|
Sống, phải đành; viết, phải làm
|
|
Là một người Việt Nam, tôi nghĩ, nếu được chọn lựa một nơi để sống, chỗ ấy phải là quê nhà. Vì một hoàn cảnh và lý do nào đó, người Việt phải sống lưu vong. Cho nên, với tôi, sống tại hải ngoại đã trở thành một chuyện phải đành. Và, vốn mê thích văn chương từ thuở nhỏ, với tôi, viết trở nên một chuyện phải làm. Sống, phải đành, và viết, phải làm đã là hai điều gắn bó không thể tách rời ra được. Trong cuộc sống tại hải ngoại và trong sinh hoạt văn học Việt Nam, sống không phải để viết và viết không phải để sống. Tuy sống và viết là hai điều gắn bó thiết tha nhưng chúng không phải vì nhau mà có. Nếu không sống tại hải ngoại, tôi vẫn viết, và, không viết tại hải ngoại, tôi vẫn sống. Như vậy, sống và viết tại hải ngoại là hai điều tuy không phải vì nhau mà có nhưng lại là hai điều tồn tại bên nhau. Đối với văn chương Việt Nam, nhất là ở hải ngoại, viết không phải là một sinh kế. Thật là hiếm hoi mới có vài nhà văn Việt Nam ở hải ngoại viết lách toàn thời gian, và không phải làm việc gì khác để kiếm sống, như nhà văn Hồ Trường An, chẳng hạn. Khó lắm. Với tôi, viết là một việc làm của tay trái, còn tay phải lo kiếm sống. Tuy công việc của tay trái chiếm nhiều thì giờ làm hao tốn tiền bạc nhưng nó lại giữ vai trò vô cùng hệ trọng. Đối với chuyện sống và viết tại hải ngoại, tôi nhận thấy có vài điểm cần bàn như sau: 1. Thì giờ: Có lẽ, một trong những yếu tố khác nhau quan trọng giữa đời sống trong nước và ngoài nước là thì giờ. Ở hải ngoại, vật lộn với sinh kế, chiến đấu với ‘bill’ hàng ngày, từng tuần, mỗi tháng, chúng ta cố giữ quân bình thu nhập, nên thì giờ còn lại cho viết không nhiều. Tôi nhớ lúc còn trong nước, thông thường, tôi viết một mạch, có khi từ mười giờ đêm đến bốn, năm giờ sáng là xong một truyện ngắn. Bây giờ, tại hải ngoại, chuyện đó với tôi đã trở thành một điều chiêm bao. Tôi nhún nhít thì giờ, viết vài hàng, một đoạn, để đó trong máy điện toán, rồi len lén với chính mình, tôi viết tiếp như thế, và sau cùng ráp lại thành một truyện, mừng húm. Muốn duy trì tình trạng làm việc thập thò như thế cho lâu bền, tôi phải phân chia trong não thành nhiều ngăn kéo. Cái tủ trong não đó mỗi lúc một lớn dần vì có nhiều ngăn quá. Ngoài cái ngăn lớn chứa gia đình và chuyện y học, quan trọng vì đó là ‘tổ ấm’ và ‘nồi cơm’ để sống, tôi có nhiều ngăn nhỏ chứa các thứ khác như truyện ngắn, truyện dài, trường thiên, biên khảo y học, biên khảo văn chương, trà, Lão Tử và Đạo Đức Kinh... Cứ mỗi lần bắt chộp một điều gì hay, tôi bỏ vào các ngăn đó. 2. Tuổi tác: Điểm khác thứ hai giữa trong và ngoài nước, đối với riêng tôi là tuổi tác. Khi còn trong nước, tôi là một thanh niên, mơ ước thật lớn lao, hoài bão thật vĩ đại, nhưng dự định thì nhỏ nhoi, kế hoạch chẳng có gì. Khi ra hải ngoại, lật bật một thế hệ đời trôi qua, tôi là kẻ trung niên, mơ ước thu nhỏ lại, hoài bão chết tiệt, nhưng dự định lại nhỏm dậy, kế hoạch cứ manh nha vùng lên. Thêm vào đó, khi xưa, thì giờ dư dả quá, cứ dành cho chuyện suy tưởng lông bông, theo gió, cưỡi mây, ngồi một chỗ mà hồn bay khắp bốn phương trời. Bây giờ, thì giờ eo hẹp, có được vài phút hay nửa giờ, tôi ngồi ngay vào máy điện toán, ‘gõ’ vài hàng hay một đoạn, ‘save’ vào máy, cắc ca cắc củm để dành, cho đến khi đủ được một truyện. Giờ đây, tôi ngồi đây mà hồn cũng bay hết nổi, nó ngã quị ngay dưới chân. 3. Phương tiện: Điểm khác nữa giữa trong và ngoài nước là phương tiện. Ngày xưa, tôi nhớ, viết trên giấy, viết rồi xoá, xoá rồi tiếc viết lại, suy nghĩ tới lui, lại xoá, viết tiếp, cứ thế, tờ giấy đen kịt những mực và bài viết thì rối nùi đến độ tác giả không biết mình đã viết những thứ gì. Cuối cùng, tác giả đành xé bỏ, viết lại. Khá hơn, có người đánh máy, rõ ràng và đẹp đẽ, nhưng sửa lại cũng cực khổ không kém. Khi hoàn chỉnh tác phẩm rồi, tác giả muốn in và phát hành ra cũng không phải dễ. Tác phẩm hay thế nào chưa rõ nhưng tác giả có ai biết đến hay không, đó là chuyện quan trọng. Tôi còn nhớ, khoảng năm 1962 hay 1963, lúc Nguyễn Thị Thuỵ Vũ ở chung nhà ba má tôi, chị đang viết những truyện trong tập truyện ngắn đầu tay, Mèo đêm. Chị viết và đánh máy cẩn thận rồi cùng Hồ Trường An bàn bạc kế hoạch để in và phát hành tác phẩm đó. Hai người tìm đến nhà văn Võ Phiến để nhờ ông giới thiệu. Bây giờ, ở hải ngoại, khác nhiều, người ta viết trên máy điện toán, dùng một trong rất nhiều chương trình tiếng Việt. Viết đã dễ, sửa chữa cũng thoải mái, ráp câu, cắt đoạn lại càng dễ dàng. Viết xong, xếp trang rồi in ngay ra một bản, sẵn sàng để mang ra nhà in. Phí tổn để in một tác phẩm chừng hai trăm trang, một ngàn bản, bìa nhiều màu, trắng láng, khoảng trên dưới hai ngàn đô la. Với phí tổn như thế, tác giả dù nghèo cũng cáng đáng được. In xong, tác giả hỏi một nhà phát hành nào đó đảm đương giùm. Trong khi đó, tác giả nhờ bạn bè ở các nơi tổ chức ra mắt sách. Tác giả vừa được tiếng vừa có tiền bù lại phần nào phí tổn đã bỏ ra. Như thế, sống và viết ở hải ngoại không khó. 4. Đề tài: Một chuyện khác nữa là đề tài. Có một số người chủ trương rằng nếu sống kham khổ, cực nhọc, bị áp bức, bị đày đoạ, càng va chạm thực tế càng dễ có đề tài để viết. Còn người nào sống sung sướng trong nhung lụa thì đề tài khô cạn, hết ráo, còn khả năng viết thì bị cùn mằn, chết rúm. Đối với bản thân tôi, tôi nghĩ rằng đề tài ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng có, nếu khác nhau là khác ở mức độ và khả năng thụ cảm của chính mình. Do đó, những sự việc và dữ kiện nào tàn nhẫn, đắng cay, chua chát thì dễ tác động lên con người hơn. Chúng gây chấn động, làm con người rung cảm dễ dàng hơn. Còn sự việc hay dữ kiện nào êm ái, đầm ấm, ngọt ngào lại ít có khả năng gây rung động ở con người. Tình yêu nào dở dang, trắc trở tác động lên con người mạnh mẽ hơn mối tình thành tựu, ấm êm, hạnh phúc. Thông thường, sự thù hận có sức tác động mạnh hơn lòng yêu thương, nói chung như vậy. Đôi khi có khác, nhưng không nhiều, tình yêu quá độ, nóng bỏng, có lúc cũng dữ dội, đốt cháy, thiêu rụi mọi thứ, lúc đó nó trở thành đề tài có sức hấp dẫn mãnh liệt. 03/1998 |