hết ta hãy trao đổi về vài sự kiện gần đây nhất. Theo chúng tôi biết, anh vừa cùng một phái đoàn nghệ sĩ tạo hình từ Việt Nam sang Singapore tham dự “Symposium on Modern and Contemporary Vietnamese Art” (Hội Thảo về Mỹ Thuật Việt Nam Hiện Đại và Đương Đại) tại Singapore Art Museum (Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Singapore) từ ngày 16 đến 18 tháng Năm, 2008. Những ấn tượng mạnh mẽ anh nhận được từ cuộc Hội Thảo ấy là gì?

 

Trịnh Cung [TC]: Trước hết cần nói rõ hơn, không hẳn tất cả chúng tôi (đoàn Việt Nam gồm 7 người) đều là nghệ sĩ tạo hình. Chị Bùi Như Hương của Viện Mỹ Thuật Hà Nội và Phi Đức của trường Đại Học Mỹ Thuật tp HCM là những cán bộ chuyên ngành lý luận và phê bình mỹ thuật. Những người còn lại gồm Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Đào Minh Tri, Như Huy và tôi đều là hoạ sĩ.

Có 2 đặc điểm gây chú ý ngay của Hội Thảo này đã làm cho hầu hết các khách mời từ Việt Nam (do quán tính lạc hậu) vừa khâm phục cách tổ chức rất chuyên nghiệp, vừa ngạc nhiên về mục đích của hội thảo đậm tính quốc tế do Bảo Tàng Mỹ Thuật Singapore tổ chức chỉ chủ yếu bàn về tất cả các vấn đề của mỹ thuật Việt Nam từ tiền-“đổi mới” đến hậu-“đổi mới”. Đây là một hội thảo về mỹ thuật Việt Nam có số diễn giả ngoại quốc đông nhất từ xưa đến nay (12 người bao gồm Pháp, Anh , Mỹ, Úc, Nga, Nhật và Singapre), chưa tính đến 3 tham luận của 3 Việt kiều (2 từ Mỹ và 1 từ Úc), trong lúc đó Việt Nam chỉ có 7 người. Như vậy, có thể nói từ nước ta đến thế giới chưa có nơi nào làm như Singapore cho mỹ thuật Việt Nam.

Và một đặc điểm khác (chỉ riêng đối với chúng ta) là, ngoài diễn giả và ban tổ chức, tất cả những người đến nghe hội thảo đều phải mua vé với giá 100 đô Singapore. Trong số khoảng 70 khách dự thính, Việt Nam có 7 người (4 của Hà Nội và 3 của tp. HCM, và 1 trong 3 người của tp. HCM có nhà báo Quang Thi của báo Thanh Niên, đây cũng là một điều hiếm thấy đối với báo chí Việt Nam). Có lẽ vì thế, sau khi kết thúc phần nói về tranh sơn mài Việt Nam, trong một lúc xúc động, hoạ sĩ Đào Minh Tri, người từng có nhiều thời gian lãnh đạo Hội Mỹ Thuật tp. HCM, nay đã nghỉ việc vì sức khoẻ, đã nói tại hội thảo: “Mỹ thuật Việt Nam chúng tôi không tổ chức được như thế này dù có cho tiền”.

 

Nguyễn Quân, Natalia Kraevskaia ,Trịnh Cung, David Thomas, Phan Cẩm Thượng

 

TV: Trong buổi sáng ngày đầu tiên của cuộc Hội Thảo, Nora Taylor (Mỹ), Nadine Andre-Pallois (Pháp), Phoebe Scott (Úc) và Masahiro Ushiroshoji (Nhật) đã khai triển các nhận định về sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại kể từ khi Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine (Trường Mỹ Thuật Đông Dương) được thành lập. Theo anh, những nhận định của họ có những điều gì đáng lưu ý?

 

TC: Nora Taylor không phát biểu, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam người Mỹ này giữ vai trò điều phối viên (moderator) cho buổi sáng.

Trong 3 tham luận của 3 diễn giả ngoại quốc ấy chỉ có bài nghiên cứu của Phoebe Scott về các hoạ sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương và báo chí thời thực dân là rất thú vị. Nó cho chúng ta thấy sự kết nối một thời tuyệt vời giữa báo chí, văn học và mỹ thuật Việt Nam. Khi sự kết nối này tốt đẹp nó sẽ tạo ra một thời kỳ phát triển của cả 3 bên và ngược lại. Tất nhiên, tôi không cần phải bàn đến khía cạnh mà tác giả cho thấy tính phê phán là chủ yếu trong các minh hoạ của Nguyễn Gia Trí mà báo chí Việt Nam trong thời thuộc địa Pháp đã khai thác.

Phần nói chuyện của Masahiro Ushiroshoji không có gì đáng bàn, chỉ là những thông tin có giá trị sử liệu về cuộc du hành qua Nhật năm 1943 của 3 hoạ sĩ Việt Nam gồm Nam Sơn, Lương Xuân Nhị và Nguyễn văn Tỵ, được xem như cuộc trao đổi văn hoá Việt-Nhật thời chiến tranh Đại Đông Á trước khi Nhật Bản phải rời bỏ việc chiếm đóng Việt Nam và đầu hàng Đồng Minh và hiện tượng này là duy nhất đối với vùng Đông Nam Á trong thời quân phiệt Nhật.

Nữ diễn giả người Pháp, Nadine Andre-Pallois, thì không có đặc điểm gì khác với những nhà nghiên cứu cùng quê hương với chị, như Corinne de Ménonville, tác giả cuốn Hội Hoạ Việt Nam từ Truyền Thống đến Hiện Đại xuất bản tại Paris năm 2000, thậm chí sự hiểu biết về mỹ thuật Việt Nam của Nadine còn không sâu rộng bằng.

 

TV: Buổi chiều ngày đầu tiên, cuộc Hội Thảo đã chuyển sang phần hai, tập trung vào đề tài mỹ thuật Việt Nam trong thời chiến tranh. Ngoài anh, là hoạ sĩ đến từ Việt Nam, chúng tôi thấy có Nadine Andre-Pallois (Pháp), C. David Thomas (Mỹ), Adrian Jones (Anh), và Joyce Fan (Singapore). Như một hoạ sĩ Việt Nam đã sống và sáng tác trong thời chiến tranh, nghĩa là có kinh nghiệm trực tiếp với hoàn cảnh ấy, anh nghĩ thế nào về những nhận định của họ? Họ có cái nhìn đúng đắn về mỹ thuật Việt Nam trong thời chiến tranh hay không? Trong bài thuyết trình “Mỹ thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” của anh, anh đã trình bày về những điểm gì? Và anh cảm thấy bài thuyết trình đã được đón nhận như thế nào?

 

TC: Lần này, Nadine Andre-Pallois là moderator. Thực sự chỉ có bài nói chuyện của tôi là đưa ra toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam suốt thời chiến tranh Việt Nam từ 1954 đến 1975, còn 2 diễn giả kia, một người Anh và một người Mỹ, chỉ đưa ra những cách nhìn hạn chế và chủ quan. Thậm chí Adrian Jones, với đề tài “Những hoạ sĩ trong chiến tranh”, chỉ nói đến một số ít hoạ sĩ bộ đội cộng sản Việt Nam mà ông ta đã găp và sưu tập tác phẩm của những hoạ sĩ này. David Thomas, hoạ sĩ-cựu binh phản chiến Mỹ có nhiều tư liệu hơn về những hoạ sĩ giải phóng quân Việt Nam, và cũng chỉ dành suốt cuộc đời còn lại của ông cho công việc đề cao những đồng nghiệp Việt Nam một thời là kẻ thù, để chuộc lại những tội ác mà nước Mỹ của ông đã giáng xuống họ.

Ngược lại với cách nhìn phiến diện, lệch lạc và kém chuyên môn như thế, những gì mà tôi trình bày về “Mỹ Thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” đã đưa ra toàn cảnh của mỹ thuật hai miền Bắc và Nam Việt Nam đúng như nó đã diễn ra. Vì vừa là chứng nhân và cũng là người trong cuộc chiến thảm khốc, dai dẳng ấy, tôi đã xác định không nhìn vấn đề này theo một ý thức hệ chính trị nào. Khách quan và chuyên môn là hai tiêu chí tôi dành cho đề tài này.

Hội hoạ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã thành công như thế nào suốt 21 năm (từ 1954-1975) trong việc biến các tác phẩm mỹ thuật thành súng đạn, bom mìn và lửa căm thù để “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Ở miền Bắc, tất cả mọi thông tin về sáng tạo và hoạt động mỹ thuật phương Tây đều bị bịt kín, không ai được biết, v.v…. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm của đề tài, vì phần lớn ai đã nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam đều biết.

Điều mọi người ở đây chờ đợi là phần nói về mỹ thuật Sài Gòn sau cuộc di cư 1 triệu người từ miền Bắc vào Nam năm 1954, năm Việt Nam bị chia đôi theo hiệp định Genève. Đây là lần đầu tiên mọi người ở đây được nghe những thông tin rất thực về hai nền mỹ thuật trường qui và hiện đại cùng song hành và phát triển tại miền Nam Việt Nam. Tôi trình chiếu lên màn ảnh những tác phẩm hội hoạ của những danh hoạ miền Nam Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, v.v..., cho thấy tranh của họ đầy cá tính sáng tạo và đa dạng về ngôn ngữ tạo hình, và nhất là phi chính trị. Đặc biệt tôi đã nhấn mạnh và đánh giá 9 năm dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà là thời vàng son của văn hoc và nghệ thuật Sài Gòn. Không có thời kỳ này, Nam Việt Nam không thể có sự xuất hiện của một lớp người làm văn học và nghệ thuật đầy tài năng. Sự tác động của 3 dòng chảy nghệ thuật: Tự do (hay Độc lập), Trường qui và Trẻ là mấu chốt của sự phát triển sáng tạo và từ đó đã hình thành một nền mỹ thuật hiện đại toàn diện cho Nam Việt Nam. Nhưng rất tiếc, cuộc bại trận của Nam Việt Nam năm 1975 đã làm cho nền mỹ thuật trên đà phát triển này phải giữa đường gãy gánh...

Bài nói chuyện có phần ngẫu hứng của tôi được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều cử toạ ngoại quốc đã tỏ ra ngạc nhiên về sự có thật của một nền mỹ thuật hiện đại đầy phẩm chất như thế ở Sàì Gòn trước đây. Và nhiều bạn trong đoàn Việt Nam cũng đã bắt tay tôi đầy cảm tình.

 

Joyce Fan (curator) & Trịnh Cung

 

[còn tiếp]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021