kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Kẻ mạnh hơn

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

AUGUST STRINDBERG

(1849-1912)

 

August Strindberg (1849-1912), kịch tác gia Thụy Điển, vẫn được xem là một trong số ít người đặt nền tảng cho nền kịch nghệ hiện đại vào cuối thế kỷ thứ 19. Theo tác giả Michael Meyer, một nhà nghiên cứu văn học Thụy Điển và dịch giả, những kịch tác gia nổi tiếng về sau này như Toller và Kaiser, Ọ’Neill và O’ Caseỵ, Pinter và Ionesco vẫn xem ông là bậc tiền bối của họ. Nếu ta xét đến cái xa lạ không những của ngôn ngữ của nước Bắc Âu này mà cả của Thụy Điển và người Thụy Điển đối với những nước Tây Âu, thì sự xâm nhập mạnh mẽ của kịch August Strindberg trên sân khấu Anh, Pháp, Đức, sau này là Mỹ... quả là điều kỳ diệu.
 
Nói về Strindberg người ta không thể không nói đến cuộc đời mãnh liệt của ông, ba chìm bảy nổi, lang thang bất định. Một phần dài của cuộc đời đó đã lưu lại trên những thủ đô các nước Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, khi ông muốn thoát khỏi những hệ lụy của giới phê bình và ngay cả của chính xã hội trưởng giả ở Stockholm. Cuộc đời đó có nhiều những vinh quang, nhưng cũng không thiếu những quãng nhục nhằn; có những men say của phú quý, vinh hoa, nhưng cũng có những cay đắng lúc ngặt nghèo, cơ cực. Chính cuộc đời đó đã là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm của ông.
 
Ông sinh ra ở Stockholm, là con thứ tư của một người chủ hãng tàu với một cô tớ gái trước đây của cha (một tác phẩm của ông là Hồi ký của đứa con người tớ gái). Sau này, mẹ ông mất khi ông được 13 tuổi, nhưng cha ông bị sạt nghiệp khi ông mới lên bốn. Cha ông tục huyền với người quản gia. Ông theo học trường thuốc không thành công, thử lên sân khấu nhưng cũng thất bại, rồi chuyển qua học chính trị và sinh ngữ. Có lúc ông làm báo, và làm nghề thủ thư trong tám năm tại Thư viện Hoàng gia. Năm 1875, ông quen với Công tước Carl Gustaf Wrangel và vợ ông này, một nữ diễn viên sân khấu người Phần Lan tên Siri von Essen. Ông kết hôn với bà Siri hai năm sau đó, và dù cho đến cuối đời của mình ông còn nhiều quan hệ tình ái với các phụ nữ khác nữa, bà Siri vẫn là một nhân vật chính trong cả cuộc đời cũng như trong sự nghiệp thăng trầm của ông – dù cuộc hôn nhân nhiều lúc kém hạnh phúc vì tính khí của cả hai người.
 
Ông viết sách nghiên cứu khoa học, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo về triết học, luận lý học, làm thơ, viết hồi ký... Nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông vẫn là viết kịch, mà ông sáng tác từng “đợt” trong cuộc sống tùy theo những cảm hứng và biến chuyển trong cuộc sống. Sau tác phẩm quan trọng đầu tiên Người cha, viết năm 1887, ông viết sáu vở kịch trong thời gian 1888-89, không sáng tác gì trong hai năm 1890-91, rồi bảy vở kịch chỉ trong một năm 1892, ngưng viết từ 1892 đến 1898, rồi lại tuôn ra 26 vở kịch từ 1898-1903, rồi lại ngưng trong ba năm 1904-06 trước khi làm một loạt mười vở trong ba năm 1907-09. Ba năm trước khi mất, ông không viết gì thêm cho sự nghiệp đồ sộ tổng hợp được trên 50 pho sách của ông.
 
Tác giả Michael Meyer vẫn xem August Strindberg là người khai phá phái biểu hiện (expressionism) và biểu trưng (symbolism) trong văn học và là một trong những người đi đầu trong xu hướng phân tích tâm lý nhân vật. Ông xem Strindberg là người mở đường cho D.H. Lawrence, tác giả nổi tiếng người Anh với tiểu thuyết Người tình của Bà Bá tước Chatterley [Lady Chatterley’s Lover], về mặt phân tích tâm lý con người. Nhưng nét đặc trưng nầy rõ rệt đã tích cực phát huy những đề tài quen thuộc và thường dựa trên chuyện thực của Strindberg. Đó cũng là những vấn đề và ám ảnh đời thường của ông: tình yêu, thù hận, hờn ghen... Ông cũng là tác giả soi rọi cho người ta hiểu quan niệm của người Thụy Điển về tình dục: họ không xem thường, xem nhẹ tình dục như những người châu Âu khác vẫn tưởng, mà vẫn xem sự gần gũi xác thịt như một đòi hỏi của tình yêu.
 
KẺ MẠNH HƠN là một vở kịch thú vị không chỉ vì là một kịch độc thoại mà còn vì những tình tiết thú vị quanh nó. Ông viết vở kịch này vào cuối năm 1888, sau khi báo chí viết về một vụ tai tiếng giữa ông và một cô gái mười bảy tuổi con một người bạn và ông bị đuổi ra khỏi lâu đài của người bạn này. Mặc dù Siri không màng gì những cuộc phiêu lưu của chồng, vì chính bà cũng là một nghệ sĩ phóng túng, Strindberg cũng thấy cần phải tái lập hòa bình với vợ, nên ông viết kịch này, khẳng định bao giờ vợ ông cũng là kẻ mạnh hơn. Ông đề nghị vợ ông thủ vai Bà X, nhưng Siri từ chối, ông lại tìm những người tình cũ, ngoại trừ nhân vật được xem là Cô Y ngoài đời mà ông đã cắt đứt vì đã đụng độ và nặng lời với vợ ông tại một buổi dạ vũ, để nhờ họ nhận vai này, nhưng dĩ nhiên chẳng ai chịu, cuối cùng thì vợ ông bằng lòng, vì bà cũng muốn có dịp trở lại sân khấu. Trước buổi diễn đầu tiên, ông viết cho vợ một loạt những lời khuyên để bà hiểu được tinh thần của vở kịch. Trong bảy điểm ông lưu ý Siri, ông nhấn mạnh Bà X phải giữ kiểu cách, phong thái của một diễn viên ngoài đời (nghĩa là không chỉ là một người vợ bình thường), bà là người mạnh hơn, nghĩa là phải mềm mỏng hơn (cái gì cứng và rắn thì vỡ, cái gì mềm và co dãn thì giữ được hình dạng nguyên thủy), ăn mặc phải quí phải kiểu cách... Quả thật sau khi đọc xong vở kịch, người ta có thể thấy rằng tùy cách diễn của nhân vật Bà X mà ta có thể kết luận ai là Kẻ Mạnh Hơn!
 

_______________________

 
 

Kẻ mạnh hơn – trong một kiểu thiết kế sân khấu mới của Marie Gabriella Blunck, Yael Shavit đạo diễn – với Maxine Ridout trong vai Bà X, diễn tại London vào năm 2001.

 

KẺ MẠNH HƠN

Kịch độc thoại

 

Nhân vật:

BÀ X, diễn viên sân khấu, đã có gia đình.

CÔ Y, diễn viên sân khấu, độc thân.

CÔ HẦU BÀN

 

Cảnh trí:

Góc một quán cà phê của các bà (ở Stockholm vào những năm 80 của thế kỷ 19). Hai bàn nhỏ bằng sắt cán, một trường kỷ màu đỏ thẫm, và vài cái ghế.

 

CÔ Y đang ngồi đọc một tuần san hình ảnh, thỉnh thoảng lại đổi lấy tờ khác, trên bàn trước mặt là một chai bia đã uống dở một nửa.

BÀ X đi vào, đội một chiếc mũ và mặc một áo khoác dành cho thời tiết mùa đông, tay xách một chiếc giỏ mây nhiều màu sắc của Nhật Bản.

BÀ X: Chết chửa, cô Amelia yêu quí, cô thế nào? Sao lại ngồi một mình thế kia vào chiều Giáng Sinh thế này như một người độc thân khốn khổ!

CÔ Y rời mắt khỏi tờ tạp chí và ngước lên, gật đầu và tiếp tục đọc báo.

Cô biết là tôi thực sự cảm thấy bất nhẫn khi thấy cô như thế này. Ngồi một mình – một mình trong quán cà phê – mà lại vào một chiều Giáng Sinh! Tôi thấy không chịu được, giống như có một lần ở Paris tại một bữa tiệc đám cưới ở một nhà hàng – tôi chứng kiến cô dâu thì ngồi đọc một tờ báo hí họa trong khi chú rể chơi bi da với mấy người đi làm chứng. Trời ơi, tôi mới nghĩ, nếu bắt đầu mà đã như thế này, thì về sau này ra làm sao – và cuối cùng thì như thế nào đây. Chú rể lại đi chơi bi da vào ngày đám cưới của mình. Và cô dâu – cô định nói phải không – lại ngồi đọc báo cười vào ngày đi lấy chồng. Như thế không phải là bình thường đâu!

CÔ HẦU BÀN đi vào, đặt một tách sô-cô-la trước mặt BÀ X rồi đi ra.

Cô biết không, Amelia? Tôi thực sự nghĩ là lẽ ra cô đã làm tốt hơn để giữ ông ấy. Cô đừng quên tôi là người đầu tiên khuyên cô nên tha thứ. Cô nhớ không? Được như thế thì giờ đây cô đã có chồng và đã có một gia đình rồi. Cô có nhớ mùa Giáng Sinh năm ngoái cô vui vẻ chừng nào ở với cha mẹ của ông ấy ở miền quê, rồi cô sung sướng nói về hạnh phúc gia đình, và cô thực sự có ý định rời sân khấu. Vâng, cô Amelia thân mến ơi, gia đình là nhất – chỉ sau sân khấu – và con cái, cô biết đấy – không, dĩ nhiên, cô làm gì mà biết được.

Cô Y nhìn bà có vẻ miệt thị. Bà X nhấp vài thìa sô-cô-la rồi mở cái giỏ của mình lấy ra mấy món quà Giáng Sinh.

Cô phải xem tôi mua quà gì cho mấy tí nhau của tôi này! [Bà lấy ra một con búp bê]. Xem này! Con này là cho Lisa. Xem này – con búp bê có thể đảo mắt và quay đầu qua, quay đầu lại đấy nhé! Dễ thương không? Còn cây súng này là của Maja. [Bà gắn nút điển vào đầu cây súng và nhắm Cô Y bắn, Cô Y tỏ vẻ sợ].

Cô sợ à? Thế cô tưởng tôi định bắn cô thật à? Tôi thực không nghĩ cô tin tôi lại đi làm thế. Bây giờ nếu mà cô định bắn tôi thì chuyện đó cũng không đáng ngạc nhiên là bao vì dù sao tôi cũng đã chắn ngang đường cô, mà tôi cũng biết không bao giờ cô quên được – mặc dù tôi hoàn toàn vô can. Cô vẫn còn nghĩ là tôi âm mưu để gạt cô ra khỏi Nhà hát lớn, nhưng tôi không làm thế đâu. Cho cô có nghĩ thế nào đi nữa, tôi cũng không làm thế. Mà thôi. Nói cũng không ích gì, vì cô vẫn cho là tôi làm [Lấy ra một đôi dép thêu]. Và đôi này dành cho đức phu quân, có hoa tu-líp đính trên do chính tay tôi thêu đấy nhé. Thực ra, tôi chúa ghét hoa tu-líp, nhưng cái ông này thì cứ đòi chỗ nào cũng phải có hoa tu-líp mới được.

Cô Y ngước nhìn, mặt lộ vẻ châm biếm và tò mò. Bà X, mỗi tay xỏ vào một chiếc dép.

Xem chân Bob nhỏ nhắn không nào, chân nhỏ phải không? Và cô phải nhìn cái tướng đi của anh ấy! Nhung dĩ nhiên cô chưa thấy anh ấy đi dép phải không? [Cô Y cười lớn]. Xem này, tôi cho cô xem nhé. [Bà làm cho đôi dép bước trên bàn, Cô Y lại cười]. Nhưng khi ông ấy nổi giận thì phải biết, ông dậm chân như thế này. “Mấy con quỉ này không bao giờ biết pha cà phê! Khốn nạn! Thằng ngu đó không sửa được ngọn đèn cho đúng nữa!” Và khi có một ngọn gió lùa vào dưới khe cửa khiến chân anh ấy bị lạnh, anh ấy lại kêu lên: “Mẹ kiếp, mấy thằng điên không thể để lò sưởi chạy được sao!”

Bà chà gót của chiếc dép này lên mặt trên chiếc dép kia. Cô Y phá ra cười.

Và khi anh ấy về nhà mà không kiếm được đôi dép ngủ, vì Marie đã dấu dưới tủ có ô kéo... Nhưng thôi, cũng chẳng nên xấu tính ngồi đem chuyện của chồng ra mà giễu cợt. Anh ấy thật ngọt ngào, một người chồng tốt, dịu dàng! Anh ấy đúng là loại người chồng mà Amelia lẽ ra cô đã có rồi! Tại sao cô cười? Hm? Hm? Và rồi, cô cũng thấy đó, tôi biết là anh ấy trung thành với tôi. À, đúng, tôi biết chứ. Chính anh ấy nói với tôi. – Tại sao cô lại khúc khích cười thế? – anh ấy nói là trong khi tôi đang đi trình diễn ở Na Uy thì cái cô Frederique quá tay đó tìm cách mồi chài anh ấy! Cô có thể tưởng được không? Thứ trời đánh! [Ngừng]. Nếu trước đây cô ta mà vác mặt đến khi tôi còn ở nhà thì tôi đã cào nát mặt cho cô ta lòi mắt ra. [Ngừng]. Cũng may mà chính anh ấy nói ra điều đó. Cô cứ tưởng nếu anh ấy không nói mà tôi chỉ biết qua chuyện người ta đồn đại thì sao. [Ngừng một lúc]. Nhưng cô ta có phải là người duy nhất đâu, cô biết mà. Tôi chẳng hiểu ra làm sao, nhưng đàn bà cứ bám vào chồng tôi. Chắc họ phải nghĩ anh ấy có thế lực lớn với giới sân khấu, vì anh ấy làm ở bộ. Có lẽ chính cô cũng theo anh ấy! Tôi không tin cô lắm đâu nhé. Nhưng bây giờ thì tôi biết anh ấy có để ý đến cô đâu. Tôi luôn luôn có cảm tưởng là cô có gì oán hận anh ấy lắm.

Im lặng. Họ nhìn nhau một cách dè chừng.

Đến ăn tối với chúng tôi tối nay đi, Amelia, để cho thấy là cô chẳng có ác cảm gì với chúng tôi – dù gì thì cũng không có ác cảm gì với tôi. Tôi không hiểu sao nhưng tôi nghĩ thật buồn nếu không đối xử bạn bè được với cô. Có lẽ là vì tôi đã can thiệp vào chuyện của cô hồi đó... [từ từ nói chậm lại] – hay – tôi không biết – thực đấy, tôi chẳng biết tí gì tại sao cả.

Ngừng nói. Cô Y nhìn Bà X một cách khó hiểu. Bà X, vẻ suy nghĩ.

Nghĩ lại khi tôi và cô mới biết nhau, mình quen nhau cũng là lạ. Mới gặp cô tôi rất sợ cô, sợ đến độ không dám rời mắt khỏi cô. Khi nào đi đâu, tôi cũng tìm cách gần cô – tôi đâu dám làm kẻ thù của cô, đành trở thành bạn của cô vậy. Nhưng tôi luôn luôn bối rối, khó xử mỗi khi cô đến nhà chúng tôi, bởi vì tôi thấy chồng tôi không thể chịu được cô – và thế là tôi thấy bực bội, như thể phải mặc áo quần không vừa người. Tôi làm mọi cách để cho chồng tôi tử tế với cô, nhưng chẳng được gì. Và rồi cô bỏ đi và đính hôn. Sau đó cô và anh ấy trở thành đôi bạn chí thiết – như thể trước đây khi chưa đính hôn với ai cô sợ để lộ những tình cảm đích thực của mình – và rồi – sau đó xảy ra chuyện gì nữa nhỉ? Tôi cũng chẳng ghen tức gì – cũng buồn cười thật! Rồi tôi nhớ, khi đứa con đầu lòng của chúng tôi được rửa tội, cô là mẹ đỡ đầu của nó, tôi mới bảo anh ấy hôn cô – anh ấy làm theo, nhưng cô chẳng chịu, bối rối quá chừng – nghĩa là, lúc đó tôi không để ý – cũng chẳng nghĩ gì đến việc đó – cũng chẳng nghĩ gì cho đến khi – cho đến bây giờ [bỗng đứng dậy]. Tại sao cô im lặng như thế? Cô chưa mở miệng nói một lời nãy giờ – cô cứ để tôi ngồi đây nói một mình. Cô cứ nhìn tôi chăm chăm, ép tôi phải tuôn ra những ý nghĩ của mình như con tằm phải nhả tơ – những suy nghĩ – nghi hoặc – Để tôi xem nào! Tại sao cô lại hủy bỏ việc đính hôn của cô? Tại sao tối nay cô không đến với chúng tôi?

Cô Y làm một động tác như thể định nói gì.

Không! Cô chẳng cần nói gì đâu – Chắp lại từng mẩu chuyện vụn vặt thì bây giờ tôi hiểu cả rồi! Như thế lý do mà cô – và lý do mà cô – và lý do mà cô – ! Vâng, dĩ nhiên rồi! Bây giờ thì mọi chuyện đã rõ mười mươi rồi! A, hóa ra là như thế! Ôi, tôi chẳng muốn ngồi chung bàn với cô đâu!

Bà X. chuyển những thứ của mình qua bàn bên kia.

Đó là lý do tôi phải thêu hoa tu-líp mà tôi chúa ghét lên đôi dép của anh ấy – vì cô thích hoa tu-líp! Đó là lý do [ném đôi dép ngủ lên sàn nhà] trong kỳ nghỉ hè năm đó chúng tôi phải đi Malaren – bởi vì cô không chịu được khí hậu vùng biển. Đó là lý do con trai tôi phải có tên là Eskil, vì đó là tên của cha cô. Đó là lý do tôi phải mặc màu của cô, đọc tác giả của cô, ăn những món của cô, uống thức uống của cô - thí dụ sô-cô-la. Đó là lý do – ôi trời ơi! – kinh khủng quá, bây giờ tôi mới nghĩ đến – kinh khủng thật! Mọi thứ, mọi thứ của cô đã nhiễm vào tôi. Ngay cả những đam mê của cô! Linh hồn của cô đã xâm nhập vào tôi như con mọt chui vào trái táo, gặm nhấm, gặm nhấm, làm ổ, làm ổ, cho đến khi không còn gì cả ngoài cái vỏ bên ngoài và cái ruột rỗng đen sì bên trong. Tôi muốn bay đi khỏi cô mà không được – cô nằm đó như một con rắn, đôi mắt đen mê hoặc tôi – khi tôi cố giương đôi cánh thì chúng lại kéo tôi xuống. Tôi nằm trong nước mà hai chân bị trói, đôi tay càng vùng vẫy thì người tôi càng chìm sâu hơn mà thôi. Tôi chìm mãi, chìm mãi cho đến tận đáy, dưới đó đã có cô chực chờ sẵn như một con cua khổng lồ giương càng chụp lấy tôi! Và bây giờ tôi đang chìm xuống tận đáy đây!

Ôi, tôi ghét cô làm sao, tôi ghét cô, tôi ghét cô! Nhưng cô – cô chỉ ngồi đó, im lặng, bình thản, chẳng quan tâm đến chuyện gì – chẳng cần biết trăng khuyết hay đầy, ngày Giáng sinh hay ngày đầu năm, thiên hạ vui hay buồn – cô không biết ghét mà cũng không biết yêu – bất động như con mèo rình trước lỗ chuột! Cô không thể kéo con mồi ra mà cũng không thể săn đuổi nó đi được – nhưng cô có thể ngồi lì lâu hơn. Cô ngồi đấy ở góc của cô – cô biết người ta đặt tên cái góc này là lỗ chuột để ám chỉ cô – cô đọc báo để xem có ai bị việc gì không, có ai đau ốm hay bị nhà hát thải ra hay không. Cô ngồi đây rình rập nạn nhân, tính toán thời vận như người tài công đếm xác tàu, như một nữ thần tiếp nhận tế vật.

Cô Amelia khốn khổ ơi! Cô biết không, tôi quá tội nghiệp cho cô, bởi vì tôi biết cô khốn khổ – khốn khổ như một con thú bị thương – và trở nên độc ác bởi vì bị thương. Tôi không thể giận cô được, dù tôi cũng muốn giận đấỵ – bởi vì cuối cùng thì chính cô là người nhỏ bé – và cái chuyện vụng trộm giữa cô và Bob đó tôi cũng chẳng bận tâm làm gì. Tại sao phải bận tâm. Và nếu cô hay ai khác muốn dạy tôi uống sô-cô-la thì đã sao?

Uống một thìa sô-cô-la. Nói tiếp giọng có vẻ suy nghĩ.

Thực ra, uống sô-cô-la cũng tốt! Và nếu cô đã dạy cho tôi cách ăn mặc – tant mieux![1] Nhờ thế chồng tôi thích tôi nhiều hơn mà thôi – cái mà cô mất chính là cái tôi được. Xem trên những dấu hiệu thì tôi nghĩ là cô đã mất anh ấy rồi. Chắc cô tính rằng tôi sẽ bỏ đi phải không? Như cô cũng phải bỏ đi đấy để rồi giờ đây ngồi đây mà tiếc gíá mà đừng cắt đứt! Nhưng tôi chẳng phải hối tiếc gì cả! Người ta không nên nhỏ mọn quá! Dù sao đi nữa, thấy người ta dòm ngó một thứ mình có thì cũng thích đấy chứ.

Cô thấy đấy, một khi đã xét hết mọi chuyện, giữa cô và tôi có lẽ tôi mới thực là kẻ mạnh hơn; bây giờ là thế đấy. Cô chưa hề lấy được cái gì của tôi, chỉ có tôi lấy của cô. Tôi bây giờ giống như tên trộm trong truyện đời xưa – khi cô ngủ dậy, thì tôi đã tha đi rồi bao nhiêu của cải châu báu của cô.

Nếu không thế, tại sao mọi thứ đều trở thành đồ bỏ, cằn cỗi khi có bàn tay của cô đụng đến? Cô không thể giữ được tình yêu của một người đàn ông, dù cho cô có hoa tu-líp và có những mối đam mê – nhưng tôi lại đã giữ được. Những tác giả của cô có dạy cô phải sống thế nào đâu; nhưng họ lại dạy tôi. Cô không hề có được một bé trai như Eskil; cô chỉ có người cha tên là Eskil mà thôi.

Và tại sao cô mãi mãi im lặng như thế? Im lặng, im lặng mãi? Tôi trước đây cứ nghĩ rằng đó là vì cô mạnh; nhưng có lẽ chỉ là vì cô không có gì để nói cả. Bởi vì đầu óc của cô trống rỗng! [Đứng dậy và nhặt đôi dép ngủ lên].

Bây giờ tôi về nhà đây – và đem hoa tu-líp về nhà – hoa tu-líp của cô đấy! Cô không thể học được gì ở người khác, cô chỉ có thể cho – cho nên cô gãy, như một nhánh cây mục. Nhưng tôi thì không thế.

Cám ơn cô Amelia nhé, cô đã dạy cho tôi nhiều bài học có ích. Cám ơn cô đã dạy cho chồng tôi biết yêu. Bây giờ tôi về đây – về yêu anh ấy.

Bà đi ra.

 

--------------------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ The Stronger.

 

-------------------------
Cước chú của Tiền Vệ:
Nguyên tác kịch bản bằng tiếng Thuỵ Điển có nhan đề Den Stakare, xuất bản lần đầu vào năm 1889. Có nhiều bản dịch Anh ngữ khác nhau. Các bản được ấn hành gần đây nhất có thể tìm thấy trong những cuốn sách sau đây:
      August Strindberg, Plays: Dream Play, Dance of Death, The Stronger [Vol. 2], bản dịch của Michael Meyer (Methuen Publishing Ltd, 2001).
      August Strindberg, Miss Julie & The Stronger, bản dịch của Frank McGuinness (Faber and Faber, 2002).
      August Strindberg, Plays: the Father; Countess Julie; the Outlaw; the Stronger, bản dịch của Edith & Warner Oland (Indypublish, 2003).

 

_________________________

[1]Tiếng Pháp trong nguyên tác, có nghĩa: Càng tốt.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021