điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Vài ghi chú về OPEN

 

Cuộc triển lãm OPEN, với 47 tranh sơn dầu, diễn ra tại Cao ốc Lawrence S. Ting, tầng 2, 801 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. HCM, từ ngày 02/02/2005 đến hết ngày 26/02/2005. Giờ mở cửa: từ 8:00 đến 17:00, trừ thời gian nghỉ Tết Âm lịch từ ngày 06/02/2005 đến 14/02/2005. OPEN được tài trợ bởi Daniel Howald và HSBC.

 

OPEN, thực chất, là một triển lãm MỞ giữa hai hoạ sĩ: Nguyễn Sơn & La Như Lân. Bởi, giữa hai người, ngoài mối quan hệ tình cảm mang tính văn nghệ, thì trong kỹ thuật thể hiện, có thể nói là có nhiều điểm khác nhau. Vì thế, hai hoạ sĩ này không quan trọng lắm cái đích mà mình phải đến, tính nhất quán mà mình phải thể hiện, mà chỉ cốt tạo ra một KHÔNG GIAN mang sự kết nối, nhằm đem hai thế giới bé nhỏ của hai người lại với nhau; tạo nhịp cầu quan thiết giữa tác phẩm với người xem [rộng hơn, với cộng đồng], trong tư thế cởi mở, hoà giải, và vượt qua các định chế. Vì thế, có thể nhìn triển lãm lần này như một dự án dài hơi, và với những tác giả độc lập, chứ không chỉ đơn thuần là dự án của riêng hai người; và chỉ mỗi một lần.

 

 

1.

ĐẦU TIÊN, là sự khác nhau giữa hai hoạ sĩ. Nguyễn Sơn vốn là hoạ sĩ Biểu hiện, một kỹ thuật mà theo quan niệm của anh: "Nơi tác phẩm nói được nhiều nhất. Những thông điệp sẽ đến trực tiếp với người xem, nhanh, mạnh". La Như Lân vốn là hoạ sĩ Trừu tượng, một kỹ thuật mà theo anh: "Nơi cảm xúc được lưu giữ với giá trị xác tín nhất, sơ khai nhất, bản năng nhất và cũng đầy học thuật nhất". Trong triển lãm này, có những tác phẩm, Nguyễn Sơn chuyển một phần hay toàn bộ sang Trừu tượng; và ngược lại, La Như Lân cũng chuyển một phần hay toàn bộ sang Biểu hiện. Và nhiều bức là một kiểu của Trừu tượng Biểu hiện [Abstract Expressionism]… Các hoạ sĩ được ghép chung vào kỹ thuật, hay đúng hơn, ở thuật ngữ này, phần lớn là do họ có quan điểm giống nhau, chứ không hẳn là do họ có kỹ thuật giống nhau. Quan điểm của những hoạ sĩ này được thể hiện rõ nhất ở trong tinh thần phản kháng lại những sự lệ thuộc cứng nhắc vào các phong cách truyền thống [hoặc các kỹ thuật định sẵn]; không chấp nhận cái suy nghĩ rằng một tác phẩm hoàn hảo phải được sản sinh ra từ một trường phái, một chủ nghĩa đã được ấn định. Cho nên đến với OPEN, nhiều khi cũng phải đến với cái tinh thần tự quyết của hai phong cách khác nhau, nhưng lại nằm trong một sự hoà trộn. Đôi lúc có cả sự bất xứng.

 

 

2.

THỨ HAI, về tính kết nối của một triển lãm mở. Trước đây và cả bây giờ, nhiều hoạ sĩ [và hơn thế nữa] vẫn nghĩ rằng công việc sáng tạo là chuyện bí mật của năng khiếu thiên bẩm từng người. Và tác phẩm phải là tiếng nói sau cùng; nghĩa là giữ yếu tố quyết định. Mới nhìn, dễ tưởng OPEN cũng đi theo hướng đó, bởi nó cũng trưng ra những tác phẩm sơn dầu của Hội hoạ giá vẽ, trong một không khí có tính lối mòn của cuộc triển lãm truyền thống. Nhưng hai hoạ sĩ đã bắt đầu không còn quan niệm như thế. Họ không xem việc tạo ra tác phẩm là chuyện bí mật, không xem chuyện triển lãm là bước quyết định [có tính chính thức] để đưa tác phẩm đến với công chúng; cũng như họ không trọng việc sử dụng các trường phái như là một giải pháp tiên yếu. Họ chỉ xem đó như là một phương cách kỹ thuật, mà nếu không dùng kỹ thuật này thì sẽ dùng một kỹ thuật khác. Hơn nữa, họ không xem tác phẩm là tiếng nói riêng lẻ của người hoạ sĩ, mà đó chỉ là phương tiện để kết nối tác giả với người xem. Và tiếng nói của người xem [mỗi người mỗi kiểu] là quan trọng hơn cả.

 

 

3.

THỨ BA, về dự án OPEN. Chưa thể gọi triển lãm này là một Dự án, dù nó đã được diễn ra khá chuyên nghiệp từ khâu tài trợ tác phẩm, không gian trưng bày và cả cách thức tổ chức. Nhưng bắt đầu từ triển lãm này, Nguyễn Sơn sẽ cố gắng xây dựng nên một chương trình, nhằm hướng các tài trợ [có được từ chính quan hệ cá nhân của hoạ sĩ] đi đúng đường, và đến được với nhiều hoạ sĩ khác nhau. "Cố gắng làm sao để tạo ra một tiền lệ có tính khởi động, để qua đó, tìm ra một giải pháp rất cụ thể [như là một cách thức được tài trợ để hoạt động] cho hội hoạ giá vẽ. Bởi với những hoạ sĩ trẻ, lại không phải là hoạ sĩ của các salon, thì thật là: còn muôn vàn khó khăn ở phía trước. Đồng thời, qua đây cũng kích thích khả năng thích ứng của người hoạ sĩ; như kiểu họ là curator của chính mình. Bởi với suy nghĩ như vậy, họ sẽ có cơ hội thủ đắc được một cách thức hoạt động chuyên nghiệp; và ý thức được việc đưa tác phẩm của mình ra với cộng đồng, giải trừ tính bàn thờ trong lao động nghệ thuật [một kiểu Nghệ thuật cao]… thì lối đi dài hơi mới có cơ hội rộng mở" [Nguyễn Sơn].

 

 

4.

CUỐI CÙNG, về cách vượt qua các Định chế. Đây là một điểm rất quan trọng. Bởi trong một môi trường văn hoá và xã hội như Việt Nam, định chế đang giăng bẫy từ cơ chế nhà nước, đến không khí của các hoạt động nghệ thuật, đến cả quan niệm về thẩm mỹ. Không thể nói OPEN đã vượt qua được điều này, nhưng ít ra, họ đã chứng minh được [thông qua cách làm việc hướng đến tính chuyên nghiệp của mình] rằng còn có những cách thức chính quy khác để người nghệ sĩ có thể đối xử một cách Dân chủ và Tự do với công việc và tác phẩm của mình. Vì thế, như đã nói, OPEN thể hiện một cách thức hoạt động, một mô hình ứng phó với thực tế của các hoạ sĩ trẻ hơn là một cuộc triển lãm đơn thuần.

 

Sài Gòn, 03/02/2005.

 

----------------------------------------

Ghi chú về 2 hoạ sĩ:

_ Nguyễn Sơn, sinh năm 1974 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP. HCM năm 2001. Hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM. Hiện sống tại Sài Gòn.

_ La Như Lân, sinh năm 1975 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP. HCM năm 2001. Hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM. Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TP. HCM. Hiện sống tại Sài Gòn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021