điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Nghệ thuật trong thời chiến tranh
(bản dịch của Trần Tuệ Minh)

Lời người dịch:

Dưới đây là bài viết của B.N. Goswamy, sử gia mỹ thuật, phê bình gia, và Giáo Sư về Lịch Sử Mỹ Thuật tại Punjab University, Chandigarh. Bài này đăng trên The Tribune (12/01/2003). Khi viết bài này, Goswamy không biết rằng hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã từ trần trước đó hơn hai tháng (04/11/2002). Ðọc bài viết, người dịch phỏng đoán rằng Goswamy phát hiện nghệ thuật Lê Thành Nhơn khi đọc cuốn Lê Thành Nhơn (do cơ sở tạp chí Việt xuất bản năm 2002 tại Victoria, Australia). Những thông tin khác về Lê Thành Nhơn, ngoài những gì được ghi nhận trong cuốn sách, có lẽ chính Goswamy thu nhận được qua Viện Bảo Tàng Quốc Gia Australia. Bức ảnh pho tượng đức Phật đăng kèm theo bài viết của Goswamy là bản "scan" của bức ảnh do Huỳnh Bội Trân, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, chụp bằng digital camera trước sân tư gia của nhà thơ Võ Quốc Linh vào giữa năm 2002, trong thời gian Lê Thành Nhơn lâm trọng bệnh. Huỳnh Bội Trân đã đăng bức ảnh này kèm theo một bài viết của chị, nhan đề "Le Thanh Nhon: An Émigré Artist", trên TAASA Review (The Journal of the Asian Arts Society of Australia) số tháng 11, 2002.

 

 

Những gì xảy đến cho nghệ thuật và cho tâm hồn người nghệ sĩ trong thời chiến tranh không phải luôn luôn dễ dò đến đáy. Thông thường, dường như chẳng có gì xảy ra trên bề mặt, nhưng những ý tưởng cứ không ngừng sủi tăm; những suy nghĩ cứ không ngừng hằn sâu vào tâm trí. Chỉ đề trồi lên trở lại, đôi khi với sức mạnh dữ dội hơn, vào một lúc khác. Hay trong một hình thái khác. Không có cái chết: chỉ là giấc đông miên.

Ðiều này nổi dậy trong tâm trí tôi, trong thời gian gần đây, khi tôi được tiếp cận với tác phẩm và sự nghiệp của một nghệ sĩ từ Việt Nam: Lê Thành Nhơn. Tôi chưa bao giờ nghe đến tên tuổi của ông trước đây nhưng, khi được đọc những tài liệu về ông, một niềm xúc động về ông dâng lên trong tôi. Ðiêu khắc gia, hoạ sĩ, nhà thủ ấn hoạ, và nghệ sĩ đồ gốm, Lê Thành Nhơn thuộc về một đất nước đã chứng kiến bộ mặt khủng khiếp nhất của chiến tranh: sự chết chóc và tàn phá, cướp bóc, đói rách, đến một mức độ mà chúng ta ở đây không thể nào tưởng tượng nổi. Bất cứ ai đã xem cuốn phim cổ điển Apocalypse Now của Coppola hẳn có thể thoáng thấy một góc nhỏ của tấn thảm sát mà Việt Nam đã trải qua. Và nghệ thuật, bất cứ loại nghệ thuật nào, sống sót được trong trạng huống đó quả là điều hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nó đã thực sự sống sót.

Ông đã rời quê hương vào năm 1975 để định cư tại Úc, và toàn bộ cuộc xâm nhập của Mỹ đã không lắng vào cảm nghiệm cá nhân của riêng Nhơn, nhưng chính cuộc tranh đấu chống Pháp cay đắng và dài lâu của nhân dân Việt Nam trước đó mới đọng lại trong tâm cảm ông. Những đề tài về chủ nghĩa ái quốc, lòng can đảm, sự kiên cường, dường như đã khắc vào tâm tư ông, cũng sâu sắc như những cảnh tượng tàn phá và sự dối trá của chiến tranh. Suốt cả đời ông đã không là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thực sự - có những lúc ông làm việc như một thợ sơn xì tại một xưởng chế tạo xe hơi, và như một nhân viên bán vé tàu điện - nhưng một tác phẩm điêu khắc ông hoàn tất vào năm 1974 lại toả ra một sức mạnh đáng kinh ngạc. Ðó là chân dung của một đại anh hùng Việt Nam, cụ Phan Bội Châu, cao hơn mười bộ và đúc bằng đồng, hiện đang đứng tại Huế, thành phố mà cách đây không lâu đã được đem vào danh sách Di Sản Văn Hoá Thế Giới của Unesco. Trong bức chân dung đồ sộ đó - vầng trán với nếp chân mày hằn sâu, đôi mắt sắc sảo kiên định, đôi gò má đầy những nếp nhăn, vẻ cương nghị của chiếc miệng - Nhơn đã nắm bắt được một điều gì về sự thống khổ và dũng mãnh của cuộc tranh đấu của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân. Có một vẻ thông tuệ tuyệt vời trên khuôn mặt, và niềm tự hào, nhưng cũng có những dấu hiệu của sự trầm tư, như thể đang tháo gỡ những xung đột nội tâm. Mặt tiền của pho tượng - trông như mũi của một con thuyền vĩ đại -, diễn tả khuôn mặt, với mọi chi tiết được gọt dũa và hoàn chỉnh, nhưng chiếc đầu, hay một cái gì tương tự như thế, nơi gắn liền với khuôn mặt, lại đầy những chi tiết gồ ghề và lởm chởm, như phần gốc của một khối đá thô từ đó khuôn mặt đang tiếp tục nhô ra. Khắc chạm ngay trên những bề mặt gồ ghề đó là những cảnh lấy ra từ lịch sử của cuộc đấu tranh, như thể tự chúng là khối vật liệu thô để trên đó khuôn mặt cứng rắn được tạo hình. Pho điêu khắc kỳ vĩ trông như một biểu tượng, và một tuyên ngôn, đứng sừng sững dãi dầu cùng mưa nắng.

Nhưng, qua thời gian, sự vật thay đổi. Khối năng lực nguyên sơ và sự cảm nhận về nỗi đắng cay hằn sâu trong tâm hồn đã nhường chỗ cho những điều khác, mặc dù bóng dáng của chiến tranh chưa bao giờ rời khỏi trí óc của Nhơn. Nay ông đã già hơn, đã chạm vai cùng cái chết theo cách của riêng mình. Ông đã chịu đựng sự hành hạ của chất chì rỉ ra từ chiếc đầu đạn còn sót trong thân thể, và giờ đây ông đang tàn tạ dần với chứng ung thư gan. Và tất cả những hình ảnh của chiến tranh đang thăng hoa thành những hình ảnh của hoà bình. Chủ yếu, ông xoay sự tập trung vào hiện thân của hoà bình, và của những tư tưởng an lạc: đức Phật. Ông đã từng thực hiện một pho tượng đức Phật đẹp đến sửng sốt, cao chừng bốn mét rưỡi, hiện đang toạ lạc tại một ngôi chùa ở Sài Gòn. Một pho tượng khác, với nhiều cao vọng hơn - khi hoàn tất, sẽ cao đến 25 mét - đang nằm trong dự án. Riêng bức tượng làm mẫu của công trình mới này đã cao đến 2 mét rưỡi, và bức tượng chính thức, khi hoàn chỉnh, sẽ đứng trên khoảng núi thoáng rộng ở vùng Blue Mountains thuộc tiểu bang New South Wales của xứ Úc. Ðức Phật ngồi ở đây, trong thế kiết già, nhập định: đầu hơi cúi xuống, sống lưng thẳng tắp, đôi tay nhẹ nhàng đặt trên hai đầu gối. Châu thân của Ngài quấn trong tấm cà sa đơn sơ, tạo nên một mặt phẳng khoáng đạt tuyệt hảo với những tầng áo xếp nếp mỏng phủ dần xuống toạ bộ. Lối tạo hình đạt tính cách giản dị và nét tao nhã cao độ. [Người dịch: Xin xem bức ảnh chụp mẫu tượng Phật đăng kèm theo nguyên tác Anh ngữ của B.N. Goswamy]

Tia mắt của khách thưởng ngoạn lướt dịu dàng qua những mặt phẳng xếp nếp của tấm cà sa và châu thân, rồi yên ả dừng lại trên khuôn mặt từ ái đang trầm tưởng với cái nhìn soi vào nội tâm. Cũng giống như pho tượng chân dung lừng lẫy của người anh hùng Việt Nam, pho tượng Phật toả ra sức mạnh. Nhưng đây là sức mạnh của một thông điệp. Nhà điêu khắc dường như đã tìm thấy sự bình an sau khi lội qua những ký ức ngập máu của chiến tranh trong tư tưởng mình. "Giờ đây tôi được ôm ấp trong lời dạy của Phật", ông nói. "Lời dạy ấy dìu tôi đi qua những thăng trầm của cuộc đời."

Thật thú vị, Lê Thành Nhơn đang bận rộn thực hiện bốn bức tranh lớn, với nhan đề Sanh, Lão, Bịnh, và Tử. [Người dịch: có lẽ Goswamy nói về một dự án dang dở khác của Lê Thành Nhơn. Bộ Sanh, Lão, Bịnh, Tử đã hoàn thành năm 1987 là tác phẩm điêu khắc chứ không phải tác phẩm hội hoạ]. Những tác phẩm này có lẽ xuất phát từ chính hành trình của ông qua cuộc đời; nhưng chúng ta nhớ rằng đó cũng là bốn cảnh tượng đã khiến một hoàng tử ngày xưa đã rũ bỏ thế trần. Hoàng tử ấy, sau đó, đã trở thành đức Phật. Một ngày xưa, xưa lắm.

Cát bụi của thời gian

Tác phẩm của Lê Thành Nhơn đã được công nhận rộng rãi ở miền đất ông đã chọn làm quê hương thứ hai, hay nó đã chọn ông làm dưỡng tử: đất Úc. Một số tác phẩm của ông được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc, và bên cạnh chúng là chiếc áo mưa và chiếc thắt lưng mà ông đã thường mặc khi còn làm người bán vé tàu điện. Nhưng treo những vật thể ấy bên cạnh tác phẩm, như một gợi ý về quá khứ, là quyết định của những nhà thẩm định nghệ thuật, chứ không phải của chính người nghệ sĩ. Về phần mình, ông đang bận rộn với những việc khác, trong số đó là một loạt tranh với nhan đề Ðất, Nước, Lửa và Gió. Ở đây lại có những quy chiếu về tư tưởng triết học, bởi những điều này - cùng với Không Gian - là những thành tố tạo nên thế giới vật chất.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021