Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 8
Phê bình du kích

Một thói quen mà kéo dài mãi, trong sự đồng tình của đám đông, sẽ trở thành tập tục. Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của chúng ta, phê bình du kích đang có nguy cơ biến thành tập tục.

Nhưng thế nào là phê bình du kích?

Nếu du kích là chiến thuật vừa đánh vừa chạy, chiến thuật tấn công nhưng tinh quái vô hiệu hoá những nguy cơ bị phản công thì phê bình du kích cũng tương tự vậy: phê phán và chỉ trích nhưng lường léo để lẩn tránh trách nhiệm.

Và nếu chiến tranh du kích biến hoá với nhiều dạng thức khác nhau, phê bình du kích cũng thế.

Ðó có thể là những màn “phục kích” phảng phất chút đỉnh màu sắc cơ hội chủ nghĩa, kiểu “tiện thể” bàn qua, lấy thí dụ như những lời “phê bình” mà Y Ban đã dành cho Lê Minh Hà trong cuộc phỏng vấn của Thế Dũng, nhân một chuyến đi nước ngoài, chẳng hạn. Nhà văn Lê Minh Hà, qua một nhận xét đầy khích lệ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, đã bị nhà văn Y Ban xếp hạng như một kẻ mới tập tễnh vào nghề. Ðúng hay sai chưa nói, cái đáng nói là cung cách phê bình: thà là phê bình một cách nghiêm túc, có chứng minh, có luận điểm luận cứ hẳn hoi; đằng này chỉ thấy một câu khơi khơi lơ lửng buông ngang, vô tội vạ, nghe như những lời nhiếc móc nhau trong những cảnh đấu chuyện tào lao.1

Tào lao nhưng cũng gọi là phê bình là vì, dù sao, đấy cũng là sự bày tỏ thái độ trước một tác giả, hay qua đó, ít ra, bày tỏ thái độ trước một lối viết. Gọi du kích là vì, cho dù việc bày tỏ ấy có quả quyết đến đâu đi nữa, đấy không phải một thái độ chính trực bởi, ngay ở cung cách phê bình, đã vô hiệu hoá mọi cơ hội phản-phê-bình!

Nhà văn nữ “tiện thể” khinh khi một nhà văn nữ bằng giọng điệu bề trên, cái vẻ bề trên thể hiện trong dáng vẻ ơ hờ rất là... cố ý: “Lê Minh Hà... gì đó”, ý chừng Y Ban muốn ngụ ý rằng kẻ kia chẳng là cái quái gì cả, chẳng đáng để tôi phải... nhớ chắc cái tên. Tuy nhiên, nếu chỉ mới đọc thoáng qua, thoáng đến độ hãy còn ngờ ngợ “gì đó” với tác giả thì làm sao có đủ thẩm quyền phê phán? Giả dối, hợm hĩnh đã đành, nó còn bất lương nữa.

Bị lôi tuột vào trong những cái bẫy bất lương kiểu này thì khổ chủ chỉ biết có kêu Trời! Bởi, như trường hợp Lê Minh Hà, cô biết làm gì bây giờ? Chẳng lẽ phải vắt óc cho ra một bài thật dài để phản bác cái câu nói vu vơ, ơ hờ “tiện khi” phỏng vấn ấy? Chẳng lẽ phải đánh trống khua chiêng ầm ĩ rằng tôi không-phải-thế, rằng tôi-viết-hay-đấy-chứ, rằng kẻ-kia-nói-bậy? Mà có làm vậy thì cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, chẳng biết lật ngược luận điểm nào trong cái câu buông thõng ơ hờ có chủ ý và rất là bề trên ấy.

Lai rai đây đó, trên một số tạp chí văn học, thường thấy những ý tưởng lấp lửng cà khịa, những lời xa xôi mỉa mai, nhắm vào những quan niệm, những vấn đề văn học, hay những cái tên gắn bó những quan niệm đó, một cách lạc lõng. Con chim học nói trên cành mỉa mai... những lời “mỉa mai học nói” kiểu này hiện ra với tất cả nét vô duyên và trơ trẽn khi bị tác giả tung hứng một cách gượng gạo, chẳng ăn nhập gì với đề tài mà họ muốn trình bày. 2

Thí dụ những quan niệm văn học xoay quanh mấy cụm từ “hậu hiện đại” hay “cộng hoà văn chương” v.v... Trong dáng vẻ bâng quơ rất là... cố tình, họ lôi tuột chúng vào dòng tư tưởng của mình sau khi cẩn thận rào đón bằng một lô tán thán từ kiểu “ghê quá”, “dữ quá” hay miễn chiến bài “tôi không dám lý luận với”, một kiểu khiêm nhường vừa giả dối, vừa mang tính miệt thị theo kiểu hờn mát nhà quê.

Cũng là một cách nói nhiếc, cách nói xỏ xiên, xỏ lá, và là, hơn thế nữa, nói tầm bậy, nói bá láp. Tầm bậy bởi đã đả kích một quan niệm mà chỉ nhắm vào một cái tên, bá láp vì đã công kích một hệ thống tư tưởng mà chỉ cham bẳm việc mỉa mai chỉ một cụm từ, đơn thuần là một cụm từ.

Xa hơn, táo tợn hơn, và... phá hoại hơn là lối phê bình đột kích, giống như những trận đánh đặc công, khi những tác giả kiểu này chăm chăm bỏ qua ý lớn mà xoáy vào ý nhỏ, chăm chăm lướt qua tính hệ thống và tính nhất quán của vấn đề để xoáy mũi dùi đả kích vào một vài luận điểm riêng biệt.

Cũng như trường hợp của nhà văn nữ Lê Minh Hà, đối diện với lối phê bình du kích kiểu này, khổ chủ cũng chỉ biết có kêu Trời. Phản công ư? Ðạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi: người ta chỉ mới “bâng quơ” đôi điều, đã cẩn thận dương cao miễn chiến bài ghê-quá-dữ-quá-tôi-không-dám-lý-luận-với, chỉ mới “tiện thể” bàn chơi vài ba điểm nhỏ vu vơ mà lại bài bản xông pha thì sẽ bị gán cho cái tiếng bất cận nhân tình, cái tiếng hàn lâm đàn áp a-ma-tơ, lý tính trấn áp trực tính, trí tuệ lấn át cảm quan vân vân và vân vân...

Phê bình du kích, như thế, không những chỉ là một hành trạng bất lương, một sự thô bạo hay lưu manh văn hoá, mà còn là một thú nhận bất lực, cho dù có hay không có cái miễn chiến bài tôi-không-dám-lý-luận-với kia.

Lấy thí dụ những lời nhiếc móc hậu-hiện-đại-ghê-quá-dữ-quá-tôi-không-dám-lý-luận-với rải rác đó đây. Cứ lật những tờ báo được xếp hạng lá cải ở Úc như Daily Telegraph, cái tờ báo khét danh về năng khiếu giật gân, đã thấy sự xuất hiện khá đều của “postmodernism”: không có gì là tôi-không-dám-lý-luận-với trong đó cả khi cái gọi là ghê-quá-dữ-quá này đều đều xuất hiện trên phụ trương giáo dục trong nỗ lực câu khách đối với những thí sinh tú tài khi mùa thi đã gần kề3. Nếu thế giới đã hướng đến việc trang bị những kiến thức về “postmodernism” cho học sinh trung học, chúng ta biết nói làm sao trước những người cầm bút, thậm chí những kẻ cầm bút gốc gác khoa bảng, khi họ bâng quơ xỏ xiên ghê-quá-dữ-quá-tôi-không-dám-lý-luận-với theo kiểu hờn mát nhà quê?

Không bước vào trận địa mà chỉ đứng ngoài bâng quơ làm con chim mỉa mai học nói, và chỉ nói vấy nói vá những điều chẳng đâu vào đâu, đã thấy thảm; đến khi có được cái đảm lược bước vào trận địa rồi mà chỉ xông xáo như những ngòi bút đặc công phá hoại thì mới càng thảm thiết hơn cho sự thoái hoá của tinh thần tri thức. Ðơn giản là bởi, trận địa của tri thức, hay của văn học nói riêng, nếu có thể gọi như thế, hoàn toàn khác với trận địa của súng đạn, xe tăng hay hoả tiễn.

Tham dự một cuộc chiến súng đạn, dù dưới hình thức nào, đã là một sự dám chơi dám chịu. Ðớn hèn trước một kẻ thù, người ta chỉ có thể ngậm hờn nuốt nhục để thi thoảng chờ dịp, hoặc thì chưởi đổng hay xỏ xiên vài câu, hoặc thì viết vội dăm ba câu đả đảo trên một góc tường, hoặc vừa run rẩy vừa khoái trá vạch cu đái vào hình lãnh tụ, như là một cách để lấy lại quân bình cho cái tâm khảm căm thù trong... run sợ. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận tư thế một người lính, dù để vừa đánh vừa chạy, họ đã dám đem sinh mạng mình ra đặt cược. Trong chiến tranh, người ta chỉ có thể chọn con đường du kích khi chưa đủ sức lực để tung hoành trên một trận địa quy ước: cách tốt nhất là cầm chân phá hoại, là khiến địch hư hao bất an, là thỉnh thoảng mở những trận tấn kích kiểu đặc công, là bỏ qua hệ thống phòng ngự mà nhắm vào yếu huyệt. Họ nhởn nhơ quấy rối hay liều lĩnh phá hoại nhưng mục tiêu tối hậu bao giờ vẫn là giành lại lãnh thổ bằng một trận sống mái cuối cùng, trên một trận địa thật lớn. Như thế, ngay từ khi chấp nhận một thân phận du kích, họ đã dự phóng cho một chiến trận quy ước.

Trong khi đó, với nhu cầu đối thoại trong những sinh hoạt tri thức nói chung, cái trò phê bình kiểu tiện thể dèm pha, kiểu lăng nhăng nhiếc móc hay xỉa xói phá bĩnh ấy không những chỉ là biểu hiện của một mặc cảm bất lực mà còn là một biểu hiện của bản năng phá hoại: bất lực nhưng không làm gì được thì phá cho bõ ghét thế thôi, chẳng phải cầm chân đợi thời, chẳng phải tìm kiếm hay dự phóng cho một tương lai nào cả.

Tuy nhiên vẫn có chút gì đó hao hao. Khi một chiến sĩ du kích nhắm đến mục tiêu phá hoại, anh ta ý thức rất rõ về giới tuyến trước mặt: ta và đối phương, đối phương hư hao đi một phân, ta mạnh lên một phân. Chỉ có thế. Và khi một người cầm bút bâng quơ xỏ xiên như một kẻ bất lực giải toả hờn căm, hay khi lao vào những trận phê bình phá bĩnh, cái giới tuyến phân chia như đã hằn sâu, rất đậm, trong đầu. Cái mà những nhà phê bình du kích theo đuổi, ngoài những lý do đố kỵ cá nhân, xét cho cùng, cũng chỉ là sự thấp kém hơn thua giữa “văn ta” và “văn nó”: nó yếu đi một phân, ta mạnh lên một phân...

Phê bình du kích, như thế, ngoài nguyên nhân từ những đố kỵ hay thù hằn cá nhân, còn là hệ quả của một nhận thức sai lạc về tính chất phân cực và loại trừ của văn học, hay, nói riêng, phê bình văn học. Cái nhận thức cho rằng giữa hai đầu giá trị thì những tay chơi chỉ có thể đứng về một phía, phía này hay phía kia, rằng việc đề cao bên này luôn đồng nghĩa với sự phủ nhận cái kia v.v... Và như thế, việc im lặng trước những điều đã trở thành mẫu mực, nghĩa là cái mà ai cũng biết, thường được hiểu là một sự phụ tình và phản bội.

Nhận thức phân cực này có những cội rễ sâu xa nhất từ tiền đề phi-A, nền tảng của luận lý học Aristotle, vốn được xem là nền tảng của văn minh hiện đại: này là này, không thể là nó; nó là nó, không thể là này. Tuy nhiên, một chân lý giản dị chỉ có thể áp dụng cho những sự thể giản dị, mở rộng sang những yếu tố văn hoá, xã hội sâu rộng hơn thì tính giản dị ấy khó lòng kham nổi.

Thì nó không thể là phi-nó ở từng sự vật cụ thể, tuy nhiên, khi đã mở rộng ra thì nó cũng có thể là phi hay, thậm chí, phản-nó đấy. Bởi, sự phân cực nào cũng tiềm ẩn những nghịch lý: càng rạch ròi bao nhiêu, nghịch lý càng sâu đậm bấy nhiêu. Cứ để ý những nghịch lý trong giềng mối phân cực của những hiện tượng văn hoá - xã hội. Văn minh Ấn Ðộ, một trong những nền văn minh được xem là khắc kỷ nhất lại đậm đà màu sắc hưởng lạc và nhục dục nhất: bên những thiền sư lặng lờ ép xác lại có những vũ nữ nhún nhẩy khêu gợi, khêu gợi một cách bốc lửa và khó cầm lòng. Nền văn hoá bị đả kích là đày đoạ phụ nữ nhất lại là nền văn hoá tạo cho họ nhiều cơ hội để vươn đến quyền lực tuyệt đối nhất: bên những phụ nữ Hồi Giáo le te cất bước sau lưng chồng lại ngất ngưỡng bóng dáng những nữ thủ tướng quyền uy; một xã hội tự hào là tôn trọng phụ nữ như Mỹ nào đã rộng lượng với nữ giới như thế! Hay như chúng ta, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe, những miền đất “thần kinh”, hay “văn vật” và những bóng hồng tha thướt: càng “dịu dàng dễ nghe” trong giao tế xã hội bao nhiêu, càng “khó nghe” trong... văn hoá chưởi bấy nhiêu.

Trong chính trị, nếu sự tuyệt đối hoá những giềng mối phân cực như thế đã tạo nên những hệ luỵ tai hại với nào là địch / ta, tiến bộ / phản động, cách mạng / phản cách mạng v.v... thì trong văn học, nó, ít ra, như đã thấy, cũng đã góp phần tạo nên mối tác hại... phê bình du kích.

Ðối diện với lối phê bình này, người bị phê bình, nếu im lặng mãi, cho dù có hơi ấm ức, thì, nói cho cùng, cũng... chẳng chết ai. Có điều, như một biến chứng của thói thủ dâm, những kẻ bâng quơ mỉa mai hay tinh ranh đột kích kia sẽ càng khoái trá và đắc thắng hơn với cái trò chơi thiếu nghiêm túc này. Cứ thế, khi một thói quen lập đi lập lại mãi trong sự im-lặng-là-đồng-lõa của đám đông, nó, sẽ, một cách nguy hiểm, trở thành một tập tục chính thống. Mà, khỏi cần phải suy nghĩ gì nhiều chúng ta cũng thấy được rằng, chính những thói quen hình thành từ một thời kỳ dài ly loạn đầy khốn khó, hình thành trong não trạng hoài nghi và bức hại cuồng của thời kỳ độc tài và chia để trị đã trì kéo những khát vọng xây dựng hay dân chủ như thế nào rồi. Văn học sẽ như thế nào nếu lề thói lăng nhăng nhí nhố của kiểu phê bình du kích ấy trở thành một sinh hoạt mang tính chế ngự?

Mục tiêu cao nhất của văn học, hay của nghệ thuật nói chung, là cái đẹp, mà cái đẹp thì bao giờ cũng phi biên giới. Như thế, khi lăm lăm cố thủ bên một giới tuyến không có thực, những nhà phê bình kiểu này, dù có nhiệt thành và tin tưởng vào sứ mạng của mình bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ hoài công theo đuổi những mục tiêu không có thực.

Làm gì có chuyện “ta” hay “nó” trong cái đẹp! Có người Ðức nào mà không tự hào về Goethe, cả trước ngày bức tường ô nhục ở Bá Linh sụp đổ? cái hay thực sự của Truyện Kiều thuộc về “văn học sa đích và nô dịch” hay “văn học giải phóng”? Ðẹp vô cùng tổ quốc ta ơi / Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, nói theo Tố Hữu, thì những rừng cọ đồi chè và đồng xanh ấy thuộc về “tổ quốc chung chung” hay thuộc về “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”?

Không biên giới nên cái đẹp, và cả công việc khai phá cùng vinh danh cái đẹp, phải mang tính đa nguyên. Tính đa nguyên này, đến lượt, lại đòi hỏi một thái độ cởi mở của tinh thần dân chủ.

Nói một cách khác, phê bình là nỗ lực khai phá và vinh danh cái đẹp, nỗ lực đó có thể xuất phát từ những góc độ khác nhau, tung hoành trong những hệ quy chế thẩm mỹ khác nhau, và tồn tại bên nhau một cách dân chủ, và vấn đề không phải là đúng hay sai mà là thuyết phục hay không thuyết phục. Nàng Mona Lisa, trong bức hoạ nổi tiếng của Leonard de Vinci, cười-vui hay mím-chặt-môi-buồn? Cười-vui cũng đúng mà mím-môi-buồn cũng chẳng sai: không hề có yếu tố loại trừ ở đây mà vấn đề là khả năng tìm kiếm và xây dựng sự đồng cảm. Khi một nhà phê bình thuyết phục được người xem với nụ-cười-vui, điều đó chẳng hề ngụ ý về sự sai trái của đôi môi mím chặt và buồn!

Lùi lại một chút với toán học hay vật lý: cái “đẹp” của chúng, nếu có thể gọi như vậy, là sự chặt chẽ trong phương pháp biện luận, là sự chính xác của những phương trình hay những định luật diễn dịch thế giới tự nhiên. Ðể biện luận hay diễn dịch một cách trọn vẹn thế giới này, toán học hay vật lý học đã mỗi ngày mỗi thêm phân nhánh: ngành này khai triển từ sự phủ nhận một hay vài ba tiên đề của ngành kia và ngành nào cũng... đẹp và đúng cả, có điều chúng đẹp và đúng trên hệ quy chiếu của riêng mình. Nếu hình học cổ điển chấp nhận tiên đề thứ năm của Euclid và hình học phi-Euclid phủ nhận nó, cũng chẳng bên nào đúng hơn hay sai hơn. Nếu vật lý cổ điển diễn dịch một cách chính xác thế giới vĩ mô thì vật lý lượng tử ­ vốn phủ nhận nhiều tiên đề của vật lý cổ điển ­ lại diễn dịch đúng vận động của thế giới vi mô nằm sâu trong cấu trúc hạt nhân.

Cái đẹp thẩm mỹ ­ vốn không dựa trên sự chính xác của những con số hay những định luật ­ còn phức tạp hơn. Cái đẹp đơn giản của người thiếu nữ mà cũng không có một tiêu chí nào rõ rệt: tiêu chí của cái gọi là đẹp nhất, như thường thấy trong các kỳ thi hoa hậu, rất là tương đối và nặng tính áp đặt: nó phải dựa trên những quy ước vượt hẳn ra ngoài phạm trù... đẹp. Tách rời những quy ước này, chọn lựa nào cũng đúng cả, bởi, không có vấn đề đúng sai trong nhận thức đẹp: nó tuỳ thuộc vào con mắt của người ngắm và ai cũng có quyền theo đuổi một chọn lựa riêng.

Băn khoăn tìm kiếm và vinh danh cái đẹp văn chương, đỉnh cao của nỗ lực phê bình hướng vào những cái đẹp chưa có tên, cái đẹp mà những cảm quan ­ với sức ì của quán tính ­ cứ ngờ ngợ nghi hoặc.

Nỗ lực đó xem nhẹ thủ tục tán tụng những giá trị mẫu mực. Dĩ nhiên, những thành tựu văn học của thời đại nào cũng có đóng góp của nó: Victor Hugo có những đóng góp của Victor Hugo và khi thế hệ đi sau chỉ ca tụng Marcel Proust, đấy không phải là sự phủ nhận thế hệ đi trước. Nguyễn Bính có đóng góp và giá trị của Nguyễn Bính nhưng khi một thi sĩ Ðoài-Ðông-sáu-tám của thế kỷ 21 bị phê phán, điều đó đâu hề ngụ ý một sự phủ nhận Nguyễn Bính? Ca tụng những thành tựu cổ điển là công việc của các nhà giáo, của các nhà soạn sách giáo khoa, không phải của những kẻ khai phá và tìm kiếm. Vinh danh cái đẹp mà chỉ nhắm vào cái đẹp quen thuộc của điển lệ ­ thí dụ tán tụng cái hay ở những phó bản của Kiều hay của thơ Xuân Diệu ­ chỉ đơn thuần là công việc đánh trống chầu hát bội: cả cái sự khen lẫn cái sự được khen, cái nào cũng, có thể nói, thuộc loại... khổ quá biết rồi!

Nếu màn hát bội nào cũng cần đến tiếng trống chầu ­ có những âm thanh thùng thùng thì màn hát mới vui ­ thì văn học và phê bình văn học, hình dung như một tuồng hát bội khoan nhặt hay dồn dập trống chầu, phải là một trò chơi dân chủ và đa nguyên. Ham vui, ham sắm vai ư ử “ta đây...” hay dồn dập trống chầu, là một quyền chọn lựa. Thích nghiền ngẫm cho những bản tuồng mới, không bắt cây bút phải làm công việc của thanh dùi đánh trống chầu, cũng là một quyền chọn lựa.

Văn học chỉ có thể tồn tại và phát triển một cách lành mạnh nhờ vào sự chung sống hoà bình của những chọn lựa riêng tư đó. Dĩ nhiên, sự tồn tại và phát triển nào cũng cần đến những hoạt động phê phán qua lại, tuy nhiên điều đó phải được tiến hành một cách công bằng và chính trực, trên tinh thần duy lý và duy mỹ. Những trò phê phán lăng nhăng lạm dụng tính chất đông đảo, tính chất hội hè của một đám đông đang say sưa theo nhịp trống chầu, lạm dụng những khoảng tối hai bên cánh gà sân khấu, lạm dụng quyền phát biểu bất khả xâm phạm của vai đang diễn bên trên v.v... chính là một trò chơi trí trá, thiếu ngay thẳng.

Tuy vậy, oái ăm thay, ít ra là cho đến nay, trong sinh hoạt văn học của chúng ta, cái trò trí trá thiếu ngay thẳng ấy lại được bày ra, trăm hoa đua nở với tất cả sự khoái trá và đắc thắng.

Nhớ, cái khoái trá và đắc thắng của anh khờ trong câu chuyện dân gian. Ðược của bổng, một kho châu báu, anh khờ bị đạo tặc viếng nhà, tuy nhiên bọn đạo tặc không nỡ hại người nên vạch một vòng tròn, buộc không được thò chân ra với lời doạ nạt có gươm đao minh hoạ. Ðạo tặc rút đi mang theo cả kho châu báu thì cũng là lúc anh khờ rộ lên những tràng cười sảng khoái, hả hê. Kẻ đạo tặc đã mắc mưu, đã khờ khạo mang đi toàn châu báu giả hay chăng? Không, chúng chỉ khờ khạo vì anh đã len lén thò chân ra khỏi vòng tròn mấy bận nhưng đâu nào bị bắt!

Cái hả hê, cái đắc thắng của những nhà phê bình du kích trong những lời cạnh khoé lửng lơ nhiếc móc hay đặc công phá hoại của chúng ta cũng, phần nào, từa tựa cái vẻ đắc thắng rất ư là thành thực của anh khờ ngu si hưởng thái bình kia: đắc thắng vì đã có... gan thò chân ra khỏi vòng tròn giam hãm, cho dù thò ra chỉ để thụt về, cho dù đã mất trắng những cái lẽ ra phải thuộc về mình...

Chú thích:

[]1 Trả lời câu hỏi của Thế Dũng "Chị có hay đọc các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại không? Trong số những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài mà chị đọc được thì chị thích đọc ai hơn cả?", Y Ban đáp: "Rất tiếc là các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài tôi rất ít đọc. Bởi vì bây giờ ở trong nước, người ta xuất bản và dịch các tác giả nước ngoài rất nhiều... Cho nên chúng tôi không có hoặc là chưa có thời gian để đọc những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng hôm qua nhân ở nhà anh Trần Văn Cung tôi đọc lại một tác giả nữ mà ở trong nước chúng tôi đã đọc nhiều: Phạm Thị Hoài. Và chúng tôi có đọc một tác giả rất mới là Lê Minh Hà... gì đó... Ðối với trường hợp Phạm Thị Hoài thì khác vì đã xuất hiện từ trong nước. Nhưng còn nhân vật sau đó thì anh phải tin một điều là tôi là biên tập viên trong Văn hoá Văn nghệ. Hàng ngày tôi đọc rất nhiều truyện ngắn của các tác giả trẻ thì tôi thấy với nữ tác giả ở nước ngoài mà Nguyễn Mộng Giác có lời đề tựa rất hay và đầy ưu ái thì tôi thấy rằng chỉ thuộc vào tầng lớp viết như là mới vào nghề. Các trang viết ấy giống như của mấy em sinh viên mới vào nghề. Chúng nó viết câu văn rất trơn tru bởi vì có học hành tử tế. Nhưng thử hỏi là nó tải được bào nhiêu thì không thấy tải được nhiều lắm." (Xem Hợp Lưu số 53, tháng 5 và 6 năm 2000. Cũng nên xem lời nhận định của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng về những nhận định dẫn trên của Y Ban trên Văn số 47, tháng 11.2000, tr. 7)

[]2 Có thể xem một ví dụ trên Hợp Lưu số 56 số ra tháng 12.2000 & 1.2001, tr. 257-8.

[]3. Xem các tờ báo Daily Telegraph xuất bản suốt tháng 4, 5 và 6 năm 2001.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021