điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Vài ghi nhận về “Đời ốc” của Phương Quốc Trí

 

(Triển lãm “Đời ốc”[*] của Phương Quốc Trí)

 

Cho dù thừa nhận Phương Quốc Trí là một trong số hiếm hoi họa sĩ vẽ chân dung thuộc hàng xuất sắc ở Sài Gòn, và thực sự yêu quí tính cách của Trí, tôi chưa bao giờ xem Trí là đối tượng cho các khảo sát nghệ thuật của mình. Lý do hết sức đơn giản: tuy kỹ năng vững vàng, tranh đẹp (hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác), và có giá trị biểu cảm (gợi cảm xúc xao động, u uất hay giằng xé...), nhưng ở Trí, căn bản, vẫn thiếu một cách nhìn riêng. Cái nền tảng mỹ học ẩn đàng sau cách nhìn nghệ thuật của Trí (có thể Trí không ý thức), thực sự, đã là lối mòn, cũ kỹ... Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng tranh của Trí chịu ảnh hưởng hay giống tranh của người này người kia. (Cũng cần lưu ý: chịu ảnh hưởng, hay giống, không có nghĩa là “ăn cắp” hay “bắt chước” như có vài người vội vàng-một cách hung hăng-qui chụp lên Trí. Với kỹ thuật và cách nhìn nghệ thuật như thế, sự trùng lặp là điều khó tránh khỏi!)

 

Tranh chân dung của Phương Quốc Trí

 

Có lẽ Trí cũng nhận biết điều đó. Có thể nhận thấy sự bất an nơi Trí. Tuy tranh vẽ ra “bán chạy như tôm tươi” (như có người nói), có nhiều tiền, nhưng Trí lúc nào cũng buồn, cũng muốn làm gì đó khác hơn, mới hơn. Và loay hoay. Tôi yêu quí Trí bởi cái sự bất an, sự buồn và sự loay hoay này... Nhưng tôi cũng ái ngại cho Trí. Ái ngại, bởi cũng dễ thấy, cuộc sống của Trí có quá nhiều gánh nặng, cũng có những hạn chế nhất định về mặt nhận thức... Mà môi trường kinh tế xã hội và văn hóa ở Việt Nam lại quá bất thường, chẳng dễ dàng gì cho mọi đổi thay! Thỉnh thoảng ngồi quán café bù khú, tôi cũng không dám nói nhiều với Trí về chuyện nghệ thuật. “Muốn nhanh thì phải từ từ!” — thường, chỉ nói với Trí thế thôi! Với tôi, họa sĩ vẽ tranh hàng loạt để bán, vẽ tranh nuột nà để tán gái, hay gì gì nữa... xét đến cùng, cũng đều chính đáng như nhau. Quan trọng là đừng xạo xự đánh lận con đen...!

...

Trước khai mạc triển lãm “Đời ốc” hai ngày, Trí mời tôi đến xem. Tôi không biết Trí muốn nhờ tôi góp ý, hay muốn tôi xem trước để viết lời giới thiệu. Nhưng hôm đó, xem qua một vòng, tôi đã phải nói ngay với Trí: “Chẳng có gì để nói đâu. Một, là nó chẳng có gì mới mẻ — hình ảnh động vật phóng to hay thu nhỏ, bôi màu các kiểu, bài trí các kiểu thiên hạ làm nhiều lắm rồi! Hai, là nó quá đơn giản, thậm chí thô thiển — chỉ với một sọt ốc nhuộm cùng một màu đỏ, có vài con như cố bò ra ngoài để lại một vệt màu dài phía sau... mà để người xem chấp nhận rằng đó là chuyện “Đời ốc” thì e rằng hơi hoang tưởng. Cho dù có giải thích như thơ rằng, ốc là biểu tượng cho thân phận nhỏ nhoi, hèn yếu, và hơn thế nữa còn bị nhuộm màu đồng dạng, v.v... thì thực ra cũng chỉ là xảo biện! Ba, ngay cả khi bỏ qua các suy tưởng chủ đề, chỉ nhìn ở khía cạnh tạo hình và cách bài trí thì cũng chẳng có ấn tượng gì đáng kể — nó chỉ là đèm đẹp theo kiểu trang trí đơn thuần!...”

 

 

Từ gallery của Trí đi về, tôi nghĩ, Trí hơi vội, đang làm cái việc không phù hợp với mình! Lê Quốc Thành đi cùng với tôi, sau đó, cũng có nhận xét tương tự!

...

Hôm khai mạc, tôi đến. Chủ yếu cho vui, và để gặp vài người bình thường khó gặp. Tôi không nghĩ, sẽ có ấn tượng hay cảm nghĩ gì khác hơn về tác phẩm của Trí.

Nhưng bước vô phòng triển lãm, tôi cảm thấy chợn trong lòng. Một cảm giác hết sức khác lạ.

Hai hôm sau, tôi quay lại phòng triển lãm một mình. Cũng có cảm giác như vậy!

Trí đã thêm vào một vòng tròn, cũng sơn màu đỏ, treo lơ lửng trên sọt ốc. Chính sự có mặt của cái vòng tròn lạ lẫm này đã khiến cho tác phẩm trở nên khác lạ: vừa mở rộng không gian khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn, vừa khiến cho nội dung tác phẩm cũng được mở rộng, trở nên “mơ hồ” hơn, do đó, mà gợi ra nhiều liên tưởng, nhiều cảm nhận khác nhau hơn...

 

 

Cái vòng tròn đỏ lơ lủng này có nghĩa là gì? Mỗi người có thể sẽ hiểu cách riêng. Nhưng dù có hiểu như thế nào, thì có lẽ, cũng dễ đồng ý, nhờ nó mà cái sọt ốc đỏ kia không còn là một khối lù lù trơ trụi. Nó đã mở ra một không gian. và, tự nó là một điểm qui chiếu gợi cảm, gợi tưởng... Nó có thể là mặt trời! Mặt trời hiện diện để “chứng thực” cho những “đời ốc” bên dưới, cho những “đời ốc” đó một bầu không khí để sống — như vẫn thế!

 

*

 

Phòng triển lãm của Trí gồm có 2 gian. Gian ngoài là tác phẩm vừa nói. Còn gian trong, tuy vẫn là ốc-những con ốc đang bò và những vỏ ốc vỡ vụn-nhưng tất cả đều được phủ một màu trắng xóa...

 

 

 

 

Khi tôi xem lần đầu, gian này chưa được trưng bày xong. Nhìn từng tác phẩm có ảnh ở trên như là những tác phẩm độc lập tôi đã chẳng có ấn tượng gì đáng kể. Tuy có chút cảm nhận về sự hư huyễn, phù du... nhưng tất cả, đều rất yếu ớt, mờ nhạt...!

Lần xem sau khác nhiều. Trí đã đổi vài mảng tường sang màu đen, và chỉ tập trung chiếu sáng vào từng tác phẩm một. Sự thay đổi màu tường cũng như cách phối sáng này cũng gây bất ngờ tương tự như việc Trí thêm cái vòng màu đỏ trên sọt ốc đỏ ở gian ngoài. Nó đã biến cả gian phòng từ một không gian trưng bày trung tính trở thành một không gian mang tính hình tượng nối kết các tác phẩm đơn lẻ lại trong một chỉnh thể biểu ý, biểu xúc mạnh mẽ... Cả gian không còn chỉ là nơi trưng bày các tác phẩm đơn lẻ nữa, mà chính nó đã là một tác phẩm hoàn chỉnh!

 

 

 

Hai gian triển lãm, cũng chỉ là một câu chuyện “Đời ốc”, nhưng có hai sắc thái khác nhau. Gian ngoài, với hình thức như đang có, là “Đời ốc” trong thế giới hiện tượng được nhìn thấy. Đó là thế giới xô bồ xô bộn và nóng hổi của những khát vọng và nổ lực...! Còn ở gian trong, với hình thức như đang có, là “Đời ốc” được suy ngẫm trong tâm tưởng. Đó là cõi mông lung thực, hư lẫn lộn... Đó là thế giới của những nỗi niềm, của những ưu tư...

 

*

 

Xem lại “Đời ốc”, nghĩ kỹ hơn về “Đời ốc”, và như những gì thấy được vừa nói, tôi buộc lòng phải nghĩ lại về Phương Quốc Trí.

Với tác phẩm này, Trí thực sự là mình trong sự giao lưu mang tính nội tại. Nói cách khác, Trí đã lộn trái được chính mình như một nghệ sĩ chân chính.

 

*

 

“Đời ốc” của Phương Quốc Trí thực sự xứng đáng cho một tiểu luận phân tích, diễn dịch thấu đáo hơn. Tiếc là tôi không có nhiều thời gian dành cho việc này. Thôi thì tạm ghi nhận như vậy, mai mốt rảnh rỗi hẳn hay!

 

Nguyên Hưng

_________________________

[*]Triển lãm “Đời ốc” của Phương Quốc Trí khai mạc ngày 10 tháng 3-2012, tại phòng tranh Cactus Contemporary Art (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Triển lãm kéo dài trong vòng một tháng.

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021