Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
ban biên tập   mục lục
thư toà soạn
Việt 5 /  Ðầu năm 2000 -  Họ đã viết văn, làm thơ như thế nào?
 

Với năm số báo đã xuất bản, Việt vừa tròn hai tuổi. Tuy cả số báo lẫn số tuổi đều ngắn ngủi, nhưng Việt đã tạo được một thế đứng vững vàng trong sinh hoạt văn học Việt Nam ở hải ngoại.

Hai mặt mạnh được nhiều người chú ý nhất ở Việt là thơ và tiểu luận. Hầu hết các bài thơ đăng trên Việt đều mang nhiều yếu tố cách tân, gây nên những ý kiến trái ngược hẳn nhau: người khen, khen hết lời; kẻ chê, chê thậm tệ. Về tiểu luận, ý kiến bạn đọc và bạn văn tương đối thống nhất: không có tạp chí văn học nào tập hợp được nhiều bài viết lý luận nghiêm túc và mới mẻ như Việt. Sự phong phú của phần tiểu luận này tuy làm cho tờ báo bị xem là có phần hơi nặng nề với một số độc giả, nhưng nó lại làm nên bản sắc của Việt, khiến cho Việt khác hẳn các tạp chí văn học khác hiện nay, ở trong cũng như ở ngoài nước.

Điều đặc biệt là ở cả hai phương diện thơ và tiểu luận, ngoài sự đóng góp của những cây bút đã thành danh từ lâu hiện đang định cư ở khắp nơi trên thế giới, Việt còn là nơi đầu tiên giới thiệu được nhiều tài năng mới, như Vi Hoà, Chim Hải, Nguyễn Hoàng Văn, Uyên Nguyên, Hoàng Ngọc-Tuấn, v.v... Trong số đó, hai người sau cùng, Uyên Nguyên và nhất là Hoàng Ngọc-Tuấn, đã nhanh chóng được công nhận như những cây bút hàng đầu ở hải ngoại, một trong lãnh vực thơ ca và một trong lãnh vực biên khảo, lý luận và dịch thuật.

Ở bốn số Việt trước, truyện ngắn và tuỳ bút chiếm một không gian nhỏ nhất. Tuy vậy, một số bài tuỳ bút của Võ Phiến, một số truyện ngắn của Phùng Nguyễn, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, và nhất là truyện ngắn "Ám thị" của Phạm Thị Hoài trên Việt số 4 vừa rồi đã gây những ấn tượng rất mạnh, được nhiều bạn đọc và bạn văn khen ngợi nhiệt liệt.

Trong Việt số 5 này, phần truyện ngắn và tuỳ bút khởi sắc hẳn, với sáng tác mới của các tác giả: Võ Đình, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Mai Ninh, Phạm Hải Anh, Phùng Nguyễn và Hoàng Ngọc-Tuấn. Trong số này, Mai Ninh và Phạm Hải Anh chỉ mới cầm bút khoảng vài ba năm trở lại đây mà thôi, tuy nhiên, qua hai truyện ngắn "Hợp âm trong vùng sân khuất" và "Người không mặt", bạn đọc sẽ thấy họ đều là những cây bút rất tinh tế và điêu luyện, là những tài năng quý hiếm trong lãnh vực truyện ngắn ở hải ngoại.

Phần tiểu luận trong số này vẫn phong phú với một đoạn "hồi ký viết sớm" của Nguyễn Xuân Hoàng; những kinh nghiệm viết bộ tiểu thuyết trường thiên Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác; kinh nghiệm sáng tác nói chung của Trần Hữu Thục; cơ sở mỹ học của văn chương hiện đại và hậu hiện đại qua phần giới thiệu công phu của Hoàng Ngọc-Tuấn. Nhà văn Võ Phiến, với bài "Viết chơi" trình bày quan niệm của ông về việc viết, như một hành động sáng tạo, qua đó, vừa xác định ý nghĩa của văn học vừa xác định một thái độ cầm bút đúng đắn. Phạm Thị Hoài, với bài "Văn và số", đưa ra một số nhận xét sắc sảo về ngôn ngữ và về văn học. Nguyễn Hoàng Văn viết về quan hệ giữa tưởng tượng và hiện thực trong sáng tác...

Các bài viết về thơ tương đối ít. Chỉ có hai bài của nhà thơ Lê Đạt và Huỳnh Mạnh Tiên cũng như một số câu trả lời phỏng vấn ngắn do Phan Việt Thuỷ thực hiện. Chúng tôi xin bổ khuyết sự thiếu sót này bằng cách sẽ dành hẳn Việt số 7 (sẽ ra vào tháng giêng năm 2001) cho chủ đề: "Làm thơ và đọc thơ". Chúng tôi cũng hy vọng, với số báo ấy, sẽ thuyết phục được những bạn đọc chưa "cảm" được những bài thơ đăng trên Việt sẽ chấp nhận chúng như những thử nghiệm lành mạnh và cần thiết để giúp thơ Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng bế tắc lâu nay.

Riêng Việt số 6 sắp tới (ra vào tháng 7 năm 2000), chúng tôi xin dành cho chủ đề "Văn học Việt Nam bước vào thế kỷ 21", trong đó, giới sáng tác sẽ trình bày những dự phóng của họ và giới nghiên cứu sẽ thử tìm câu trả lời cho vấn nạn: bước vào thế kỷ 21, trong xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra ào ạt trên khắp thế giới, văn học Việt Nam nên phát triển theo chiều hướng nào?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021