điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Hiện hữu trong thiểu số

 

Bài nhận định về cuộc triển lãm Voices of Minorities
— hội hoạ của Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn —
tại Chrissie Cotter Gallery, Sydney, 18/07 - 05/08/2007.

 

(Bản dịch Việt văn của Hoàng Ngọc-Tuấn,
từ nguyên tác Anh văn “Being in the Minority”)

 

Khi Bội Trân Beattie-Huỳnh — người giám tuyển — cho tôi biết chị sắp tổ chức một cuộc triển lãm tranh của My Le Thi và Nguyễn Thái Tuấn và gọi đó là Tiếng Nói của Những Thiểu Số, tôi cảm thấy phấn khích nhưng hơi băn khoăn. Chị dùng chữ "thiểu số" với ý nghĩa gì vậy? My Le Thi, một nghệ sĩ gốc Hoa lớn lên ở Việt Nam, có thể được xem là thành viên của một sắc tộc thiểu số trong bối cảnh đa văn hoá Úc. Thế nhưng, Nguyễn Thái Tuấn là một nghệ sĩ người Việt Nam và là một công dân Việt Nam. Làm sao cái nhãn hiệu này thích hợp với anh, khi anh chẳng thuộc về một sắc tộc thiểu số nào của cả Việt Nam lẫn Úc? Tuy nhiên, càng nói chuyện với Bội Trân, My Le và Tuấn, tôi càng hiểu thêm rằng chữ "thiểu số" đối với họ có một ý nghĩa phong phú và rộng rãi hơn rất nhiều so với ý nghĩ của tôi. Vì thế, tôi xin dành phần còn lại của bài viết ngắn này để diễn tả những cách thế qua đó tôi nhìn thấy sự hiện hữu đầy sáng tạo và can đảm của hai nghệ sĩ, và người giám tuyển, trong một không gian thiểu số.

My Le lớn lên như một kẻ ngoại cuộc trong cái xã hội Buôn Mê Thuột nhỏ bé ở Cao Nguyên Trung Việt, nơi chị cảm thấy những người Ê-Đê và những sắc dân bộ lạc khác ở miền núi gần gũi với mình hơn là những người Việt Nam đến từ miền xuôi. Cũng như những người gốc Hoa ở các miền biên thuỳ Đông Dương, My Le vốn quen sống ở những vùng giao thoa văn hoá, và thông thạo một vài ngôn ngữ. Lối sống công dân thế giới của chị không phù hợp với bất cứ nhãn hiệu sắc tộc đơn thuần nào cả, và thật là một kinh nghiệm trớ trêu, chị được gọi là "người Việt Nam" lần đầu tiên lúc chị đặt chân lên đất Úc! Đối với những ai quen với cách đặt tên của người Việt Nam, thì cái tên "My Le Thi" thật là bất ngờ và khó hiểu bởi nó luôn luôn được viết không có dấu (nhưng chị lại thích thế), và dường như nó còn thiếu một cái họ. Độc giả người Việt Nam khi gặp chữ "Thi" không có dấu sẽ cho rằng nó là chữ "Thị" (có dấu nặng), một chữ lót rất thông thường trong tên của các phụ nữ Việt Nam; và "My Le" sẽ được hiểu là tên riêng. Hầu hết các họ thông thường của người Việt Nam được lấy từ các họ của những vương triều trước kia, và do đó gắn liền người mang họ với một cảm thức sâu sắc về lịch sử và dân tộc Việt Nam (một trường hợp đáng nêu ra là họ Nguyễn — một cái họ mà người Úc vẫn không thể phát âm đúng mặc dù đó là cái họ đứng hàng thứ bảy trong số những cái họ phổ thông nhất ở Úc!). My Le mang một cái tên dường như không còn ràng buộc chị với một huyết thống Việt hay Hoa, và điều này làm nổi lên tính cách thách thức và đầy tra vấn của chị trong việc định danh sắc tộc, quốc gia và phái tính. Thật vậy, sự mơ hồ trong cái tên của My Le đã khiến chị có lần bị các cán bộ phụ trách di trú ở sân bay chặn lại để đòi chị giải thích, và nhiều người ở Việt Nam thường cố gắng "sửa" nó bằng cách xếp đặt lại các chữ để tạo nên một tên gọi thông thường là Lê Thị Mỹ!

Vì thế, chẳng đáng ngạc nhiên rằng My Le là một nghệ sĩ có cái nhìn phân tích sâu sắc đối với sự hàm hồ của những lối phân loại chủng tộc, sắc dân và phái tính. Trong tác phẩm của chị, chị đem những biểu tượng cố hữu của sự dị biệt (về màu da, nhân dáng, ngôn ngữ, v.v.) vào những động thái khác nhau, và hầu hết những động thái ấy bao gồm việc giản lược triệt để và "thị ảnh hoá" những dấu hiệu ấy, chẳng hạn dưới hình thức những khung màu da người, hay những cột chữ song song chứa đựng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sự gắn bó bền bỉ của My Le với những người đã từng bị áp bức, bị ngược đãi và phải trốn chạy — kể cả thổ dân Úc và những người tị nạn vừa đến từ châu Phi và Trung Đông — cũng là một thực chứng cho năng lực từ bi của chị, như một công dân thế giới, đối với Kẻ Khác. Thay vì chỉ đơn giản an toạ trong trạng thái "định cư" của mình, thì My Le, với ý thức chính trị và cảm xúc của mình, lại quyết tâm tiếp tục sống như mới vừa trải qua một cuộc di trú gian khổ vì hậu quả của chính sách ngược đãi người Hoa ở Việt Nam thời hậu chiến. Vị thế "thiểu số" của chị thể hiện cao độ nhất trong sự chối từ cái hạnh phúc ngu muội khiến những kẻ tin rằng mình thuộc về đa số lại tin rằng mình thuộc về cái gì có thật.

Nguyễn Thái Tuấn ra đời trong một ngôi làng ở Quảng Trị, một trong những tỉnh lỵ khô cằn và đói kém của Việt Nam. Giống như nhiều người đồng hương của anh, anh đã dời lên miền cao vào năm 1987, sau khi tốt nghiệp ở Huế, và định cư ở vùng đồi núi Đà Lạt — trước kia người Pháp chiếm làm nơi cư trú. Trong khi những hoạ sĩ khác ở Đà Lạt sản xuất các hình ảnh lãng mạn về cảnh núi non và những người sắc tộc thiểu số, Tuấn lại dũng cảm và sắc sảo phê phán sự áp bức mà thường dân Việt Nam vẫn còn chịu đựng mặc cho sự du nhập của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng và những ấn tượng về con người Việt Nam tươi cười vẫn đọng trong trí óc của khách du lịch. Hình ảnh những trụ phát thanh bằng loa sắt trong tranh của Tuấn (bức Vô đề’ số 22) đã đập vào mắt tôi như một biểu tượng lỗi thời của sự tuyên truyền của nhà nước, cho đến khi anh và Bội Trân bảo cho tôi biết rằng những trụ loa sắt ấy vẫn còn ở rất nhiều thôn làng và phố thị trên cả đất nước. Việc trưng bày những cái loa ấy trong tranh của Tuấn hôm nay không hẳn như một cách biểu tượng hoá sự khốn khổ của thời kỳ trung ương tập quyền và thứ văn hoá một màu do nhà nước sản xuất theo kiểu Stalin, mà đúng hơn là biểu tượng về sự thiếu thốn triền miên của một không gian cho tư duy phê phán chính trị và đạo đức và cho những lời đàm luận trong một nước Việt Nam "hậu xã hội chủ nghĩa". Và ở đây ta thấy một thông điệp mang tính phổ quát hơn. Như Chalmers Johnson, trong cuốn Nemesis vừa xuất bản của ông, nhắc nhở cho chúng ta rằng chính cái sự thiếu khả năng tư duy một cách đạo đức và phê phán đối với bản thân là nguyên uỷ của cái tội ác thô lậu của tên Nazi "thư lại sát nhân" Alfred Eichmann. Trong khi ở Việt Nam sự thiếu khả năng tư duy chính trị là một cái gì đã được nhà nước đặt định, thì ở một xã hội "tự do" như nước Úc đó là một cái gì được người ta chọn lấy. Những tác phẩm của Tuấn kêu gọi chúng ta hãy trở thành thiểu số bằng cách chống lại cái sức mạnh đã tước đoạt quyền hạn và nghĩa vụ của chúng ta đối với một cuộc dấn thân đầy ý nghĩa vào chính sự và cái đạo đức của nó.

 

Nguyễn Thái Tuấn, ‘Vô đề’ số 22

 

Một ý nghĩa quan trọng khác, qua đó cuộc triển lãm này nói lên vị thế thiểu số, chính là ở nỗ lực kết hợp những nghệ sĩ từ Việt Nam và từ các cộng đồng người Việt lưu vong. Mặc dù sự kiện hiển nhiên là nhiều người Úc gốc Việt vẫn hàng năm trở về Việt Nam để thăm gia đình và ăn Tết, cái vị thế chính thức của các hội đoàn cộng đồng và báo chí cộng đồng vẫn là "chúng tôi" không hợp tác với nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Loại chính trị Chiến Tranh Lạnh này đưa đến cái tình trạng khôi hài rằng một nghệ sĩ như Tuấn — được xem là một người bất thoả hiệp đầy can đảm ở Việt Nam (dù chính anh khiêm tốn từ chối cái danh hiệu này) — vẫn có nguy cơ bị ngăn chặn bởi những người chống cộng vì anh dám cả gan triển lãm ở Úc! Tất nhiên, tất cả những thành viên tổ chức triển lãm đều cảm thông với những đau đớn mà những người trong cộng đồng người Việt đã chịu đựng sau cuộc chiến Việt Nam và trong hành trình tị nạn (quả thật, nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn và nghệ sĩ My Le Thi đã chia sẻ kinh nghiệm ấy). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng có những cách thế rất khả kính để tưởng nhớ và trao truyền cái di sản chung này của những người tị nạn, hơn là những cuộc biểu tình chống đối trật đường rầy với thái độ chính trị bất kể phải trái. Buồn thay, số phận của những người tìm cách xây dựng những cầu nối con-người-với-con-người giữa Việt Nam và các cộng đồng tị nạn vẫn cứ liên tục bị chèn kẹt giữa hai thế lực. Bên kia, chính quyền Việt Nam, mặc dù đưa ra chính sách hợp tác với các cộng đồng Việt ở hải ngoại, vẫn nghi ngờ những người tạo ra những sự kết nối bên ngoài cái lối nhìn nông cạn và vị kỷ của thứ chủ nghĩa liên quốc gia kiểu Việt Nam. Bên này, các hội đoàn chống cộng của cộng đồng cố tình không thấy tầm quan trọng của những nối kết mang tính phê phán và phát triển từng bước như những gì Bội Trân đang cố gắng tạo ra trong cuộc triển lãm này.

Cuộc triển lãm Tiếng Nói của Những Thiểu Số thành công vì nó vượt lên trên cái thái độ một-chiều như thế. Nó mang đến cho chúng ta một nhãn quan thật sự mang tính toàn cầu đối với vấn đề sống như người Việt Nam "thiểu số" thì có ý nghĩa gì — kể cả nghĩa tích cực và tiêu cực — trong một giai đoạn lịch sử rối rắm dường như khó biết nên hy vọng hay tuyệt vọng. Cuộc triển lãm dạy cho những con người của cả hai bên chiếc cầu Việt Nam về những cuộc đấu tranh mà mỗi bên đang đương đầu, và những loại chiến lược mà chúng ta có thể vay mượn từ mỗi bên để chiến đấu. Đây là một cống hiến nhỏ nhưng quan trọng trong công việc tiếp diễn không ngừng nhằm xây dựng một không gian bao la cho những đàm luận mang tính phê phán về mỹ học, đạo đức và chính trị.

 

 

-----------------

Xin đọc thêm:

... Chúng ta thường nghe nói rằng những nghệ sĩ hành động như những người trí thức là những kẻ bơi ngược dòng. Chọn tiếng nói của thiểu số chính là hành động bơi ngược dòng. Để làm điều này, Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn chẳng phải chỉ thấy, nghe và diễn tả tiếng nói của thiểu số, mà họ phải thực sự sống với thiểu số mà họ chọn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021