|
Luyện võ cho văn
|
|
Trong nghề võ, để đạt tới một trình độ cao, người ta phải khổ luyện không ngừng theo những quy tắc, kỷ luật rất chặt chẽ. Có khi để hoàn thiện một ngón riêng nào đó, người ta tự bắt mình theo những điều kiện hết sức cưỡng chế: bịt mắt hoặc trói tay, v.v... Các cụ ta xưa làm thơ theo những niêm luật nghiêm ngặt mà vẫn phóng bút thật sự khoáng đạt, đó cũng là một cách trói tay để múa võ. Nhà văn Việt Nam đương đại, theo nhận xét của tôi, dường như có phần trễ nãi về mặt rèn tập bút pháp, nói cách khác là ít chú ý luyện võ cho văn mình mà chủ yếu chỉ cốt lấy nội dung và chủ đề tư tưởng làm đầu. Thiết nghĩ nếu chỉ vụ vào ý mà không chịu làm việc nghiêm túc với chữ thì làm sao thành được văn học. Xin kể một lò luyện võ cho văn ở Pháp. Vào những năm 1960, một nhóm nhà văn, nhà thơ, nhà toán học thể nghiệm, trong đó có những tên tuổi như Rây-mông Kê-nô, Gióc-giơ Pê-rếc... lập ‘Xưởng văn học tiềm lực’. Những nghệ sĩ này hướng những cố gắng trau dồi nghề nghiệp tới đích làm sống lại những hình thức văn chương hiếm hoặc phát minh những thủ pháp mới với nhiều cưỡng chế và tự ví mình như những con chuột tạo ra những hang ngách ngoắt nghéo để tìm cách thoát ra khỏi đó. Rây-mông Kê-nô, một trong những người sáng lập ‘xưởng’ nghĩ ra ‘mẹo’ sản xuất trăm nghìn tỉ bài xo-nê bằng cách hoán vị đến không cùng các câu thơ. Giăng Lê-xquy-rơ đề xướng phương pháp ‘N+7’: cho một văn bản và thay tất cả các danh từ trong đó bằng những danh từ cách nó một quãng bảy từ mục trong cuốn từ điển do mình chọn. Một dạng tập dượt khác: li-pô-gram. Đây là loại văn phẩm trong đó tác giả loại bỏ hoàn toàn một chữ cái nào đó. Xưa kia, nhà thơ Hy Lạp Tri-phi-do-rơ (thế kỷ 5-6) đã từng viết trường ca Ô-đi-xê theo thủ pháp này: quyển một không có chữ an-pha, quyển hai không có chữ bê-ta, v.v... La đi-spa-ra-xi-ông (Mất hút), một cuốn tiểu thuyết dài hơn 300 trang trong đó không có một chữ e nào. Ta biết rằng tần số của chữ cái này trong tiếng Pháp cao đến mức trong sách báo thông thường, tìm được dù chỉ một câu không có nó là điều hết sức hãn hữu. Để làm đối tỷ, Pê-rec lại viết một cuốn tiểu thuyết khác trong đó nguyên âm duy nhất hiện diện là e. Quả là những kỳ tích Ec-quyn! Nhà thơ Mỹ nổi tiếng Đê-vít Sê-pi-lô rất ngưỡng mộ nhóm này. Ông nói: “nhiều bài thơ của tôi cũng là li-pô-gram”, và nửa đùa nửa thật giải thích thêm: “Tôi bắt đầu thích kiểu tập dượt này từ khi đứa con trai lên ba của tôi nghịch làm gẫy chữ t ở máy chữ của tôi.” Tôi nhắc lại: đây chỉ là chuyện luyện tay nghề và bài này nhằm chống một quan niệm coi mọi cố gắng tu từ là thứ yếu, là chuyện thuần tuý hình thức chủ nghĩa. (Văn Nghệ số 24/1988) |