|
FLOATING WORDS của Savanhdary Vonopoothorn
|
|
Trong những tác phẩm trưng bày tại Art Gallery of New South Wales trong mùa Sydney Biennale 2006, có một tác phẩm đặc biệt gần gũi với người Việt: tác phẩm Floating Words của nữ nghệ sĩ gốc người Lào: Savanhdary Vonopoothorn. Savanhdary Vonopoothorn sinh ra ở Lào năm 1971. Sau 1975, chương trình cải tạo đối với những người liên quan đến chế độ cũ ở Lào trở thành nặng nề; cha của Savanhdary là một sĩ quan trong chế độ cũ. Đây cũng là giai đoạn đói khổ vì thiếu thực phẩm trong một nền kinh tế kiệt quệ, hậu quả của ba cuộc cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội, khiến hàng trăm ngàn người vượt biên. Gia đình Savanhdary rời khỏi Lào qua đường Thái Lan năm 1979,. Lúc ấy cô được 8 tuổi. Sau 8 tháng ở trại tập trung Thái Lan, gia đình cô định cư tại Úc, trước tiên ở vùng Narwee và sau đó ở Campbelltown, phía Tây của Sydney, nơi mà hàng xóm và bạn học của cô là những người “tứ xứ”: Hy Lạp, Ý, Nam Dương, Phi Luật Tân, Việt Nam… Cô tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Mỹ Thuật tại Đại Học Western Sydney (Nepean) năm 1992, và lấy văn bằng Master tại College of Fine Arts (COFA), thuộc Đại Học New South Wales, năm 1993.
Là một nghệ sĩ Úc gốc Lào có tác phẩm trưng bày liên tục từ 1992 ở Sydney, Melbourne và nước ngoài, Savanhdary Vongpoothorn được xem như một trong những nghệ sĩ trẻ (dưới 40 tuổi) thành công nhất của nước Úc. Tác phẩm của cô có mặt trong những viện bảo tàng mỹ thuật quốc gia như Queensland Art Gallery và National Gallery of Australia ở Canberra. Tác phẩm của Savanhdary Vonopoothorn là một sự kết hợp của văn hoá Lào và văn hoá Úc trong cách biểu hiện trừu tượng. Hoa văn và cấu trúc vải dệt của Lào là một trong những niềm cảm hứng của cô. Khuynh hướng trừu tượng trong mỹ cảm của Savanhdary đưa cô đến những cảm nhận mới, cả trong lĩnh vực mỹ thuật và âm nhạc. Khi Savanhdary nhìn thấy những tác phẩm của Thổ dân Úc, những chấm màu đều đặn trải trên canvas hay vỏ cây, nghệ thuật của cô như được tiếp thêm sức sống. Trong những hoa văn trừu tượng của mỹ thuật Thổ dân Úc, Savanhdary nhìn thấy sự gần gũi với những hoa văn Lào: tiết điệu lặp đi lặp lại. Nhưng Savanhdary không mượn hình ảnh của những chấm màu đó, cô cảm nhận và biến thể ảnh hưởng mỹ thuật Thổ dân thành một nghệ thuật của riêng cô. Những lời tụng kinh đều đều râm ran trong nghi lễ Phật giáo của Lào là một ảnh hưởng có nguồn gốc từ gia đình và văn hoá vào tác phẩm của Savanhdary. Một lần nữa, khuynh hướng mỹ cảm trừu tượng của cô khám phá sự lặp đi lặp lại của việc tụng kinh và biến nó thành chủ đề của cuộc triển lãm solo của cô tháng 6 năm 2005 tại Martin Browne Fine Art ở Sydney, Incantation (tạm dịch là Chú Tụng). Với sự giúp đỡ của người cha, vốn là một nhạc sĩ, nhà thơ và là một tu sĩ tại gia (nhưng có quyền đọc kinh chú tụng cho những dịp lễ trong cộng đồng), những bức tranh này là những tấm canvas được đục lỗ đều đặn. Trên đó, Savanhdary Vonopoothorn trải màu theo sắc độ. Xen giữa màu sắc và những lỗ thủng là những chữ Lào chép ra từ các bài chú tụng. Những mẫu tự Lào quấn quít, len lỏi giữa những lỗ thủng mạnh mẽ quyết liệt. Màu sắc là điểm mạnh của Savanhdary. Những sắc độ thuần thảo trải lên mặt vải, tạo ra một không khí kỳ bí. Thêm vào đó, khi nhìn tác phẩm từ những góc độ khác nhau, ánh sáng rọi vào những lỗ thủng thành ra một thứ sắc độ khác, lung linh không ngờ. Những bức tranh trong đợt triển lãm này được xem như là “những bức tranh biết hát.”[1]
*
Sự thể hiện tác phẩm Floating Words dành cho Sydney Biennale là một cuộc hành trình dài. Floating Words được tạo thành bởi 240 trang giấy báo Đời Mới in bằng chữ nổi Braille dành cho người mù. Những tờ báo này được in ấn và xuất bản tại Hà Nội; sau đó chúng được phổ biến đến Đà Nẵng và Sài Gòn. Khi Savanhdary lần đầu tiên cầm trang báo trên tay, do chồng cô, Tiến Sĩ Ashley Carruthers, một nhà Việt Nam học của trường Đại Học ANU, mang từ Việt Nam về, cô tức khắc cảm nhận vẻ đẹp của những trang chữ Braille. Có lẽ, Ashley mua chúng làm quà cho vợ, vì nhận thấy sự giống nhau giữa những bức tranh Incantation của Savanhdary và những tờ báo Braille. Trang báo khá dày để có thể in được chữ nổi. Những tờ báo khác nhau, trang giấy có màu khác nhau, vì vậy Floating Words với 240 trang báo trải dài, tự nhiên có một bảng màu với sắc độ chuyển dần từ xám nhạt sang vàng nâu nhạt. Nhưng từ những trang giấy báo chữ Braille này, làm sao để biến chúng thành một tác phẩm? Ashley Carruthers đồng thời cũng mang về bản dịch của báo Đời Mới dành cho người sáng mắt, và anh dịch cho Savanhdary biết nội dung của tờ báo. Phần lớn là những câu chuyện mang tính tuyên truyền, những lời khuyến khích của giới lãnh đạo nhà nước đối với hội người mù… Cầm những tờ báo dành cho người mù trong tay, Savanhdary không sao ngăn được dòng suy nghĩ của mình: “Chữ nổi Braille trở thành một biểu tượng cho sự mù quáng, mù bởi tuyên truyền. Cùng lúc, tôi cảm thấy thông cảm cho những người mù, bởi vì họ có rất ít tài liệu đọc, nhất là tính đến chuyện ấn loát ở Việt Nam.”[2]
Nhưng chuyện không chỉ dừng ở đó. Khi Savanhdary trở về Lào với cha mẹ của cô để thăm lại quê hương vào năm 2005, cô nhận thấy sự có mặt rõ rệt của người Việt trong nhiều lĩnh vực hoạt động của Lào; cũng không khác gì mấy thời kỳ Pháp thuộc, lúc chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm người Việt trong bộ máy hành chính ở Lào và khuyến khích người Việt di cư sang sống ở Lào. Cán bộ Việt Nam hiện nay cũng công tác ở Lào, và cán bộ Lào được đưa sang Hà Nội để học tập chính trị. Dân Lào dĩ nhiên lo ngại một chủ nghĩa thực dân mới! Trong chuyến đi này, Savanhdary tìm thấy một quyển sách tập đọc chữ Lào dành cho người Việt bày bán tại một tiệm sách ở Viêng Chăn. Quyển sách được in ở Đà Nẵng năm 1997. Trong quyển sách là một số lời tuyên bố (và cả thơ) của hai lãnh tụ của hai nước vào khoảng 1966-67: Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane (1920-1992). Ít người Việt Nam biết rằng cha của Kaysone Phomvihane là người Việt, làm việc cho chính quyền Pháp tại Savannakhet trước 1945. Sau khi Kaysone học xong tiểu học, ông được cha gởi về Hà Nội để học tiếp lên. Trong thời gian học luật ở Hà Nội, Kaysone tham gia Đảng Cộng Sản năm 1949 và trở thành lãnh tụ – người sáng lập của Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào từ năm 1955, thường được biết tới như Pathet Lào. Điều kiện gia đình và cá nhân giải thích tại sao Kaysone rất trung thành với đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam và mô phỏng ba cuộc cách mạng để tiến đến chủ nghĩa xã hội trong nửa thập niên sau 1975. Lê Duẩn từng nhận xét về mối quan hệ Việt Lào “là mối quan hệ mẫu mực, hiếm có, vô cùng trong sáng, rất mực thuỷ chung…”[3] Cho đến 1980, Hà Nội xuất bản ít nhất là ba quyển sách do Kaysone Phomvihane viết bằng tiếng Việt. Người ta có thể tự hỏi tại sao Hà Nội lại chú tâm như vậy, và ba quyển đều xuất bản bởi nhà xuất bản Sự Thật. Chắc chắn đây là những cẩm nang gối đầu cho các cán bộ Việt được gửi đi công tác ở Lào. Trở lại với quyển sách tập đọc chữ Lào mà Savanhdary mua được, quyển sách đăng những lời trích dẫn của Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane. Những câu văn và thơ được viết bằng ba ngôn ngữ : Việt, Lào và cách phát âm chữ Lào được ghi theo tiếng Việt. Bài thơ của Hồ Chí Minh như sau: Thương nhau mấy núi cũng trèo, Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt – Lào hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Bài viết của Kaysone Phomvihane: “Chúng ta mong muốn nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa Lào và Việt Nam luôn thắm thiết và vững chắc, giáo dục con em chúng ta tôn trọng và bảo vệ tình…” Sanhdary thố lộ : “Tôi không tin là mình may mắn đến như thế, tìm được đúng thứ tài liệu hoàn hảo; đồng thời, tôi tự nghĩ không biết người ta có thực sự tin vào những dòng chữ này hay không. Liệu những dòng chữ [tuyên truyền] này chỉ trôi nổi trong một đất nước đang nhanh chóng biến thành một xã hội tư bản.”[4]
Savanhdary quyết định chuyển tải thứ văn chương chính trị của cả hai lãnh tụ từ trang báo chữ Braille vào tác phẩm Floating Words. Tuy là hai ngôn ngữ khác nhau, một bên là Lào và một bên là Việt Nam, nhưng hai thứ ngôn ngữ này giống y như một trong cái nội dung chính trị của chúng, và sự lặp đi lặp lại của nó chắc người Việt Nam nào cũng có đủ kinh nghiệm để so sánh với sự tụng kinh.
Floating Words trải ra trên bức tường như một chiều dọc lịch sử. Những hạt chữ Braille nổi lên như một trận mưa rào. Những hàng chữ viết tay bằng bút chì màu của Savanhdary quyện vào những hàng Braille, vừa đủ, không lấn áp, không bị lấn áp. Rất may, tôi đến nghe bài nói chuyện của Savanhdary, và cảm thấy hiểu tác phẩm nhiều hơn, cũng như hiểu tấm lòng của cô đối với Lào, và mối quan ngại ‘tình hữu nghị Việt–Lào’. Tôi vẫn không đồng ý với cách dịch “chữ nổi” là “Floating Words”. Chữ Braille được in nổi lên để người mù có thể sờ được bằng đầu ngón tay, vậy thì “protruding words” mới đúng nghĩa với “chữ nổi”. Thêm nữa, “protruding words” diễn tả sự lấn áp của chính trị Việt Nam đối với Lào. Tuy nhiên, “Floating Words” mang lại một ý nghĩa thơ mộng, văn nghệ hơn, và tuyên truyền thì lúc nào cûng trôi nổi, từ điểm A đến điểm B. Tôi và cậu con trai 14 tuổi đi đến cuộc nói chuyện của cô tại Art Gallery of New South Wales. Hai mẹ con tôi chắc là hai người Việt Nam duy nhất trong buổi nói chuyện này; tôi có nhìn quanh và không thấy một gương mặt Á châu nào hết. Sau buổi nói chuyện của Savanhdary Vonopoothorn, con trai tôi nhận xét trên đường về: Con cảm thấy rất bất bình với Việt Nam. Không dè Việt Nam cũng ăn hiếp người Lào. Tôi đã cắt nghĩa cho con trai tôi biết rằng đó chỉ là nhà nước với nhau mà thôi, và rằng Việt Nam đôi khi cũng có chủ nghĩa bành trướng và thực dân một chút, tuy rằng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm bị ăn hiếp bởi chủ nghĩa thực dân. Tôi chỉ tiếc mình không kể cho Savanhdary nghe một bài ca dao của Việt Nam: Một vợ thì nằm giường Lèo, Hai vợ thì nằm chèo queo, Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm. Người Việt thường nói trại, Lào thành Lèo, Cảnh thành Kiểng… Cái giường Lào chắc là rất đẹp, rất sang trọng. Lào có một khu rừng nguyên sinh Savannakhet có rất nhiều gỗ quí. Thành ra, ngủ giường Lào cũng có nghĩa là một vợ một chồng, thì về già có nhà cao cửa rộng; còn hai ba vợ, thì mỗi lần ly dị là mỗi lần tán gia bại sản. Vậy thì người dân Việt Nam chắc là phải có cảm tình với người hàng xóm của mình, người Lào. Savanhdary Vongpoothorn giải quyết một bài toán mỹ thuật khá phức tạp cho cái chủ đề “Zone of Contacts” của Sydney Biennale 2006. Những bài chú tụng của Lào được người dân tin là sẽ trừ được ma quỷ và bệnh tật. Floating Words của Savanhdary biết đâu chừng có thể trừ được bệnh cuồng tín?
_________________________ [1]Nhan đề bài viết của Tiến Sĩ SrilataRavi trong catalogue Incantation (Sydney: Martin Browne Fine Art, 2005). [2]Bài nói chuyện của Savanhdary Vongpoothorn tại Art Gallery of New South Wales ngày 11 tháng 6, 2006 [3]Trích từ "Lời nhà xuất bản", trong cuốn Nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào (Hà Nội: NXB Sự Thật, 1983). [4]Bài nói chuyện của Savanhdary Vongpoothorn tại Art Gallery of New South Wales ngày 11 tháng 6, 2006. |