|
Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động
|
|
Trở lại Saigon sau đúng bốn năm xa cách, tôi ngạc nhiên thấy thành phố này thay đổi với vận tốc của những năm 90... Thì ra, Saigon lúc nào cũng chuyển động.
Trong những ngày cuối năm âm lịch, Sàn-Art ra mắt một triển lãm của bốn nghệ sĩ: Siu Quý, Nguyễn Đức Tú, Ngô Đình Trúc và Ngô Văn Lực, do giám tuyển người Úc Zoe Butt tổ chức. Triển lãm mang một cái tên khiến cho thiên hạ tò mò: Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động (Diary of a Travelling City). Trừ Ngô Đình Trúc là một dân Saigon chính tông, thì ba nghệ sĩ còn lại là dân nhập cư từ Hà Nội, Ninh Bình và Pleiku. Trong khi trường Đại Học Mỹ Thuật TP HCM còn e dè với các hình thức sáng tác mới và những thử nghiệm mỹ thuật thì Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động là một sự thách thức đáng kể ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nghệ thuật đương đại trình bày những vấn đề đương đại của xã hội, của con người, một cách cụ thể và thuyết phục, tuy rằng nó không cần phải đưa ra những kết luận hay một lời kêu gọi nào. Vấn đề của xã hội Việt Nam hiện nay được đề cập trong triển lãm này là đô thị. Đó là sự quá tải của thành phố thể hiện qua một nền kiến trúc đô thị tân thời nhạo báng giá trị truyền thống và điều kiện khí hậu nhiệt đới. Mỗi toà nhà là một chiếc hộp, to lớn, cao tầng, mỗi căn nhà là một chiếc hộp nhỏ hơn; nhưng cũng đều là hộp. Cả thành phố vì vậy trở thành một sự sắp đặt của một đống hộp. Siu Quý thể hiện “sự ngộp thở” của thành phố qua tác phẩm Đô Thị của anh là như thế. Mặc dù chiếm một khoảng không gian lớn nhất trong gallery của một triển lãm nhóm, Đô Thị nghịch ngợm biểu hiện một sự bức bối về không gian — một sự nhức đầu của thành phố và gần như là một sự giễu cợt đối với kiến trúc sư. Khách sạn, quán ăn, nhà cho người nước ngoài thuê... Những bảng hiệu mà người ta thấy nhan nhản ở Saigon tái xuất hiện trên ‘đường phố’ của Đô Thị dường như để nhắc nhở mọi người về một nền kinh tế tư bản cuống cuồng mà mọi người đang tham gia vào xây dựng ở Việt Nam.
Đô Thị của Siu Quý
Khía cạnh đặc biệt thứ hai của Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động là nghệ sĩ đưa ra một sự lựa chọn khác: tính cổ động thông thường của mỹ thuật chính thống Việt Nam được thay thế bằng sự mở rộng / thay đổi cái nhìn. Bốn nghệ sĩ trong triển lãm này đều đưa ra một cái nhìn khác với cái nhìn thông thường về thành phố mà họ đang sinh sống. Nguyễn Đức Tú với hai tác phẩm video, Mùi Saigon I và Mùi Saigon II, trình bày một thành phố Saigon náo nhiệt mang chất trẻ trung, nhưng gần như hỗn loạn. Tú sinh ra ở Hà Nội, vào Saigon sống từ 2005. Sự trình bày một bên là cảnh đông vui trên đường phố chính, tương phản với bên kia là cảnh chung cư xuống cấp thiểu não khiến cho người xem bất giác muốn định nghĩa lại cuộc sống và lối sống. Khi được hỏi vì sao anh chọn cách trình bày video của mình trong một chiếc hộp nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người xem. Tú cho biết rằng, anh muốn chia sẻ cảm giác cô đơn của mình như một người nhập cư mới với khán giả.
Mùi Saigon II của Nguyễn Đức Tú
Tính đa chiều của các hình thức sáng tác mới được khai thác ở Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động. Ngô Văn Lực và Ngô Đình Trúc đều sử dụng nhiếp ảnh, nhưng mỗi người trình bày cách diễn đạt riêng của mình. Câu Chuyện về Chiếc Giày là một loạt hình ảnh dán lên tường do Ngô Văn Lực ghi nhận. Anh là một dân nhập cư từ Ninh Bình vào thành phố này. Những chiếc giày mòn mỏi lang thang vòng quanh thành phố, dẫn dắt người xem nhìn Saigon ở những khía cạnh mà họ chưa hề thấy trước đó, khiến cho người xem cảm thấy như họ đang nhìn thấy một Saigon khác. Tính ‘du lịch’ của thành phố được thay thế bằng sự tương phản của nhiều cảnh đời, thậm chí, tính triết lý của sự hiện hữu qua hình ảnh của đôi giày đứng trước ‘đích’. Đó là sự ngạo nghễ, nhưng mệt nhoài của một “fait-accompli”.
Câu Chuyện về Chiếc Giày [10] của Ngô Văn Lực
Ngô Đình Trúc với Chuyện Phiếm 1-10 trình bày mỹ thuật ý niệm trên một loạt hình ảnh xưa của thành phố. Khả năng lưu trữ quá khứ của nhiếp ảnh được Trúc khai thác bằng việc chỉ ra cái oái ăm của chính nó: sự đứng lại của một giây phút lịch sử chịu sự soi mói của người đời sau, “Bức ảnh này như một kẻ gàn dở, vẫn cứ lưu lại tất cả một cách nguyên vẹn, mặc kệ thời gian, mặc kệ dòng nước”. Những bức ảnh xưa qua tay Trúc trở thành một diễn đàn, trên đó những ý tưởng khác được khơi mở, khiến cho những tấm hình xưa có một tiếng nói khác, được nhìn theo nhiều chiều hơn. Cái đặc biệt của Trúc trong những câu chuyện phiếm này là khả năng thúc đẩy tính tự do trong suy nghĩ và liên tưởng của người thưởng ngoạn.
Chuyện Phiếm 1 của Ngô Đình Trúc
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là vai trò của người giám tuyển. Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động đã chứng minh vai trò của người giám tuyển cho giới làm mỹ thuật: Zoe Butt, một người nghiên cứu mỹ thuật Châu Á đến từ Australia. Cô từng làm việc cho Queensland Art Gallery bảy năm trước khi chuyển sang làm việc cho dự án Long March tại Bắc kinh. Chuyến viếng thăm Việt Nam của cô lần này do tài trợ của AsiaLink, một cơ quan văn hóa của Australia có nhiều liên hệ với sự phát triển nghệ thuật Việt Nam trong hơn một thập niên. Zoe đã bắt đầu công việc tổ chức cuộc triển lãm này như một thám tử tư: đọc sách báo để truy lùng ra những ý tưởng mới từ các nghệ sĩ trẻ đương đại. Cô tìm thấy bốn tác giả cho cuộc triển lãm này khi mà họ, những người Việt Nam ở chung một thành phố, chưa hề ngồi với nhau lần nào. Zoe đã kết nối lại những nghệ sĩ và các tư tưởng cùng hướng để trình bày một triển lãm nhỏ, nhưng độc đáo. Sự hiểu biết của cô về mỹ thuật Việt Nam đương đại trong một thời gian ngắn khiến cho nhiều người trong cuộc ngạc nhiên. Có thể, vì là “người lạ”, Zoe đã cố công tìm hiểu và thấy ra điều mới lạ ở nghệ sĩ, trong khi nhiều người trong chúng ta cho là “biết rồi” nên đã không màng đến.
Zoe Butt
Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động thú vị hơn khi nó là một sự cộng tác văn hóa hợp chủng, trong đó, ấn tượng thị giác trở thành tiếng nói chung cho nghệ sĩ và người giám tuyển. Trong những triển lãm như thế này, Sàn-Art là một chất xúc tác quan trọng. Đó là nơi mà nghệ sĩ trẻ có thể đến để trình bày ý tưởng mới của mình và có một diễn đàn để phát biểu. Nếu có một ý kiến bất lợi nào dành cho Zoe Butt thì chắc có lẽ là trong khi chọn nghệ sĩ cho Nhật Ký Thành Phố Chuyển Động, cô đã quên, hoặc là không tìm ra được một nghệ sĩ nữ nào.
Viết từ Sydney 20 Tháng 2, 2008
|