điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Lê Thành Nhơn và những trường thành của cái đẹp

Nghĩ đến mỹ thuật Việt Nam đương đại, bên cạnh một số tên tuổi khác, tôi hay nghĩ đến Lê Thành Nhơn. Không phải vì anh là bạn của tôi. Mà chủ yếu vì trong nghệ thuật của anh có nét gì tôi tin là sẽ thuộc về vĩnh cửu. Dĩ nhiên, xin nói ngay, đây chỉ là niềm tin của một kẻ ngoại đạo trong thế giới mỹ thuật. Tin, hoàn toàn tin, mà lòng vẫn đầy bất an. Tôi biết, trong lãnh vực này, kiến thức và kinh nghiệm của tôi chưa đủ bảo hiểm cho nhận định của tôi. Nhưng tôi cứ viết. Như một đề nghị.

Duy có một điều tôi tin chắc là mình đúng khi cho Lê Thành Nhơn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi sống hết mình cho nghệ thuật. Thường, sau khi định cư ở nước ngoài, trong một không gian văn hoá khác, người ta dễ bỏ cọ, bỏ bút để chọn cho mình một nghề nghiệp khác, thực tế hơn và cũng ổn định hơn. Lê Thành Nhơn thì không. Gặp anh, chuyện trò với anh, cho dù ở Việt Nam trước năm 1975 hay ở Úc sau này, lúc nào bạn bè của anh cũng nghe anh kể về các dự án nghệ thuật anh đang thực hiện hoặc ấp ủ một cách vô cùng nồng nhiệt. Anh say sưa, anh bồng bột, anh miệt mài theo đuổi hết công trình này đến công trình khác. Không phải lúc nào anh cũng có điều kiện để thực hiện các dự án của mình, nhưng anh không bao giờ thất vọng và nhất là không bao giờ mệt mỏi, muốn dừng lại. Cứ như thế, từ ngày anh tốt nghiệp thủ khoa khoá 9 trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định vào năm 1964 đến nay, đã gần 40 năm trôi qua, số lượng tác phẩm của anh càng lúc càng nhiều, sự nghiệp của anh càng lúc càng dày, thế đứng của anh trong thế giới nghệ thuật Việt Nam càng lúc càng vững chắc. Nói đến sinh hoạt điêu khắc và hội hoạ Việt nam sau 1954, người ta không thể không nhắc đến anh; nghĩ đến những thành tựu lớn về nghệ thuật miền Nam sau 1954, người ta không thể không nghĩ đến những bức tượng đồ sộ và nguy nga do anh thực hiện.

Đặc điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật của Lê Thành Nhơn, theo tôi, là tính chất hoành tráng. Tính chất hoành tráng ấy thể hiện, trước hết, ở kích thước của tác phẩm. Tranh và tượng của anh bao giờ cũng vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường và quen thuộc ở Việt Nam. Những bức tranh mỗi chiều một thước, ở nhiều hoạ sĩ khác, đã được xem là lớn; ở Lê Thành Nhơn, chỉ là những "tiểu phẩm", những chặng nghỉ ngơi. Ngoài khá nhiều những bức tranh mỗi bề hai thước; Lê Thành Nhơn còn có những bức tranh cao hai thước và dài đến năm, sáu thước, mỗi bức chiếm nguyên cả một bờ tường lớn trong phòng vẽ mênh mông của anh, như một bức trường thành của cái đẹp.

Đó là tranh. Tượng của Lê Thành Nhơn cũng thế. Càng hơn thế. Những ai từng bước vào trường Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm ở Sài Gòn không thể không ngước nhìn lên bức tượng Phật Thích Ca cao hơn bốn thước, uy nghi giữa vòm cây xanh của Lê Thành Nhơn. Những ai ở Huế hay đi thăm Huế, ghé vào khu vườn ngày xưa Phan Bội Châu đã ở, không thể không ngước nhìn lên bức tượng tạc khuôn mặt Phan Bội Châu bằng đồng cao đến ba thước rưỡi của Lê Thành Nhơn. Ngay tại Úc, những ai có dịp ghé vào đại học Monash, học khu Caulfield, Melbourne, cũng không thể không ngước nhìn lên bức tượng "Joy" bằng đồng cao gần ba thước của Lê Thành Nhơn được dựng sừng sững ngay giữa sân trường, trên một thảm cỏ xanh rời rợi.

Tranh và tượng của Lê Thành Nhơn đều bắt người xem phải ngước lên. Vì chúng cao. Vì chúng lớn. Và cũng vì chúng hùng vĩ nữa. Phần lớn, xin nhắc lại: phần lớn, tranh, tượng Việt Nam đều giống như những hoài niệm với những đường nét và màu sắc nhẹ nhàng, lãng đãng, như thấp thoáng sương, và có khuynh hướng gợi cho người xem liên tưởng đến một thế giới nào đó đã thật xa xăm. Đẹp. Đành là đẹp. Nhưng đẹp một cách thật xa xăm. Ở Lê Thành Nhơn thì khác. Cho dù anh tập trung vào một đề tài thật xưa cổ thì tranh hay tượng của anh vẫn cứ như những ước mơ, những dự phóng, hàm chứa một sức sống dữ dội, cứ sôi sục muốn trào lên. Tranh và tượng của những người khác gợi nhớ đến những dòng sông và những mặt hồ, hiền lành và yên ả. Tranh và tượng của Lê Thành Nhơn gợi nhớ đến biển cả với những làn sóng cồn cào muốn chồm lên đọ sắc trắng với mây trên cao.

Nhìn bức tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn, tôi hay liên tưởng đến một đỉnh núi, ở đó, từ đôi lông mày đến hàm râu đều mang hình ảnh của những triền đá. Nó đẹp cái đẹp rất xương xẩu, rất cứng cáp. Cái đẹp của xương rồng. Của kim khí. Sắc và mạnh. Ngay cả khi Lê Thành Nhơn tạc tượng Đức Phật, Đức Mẹ Maria, hay một thiếu nữ nào đó, với những đường nét dịu dàng, người ta vẫn thấy có cái gì lớn lao và cuồn cuộn đằng sau: ở hai bàn tay thong thả như muốn ôm chứa cả vũ trụ; ở một vạt áo tĩnh lặng như bất chấp mọi giông bão của cuộc đời; ở cánh môi sắc nét như sắp sửa nói lên những lời yêu thương. Nhìn tượng bằng đá hay bằng đồng mà người ta cứ thấy có cái gì như có hơi thở. Phập phồng.

Trong các tác phẩm của Lê Thành Nhơn, tôi yêu nhất bốn bức tượng Sinh, Lão, Bệnh và Tử của anh. Cả bốn đều tuyệt hảo, nhất là bức Lão và bức Tử. Bức trên, tạc hình một ông cụ chống gậy đang bước đi, lưng còng thành một nét ngang, như một nét chữ Tàu trong một bài thơ xưa. Bức dưới, tạc hình một con người đang uốn tròn để đầu và chân đụng nhau, gợi lên ý niệm về vòng luân hồi và sự tái sinh. Có lẽ ít khi nào sự sống và cả cuộc đời được hiện hình lên trong tác phẩm điêu khắc một cách sắc sảo đến như vậy. Mà không chỉ riêng tôi. Hình như bất cứ người nào có dịp ngắm bốn bức tượng trên của Lê Thành Nhơn cũng đều bàng hoàng và ngẩn ngơ. Bao nhiêu người - như Thi Vũ trên Quê Mẹ và Đỗ Quý Toàn trên Thế Kỷ 21 - đã viết bài khen ngợi bốn bức tượng ấy, xem chúng như những kiệt tác của nền điêu khắc Việt Nam dù, trên thực tế, chúng chỉ là những phác thảo. Nhỏ. Bằng thạch cao.

Cũng nằm trong dạng phác thảo là nhiều bức tượng Phật mà Lê Thành Nhơn đã thực hiện bằng đất sét trong mấy chục năm qua. Ngoài ra anh còn có nhiều tác phẩm khác làm bằng "foil", thứ giấy thiếc người ta thường dùng để gói thức ăn đặt trong các lò nướng. Mỗi tác phẩm là một công trình sáng tạo độc đáo. Mỗi tác phẩm là một bài thơ còn trong bản thảo. Đó là chưa kể những gì còn đang thai nghén trong đầu của anh. Nhiều lúc, nhìn các tác phẩm của Lê Thành Nhơn, tôi nghĩ, giá con người này có quyền năng, hẳn công việc đầu tiên anh sẽ làm là sắp xếp lại hình thể của núi non và sông biển trên cuộc đời này. Để cho chúng đẹp hơn. Nghệ thuật hơn. Và hùng vĩ hơn.

1.2000


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021