điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Hội hoạ của Nguyễn Hưng Trinh

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Cách đây vài hôm, khi đến viếng cuộc triển lãm của Nguyễn Hưng Trinh trước ngày khai mạc, tôi cảm thấy bị thúc giục phải ngồi xuống sàn để ngắm tranh. Hôm ấy tôi đã mệt nhoài vì công việc, và đơn giản là đã có quá nhiều điều quay cuồng trong đầu óc, nên không thể thưởng lãm nghệ thuật với một thái độ đúng mực. Tuy nhiên sự thúc giục ấy, giờ đây nhìn lại, là do chính những bức tranh đã đòi hỏi. Nói thế, tôi không có ý đề nghị một lát nữa đây, khi bước vào phòng tranh, tất cả quý vị nên ngồi xuống sàn. Không khéo chúng ta sẽ dẫm cả lên nhau. Nhưng tôi phải nói rằng cho đến khi xem tranh xong, và nói chuyện về chúng, tôi mới nhận biết tại sao tôi đã phải ngồi xuống. Những bức tranh, chứ không phải cái đầu bận rộn của tôi, là tác nhân của nhu cầu ngồi xuống sàn.

Theo một nghĩa nào đó, những bức tranh đã ném tôi xuống sàn nhà, nhưng có lẽ diễn tả như thế cũng chưa đủ. Vấn đề ở chỗ : nhiều bức tranh của Trinh đã chọn một điểm nhìn khác hẳn với điểm nhìn dễ dãi thông thường của chúng ta. Di chuyển từ bức này đến bức khác có cảm giác giống như đang cưỡi trên vòng đu quay lắc lư đong đưa trên sân chơi hội chợ. Độ cao và định hướng, chiều sâu và ánh sáng, mọi phương diện đều bị kéo giãn và xô lệch, thổi căng và chắt lọc. Họa sĩ thực sự cố gắng tìm kiếm những lời giải đáp, và anh làm cho những tấm bố vẽ phải vận động cật lực.

Những câu hỏi. Những câu hỏi vừa to tát vừa gần gũi. Các truyền thống nghệ thuật ở Đông Á có một khuynh hướng lớn là đem những đối cực vào nhau. Đôi khi cuộc truy tầm nhắm đến sự hoà điệu, đôi khi nó lại nhắm đến việc trình bày trung thực những nghịch lý. Trinh đứng ở đầu mút của phía nghịch lý, và những hình tượng của anh diễn tả một cuộc đi dây thăng bằng như trong ác mộng. Qua đó, anh xoay thế giới trên một điểm đứng chênh vênh, đôi khi trên nhiều điểm chênh vênh cùng một lúc. Bởi thế, chúng ta cần phải lưu ý đến cách thế các bức tranh kết hợp nhiều định hướng khác nhau và nhào trộn chúng vào một cái nhìn thuần nhất. Như thể tất cả những yếu tố bất xác của cuộc sống đều được đan kết vào nhau thành một tổng thể.

Nếu những bức tranh nhào trộn các định hướng, hoặc kết hợp những không gian và những góc độ, chúng cũng đồng thời đem những biểu tượng đối lập vào với nhau. Có nhu tính và cương tính trong những bức tranh này, và đôi khi chúng chia sẻ cùng những mặt phẳng, cùng những hình thái. Theo đó, chất sơn được trét bằng ngón tay và lưỡi dao một cách thích ứng. Cũng có sự hiện diện của nam tính và nữ tính, một cái là bóng tối, cái kia là ánh sáng. Và như ý niệm âm-dương, quý vị sẽ tìm thấy những biểu tượng hình đường cong và hình vuông ở vị trí đối điểm.

Và có lẽ hiển nhiên nhất là tính cách Đông và Tây. Nhiều người trong chúng ta có thể bắt gặp Albert Tucker, Sydney Nolan hay Arthur Boyd trong một số hình tượng, với những dáng vẻ kỳ bí và những chiếc đầu mang tính kỷ hà. Có lẽ sự nối kết Đông-Tây tuyệt đỉnh đến từ Marc Chagall. Tôi nghĩ cả Chagall và Trinh cùng chia sẻ khoảng không gian của nguyện đường tối ám. Từ vùng mịch quang đó họ bước vào những hành trình khác nhau. Một số tác phẩm của Trinh cho thấy một hành trình truy tầm ánh sáng. Đôi khi anh nhìn quanh quất để tìm một khung cửa, những lúc khác anh ôm ấp một ngọn đèn đã tắt – hy vọng một đốm lửa rực lên.

Trong một ý nghĩa nào đó tất cả những bức tranh chúng ta nhìn thấy hôm nay có thể đã đánh lừa chúng ta: tất cả chúng đều trông giống như nhau. Phong cách của Trinh chỉ biến đổi rất ít từ bức này đến bức khác. Và phong cách ấy toát ra sức mạnh ngập ngụa. Để thực sự nắm bắt chiều sâu những bức tranh của anh, tôi đã phải vùng vẫy để đi xuyên qua bề mặt dày đặc và tái điều chỉnh đôi mắt mình để nhìn ngắm không gian theo một lối khác. Cái vừa thoạt trông có vẻ phẳng dẹp sau đó lại bắt đầu mở toang ra. Trong đó có những căn phòng, những đường phố, những phong cảnh, và ngay cả những khoảng trống mênh mông của vũ trụ – nhưng theo tôi, chúng đều vọng thính về chốn nguyện đường, hay hang động.

Không gian của nguyện đường và hang động mang ý nghĩa về hai xung lực trong đời sống nội tâm. Không gian của nguyện đường buộc chúng ta phải đối diện điều hoàn toàn xa lạ với bản năng mình. Không gian của hang động buộc chúng ta phải đương đầu với lịch sử nội tại của bản thân. Hang động là không gian của cuộc sống bằng da thịt; nguyện đường là không gian của lương tâm, của sự giục giã bày tỏ lòng từ ái, cũng như của tội lỗi của chúng ta.

Sự căng thẳng giữa thân xác và không gian nói lên sự phạm tội và dâm tính.

Với dâm tính, những thay đổi xảy ra trên thân xác chúng ta để đáp ứng sự khuấy động dữ dội trong bản năng chính chúng gắn liền với những phương diện thú vị và đáng kinh ngạc của những sinh vật có dục tính. Không thể cho rằng những dạng thức rõ ràng và chính xác của các dữ kiện, thu thập được từ nhiều nguồn, là sự chối bỏ kinh nghiệm nội tâm tương ứng; chẳng những không phải thế, nó còn thực sự giúp cho cái kinh nghiệm ấy nổi rõ lên từ những gì cá lẻ và tình cờ... thiếu kinh nghiệm riêng tư chúng ta hẳn không thể bàn luận về cả dâm tính lẫn tôn giáo. (Bataille)
 
Vị thánh cảnh giác xoay lưng lại trước kẻ phàm dục; nhưng nàng không biết rằng những niềm đam mê bất-khả-thú-nhận của ông và những niềm đam mê của nàng thực sự chỉ là một. (Bataille)
 

Tôi bị mê hoặc bởi kết cấu bề mặt của những thân xác trong tranh vẽ của Trinh. Thoạt tiên chúng có vẻ cằn cỗi và cứng ngắc. Hoặc ngay cả trông chúng giống như chất bê tông. Nhưng, cũng thế, khi quan sát kỹ hơn, chúng thể hiện cả bề mặt bên ngoài lẫn không gian bên trong, hay cảm giác bên trong.

Những hình dạng ấy trông nặng nề và mang tính công nghiệp, nhưng những đường vạch trên bề mặt của chúng thật ra lại phơi mở, như một mạng nhện, làm toát ra cái ấn tượng về một cảnh giới bên trong bằng cách nào đó đã được phóng ngoại.

Đây chỉ là một vài đề nghị về cách khai mở những tấm bố vẽ căng thẳng của Trinh để thực hiện việc diễn dịch. Tôi không dám nói chúng mang ý nghĩa gì. Thay vào đó, tôi xin mời quý vị, và tôi tin rằng nhà hoạ sĩ cũng muốn mời quý vị, hãy cứ đắn đo lưỡng lự bất cứ lúc nào quý vị cảm thấy những bức tranh là khó hiểu, và biết đâu chừng quý vị sẽ bắt gặp những ấn tượng chẳng phải quá nặng nề như quý vị chắc đã thoạt cảm nhận từ đầu.

Cảm ơn quý vị.

 

-------------
Trên đây là bài diễn văn khai mạc cuộc triển lãm hội hoạ “AT THE CORNER” của Nguyễn Hưng Trinh, do Tiến Sĩ Mark Stevenson, thuộc phân khoa Á châu và quốc tế học, Viện Đại Học Victoria, đọc ngày 14/02/ 2002, tại Gabriel Gallery (Melbourne, Australia).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021