điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Nghệ Thuật Tự Hủy
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

 

Gustav Metzger -- nhà mỹ thuật, nhà tranh đấu cho hoà bình -- sinh tại Nuremberg năm 1926, hiện đang sống tại London.
 
Năm 1959, lúc cuộc Chiến Tranh Lạnh bắt đầu căng thẳng, và hai mươi năm sau khi gia đình của Gustav Metzger bị Đức Quốc Xã thiêu sống trong Holocaust, ông xuất bản tuyên ngôn "Nghệ Thuật Tự Hủy", văn bản đầu tiên trong một loạt tuyên ngôn về mối quan hệ giữa sự huỷ hoại và sự sáng tạo trong nghệ thuật.
 
Metzger dự tưởng rằng "nghệ thuật tự huỷ" là những tác phẩm hoành tráng được kiến tạo một cách đặc biệt để chúng có thể tự tan rã và sụp đổ trước sự chứng kiến của mọi người quanh địa điểm trưng bày. Tiến trình phân hoại này được trợ lực bởi những hệ thống kỹ thuật điện toán tinh vi; và do đó, nghệ sĩ cần phải cộng tác với những khoa học gia và kỹ sư.
 
Sau khi đã tung ra những bản tuyên ngôn về "nghệ thuật tự huỷ", Metzger đi giảng thuyết tại nhiều nơi về đề tài này. Năm 1962, Metzger giảng thuyết tại Ealing Art School, London, và trong đám sinh viên lúc ấy có Peter Townsend. Sau này, Peter Townsend trở thành giọng hát chính của ban nhạc rock The Who, và anh ta trở nên nổi tiếng với hành động đập vỡ những cây đàn trong lúc trình diễn. Hành động ấy trở thành biểu tượng quốc tế của tuổi trẻ những năm 1960 từ chối di sản chính trị, đạo đức và văn hoá của các thế hệ trước. Peter Townsend thú nhận rằng ý tưởng đập đàn đã nẩy sinh từ lúc anh ta nghe Metzger giảng thuyết về "nghệ thuật tự huỷ".
 
Năm 1966, Metzger tổ chức "Hội Luận về Sự Huỷ Hoại trong Nghệ Thuật" (Destruction in Art Symposium) tại London. Đó là một hội luận quốc tế, kéo dài ba ngày, và tiếp theo là hàng loạt những biến cố "nghệ thuật tự huỷ" diễn ra liên tục trong một tháng.
 
Gustav Metzger đẻ ra ý niệm "nghệ thuật tự huỷ", nhưng chưa bao giờ bắt tay vào thực hiện những dự tưởng của ông ở tầm cỡ lớn lao.
 
Chính Jean Tinguely (1925-1989), nghệ sĩ Thuỵ Sĩ, mới là người thực hiện những tác phẩm "nghệ thuật tự huỷ" hoành tráng. Tháng 3 năm 1960, ông được Peter Selz uỷ thác thực hiện một tác phẩm "nghệ thuật tự huỷ" (Peter Selz là curator của Museum of Modern Art tại New York). Jean Tinguely sử dụng những phế liệu để làm nên bức điêu khắc hoành tráng Homage to New York (Vinh danh Nữu Ước), rồi sau đó trong cuộc trưng bày tại vườn điêu khắc của Museum of Modern Art, tác phẩm này đã tự hủy hoại. Tiếc thay, tác phẩm chưa hoàn toàn tự huỷ thì bất ngờ bốc cháy vì một lỗi kỹ thuật và lính cứu hoả lao ngay vào để xịt nước cho tắt đi. Đến năm 1962, đài truyền hình NBC (National Broadcast Company) đã uỷ nhiệm cho Jean Tinguely làm một bức điêu khắc tự huỷ khác, gọi là Study No.2 for an End of the World (Bài nghiên cứu số 2 cho một cuộc Tận Thế). Lần này cuộc trưng bày được tổ chức và truyền hình trực tiếp ngay bên cạnh địa điểm thí nghiệm vũ khí nguyên tử trong sa mạc Nevada. Mọi diễn tiến đều thành công như dự định.
 
Một cuộc trưng bày về nghệ thuật và tư tưởng của ông vừa được Generali Foundation tổ chức tại Vienna dưới tên gọi "Gustav Metzger: History History". Cuộc trưng bày này sẽ kéo dài từ ngày 5 tháng 10 đến ngày 28 tháng 8 năm 2005.

 

 

NGHỆ THUẬT TỰ HỦY

 

Nghệ thuật tự huỷ, xét về căn bản, là một hình thức nghệ thuật công cộng nhắm vào những xã hội kỹ nghệ.

Hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc tự huỷ là một tổng thể hợp nhất của ý tưởng, địa điểm trưng bày, hình thái, màu sắc, phương pháp và kế hoạch thời gian của tiến trình phân hoại.

Nghệ thuật tự huỷ có thể được sáng tạo nhờ sử dụng những sức mạnh thiên nhiên, những kỹ xảo mỹ thuật truyền thống và những kỹ thuật công nghệ.

Âm thanh được khuếch đại của tiến trình tự huỷ có thể là một thành tố của ý niệm tổng thể.

Nghệ sĩ có thể cộng tác với những khoa học gia và kỹ sư.

Nghệ thuật tự huỷ có thể được chế tạo bằng máy móc và được ráp tại cơ xưởng.

Những bức hội hoạ tự huỷ, những bức điêu khắc tự huỷ và những kiến trúc tự huỷ có thời gian hiện hữu từ một vài khoảnh khắc cho đến hai mươi năm.

Khi tiến trình phân hoại đã hoàn tất, tác phẩm phải được dời khỏi địa điểm trưng bày và vất vào đống rác.

 

 

-----------------------------
Nguyên tác Anh ngữ: "Auto-Destructive Art" của Gustav Metzger, công bố tại London ngày 4 tháng 11, 1959; in lại trong Kristine Stiles & Peter Selz (eds.), Theories and Documents of Contemporary Art: A Sourcebook of Artists' Writings (Berkeley: University of California Press, 1996) 401.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021