điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Hiểu hội hoạ siêu thực thế nào cho đúng?

 

1) Siêu thực là gì?

Trong “Hiến chương siêu thực” năm 1924, André Breton viết siêu thực là “cách quy hai trạng thái, mơ mộng và thực tại, dường như rất trái ngược nhau, thành một thực tại tuyệt đối, một siêu thực tại (surreality)”. Như vậy, siêu thực là sự kết hợp thế giới thực tại thông thường và thế giới thực tại của giấc mơ.

Breton định nghĩa siêu thực như sau:

“Siêu thực (danh từ) là trạng thái tâm lý thuần túy không ý thức (automatism), mà ta có thể trải nghiệm để thể hiện (bằng lời được viết thành chữ hoặc bất cứ cách gì khác) hoạt động thực tế của tư duy (thought). Siêu thực được tư duy sai khiến, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của lý trí, được miễn trừ khỏi mọi quan ngại liên quan tới thẩm mỹ và đạo đức.
 
Về mặt triết học, siêu thực dựa trên niềm tin vào một thực tại cao cấp của một số hình thể được tạo bởi những liên tưởng mà trước đây thường bị bỏ qua, vào quyền lực vô hạn của giấc mơ, vào hoạt động không vụ lợi của tư duy. Nó hướng tới sự phá hủy một lần và vĩnh viễn mọi cơ chế tâm lý khác và thay thế chúng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.”

Lưu ý rằng cái Breton nói tới ở đây là tư duy (thought), tức bao gổm cả 3 trạng thái: ý thức (conscious), tiền ý thức (preconscious), và vô thức (unconscious).[1]

 

2) Phương pháp của siêu thực

Để minh họa cho phương pháp siêu thực, Breton trích dẫn Pierre Reverdy:

Hình tượng (image) là sáng tạo thuần túy của tâm trí (mind). Nó không thể sinh ra từ sự so sánh, mà sinh ra từ việc đặt cạnh nhau hai thực tại ít nhiều cách biệt nhau. Mối liên hệ giữa hai thực tại này mà càng cách biệt và càng thực thì hình tượng sẽ càng mạnh, thực tại thi vị và sức mạnh cảm xúc của nó càng lớn.

Theo Baudelaire, con người không tự gọi các hình tượng siêu thực ra được, mà chúng tự động xuất hiện một cách ám ảnh, chuyên chế, không thể xua chúng đi vì nghị lực giờ đây trở thành bất lực, không thể kiểm soát được các năng lực nữa.

Salvador Dalí nói rằng ông nhìn thấy các hình tượng siêu thực nhờ phương pháp hoang tưởng tới hạn (paranoiac-critical method). Phương pháp này cho phép não bộ kết nối các hình tượng mà lý trí không lý giải được.

 

 

Hoang tưởng dùng các sự vật của thế giới xung quanh chỉ để nhằm khẳng định ý niệm bao trùm của nó, buộc người thưởng ngoạn chấp nhận ý niệm đó như một thực tại. “Thực” đến đâu là do tài của nghệ sĩ.

Như vậy, không nên hiểu nhầm siêu thực là “bộc lộ tiềm thức mà không bị rào cản của lý trí”, mà siêu thực là chấp nhận các thông điệp từ vô thức chui vào ý thức. Đó là trạng thái tâm lý thuần túy vô-ý-thức mà Breton gọi là automatism. Các thông điệp của vô thức được truyền đạt bằng các hình tượng, ký hiệu, ý niệm, trong khi các thông điệp của ý thức được truyền đạt bằng ngôn ngữ. Nếu trào lưu hiện thực dựa vào biểu tả hình tượng các vật thể từ thế giới xung quanh, còn trào lưu trừu tượng biểu tả thế giới tinh thần mà không cần tới hình tượng của vật thể từ thế giới xung quanh,[2] thì các nghệ sĩ siêu thực muốn làm một sự kết nối giữa thế giới trừu tượng của tinh thần và thế giới hiện thực khách quan của các vật cụ thể. Dùng các vật thể của thế giới xung quanh như một loại ẩn dụ, nghệ sĩ lôi thực tại từ tâm trí vô thức (unconscious mind) ra, đưa nó vào tâm trí có ý thức (conscious mind) để ta có thể giải mã. Carl Jung (1875 – 1961), nguyên môn đệ xuất sắc của S. Freud, đã viết rất rõ về điều này như sau: “Niềm khát khao không được thoả mãn của nghệ sĩ đã quay về với hình tượng hoang sơ của vô thức – hình tượng nào phù hợp nhất để bù lấp sự phiến diện một chiều của hiện tại. Nghệ sĩ chiếm hữu hình tượng đó, lôi nó lên từ vô thức sâu thẳm, đưa nó vào mối liên kết với những giá trị của ý thức, và từ đó biến đổi nó cho đến khi trí tuệ những người đương thời chấp nhận nó tùy theo khả năng của họ.”

 

3) Quan hệ của siêu thực với hậu hiện đại[3]

Tuy các nhân tố siêu thực đã có trong nghệ thuật Trung Cổ, Phục Hưng, Baroque, Cổ điển v.v., song chỉ từ thế kỷ 20 siêu thực mới trở thành một trào lưu của nghệ thuật hiện đại (modern art), được đánh dấu bởi Hiến chương Siêu thực năm 1924 của André Breton. Sự phát triển của kỹ nghệ, sự ra đời của nhiếp ảnh, điện ảnh, vô tuyến truyền hình, v.v. đã có tác động lớn tới những người quan tâm tới việc biểu tả thực tại, tới cá tính hay bản sắc, tức là các nghệ sĩ. “Cái đẹp là gì?” không còn là câu hỏi thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện đại. Câu hỏi của chủ nghĩa hiện đại là: “Cái gì có thể được coi là nghệ thuật?” Nghệ thuật hiện đại có xu hướng đi tìm những sự thiếu hụt thực tại của thực tại, và kết quả là sáng chế ra các thực tại khác. Động lực của cuộc tìm kiếm này có khởi nguồn từ quan niệm thẩm mỹ về cao siêu (sublime) trong triết học của Kant.

 

 

Cảm giác về sự cao siêu là một cảm giác mạnh và nước đôi bởi nó chứa cả khoái lạc và đau khổ, thậm chí là khoái lạc rút ra từ đau khố, như một thứ khổ dâm. Nó xuất hiện khi khả năng nhận thức một cái gì đó trở nên mâu thuẫn với khả năng biểu thị chính cái đó. Sự hiểu biết của ta về một đối tượng cho phép hình thành trong ta một quan niệm (concept) về đối tượng đó. Khi khả năng biểu thị đối tượng đó phù hợp với quan niệm của ta về nó thì trong ta xuất hiện một sự phán xét thẩm mỹ gọi là thị hiếu, đem lại cho ta một thứ cảm giác gọi là khoái cảm. Cao siêu là một thứ cảm giác khác. Nó xuất hiện khi trí tưởng tượng của ta không thể nào biểu thị nổi một sự vật sao cho phù hợp với quan niệm của ta về nó. Ta có thể cảm thấy cái gì đó cực kỳ hùng vĩ song mọi biểu thị mà ta cố đưa ra nhằm “nhìn thấy” sự vĩ đại tuyệt đối đó cuối cùng đều không thỏa đáng một cách đau đớn, bởi đó là những ý niệm không biểu thị được bằng hình tượng (unpresentable hay bất khả biểu thị).

Hội họa hiện đại là hội hoạ nhằm biểu thị một sự thực: có tồn tại những thứ bất khả biểu thị. Đó cũng chính là nguy cơ của hội hoạ hiện đại, bởi khi cố làm hiển thị cái có thể nhận thức được nhưng vô hình, nó đã tự đặt mình vào tình huống của người đi tìm con mèo đen trong một cái phòng tối đen mà con mèo thì không có ở đó.[4] Kant gọi trải nghiệm của trí tưởng tượng nảy sinh trong cuộc truy tìm cách hiển thị cái vô tận (infinity) là tính không hình (formlessness) hay trừu tượng trống rỗng (empty abstraction). Kết cục của cuộc thám hiểm này là sự ra đời (và sau đó đi vào ngõ cụt) của hội họa trừu tượng kiểu Malevich và Mondrian. Hội hoạ của họ thực chất nhằm ám chỉ cái bất khả biểu thị dựa vào những thứ có thể biểu thị được. Nhưng trong khi làm điều này, hội hoạ hiện đại vẫn được xây dựng trên sự nhất quán về tạo hình và hoà sắc có thể nhận biệt được, tức vẫn còn bám vào thị hiếu thẩm mỹ dựa trên khoái cảm và sự an ủi trong người thưởng ngoạn.

Hậu hiện đại làm một bước táo tợn hơn: cố biểu thị chính cái bất khả biểu thị, bằng cách khước từ mọi tạo hình “đẹp”, khước từ niềm an ủi, khước từ luôn cả sự đồng thuận về cái thị hiếu đã từng gợi nên hoài niệm tập thể về những gì không đạt tới được (ví dụ như sự hoàn hảo). Hậu hiện đại muốn tìm những cách biểu thị không nhằm gây khoái cảm thẩm mỹ mà nhằm tạo ra một cảm giác mạnh hơn về cái bất khả biểu thị. Nghệ sĩ hậu hiện đại tạo ra tác phẩm không theo các quy tắc đã được thiết lập trước đây. Không thể phán xét các tác phẩm hậu hiện đại dựa trên các nguyên tắc đã biết, bởi các quy tắc và chuẩn mực là những thứ mà tác phẩm hậu hiện đại muốn thiết lập. Nghệ sĩ hậu hiện đại là người sáng tác không theo quy tắc nào cả, nhằm tạo ra các quy tắc để rồi lại phá bỏ chúng ngay trong tác phẩm tiếp theo. Nói cách khác, hậu hiện đại luôn nằm trong quá trình tự phủ định, là thời quá khứ trong tương lai (future anterior). Như vậy, mục đích của hậu hiện đại không phải là cung cấp thực tại mà là tạo ra các ám chỉ đối với những thứ có thể nhận thức được nhưng không thể nào biểu thị được.

Thoạt nhìn, siêu thực dường như có mục đích tương tự như hậu hiện đại bởi, với cảm giác về sự cao siêu, siêu thực khiến thế giới vô thức hiển thị trong thế giới của ý thức. Tuy nhiên có hai khác biệt quan trọng: (i) thế giới vô thức không phải là bất khả biểu thị, (ii) khi làm như vậy siêu thực vẫn tuân theo các nguyên tắc của hội hoạ hiện đại, tức thị hiếu thẩm mỹ dựa trên khoái cảm và sự an ủi trong người thưởng ngoạn. Mặt khác, nếu như thẩm mỹ cổ điển đã bị bóp chết trong hiện đại và hậu hiện đại, các ý tưởng và phương pháp của siêu thực vẫn có đất sống và tiếp tục sinh sôi trong hậu hiện đại, bởi siêu thực đã cho thấy sự ràng buộc giữa trật tự (order) và hỗn độn (chaos): trật tự sinh ra hỗn độn và trật tự cũng sinh ra từ hỗn độn. Trật tự hiện hữu cả bên ngoài địa hạt của logic thông thường, nơi các các quan niệm của ý thức không còn đất sống. Cả hai thứ trật tự thông thường và trật tự bất thường đều có thể được khám phá nhờ trực giác của vô thức. Kết quả cuối cùng cho chúng ta một hình dung đầy đủ hơn về cấu trúc của thế giới trong tư duy con người. Nghệ thuật vì vậy không đơn thuần là việc bắt chước tự nhiên như trong quan niệm của Plato và Aristotle, mà bên cạnh khoa học, nó còn là một quá trình khám phá và nhận thức thế giới.

 

6/1/2013

 

 

_________________________

[1]Không nên nhầm lẫn vô thức (unconscious) với tiềm thức (subconcious). Sigmund Freud nói người nào dùng từ tiềm thức là còn lúng túng trong việc phân định liệu đó là thứ nằm dưới ý thức hay là một dạng ý thức khác. Freud chỉ nói về vô thức (unconcious) và tiền ý thức (preconcious).

[2]W. Kandinsky, Bàn về tinh thần trong nghệ thuật (1910).

[3]Quan niệm về hậu hiện đại trong mục này được trình bày dựa theo phụ lục “Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì?” (What is postmodernism?) trong tiểu luận “Hoàn cảnh hậu hiện đại: Báo cáo về sự hiểu biết” (The postmodern condition: A report on knowledge) của Jean-François Lyotard.

[4]Người viết mượn ẩn dụ từ chuyện đùa “Đâu là sự khác nhau giữa nhà vật lý, triết gia, và triết gia Marxist?” Trả lời: Nhà vật lý giống như người đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối đen, mà con mèo có thể có hoặc có thể không có trong phòng. Triết gia là người đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối đen, nhưng con mèo không có trong phòng. Triết gia Marxist là người đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối đen, nhưng con mèo không có trong phòng, song người này chốc chốc lại la toáng lên: “Tìm thấy rồi!”

 

Một số bài liên quan trong series này:

 

 

--------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021