|
Về một cung cách nhận thức nghệ thuật
|
|
(Trả lời bài “Góp ý với Trần Hải Minh” của Như Huy đã đăng trên Tiền Vệ)
Với bài trả lời phỏng vấn "Chúng ta đang đứng trước một ngã ba..." đăng trên Tiền Vệ mới đây, vô tình, tôi đã khởi xướng cuộc tranh luận về nghệ thuật tạo hình và hôm nay tôi muốn tiếp nối một vài ý kiến. Trong bài trả lời phỏng vấn: "Chúng ta đang đứng trước một ngã ba..." tôi đã đặt ra những vấn đề của mỹ thuật Việt Nam đương đại: - Sự vội vã chạy theo đồng tiền, bỏ qua và không còn nghĩ được gì về nghệ thuật của phần đông hoạ sỹ Việt Nam (và dĩ nhiên hậu quả của nó là sự kém chất lượng của những tác phẩm cũng như sự mất dần đi những tên tuổi, phong cách nghệ thuật). - Sự hồ hởi đón nhận cái "mới" (installation, performance) mà chưa biết rõ lịch sử, gốc gác, chức năng về các thể loại này. - Thái độ bảo thủ của một số nhà phê bình trước những trào lưu nghệ thuật mới du nhập. - Thói xấu của nhiều hoạ sỹ (những rào chắn trên con đường đến với nghệ thuật đích thực) đó là sự háo danh, hám lợi, học ít khoe nhiều, nói nhiều nhưng không hành động, bất tài nhưng thích diễn, thích hô hoán phô trương. - Và cuối cùng là sự mạo danh nghệ thuật vốn phổ biến khắp nơi, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Tôi thiết nghĩ đó là những điều có thật, đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ còn xảy ra. Những ý kiến thẳng thắn, những nhận định có cân nhắc rút ra từ nghiệm trải thực tế, theo tôi, lúc này là cần thiết. Nền phê bình mỹ thuật của chúng ta, từ lâu đã mắc phải chứng khen chê không có chuẩn mực và cũng có những nhà phê bình có kiến thức, kinh nghiệm nhưng lại sợ mất lòng nên không dám nói thẳng, nói thật. Người nghệ sỹ nên phải có chính kiến, biết nhận định đúng sai và hơn hết, phải có niềm tin tưởng và biết bảo vệ niềm tin của mình. Tất nhiên ở thời điểm này, những điều đó là rất cần thiết. Và khi đã nói thẳng thì tất nhiên sẽ có phản ứng. Như Huy là người đã viết bài "Góp ý với Trần Hải Minh", nhưng đáng tiếc bài viết rất thiếu thiện chí, thông tin bị sai lạc vì thiếu kiến thức, đọc không kỹ, tùy tiện suy diễn, xuyên tạc nhận định của tôi. Nếu chúng ta gạt bỏ những kiến thức vay mượn từ sách vở (mà tôi chắc chắn Như Huy chưa đọc hết), cũng như nếu gạt bỏ những nhận định không phải của chính Như Huy thì dường như bài viết không có nội dung gì cả, không phân biệt được sự khác nhau giữa một định nghĩa và một nhận định khái quát Như Huy viết: "Không có triển lãm của họa sỹ hậu hiện đại tại Đông Đức năm 1986". Vậy thì triển lãm "POSITIONEN" (Những vị trí) ngày đó diễn ra ở đâu? Tại cuộc triển lãm ấy có hai tác giả (mà ngày hôm nay họ đã trở thành hai đại diện hàng đầu và không thể thiếu của nền hội họa hậu hiện đại): Polke và Kiefer. (Polke năm 2000 đã được các bảo tàng, các gallery danh tiếng, các tạp chí mỹ thuật uy tín … trên thế giới đồng loạt bầu chọn là họa sỹ thành công và có ảnh hưởng lớn nhất của năm mở đầu thiên niên kỷ mới). Catalogue về triển lãm "POSITIONEN" có thể xem tại Gallery "A" của tôi. Võ đoán như vậy, Như Huy còn cấm cả người khác có niềm tin. Vậy thì trước khi Winfredo Lam đến Paris, ông cũng không được có niềm tin vào thủ đô nghệ thuật thế giới thời ấy? Hay ông cũng không được phép đặt niềm tin vào Picasso? Cũng hệt như vậy, Như Huy nhặt ở đâu đó từ “high art" (nghệ thuật thượng đẳng), thế nghệ thuật hạ đẳng ở đâu? Chúng ta chỉ có các khái niệm: nghệ thuật hàn lâm (academic art) với nghệ thuật dân gian (folk art). Như Huy còn xuyên tạc: "Theo tôi hiểu, đây là lời chê bai của Trần Hải Minh dành cho những tác phẩm của những nghệ sỹ hậu hiện đại xuất sắc nhất như: …….…” (Như Huy điền tên những nghệ sỹ mà anh ưa thích). Tôi tự hỏi: Tại sao Như Huy không đề thêm tên Picasso, Matisse, Dali, Klee… vào? Cũng như sau đó Như Huy tuỳ tiện phong các nghệ sỹ mà anh thích là những "đại diện lớn nhất" của nghệ thuật hậu hiện đại và gán cho tôi ý kiến: "...những người này thực hiện nghệ thuật đồi bại". Thật là tùy tiện! Thực ra tôi viết: “Ngày hôm nay, bên cạnh những nghệ sỹ nghiệp dư hay chuyên nghiệp vẫn trung thành với ý tưởng trong sáng và đầy tính nhân bản của Beuys đã xuất hiện nhiều cá nhân lợi dụng thể loại nghệ thuật này để mưu cầu danh vọng. Họ có lẽ là những con người ít nhiều bệnh hoạn, mạo danh nghệ thuật để thực hiện hành vi đôi khi là đồi bại, điên khùng… ăn đất cát, lằm trong tảng nước đóng băng, nhảy từ nhà lầu, đeo cột thu sét đi dưới trời giông, tụ tập trong phòng kín để khỏa thân rồi vẽ lên người những hình vẽ thô tục, giễu cợt tôn giáo…”. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một ý kiến nhận định, chứ không chỉ đích danh. Còn những người mà Như Huy nêu tên có hành động như vậy thì hiển nhiên tôi cho là đồi bại, điên, bệnh hoạn, mạo danh nghệ thuật và không đáng quan tâm. Mà chẳng có “tác phẩm” nào như Như Huy nói có mặt trong các bảo tàng lớn hoặc những catalogue danh tiếng. Như Huy có thể kể tên những tác phẩm đồi bại mà mình thích và tên bảo tàng có “tác phẩm” đó? Còn được phổ biến và giảng dạy tại trường đại học? Các lý thuyết nghệ thuật của thời quốc xã vẫn được giảng dạy để sinh viên tham khảo trong các trường đại học nghệ thuật kia mà. Điều đó không có nghĩa là nó chân chính, đáng giữ gìn. Tiếp tục, Như Huy suy luận: “Trần Hải Minh cho rằng khỏa thân là đồi bại”. Trong cả bài viết của tôi chỉ có: "...tụ tập trong phòng kín để khỏa thân rồi vẽ lên thân thể những hình vẽ thô tục…” Ở nước Đức thôi cũng có hàng ngàn bãi tắm khỏa thân, vào mùa he,ø bất cứ ai cũng cũng có thể khỏa thân nằm trong công viên… đó là đời sống văn hoá Đức. Khoả thân mà không làm phiền ai cả, khoả thân để phô diễn vẻ đẹp của tự nhiên tại sao gọi là đồi bại được? (theo tôi có hai khái niệm: khỏa thân đẹp và sạch, khoả thân xấu và bẩn) Như Huy đã hết sức tùy tiện trong cách suy diễn của mình, có lẽ vì muốn xuyên tạc hoặc đã không đọc kỹ chăng? Cũng tùy tiện như vậy, Như Huy phong cho các nghệ sỹ mà anh biết đến là “đại diện lớn nhất”. Nếu những người ấy là lớn nhất thì các hoạ sỹ hàng đầu của nền hội hoạ hậu hiện đại ở đâu, những người đã được lịch sử mỹ thuật thế kỷ ghi danh: Đức: Polke, Beuys, Kiefer, Baselitz, Penck, Oehlen, Lupertz, Immendorf, Dahn…. Ý: Clemente, Chia, Cucchi, Pladino …. Mỹ: Schnabel, Salle, Longo, Fischl, Basquiat… Như Huy tỏ ra am hiểu về nghệ thuật hậu hiện đại và qui đổi mọi thứ, mọi cá nhân hoặc phong trào nghệ thuật nào mà anh thích về postmodernism. Còn về installation, Như Huy đưa ra định nghĩa sau mà anh đã trích dẫn với sự hãnh diện về khả năng hiểu biết vay mượn của mình: “Installation chính là sự đổ vỡ sâu sắc của niềm tin vào tác phẩm nghệ thuật như đích đến hoàn mỹ cuối cùng chứa đựng mọi nguyên lý về cái đẹp, cái mang tính biệt lập (autonomy) với xã hội (niềm tin của những nhà formalist được cổ vũ và ca ngợi bởi Greenberg). Ngoài ra, Installation còn mang cùng với nó tính chất sân khấu (theatricality) - cái được nhà phê bình Michael Fried đề cập trong bài viết trên Art Forum: Art and Objecthood (Summer 1967) - đó là tính chất mà các tác phẩm điêu khắc (sculpture) hay hội họa (painting) theo tinh thần “art as object” hoàn toàn không có và không “tiềm ẩn có” … " Rất kêu và đầy hoa mỹ nhưng cũng rỗng tuếch và vô ích! Tiện đây tôi xin trích dẫn một định nghĩa khác về installation của một nghệ sỹ đã làm thực hành installation để tham khảo: "Installation là một thể loại nghệ thuật mà ở đó người ta dùng những đồ vật, vật dụng có sẵn do con người tạo ra, đôi khi là những vật từ thiên nhiên… sắp xếp, phối màu, tạo khối, tạo chất liệu, đường hướng … trong không gian 3 chiều để nhằm chuyển tải một thông điệp cụ thể hay ẩn dụ nào đó”. Định nghĩa nào hữu ích hơn ? Còn nhận định khái quát: "Installation dưỡng như là đưá con tinh thần của hội hoạ và điêu khắc" của tôi có gì sai? Cũng giống như nhận định: “Performance là nghệ thuật của ngày Chủ nhật” Đó cũng không phải là định nghĩa mà là một nhận định. Còn muốn có định nghĩa, chúng ta chỉ cần tra các từ điển nghệ thuật và đơn giản chép lại (thuộc về khái niệm nghệ thuật hậu thế kỷ XX, có thể trích dẫn khoảng 125 định nghĩa về các thể loại khác nhau…). Còn nhận định về performance, ngày hôm nay khán giả chưa hiểu thì ngày mai có thể hiểu hoặc có thể 5-10 năm nữa, hoặc không bao giờ hiểu thì cũng có sao đâu (hy vọng rằng khi đó cái thể loại nghệ thuật “ngày Chủ nhật” này còn tồn tại). Và mong muốn của chúng ta là chừng nào nó còn tồn tại thì chúng ta còn được thưởng ngoạn thể loại nghệ thuật này từ công chúng hay những người yêu nghệ thuật, vì đó là một trong những mục đích của performance. Nhưng có một định nghĩa quan trọng, đó là định nghĩa từ thực tế hành động sáng tạo của người nghệ sỹ. Bởi vậy, đọc sách của các nhà phê bình rồi trích dẫn họ cũng phải lựa chọn và không nhất thiết cứ phải lấy sách của họ ra khoe và không nhất thiết cứ khoe sách mới là trí thức. Như Huy khoe sách và hỏi tôi đã đọc chưa? Xin trả lời: Có nhiều cách đọc, có nhiều sách để đọc cũng như có nhiều thời điểm để đọc. Có loại sách đọc lúc tuổi thiếu nhi, có loại sách đọc lúc tuổi thanh niên, có loại sách đọc lúc đã hình thành cá tính, có loại sách đọc lúc tuổi già. Bởi vậy, những cuốn sách mà Như Huy khoe nên đưa cho các sinh viên năm thứ nhất đọc, có thể họ cũng cần đấy! Tôi có những cuốn sách của tôi để nuôi dưỡng và phục vụ cho niềm tin và công việc của tôi. Liệu không có mấy quyển sách đó của Như Huy, người ta sẽ không vẽ được và không làm nghệ thuật được sao ? Sau khi khoe sách, Như Huy lại khoe chữ: lập biểu chữ, tách nghĩa, so sánh bằng tiếng Anh, làm xong lại vội vàng “...xin lỗi các nhà dịch thuật vì sự không chính xác…" Nếu đã không biết rõ thì im lặng có hơn không? Tôi sợ rằng sẽ mắc phải cái tật của Như Huy nếu nói rằng tôi còn có những cuốn sách hữu ích hơn, mới mẻ hơn những cuốn sách mà Như Huy dẫn ra trong bài viết. Để biện minh cho những thứ nghệ thuật “ngày Chủ nhật”, Như Huy và nhiều người khác luôn viện dẫn postmodernism, nhưng đâu phải bất cứ cái gì cũng trở nên có giá trị sau khi dán cho cái nhãn postmodernism? Mỗi thời đại tạo sao lại lưu lại chỉ có được vài tên tuổi hoạ sỹ, văn sỹ, thi sỹ, triết gia … mà thôi? Bởi vì đơn giản là cái dở, cái xấu sẽ phải mất đi để nhưỡng chỗ cho cái hay, cái đẹp tồn tại. Ngày hôm nay, người ta có thể thích hoặc không thích, theo hoặc không theo một thứ “nghệ thuật” nào đó, đó là quyền tự do. Nhưng thích cái gì và không thích cái gì (đặc biệt trong nghệ thuật) phụ thuộc vào trình độ văn hoá, học vấn của mỗi người. Có điều kiện ra nước ngoài cũng chẳng phải bỗng chốc hiểu được cái hay, cái đẹp của họ, cũng như để tiếp thu được những giá trị tinh hoa của họ cần phải có thời gian. Còn như “cưỡi ngựa xem hoa” rồi trở về có khi chỉ ôm theo một mớ cỏ rác mà vẫn tưởng là hoa, là hiện đại, là mới … Vẽ không phải chỉ là hành động xoay cổ tay, là bôi màu lên mặt vải. Nó khó hơn và thú vị hơn thế nhiều. Nhưng nó cũng đầy cay đắng và biết bao bi kịch xảy ra khi người ta đứng trước một cái khung vải trắng. Nó gồm cả cuộc sống, học vấn, sự từng trải, quan niệm của người nghệ sỹ về cái đẹp, về những những giá trị … Và khi đã đạt đến một tầm nào đó thì suy tưởng cũng là vẽ, đàm đạo cùng bè bạn cũng là vẽ, vẽ cả trong tâm thức, trong im lặng... Mỗi người có niềm tin của mình, và chúng ta hành động để niềm tin đó trở thành sự thật và hành động để bảo vệ nó. Bây giờ tôi muốn nói đôi chút về performance. Nghệ thuật “ngày Chủ nhật” cũng có những giới hạn của nó, phải không? Bạn hãy thử cởi quần áo, vẽ những hình tục tĩu lên cơ thể như ai đó đã làm rồi ra trước Nhà thờ Đức Bà giang tay ra và nói: “Ta đây, ta đã trở về!”. Bạn thử làm xem, dù chỉ một phút thôi? Hay khỏa thân đi dạo trên đường Đồng Khởi, dù chỉ vài bước chân, hay leo lên nhà cao tầng nhảy xuống? Hoặc hôm nào trời giông, bạn đeo thử cái cột thu sét đi ngoài trời xem sao, thơ mộng lắm phải không? Hay làm trò khác cho đỡ bụi bặm, đường sá, xe cộ, người xem: vào phòng kín, rủ thêm mấy người bạn trai làm cái việc … “vô tính” kia, sau đó ra trước quảng trường căng phông lên, chiếu lại hình ảnh ấy? Bạn sẽ là một nghệ sĩ performance “thứ dữ” đấy!
|