kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Trạm xe
Lời giới thiệu và bản dịch của Như Hạnh
Lời giới thiệu:
 
Kể từ khi Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) lãnh giải Nobel văn chương (12/10/2000) cho đến nay [2003] cũng đã gần ba năm. Cao Hành Kiện là một nhà văn Trung Hoa lưu vong, việc ông được trao giải Nobel văn chương dĩ nhiên cũng gây nên một số chấn động chính trị. Chính quyền Trung Quốc đã từng đưa ra lập luận rằng giá trị văn chương của Cao Hành Kiện đích thực cũng chẳng có gì; có nhiều nhà văn Trung Hoa khác xứng đáng hơn ông; trao giải Nobel văn chương cho Cao Hành Kiện chẳng qua cũng có một ẩn ý chính trị nào đó.
       Muốn thẩm định giá trị văn chương của Cao Hành Kiện là một viêc làm đòi hỏi nhiều thì giờ và khảo cứu nghiêm túc. Cho đến nay chỉ mới có một tác phẩm của ông được dịch ra Việt ngữ là cuốn Linh Sơn (Trần Đĩnh dịch, Nxb Phụ Nữ, 2002). [* xem chú thích của Tiền Vệ]. Điều đáng tiếc là bản dịch Việt ngữ này lại được dịch từ bản dịch Pháp ngữ chứ không phải là từ nguyên tác Hoa ngữ. Dĩ nhiên một bản dịch từ một bản dịch khó có thể nào giữ được văn phong (style) của nguyên tác. Đây lại là một phương diện mà Cao Hành Kiện hết sức đặt nặng--điều này bất cứ ai chỉ cần có chút quen thuộc với tác phẩm của ông cũng nhận ra.
       Tuy thế, Cao Hành Kiện cũng còn "may mắn" hơn nhiều nhà văn được giải Nobel gần đây: Một lề thói mà chúng ta nhận thấy trên các tạp chí ở hải ngoại--kể cả các tạp chí chuyên về văn học--là sau khi một tác giả được trao giải Nobel văn chương, chúng ta chỉ thấy một số bài dịch loáng thoáng vội vã có lẽ từ vài nhật báo ngoại quốc hay từ trên internet về tác giả đó. Thế là tác giả đó kể như là đã được "giải quyết" xong. "Một trang sử đã xếp lại." Hiện nay hầu như không thấy có bình luận hay nghiên cứu nào về Toni Morrison, Octavio Paz, V. S. Naipaul, v.v. Cũng không thấy một tác phẩm nào của những nhà văn nhà thơ này được dịch ra Việt ngữ cả.
       Trong sự nghiệp của ông, Cao Hành Kiện viết khá nhiều kịch và ông cũng đặc biệt nổi tiếng về kịch. Kịch của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và diễn tại nhiều nơi ở Âu Châu. Để hiểu được nghệ thuật kịch của Cao Hành Kiện, điều cần ghi nhận là ông không viết kịch chỉ thuần để đọc mà chính là để diễn. Sau mỗi vở kịch ông thường viết một bài thuyết minh nói lên phần nào cấu tạo của vở kịch và đề nghị cách diễn. Ngoài ra người đọc cần phải được trang bị bởi một kiến thức căn bản về nghệ thuật hí kịch hiện đại của Trung Quốc cũng như quan điểm về kịch của Cao Hành Kiện mà chính ông đã trình bày trong rất nhiều bài viết.
       Xa Trạm là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Cao Hành Kiện. Vở kịch này được viết vào năm 1982. Năm 1983 Xa Trạm được diễn bởi Bắc Kinh Nhân Dân Nghệ Thuật Viện gây nhiều chấn động và sau đó bị cấm diễn luôn. Tác giả bị phê phán nặng nề và bị cấm không được đăng tác phẩm gần một năm. Xa Trạm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Tây phương (kể cả Hung Gia Lợi) và Nhật ngữ cũng như được trình diễn ở khắp Âu châu và Nhật Bản. Năm 1989, sau biến cố Thiên An Môn, Cao Hành Kiện tuyên bố rời bỏ Trung Quốc sang định cư ở Pháp Quốc.
 
-------------------------
* Chú thích của Tiền Vệ: Như Hạnh viết lời giới thiệu này vào đầu năm 2003. Sau đó, ở Việt Nam đã có thêm hai bản dịch cuốn Linh sơn trực tiếp từ nguyên tác Hoa ngữ: bản của Hồ Quang Du (Nxb Văn Học, 2003); và bản của Ông Văn Tùng [lấy nhan đề là Núi thiêng] (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2003).
       Dịch giả Như Hạnh tốt nghiệp Ph.D. về ngành Đông Phương Học tại Đại Học Harvard, Cambridge, Massachusetts, chuyên về tôn giáo và Triết Học Ấn Độ. Hiện ông đang giảng dạy về Phật Giáo, Tôn Giáo Nam Á (South Asia), và Phạn Văn (Sanskrit) tại Đại Học George Mason ở Fairfax, Virginia.

 

____________________________

 

CAO HÀNH KIỆN

(1940~)

 

TRẠM XE

(Xa trạm/Chezhan)

 

NHÂN VẬT

Người trầm mặc: tuổi trung niên

Ông già: ngoài sáu mươi

Cô gái: hai mươi tám tuổi

Thằng lỗ mãng: mười chín tuổi

Người đeo kính: ba mươi tuổi

Bà mẹ: bốn mươi tuổi

Sư phó: bốn mươi lăm tuổi

Mã chủ nhiệm: năm mươi tuổi

(Tuổi tác của nhân vật đều là tuổi vào lúc xuất hiện)

 

ĐỊA ĐIỂM

Một trạm xe buýt ở ngoại ô thành phố

 

(Một bảng trạm xe buýt được đặt ngay giữa sân khấu. Bởi vì dạn dày sương gió lâu ngày, vết chữ trên bảng đã không còn rõ ràng nữa. Cạnh trạm xe có một dãy lan can sắt, hành khách đợi xe đứng xếp hàng bên trong lan can. Lan can sắt có hình thập tự, đông tây nam bắc mỗi đầu dài ngắn không đều nhau, mang một ý nghĩa tượng trưng, biểu thị một ngã tư đường, cũng có thể là một điểm giao thoa mà cũng có thể là một điểm trên đường đời của các nhân vật. Các nhân vật có thể lên sân khấu từ bất cứ phía nào.

Người trầm mặc xách bao bước lên sân khấu. Ông đứng lại đợi xe. Ông già tay không bước lên.)

 

Ông già: Xe vừa qua à?

 

(Người trầm mặc khẽ gật đầu.)

 

Ông già: Bác vào thành phố à?

 

(Người trầm mặc gật đầu.)

 

Ông già: Trưa thứ bảy mà vào thành phố thì phải đi sớm, còn mà đợi tan sở rồi mới đón xe thì không bắt kịp đâu.

 

(Người trầm mặc mỉm cười.)

 

Ông già: (Quay đầu nhìn) Chẳng thấy bóng dáng xe đâu cả. Vào trưa thứ bảy ai cũng muốn vào thành phố, xe lại càng thưa chuyến. Mình chỉ cần trễ một bước, là gặp ngay giờ "cao điểm", thành ngữ mới lạ! Đúng lúc mọi người tan sở là ồn ào đông đúc ngay, phải ra sức mà chen lấn, nhưng mà cỡ ông thì còn sức, còn cỡ như vào tuổi tôi thì vô phương! Cũng may mà tôi kể như sớm được một bước, những người tan sở lượt đầu vẫn còn chưa động ổ! Ngay cả ngủ trưa tôi cũng không dám. (Thở phào nhẹ nhõm, ngáp.) Nếu như chiều này mà không có công chuyện trong thành phố, không thể không đi, không đời nào tôi lại xông pha vào cái "cao điểm" này. (Rút thuốc lá ra.) Ông có hút thuốc không? (Người trầm mặc lắc đầu.) Không hút mà hay. Đã tốn tiền mà còn nám cả cổ họng. Muốn hút thuốc ngon cũng mua không nổi. Vừa nghe có thuốc đến "Đại Tiền Môn", người đứng xếp hàng đã đến tận ngoài lộ, còn quanh co mấy vòng, y như thể con giun dài. Mỗi người chỉ được giới hạn mua hai hộp. Mình vừa xếp hàng đến nơi, anh bán hàng đã đanh mặt bỏ đi. Mình có hỏi, anh ta cũng chẳng thèm đếm xỉa đến mình. Như thế là "phục vụ khách hàng" đó sao? Chỉ được cái giả bộ bề ngoài. Thuốc lá "Đại Tiền Môn" thật ra lèn theo cửa sau ra hết! Cũng y như đáp xe buýt vậy. Mình theo qui củ đứng xếp hàng, thế nào cũng có một anh lẻn ngay vào trước mặt mình, vẫy tay với tài xế, thế là cửa xe mở. Họ là những hành khách "quan hệ tay trong." Hừ, mấy cái chữ nghe dễ giận. Đến lúc mình vừa xông lên, cửa xe đã đóng sập lại rồi. Đó gọi là "phục vụ hành khách" đấy, mình không trừng mắt thì còn biết làm gì? Ai cũng trông thấy nhưng mà chả biết phải làm sao! (Nhìn về bên hông khán đài.) A, có ai đến kìa, bác đứng ngay đầu, tôi xếp hàng sau lưng bác, chứ lát nữa xe đến là loạn cả lên ngay. Ai có sức mạnh là chiếm trước một chỗ ngồi. Điều ấy đã trở thành lề thói rồi.

 

(Người trầm mặc mỉm cười.)

(Cô gái cầm ví bước vào sân khấu, đứng lại ở một chỗ cách họ hơi xa. Thằng lỗ mãng bước vào, nhảy phắt lên lan can sắt ngồi, móc trong túi áo ra một điếu thuốc có đầu lọc rồi bật lửa lên châm.)

 

Ông già: (Quay về phía người trầm mặc.) Thấy chưa, tôi đã nói mà, cái lề thói đó.

 

(Người trầm mặc dùng ngón tay gõ lên lan can sắt biểu thị sự đồng ý.)

 

Thằng lỗ mãng: Đợi bao lâu rồi?

 

(Ông già giả bộ không nghe thấy.)

 

Thằng lỗ mãng: Bao lâu thì mới có một chuyến?

Ông già: (Bực bội) Đi mà hỏi công ty xe buýt á.

Thằng lỗ mãng: Diễu thật, tôi hỏi bác mà.

 

(Người trầm mặc rút một cuốn sách từ trong túi ra, bắt đầu đọc.)

 

Ông già: Hỏi tôi? Tôi đâu có phải là quản lý.

Thằng lỗ mãng: Tôi hỏi bác đợi bao lâu rồi?

Ông già: Này cậu, không có cái lối hỏi như thế.

Thằng lỗ mãng: (Tỉnh ngộ.) Thưa cụ.

Ông già: Tôi không phải là cụ của cậu.

Thằng lỗ mãng: (Châm biếm.) Vậy thì thưa ngài...

Ông già: Không cần phải như thế.

 

(Thằng lỗ mãng cụt hứng, bắt đầu thổi sáo, liếc xéo ông già, hai chân đong đưa.)

 

Ông già: Đây là để cho khách đợi xe tựa tay, không phải là chỗ để ngồi.

Thằng lỗ mãng: Ngồi một chút thì đã sao? Đâu có phải là làm bằng rơm đâu.

Ông già: Cậu không thấy là cái lan can này nghiêng rồi sao?

Thằng lỗ mãng: Bộ tôi ngồi làm nó nghiêng à?

Ông già: Nếu ai cũng ngồi lên nó rồi lắc lư, làm sao mà không nghiêng cho được?

Thằng lỗ mãng: Thế cái này của nhà bác à?

Ông già: Chính bởi vì nó là của công mà tôi phải quan tâm!

Thằng lỗ mãng: Bác càu nhàu cái gì vậy? Về nhà mà càu nhàu với bà lão nhà bác!

 

(Càng lắc lan can mạnh hơn nữa.)

 

Ông già: (Cố gắng lắm mới nén được cơn giận, quay về phía người trầm mặc.) Ông thấy không...

 

(Người trầm mặc đang đọc sách, vốn không chú ý đến cuộc đối thoại kia. Người đeo kính bước vào.)

 

Ông già: (Nói với cô gái.) Đứng vào hàng, chứ lát nữa là loạn cả lên đấy.

 

(Thằng lỗ mãng nhảy khỏi lan can, lấn tới trước, đứng trước mặt cô gái. Bà mẹ ôm cái túi lớn vội vã bước tới, ra sức.)

 

Ông già: Ai đứng trước lên trước đấy nhé.

Cô gái: (Nói với ông già, âm thanh khẽ đến mức không nghe ra.) Không sao, cháu cứ đứng đây.

 

(Có tiếng xe buýt. Sư phó xách túi đồ nghề lớn bước sải tới, đứng cuối hàng. Tiếng xe buýt đến gần hơn, mọi người đều nhìn về phía xe đang đến. Người trầm mặc cất sách đi. Mọi người đều di động về phía trước.)

 

Cô gái: (Quay lại nhìn người đeo kính.) Đừng lấn!

Ông già: Đứng vào hàng! Mọi người đứng vào hàng.

 

(Tiếng xe buýt chạy lướt qua trước mặt mọi người. Thằng lỗ mãng đột nhiên vòng qua ông già và người trầm mặc, chạy ra ngay đầu hàng.)

 

Mọi người: (Quay về phía thằng lỗ mãng.) Ê! Ê--Ê--

 

(Xe buýt không dừng lại.)

 

Mọi người: Dừng lại! Tại sao xe không dừng lại? Này---

 

(Thằng lỗ mãng đuổi theo mấy bước, tiếng xe mất hút.)

 

Thằng lỗ mãng: Mẹ kiếp!.

Ông già: (Giận dữ.) Mình cứ như vầy không cách chi xe dừng lại đâu!

Bà mẹ: Này, mấy người phía trước làm ơn đứng vào hàng đi chứ.

Người đeo kính: (Quay về phía thằng lỗ mãng.) Đứng vào hàng, đứng vào hàng, cậu có nghe gì không?

Thằng lỗ mãng: Việc quái gì đến bác? Tôi ở trước bác mà.

Bà mẹ: Cũng không có mấy người, xếp hàng ngay ngắn lên xe theo thứ tự có phải là hơn không?

Người đeo kính: (Nói với thằng lỗ mãng.) Cậu xếp hàng đằng sau người ta.

Ông già: (Quay về phía người trầm mặc.) Vô giáo dục.

Thằng lỗ mãng: Bộ bác có giáo dục lắm sao?

Bà mẹ: Cậu không xếp hàng còn lý sự gì nữa?

Ông già: (Gằn từng tiếng.) Tôi nói cậu đợi xe không chịu xếp hàng, không có chút giáo dục nào cả!

Thằng lỗ mãng: Bác ngứa chân thì bảo bà lão nhà bác cởi giầy cho, tại sao lại đổ quạu với tôi?

Bà mẹ: Còn trẻ mà học cái thói liến thoắng như vậy không hay ho gì đâu!

Người đeo kính: Mọi người chỉ bảo cậu xếp hàng, tại sao cậu lại không biết điều tí nào vậy?

Thằng lỗ mãng: Ai không xếp hàng? Xe không dừng, la lối với tôi để làm gì?

Người đeo kính: Cậu ở sau người khác!

Thằng lỗ mãng: Trước bác là được rồi.

Ông già: (Giận phát run lên.) Đứng vào hàng.

Thằng lỗ mãng: Tại sao bác cứ gây rối như thế? Bác tưởng tôi sợ bác à?

Ông già: Cậu muốn đánh người ta đấy phải không?

 

(Người trầm mặc bước tới trước mặt hai người. Thằng lỗ mãng thấy người kia thân thể tráng kiện, không khỏi sợ hãi, lui lại một bước, nhưng vẫn cố không muốn tỏ ra mình yếu, dựa trên lan can.)

 

Thằng lỗ mãng: Có ngon lành sao không bảo xe dừng lại đi. (Tựa vào lan can lắc mạnh.)

Ông già: Cậu kia, hóa ra những gì cậu học ở trường phí cả sao!

Thằng lỗ mãng: Phí cái gì? Nếu mà bác học cao thì sao không ngồi li-mu-din đi?

Ông già: Đứng xếp hàng đợi xe chẳng có gì là xấu hổ cả, đó là đạo đức công cộng xã hội, thầy giáo trong trường cậu không dạy cậu sao?

Thằng lỗ mãng: Không có dạy bài này.

Ông già: Bố mẹ cậu cũng không dạy cậu à?

Thằng lỗ mãng: Mẹ bác dạy bác, thế tại sao bác cũng không lên xe được?

 

(Ông già đâm ú ớ, nhìn người trầm mặc. Người trầm mặc lại bắt đầu xem sách trở lại.)

 

Thằng lỗ mãng: (Đắc ý.) Nếu như bác không chen lên xe được, kể như bác sống bao nhiêu năm qua một cách vô ích.

Người đeo kính: Mọi người đều đang đợi xe, tự giác một chút đi.

Thằng lỗ mãng: Bộ tôi không đang xếp hàng sao? Tôi ở trước bác.

Người đeo kính: Cậu đến sau người ta. (Chỉ cô gái.)

Thằng lỗ mãng: Chị ấy muốn lên trước cũng được. Nhưng mà lúc xe đến, chị phải biết chen lên.

Cô gái: (Quay lưng lại không thèm đếm xỉa thằng lỗ mãng.) Dễ ghét!

Thằng lỗ mãng: (Nói với ông già.) Nếu mà bác chen lên được cứ việc chen; bác không chen được đừng có trách tôi. Nếu như bác không chen được thì cũng đừng cản mũi người đằng sau. Bác à, nếu bác là người có văn hóa cao độ quang minh chính đại như thế, tại sao bác lại không hiểu được cái nguyên tắc chen lấn lên xe? Tôi chưa đi học được bao nhiêu ngày, nhưng mà tôi lại chen lấn lên xe được.

 

(Tiếng xe buýt.)

 

Bà mẹ: Xe đến rồi, mọi người đứng vào hàng.

Thằng lỗ mãng: (Vẫn tựa lan can, nói với cô gái.) Tôi ở sau chị. Lát nữa mà không chen lên được thì đừng có trách là tôi lấn chị.

Cô gái: (Nhíu mày.) Cậu đi trước đi.

 

(Tiếng xe buýt đến gần hơn. Người trầm mặc đóng sách lại Sư phó nãy giờ vẫn ngồi xổm dưới đất cũng đứng dậy Mọi người đều lấn tới trước dọc theo lan can.)

 

Người đeo kính: (Nói với cô gái.) Lát nữa cô bám sát bên hông, nắm chặt vào cần cửa xe.

 

(Cô gái đưa mắt nhìn anh ta, không trả lời. Mọi người di động tới trước về phía xe buýt. Thằng lỗ mãng đứng phía ngoài lan can, theo sau lưng cô gái.)

 

Ông già: Dừng xe! Dừng xe!

Người đeo kính: Này, dừng xe!

Bà mẹ: Ai nấy đợi cả buổi rồi!

Cô gái: Chuyến vừa rồi cũng không dừng.

Thằng lỗ mãng: Đồ chó đẻ...

Sư phó: Ê!

 

(Mọi người đuổi theo xe buýt vào một góc của sân khấu. Thằng lỗ mãng đột nhiên sấn tới trước. Người đeo kính nắm nó lại. Thằng lỗ mãng vung tay, người đeo kính nắm lấy tay áo nó. Thằng lỗ mãng quay lại vung tay đánh tới. Tiếng xe xa dần đi.)

 

Người đeo kính: Mày dám đánh người ta à!

Thằng lỗ mãng: Tôi đánh bác thì đã sao?

 

(Hai người đánh nhau.)

 

Ông già: Đánh nhau! Đánh nhau!

Bà mẹ: Giới trẻ hôm nay thật!

Cô gái: (Nói với người đeo kính.) Tại sao anh không tránh nó đi?

Người đeo kính: Đồ lưu manh!

Thằng lỗ mãng: (Nhào đến.) Tôi đánh bác nữa!

 

(Người trầm mặc và sư phó bước tới can họ ra.)

 

Sư phó: Cả hai dừng tay! Dừng tay! Ăn no rồi đi đánh nhau à?

Người đeo kính: Đồ lưu manh thối tha!

Thằng lỗ mãng: Đồ chó đẻ.

Bà mẹ: Chướng tai quá, tại sao lại không có một chút tu sỉ thế này.

Thằng lỗ mãng: Ai bảo hắn kéo tay áo ông!

Người đeo kính: Bất quá tôi chỉ níu nó lại thôi. Tại sao mày không đứng vào hàng?

Thằng lỗ mãng: Đừng dựt le trước mặt đàn bà, có ngon lành thì bước ra một bên giải quyết với tớ.

Người đeo kính: Tao mà sợ mày à? Đồ lưu manh thối tha!

 

(Thằng lỗ mãng nhào tới, bị sư phó nắm lấy cổ tay, không động đậy gì được nữa.)

 

Sư phó: Đừng gây rối nữa. Ra đứng phía sau đi.

Thằng lỗ mãng: Bác đừng có xía vào!

Sư phó: Đi ra sau! (Nắm chặt cổ tay thằng lỗ mãng kéo nó ra cuối hàng.)

Ông già: Đúng, đừng cho nó làm loạn khiến cho không ai lên xe được cả. (Nói với người trầm mặc.) Cho nó một bài học.

 

(Người trầm mặc không nghe thấy, lại đang đọc sách trở lại.)

 

Thằng lỗ mãng: Tôi đang xếp hàng phía trước! Chứ bộ chỉ mấy người mới có quyền vào thành phố, còn tôi không được quyền vào thành phố sao?

Bà mẹ: Đâu có ai bảo là cậu không được vào thành phố đâu.

Ông già: (Nói với bà mẹ.) Ai nấy đều vào thành phố vì có công chuyện, chỉ có nó là làm loạn. Có một bọn "ba tay" chuyên môn gây rối lúc lên xe, phải thận trọng mới được.

(Ngoại trừ người trầm mặc và sư phó, ai cũng đưa tay rờ ví tiền.)

Thằng lỗ mãng: Ông thì ngon lành ở chỗ nào! Rùa già!

 

(Cô gái và bà mẹ nhìn nhau, mỉm cười. Ông già bất mãn đưa mắt nhìn họ.)

 

Bà mẹ: (Vội vã đổi đề tài câu chuyện, nói với người đeo kính.) Anh không nên đánh nhau với nó, đánh là anh chỉ có thua thôi.

Người đeo kính: (Anh hùng khí khái.) Gặp phải mấy đứa náo loạn như vầy, mọi người đừng có hòng mà lên xe. Chị cũng vào thành phố à?

Bà mẹ: Nhà tôi và con tôi ở trong thành phố. Thứ bảy mà đón xe buýt thì đúng là nhức đầu, chen lấn lên xe cứ y như là đánh lộn.

Người đeo kính: Thế tại sao chị không xin chuyển vào thành phố?

Bà mẹ: Ai mà không muốn được chuyển vào thành phố, nhưng mà cần phải có tay trong, hừ!

Cô gái: Hai chuyến buýt chạy qua, đều không dừng lại.

Người đeo kính: Xe chật ngay từ bến. Cô cũng vào thành phố có công chuyện à?

 

(Cô gái gật đầu.)

 

Người đeo kính: Kỳ thực cô nên lên xe ngay từ bến. Cô ở đâu?

 

(Cô gái dè dặt nhìn anh ta, không trả lời. Người đeo kính cụt hứng, sửa lại mắt kính.

Người trầm mặc gấp sách lại, quay đầu nhìn về hướng xe buýt đến, có hơi nôn nóng, rồi lại vùi đầu vào sách.)

 

Ông già: Nóng ruột thật. Tôi phải có mặt ở Cung Văn Hóa vào đúng bảy giờ.

Bà mẹ: Bác có hứng trí thật, vào thành phố xem kịch à?

Ông già: Đâu có phúc phần như thế, kịch thì để cho người thành phố xem, tôi đi đánh cờ.

Bà mẹ: Cái gì?

Ông già: Đi đánh cờ, xe pháo mã, cô hiểu không? Chiếu tướng!

Cô gái: A, đánh cờ tướng, bác à chắc là bác ghiền lắm.

Ông già: Này cô, tôi đánh cờ cả đời rồi!

Người đeo kính: Ai cũng có cái thú của mình, con người mà không có nhiệt tình, đời sống chán chết đi.

Ông già: Anh nói đúng đấy! Sách cờ tướng nào tôi cũng nghiên cứu cả rồi, từ Trương Thiên Sư Bí Truyền Kỳ Pháp Đại Toàn cho đến Tượng Kỳ Tàn Cục Nhất Bách Giải mới xuất bản. Tôi có thể bày ra cho anh không sai một nước nào cả! Anh cũng đánh cờ chứ?

Người đeo kính: Thỉnh thoảng cũng chơi cho vui.

Ông già: Chơi cho vui thì cũng được, nhưng mà cờ tinh vi lắm, là một ngành học vấn chuyên môn đấy!

Người đeo kính: Đúng thế, đánh giỏi không phải là dễ đâu.

Ông già: Anh từng nghe tên Lý Mặc Sinh chưa?

Bà mẹ: (Thấy túi đồ nghề của sư phó dựa lên cái túi lớn của mình, kéo cái túi của mình lại gần.) Sư phó này làm nghề mộc phải không?

Sư phó: Ừm...

Người đeo kính: Lý Mặc Sinh nào?

Bà mẹ: Thứ bảy bác cũng đi làm à?

Sư phó: (Lười không buồn trả lới.) Ừ.

Ông già: Anh đánh cờ mà ngay cả Lý Mặc Sinh cũng không biết?

Người đeo kính: (Khiêm cung.) Không có ấn tượng...

Bà mẹ: Bác có sửa chân ghế không? Nhà chúng tôi...

Sư phó: (Ngắt lời.) Tôi làm đồ gỗ rất tinh vi.

Ông già: Chứ anh không đọc cả báo buổi chiều sao?

Người đeo kính: Gần đây tôi bận bịu với bài vở phức tạp, chuẩn bị thi vào đại học.

Ông già: (Mất hứng.) Vậy thì với nghề đánh cờ anh kể như chưa nhập môn nữa.

Bà mẹ: (Quay về phía cô gái.) Gia đình cô cũng ở trong thành phố à?

Cô gái: Không, em đi có việc.

Bà mẹ: (Thăm dò cô gái.) Đi gặp bạn?

 

(Cô gái lúng túng, cúi đầu gật.)

 

Bà mẹ: Anh ta là người đàng hoàng? Làm việc gì vậy?

 

(Cô gái cúi đầu dùng đầu ngón chân vẽ trên mặt đất..)

 

Bà mẹ: Đã có tin vui chưa?

Cô gái: Chị ăn nói mới hay chứ! (Từ ví tiền rút ra chiếc quạt lụa.) Cái xe này tại sao vẫn còn chưa đến kìa?

Người đeo kính: Chắc là quản lý mải đấu láo, quên cả giờ giấc.

Bà mẹ: "Phục vụ hành khách" như thế đấy!

Ông già: Lại đâm ra là hành khách phục vụ họ! Nếu như không có người đợi ở trạm xe, làm sao mà họ chứng tỏ là họ quan trọng được? Mình cứ phải nhẫn nại mà đợi thôi.

Bà mẹ: Có thì giờ như vầy tôi đã giặt xong cả một chậu quần áo bẩn rồi.

Cô gái: Thứ bảy chị vội về nhà chỉ để giặt quần áo?

Bà mẹ: Đó chính là đời sống gia đình. Cái ông nhà tôi, chỉ biết ôm sách thôi, cái gì khác cũng không biết hết. Ngay cả cái khăn tay bé tí tẹo giặt cũng chẳng sạch. Cô có tìm đối tượng, chớ có tìm một tay mọt sách. Một người nhậm lẹ, hẳn đã dọn cả gia đình vào thành phố rồi.

Ông già: Nhưng mà đó là do chị tự chọn, không chịu để cho anh ta dọn về miền quê. Mỗi tuần lễ cứ như vầy mà đợi xe, chen lấn, chị chịu nổi sao?

Bà mẹ: Tôi có đứa con, tôi phải lo xa cho Bội Bội chứ. Cái mức độ giáo dục của mấy trường miền quê, bác hẳn biết đấy, có mấy đứa thi đậu được vào đại học? (Hướng về phía thằng lỗ mãng trề môi.) Tôi không muốn con mình biến thành như thế, hỏng bét hết tương lai của nó.

 

(Có tiếng xe buýt.)

 

Cô gái: Xe đến rồi!

Người đeo kính: Đến thật rồi, lại còn là một chuyến xe trống!

Bà mẹ: (Nhắc chiếc túi lớn lên.) Đừng lấn, mọi người đều lên được, rồi thì ai cũng có chỗ ngồi.

Thằng lỗ mãng: (Nói với ông già.) Bác phải đi đứng cẩn thận, đừng có vướng chân văng mất túi tiền, không có tiền mua vé xe, lúc ấy mới khôi hài đấy.

Ông già: Này cậu, đừng có không biết trời cao đất dầy, sớm muộn gì rồi cũng có lúc cậu phải khóc. (Nói với mọi người.) Đừng vội, mọi người xếp hàng lên xe.

 

(Mọi người tinh thần phấn chấn, chỉnh tề đứng thành hàng. Tiếng xe buýt đến gần. Mã chủ nhiệm áo khoác không cài, hai tay đong đưa, bước tới, đi thẳng về phía trạm xe trước mặt.)

 

Mọi người: Ê, xếp hàng! Cái gì thế? Có biết qui củ không? Ra xếp hàng phía sau đi!

Mã chủ nhiệm: (Bất mãn.) Tôi nhìn thử xem. Quí vị cứ việc xếp hàng của quí vị.

Người đeo kính: Ông chưa từng thấy xe buýt bao giờ à?

Mã chủ nhiệm: Tôi chưa từng thấy ai như anh. (Trừng mắt nhìn người đeo kính.) Tôi tìm người.

 

(Tiếng xe buýt chạy qua mặt mọi người, lại cũng không dừng. Mã chủ nhiệm vội vã chạy đến phía trước trạm xe.)

 

Mã chủ nhiệm: (Không ngớt vẫy tay.) Ê! Ê! Lão Vương! Vương sư phó, tôi là Lão Mã ở sở tiếp liệu đây!

 

(Đám người tán loạn, cùng đuổi theo xe buýt.)

 

Người đeo kính: Tại sao không dừng xe?

Cô gái: Mấy chuyến liên tiếp không dừng, mau dừng xe lại!

Bà mẹ: Trong xe chỉ có vài người, tại sao lại không dừng?

Mã chủ nhiệm: (Chỉ tay về phía trước, vừa đuổi theo vừa hét.) Cho tôi lên, mở cửa trước ra! Tôi là Lão Mã thuộc sở tiếp liệu đây! Tôi chỉ có một mình---

Ông già: (Chỉ tay mắng.) Cứ như thế mà chạy sao? Các người có quan tâm đến hành khách hay không?

Sư phó: Chó đẻ!

Thằng lỗ mãng: (Nhặt một viên đá lên ném theo.) Ông ném bỏ mẹ mày!

 

(Tiếng xe xa dần. Người trầm mặc chăm chú nhìn theo.)

 

Mã chủ nhiệm: Được rồi! Từ rày trở đi hãng xe buýt chúng mày đừng có hòng mà còn đi tìm thằng Mã này để nhờ vả nữa nhé!

Ông già: Bác là Mã chủ nhiệm của sở tiếp liệu đó à?

Mã chủ nhiệm: (Ra vẻ khinh khỉnh.) Thì sao?

Ông già: Bác biết anh tài xế à?

Mã chủ nhiệm: Đổi người rồi! Đúng là thực dụng chủ nghĩa khốn kiếp.

Ông già: Cho nên họ mới không lãnh hội được thịnh tình của bác.

Mã chủ nhiệm: Thôi đừng đề cập đến chuyện đó nữa, cái giao tình này. Từ rày trở đi người của hãng xe buýt mà đến, thằng Mã này sẽ xử sự một cách thẳng thừng. (Rút ra điếu thuốc.) Ông hút thuốc không?

Ông già: (Liếc nhìn nhãn điếu thuốc kia.) Không, cám ơn, tôi ra khỏi nhà sáng nay quên mang theo cặp kính lão.

Mã chủ nhiệm: "Đại Tiền Môn" đấy.

Ông già: Loại này khó mua lắm nhé.

Mã chủ nhiệm: Đúng thế. Hôm kia người bên hãng xe buýt đến tìm tôi, chính tay tôi cấp cho họ hai mươi hộp. Đâu có dè họ lại khó chơi như thế.

Ông già: Thứ hàng hóa thiếu hụt đó khó làm lắm.

Ông già: "Đại Tiền Môn" đều ra theo cửa sau cả, chả trách gì mà xe kia tới trạm phải dừng lại đều không dừng.

Mã chủ nhiệm: Bác ngụ ý gì vậy?

Ông già: Chẳng ngụ ý gì cả.

Mã chủ nhiệm: Cái không ngụ ý này ngụ ý gì vậy?

Ông già: Chả có ngụ ý gì cả.

Mã chủ nhiệm: Cái chả có ngụ ý gì cả này ngụ ý gì?

Ông già: Chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả.

Mã chủ nhiệm: Chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả không phải là không ngụ ý gì!

Ông già: Vậy thì ông nghĩ nó ngụ ý gì?

Mã chủ nhiệm: Cái ý nghĩa đàng sau của cái chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả của bác rất là rõ ràng! Bác muốn nói là với vai trò chủ nhiệm tôi cầm đầu cái vụ mở cửa sau, phải không?

Ông già: Đó chính là ông nói đấy nhé.

 

(Người trầm mặc nôn nóng đi qua đi lại.)

 

Người đeo kính: (Đọc ngữ vựng Anh ngữ từ thẻ ngữ vựng của anh.) Book, pig, desk, pig, dog, desk, book---

Sư phó: Anh đang đọc Anh văn của nước nào vậy?

Người đeo kính: Anh văn là Anh văn, chẳng có nước nào cả. Không, đây là Anh văn theo âm Mỹ quốc. Người Anh và người Mỹ đều nói tiếng Anh, nhưng mà phát âm không giống nhau, cũng tựa như chữ "ngã," bác nói "yêm," họ nói "cha." Hiện giờ thi vào đại học đều phải thi ngoại ngữ. Hồi trước không có học, cho nên phải học từ bắt đầu thôi. Không thể cứ thế mà đợi xe, làm phí hết cả thời giờ ở trạm xe.

Sư phó: Anh học đi, học đi.

{Bà mẹ: (Lẩm bẩm với khán giả.) Bội Bội của tôi đợi tôi về hẹn vào đúng

Cô gái: bảy giờ mười lăm để làm bánh trôi, nó không thích ăn thứ làm với đường cát, đậu đỏ, ngũ nhân. Nó chỉ thích ăn nhân hạt mè thôi... Chúng tôi hẹn gặp lúc bảy giờ mười lăm trước cổng công viên, bên kia đường cái, dưới ngọn đèn thứ ba. Tôi xách theo cái túi màu đỏ tía, anh ấy đứng bên chiếc xe đạp Bồ Câu Bay...}

 

(Người trầm mặc bước đến trước mặt họ, nhìn họ. Họ không nói chuyện nữa.)

 

Mã chủ nhiệm: (Nói với ông già.) Tôi hỏi bác hàng hóa thiếu hụt là gì?

Ông già: Là thứ mà mình không mua được.

Mã chủ nhiệm: Với khách hàng mà nói thì là mua không được, còn đối với bộ thương nghiệp chúng tôi thì đó gọi là tiếp liệu thiếu hụt. Tiếp liệu thiếu hụt tạo ra mâu thuẫn giữa cung và cầu. Bác phải giải quyết cái mâu thuẫn này như thế nào?

Ông già: Tôi đâu phải là chủ nhiệm.

Mã chủ nhiệm: Nhưng mà bác là khách tiêu thụ! Bác bỏ thuốc được không?

Ông già: Thử mấy lần rồi.

Mã chủ nhiệm: Bác không biết là hút thuốc có hại cho sức khỏe sao?

Ông già: Tôi biết.

Mã chủ nhiệm: Biết mà còn vẫn hút? Bác thấy chứ, tuyên truyền rốt cuộc là tuyên truyền. Không phải là mỗi năm đều tuyên truyền kế hoạch sinh đẻ sao? Dân số lại cứ vẫn gia tăng. Người lớn mà còn chưa cai thuốc được, trẻ con lau mũi chưa sạch tiếp tục bắt chước ghiền. Số người hút thuốc mọc còn nhanh hơn thuốc lá. Theo bác thì cái mâu thuẫn cung cầu này giải quyết được sao?

 

(Người trầm mặc đeo túi lên vai, định nói gì lại thôi.)

 

Người đeo kính: (Đọc lớn.) Open your books! Open your pigs không đúng. Open your dogs--không đúng, không đúng!

Ông già: Không sản xuất được nhiều hơn sao?

Mã chủ nhiệm: Câu hỏi của bác có lý! Nhưng mà đây là vấn đề của bộ sản xuất, làm sao mà bộ thương nghiệp chúng tôi giải quyết được? Bác trách tôi mở cửa sau, cửa sau của chúng tôi cũng chỉ chiếu cố được những khách hàng có tay trong. Có thể mở cửa lớn ra bán cho công chúng không? Bác nghĩ đi, rốt cuộc thì cũng có người mua được, có người không mua được. Nếu như ai cũng mua được cả có phải là đã chẳng có mâu thuẫn không?

Cô gái: Bép xép mãi, phiền quá!

Bà mẹ: Cô chưa hiểu được đâu, đợi đến khi cô làm mẹ, phiền não càng nhiều nữa.

 

(Người trầm mặc quay lại, ánh mắt cô gái chạm ánh mắt anh ta, cô gái lập tức nhìn xuống. Người trầm mặc chẳng hề chú ý, bước sải đi, chẳng buồn quay đầu. Tiếng âm nhạc khe khẽ vang lên, âm thanh biểu lộ một sự tìm kiếm đau đớn nhưng bướng bỉnh. Âm nhạc dần dần biến mất. Cô gái nhìn về phía người trầm mặc đi, như thể hoang mang .)

 

Sư phó: Tôi xin ngắt lời. (Mã chủ nhiệm và ông già quay lại.) Tôi không nói với hai vị, hai vị cứ tiếp tục tán phét đi.

Mã chủ nhiệm: Bác tưởng tôi lắm chuyện tán phét sao? Tôi đang làm công tác tư tưởng cho khách hàng! (Tiếp tục thuyết phục ông già.) Bác không hiểu tình trạng của bộ thương nghiệp chúng tôi. Bác có thắc mắc, bác công nhận không? Công việc chủ nhiệm của tôi chắc dễ làm lắm đấy? Bác thử làm xem?

Ông già: Tôi đâu làm được.

Mã chủ nhiệm: Bác cứ thử làm xem!

Ông già: Tôi chịu rồi, chịu rồi!

Mã chủ nhiệm: (Nói với sư phó.) Bác thấy chưa? Bác thấy chưa?

Sư phó: Thấy cái gì? Tôi muốn nói là cái ông thầy giáo đeo kính kia.

Người đeo kính: (Làm câu.) Do you speak English? I speak a litter...

Thằng lỗ mãng: (Bắt chước anh ta, giọng quái đản.) Ai-si-pi-ke-ai-li-tơ-ơ---

Người đeo kính: (Giận dữ.) Are you a pig?

Thằng lỗ mãng: Anh mới đánh rắm mà!

Cô gái: Đừng ồn ào nữa, được không? Tôi chịu hết nổi rồi!

Sư phó: Này thầy, đồng hồ thầy mấy giờ rồi?

Người đeo kính: (Nhìn đồng hồ, giật mình kinh ngạc.) Cái gì? cái gì...

Sư phó: Chết rồi à?

Người đeo kính: Phải chi nó chết còn đỡ... cái gì, đã một năm trôi qua rồi!

Cô gái: Bác giỡn mặt thiên hạ!

Người đeo kính: (Lại nhìn đồng hồ.) Đúng thế, chúng ta đã đợi ở trạm xe này đúng một năm rồi.

 

(Thằng lỗ mãng cho ngón tay trỏ vào miệng, hết sức huýt một tiếng sáo.)

 

Ông già: (Đưa mắt nhìn mọi người.) Vớ vẩn!

Người đeo kính: Vớ vẩn cái gì, bác không tin thử nhìn đồng hồ xem.

Sư phó: Đừng nhắng lên, không sao cả!

Bà mẹ: Đồng hồ của tôi tại sao mới hai giờ bốn mươi?

Thằng lỗ mãng: (Lấn tới.) Chết rồi!

Sư phó: La lối cái gì vậy? (Nói với ông già.) Xem đồng hồ của bác đi.

Ông già: (Rờ rẫm mãi, khó khăn lắm mới moi được đồng hồ từ trong ngực áo ra.) Tại sao lại không đúng?

Thằng lỗ mãng: Bác xem ngược rồi.

Ông già: Một giờ... mười. Chết ngắc rồi.

Thằng lỗ mãng: (Khoái trá.) Thua đồng hồ người ta. Đồng hồ này cũng y chang như bác, cũng già rồi.

Mã chủ nhiệm: (Lắc cổ tay, lắng nghe.) Tại sao đồng hồ tôi cũng chết luôn?

Bà mẹ: Nhìn ngày tháng xem, đồng hồ của ông không phải có cả lịch luôn sao?

Mã chủ nhiệm: Ngày bốn mươi tám tháng mười ba--lạ thật, đồng hồ tôi hiệu Omega nhập cảng mà.

Thằng lỗ mãng: Biết đâu chỉ là đồ nhựa dỏm.

Mã chủ nhiệm: Cút đi!

Người đeo kính: Của tôi là đồng hồ điện tử, không thể sai được. Quí vị nhìn xem, vẫn còn chạy. Tôi mua hồi năm ngoái, chưa từng bao giờ chết cả. Đồng hồ điện tử có sáu công dụng, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây gì đều có cả. Quí vị nhìn xem, không phải là cả một năm đã trôi qua rồi sao!

Sư phó: Anh làm mọi người hoang mang, đồng hồ điện tử thì đã sao? Đồng hồ điện tử cũng có lúc không đúng.

Ông già: Sư phó à, chúng ta không thể không tin khoa học. Điện tử là khoa học, khoa học không lừa dối con người. Hiện giờ có thể nói là thời đại điện tử! Chúng ta đúng là có gì không ổn rồi.

Bà mẹ: Như thế có nghĩa là chúng ta đã đợi xe ở trạm này đúng một năm rồi?

Người đeo kính: Đúng thế, đúng phóc một năm, một năm ba phút một giây, hai giây, ba giây, bốn giây, năm giây, sáu giây... quí vị nhìn xem, vẫn cứ còn chạy.

Thằng lỗ mãng: Hừ, đúng thế, các bạn, đúng mẹ nó một năm!

 

(Cô gái chạy đi, hay tay ôm mặt. Mọi người thiểu não.)

 

Bà mẹ: (Lẩm bẩm.) Chắc là hai bố con hết quần áo để thay rồi, anh chẳng biết làm gì cả, quần đùi có rách cũng chẳng biết vá. Bội Bội chắc là muốn mẹ khóc đến chết đi sống lại rồi, tội nghiệp Bội Bội của mẹ...

 

(Cô gái ngồi xổm, mọi người từ từ tụ tập chung quanh.)

 

Người đeo kính: (Nói khẽ.) Cô có sao không?

Sư phó: Đói không? Trong túi tôi vẫn còn cái bánh nướng.

Ông già: Đau bụng?

Mã chủ nhiệm: (Nói lớn với khán giả.) Bác sĩ đâu? Có ai biết về thuốc làm ơn đến xem xem!

Bà mẹ: (Tự kềm hãm mình, bước lại, cúi xuống bên cạnh cô gái.) Khó chịu chỗ nào? Cho chị biết. (Vuốt đầu cô gái.)

 

(Cô gái vùi đầu vào lòng bà mẹ, khóc oà lên.)

 

Bà mẹ: Đây là chuyện đàn bà, mời tất cả quí vị đi chỗ khác.

 

(Mọi người giải tán.)

 

Bà mẹ: Cô, cho tôi biết, có chuyện gì?

Cô gái: Chị à... em khổ quá...

Bà mẹ: (Vuốt ve cô gái.) Dựa vào chị. (Ngồi xuống đất, để cô gái dựa vào mình, ghé vào tai cô gái hỏi thầm.)

Ông già: (Già khụ hẳn đi) A, ván cờ này kể như tiêu...

Mã chủ nhiệm: Bác lên phố chỉ để đánh cờ à?

Ông già: Vì ván cờ này, tôi đã đợi mãi, đợi suốt cả đời.

Cô gái: Không, không, anh ấy sẽ không đợi em nữa đâu...

Bà mẹ: Con bé vớ vẩn, thế nào cũng đợi mà.

Cô gái: Không đợi đâu, chị không hiểu.

Bà mẹ: Hai người quen nhau lâu chưa?

Cô gái: Đây là buổi hẹn đầu tiên, bảy giờ mười lăm, tại cổng công viên, bên kia đường cái, dưới cột đèn thứ ba...

Bà mẹ: Hai người chưa từng bao giờ gặp nhau à?

Cô gái: Một người bạn học của em làm việc trong thành phố, chị ấy giới thiệu.

Bà mẹ: Việc gì phải khổ sở, cứ tiếp tục đi tìm, trên đời này đàn ông thiếu giống gì.

Cô gái: Không bao giờ nữa, sẽ không bao giờ còn có ai đợi em nữa!

Mã chủ nhiệm: (Đối diện khán giả, lẩm bẩm.) Tôi phải đi thôi. Không phải là tôi có hẹn đi ăn nhậu ở Đồng Khánh Lâu sao? Thiên hạ mời, cũng là dân tay trong. Tôi không cần phải đợi một năm để lên phố uống rượu. Rượu thì ở nhà tôi không phải là không có. Ngay cả loại Mao Đài nổi tiếng khắp thế giới chứa trong bình sứ trắng cột nơ đỏ. Không phải là khoe khoang chứ, tôi chỉ cần nói một tiếng, chứ chưa cần phải nhọc sức dở chân lên, là có người mang đến ngay. Tôi không cần phải vào thành phố. (Lớn tiếng.) Tôi không cần.

Ông già: (Khích động.) Ván cờ này tôi vẫn không thể không chơi!

Mã chủ nhiệm: (Nói với khán giả.) Ngoài loại mê cờ ra, trên đời này loại quái nhân nào cũng có cả, chỉ vì để đánh ván cờ mà đợi ở trạm xe suốt một năm. (Nói với ông già, đầy hảo tâm và thương hại.) Tôi cũng đánh cờ rất nhiều, nhưng mà chưa mê đến mức độ của bác. Bác bị lên cơn ghiền cờ rồi, đến nhà tôi đi, đánh một vài ván, tôi giúp bác đỡ ghiền, chúng mình cứ uống rồi đánh cờ, đánh cờ rồi uống. Bác à, bác xem bác lớn tuổi như vầy rồi, tại sao phải khổ sở phơi nắng ở trạm xe thế này? Đi với tôi đi.

Ông già: (Khinh khỉnh.) Đi với ông?

Mã chủ nhiệm: Bác à, trong đám trăm người nhân công ở sở tiếp liệu của tôi, kể cả đoàn trưởng, tổ trưởng trên dưới mười người, vẫn chưa có ai là đối thủ của tôi, không tin, bác cứ hỏi họ đi!

Người đeo kính: (Đọc.) pig, books, desk, dog... k... g... k

Ông già: (Khích động đến run lên.) Ông... ông có đọc báo chiều không?

Mã chủ nhiệm: Chưa từng lỡ một ngày! Tôi chỉ mua dài hạn báo chiều. Báo chiều từ thành phố trưa hôm sau là gửi đến bưu điện thị trấn, xế trưa là phân phối đến sở tiếp liệu chúng tôi. Tôi thường giữ báo đến khi ăn cơm chiều xong mới đọc. Chỉ cách một đêm là các tin tức trong thành phố không có gì mà tôi không biết.

Ông già: Ông có biết cái vị tên Lý Mặc Sinh không?

Mã chủ nhiệm: Ô, cái anh ca sĩ mới, tuyệt lắm!

Ông già: Thế mà ông cũng nói chuyện đánh cờ. Vị tôi nói là đương kim vô địch cờ toàn quốc.

Mã chủ nhiệm: Ồ, bác muốn nói cái anh Lý gì đó quán quân kỳ thi cờ tướng chứ gì? Cùng họ với bà xã nhà tôi.

Ông già: Quán quân thì đã sao? Cờ của hắn, vẫn còn thường lắm.

Mã chủ nhiệm: Ông bác, ý bác muốn nói là bác cũng có thể trở thành quán quân?

Ông già: Báo chiều có đăng cái ván cờ mà hắn thắng giải. Tôi... đã từng nghiên cứu qua! Không phải chỉ vì hắn ở thành phố sao? Phải chi tôi cũng ở thành phố...

Mã chủ nhiệm: (Cười.) Thì bác đã là quán quân rồi.

Ông già: Tôi không dám nói thế. Tóm lại, tôi có viết cho hắn một lá thư, hẹn với hắn đánh với nhau một ván ở Cung Văn Hóa trên phố, chính là vào chiều nay. Hừ, chiều hôm nay năm ngoái! Cờ đã đi một nước là không được rút lại, con người không thể không có chữ tín!

Mã chủ nhiệm: Đúng thế!

Người đeo kính: (Đọc lớn.) bik, pook, Dessgdokpik--boog--nghe ghê quá!

Thằng lỗ mãng: Vẫn còn bịch bịch đánh rắm tây phương đó à?

Người đeo kính: (Bồn chồn.) Tôi không giống cậu, cậu có thể đi rong không làm gì cả, tôi thì phải thi vào đại học! Tôi chỉ có cái cơ hội cuối cùng này thôi, nếu như xe buýt không đến, tôi sẽ bị quá tuổi thi! Đợi với đợi, lãng phí hết tuổi trẻ khổ sở biết mấy. Điều này làm sao mà cậu hiểu nổi? Cậu tránh đi cho tôi nhờ.

Thằng lỗ mãng: Tôi đâu có cản trở gì bác đâu?

Người đeo kính: (Khẩn cầu.) Cậu làm ơn đi chỗ khác, để tôi yên tĩnh một chút được không? Chỗ kia của cậu không phải là quang đãng lắm sao?

Thằng lỗ mãng: Không vào thành phố được! (Đi ra chỗ khác, uể oải, đột nhiên phát tác.) Đường trong thành phố chỉ để những người thành phố đi hay sao? Tôi không phải là người à? Tại sao tôi không có quyền vào thành phố đi loanh quanh? Ông nhất định muốn đi!

Sư phó: (Phiền não.) La ó làm cái gì vậy? Cậu không ngồi im được à? (Ngồi xổm xuống, xé một mảnh báo cũ từ trong túi đồ nghề ra, lấy ra một phiến thuốc lá, nghiền nát, rồi cuốn lại.)

 

(Im lặng. Ánh đèn mờ đi. Từ xa tựa như có tiếng xe buýt. Lại có tiếng nhạc mơ hồ nổi dậy, cái âm nhạc của người trầm mặc kia lại thấp thoáng vang lên. Mọi người chăm chú lắng nghe, như thể tiếng gió, sau đó, lại biến mất.)

 

Mã chủ nhiệm: (Nói với khán giả.) Người nào cũng bị trúng tà rồi. (Nói với mấy người kia.) Này, quí vị vẫn chưa nản chí à? Có đi hay không?

Thằng lỗ mãng: Đi đâu?

Mã chủ nhiệm: Đi về.

Thằng lỗ mãng: Tôi cứ tưởng bác vào thành phố chứ.

Mã chủ nhiệm: Tôi điên sao? Xa xôi như vậy, đi vào thành phố chỉ để nhậu một chầu? Tôi đâu có ghiền đến mức đó.

Thằng lỗ mãng: (Buồn bã.) Tôi vẫn phải lên phố để ăn sữa chua.

Mã chủ nhiệm: Tôi nói chuyện với người khác, đồ nhãi ranh như chú xía vào làm gì? (Nói với ông già.) Bác không đi tôi cũng phải đi thôi.

 

(Mọi người nhìn nhau, có hơi động lòng.)

 

Ông già: Ừ. (Nhìn Mã chủ nhiệm. Ngây người ra, không biết phải làm gì.)

Bà mẹ: (Nhìn ông già) Bác...

Cô gái: (Nhìn bà mẹ.) Chị...

Người đeo kính: (Nhìn cô gái) Cô...

Sư phó: (Nhìn động tác của người đeo kính.) Này!

 

(Mã chủ nhiệm đi đến trước mặt sư phó, gật đầu ra hiệu ngụ ý bảo bác ta đi theo. Sư phó vẫn còn nhìn người đeo kính. Mã chủ nhiệm cúi xuống nhìn túi đồ nghề của sư phó, đưa chân ra đá. Ánh mắt của mọi người do đó ngưng lại.)

 

Thằng lỗ mãng: Này, khứa kia đâu? Lẻn đi rồi à?

Ông già: Ai lẻn đi?

Thằng lỗ mãng: Bác đúng là già lẩm cẩm, cái khứa đứng ngay trước mặt bác đó, bỏ rơi chúng ta, một mình lẳng lặng lẻn đi mất rồi.

Mọi người: (Ai cũng hứng khởi trở lại ngoại trừ cô gái ra.) Ai vậy? Ai vậy? Cậu nói ai? Ai đi rồi?

Ông già: (Vỗ đùi, hốt nhiên nhớ rõ.) Đúng thế. Mới vừa rồi đây còn nói chuyện với hắn. Hắn lẳng lặng bỏ đi mất rồi.

Bà mẹ: Ai, bác nói ai đi rồi?

Người đeo kính: (Nhớ ra.) Hắn đeo một cái túi, xếp hàng trước mọi người. Thủy chung đọc sách ở chỗ đó...

Bà mẹ: Ồ, lúc quí vị đánh nhau, hắn là người can.

Sư phó: Đúng thế, tại sao lúc hắn đi tôi không trông thấy kìa?

Người đeo kính: Biết đâu là hắn lên xe rồi.

Mã chủ nhiệm: Họ mở cửa trước cho hắn à?

Cô gái: (Hoang mang.) Xe vốn không dừng lại, hắn một mình vào thành phố sao?

Mã chủ nhiệm: Hắn đi lối này hay lối kia? (Dùng tay chỉ hai phương hướng tương phản.)

Cô gái: Hắn men theo công lộ đi vào thành phố rồi.

Mã chủ nhiệm: Cô trông thấy?

Cô gái: (Buồn bã.) Hắn liếc nhìn tôi một cái, rồi quay lưng bỏ đi một mạch.

Người đeo kính: Biết đâu hắn vào thành phố rồi.

Thằng lỗ mãng: Đương nhiên rồi!

Ông già: (Nói với cô gái.) Thế sao cô không nói sớm?

Cô gái: (Khủng hoảng bất an.) Chứ không phải mọi người đều đợi xe à...

Ông già: Đúng là có tâm kế...

Cô gái: Lúc hắn nhìn người khác, mắt hắn không chớp đến một lần, tựa như thể nhìn xuyên qua người ta vậy...

Mã chủ nhiệm: (Hơi khẩn trương.) Hi vọng hắn đừng có là cán bộ điều tra từ thành phố phái về. Hắn có chú ý đến đối thoại của chúng ta, lúc tôi và ông già này làm công tác tư tưởng không?

Cô gái: Lúc ấy thì không, hắn đi qua đi lại, tựa như bận tâm việc gì...

Mã chủ nhiệm: Hắn có thu thập... nói ví dụ như, khi chúng tôi nói về tình trạng thuốc lá và sở tiếp liệu? Tình trạng mở cửa sau bán "Đại Tiền Môn"?

Cô gái: Chưa từng nghe hắn nói gì cả.

Mã chủ nhiệm: Tại sao cô không trình bày với hắn về vấn đề của công ty xe buýt? Quần chúng rất là bất mãn đối với họ!

Ông già: Hiện nay ra khỏi nhà đi lại rất là khó khăn. (Dùng tay rờ lan can sắt, di chuyển bên trong lan can, chà xát.) Giao thông hết sức là rấm rối. Chắc chúng mình không đợi sai trạm chứ?

Sư phó: (Bất an.) Ông già, ông nói gì vậy? Trạm này không lên phố?

Ông già: Biết đâu đúng hơn phải là lên xe ở trạm bên kia đường?

Người đeo kính: (Nhìn về phía bên kia.) Trạm đó là để đi về.

Sư phó: (Yên tâm.) A, ông ơi, ông làm tôi sợ muốn chết. (Ngồi xổm xuống.)

Ông già: (Run rẩy đối diện khán giả.) Chư vị cũng đều đợi xe hả? (Tự lẩm bẩm.) Chẳng nghe gì cả. (Lớn giọng hơn một chút.) Chư vị đợi xe về miền quê phải không? (Tự lẩm bẩm.) Vẵn chẳng nghe gì cả. (Nói với người đeo kính.) Này cậu, tai tôi nghễnh ngãng, cậu hỏi họ xem có phải họ trở về miền quê không? Nếu như họ đều về, tôi chẳng phải khổ sở đi vào thành phố làm gì.

Mã chủ nhiệm: (Lắc đầu, thở dài.) Thành phố cũng đâu có phải là thiên đàng! Thôi quay về còn hơn. Con tôi cũng lại sắp lấy vợ. (Nói với sư phó.) Sư phó này làm nghề mộc phải không?

Sư phó: Ừm.

Mã chủ nhiệm: Bác đóng vài món đồ đạc cho con tôi được không? Như thế còn hơn là phí thì giờ ở đây. Tôi không để bác thiệt thòi đâu.

Sư phó: Không đi.

Mã chủ nhiệm: Ngoài tiền công ra, còn lo cơm nước. Tôi còn biếu thêm bác mỗi ngày hai bao "Đại Tiền Môn" có bọc giấy thiết. (Tự lẩm bẩm.) Không nên nhắc đến "Đại Tiền Môn" nữa, lỡ mà khoa quản lý của thương nghiệp cục nghe thấy thì mệt đấy! Này, tôi vẫn chưa biết nghề của bác như thế nào.

Sư phó: Tôi làm đồ gỗ tinh vi, đồ gỗ rắn chắc, làm ghế dựa bằng hồng mộc có điêu khắc, bình phong bằng đàn mộc có điêu khắc để trưng trong phòng khách. Ông chi nổi không? Đó là nghề gia truyền của tôi đấy!

Mã chủ nhiệm: Bác khoe khoang lắm đấy! Tôi nói cho bác nghe, người thành phố thích ngồi trên ghế bành, ai đi muốn ngồi trên ghế dựa cứng đến đau cả đít của bác?

Sư phó: Đồ của tôi làm là để thiên hạ ngắm chứ không phải để thiên hạ ngồi.

Mã chủ nhiệm: A, điều này mới mẻ đối với tôi đấy. Té ra là bác chuyên làm đồ trưng bày.

Sư phó: Hiện giờ đánh phèng la đi tìm cũng không ra được tài năng của tôi. Cho nên ngoại mậu công ty trong thành phố mới muốn mời tôi mở lớp dạy học trò!

Mã chủ nhiệm: Muốn đợi thì cứ việc đợi. Tôi quay về đây, có ai muốn đi theo tôi không?

 

(Im lặng, ánh sáng còn mờ thêm. Từ xa có tiếng xe buýt. Âm nhạc của người trầm mặc lại nổi dậy, khe khẽ mà rõ ràng.)

 

Người đeo kính: Quí vị lắng nghe, lắng nghe xem! Có nghe thấy không? Cái...

 

(Âm nhạc im bặt.)

 

Người đeo kính: Tại sao quí vị lại không nghe thấy? Người ấy hẳn đã vào thành phố rồi! Chúng ta không còn có thể đợi được nữa! Khổ sở một cách vô ích để chờ đợi một cách vô dụng.

{Ông già: Đúng thế, tôi đã đợi suốt cả đời,

Bà mẹ: Nếu mà tôi biết đi đường khó khăn như vầy, tôi hẳn đã

Cô gái: Tôi mệt lả, đại khái cũng tiều tụy hết sức}

{Ông già: Cứ như vầy mà đợi, đợi... đợi

Bà mẹ: mang theo một cái bao thật lớn, táo đỏ với hạt mè, vứt

Cô gái: Tôi chả còn muốn nghĩ gì nữa, chỉ muốn ngủ một---}

{Ông già: đến già đi...

Bà mẹ: hết thì lại tiếc.

Cô gái: giấc cho đã... }

Thằng lỗ mãng: Đừng có huyên thuyên bát sách nữa! Có biết bao nhiêu là thì giờ, cho là bò đi nữa cũng đã đến thành phố rồi!

Sư phó: Thế tại sao cậu không bò đi?

Thằng lỗ mãng: Bác bò đi rồi tôi bò theo!

Sư phó: Đôi tay tôi là để làm nghề, con người chứ đâu có phải con dòi trong đống phân!

Người đeo kính: (Đối diện khán giả.) Này, này, quí vị vẫn cứ đợi xe chứ? Không động tĩnh gì cả. (Lớn tiếng.) Trước mặt còn có ai đợi xe không?

Cô gái: Tối hù như vầy chả trông thấy gì cả. Đêm rồi, đâu còn có xe đến nữa.

Sư phó: Tôi sẽ đợi đến trời sáng! Trạm xe dựng ở đây, làm sao có thể lừa dối người ta được?

Mã chủ nhiệm: Nếu như xe vẫn không đến thì sao? Bác vẫn cứ ngốc nghếch đợi suốt đời à?

Sư phó: Tôi có nghề, thành phố cần nghề của tôi! Người ta cần ông để làm gì?

Mã chủ nhiệm: (Lòng tự tôn bị tổn thương.) Tôi được mời ăn cơm, tôi chẳng còn muốn đi!

Sư phó: Vậy sao ông không quay về đi?

Mã chủ nhiệm: Tôi vốn đã muốn quay về rồi. (Khổ não.) Cái địa lý đồng không mông quạnh này, trước mặt không thôn làng, sau lưng không hàng quán, trong bóng tối lỡ có con chó xông ra--hừ, quí vị có ai chịu đi với tôi không?

Ông già: Tôi vốn cũng muốn quay về, nhưng mà con đường về đen tối, lại còn khó đi hơn, chao...

Thằng lỗ mãng: (Bò dậy, vỗ mông.) Có đi hay không?

Mã chủ nhiệm: Được, chúng mình làm bạn đường.

Thằng lỗ mãng: Ai mà đi với bác? Tôi vào thành phố để ăn sữa chua.

Sư phó: Sữa đàng hoàng lại đi làm cho chua đi, còn ngon lành gì nữa? Trong thành phố còn có cả bia, uống cứ như nước đái ngựa! Không phải cái gì trong thành phố cũng tốt đẹp đâu, đồ cù lần!

Thằng lỗ mãng: Tôi vẫn muốn uống, tôi sẽ đi uống sữa chua, làm một hơi cạn luôn năm hũ! (Nói với người đeo kính.) Đừng phí thì giờ với họ nữa, hai đứa mình đi!

Người đeo kính: Nếu như mình vừa đi mà xe đến thì sao? (Đối diện khán giả, tự lẩm bẩm.) Nếu như xe đến rồi vẫn không dừng lại thì sao? Trên mặt lý trí, tôi cảm thấy nên đi, nhưng mà không nói chắc được, lỡ may thì sao? Không sợ cái thường tình, sợ là sợ cái lỡ may. Nhưng mà cần phải quyết định! desk, dog, pig, book, đi, hay là đợi? Đợi, hay là đi? Đây đúng là nan đề của đời sống! Cũng có thể là định mệnh đã quyết định, phải đợi ở đây suốt đời, đến già, đến chết. Tại sao con người không tự khai sáng tiền đồ của mình mà lại phải khổ sở đi chịu sự chi phối của định mệnh? Nói đi thì phải nói lại, định mệnh là cái gì? (Hỏi cô gái.) Cô có tin định mệnh không?

Cô gái: (Nói khẽ.) Tin.

Người đeo kính: Định mệnh cũng giống như một đồng tiền cắc. (Móc từ trong túi áo ra một đồng tiền cắc.) Cô có tin cái này không? (Ném lên rồi lại bắt lấy.) Mặt hoa hay mặt chữ! Pig, book, desk, dog, như thế là quyết định rồi! Are you teacher? No. Are you a pig? Không, cái gì cũng không phải, I am I, tôi chính là tôi! Mình không tin nơi mình lại đi tin nơi cái này? (Tự châm biếm mình, ném đồng tiền lên, rồi lại bắt lấy.)

Cô gái: Anh nghĩ mình phải làm gì? Tôi chẳng còn chút khí lực nào để có ý kiến nữa.

Người đeo kính: Vậy thì chúng mình chơi đùa với định mệnh một phen đi. Chữ thì đợi mà hoa thì đi. Tùy thuộc vào lần này thôi! (Anh ném đồng tiền lên, đồng tiền rơi xuống đất, anh úp tay lên đồng tiền.) Đi hay là đợi? Đợi hay là đi? Để xem coi định mệnh chúng ta như thế nào?

Cô gái: (Vội vã đè tay lên tay anh) Tôi sợ! (Phát giác ra rằng tay mình chạm tay anh, cô vội vàng rút tay lại.)

Người đeo kính: Cô sợ định mệnh của chính cô?

Thằng lỗ mãng: Hừ, hai cái người này mới lạ. Này, rốt cuộc các người có đi hay không?

Sư phó: Đã xong chưa? Ai muốn đi thì đi! Trạm xe dựng ở đây, ai cũng đang đợi, tại sao xe lại không đến? Không thu tiền vé của hành khách, lấy tiền đâu ra trả tài xế?

 

(Im lặng. Tiếng xe buýt và âm nhạc của người trầm mặc cùng truyền đến Càng lúc càng rõ ràng, tiết tấu cũng phân minh ra.)

 

Mã chủ nhiệm: (Vung tay, tựa như muốn xua đuổi cái âm thanh làm người ta phiền não kia.) Này, có ai muốn đi không?

 

(Âm nhạc tan biến. Ông già nãy giờ vẫn dựa trạm xe ngủ khụt khịt một tiếng.)

 

Ông già: (Không mở mắt.) Xe đến chưa?

 

(Không ai trả lời.)

 

Thằng lỗ mãng: Bị dính cả vào cái bảng gỗ này. Bết thật! (Lộn một vòng, rồi nhẹ nhàng ngồi dưới đất.)

 

(Ai cũng ngồi xổm hoặc ngồi bệt dưới đất. Lại có tiếng xe buýt. Không ai động đậy cả, chỉ chăm chú lắng nghe. Tiếng xe buýt lớn dần. Ánh đèn theo đó sáng dần ra.)

 

Thằng lỗ mãng: (Vẫn nằm dưới đất.) Đến rồi, hừ.

Bà mẹ: Rốt cuộc cũng đến. Ông cụ, đừng ngủ nữa, trời sáng rồi, xe sắp đến rồi!

Ông già: Đến rồi? (Vội vàng đứng dậy.) Đến rồi?

Cô gái: Đừng có lại không dừng ở trạm này nữa!

Người đeo kính: Nếu không dừng nữa mình sẽ chận xe lại!

Cô gái: Họ sẽ không dừng đâu.

Ông già: Không dừng là họ sẽ thất nghiệp!

Bà mẹ: Nếu như xe không dừng thì sao?

Thằng lỗ mãng: (Đột nhiên nhảy bật dậy.) Sư phó, trong túi của bác có chiếc đinh lớn nào không?

Sư phó: Để làm gì?

Thằng lỗ mãng: Nếu không dừng nữa mình sẽ đâm nổ lốp xe, không ai vào thành phố được nữa!

Cô gái: Không được, phá hoại giao thông là phạm pháp.

Người đeo kính: Chúng mình chận xe lại, đứng chắn cả ngoài lộ, xếp thành một hàng!

Sư phó: Đúng!

Thằng lỗ mãng: (Nhặt một chiếc gậy.) Nhanh lên, xe đến rồi kia!

 

(Tiếng xe buýt đến gần, mọi người đều đứng lên.)

 

Cô gái: (Hét.) Dừng lại--xe!

Bà mẹ: Chúng tôi đã đợi suốt một năm!

Ông già: Ê, ê, dừng xe lại!

Mã chủ nhiệm: Này--

 

(Mọi người lấn về phía trước sân khấu, đứng chắn đường lộ. Tiếng kèn xe buýt vang lên.)

 

Người đeo kính: (Chỉ huy mọi người.) Một, hai!

Mọi người: Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe!

Người đeo kính: Chúng tôi đã đợi mất cả một năm.

Mọi người: (Vừa vẫy tay tới tấp vừa la hét.) Chúng tôi không còn đợi được nữa! Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe đi! Dừng xe--

 

(Xe buýt không ngớt bấm kèn.)

 

Ông già: Tránh ra! Mau tránh ra!

 

(Mọi người vội vã tránh qua một bên, rồi lại vội vã đuổi theo xe, vừa hò hét.)

 

Thằng lỗ mãng: (Vung gậy lên xông tới trưóc.) Ông đập nát mày ra!

Người đeo kính: (Giữ nó lại.) Nó cán cậu chết bây giờ!

Cô gái: (Sợ đến nhắm chặt mắt lại.) A--

Sư phó: (Nhào đến, nắm chặt lấy thằng lỗ mãng.) Cậu đừng có liều mạng như thế!

Thằng lỗ mãng: (Vùng thoát, đuổi theo xe, ném chiếc gậy trong tay tới trước.) Đồ chó đẻ cho mày rơi xuống sông cho rùa xơi tái mày!

 

(Tiếng xe buýt chạy xa đi. Im lặng.)

 

Sư phó: (Hoang mang.) Đều là người ngoại quốc.

Bà mẹ: Xe du lịch chuyên chở người ngoại quốc.

Người đeo kính: Uy phong cái gì? Không phải chỉ làm tài xế cho người ngoại quốc sao?

Ông già: (Càu nhàu.) Xe có chật hết đâu.

Sư phó: (Đau lòng.) Cho tôi đứng cũng không được sao? Đâu phải là tôi không mua vé.

Mã chủ nhiệm: Ông có tiền ngoại quốc không? Họ chỉ nhận tiền ngoại quốc thôi.

Ông già: (Dậm chân.) Đây đâu có phải là xứ ngoại quốc!

Cô gái: Tôi đã bảo là xe không dừng là xe không dừng mà.

 

(Vào lúc ấy, từng chiếc xe nối tiếp nhau chạy ngang mặt đám người.)

 

Mã chủ nhiệm: Thế này thì... ép người ta quá đáng. Xem hành khách như rơm rác! Nếu không dừng xe thì đừng có dựng trạm xe ở đây! Cái công ty xe buýt này mà không chỉnh đốn, giao thông không cách chi tiến bộ được. Quí vị viết một lá thư quần chúng, tôi sẽ đích thân đem đến thượng cấp lãnh đạo cục giao thông. (Chỉ người đeo kính.) Anh viết!

Người đeo kính: Viết như thế nào?

Mã chủ nhiệm: Viết như thế nào? Thì viết như vầy như vầy như vầy--hừ, anh là phần tử trí thức như thế mà ngay cả lá thư quần chúng cũng không biết viết?

Người đeo kính: Viết lá thư này thì có ích dụng gì? Chúng ta vẫn cứ phải đợi thôi.

Mã chủ nhiệm: Quí vị muốn đợi thì cứ đợi, tôi cần gì phải bận tâm? Bữa cơm trong thành phố tôi đã chẳng muốn ăn rồi. Tôi quan tâm là cho quí vị. Đợi đi, cho đáng đời, cứ đợi đi.

 

(Im lặng. Âm nhạc của người trầm mặc lại vang lên, nhưng lại biến thành tiết ba linh hoạt nhẹ nhàng có mang thêm nét trào phúng.)

 

Người đeo kính: (Nhìn đồng hồ, giật bắn mình.) Chết cha!

 

(Cô gái bước tới nhìn đồng hồ anh ta. Tiết tấu của âm nhạc hòa điệu với những con số sau đây, nhảy nhót.)

 

Người đeo kính: (Liên tiếp ấn cái nút chỉ thị trên đồng hồ của mình.) Năm tháng, sáu tháng, bảy tháng, tám tháng, chín tháng, mười tháng, mười một tháng, mười hai tháng, mười ba tháng--

Cô gái: Một tháng, hai tháng, ba, bốn--

Người đeo kính: Năm tháng, sáu tháng, bảy tháng, tám tháng--

Cô gái: Cả thảy là một năm tám tháng.

Người đeo kính: Một năm nữa lại vừa trôi qua.

Cô gái: Như thế là hai năm tám tháng---

Người đeo kính: Hai năm tám tháng... Không! Không đúng, phải ba năm tám tháng. Không, không đúng, năm năm sáu... không, bảy tháng, tám tháng, chín tháng, mười tháng...

 

(Mọi người ngạc nhiên, nhìn nhau.)

 

Thằng lỗ mãng: Điên bỏ mẹ!

Người đeo kính: Thần kinh tôi tỉnh táo lắm.

Thằng lỗ mãng: Tôi không nói bác, tôi nói cái đồng hồ này mắc bệnh thần kinh rồi!

Người đeo kính: Cơ khí không có thần kinh. Đồng hồ lại là một thứ máy móc đo lường thời gian. Thời gian lại không di chuyển tùy theo việc thần kinh con người có tỉnh táo hay không!

Cô gái: Anh đừng nói nữa được không? Tôi van anh!

Người đeo kính: Đừng ngăn cản tôi, không, vấn đề này không tại tôi. Cô đâu có thể ngăn cản sự trôi chảy của thời gian được! Quí vị nhìn xem, quí vị đến cả đây nhìn đồng hồ xem!

 

(Mọi người đều vây quanh xem đồng hồ anh ta.)

 

Người đeo kính: Sáu năm--bảy năm--tám năm--chín năm, như thế là mười năm trời đã trôi qua!

Sư phó: Có thể sai lầm không? (Nắm lấy tay người đeo kính, lay lay, lắng nghe, chăm chú nhìn.)

Thằng lỗ mãng: (Cũng bước tới, ấn nút đồng hồ.) A ha, sao không còn số mục gì thế này? Hừ, trống trơn! (Nắm lấy tay người đeo kính, dơ lên.) Chỉ ấn một cái là không chạy nữa! (Đắc ý.) Cái đồ chơi này mà cũng khéo lừa người ta.

Người đeo kính: (Nghiêm nghị.) Cậu biết quái gì? Số không hiện nữa không có nghĩa là thời gian không lưu chuyển. Thời gian là một tồn tại khách quan! Có thể có công thức để đo lường tính toán ra, T bằng căn hiệu an-pha cộng bê-ta thừa sic-ma cái gì cái gì bình phương đó... tương đối luận của Einstein, có cả trong sách vở.

Cô gái: (Điên lên.) Thật không chịu nổi nữa, tôi thật không chịu nổi nữa!

Ông già: Có đâu lại vô lý như vầy! (Đằng hắng.) Để cho hành khách đứng đợi cho đến bạc cả đầu... (Lập tức biến thành già nua lụ khụ.) Hoang đường... hoang đường quá...

Sư phó: (Đau lòng day dứt.) Công ty xe buýt cố ý thanh toán chúng mình hay sao? Nhưng mà mình có lỗi gì với họ đâu?

Bà mẹ: (Trở thành mệt mỏi rã rượi.) Bội Bội, Bội Bội đáng thương của tôi và bố nó. Đừng nói là không có quần áo để thay, mà có lẽ còn rách bươm cả rồi... anh ấy lại là người không biết cầm cả cái kim...

 

(Thằng lỗ mãng bước qua một bên đá mấy hòn đá, đá ngược đá xuôi. Sau đó, ủ rũ ngồi xuống đất, xoạc hai chân ra thất thần.)

 

Cô gái: (Đớ ra.) Tôi thật muốn khóc.

Bà mẹ: Khóc đi, khóc đi. Cái đó đâu có gì phải xấu hổ.

Cô gái: Chị à, em lại khóc không được...

Bà mẹ: Ai bảo chúng mình là đàn bà? Định mệnh đã bắt chúng mình phải đợi, đợi không bao giờ dứt. Trước tiên là đợi có anh nào đến rước chúng mình, đợi mãi mới lấy chồng được, rồi lại đợi đẻ con, sau đó lại đợi con lớn lên, lúc ấy thì chúng mình đã già rồi...

Cô gái: Em đã già rồi, đã đợi đến phát già rồi... (Dựa vào vai bà mẹ.)

Bà mẹ: Muốn khóc thì cứ khóc đi, chảy được nước mắt mình sẽ thấy nhẹ nhõm ra. Chị thật muốn gục vào lòng anh khóc một trận cho đã... không tại sao cả... cũng không nói rõ được là tại sao...

Mã chủ nhiệm: (Ngậm ngùi, nói với ông già.) Ông bác, bác cứ phải đợi sao? Ở nhà mà đợi dưỡng lão, hưởng một chút phúc khí, có phải là sướng hơn không? Cầm kỳ thư hoạ mấy cái trò đó vốn là để giết thời giờ, tự mình vui thú, bác lại cứ nhất định phải tranh cao thấp với người trong thành phố, vì mấy cái cục gỗ mà lê cái thân già ngoài đường như thế, có đáng không?

Ông già: Ông biết cái gì? Ông nói cái gì rồi thì cũng quay về buôn bán. Người đánh cờ chúng tôi là vì cái hứng khởi, cái tinh thần. Con người sống trên đời phải hiểu cái điểm tinh thần này một chút!

 

(Thằng lỗ mãng thấy nhàm chán, bước đến sau lưng người đeo kính, vỗ mạnh lên vai anh này, cắt đứt dòng trầm tư của anh ta.)

 

Người đeo kính: (Giận dữ.) Cậu chẳng biết đau đớn là gì cả, cho nên cậu mới vô tri như vậy. Chúng ta bị đời sống gạt đi, sinh mệnh trôi qua phí phạm ngay trước mặt cậu, cậu có hiểu không? Cậu không hiểu! Cho nên cậu mới bừa bãi như thế, tôi không thể...

Sư phó: (Khổ sở.) Tôi không quay về được. Tôi làm đồ mộc tinh tế, gỗ quí rắn chắc! Tôi vào thành phố là để kiếm chút tiền còm. Tôi có nghề, ở quê tôi có cơm ăn, tôi làm việc, đóng cái giường này, đóng cái bàn ăn kia, đóng cái tủ nọ, cả nhà già trẻ lớn bé đều đủ ăn. Nghề gia truyền của tôi chả lẽ chấm dứt ở đây sao? Ông tuy là chủ nhiệm, nhưng mà ông không hiểu đâu.

Người đeo kính: (Đẩy thằng lỗ mãng ra.) Cậu tránh ra, để tôi đợi một mình! (Đột nhiên bộc phát.) Tôi cần yên tĩnh! Cậu hiểu không? Yên tĩnh! Yên tĩnh!

 

(Thằng lỗ mãng ngoan ngoãn bỏ đi, định ra sức thổi một tiếng sáo, vừa cho ngón tay vào miệng lại rút ra.)

 

Cô gái: (Đối diện quần chúng, tự lẩm bẩm.) Tôi đã từng nằm mơ rất nhiều, có nhiều giấc mơ rất đẹp...

 

(Sau đó lời nói của hai người giao thoa liên tục với nhau, mỗi người đều nói với khán giả, bỉ thử không giao lưu nhau.)

 

Cô gái: Tôi mộng thấy mặt trăng biết cười...

Bà mẹ: Vừa đặt lưng xuống giường là ngủ ngay, tại vì mệt lả rồi, chả bao giờ được ngủ đủ...

Cô gái: Tôi mơ thấy anh ta cầm tay tôi, thì thầm vào tai tôi, tôi hết sức muốn dựa sát anh ta...

Bà mẹ: Vừa mở mắt ra, là thấy tất của Bội Bội bị rách lòi đầu ngón chân ra...

Cô gái: Hiện giờ tôi chẳng có giấc mơ nào cả...

Bà mẹ:: Tay áo bố nó cũng sứt chỉ...

Cô gái: Cũng không có gấu đen nhào đến tôi nữa...

Bà mẹ: Bội Bội muốn có chiếc xe nhỏ chạy bằng điện...

Cô gái: ... cũng không có người hung ác đuổi theo tôi...

Bà mẹ: Cà chua hai đồng một cân...

Cô gái: Tôi sẽ không bao giờ nằm mơ nữa...

Bà mẹ: Đó là lòng mẹ. (Quay lại nói với cô gái.) Lúc chị ở vào tuổi em chị chẳng giống như thế tí nào.

 

(Sau đây là đối thoại giữa hai người.)

 

Cô gái: Chị không biết chứ em cũng thay đổi, đâm ra hết sức nhỏ nhen, thấy mấy cô gái khác ăn bận đẹp đẽ là chịu không nổi. Em biết như thế là không tốt, nhưng mà mỗi khi thấy mấy cô gái thành thị đi giầy cao gót, trong lòng em thấy khó chịu, em cảm thấy như họ dẫm lên em, như thể đến trước mặt em chọc giận em. Chị à, em cũng biết là không tốt...

Bà mẹ: Chị hiểu, chị không trách em...

Cô gái: Chị không hiểu đâu, em ganh tị, ganh tị muốn chết...

Bà mẹ: Đừng có nói vớ vẩn nữa, điều ấy không trách em được...

Cô gái: Em luôn luôn muốn mặc loại váy dài điểm hoa từ trên xuống dưới có giây khóa ngang hông. Nhưng mà em không dám may một cái. Nếu như ở thành phố có phải thích hơn không. Khắp phố phường ai cũng mặc như thế cả, nhưng mà ở đây em có mặc được không? Chị à, chị nghĩ sao?

Bà mẹ: (Vuốt tóc cô gái.) Muốn mặc gì thì cứ mặc, đừng có đợi đến tuổi chị. Em còn trẻ, rồi thế nào cũng có một anh chàng nhìn trúng em, hai người sẽ yêu thương nhau, em sẽ sinh con cho anh ta, anh ta lại còn yêu thương em hơn nữa...

Cô gái: Chị cứ tiếp tục nói, chị à, chị cứ tiếp tục nói đi... em có tóc bạc chưa?

Bà mẹ: (Vạch tóc cô gái.) Không có, không có thật!

Cô gái: Chị đừng dối em.

Bà mẹ: Chỉ một hai sợi...

Cô gái: Nhổ đi.

Bà mẹ: Không nhìn ra, không nên nhổ, càng nhổ càng ra nhiều.

Cô gái: Chị làm ơn, đi chị!

 

(Bà mẹ nhổ sợi tóc bạc cho cô gái, đột nhiên ôm lấy cô ta, tự mình bật khóc.)

 

Cô gái: Chị à, chị làm sao thế?

Bà mẹ: Chị có rất nhiều tóc bạc, tóc chị trắng cả rồi phải không?

Cô gái: Đâu có, đâu có... (Ôm lấy bà mẹ, hai người cùng khóc.)

Thằng lỗ mãng: (Ngồi dưới đất, lấy một tờ giấy bạc quét đất, móc từ ngực áo ra một bộ bài tu-lơ-khơi, ném xuống đất.) Ai muốn chơi? Mỗi ván năm đồng! Tớ sẽ chơi một ván!

 

(Ông già mò mẫm túi.)

 

Thằng lỗ mãng: Bác đừng lo, tôi làm cái này may rủi thôi. Người nào may thì thắng. Tớ chẳng lần lữa ở đây nữa đâu.

 

(Ông già và Mã chủ nhiệm lấn tới.)

 

Thằng lỗ mãng: Hai bác ai đặt đây? Bên trái ba đồng, bên phải hai đồng nhé? Tôi là nhà cái năm đồng. Tiền vé xe khứ hồi và sữa chua đều ở đây cả.

Mã chủ nhiệm: Tuổi còn trẻ như thế mà sao lắm thói xấu vậy?

Thằng lỗ mãng: Thôi, về nhà mà giáo huấn con cái bác. Ông bác, muốn thử thời vận không? Bác có thể đặt cả hai đầu, không đủ năm đồng? Nếu đặt trúng là dịp may của bác; còn nếu thua, thì cứ xem là xui đi. Già khú đế như bác rồi mà còn tiếc rẻ mấy đồng bạc? Chỗ này mà có bán rượu, tôi sẽ mời mọi người uống.

 

(Sư phó bước lại.)

 

Thằng lỗ mãng: Thiên môn, địa môn, thanh long, bạch hổ, bác muốn đặt cửa nào?

 

(Sư phó tát anh ta một cái.)

 

Thằng lỗ mãng: Tôi không vào thành phố nữa cũng không được sao? Tôi không ăn sữa chua nữa cũng không được sao? (Khóc rống lên.) Đường trong thành phố cứ để cho mấy thằng chó đẻ trong thành phố lượn!

Ông già: Nhặt lên, nhóc, tôi bảo cậu nhặt lên.

 

(Thằng lỗ mãng dùng tay bẩn gạt nước mắt, hỉ mũi, rồi nhặt tiền và bộ bài lên. Cúi đầu khóc thút thít. Im lặng. Tiếng xe buýt từ xa xen lẫn với tiếng âm nhạc của người trầm lặng lúc ẩn lúc hiện. Tiết tấu nhanh ra biến thành một nhịp điệu sống động.)

 

Người đeo kính: Xe không đến đâu! (Quyết định.) Đi bộ, giống như người kia. Mất thì giờ ngớ ngẩn đứng đợi ở trạm xe, người ta không những đã đến thành phố mà còn đã làm được một việc gì rồi. Không thể đợi được nữa!

Ông già: Đúng thế. Này cô, đừng khóc nữa. Nếu như cô đi với anh kia, hiện giờ không những đã lấy chồng đẻ con, mà con cô còn đã tập đi rồi! Hừ, cứ thế mà đợi, đến già cả đi, đi thôi--(loạng choạng một hồi.)

 

(Người đeo kính vội vàng đỡ lấy ông.)

 

Ông già: Sợ đi không đến nổi... các chị có đi với chúng tôi không?

Cô gái: Chị à, em vẫn nên vào thành phố chứ?

Bà mẹ: (Vuốt tóc dùm cô gái.) Thật oan uổng, một cô gái dễ thương như vầy mà không ai muốn? Để chị giới thiệu cho em một người! (Nhặt túi lên.) Quả thật không nên xách một cái túi lớn như vầy.

Cô gái: Để em xách cho chị.

Mã chủ nhiệm: Chị đi mua cho đơn vị hả?

Ông già: Ông có đi hay không nào?

Mã chủ nhiệm: (Trầm tư.) Muốn sống qua ngày hả, sống ở thị trấn nhỏ miền quê thanh tịnh hơn nhiều. Không nói cái gì khác, chỉ nói việc qua đường trong thành phố, ông bác à, đèn xanh đèn đỏ kia, bác chỉ chớp mắt một cái, không chừng xe hơi đã cán bác chết ngắc rồi.

Sư phó: Tôi đi!

Thằng lỗ mãng: (Khôi phục lại tinh thần.) Mang kiệu đến khiêng bác à?

Mã chủ nhiệm: Ồn ào làm gì! Tôi áp huyết cao, động mạch nghẽn. (Tức giận.) Tôi không đi rước thêm phiền não! (Ra khỏi sân khấu, quay đầu lại.) Tôi quên uống thang thuốc tán trộn câu kỷ tử với phúc nhĩ mã lâm an thần bổ khí.

 

(Mọi người nhìn Mã chủ nhiệm ra.)

 

Ông già: Ông ta quay về rồi à?

Bà mẹ: (Lẩm bẩm.) Ông ta quay về rồi.

Cô gái: (Yếu ớt.) Đừng quay về!

Thằng lỗ mãng: Hắn đi đường hắn, mình đi đường mình.

Sư phó: Anh không đi à?

Người đeo kính: Để tôi nhìn một lần cuối xem có xe nào đến không? (Lau kính, đeo vào lại.)

 

(Mọi người tứ tán ra xa, đi qua đi lại. Có người muốn đi, có người đứng lại, có người va vào nhau.)

 

Ông già: Đừng chắn đường chứ!

Thằng lỗ mãng: Bác cứ đi đi!

Bà mẹ: Lộn xộn quá.

Người đeo kính: A, đời ơi là đời ...

Cô gái: Như vầy mà gọi là đời à?

Người đeo kính: Không phải mình đều còn sống sao?

Cô gái: Thà chết còn hơn.

Người đeo kính: Vấn đề là cứ như vầy không chết không sống--

Cô gái: Chết thì không chết, sống lại chán quá!

 

(Mọi người đi tại chỗ, vòng vòng, tựa như bị ma ám.)

 

Sư phó: Đi!

Cô gái: Không--

Người đeo kính: Không đi?

Thằng lỗ mãng: Đi đi!

Bà mẹ: Ừ thì đi.

Ông già: Đi--

 

(Im lặng. Tiếng mưa rơi.)

 

Ông già: Trời mưa à?

Thằng lỗ mãng: Ông bác à, bác mà còn lề mề như vầy không chừng mưa đá đấy!

Sư phó: (Nhìn trời.) Thay đổi không biết đâu mà rờ, cái thời tiết này!

Bà mẹ: Mưa thật rồi.

 

(Tiếng mưa tầm tã.)

 

Bà mẹ: Làm gì bây giờ?

Ông già: (Ấp úng.) Phải tìm chỗ tránh mưa mới được...

Cô gái: (Nắm tay bà mẹ.) Chúng mình đi, ướt thì đã sao!

Thằng lỗ mãng: (Cởi áo ra, trần trùng trục.) Không đi ở đây bị ướt vô ích! Trời ơi, ngài cứ giáng đao kiếm xuống đi!

Người đeo kính: (Nói với cô gái.) Không được, ướt là bị cảm mạo đấy.

Sư phó: Cơn mưa, có gì đâu. Mây qua rồi là không có sao cả. (Móc từ túi đồ nghề ra một tấm vải che mưa đội lên đầu ông già và Bà mẹ.)

Bà mẹ: Sư phó này suy nghĩ chu đáo thật.

Sư phó: Suốt năm chạy ngược chạy xuôi, dạn dày mưa gió, đâm ra quen. (Nói với những người kia.) Này, vào đây tránh mưa một lát đi.

 

(Mưa như trút nước. Người đeo kính và cô gái im lặng đứng dưới tấm vải che mưa.)

 

Sư phó: (Nói với thằng lỗ mãng.) Cậu lại dở trò nữa rồi phải không?

 

(Thằng lỗ mãng cũng chui vào dưới tấm vải che mưa. Ánh đèn mờ đi.)

 

Ông già: Cái gió thu mưa lạnh này, lúc mình còn trẻ chẳng là cái gì, khi già rồi, lại mắc thêm chứng phong thấp đau khớp xương, lúc ấy mới biết nó lợi hại.

Người đeo kính: (Nói với cô gái.) Cô lạnh không?

Cô gái: (Run lập cập.) Hơi hơi.

Người đeo kính: Cô mặc không đủ ấm, mặc thêm cái áo này của tôi đi.

Cô gái: Anh thì sao?

Người đeo kính: Tôi không sao. (Lạnh đến răng đánh vào nhau lộp cộp.)

Thằng lỗ mãng: (Chỉ vào đồng hồ người đeo kính.) Cái này còn chạy không? Vẫn cứ ngày khỉ tháng ngựa à?

Cô gái: Đừng nhìn đồng hồ! Đừng nhìn đồng hồ!

Bà mẹ: Không biết hiện giờ là tháng nào năm nào?

Cô gái: Không biết mà hơn.

 

(Tiếng gió, tiếng mưa. Đối thoại sau đây đều diễn tiến trong mưa gió.)

 

{Thằng lỗ mãng: Nghe kìa, nước sông dâng lên rồi...

Cô gái: Cứ ngồi như vầy...

Người đeo kính: Cứ vầy... mà hay...}

{Thằng lỗ mãng: ... Lúc này, tôi có thể bắt vài con cá...

Cô gái: Mưa đi! Mưa đi! Gió lạnh vi vút...

Người đeo kính: Sương bồng bềnh, cánh đồng, ngọn đồi trước mặt,}

{Thằng lỗ mãng: Này ông bác, tôi đánh cá với bác!

Cô gái: Trong lòng thấy hòa hoãn, dựa vào anh ấy, cứ thế mà ngồi với nhau...

Người đeo kính: Đều mông lung cả... cô ấy thật dịu dàng, hay quá...}

{Ông già: Này cậu, cậu tuổi tác cũng không còn nhỏ, nếu cậu cứ tiếp tục bê tha như vầy, làm sao mà thành gia lập nghiệp được?

Cô gái: Mắt kính anh đầy hơi nước...

Người đeo kính: A, đừng lau, cứ để sương bồng bềnh như vầy...}

 

(Các đối thoại dưới đây chia làm ba nhóm. Căn bản vốn tiến hành đồng thời, lại có lúc giao thoa. Đối thoại và độc thoại của các nhóm tiến hành đồng thời có lúc lớn lúc nhỏ, có lúc nhóm này nổi bật, có lúc nhóm kia nổi bật.)

 

{Ông già: (Lớn.) Nên nghiêm chỉnh học lấy một cái nghề, không thôi sau này chẳng có đứa con gái nào dám theo cậu đâu.

Người đeo kính: (Lớn vừa phải.) Tôi đã quá tuổi thi cử rồi, còn đi để làm gì,

Bà mẹ: Có lần tôi đi trong đêm, trời cũng mưa, lộp bộp trên mặt đất}

{Thằng lỗ mãng: (Lớn.) Chẳng ai chịu dạy tôi cả. Ông già: (Lớn, ra hiệu bằng mắt.) Thoắt một cái, tuổi trẻ đã qua rồi... Cô gái: (Lớn vừa phải, dùng vai hích không dứt. Tôi cảm thấy có người theo mình sau lưng. Tôi lén quay đầu lại nhìn, mưa}

{ Sư phó:không phải ngay trước mặt cậu sao? Thằng lỗ mãng: (Lớn, thu hết can đảm.) Này sư phó, bác có anh ta.) Anh có thể thi vào đại học ban đêm chứ? Lại còn có đại học hàm thụ nữa. Anh thi thế nào cũng đậu, thế nào... lớn quá, lại chẳng nhìn thấy rõ, chỉ biết là có người, cũng che dù, không gần không xa.}

{thu đồ đệ hay không? Sư phó: (Lớn vừa phải.) Tùy xem là ai. Thằng lỗ mãng: (Lớn cũng đậu. Người đeo kính: (Lớn.) Cô tin thế? Cô gái: (Lớn.) Tôi          Mình đi nhanh hơn, hắn cũng đi nhanh hơn, mình đi chậm lại, hắn cũng đi chậm lại.}

{ vừa phải.) Bác thu loại đồ đệ nào? Sư phó: (Lớn vừa phải.) Học nghề không phải như học chữ, tin. (Để anh ta lặng lẽ nắm tay mình.) Cô gái: (Lớn.) Như vầy không được, Tôi rợn tóc gáy, tim đập loạn lên, thình thịch, muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực!}

{Chỉ cần có tay chân linh lợi, người cần mẫn. Thằng lỗ mãng: (Lớn.) Sư phó, bác thấy đừng làm như thế. (Vội vã rút tay lại, quay lại ôm lấy cánh tay Bà mẹ. Người đeo

Cô gái: (Lớn vừa phải.) Sau đó thế nào? Bà mẹ: (Lớn vừa phải.) May mà vừa đến}

{tay chân tôi như thế nào? Sư phó: (Lớn.) Hơi trơn quá. kính hai tay ôm gối lắng nghe hai người đàn bà nói chuyện.) cửa nhà--}

 

(Sau đây mọi người bắt đầu liến thoắng nói chuyện.)

 

Bà mẹ: Tôi đứng lại. Dưới ánh đèn đường, người kia đến gần. Tôi nhìn, thì ra cũng là một người đàn bả, cô ta cũng sợ. Vừa sợ không có ai đi cùng, vừa sợ gặp phải kẻ gian.

Sư phó: Trên đời này kẻ gian vẫn là số ít, nhưng mà mình không thể không đề phòng. Mình không lợi dụng người ta, người ta cũng lợi dụng mình!

Ông già: Bết là ở cái chỗ lợi dụng thiên hạ. Tôi lấn anh, anh đạp tôi. Nếu như chiếu cố nhau một chút, đời sống hẳn dễ chịu hơn nhiều.

Bà mẹ: Nếu như mọi người thân cận nhau, thông cảm nhau có phải là tốt hơn nhiều không?

 

(Im lặng. Gió lạnh nổi lên.)

 

Sư phó: Dời vào trong một chút.

Ông già: Sát vào nhau.

Người đeo kính: Mọi người dựa vào lưng nhau.

Bà mẹ: Như vầy ấm hơn.

Cô gái: Tôi sợ hơi nhột.

Thằng lỗ mãng: Ai thọc lét ai?

 

(Mọi người dựa sát vào nhau hơn nữa. Trong tiếng gió lạnh vi vu có tiếng Mã chủ nhiệm: Đợi tôi--đừng có đi!)

 

Sư phó: (Nói với thằng lỗ mãng.) Ai hò hét ngoài kia thế? Đi xem thử xem.

Thằng lỗ mãng: (Thò đầu ra khỏi tấm vải che mưa.) Là cái ông Mã chủ nhiệm của sở tiếp liệu đó mà!

 

(Mã chủ nhiệm run lập cập chạy vào, vội vã chui vào dưới tấm vải che mưa.)

 

Bà mẹ: Quần áo ướt như vầy ốm chết đấy, cởi ngay ra đi!

Mã chủ nhiệm: Chưa đi được xa lắm thì... thì...hắt xì! (Hắt hơi liên tục.)

Ông già: Ông nhất định đòi quay về một mình. Nếu như ông ở đây với mọi người, ông đã không biến thành chuột lột như thế.

Mã chủ nhiệm: Ông bác vẫn còn sống hả?

Ông già: Tôi không thể ngã gục giũa đường! Ông vẫn còn vào thành phố để ăn bữa cơm của mấy người tay trong?

Mã chủ nhiệm: Bác vẫn còn đợi ván cờ đã tan rồi?

Ông già: Hừ, tôi đi gặp bạn đánh cờ không được sao?

Bà mẹ: Đừng cãi vã nữa.

Mã chủ nhiệm: Chính là cái miệng thối dễ ghét của ông ta.

Ông già: Ông thử xét cái đức hạnh của ông xem.

Bà mẹ: Chúng mình cùng trú mưa dưới cùng một tấm vải--

Mã chủ nhiệm: Tại ông ta mắng tôi trước--hắt--(Không hắt hơi ra được.)

Bà mẹ: Đợi khi mặt trời mọc sẽ đỡ hơn.

Mã chủ nhiệm: A, cái mưa này!

Ông già: Đây đâu phải là mưa? Mà là tuyết!

 

(Đám người mỗi người một phương, từ dưới tấm vải che mưa đưa tay đưa chân ra thử xem.)

 

Cô gái: Là mưa.

Người đeo kính: (Đưa chân ra dẫm dẫm.) Tuyết đang rơi.

Thằng lỗ mãng: (Chạy xộc ra, nhảy nhót.) A, mẹ kiếp mưa đá thật rồi!

Sư phó: Nhóc con này nổi khùng rồi! Giữ chặt coi!

 

(Thằng lỗ mãng ngoan ngoãn quay lại đỡ tấm vải che mưa. Mưa gió lại lớn ra, còn thêm có đủ loại âm thanh khác, tựa như tiếng xe hơi nổ máy, lại tựa như tiếng xe thắng gấp, rồi tiếng âm nhạc của người trầm mặc lại mơ hồ nổi lên.)

 

Bà mẹ: Kể như là đi không được rồi. (Nhặt cái túi của mình lên.) Cũng không biết là phải đợi đến năm nào tháng nào nữa... mưa với tuyết không biết đến đời nào mới ngưng...

Người đeo kính: (Cúi đầu đọc thẻ ngữ vựng Anh ngữ.) It is rain, that is snow.

Ông già: (Vẽ nước cờ trên mặt đất.) Pháo thất bình bát, mã cửu bình ngũ.

 

(Cô gái trầm tư, từ dưới tấm vải che mưa và bước ra khỏi nhân vật cô diễn. Từng bước từng bước với sự thay đổi rõ ràng, lúc đến chỗ khán giả ngồi, cô hoàn toàn thoát khỏi nhân vật trong kịch. Đèn trên sân khấu dần dần tối hẳn đi.)

 

Cô gái: Mưa hay tuyết thì ai cần. Ba năm, năm năm hay là mười năm, đời người có được mấy lần mười năm?

 

(Dưới đây ba giọng cùng nói một lúc.)

 

Cô gái: Cả đời mình cứ thế mà phí hết.

Người đeo kính: (Nhỏ.) It rains, it rained.

Ông già: (Nhỏ hơn.) Mã cửu tiến bát, pháo tứ thối tam.}

{Cô gái: Cứ như vầy mà phí, cứ thế mà phí.

Người đeo kính: It is raining, it will rain?

Ông già: Binh lục bình ngũ, xa ngũ tiến nhất.}

{Cô gái: Rồi sẽ hối tiếc cả đời, hối tiếc cả đời.

Người đeo kính: It snows, it snowed.

Ông già: Sĩ ngũ thối lục, pháo tứ bình thất.}

{Cô gái: Cứ khổ sở đợi mãi khổ sở đợi mãi sao?

Người đeo kính: It is snowing and it will snow.

Ông già: Xa tam tiến ngũ nhé--sĩ ngũ thối lục!}

{Cô gái: Người già đã lụ khụ, con nít sắp sinh cũng sắp ra đời,

Người đeo kính: Rain is rain, snow is snow.

Ông già: Xa tam tiến nhị, pháo tứ thối nhất,}

{Cô gái: Hôm nay trôi qua lại có hôm nay khác,

Người đeo kính: Rain is not snow, snow is not rain,

Ông già: Tượng ngũ à thối tam, pháo tứ à bình thất,}

{Cô gái: Cứ đợi mãi như vầy rồi hối tiếc suốt đời sao?

Người đeo kính: Rain isn't snow and snow isn't rain!

Ông già: Tượng thất thối ngũ, xa tam tiến thất, chiếu tướng!}

 

(Sân khấu sáng ra. Cô gái đã trở lại trên sân khấu, lại trở thành nhân vật cô diễn. Tiếng mưa gió cũng đã ngưng.)

 

Sư phó: (Nhìn trời.) Tôi đã nói là mưa này không dai đâu, mặt trời đã hiện ra rồi kìa! (Nói với Thằng lỗ mãng.) Cuốn tấm vải che mưa lại.

Thằng lỗ mãng: Vâng. (Vội vã cuốn tấm vải che mưa lại.)

Bà mẹ: Chúng mình lên đường được không?

Cô gái: (Nhìn người đeo kính.) Đi chứ?

Ông già: Đi đâu?

Thằng lỗ mãng: Đi vào thành phố, phải không sư phó?

Sư phó: Cứ đi theo tôi là được rồi.

Ông già: Vẫn cứ đi vào thành phố à? Ở tuổi này còn đi đến được không?

Người đeo kính: Bác quay về cũng cứ phải đi bộ vậy.

Ông già: Đúng thế.

Bà mẹ: Nhưng mà cái túi này của tôi nặng quá.

Người đeo kính: Thím à, tôi xách dùm cho thím. (Nhắc cái túi lớn lên.)

Bà mẹ: Cám ơn nhiều. Ông bác à, bác đi đứng cẩn thận một chút.

Cô gái: Cẩn thận! (Đỡ ông già.)

Ông già: Quí vị cứ đi trước đi, đừng để ông già này làm trì trệ quí vị. Nếu như tôi có gục ở chỗ nào, phiền mọi người đào cái hố cho tôi. Cũng đừng quên cắm một tấm bảng, viết trên ấy một hàng chữ, nói rằng đây là một người mê cờ đến chết cũng không ân hận, chẳng có tài cao gì, chỉ đánh cờ cả đời thôi. Lão chỉ mong được có cơ hội, vào Cung Văn Hóa trong thành phố khoe tài một chút. Đợi mãi, cho đến già lụ khụ rồi mới lên đường vào thành phố.

Cô gái: Sao bác lại nói thế!

Ông già: Cô gái tốt! (Nhìn người đeo kính, người đeo kính không được tự nhiên, đẩy mắt kính.) Mã chủ nhiệm, thế ông có đi không nào?

Mã chủ nhiệm: Đi! Tôi phải vào thành phố để kiện công ty xe buýt! Tôi sẽ tìm kinh lý của họ, hỏi hắn xem rốt cuộc chạy xe cho ai, là phương tiện của riêng họ hay là để phục vụ hành khách? Đày đoạ hành khách như vầy, họ phải chịu trách nhiệm! Tôi sẽ ra tòa kiện, đòi họ phải bồi thường thiệt hại, bồi thường đã làm hành khách phí mất tuổi tác và sức khỏe!

Cô gái: Ông đừng giỡn nữa, làm gì kiện cáo như thế được?

Mã chủ nhiệm: (Nói với người đeo kính.) Anh nhìn trạm xe đi, đây là trạm nào vậy? Hiện giờ là mấy giờ trên đồng hồ điện tử của anh? Viết cả xuống, chúng mình sẽ thanh toán với công ty xe buýt.

Người đeo kính: (Nhìn trạm xe.) Cái gì? không có tên trạm?

Ông già: Lạ thật.

Mã chủ nhiệm: Như thế thì dựng trạm để làm gì? Nhìn kỹ xem.

Cô gái: Không có thật.

Thằng lỗ mãng: Sư phó, chúng mình đợi vô ích, bị công ty xe buýt lừa rồi.

Ông già: Nhìn lại xem, đã có trạm làm sao lại có thể không có tên trạm?

Thằng lỗ mãng: (Chạy ra một phía khác của trạm, nói với người đeo kính.) Bác nhìn xem, tựa như trước đây có dán tở giấy, hiện giờ chỉ còn dấu keo thôi.

Người đeo kính: (Quan sát cặn kẽ.) Đại khái là một bản thông cáo.

Mã chủ nhiệm: Thế tờ cáo thị đâu rồi? Thử tìm xem!

Cô gái: (Nhìn bốn chung quanh mặt đất.) Mưa gió tơi tả như vầy, biến mất hút từ lâu rồi.

Thằng lỗ mãng: (Đứng trên lan can, nhìn trạm xe.) Dấu vết này đã xám cả đi, chắc là từ đời nào rồi.

Bà mẹ: Cái gì? Trạm này đã bỏ hoang rồi à? Nhưng mà mới hôm thứ bảy tôi còn...

Cô gái: Thứ bảy nào mới được?

Bà mẹ: Chứ không phải là thứ thứ , thứ, thứ, thứ, thứ, thứ...

Người đeo kính: Chị muốn nói thứ bảy thuộc tháng nào năm nào? (Mắt kính gần như chạm vào mặt đồng hồ.)

Thằng lỗ mãng: Đừng nhìn nữa, trống không rồi. Cần thay pin từ lâu rồi!

Sư phó: Hèn gì mà chẳng xe buýt nào dừng lại cả.

Ông già: Hóa ra chúng mình đợi vô ích?

Người đeo kính: Đúng là vô ích.

Ông già: (Đau lòng.) Tại sao vẫn còn dựng trạm ở đây? Không phải để giỡn mặt người ta sao?

Cô gái: Chúng mình đi thôi!

Mã chủ nhiệm: Không, phải đi kiện họ.

Người đeo kính: Ông kiện ai?

Mã chủ nhiệm: Hãng xe buýt chứ ai. Giỡn mặt hành khách như vầy mà được à? Tôi kiện không thèm làm chức chủ nhiệm này nữa.

Người đeo kính: Ông nên đi kiện ông thì hơn. Ai bảo ông không chịu nhìn cho rõ? Ai bảo chúng ta cứ đợi? Đi thôi, chẳng còn gì để đợi nữa.

Sư phó: Chúng mình đi đi!

Mọi người: (Lẩm bẩm.) Đi đi, đi đi, đi đi, đi đi, đi đi...

Ông già: Còn đến nơi được sao?

Bà mẹ: Biết đâu mưa to gió lớn làm sập cầu trên đường vào thành phố rồi, hay là nghẽn đường?

Người đeo kính: (Nôn nóng.) Nghẽn cái gì? Biết bao nhiêu xe chạy qua rồi!

 

(Từ xa lại có tiếng xe. Mọi người đều im lặng ngơ ngác ngó. Tiếng xe đến từ bốn phương tám hướng, mọi người hoang mang lúng túng. Tiếng máy xe rầm rộ đến gần, tiếng âm nhạc của người trầm mặc bồng bềnh trên tiếng rầm rộ của xe cộ. Mọi người ai cũng đăm đăm nhìn trước mặt, có người bước về phía khán giả, cũng có người vẫn còn trên sân khấu. Họ đều ra khỏi vai của mình. Ánh đèn cũng biến hóa theo đó, trình độ sáng tối không đều, chiếu vào các diễn viên. Bảy người cùng nói một lúc. Lời nói của Giáp, Kỷ, Canh cùng quyện vào nhau nổi lên, biến thành câu cú hoàn chỉnh.)

 

{Diễn viên Giáp đóng vai Cô gái:        Tại sao họ không đi?

Diễn viên Ất đóng vai Mã chủ nhiệm:        Người ta có khi

Diễn viên Bính đóng vai Sư phó:

Diễn viên Đinh đóng vai Bà mẹ:

Diễn viên Mậu đóng vai Ông già:             Ai cũng nói là hài kịch khó

Diễn viên Kỷ đóng vai Thằng lỗ mãng:                             Không rõ ràng.

Diễn viên Canh đóng vai Người đeo kính:}

{Giáp: Không phải là họ đã nói hết những gì cần nói rồi sao?

Ất: Vẫn còn phải đợi. Ông có xếp hàng chờ mua cá bao giờ chưa? Hừ, ông

Bính: Đợi thì đã sao. Người ta đợi là bởi vì còn

Đinh:                                Bà mẹ nói với con: Đi thôi,

Mậu: diễn hơn bi kịch. Diễn bi kịch mà khán giả không khóc,

Kỷ:                                                                               Giống như

Canh: Thật là không rõ ràng.}

{Giáp:                                Thế tại sao họ không đi?

Ất: Ông không nấu ăn, nhưng mà vẫn cứ phải xếp hàng đợi xe.

Bính: có hi vọng gì. Nếu như không có hi vọng gì, thì thê thảm quá.

Đinh: Cưng à, đi đi! Nhưng mà đứa bé mãi mãi không học đi được.

Mậu: Diễn viên có thể khóc. Còn như diễn hài kịch,

Kỷ: Là...

Canh:    Có thể...}

{Giáp:               Nhưng mà thời gian trôi qua một cách lãng phí!

Ất: Nếu như mình đợi cả buổi rồi mới biết người ta không bán

Bính: Theo ngôn ngữ của người đeo kính thì đó gọi là tuyệt vọng. Tuyệt vọng cũng giống như khát

Đinh: Cứ để đứa bé tự bò một mình đi.       Đương nhiên, cũng có lúc mình đỡ

Mậu: Nếu như khán giả không cười, mình không thể tự

Kỷ: Họ đang đợi.

Canh: Họ đang đợi.}

{Giáp:

Ất: cá, mà là bàn giặt, bàn giặt trong thành phố làm tinh

Bính: Sưởng sưởng úy, sưởng sưởng úy là thuốc giết ruồi nhặng, người ta sao

Đinh: nó một tay. Sau đó nó tự vin

Mậu: mình cười cợt trên sân khấu được.

Kỷ:                         Đương nhiên không phải là trạm xe.

Canh: Thời gian đâu phải là trạm xe.       Không phải là trạm cuối cùng.}

{Giáp: Họ đều không đi

Ất: vi, không hại quần áo, nhưng mà quí vị đều có máy giặt,

Bính: sao lại đi uống cái đó để tự làm khổ mình? Không chết cũng phải chở đến bệnh

Đinh: một góc tường nào đó--đến một góc khác, rồi--mới đến

Mậu: tay thọc lét họ được. Khán giả cũng chẳng để cho bạn làm thế!

Kỷ:

Canh:}

{Giáp: à?                         Thật muốn đi thì cứ đi

Ất: Xếp hàng đợi cả buổi vô ích, cách chi mà không đổ quạu. Cho nên tôi nói

Bính: viện rửa ruột, như thế mới khổ sở chứ.

Đinh: cửa, có lẽ để cho nó ngã rồi mới đỡ dậy thì hay hơn.

Mậu: Cho nên người ta mới nói là hài kịch khó diễn hơn bi kịch.       Rõ ràng

Kỷ:       Họ muốn đi

Canh:              Không hề thật sự muốn đi.}

{Giáp: sao?                   Vậy thì bảo với

Ất: Đợi thì cũng đã sao, điều cần là trước đó mình phải hiểu rõ,

Bính: Đúng thế. Quí vị từng đi đêm chưa?       Đi qua cánh đồng mênh mông

Đinh: Trẻ con mà chưa ngã, là vẫn chưa biết đi. Làm mẹ

Mậu: là hài kịch, mình cũng vẫn cứ phải làm mặt ủ rũ,

Kỷ: Nên đi thôi.

Canh: Ừ thì đi.}

{Giáp: họ là mau đi đi!

Ất: Bạn đứng xếp hàng để làm gì vậy? Nếu như xếp

Bính: giữa trời tối, trước mắt là một màn đêm, không phải là càng đi càng lạc hướng sao?

Đinh: cần phải có cái nhẫn nại này. Nếu không, không đáng làm mẹ, không,

Mậu: diễn tất cả những cái đáng cười trong đời sống cho

Kỷ:                                                                   Nói xong rồi.

Canh: Những gì cần nói đã nói cả rồi.}

{Giáp: Tại sao họ vẫn còn chưa đi?

Ất: hàng, đợi vô ích đến nửa đời người, cũng có thể là cả đời người,

Bính: Bạn phải đợi đến trời sáng. Trời sáng rồi, bạn vẫn cứ

Đinh: không biết làm mẹ. Cho nên người ta nói làm mẹ khó lắm,

Mậu: khán giả xem.           Cho nên người ta mới nói, làm diễn viên diễn hài kịch

Kỷ:                   Chúng mình đang đợi họ.

Canh:                         Chúng mình đợi họ cùng đi.}

{Giáp: Mọi người đều sắp đi rồi đấy!

Ất: như thế không phải là đem mình ra làm trò cười sao?

Bính: lười không muốn đi, không phải là ngu lắm sao?

Đinh: Nhưng mà làm người cũng đâu có phải là dễ lắm?

Mậu: khó hơn làm diễn viên bi kịch nhiều!

Kỷ:                                     A, đi thôi!

Canh:                                           Đi thôi!}

 

(Tiếng xe vun vút bốn phương tám hướng càng lúc càng đến gần xen với tiếng còi của đủ thứ xe cộ. Giữa sân khấu ánh đèn sáng ra. các diễn viên đều đã trở lại vai trò của mình. Âm nhạc của người trầm mặc biến thành hành khúc khôi hài.)

 

Người đeo kính: (Nhìn cô gái, dịu dàng.) Chúng mình đi chứ?

Cô gái: (Khẽ gật đầu.) Vâng.

Bà mẹ: A, cái túi của tôi đâu?

Thằng lỗ mãng: (Sung sướng.) Tôi đang xách đây.

Bà mẹ: (Nói với ông già.) Bác đi cẩn thận một chút. (Bước đến đỡ ông già.)

Ông già: Cám ơn chị nhiều.

 

(Mọi người nâng đỡ dìu dắt nhau, chính đang sắp sửa cất bước.)

 

Mã chủ nhiệm: Ê, ê--đợi một chút, tôi phải buộc dây giầy cái đã!

 

Sơ cảo xong tại Bắc Đới Hà, Bắc Kinh tháng 7, 1981
Chung cảo xong tại Bắc Kinh tháng 11, 1982

 

-------------------------

Cước chú của Tiền Vệ:

Vì không thể hiển thị được hai dấu hiệu đặc biệt để biểu diễn những nơi mở và đóng của các nhóm đối thoại như trong bản của dịch giả, chúng tôi tạm thay thế bằng hai dấu {}. Những đoạn đối thoại xảy ra giữa hai dấu này được trình diễn cùng một lúc, chồng chất lên nhau, chứ không theo thứ tự trước sau như trong văn bản thường.

 

_____________________________________

Đề nghị và thuyết minh về việc diễn TRẠM XE

 

(1) Đây là vở kịch đa thanh bộ. Có khi có hai ba hoặc nhiều nhất đến bảy âm thanh cùng nói một lúc. Có khi, đối thoại cũng thuộc loại đa thanh bộ. Bởi vì giới hạn của cách thức thông thường trong việc ấn loát xuất bản, không cách chi có thể dùng hình thức âm nhạc để biểu hiện được. Việc duyệt đọc có thể bất tiện. May mà diễn là để cho người ta xem. Cho nên lúc dàn cảnh, thông qua các thanh bộ khó điều chỉnh khi đọc, có ưu điểm có nhược điểm, đạo diễn có thể dựa vào chỗ hiểu của mình đưa ra cách xử lý khác.

(2) Hí kịch là một loại nghệ thuật thời gian, các khúc thức trong âm nhạc, hí kịch có thể mượn dùng. Đạo diễn xử lý vở kịch này cũng như điều khiển dàn nhạc, tập trung càng nhiều sức chú ý vào sự lên xuống của cái tình tự của toàn vở kịch.

(3) Âm nhạc không phải là chỉ để tô đậm tình huống trong hí kịch, mà là sử dụng cái phương thức đối vị, để cho âm hưởng biến thành một nhân vật độc lập, cùng với người trong kịch, cũng như cùng với khán giả, tiến hành đối thoại. Do đó, nếu như có điều kiện tác khúc, hình tượng âm nhạc của người trầm mặc tốt nhất là xuất phát từ cùng một động cơ, tiến hành các loại biến tấu.

(4) Lúc trình diễn vở kịch này không cần phải theo đuổi chi tiết của hiện thực, đáng chú trọng là một thứ trừu tượng của nghệ thuật, có thể lấy cái truyền thần đạt ý trong cách trình diễn từ trong kịch khúc truyền thống, như "Quí Phi Túy Tửu" của Mai Lan Phương và "Từ Sách Bão Thành" của Chu Tín Phương ra làm ví dụ. Nhưng mà cần phải làm cho gần gũi với con người trong đời sống hiện đại, không cần phải khoa trương.

(5) Vở kịch này thích hợp diễn trên sân khấu nhỏ, hội trường hay quảng trường lộ thiên. Nếu như diễn trên những sân khấu công ước, tốt nhất là làm cho sân khấu dài ra, nhưng không cần thiết phải sâu thêm.

 

Những đề nghị trên chỉ là để tham khảo.

 

-------------------------------------------------
Như Hạnh dịch từ nguyên tác Hoa ngữ Xa Trạm (Chezhan) của Cao Hành Kiện, trong Gao Xingjian, Chezhan: Gao Xingjian xijuji, 001 (Taiwan: Unitas Publishing Co., Ltd., 2001).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021