kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Người đi đêm
Bản dịch của Như Hạnh

 

CAO HÀNH KIỆN

(1940~)

 

NGƯỜI ĐI ĐÊM

(Dạ Du Thần/Yeyoushen)

 

NHÂN VẬT

Lữ khách

Ông Lão

Thiếu Nữ Trẻ Tuổi

Thanh Niên

Đàn Ông

Người Soát Vé

(Các diễn viên đóng những vai trên cũng có thể chia nhau đóng:)

Người Mộng Du

Lãng Tử

Gái Điếm

Du Côn

Chúa Trùm

Người Bịt Mặt

 

Màn Một

 

(Phía trước sân khấu bên trái có một toa xe lửa thượng hạng, đèn bên trong chiếu sáng, có ba hàng ghế dựa nhung đỏ đối diện nhau. Lữ Khách ngồi phía cửa sổ bên phải, màn cửa sổ kéo lên, Ông Lão ngồi trên cùng một hàng ghế gần cửa cách một chỗ trống. Thiếu Nữ choàng một chiếc áo lớn, nằm trên hàng ghế phía bên trái. Thanh Niên tựa cửa, trên cửa có tấm bảng đỏ mấy chữ cấm hút thuốc đã bị cạo đi, chỉ còn lại dấu vết mờ mờ. Tiếng xe lửa xập xình.

Thanh Niên rút từ trong túi ra một gói thuốc lá, sắp sửa châm thuốc thì Người Soát Vé bước vào.)

 

Người Soát Vé: Chào quí vị hành khách, làm ơn cho xem vé!

Thanh Niên: (Mỉm cười với Người Soát Vé.) Có người móc túi tôi.

Người Soát Vé: Thế cũng mất luôn cả vé sao?

Thanh Niên: Tiền với hành lý của tôi bị ăn cắp ở trạm xe, bực thật, tôi không cách chi mua vé được. Nhưng mà tôi phải vội đến vận đồng trường xem trận đấu, một trận đấu quốc tế, tôi không còn cách gì khác---.

Người Soát Vé: Anh là vận động viên?

Thanh Niên: Có thể nói thế! Hàng hải vận động, thuyền buồm máy, đang rất là thịnh hành, còn có người bỏ tiền ra bảo trợ. (Mỉm cười.)

Người Soát Vé: Có giấy tờ chứng minh không? Hay cũng bị trộm luôn rồi?

Thanh Niên: Đương nhiên là có giấy tờ chứng minh. (Móc từ túi áo ra một tờ giấy.) Giấy báo cáo mất cắp vừa rồi của cục cảnh sát tại trạm hỏa xa.

 

(Người Soát Vé tiếp lấy, ghi chép trên sổ tay mình.)

 

Thanh Niên: Cái họ này ít thấy, hơi lạ, phải không?

Người Soát Vé: (Trả lại giấy tờ, quay về phía Ông Lão.) Tiên sinh, xin cho xem vé.

Ông Lão: (Đang vấn thuốc, ngẩng đầu.) Không có vé.

Người Soát Vé: Cũng không có tiền luôn?

Ông Lão: Không có.

Người Soát Vé: Ông lên xe ở chỗ nào?

Ông Lão: (Lẩm bẩm.) Mới lên!

Người Soát Vé: Ông đi đâu?

Ông Lão: Maastricht.

Người Soát Vé: Đâu?

Ông Lão: M-a-a-s-t-r-i-c-h-t!

Người Soát Vé: Xe này không dừng ở trạm đó, ông lên lầm xe rồi. Ông là người nước nào?

Ông Lão: (Giọng ngoại quốc.) Người ngoại quốc.

Người Soát Vé: Ông nói tiếng Anh được không?

Ông Lão: (Từng chữ một.) Người---ngoại---quốc---tự---nguyện!

Người Soát Vé: Ông có chiếu khán không?

 

(Ông lão mò mẫm trong túi, cuối cùng móc ra đưa cho Người Soát Vé xem.)

 

Người Soát Vé: Tại sao trên giấy tờ không có ghi địa chỉ của ông? Tôi muốn nói địa chỉ thường trú của ông.

 

(Ông Lão nhìn Người Soát Vé, không nói một lời. Người Soát Vé chỉ còn biết ghi chép cho xong trong sổ tay của mình, rồi trả lại hộ chiếu cho Ông Lão.)

 

Người Soát Vé: (Nhìn Lữ Khách.) Tiên sinh, xin cho xem vé.

 

(Lữ Khách đưa vé cho anh ta.)

 

Người Soát Vé: Vé của ông là hạng nhì, đây là toa thượng hạng.

Lữ Khách: Toa này không có bảng hiệu rõ ràng gì cả.

Người Soát Vé: Hễ cứ thấy màu đỏ, ghế đỏ, thảm đỏ, thì đều là thượng hạng.

Lữ Khách: Vậy thì toa hạng nhì ở đâu?

Người Soát Vé: Chuyến xe này là Âu Châu Tốc Hành, không có toa hạng nhì. Với vé này anh phải lên chuyến trước hay chuyến tới, tức là anh phải đợi thêm hai tiếng mười lăm phút nữa. Xin trả thêm---(Tra bảng giá.) Hai trăm rưởi.

 

(Lữ Khách trả tiền, Thanh Niên trợn tròn mắt nhìn Lữ Khách.)

 

Người Soát Vé: (Viết biên lai rồi trao cho Lữ Khách.) Cám ơn. (Nhìn về phía Thiếu Nữ.) Cô này---(Thiếu Nữ lấy vé từ trong túi xách ra, đưa cho Người Soát Vé.)

Người Soát Vé: (Liếc nhìn.) Vé này hết hạn rồi.

Thiếu Nữ: Ồ, xin lỗi.

Người Soát Vé: Cô có vé khác không?

Thiếu Nữ: Có chứ, đương nhiên là có. (Ngồi dậy cầm túi xách, mặc áo khoác.) Xin cảm phiền. (Ra ngoài, mở túi xách ra.)

 

(Người Soát Vé theo cô ra ngoài. Thanh Niên bước vào, ngồi xuống, châm thuốc.)

 

Thiếu Nữ: Lạ thật, lơ đãng quá, không hiểu tại sao không tài nào kiếm ra.

Người Soát Vé: Lúc nảo cô cũng lơ đãng như vầy sao?

Thiếu Nữ: Đâu có, chỉ có những lúc---(Đóng túi xách lại, vạch áo khoác lên cao, để lộ đùi ra.)

Người Soát Vé: (Trả vé cho Thiếu Nữ.) Được rồi, chúc cô may mắn. (Đi ra.)

 

(Thiếu Nữ vào trong trở lại.)

 

Thanh Niên: (Đứng dậy, để cho Thiếu Nữ ngồi cạnh cửa sổ.) Xin lỗi, làm ơn. (Ngồi xuống cạnh Thiếu Nữ.)

 

(Thiếu Nữ không để ý đến anh, khoác chặt áo.)

 

Thanh Niên: (Nói với Lữ Khách.) Buồn cười thật. Rõ ràng là bác mua vé, lại còn cả tiền phạt. (Móc từ trong túi áo mấy tấm vé ra đưa cho Lữ Khách xem, rồi bỏ lại vào túi, nháy mắt với Lữ Khách.) Ngưới nào càng theo qui củ thì càng khó sống. Bác phải biết mánh mung, họ vẫn còn mắc mưu!

 

(Lữ khách mỉm cười, cầm sách lên đọc.)

 

Thanh Niên: (Quay về phía Thiếu Nữ.) Cô đi nghỉ hè à? Hay là có hẹn hò? Tôi nghĩ là một chuyến đi đặc biệt! Nếu như tôi không lầm! Cô khó chịu à? Tôi chỉ hỏi vậy thôi.

 

(Thiếu Nữ dựa đầu vào cửa sổ, nhắm mắt ngủ. Đàn Ông mặc áo mưa đội mũ cao, xuất hiện, nhìn tấm bảng cấm hút thuốc bị cạo mòn kia, bước vào trong, ngồi xuống, móc ra một điếu xì-gà. Thanh Niên bật lửa cho hắn.)

 

Đàn Ông: Cám ơn. Xe này có nệm ngủ, có toa nhà ăn, có thể ăn cơm uống rượu được, cái gì cần đều có, phục vụ kể ra chu đáo, nhưng mà lại không có chỗ để hút thuốc! Ngoại trừ cái xó xỉnh này, thoạt đầu tôi vẫn tưởng là không được. Bộ người hút thuốc thì không có quyền du hành một cách thư thái sao? Quí vị thử nghĩ xem, thiết kế như vậy là thế nào?

 

(Không ai trả lời. Thiếu Nữ tắt đèn phía trên chỗ ngồi của cô, nhắm mắt. Lữ Khách bắt đầu đọc sách. Tiếng rung chuyển của hai xe ngược chiều nhau càng dần càng lớn, nơi góc trái của sân khấu đèn mờ dần đi.)

 

Giọng Đọc: Trong đêm, dưới ánh đèn, mưa bụi lả tả. Cái đô thị ô nhiễm vì khói xe rầm rĩ suốt ngày, bạn không nhớ được là đã bao lâu rồi chưa đi tản bộ như vầy, chưa cảm thầy cái thú vị của mưa. Không khí ẩm ướt trong trẻo, thậm chí có thực sự tươi mát thật không, cũng không phải là quan tâm của bạn. Tóm lại, lành lạnh trống trải, không người qua lại, không xe cộ, bạn muốn rảo bộ thế nào cũng được, cũng chẳng cần có mục đích. Bạn không cần phải gặp ai, không cần phải chào hỏi ai, không cần phải khách sáo gì cả.

Kỳ thực trong cái đô thị bận bịu vội vàng này, bạn chưa từng thực sự sống một cách thoải mái. Lúc nào cũng người trước người sau, bị ép trong làn sóng người, chỉ cần chậm lại một bước, không có người va vào bạn, thì cũng có người lườm nguýt bước qua, không phải là bạn xin lỗi thì người khác cũng xin lỗi, song chẳng ai thật sự cảm thấy có lỗi cả, cũng y như mỗi ngày nghe không biết bao nhiêu lần cái câu mạnh khỏe không, cho dù bạn không khỏe đi nữa thì có ai lo lắng gì được cho bạn? Ai cũng có biết bao nhiêu là ưu lự vớ vẩn, suy đi nghĩ lại, khiến người ta bải hoải không chịu nổi, thân tâm tiều tụy, nhưng biết tìm đâu ra manh mối để thoát.

 

(Sân khấu sáng dần. Một cột đèn, ánh đèn vàng vọt, mưa và sương mù mờ mịt. Một góc đường từ từ hiển hiện. Bóng của Người Mộng Du xuất hiện đầu đường, chỉ mặc chiếc mỗi chiếc áo lót dài gần như đến đầu gối, đùi với bắp chân để trần, chân lê một đôi giầy da giây giầy kéo lê lủng lẳng.)

 

Người Mộng Du: Mi có thể nghe thấy bước chân, còn nghe thầy tiếng hô hấp của chính mi, hít một hơi dài, từ đầu mũi cho đến tim phổi, toàn thân thẩm thấu khí lạnh... chỉ có chân là ấm áp, người ta chỉ cần chân ấm là cảm thấy thư phục.

Đôi giầy này nặng quá, lại thêm cồng kềnh. Mi đi trên đường phố một cách nặng nề thì đâu cần phải vội vã, cũng chẳng cần nhìn trái liếc phải, cứ việc đường mình mình đi, muốn đi đâu thì đi. Đi trên lề hay là giữa lộ, muốn đi kiểu nào thì đi, không hệ lụy cũng chẳng gánh nặng. (Tùy ý đi ngược lại.)

Cuối cùng mi đã không còn trách nhiệm, cũng đã thoát khỏi phiền não, những phiền não này kỳ thực chỉ là người ta tự rước vào thân. Ai cũng thích có vấn đề này hay vấn đề kia, tựa như thể một khi không có vấn đề nữa, người ta sẽ mất đi mục đích. Nhưng mà vào giờ phút này, mi lại chẳng có vấn đề gì cả. (Suy nghĩ.) Không có vấn đề gì cả, không có, thực sự không có! Một người không có vấn đề, không biết có phải là may mắn hay không, chung qui, mi cũng có một chút đắc ý. Cũng vì mọi người đều có khổ não, mà mi không có, mi không khỏi không muốn nói cho người khác, nhưng mà ngoài đường trống trơn không người, chỉ còn cách tự tuyên xưng với chính mình: Trong cái đô thị to lớn này, mi là người duy nhất không có vấn đề!

 

(Anh ta đá lên đạp xuống, biến hóa đủ thứ cước bộ, cuối cùng va vào một đống thùng giấy trước một cửa tiệm đóng kín mít.)

 

Lãng Tử: Làm cái trò gì vậy? (Thò đầu từ đống thùng giấy ra.)

Người Mộng Du: Mi nói mi không nhìn thấy...

Lãng Tử: Thùng giấy lớn như vầy chứ đâu phải là cái kim đâu mà không nhìn thấy?

Người Mộng Du: Xin lỗi.

Lãng Tử: Xin lỗi cái đít á!

Người Mộng Du: Mi nói mi không để ý, mi nói là giữa đêm tối như vầy những thùng giấy để ngoài đường đều là rác rến đợi hốt đi, đâu có ngờ bác núp trong đó, cho nên mi mới xin lỗi.

Lãng Tử: Chú đánh thức người ta dậy!

Người Mộng Du: A, thành thật xin lỗi, mi nói là mi nghĩ rằng bác ở trong đó tiểu tiện, đâu có dè là bác lại nằm ngủ trong thùng, như thế lại còn phải xin lỗi thêm nữa.

Lãng Tử: Chú không biết cách đi đường à?

Người Mộng Du: Mi nói là đương nhiên mi biết cách đi đường, nhưng mà phải nói làm sao? Chỉ là bình thường mi đâu có như vầy, lại cứ lững thững mà đi, lỡ va phải bác, cho nên chỉ còn phải xin lỗi thôi.

Lãng Tử: Thì cứ đi như lúc bình thường không được sao?

Người Mộng Du: Mi nói vấn đề của mi là không trở lại cách đi bình thường được... mi quên khuấy đi mất là trước đây chân phải cử động như thế nào...

Lãng Tử: Một chân trước, một chân sau! Thế thuở bé chú không tập đi hay sao? Chú cố ý gây rối phải không? (Định bò ra khỏi thùng giấy.)

Người Mộng Du: Mi nói mi đi, mi đi như vầy... (Dơ chân ra dọ dẫm.)

Lãng Tử: Bộ mù rồi hay sao?

Người Mộng Du: Mi nói mắt mi không có mù---(tự ngẫm)---Trong lòng hết sức minh bạch, chỉ có điều không nói ra được, một khi nói trắng ra, mi kể như xong.

Lãng Tử: Thế chú có đi hay không nào?

Người Mộng Du: Mi nói mi sẽ đi ngay, có điều đang nghĩ một chỗ để đi... không biết phải đi đâu.

Lãng Tử: Cứ thẳng đường mà đi, mũi đụng vào đâu thì rẽ!

 

(Người Mộng Du dừng chân dọ dẫm, thận trọng dè dặt. Lãng Tử chui trỏ lại vào thùng giấy.)

 

Người Mộng Du: (Đi ra giữa đường.) Ai cũng muốn chỉ điểm mi, ai cũng muốn làm Thượng Đế. (Đứng lại.) Mi thả bộ đi quanh, vốn không mục đích, nếu như bị người ta chỉ vẽ thì còn có gì là hứng thú nữa? Chỉ thích chỉ đông chỉ tây, đến lúc mi va vào tường, xui xẻo thì lại đều là tại mi. Cái gọi là mục đích cũng y như thế, thả con thỏ ra bảo ngươi đuổi, thỏ chạy mất rồi. Mi làm gì được? (Quay lại, không thấy Lãng Tử, hét lên.) Mi đã không mục đích, lại cũng không phương hướng, cứ thế mà đi!

 

(Người Mộng Du quay một vòng, chỉ bừa tay về một hướng, bước tới.

Tiếng máy xe chạy đến gần rồi ngưng. Người Mộng Du ngẩng đầu lên, thấy một chiếc cầu treo ở phía cuối sân khấu.)

 

Người Mộng Du: Chuyến tầu cuối cùng?

 

(Tiếng máy xe rồ lên, rồi rời xa.)

 

Người Mộng Du: Ừ, đúng là quá nửa đêm.

 

(Du Côn bước vào. Người Mộng Du đứng lại. Du Côn bước đến trước mặt anh ta, đứng lại, thăm dò.

Người Mộng Du chần chừ, bước qua bên trái một bước, Du Côn cũng bước tới một bước. Người Mộng Du lại bước về bên phải, Du Côn cũng bước tới một bước, cuối cùng va vào nhau.)

 

Người Mộng Du: Ồ, xin lỗi!

Du Côn: Chú mày có biết cách đi đứng hay không?

Người Mộng Du: Mi nói mi đã xin lỗi rồi, hơn nữa mi đâu có cố ý.

Du Côn: Chú mày có mắt mà như mù vậy?

Người Mộng Du: Mi nói bác tại sao khi không mắng người ta như thế?

Du Côn: Tại vì chú mày va vào ông.

Người Mộng Du: Mi nói bác cũng có mắt, đường lại trống trơn, tại sao lại cứ thế mà sấn tới?

Du Côn: Chú mày định kiếm chuyện gì đây?

Người Mộng Du: Mi nói chính vì mi tránh lắm chuyện nên mới đợi đến đêm khuya thanh vắng ra ngoài tản bộ, chẳng dè lại đụng độ với người khác.

Du Côn: Chú mày chắn đường ông!

Người Mộng Du: Mi nói mi nghe tiếng chân, không phải là không nhường lối, nhưng mà bác đột nhiên đứng lại---

Du Côn: Đó là chính chú mày nói đấy nhé, rõ ràng là chú mày nghe ông bước tới, ông đứng lại, tại sao chú mày không nghe cho kỹ?

Người Mộng Du: Mi nói mi ra đường là để đi tản bộ, không phải là để nghe ai tới, mi chẳng cần phải nghe ai cả! Mi bảo hắn tránh ra, ai đi đường nấy, mi chỉ mong được yên ổn.

Du Côn: Ông cũng muốn biết chú mày mong cái gì, nhưng mà để ông đánh vỡ cái mặt chó thối tha của chú mày cái đã---(Dơ tay.)

 

(Tiếng giầy cao gót cọc cạch, Gái Điếm mặc váy da ngắn, cầm chiếc dù. Du Côn lập tức quay lưng bỏ đi.)

 

Gái Điếm: Chào anh!

Người Mộng Du: Chào cô.

Gái Điếm: (Dơ dù lên, đến gần dò dẫm.) Thế nào?

Người Mộng Du: Chẳng thế nào cả.

 

(Gái Điếm đi vòng quanh anh, hạ dù xuống rồi bỏ đi

Du Côn bước nhanh theo, đi song song với cô, miệng huýt sáo, Gái Điếm quay đi.)

 

Du Côn: Chà, hôm nay có đủ phiền phức không?

Gái Điếm: (Hạ dù xuống.) Anh thích à?

Du Côn: Con nhóc này, đúng là hết chỗ nói!

Gái Điếm: Có mời uống một ly không?

Du Côn: Được, về nhà em?

Gái Điếm: Ra ngoài quán chứ!

Du Côn: Quán nào? Chỗ nào cũng đóng cửa cả rồi.

Gái Điếm: Có một số vẫn còn mở.

Du Côn: Em không có hang ổ nảo gần đây à?

Gái Điếm: Thế về nhà anh, được không?

Du Côn: Quá xa, cưng.

Gái Điếm: Đâu có sao, một cuốc xe là xong.

Du Côn: Hay là chúng mình tìm một xó nào, có phải là giản dị không. Khứa kia cùng đi với em à?

Gái Điếm: Anh muốn chơi trò tay ba à?

Du Côn: Đừng có làm anh gớm, cưng. Một mình em là đủ rồi.

Gái Điếm: Có tiền không?

Du Côn: Đúng là không thiếu được. (Rút thuốc lá ra, bật lửa, nhìn Gái Điếm.) A, vẫn còn được lắm.

Gái Điếm: Thích là được rồi, anh nói đi, chỗ nào?

Du Côn: (Châm thuốc lá.) Em cưng! (Ôm Gái Điếm.)

Gái Điếm: Anh chịu chi bao nhiêu? Cho một con số xem!

 

(Du Côn đưa tay ra.)

 

Gái Điếm: Đừng vội---Đợi một chút!

Du Côn: Thế nào cũng trả mà.

Gái Điếm: Trả trước cái đã.

Du Côn: Gà non, cũng còn tươi lắm đấy.

Gái Điếm: Đừng đụng vào! Có hiểu qui luật không?

Du Côn: Có muốn anh giáo huấn em một trận trước không? (Dùng tay nắm cằm Gái Đìếm.)

Gái Điếm: (Đẩy tay gã ra.) Phiền phức quá!

Du Côn: Thử nhìn mình xem, đừng có căng thẳng, đãi khách như vậy mà được à? (Ngón tay nâng mạnh cằm Gái Điếm lên.) Nào, như thế mới được chứ. (Rút điếu thuốc trên môi ra nhét vào miệng Gái Điếm.) Thú vị phải không, em phải tập.

Gái Điếm: (Nhổ điếu thuốc khỏi miệng.) Anh cút đi!

 

(Du Côn cười, Gái Điếm quay lưng bỏ đi.)

 

Du Côn: (Đuổi theo.) Này cưng, đi đâu vậy?

Gái Điếm: Tôi không nói chuyện với anh đâu, hạ cấp---(ra sức đẩy gã.)

Du Côn: Con đĩ, không phải mày thích đàn ông chơi đùa mày sao?

Gái Điếm: Khốn nạn! (Đi nhanh hơn, ra khỏi sân khấu.)

Du Côn: Được. (Liếc mắt nhìn Người Mộng Du, đưa chân dẵm nát điếu thuốc mà Gái Điếm ném xuống đất, rảo bước đuổi theo, ra khỏi sân khấu.)

 

(Tiếng giầy cao gót lộp cộp của Gái Điếm càng xa càng cấp bách, đột nhiên ngưng lại. Im lặng không một âm thanh.)

 

Người Mộng Du: (Hét lên một tiếng.) Đồ chó đẻ!

Lãng Tử: (Thò đầu ra từ một phía của thùng giấy.) Làm cái gì vậy?

Người Mộng Du: Mi nói mi không làm gì cả.

Lãng Tử: (Bò ra khỏi thùng giấy.) Thế tại sao giữa thâm canh bán dạ chú lại hét to như thế?

Người Mộng Du: Mi nói, ở đằng kia---(Im lặng.)

Lãng Tử: Đó cũng là nghề của người ta.

Người Mộng Du: Mi nói, không phải cô ta bị hiếp dâm sao?

Lãng Tử: Hừm, làm nghề đó, thứ việc này, ai mà biết được.

Người Mộng Du: Chẳng lẽ bác không có một chút thông cảm nào sao?

Lãng Tử: Chú có à, nhưng mà có ích lợi gì?

Người Mộng Du: Mi nói mi thấy chán ngán!

Lãng Tử: Thế tại sao chú không đi cứu ả đi?

Người Mộng Du: Mi nói mi biết mi cũng không cứu được, dù cho có hi sinh cả tính mạng đi nữa, cứu được một lần, cũng chẳng cứu được lần thứ nhì.

Lãng Tử: Cái đó thì đương nhiên rồi.

Người Mộng Du: Mi nói, vì thế cho nên mi mới hét!

Lãng Tử: Muốn hét, về nhà đóng kín cửa lại mà hét, đừng có ở đây mà nháo lên.

Người Mộng Du: Bác, bác nói gì? Không tim không gan! Bác nói đó chính là bác nói.

Lãng Tử: Còn chú thì sao? Chú muốn cứu nhân độ thế à? Muốn giảng đạo cho ông già này à?

Người Mộng Du: Mi nói, không có gì để nói với bác cả.

Lãng Tử: Thì đừng nói.

Người Mộng Du: Mi nói bác đi ngủ đi, mi đi đường mi.

 

(Lãng Tử chui lại vào thùng giấy.)

 

Người Mộng Du: (Một lát sau.) Mi sẽ không nói gì nữa, không nói thêm một lời nữa, không thốt ra một âm thanh, mi chỉ chìm đắm trong thế giới của mình, không còn giao du với bất cứ ai nữa! Mi không chịu đựng nổi bất cứ ai, mọi thứ trong thế giới này làm mi nghẹt thở! Mi sở dĩ còn sống trên đời này, còn giống như một con người, là chỉ bởi vì mi vẫn còn ít nhiều suy nghĩ. (Đứng lại, bất động, như một pho tượng.)

 

(Có chút âm nhạc theo gió mơ hồ bay đến.)

 

Người Mộng Du: (Thay đổi tư thế.) Một mình mình với chính mình, tự nói với chính mình. Còn như suy nghĩ về cái gì thì không có gì là quan trọng cả. Điều quan trọng là mi vẫn còn suy nghĩ, mặc dù là những ý nghĩ của mi không đáng một đồng xu dưới mắt người khác.

(Lại đổi sang tư thế khác.) Người khác không đáng để mi ưu tâm, người khác là chuyện của người khác, mi chỉ là mi. Mi là người, hoặc là một con trùng, một con bướm, hay một con kiến, người khác có nhìn mi như thế nào đi nữa, thì có gì đáng để cho mi quan tâm? Mi chỉ có thú vị trong sự trầm tư nơi chính con người mi.

(Lại đổi một tư thế khác.) Mi trầm tư, mi tiêu dao giữa trời đất, trong thế giới của riêng mi, như thế mi mới đạt được đại tự tại---

 

(Anh ta đi lòng vòng, đến con đưởng rải rác những thùng giấy đối diện một cánh cửa đen ngòm, đột nhiên bị một cánh tay tử phía sau nắm chặt lấy cổ họng, kéo vào trong bóng tối của cánh cửa, không còn cựa quậy gi được.)

 

Chúa Trùm: (Thấp giọng.) Đừng động đậy! Hét là tao giết ngay! Giữ nguyên tư thế của mày! Cứ tiếp tục nhảy múa như vừa rồi! Đúng vậy rồi, mày thừa biết đang có cái gì chĩa vào lưng mày rồi chứ? (Nới tay.) Bước tới một bước, đợi tao ở chỗ sáng kia, đổi tư thế khác, được. Từ đâu đến? Ai phái mày đến? Nói, tao đang hỏi mày mà!

Người Mộng Du: Không---không có ai, mi nói là mi đang đi tản bộ một mình---

Chúa Trùm: Đừng có dở trò thông minh vặt với tao! Mày đang đùa với mạng sống của mày đấy!

Người Mộng Du: Thật mà, mi nói---không ai phái cả, thuần túy là theo tâm cảm---tâm cảm dâng trào, hứng trí đến đây. Nếu như ông không tin, ông cũng chẳng có cách gì khác, ông cứ làm theo ý ông, súng ngang dọc gì cũng không có mằt. Ai trúng đạn cũng ngã gục, nếu định mệnh đã chủ định, có chống cự cũng chẳng chống cự nổi.

Chúa Trùm: Mày lảm gì mà cả đêm đợi ở đây? Nói thật với mày, tao bám sát mày suốt hơn một tiếng đồng hồ!

Người Mộng Du: Mi nói mi lạc mất phương hướng, hay là nói, mi không muốn theo phương hướng nhất định nào cho nên mới lòng vòng nguyên chỗ. Mi nói ông không hiều được, tuyệt nhiên không nói là ông không muốn hiểu, mà nói là, mi có nói cũng vị tất đã được rõ ràng. Nếu ông có thể tưởng tượng mình trong vị trí đó, đặt mình vào địa vị người khác, điều ấy đương nhiên là không thể được, vì ông cũng rất khó mà hiểu được tại sao mi lại lòng vòng mãi ở nguyên một chỗ.

Chúa Trùm: Mày không là một thằng khùng thì cũng là một thằng khốn nạn!

Người Mộng Du: Cũng có thể, có thể là cả hai, mi nói chính mi cũng không hiểu, tại sao lại đâm ra ngu xuẩn đến mức này.

Chúa Trùm: Được rồi, tao không có thì giờ tán dóc với mày, đồ ranh con muốn rỡn mặt, tao cho mày rỡn mặt!

Người Mộng Du: (Kinh hãi.) Đừng---đừng---

Chúa Trùm: Đổi tư thế coi!

 

(Người Mộng Du đổi một tư thế kỳ lạ, có điểm giống như Chúa thụ nạn.)

 

Chúa Trùm: Tao hỏi mày, mày có biết thằng đó không?

Người Mộng Du: Thằng nào? Cái thằng khốn nạn chơi gái vừa đi qua? Mi nói mi không đời nào đi giao thiệp với cái thứ lưu manh đó.

Chúa Trùm: Tao hỏi là cái thằng vô lại trốn trong thùng giấy bên kia đường kìa!

Người Mộng Du: Mi hỏi, ông muốn hỏi cái ông lãng tử không nhà kia hả?

Chúa Trùm: Tao hỏi mày đó!

Người Mộng Du: Mi nói mi không quen ai cả, không qua lại với ai cả, hơn nữa còn sợ giao du với người khác, cho nên nửa đêm mới ra ngoài đi tản bộ một mình.

Chúa Trùm: Đem nó ra đây!

Người Mộng Du: Mi đâu có dám quấy rầy hắn nữa, mi nói, từ xưa đến nay đều là người ta quấy rầy mi chứ không phải là ngược lại, hơn nữa cũng không phải là mi không muốn làm phiền người khác, mà tại vì mi không có năng lực, thậm chí thiếu cả dũng khí để làm chuyện đó, cho nên mới đâm ra nông nỗi này.

Chúa Trùm: Đến đây! Kéo cái thằng kia ra khỏi đống rác cho tao! Mày, vẫn cứ nhảy múa như cũ!

Người Mộng Du: Mi nói chân và bụng mi mềm nhũn, không nghe sai sử... Mi nói mi không phải là vũ công, chưa từng tập luyện, có thể không nhảy được không?

Chúa Trùm: Tao bảo mày giữ tư thế! Như mới vừa rồi, được, đợi tao ở đó, hiểu không?

Người Mộng Du: Mi nói mi không mang tính mạng ra mạo hiểm, người ta sống trên đời chỉ có một lần.

Chúa Trùm: Cút!

 

(Người Mộng Du ra hẳn khỏi bóng tối của cánh cửa, toan làm vài động tác như cũ mà không được, đứng ngây người giữa đường.

Ở một nơi nào đó đằng xa một chiếc xe chạy qua, rồi lại im lặng.

Gái Điếm bước vào, tay không, không có dù.)

 

Gái Điếm: (Bước đến cạnh Người Mông Du.) Làm sao thế? Đau bụng à?

Người Mộng Du: Không, chỉ buộc giây giầy thôi.

Gái Điếm: Có thuốc không? Cho xin một điếu.

Người Mộng Du: Không có, mi nói, giờ phút này, mi không có gì cả. (Tự ngẫm.) Ngoại trừ tính mạng này, cũng nằm trong tay người khác.

Gái Điếm: Không sao. Ở lại đây với em một lát!

Người Mộng Du: Mi nói điều ấy không thành vấn đề, mi đang hi vọng là có người bên cạnh. (Tự ngẫm.) Vạn nhất ăn một phát súng, dù sao cũng có người báo cảnh sát. (Quay lại nhìn cánh cửa.)

Gái Điếm: Nhìn cái gì vậy?

Người Mộng Du: Hừ, mi nói mi không nhìn gì cả, tự lẩm bẩm một mình đã bất tri bất giác trở thành một tất xấu của mi.

Gái Điếm: (Cũng quay lại, nhìn chân mình.) Lủng một lỗ.

Người Mộng Du: (Kinh ngạc.) Lỗ ở đâu, mi hỏi?

Gái Điếm: Lủng một lỗ trên vớ. (Sửa lại vớ cao.)

Người Mộng Du: A, vớ, mang lâu là lủng ngay, chẳng có vớ nào mà mang không lủng.

Gái Điếm: Còn mới, mới mua hôm qua.

Người Mộng Du: Như thế thì đương nhiên có hơi đáng tiếc. (Tự ngẫm.) Đáng tiếc đương nhiên không phải cho ả.

Gái Điếm: Em trượt té.

Người Mộng Du: Mi nói ngày mưa như vầy, cô lại đi giầy cao gót, khó mà tránh khỏi vấp ngã. (Tự ngẫm.) Điều mi muốn biết tuyệt nhiên không phải là ả có trượt ngã hay không mà là có bị người ta cưỡng dâm hay không, nhưng mà lại không tiện hỏi.

Gái Điếm: Em mệt quá.

Người Mộng Du: Thì về nhà đi, mi nói mi cũng có hơi lả rồi.

Gái Điếm: Em không dám...

Người Mộng Du: Mi cũng thế, có nhà mà không về được, nhưng mà mi không nói.

Gái Điếm: Em sợ.

Người Mộng Du: (Tự ngẫm.) Mi cũng thế thôi, mi với ả đồng bệnh tương lân, chỉ có điều là mi không bị hiếp dâm, ngoài ra cũng không khá gì hơn lắm. Đã đi một bước rồi, không biết là có đi được bước nữa không. Điều này, đương nhiên mi cũng không nói.

Gái Điếm: (Thầm thì vào tai Người Mộng Du, hết sức cấp bách.) Nhất định là hắn chưa đi, vẫn chưa buông tha, vẫn theo rõi em, gần đâu đây thôi, em đi đâu hắn cũng bám sát trong bóng tối, em không thể cho hắn biết em ở đâu, không thể cho hắn biết em sợ hắn, không thể để minh rơi vào tay hắn, anh hiểu không?

Người Mộng Du: (Tự ngẫm.) Mi hiểu rõ hoàn toàn, mi ở trong cùng hoàn cảnh với ả, không khác gì mấy. Nhưng mà ả có thể nói cho mi nghe, còn mi thì không thể nói rõ được.

Gái Điếm: (Lớn tiếng.) Anh này đúng là đồ bủng biu.

Người Mộng Du: Tại sao? Mi không thể không hỏi.

Gái Điếm: Anh đã từng ngủ với đàn bà bao giờ chưa?

Người Mộng Du: Mi nói đương nhiên là mi không còn trinh, nhưng cũng không phải là đồng tính luyến ái, vấn đề là, cô thấy đó, hiện giờ, mi không cách chi trả tiền được.

Gái Điếm: Mình có thể về nhà anh, nếu như anh không ở xa quá, nếu như nhà anh không có nữ chủ nhân, xem ra, anh có vẻ không chịu.

Người Mộng Du: Mi nói mi đương nhiên hết sức là thích, có điều mi không muốn chết trong tay đàn bà.

Gái Điếm: Có phải anh thấy đàn bà là đáng sợ?

Người Mộng Du: Đó là tùy loại đàn bà nào.

Gái Điếm: Anh có thấy đàn bà gợi cảm không? Hay là anh thật sự không muốn?

Người Mộng Du: A, mi nói đâu phải chỉ gợi cảm, sống động chứ đâu phải dán trên tấm quảng cáo.

Gái Điếm: Được, đi về nhà anh ngay. (Thấp giọng.) Bao nhiêu, Tùy anh trả.

Người Mộng Du: Đây đúng là một giấc mộng. (Thấp giọng.) Một cơn mộng dữ! (Lớn tiếng.) Mi nói mi đương nhiên muốn có một người đàn bà bên cạnh, vạn nhất bị bắn sẻ chết, tốt xấu gì cũng có người làm chứng. Mi nói cô là một cô bé dễ thương, thật khiến người ta đau lòng.

Gái Điếm: Anh là một người tốt, người tốt hiếm có. (Tựa vào Người Mộng Du.)

Người Mộng Du: Mi nói, tốt hay không tốt, điều ấy mi không biết chắc, có điều là chưa từng làm điều gì đặc biễt xấu như giết người, hiếp dâm, đốt nhà, lừa bịp, tống tiền, thế nhưng tuyệt nhiên không phải là hoàn toàn không có tội, nhất là cái cảm giác tội ác, rất là thu hút đối với mi.

Gái Điếm: Cái đó thì đâu có sao, ai mà tránh khỏi được?

Người Mộng Du: Mi cũng không khỏi nghĩ đến cái lỗ lủng trên vớ ả, trông thấy cái họng súng đen ngòm dí vào mi, mi tựa như đang từng bước đi về phía cái chết....

 

(Người Mộng Du vòng tay ngang hông Gái Điếm, dắt cô ta về phía đống thùng giấy, hơi mỉm cười.)

 

Gái Điếm: Đừng rỡn nữa, đây là nhà anh à?

Người Mộng Du: (Vỗ lên thùng giấy.) Cứ tự nhiên ngồi, chỉ cần cô cảm thấy thoải mái.

 

(Lãng Tử từ trong thùng giấy bò ra.)

 

Gái Điếm: Tếu thật! (Cười khoái trá.)

Lãng Tử: Nhãi con, chẳng có gì buồn cười cả! (Nói với Người Mộng Du.) Anh này đúng là không thành thật.

Người Mộng Du: Mi hỏi thành thật có ích lợi gì? Bác trông đầy vẻ thành thực, nhưng mà ai biết trong lòng bác chứa những gì? Bác thành thật, thì đã không đến nỗi ngay cả một chỗ dung thân cũng không có như vầy? (Thản nhiên ngồi trên thùng giấy.)

Lãng Tử: Chú không ngủ, quậy đến mức không ai ngủ được. Rốt cuộc chú muốn làm cái gì vậy? Chú thử nói rõ ràng ra coi!

Người Mộng Du: Mi nói vấn đề của mi chính là ở chỗ mi không muốn làm cái gì cả. Hà huống, cũng không cách chi nói rõ ràng được.

Lãng Tử: Chú muốn cái thùng giấy này à? Sao không nói sớm, đừng có thậm thà thậm thụt như thế, ta cho chú đó, đem đi hết đi!

Gái Điếm: Anh thật sự muốn làm trong ấy sao?

Người Mộng Du: Ngày lạnh như hôm nay, trong ấy vẫn hơn ngoài trời.

Gái Điếm: Không! Anh là đồ dơ dáy.

Người Mộng Du: Chứ bộ cô sạch sẽ lắm sao?

Gái Điếm: Anh còn dơ dáy hơn cả thằng khốn nạn kia!

Người Mộng Du: Con người, ai cũng là rác rến hết!

Gái Điếm: Anh cũng thế à?

Người Mộng Du: Đều là khốn nạn, khốn nạn với đĩ điếm, như nhau cả.

Lãng Tử: Đúng, đúng là một người thông thái.

Người Mộng Du: Điều ấy không cần nhiều học vấn lắm.

Gái Điếm: Nói thế thì anh là một phần tử trí thức à?

Người Mộng Du: Phần tử trí thức thối tha.

 

(Gái Điếm cười khúc khích, thích chí đến mức chân không ngớt đá vào cái thùng giấy trên ấy cô đang ngồi.)

 

Lãng Tử: Này nhóc, đừng làm đổ chai rượu của ta trong đó.

Người Mộng Du: Bác còn có rượu à?

Lãng Tử: Con người thế nào cũng sống được, có điều không thể thiếu rượu được.

Gái Điếm: Tại sao bác không nói sớm? (Đưa tay vào trong thùng giấy mò mẫm, kéo ra một cái bao rách.) Bác thật hết xẩy!

Lãng Tử: Khoan!

Gái Điếm: Ông già, có tiền à?

Lãng Tử: Tiền hay không tiền khó nói. (Lấy ra một chai rượu, gạt cái túi qua một bên.) Cứ có rượu uống là được rồi.

 

(Lãng Tử mở nút chai ra, tự uống trước một ngụm, rồi đưa cho Gái Điếm. Gái Điếm nắm lấy chai rượu tu một hơi dài.)

 

Lãng Tử: Đừng có uống hết, thứ này đừng có uống nhiều quá dù là không thể không uống. (Quay về phía Người Mộng Du.) Chú không uống?

Gái Điếm: Hắn sợ bẩn. (Phá ra cười.)

Người Mộng Du: Con đĩ!

Gái Điếm: Hắn nói cái gì vậy?

Người Mộng Du: Mi nói mi chẳng nói gì cả.

Lãng Tử: Trông cô đúng là một cô bé sung sướng.

Gái Điếm: Tại sao không?

Lãng Tử: Nhóc con này, nói đúng ra thì không sung sướng cũng là do tự mình. Con người được sống là đủ rồi, còn muốn gì nữa?

Gái Điếm: Tôi thực muốn có một ông bố già như bác.

Lãng Tử: Thật sao?

Gái Điếm: Bác cho là tôi nói dối? Đối với ông già như bác, không dám thế.

Lãng Tử: Thế là mày cũng được lắm.

 

(Gái Điếm hôn gió ông ta một tiếng lớn.)

 

Lãng Tử: Thế mới là khuê nữ chứ!

Gái Điếm: (Kéo bao giấy tới.) Có thể mở ra xem có gì ăn được không?

Lãng Tử: (Cầm lấy bao, gạt qua một bên.) Dù có cái gì đi nữa cũng chẳng thể còn đến bây giờ được, nếu không bị thiên hạ phá quấy, ta đã không phải thức suốt đêm.

Gái Điếm: Ông già, tôi đói quá!

Lãng Tử: Thật chẳng biết phải làm sao với con nhóc này.

Người Mộng Du: Bác tin được không? Mi đang hỏi ông già.

Lãng Tử: Ai ta cũng tin, miễn là người ta cũng tin ta. (Mỉm cười.)

Gái Điếm: Ông già, có thuốc không? Tôi muốn hút điếu thuốc.

Lãng Tử: Lúc này ai mà không muốn? Nhưng mà thứ đó là một loại xa xỉ, giống y như đàn bà.

Gái Điếm: Ông cũng nghĩ đền đàn bà à?

Lãng Tử: Ồ, đàn bà, một món hàng đắt giá.

Người Mộng Du: Cũng có thứ không phải trả tiền, mi nói.

Gái Điếm: (Cười điên khùng.) Anh không tin là đàn bà cũng có tình cảm?

Người Mộng Du: Mi nói cứ là người ai cũng có cả.

Gái Điếm: Anh muốn nói là tình cảm của đàn bà đều dùng tiền mua được?

Người Mộng Du: Lời ấy mi nói mi không nên nói.

Gái Điếm: Anh không tin là đàn bà cũng biết yêu, không phải chỉ buôn bán?

Người Mộng Du: Mi nói là cái gì mi cũng tin, kể cả Thượng Đế.

Gái Điếm: Kỳ thực, anh chả tin cái gì cả!

Người Mộng Du: Cái này, mi nói cũng không phải là bết. Mi hỏi ả, cô tin không?

Gái Điếm: Tôi chỉ tin nơi tiền!

Lãng Tử: Hay! Đúng là một cô bé hay!

Gái Điếm: (Kéo bao giấy về phía mình.) Bên trong có gì vậy? Nặng quá, thử nhìn xem.

Lãng Tử: (Mỉm cười.) Thử đoán xem.

Người Mộng Du: Hi vọng không phải là hung khí, mi nói.

Lãng Tử: Lúc nào ta cũng qui củ, nghèo cũng an phận với nghèo, chặn đường ăn cướp, cậy cửa bẻ khóa, những thứ ấy ta đều không làm được.

Người Mộng Du: Mi nói, không phải là dùng để tự vệ sao?

Lãng Tử: Cũng chẳng cần, con người một khi đã lâm vào tình cảnh chẳng còn gì để mất hay để bị cướp, còn cần gì phải phí tâm tư như thế?

Người Mộng Du: Những tai bay vạ gió không đoán trước được thì sao? Mi lớn tiếng nói, thiên hạ nổi điên, hay là súng nổ đạn lạc, ai biết đâu mà lường, thế nào mi cũng bị! Trên đời này chẳng có gì chắc ăn cả!

Lãng Tử: Không có gì vô duyên vô cớ cả, bất cứ việc gì cũng có nhân duyên.

Người Mộng Du: Bác có dám đoan chắc qua đường không bị xe đụng chứ? Mi hỏi.

Lãng Tử: Chú phải lưu ý đèn đỏ, ai bảo chú suy nghĩ đông tây, rồi trách xe? (Mỉm cười.)

Người Mộng Du: Bác đã đến mức không nhà để về, mi nói, chắc cũng lả do bác tự gây ra?

Lãng Tử: Chú có nhà để về, thế thì tại sao giữa thâm canh bán dạ lại lang bang ngoài đường thế này? (Mỉm cười.)

 

(Im lặng. Tiếng gió từ từ nổi dậy.)

 

Gái Điếm: (Mở túi gíấy ra.) Ông già, a, hết xẩy!

Lãng Tử: Đừng, đừng!

Gái Điếm: Nhìn một chút thì đã sao.

Lãng Tử: Đừng rớ vào!

Gái Điếm: Không phải là một túi đầy tiền sao?

Lãng Tử: Nhóc con, vận may đến cũng khó mà nói.

Gái Điếm: (Bướng bỉnh móc ra một xấp giấy trong bao.) Trời đất, toàn là vé số!

Lãng Tử: Thì cứ cho là thế.

Gái Điếm: Đừng vớ vẩn nữa, toàn là vé người ta vất đi rồi!

Lãng Tử: Nhưng mà người ta đều phải bỏ tiền ra mua.

Gái Điếm: (Xem xét từng tờ một.) Đừng rỡn mặt nữa cha nội, tất cả đều quá hạn rồi! Ông nhặt mấy tờ giấy rác này để làm gì vậy?

Lãng Tử: Ai cũng phải làm một cái gì, người nào có nghề của người nấy, nhưng kẻ không có nghề ngỗng gì không phải cũng lo kiếm cho mình một cái gì để làm sao? Nhóc, nghề của ta là chuyên môn đi nhặt vé số. (Mỉm cười.)

Gái Điếm: Ông ăn no rồi tự phí sức!

Lãng Tử: Ha, đừng có nói như thế, có người chuyên sưu tầm tem, có người chuyên sưu tầm xe, đồng hồ cũ, hộp thuốc hít, đó chính là mỗi người có cái thích riêng của mình đó nhóc.

Gái Điếm: Đó đều là vì họ có tiền để đốt. Cái mớ vé số quá hạn này của ông có mang bán lấy tiền được không?

Lãng Tử: Con người có biết bao nhiêu là ước nguyện, có được bao nhiêu cái thành sự thật? Thế mà vẫn cứ ao ước, sống từng bữa là một điều rất khó, không dựa vào tâm nguyện một chút thì cũng dựa vào rượu. Nhóc con, mày có ước nguyện gì?

Gái Điếm: Ông già à, cỡ như ông ngay cả ước nguyện cũng không có!

Lãng Tử: Cũng đúng, không có gì để ước, ta dựa vào cái ước hão của thiên hạ, cho nên ta mới nhặt mớ giấy lộn này để sống qua ngày.

Gái Điếm: Đừng có đóng vai Thượng Đế với tôi, ông già này đúng là mắc dịch! (Thuận tay ném đống vé số.)

Người Mộng Du: Ném hay lắm! Thử xem coi trong bao của lão còn có đồ chơi nào nữa không? Mau đổ hết ra!

 

(Gái Điếm móc từng đống giấy rác trong bao ra rồi ném tung lên.)

 

Lãng Tử: Chúng mày điên chưa? (Vội vã nhặt.) Ta khổ công mỗi ngày đây một tờ kia một tờ khắp nơi lượm lặt...

Người Mộng Du: Vứt hết đi! Vứt ráo đi!

Lãng Tử: Chúng mày dẵm nát cả rồi! (Bất lực nhìn mớ giấy la liệt trên mặt đất.)

Gái Điếm: Này ông già, ông khiêng một cái bao vé số cũ to như thế không không sợ mệt phát khùng sao? (Ném cái bao đi, cười.)

Lãng Tử: Được rồi, chúng mày quậy đi, cứ quậy đi, đứa nào cũng táng hồn lạc phách đến mức đâm ra... (Nhặt chai rượu lên.)

 

(Người Mộng Du nhìn cánh cửa. Lãng tử nhặt bao lên, từ từ ra khỏi sân khấu. Gió càng thổi càng mạnh.)

 

Gái Điếm: (Lặng lẽ bước đến cạnh anh ta.) Chúng mình cũng đi chứ?

Người Mộng Du: Đi đâu?

Gái Điếm: (Từ phía sau dịu dàng ôm lấy anh ta, thì thầm vào tai.) Về nhà anh?

 

(Người Mộng Du vẫn nhìn cánh cửa tối om. Ở đâu đó một cánh cửa sổ bị gió thổi kêu ầm ầm.)

 

Gái Điếm: Anh làm gì thế?

Người Mộng Du: Không làm gì cả.

 

(Gái Đìếm đi về phía cánh cửa, quay đầu lại thấy anh ta vẫn nhìn về phía cánh cửa.)

 

Gái Điếm: (Lớn tiếng.) Anh nhìn cái gì thế?

Người Mộng Du: Mi nói mi không nhìn gì cả. (Vẫn nhìn cánh cửa kia.)

 

(Gái điểm hết sức dè dặt đi về phía cánh cửa.)

 

Người Mộng Du: Mi định nói cái gì, rồi lại chẳng nói gì cả. Mi để cô ta từng bước một bỏ đi, chỉ hi vọng có gì xảy ra... song lại hi vọng tốt nhất là đừng có gì xảy ra cả...

 

(Gái Điếm đến bên cánh cửa, nhìn vào, đột nhiên lui lại, kinh hãi hét lên, một tiếng bình, giống như tiếng súng buồn tẻ, lại cũng giống tiếng một cánh cửa sổ đột nhiên bị gió thổi đóng sập lại. Đồng thời chân cô ta tựa như bị vấp, từ từ khom xuống, rơi vào bóng cánh cửa, đèn đóm chợt tắt.

Tiếng xe lửa phóng nhanh, ngang qua sân khấu.

Góc trái sân khấu, trong toa xe dần dần sáng lên, ánh đèn dịu vợi. Lữ Khách ngồi nguyên chỗ cũ gục đầu ngủ, không trông thấy rõ mặt. Trong toa xe không còn ai khác, ngoại trừ Thiếu Nữ cuộn mình trong áo khoác, nằm dài trên ghế đối diện quay mặt vào tường, trên mặt đất có một chiếc giầy cao gót của cô. Có tiếng rung khẽ của chuyến xe đang chạy.)

 

Màn Hai

 

(Ánh đèn trên sân khấu sáng ra, màu xanh nhạt. Gió lớn, giấy má rải rác đầy sân khấu, lộ vẻ hoang vu hết sức. Chỗ người đàn bà ngã xuống, có một chiếc giầy cao gót.)

 

Người Mộng Du: Một chiếc giầy. (Nhặt chiếc giầy lên.) Chỉ một chiếc giầy.

                          Một chiếc giầy đàn bà, chính là một câu chuyện.

                          Một chiếc giầy bị vất đi, chỉ là bị vất đi.

                          Một chiếc giầy đàn bà bị vất đi có một cái gì nhiêu khê.

                          Đàn bà vất giầy, như vất rác.

                          Nhưng mà một chiếc giầy đàn bà bị vất đi đương nhiên là gợi lên rất nhiều liên tưởng.

                          Về người đàn bà đi chiếc giầy này, về chiếc giầy mà người đàn mà đi,

                          Về vô số dự đoán liên quan đến người đàn bà đi chiếc giầy này...

                          Về người đàn ông có liên quan đến người đàn bà này, thông thường thiết nghĩ không phải chỉ là một người,

                          Về cái người đàn ông có liên hệ đến người đàn bà này đã lợi dụng, thao túng, rồi chôn sống cô ta như thế nào.

                          Một vụ mưu sát? hay là tống tiền? Đột nhiên mi có hơi sợ hãi---(Lập tức bỏ giầy xuống nguyên chỗ cũ, bước đi, song lại không khỏi quay lại nhìn chiếc giầy.) Nếu như mi gọi cảnh sát, thế nào cũng không tránh khỏi gây thị phi. Thôi đừng để ý, nhưng mà như thế trong lòng lại cảm thấy hơi thẹn, tựa như mi cũng có tội. Mi vốn đi dạo ngoài đường, vốn không cần phải quan tâm đến chiếc giầy bị vất này, ngưới đàn bà này sống hay chết cũng chẳng có gì liên quan đến mi cả. Nhưng mà mi lại đi nhặt nó lên, rồi lại bỏ xuống, thế là nói cách nào đi nữa mi cũng không ít thì nhiều dính líu, con điếm này làm mi âu lo áy náy... (Trì nghi.)

 

(Người Mộng Du ngẩng đầu lên, Chúa Trùm cầm một cái hộp, xuất hiện trong bóng của cánh cửa.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi, mi đi được chưa? Muốn mi làm cái gì mi cũng đã làm rồi.

 

(Hai người đối diện nhìn nhau, Chúa Trùm đặt cái hộp xuống, một tay vẫn nhét vào túi áo gió.)

 

Chúa Trùm: Tao đâu có bảo mày giết ả.

Người Mộng Du: Nói thế mà nghe được à! Mi nói có giết cũng là chính ông giết! Mi hai tay trong sạch. (Mở hai tay ra.) Tại sao không vì lý do gì cả lại phải đi giết ả?

Chúa Trùm: Chính mi đẩy ả ra trước họng súng.

Người Mộng Du: Tại sao ông lại vu oan giá họa như thế? Ông bảo ông chưa từng đụng đến ả sao!

Chúa Trùm: Rõ ràng là mi nhặt giầy của ả lên!

Người Mộng Du: Nhặt lên, rồi lại bỏ xuống. Mi nói, như thế thi đã đã chứng minh được cái gì?

Chúa Trùm: Tại sao mày lại nhặt giầy ả lên?

Người Mộng Du: Chỉ vì hiếu kỳ, hoàn toàn là ngẫu nhiên. Mi nói, còn có rất nhiều cách giải thích khác nhau, đều không chứng tỏ là mi có quan hệ gì với ả cả.

Chúa Trùm: Tại sao mày chỉ nhặt giầy ả, tại sao không nhặt giầy người khác?

Người Mộng Du: Người khác, mi nói mi chẳng có hứng thú gì với người khác cả!

Chúa Trùm: Như thế không kết luận đuợc.

Người Mộng Du: Kết luận gì cơ?

Chúa Trùm: Kết luận là: mày giết ả.

Người Mộng Du: Mi hỏi, vì sao mà mi phải giết ả?

Chúa Trùm: Nên đi hỏi hung thủ chính là mày đó!

Người Mộng Du: Mi nói mi không dính dấp vì với ả cả, vốn chẳng quen nhau! Mi chỉ tựa hồ nghe thấy một tiếng súng, thấy ả vấp váp, rồi ngã xuống.

Chúa Trùm: Ai ngã xuống?

Người Mộng Du: Cái con điếm đó!

Chúa Trùm: Nếu như mày không phải là khách của ả, tại sao mày biết ả là điếm?

Người Mộng Du: Ông---là ai? Ông là cảnh sát?

Chúa Trùm: (Cười.) Này bồ, bồ đúng là một thằng bựa!

Người Mộng Du: Mi nói mi không phải là bồ của ông, cũng không phải là đầy tớ của ai cả!

Chúa Trùm: Cứ xem mày là bạn của ả. Sau khi chơi chán rồi, mày bèn giết ả.

Người Mộng Du: Đó là giả thiết của ông, đáng tiếc, không phải là sự thật!

Chúa Trùm: Sự thật là cái gì?

Người Mộng Du: Sự thật là cái gì có bằng cớ xác thực, chứng cớ hiển nhiên không thể bác bỏ được.

Chúa Trùm: Chứng cớ. (Một tay móc từ túi áo ra một chiếc khăn tay, gói chiếc giầy lại.) Chính là chiếc giầy này, dấu tay vẫn còn hoàn toàn.

Người Mộng Du: Đừng giá họa cho người khác, ông mới là hung thủ! Mi nói, vu cáo thế nào đi nữa mi cũng không sợ, mi không chịu cái lối tống tiền này!

Chúa Trùm: Tại sao ngón tay mày lại run như thế? Đó chính là vì, ông bạn, bạn sợ!

Người Mộng Du: (Nhìn tay mình.) Mi nói mi tức giận, mi không thể vô duyên vô cớ mà chịu vu hãm như vầy! Mi cũng không đời nào có một người bạn như ông!

Chúa Trùm: Vậy thì, là kẻ thù sao?

Người Mộng Du: Mi nói mi với các hạ vốn không oán không thù.

Chúa Trùm: Vậy thì, kể như là tòng phạm.

Người Mộng Du: Mi nói mi không có bí mật gì để giấu diếm người khác cả! Mà cũng không âm mưu gì với ai hết!

Chúa Trùm: Mày tự cho mày là trong sạch như thế sao? Mày dẫn dụ ả, không, dù cho là con đượi kia dụ dỗ mày, nếu mày không động tâm thì làm sao ả dụ dỗ mày được? Mày đâm ra thành khách của ả, làm thành cái màn mua bán xác thịt này---

Người Mộng Du: Mi nói mi chẳng làm gì với ả hết!

Chúa Trùm: Nghĩ kỹ lại xem.

Người Mộng Du: Nghĩ rồi, còn nghĩ làm gì nữa? Dù cho có làm gì đi nữa, thì đã sao? Cũng đâu có biến thành tội giết người được?

Chúa Trùm: (Cười nhạt một tiếng.) Gái điếm và khách chơi, thứ tình sát hay mưu sát này, cũng khó mà phân biệt. Này ông bạn, hiện giờ ngoại trừ con đượi này ra, bạn vô tội hay không, còn ai chứng minh được?

Người Mộng Du: (Hét lên.) Mi nói mi---

Chúa Trùm: Đừng la lối, hơn nữa, nổi nóng cũng vô ích, không ai làm chứng cho mày được! Chúng mày chơi nhau cho đã, chơi xong mày lại giết ả. Việc này chỉ có mày mới nói rõ được là do động cơ gì.

Người Mộng Du: Ông là đồ khốn nạn!

Chúa Trùm: Cho mày biết, cảnh sát mà đến, không có chút gì hay ho cho mày đâu!

Người Mộng Du: Mi nói hung thủ rõ ràng là ông! Không phải là mi!

Chúa Trùm: Làm sao chứng minh được?

Người Mộng Du: Mi nói mi đi ngang hiện trường, mi chính mắt trông thấy.

Chúa Trùm: Nếu như một người khác cũng nói y như vậy thì sao? Cần phải có bằng cớ chứ. Nói trắng ra cho mày, việc này giải quyết riêng hơn là đem ra công cộng.

Người Mộng Du: Mi nói, rốt cuộc ông muốn cái gì?

Chúa Trùm: Tao chỉ muốn giúp bạn thôi, hết sức giúp đến cùng, đương nhiên là không thể không có đền đáp.

Người Mộng Du: Mi hỏi giúp đỡ gì?

Chúa Trùm: Đến đây!

Người Mộng Du: Mi nói nếu mi không đến thì sao?

Chúa Trùm: Thì tao cũng giết mày chết.

Người Mộng Du: (Do dự.) Mi nói hiện giờ ông có thể...

Chúa Trùm: Vẫn còn có thể thử, nếu không được, thì để xem đồ ranh con mày có may mắn hay không.

Người Mộng Du: Vậy thì, mi hỏi rốt cuộc muốn mi làm gì?

Chúa Trùm: Vào trong này cái đã rồi tính sau.

Người Mộng Du: (Suy nghĩ.) Mi nói, phải đặt điều kiện rõ ràng trước, không có phục vụ nào mà không có giá cả, đó hình như là qui củ chung của việc làm ăn trên thế giới hôm nay.

Chúa Trùm: Cú giao dịch này là như sau, mày xách giùm tao cái va-li này ra khỏi cửa, đi qua con đường kia, nếu như không có gì xảy ra, mình sẽ chia đôi mỗi thằng một nửa những gì ở trong.

Người Mộng Du: Một cái va-li ông có thể tự xách lấy được, việc gì mà phải đi mướn người khác? Mi nói điều kiện này xem ra rất là không công binh cho ông.

Chúa Trùm: Mày không phải là ngu đâu. Để tao nói một lần nữa: cái va-li này ít nhất cũng trị giá hai đầu người, đầu mày, đầu tao, tao ra giá đó là để mua bảo hiểm. Không có thì giờ để phí nữa, nếu mày không muốn cùng tao thoát thân khỏi chỗ này, mày sẽ kết thúc y như con đượi kia! Tao đếm đến ba: một, hai---

 

(Người Mộng Du bước vào bóng tối của cánh cửa,

Chúa Trùm rút súng ra, cởi áo gió.)

 

Chúa Trùm: Mặc vào! Xách lên, đi!

 

(Người Mộng Du mặc áo gió vào, xách va-li lên, bước ra khỏi bóng của cánh cửa, đứng lại, thân người hơi lảo đảo về hai phía phải trái.)

 

Chúa Trùm: Đi tới trước! Đi qua đường luôn!

 

(Người Mộng Du hết sức dè dặt, từng bước một, đi về phía con đường trước mặt..

Chúa Trùm chợt xuất hiện từ cánh cửa, dựa sát tường, bước nhanh tới, một tiếng súng nổ.

Người Mộng Du ngây người ra, tự cho là bị trúng đạn, thân thể cứng đơ.

Chúa Trùm ngã ạch xuống, Người Mộng Du vắt dò bỏ chạy.

Du Côn bước vào, chắn đường anh ta.)

 

Du Côn: Ê mấy bồ!

Người Mộng Du: (Lập tức biện bạch.) Mi nói mi không phải là đồng bọn của hắn, hắn là hắn, mi là mi, mi nói, mi bị người ta hiếp bách---

Du Côn: Ông muốn nói ông với chú mày, hai anh em chúng mình---

Người Mộng Du: Mi nói mi không theo phe ai cả, bác làm gì mi cũng không trông thấy. Mi cứ việc đi, bác cũng đừng lo, cả hai đều trong sạch.

Du Côn: Chúng mình mỗi người một lối, nhưng mà lại chung một vụ làm ăn.

Người Mộng Du: Mi nói mi chẳng biết làm ăn gì cả, hơn nữa, mi cũng chưa từng làm gì hết.

Du Côn: Đừng lảm nhảm nữa, đưa hàng hóa đây!

Người Mộng Du: Mi hỏi hắn muốn hàng hóa gì? Mi không thể không biết mà giả bộ biết được.

Du Côn: Chú mày để cái chú mày đang cầm trên tay xuống cho ông!

Người Mộng Du: (Lập tức đặt va-li xuống đất.) Mi không muốn tiền của bất nghĩa, cứ việc lấy đi. Mi nói mi bị người ta bức bách, không thể không xách, hiện giờ đúng là được giải thoát. (Lui lại.)

Du Côn: (Đưa tay ra, có đeo bao tay da, xách va-li lên, mở ra, lập tức đóng lại.) Đồ ngu xuẩn! Làm ông hết hồn! Cái gi ở trong vậy?

Người Mộng Du: Mi nói làm sao mà mi biết được, thật sự không biết! Nếu không phải là vàng bạc quí giá, thì cũng là tiền?

Du Côn: Đồ khốn kiếp chú mày cũng chẳng lương thiện gì đâu! (Sấn tới.)

 

(Người Mộng Du quay lại co giò chạy.)

 

Du Côn: Ông bảo đứng lại! (Vung súng lên.) Chú mày định chạy đâu?

Người Mộng Du: Mi nói mi chỉ muốn vội về nhà, mi không đi báo cảnh sát, đây là một cơn mộng dữ, bất cứ ai hỏi mi cũng giả câm giả điếc. (Cố làm mặt cười, song lại giống cười mà không cười.)

Du Côn: Mộng dữ hay mộng lành gì thì chú mày cũng phải làm cho xong, quay lại!

 

(Người Mộng Du vội vàng quay lại, hai tay dơ lên. Du Côn lục lọi xác Chúa Trùm moi ra một ít tiền, rồi lại rút từ túi áo gã ra một khẩu súng, tháo đạn ra, dơ súng quan sát họng súng.)

 

Người Mộng Du: (Quay đầu đi.) Đại ca, đừng---

Du Côn: (Nhét súng không đạn vào lại túi áo gió của Chúa Trùm.) Kéo nó lại đây!

Người Mộng Du: Lại đâu?

Du Côn: Bỏ nó vào thùng giấy. Để xe rác đến dọn sạch đi, cũng không làm bẩn thành phố, mà cũng không gây xáo trộn. Lúc đó chú mày tha hồ an tâm mà ngủ, cả hai chúng minh đều vô can, như thế được không? Trên đời này, đã không làm thì thôi, nhưng mà một khi đã làm cái gì thì phải làm cho tới nơi tới chốn, không để lại bất cứ một dấu vết nào, không cho ai tra ra đầu giây mối nhợ nào cả.

 

(Người Mộng Du kéo Chúa Trùm đến trước thùng giấy, khiêng hắn lên, nhét vào thùng giấy, đồng thời giấu súng của Chúa Trùm vào trong áo mình.)

 

Du Côn: Phía kia còn một cái nữa, bỏ chung vào một chỗ luôn đi!

Người Mộng Du: Chỗ nào?

Du Côn: Trong cửa kia kià, cái con ngựa kia.

 

(Người Mộng Du bước đến cạnh cửa, tay chân luống cuống, chần chừ không bước tới.)

 

Du Côn: Còn chần chừ gì nữa? Làm như thể chưa bao giờ đụng vào đàn bà hay sao?

Người Mộng Du: Biến đâu mất rồi.

Du Côn: Cái gì biến?

Người Mộng Du: Cái thi thể kia.

Du Côn: Chết ngắc rồi làm sao biến đâu được?

Người Mộng Du: Biến mất thật mà.

Du Côn: Đừng có dấm dớ nữa, ông không có thì giờ rỡn mặt với chú mày đâu đấy nhé!

Người Mộng Du: Không tin, thì thử tự nhìn xem---

 

(Du Côn cầm súng bước vào cửa quan sát, Người Mộng Du rút súng của Chúa Trùm trong áo ra, dùng báng súng khện một đòn trí tử vào ót Du Côn, Du Côn ngã xuống. Người Mộng Du cúi xuống nghe, đứng dậy.)

 

Người Mộng Du: Cám ơn trời đất, mi kể như thoát khỏi thằng súc sinh này. Mi vô ý giết người, nhưng mà tình thế buộc như vậy, mi không thể không làm. Chó bị dồn phải cắn, người ta bị bức quá cũng phải làm thế thôi. (Nắm hai chân Du Côn, kéo đến trước thùng giấy.) Đây đúng là một cơn ác mộng, mi hết sức muốn chửi thề! Nếu như đợi người khác giết mình, không bằng mình giết hắn trước, bị người giết không bằng giết người trước. Đến bây giờ mi mới biết là giết người cũng có một thứ khoái cảm, máu trong huyết quản sôi lên, mi hứng khởi vô cùng. Trước mặt kẻ ác, mi đương nhiên cũng có thể ác không kém, lấy thiện làm thiện hay lấy ác báo ác, nhưng mà bất chấp đó có phải là nguyên tắc hay không, tốt xấu gì thì mi cũng đã được giải thoát.

(Kéo thi thể dậy, nhét vào thùng giấy.) Mi thậm chí tự chúc mừng mình, rõ ràng là cái bất bình này, phảng phất như chưa từng xẩy ra, bàn tay của mi vẫn nguyên vẹn (nhìn tay) không hề để lại dấu vết sát nhân nào cả...

(Dựa trên thùng giấy, thở phào nhẹ nhõm.) Tự thấy mình là may mắn xong, không khỏi cảm thấy có phần kinh ngạc, trên thế giới này tràn đầy tội ác, mi cũng sống giữa tội ác, nhưng lại cảm thấy tỉnh bơ, không những thế lại còn dường như thể nghiệm một thứ hạnh phúc nào đó. Nhân bất tri, quỉ bất giác, mi cũng có thể làm ác như bất cứ ai, mọi người đều thế, ai cũng như thế, hóa ra lại đâm bình yên vô sự, chỉ cần tai nạn đừng rơi lên đầu mi, chỉ cần mi có thể trốn khỏi trừng phạt, chỉ cần mi có thể chiến thắng cái khiếp nhược trong lòng, thế là mi tự do hoành hành, vui sướng với tai họa của người khác. (Buông xuôi hai tay.)

 

(Ánh đèn thu hẹp, tập trung trên Người Mộng Du, rồi mờ dần.

Trên phía trước sân khấu, trong toa xe ánh đèn u ám. Lữ Khách ôm đầu duỗi chân ngủ trên ghế, cuốn sách mà anh ta đọc rơi trên sàn. Chiếc giầy cao gót trên sàn và Thiếu Nữ đều biến mất.

Tiếng xe đơn điệu, càng lúc càng nhỏ đi.)

 

Màn Ba

 

(Người Mộng Du đứng sững giữa sân khấu, ánh sáng chiếu thẳng tập trung trên anh ta, khung cảnh chung quanh chìm vào bóng tối, chỉ có chiếc va-li kia là còn trong vòng ánh sáng.)

 

Người Mộng Du: Mi không tìm ra được con đường đưa mi đến đây.

Quên mất đến như thế nào, làm sao còn trở lại được?

Mi vốn vô tội, nhưng mà có thật sự vô tội hay không, mi đương nhiên cũng không nói rõ được.

Nói tóm lại, mi ở giữa tội ác, càng vùng vẫy, càng chìm đắm, không cách chi tự cứu mình. Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, chỗ nào cũng có những con mắt rình rập, mi trở thành con thú bị săn, bốn chung quanh đều là bẫy rập, mi không còn đường để thoát thân nữa.

Thà là đợi phán quyết còn hơn là trốn chạy, mi lại đang chờ đợi một tiếng súng từ trong bóng tối kia, vào bất cứ lúc nào, không rõ phương hướng---đó chính là một thủ đoạn, như lưỡi kiếm treo trên đầu. (Cúi đầu, đứng lại trước cái va-li.) Đây có phải là một bẫy rập khéo bày? (Ngẩng đầu.) Kể từ thuở bé mi đã có cái sở thích này, chỉ thích mở những cái không được phép mở: hộp, tủ, cửa, rình mò những bí mật không nên xem không được phép xem. Một khi mở ra, kỳ thực, thường thì chẳng là cái gì cả. Cái sở dĩ là thần bí, chính là khoảng giữa thời gian chưa mở và đã mở, cái hồi hộp trong lòng, cái thần bí không ở trong hộp mà là ở trong lòng mi.

(Dè dặt bước chung quanh, rồi lại dừng chân không ngớt quay đầu lại.) Không phải là mi chưa từng rình qua khe cửa hay đằng sau màn, lén nhìn bí mật của đàn bà, một cô gái bừng tỉnh theo dục vọng, cái dục vọng cũng đày đọa mi không kém.... sau đó, càng dần mi càng thầy nhàm đi, thỏa mãn dục vọng, cùng lắm chỉ giống như ăn một bữa cơm ngon. Hiện giờ, chỉ khi giáp mặt với tội ác, cái tội ác trong lòng mi, mới đủ kích thích, mi ở biên giới của tử vong, chơi đùa với tử vong. Mi cũng biết rõ, bên kia của tử vong, không có gì cà, mi chỉ bất quá chơi đùa với tử vong, ở biên giới của tử vong không ít thì nhiều có gì đó làm lòng mi sợ hãi... (Trở lại cạnh va-li, hết sức dè dặt, mở ra.)

 

(Một cái đầu đàn bà lăn ra. Người Mộng Du lui vội lại, dừng bước, cúi đầu.

Bên sau cánh cửa mở rộng ánh sáng dần dần sáng lên, trời đêm tịch mịch, ánh trăng vằng vặc, nhưng không thấy mặt trăng, cũng không một đám mây, có thể thấp thoáng nghe tiếng hải âu.)

 

Người Mộng Du: (Quay đầu nhìn cửa.) Rồi thì mi nghe thấy tiếng hải triều, tiếng sóng ì ầm, trông thấy ánh trăng trên mặt biển, lăn tăn nhảy nhót, trước khi vầng trăng tròn kia mọc, ánh sáng lam đậm lấp lánh trên từng giải sóng trong nước biển đen ngòm, thấp thoáng ẩn hiện, rồi biến mất trong nước biển lạnh băng trước gót chân trần của mi, khiến cái mi xa vời của thời niên thiếu kia, vô cùng kinh hãi, không thể từng bước một bước sâu vào dòng nước...

(Đi về phía cánh cửa lớn.) Lần đầu tiên mi thể nghiệm cái dụ hoặc của sự chết.

(Dừng bước.) Kể từ thuở bé mi đã sợ chết, sợ có ngày nào đó mi đột nhiên biến mất khỏi mặt đất này.

Có lần mi bắn chết một con chim nhỏ có lông cánh dài, khiến con chim ruột gan bê bết máu, chỉ còn giữ lại một sợi lông cánh xanh lam mà mi vẫn chưa vứt đi...

(Tiếp tục đi.) Cuộc đời này của mi kỳ thực vẫn bí hiểm, cũng bao gồm cả việc ngủ với đàn bả, kết hôn và ly dị, đều không lìa bỏ được dục vọng. Mi vẫn còn sợ chết, có điều không còn sợ như trước nữa, nếu như một ngày nào đó nó đến, sinh mệnh kết thúc là kết thúc, không cần phải suy nghĩ nhiều, nhưng mà mi vẫn hết sức cố tránh nó, ngoại trừ bản năng ham sống ra, mi không nghĩ ra được ý nghĩa nào khác, dù cho mi la hét ầm ĩ, hoặc hết sức huýt một tiếng sáo, cái hoang đường như hiện giờ không tránh khỏi đáng cười.

(Đi đến trước cánh cửa.) Mi không bước vào trong cánh cửa này được, nhầt định là không vào được, một khi bước qua ngưỡng cửa, tất cả lập tức biến mất hết.

Mi thừa biết là không có gì đằng sau cánh cửa này, tất cả đều là huyễn tưởng của mi, ngay cả ký ức thời thơ ầu của mi, cũng không thể nắm bắt được, mi nỗ lực tìm kiếm, nó mới từ từ hiển hiện, song vẫn cứ mơ hồ, cái phân minh chỉ là cái nỗ lực của mi, mi vẫn cứ nỗ lực vạch ra cái hình dáng cho ký ức của mi, nhưng cũng như khung cửa này, mi không nói rõ được có gì ở bên trong...

(Quay lại.) Mi không cách chi phân biệt được giới tuyến giữa hồi ức và tưởng tượng, phải chăng hồi ức là thực tại, còn tưởng tượng thì thuộc về hư vọng, cũng như làm sao biết được cái hồi ức đã được gia công bởi tưởng tượng có bao nhiêu phần thực tại mà lại không thuộc về hư vọng, rốt cuộc mi không cách chi trở lại được với cái thực tại đã đi qua, mi bị chủ định phải sống trong cái giờ khắc hiện tại này.

(Đi khỏi cánh cửa.) Mi biết vào giây phút này mi đang mộng du, ở giữa mộng cảnh và thế giới thực tại, nhưng chính mi lại cũng chẳng phân biệt rõ ràng được phải chăng cái thực tại của mi cũng là ký ức hay tưởng tượng mà thôi. Thậm chí mi cũng không dám náo động cái mộng cảnh của mi, có phải là đả phá cái mộng cảnh này cũng đồng nghĩa với sự tử vong của mi? Ngay mi cũng không cảm giác được chính mi là thực tại hay là hư vọng? Mi mơ hồ thấp thoáng, có lẽ vì thế mà mi muốn có một người đàn bà, một nhục thể có thực của một người đàn bà, để chứng thực cái hiện hữu của mi, còn như người đàn bà kia là ai thì không hề quan trọng. Vào giờ này phút này, mi chỉ cần một người đàn bà, có thể cùng mi hưởng thụ nhục dục---đại khái như thế. (Cúi đầu.)

 

(Gái Điếm xuất hiện từ sau cánh cửa với ánh trăng trên lưng, sắc mặt nhợt nhạt lạnh lẽo.)

 

Gái Điếm: Chỉ thuận theo dục vọng của anh, có phải chỉ như thế không?

Người Mộng Du: (Quay lại.) Mi nói không phải là ả đã chết rồi sao?

Gái Điếm: Bị chính anh giết chết.

Người Mộng Du: Mi nói ngưởi giết ả rõ rệt là Chúa Trùm, hay là, biết đâu lại chẳng là một thằng khốn nạn nào khác. Viên đạn lạc có thể đến từ trước hay sau, bọn chúng giết lẫn nhau, ả vô cớ bị kẹt ở giữa, biến thành con vật hi sinh, rơi vào tay bọn găng-tơ, còn số mạng nào khá hơn được?

 

(Gái Điếm cười khảy.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi ả cười cái gì vậy?

Gái Điếm: (Di động theo ánh trăng, đi vào bên trong cửa, từng bước một đi về phía anh ta.) Nhưng mà chính là anh đẩy cô ta vào trong, anh chóng quên thật!

 

(Người Mộng Du vội vã nhét cái đầu người vào trong va-li.)

 

Gái Điếm: Cô ta bị trí tưởng tượng của anh giết chết, trong trí tưởng tượng trước tiên anh chơi đùa cô ta, rồi mới giết chết cô ta, đàn ông các anh là như vậy đấy.

Người Mộng Du: Mi nói mi không hề có liên can gì đến bọn họ, hoàn toàn khác hẳn nhau!

Gái Điếm: Nhưng mà vẫn cứ là đàn ông, đàn ông tự xem mình là quan trọng, đàn ông nào cũng thế cả.

Người Mộng Du: Mi nói mi rốt cuộc cũng có ít nhiều có chút ... (Giấu va-li ra sau lưng.)

Gái Điếm: Có chút gì cơ?

Người Mộng Du: Có chút thương xót... có chút sợ hãi,... có chút lương tâm...

Gái Điếm: Đừng có nói đến lương tâm!

Người Mộng Du: Vậy thì nói cái gì bây giờ?

Gái Điếm: Một chút lương tâm anh có đã biến mất hết rồi, đúng thế, chỉ còn lại một chút nhu nhược mà thôi, đó chính là sự dị biệt giữa anh và bọn họ, anh đương nhiên hiểu bọn họ có nghĩa là ai, chỉ có điều anh không dám hạ thủ, chỉ giới hạn trong trí tưởng tượng của mình, chỉ có trong vọng tưởng anh mới dám ngang tàng bất chấp, thật ra thì lại nhu nhược vô cùng.

 

(Cánh cửa sau lưng Gái Điếm từ từ đóng lại một nửa.)

 

Người Mộng Du: Mi nói mi có thể chấp nhận sự dị biệt này, nhưng mà mi không chấp nhận là mi nhu nhược.

Gái Điếm: Đừng lo, đâu có nói anh bất lực, chỉ là nói về cái gọi là tư tưởng của anh thôi, anh chỉ biết tự nói với chính mình, dùng óc não quá nhiều đến mức không biết làm tình với đàn bà, cho nên anh mới không có được đàn bà, loại đàn bà mà anh đêm ngày tơ tưởng.

Người Mộng Du: Loại đàn bà nào?

Gái Điếm: Cái đó anh còn phải hỏi, một con điếm, có thể tận tình thỏa mãn các huyễn tưởng tính dục của anh.

Người Mộng Du: (Tần ngần.) Có chứ, nhưng mà vấn đề là có thỏa mãn được hay không?

Gái Điếm: Đương nhiên là anh không tìm ra được.

Người Mộng Du: Tại sao vậy?

Gái Điếm: Dù cho là gái điếm, cũng cứ là người, chỉ có điều họ dùng tính dục làm phương tiện mưu sinh, không phải anh cũng như thế sao? Cũng cần phải có một nghề nghiệp dù thích hay không, cũng cứ phải làm, không phải anh cũng tự bán mình hay sao?

Người Mộng Du: (Trả đũa.) Mi nói mi muốn hỏi ả, ả có thích cái nghề đó hay không?

Gái Điếm: Anh muốn hỏi cái nghề buôn bán thân xác kia? Hay là cái thân thể mà cô ta dùng để mưu sinh? Đàn bà nào thì cũng như nhau cả, vị tất bản tính đã lãnh đạm, cũng vị tất không phóng đãng, điều then chốt là anh có khiêu động được cái thần kinh đó không?

Người Mộng Du: Mi hỏi ả xem có phải là theo đuổi bản năng vật dục hay không?

Gái Điếm: Cũng có thể là trái ngược lại.

Người Mộng Du: Mi hỏi chả lẽ cái ả muốn là cảm tình còn cái mi muốn là cảm quan?

Gái Điếm: Anh nói sai rồi.

Người Mộng Du: Mi nói ả cũng cần tinh thần, không phải chỉ cần tiền?

Gái Điếm: Anh lại sai nữa rồi.

Người Mộng Du: Mi nói như thế thì mi không cách chi hiểu nổi.

Gái Điếm: Anh đáng thương thật.

Người Mộng Du: Vậy thì, đối với đàn bà tính dục là tiền bạc hay là bạo lực?

Gái Điếm: Anh thật là nản quá, nói chuyện với anh mệt quá. Anh không biết nghe đàn bà, không biết nghe tiếng nói của đàn bà, anh mãi mãi không bao giờ hiểu được đàn bà.

Người Mộng Du: Đại khái là thế đấy. (Tiu nghỉu.)

Gái Điếm: (Ve vuốt đầu anh ta.) Thực ra thì cô ta vẫn còn thích anh, một đứa bé to xác.

Người Mộng Du: Người không khơi dậy được dục vọng của ả.

Gái Điếm: Đối với đàn bà thì đó tuyệt nhiên không quan trọng.

Người Mộng Du: Vậy thì cái gì là quan trọng?

Gái Điếm: Đừng làm họ phiền não.

Người Mộng Du: Nịnh nọt họ, bảo là họ đẹp, khiêu gợi, hấp dẫn, bảo là họ phóng đãng, bê tha, hạ tiện, rẻ tiền, giống như một con điếm sẵn sàng bán mình cho bất cứ ai?

Gái Điếm: Nếu như có khách chơi, tại sao không?

Người Mộng Du: (Ngạc nhiên ú ớ.) Có phải... mi hỏi... mi nói mi... cũng có thể bỏ tiền...

Gái Điếm: (Tránh xa anh ta.) Tùy theo, xem cô ta có chấp nhận hay không.

Người Mộng Du: Mi hỏi ả tại sao ả cũng chấp nhận cái thằng khốn nạn kia?

Gái Điếm: Không liên quan gì đến anh, giá sử như cô ta chấp nhận cũng là việc của cô ta, thân thể của cô ta! Anh không xía vô được!

Người Mộng Du: Mi bỏ tiền! Mi nói mi bỏ tiền!

Gái Điếm: Nhưng cũng phải có sự đồng ý của cô ta. (Bỏ đi.)

Người Mộng Du: (Đuổi theo.) Mi hỏi ả cũng đồng ý thằng du côn kia sao? Mi muốn ả nói!

Gái Điếm: (Lui lại.) Nói cái gì?

Người Mộng Du: Nói, mi muốn ả nói ra---(Sấn đến.)

Gái Điếm: Đâu có gì để nói.

Người Mộng Du: Mi nhất định muốn ả nói! Lúc thằng lưu manh kia chơi ả, ả có khoái cảm hay không?

Gái Điếm: (Ngẩng đầu.) Thì đã sao?

 

(Người Mộng Du ngây người ra.

Gái Điếm gập mình rũ ra cười.

Người Mộng Du bước tới, Gái Điếm đưa tay ra chặn anh ta lại.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi ả như vầy là vì sao?

Gái Điếm: Bởi vì anh không hề lưu manh. (Quay lại bỏ đi.)

Người Mộng Du: Mi nói ả cần ma quỉ!

Gái Điếm: Anh còn cách xa ma quỉ nhiều lắm.

Người Mộng Du: Mi nói ma quỉ ở trong tâm mọi người, vấn đề chỉ ở chỗ có thả nó ra được hay không?

Gái Điếm: Vấn đề của anh không phải là anh không muốn, không chịu, mà là anh không thể.

Người Mộng Du: Mi nói ả chỉ đi tìm phóng đãng.

Gái Điếm: Anh cũng không muốn nổi loạn hay sao?

Người Mộng Du: Mi nói ả đúng là một chiếc giầy cũ.

 

(Gái Điếm lập tức cởi chiếc giầy còn lại ra, dơ cao giầy lên, tránh xa dần anh ta.)

 

Gái Điếm: Anh còn có gì để nói không? Cô ta không chịu nổi đàn ông mà còn mang áo lót.

 

(Người Mộng Du cởi áo lót ra, sấn đến gần cô ta.)

 

Người Mộng Du: Con đĩ thối!

 

(Người Mộng Du nhào đến. Gái Điếm quay lưng bỏ chạy.

Du Côn sắc mặt lạnh tanh, không mặc áo, lưng đeo bao súng, xuất hiện trong bóng tối, gã ôm chắn ngang lưng Gái Điếm, giật lấy chiếc giầy trên tay cô ta, đẩy cô ta ngã nhoài, ném chiếc giầy xuống đất, hất đầu ra hiệu cho Gái Điếm nhặt giầy lên. Cô ta nhặt giầy, Du Côn một chân dẵm lên tay cô ta, dùng gót giầy đạp nát ngón tay cô ta. Gái Điếm ngã quị.)

 

Người Mộng Du: Mi nói đó chả lẽ là cái tự do ả theo đuổi sao?

Gái Điếm: Cô ta hỏi anh tự do có nghĩa là gì?

Người Mộng Du: Mi nói tự do có nghĩa là lý do tại sao ả không chạy trốn? Lại vẫn cứ chịu đựng, cũng không kêu la?

Gái Điếm: Cô ta hỏi trốn đi đâu?

Người Mộng Du: Trốn khỏi bàn tay của người khác! Cùng chạy theo cô thôi!

Gái Điếm: Đi theo anh có đạt được tự do không?

Người Mộng Du: Tự do có nghĩa là không nằm trong tay người khác!

Gái Điếm: Cô ta hỏi, nằm trong tay người khác với lại nằm trong tay anh thì có gì khác biệt?

Người Mộng Du: Mi nói ít nhất mi cũng không cưỡng bách ả! Thấy ả bị đầy đọa như thế, mi không cách chi chiu nổi---

Gái Điếm: Cô ta nói cô không cần ai thương hại!

Người Mộng Du: Mi nói mi quả thực không hiểu---

Gái Điếm: Cô ta bảo anh cút đi!

 

(Cửa từ từ khép lại, để lộ một khe hở.

Người Mộng Du ngơ ngác, nhặt áo lót lên.

Chúa Trùm đầu sói mặc áo tây đi giầy da không áo gió, xuất hiện trong bóng tối, nắm tay Gái Điếm, không hề đếm xỉa đến Du Côn, nhảy múa với Gái Điếm.

Du Côn lui lại biến mất.

Người Mộng Du quay đi mặc áo lót vào.)

 

Gái Điếm: Một người đàn ông đáng thương.

Chúa Trùm: Ai cơ?

Gái Điếm: Phía đàng kia.

Chúa Trùm: (Liếc nhìn Người Mộng Du.) Ồ, cái anh chàng cầm va-li.

Gái Điếm: Trong va-li có gì vậy? Không thể là bí mật được.

Chúa Trùm: Một cái đầu.

Gái Điếm: Cái gì?

Chúa Trùm: Cái món đồ chơi, gọi là tư tưởng.

Gái Điếm: A, cái đó gớm thật, tại sao lại còn bỏ vào va-li?

Chúa Trùm: Nếu không, rầt khó mà xử lý, cái thứ ấy lăn loạn khắp mọi nơi.

Gái Điếm: Không vất nó đi đâu được sao?

Chúa Trùm: Này cưng, em nói xem, vất ở đâu bây giờ?

Gái Điếm: Thôi thì đừng nên ném cưng của anh vậy.

Chúa Trùm: Ồ, làm sao mà vất được? Ngay đây này! Rờ rờ trước mắt đó. (Ôm chặt lấy cô ta.)

Người Mộng Du: (Lảng ra xa.) Mi không cách chi hiểu được liên hệ giữa mi và ả, ả bán thiên hạ mua, ả tiêu phí thiên hạ hay là thiên hạ tiêu phí ả, hay là ả tiêu phí chính mình, hay là thiên hạ tiêu phí ả và tự tiêu phí chính mình, những thứ đó thì nhằm nhò gì đến mi? Hay là vì thiên hạ tiêu phí ả và tự tiêu phí chính mình cho nên mi mới có dục vọng? Hay là mi bởi vì à mãi dâm mà nảy sinh phẫn nộ hay nảy sinh dâm dục cũng bởi vì ả bị ngược đãi hay tự ngược đãi mà cảm thấy đau đớn hay là thỏa mãn tất cả đều là tự ngược đãi, những thứ này thì có quan hệ gì với ả?

Gái Điếm: Hắn vẫn còn ở đó à?

Chúa Trùm: Sợ hắn hay sao?

Gái Điếm: Không phải là sợ mà chán ngấy.

Chúa Trùm: Hay là trừ quách hắn đi cho xong!

Gái Điếm: Đừng, kệ xác hắn. (Ôm chặt gã.) Anh sướng không?

Chúa Trùm: Sướng.

Gái Điếm: Anh sướng, em cũng sướng.

Chúa Trùm: Cưng ơi, vậy là được rồi.

 

(Chúa Trùm nhắc tay Gái Điếm lên, để cô ta xoay vòng.)

 

Chúa Trùm: Hắn nói ả là một con mèo giảo hoạt.

Gái Điếm: Cô ta nói không đúng, mà là một con mèo lười biếng, vưa lười vừa tham. (Cười khanh khách.)

 

(Chúa Trùm để cô ta quay vòng vòng, rồi vung một tay ra, Gái Điếm biến mất trong bóng tối.)

 

Người Mộng Du: Đây là một thế giới chán ngắt. Mi nghĩ, cũng vì mi tự ngược đãi. Mi cũng chán ngắt không kém, mi thừa biết như thế, mi biết mi đã kể như hết thuốc chữa!

(Bỏ đi.) Mi nói mi không thích ăn dâu, vừa nhạt nhẽo vừa vô vị. Mi thà thích nhìn người khác ăn, nhất là một cô gái trẻ, bỏ từng trái dâu đỏ tươi vào cái miệng còn đỏ tươi hơn cả trái dâu, mi thấy xem còn thú vị hơn là ăn nhiều.

(Lớn tiếng.) Mi thấy một con dơi rơi xuống---(duỗi tay ra, mở rộng bàn tay, để lộ một con dơi.) Đúng thế, một con dơi! Mi chưa từng thấy dơi trong thành thị, cũng chưa thấy rít, cũng không có chim én, chỉ toàn chó và mèo, ngay cả chuột cũng rất hiếm, đường sá toàn là cứt chó!

 

(Chúa Trùm lạnh lùng nhìn Người Mộng Du.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi hắn còn muốn cái gì nữa?

Chúa Trùm: Gã nói mày là nô bộc của gã.

Người Mộng Du: Mi nói mi không để cho gã mướn.

Chúa Trùm: Gã nói mày là một con trùng.

Người Mộng Du: Mi nói cút mẹ nó đi. (Ném con dơi về phía gã.)

Chúa Trùm: Gã nói mày là một thứ gia súc để người ta sai sử.

Người Mộng Du: (Người Mộng Du nhặt va-li lên.) Mi nói gã không còn cưỡng bách mi được nữa.

Chúa Trùm: (Nơi khoé miệng Chúa Trùm từ từ nở nụ cười.) Gã nói mày là con chó của gã.

Người Mộng Du: (Nhặt va-li lên.) Mi nói gã đã chết rồi.

Chúa Trùm: (Lộ vẻ khinh miệt.) Gã nói mày vẫn nằm trong vòng cương tỏa của gã.

Người Mộng Du: (Nhấc bổng chiếc va-li lên.) Mi nói gã không còn sức mạnh gi đối với mi nữa, không còn thao túng được nữa!

Chúa Trùm: (Làm một thủ thế lạ lùng.) Gã nói tất cả những gì gã muốn mày làm, mày đã làm cả rồi.

 

(Người Mộng Du nhấc chiếc va-li lên, ra sức ném về phía gã.

Chúa Trùm bất động thanh sắc, nhặt chiếc va-li lên. Khe cửa đồng thời khép chặt, ánh trăng hoàn toàn tắt hẳn, Chúa Trùm cũng theo đó biến mất.

Trên sân khấu chỉ còn ánh sáng yếu ớt màu trắng bạc.)

 

Người Mộng Du: Mi nói mi không có thương xót lại cũng chẳng cảm thông.

                          Thấy người khác chịu khổ, mi lại thấy sung sướng.

                          Mi nói mi muốn hủy diệt tất cả,

                          Mi nói mi biết mi hết sức tàn nhẫn,

                          Mi có thể giết người mà không hề động thanh sắc.

                          Mi nói mi thấy ác kích thích hơn là thiện,

                          So với người khác chưa chắc mi đã ít ác hơn.

                          Mi nói chỉ vì mi không có quyền lực vô thượng,

                          Nếu không, thế giới hẳn đã bị hủy diệt từ lâu.

                          Mi nói mi muốn la hét ầm lên---

                          Nhưng mà không còn thanh âm.

                          Mi nói thiên hạ giống như sâu bọ,

                          Nhung nhúc khắp thế giới, để làm gì, lại hoàn toàn không biết,

                          Giống như đáy biển tịch tĩnh,

                          Bóp chết và nuốt chửng

                          Đều không một tiếng động.

                          Lửa lan khắp tứ phía... (Nhìn chân.)

 

(Đèn đường sáng dần, thành màu đỏ thẫm.)

 

Người Mộng Du: Một mặt trời

                          Chỉ có ánh sáng mà không sức nóng,

                          Rơi trên cây khô. (Ngước nhìn cột đèn.)

                          Thời gian đã đình trệ

                          Tại sao mi còn cần trốn chạy?

                          Ki-tô, một hành giả cô độc,

                          Không ai cứu được ai cả. (Đứng lại dưới cột đèn.)

                          Ngài không phải là chúa cứu thế, cũng không phải là sứ đồ,

                          Ngay cả cái trò chơi tử vong, ngài cũng đã chán ngấy.

 

(Gái Điếm chân không cầm va-li, ngồi xuống xếp chân, hai chân kẹp va-li, mở nắp va-li, bắt đầu chăm chú trang điểm.)

 

Người Mộng Du: Mi nói đủ rồi.

Gái Điếm: (Đối diện với nắp va-li mở ra, như thể tấm gương, dùng những viên bông gòn lau mặt.) Cô ta hỏi anh đủ rồi có nghĩa là gì?

Người Mộng Du: Mi nói đủ rồi tức là đủ rồi, đủ rồi là một từ.

Gái Điếm: Cô ta hỏi, (lau lông mày) một từ có nghĩa là gì?

Người Mộng Du: Mi nói từ tức là từ, vốn không có ý nghĩa gì cả, nhưng mà chúng ta cũng có thể áp đặt cho nó vô số ý nghĩa, toàn do nơi chúng ta, tùy theo cách mình giải thích, nhưng tự nền tảng, từ vẫn cứ là từ, không hề có ý nghĩa. Chúng ta tha hồ dùng trắng, đen, ăn, làm tình, chúa cứu thế, thụ nạn, phi lý, gom lại một hơi, hay là tổ hợp thành nguyên tắc hoặc thứ tự, hay là phá nát chúng, rồi lại đảo lộn lên, rồi nối kết lại, rồi lại chấn chỉnh lại, rốt cuộc tất cả cũng chỉ là lập lại những lời vô nghĩa lý.

Gái Điếm: Vậy thì, cô ta hỏi, (nhắm mắt trái lại.) Tất cả những gì anh nói đều toàn là lời thừa? (Lau vòng mắt phải.)

Người Mộng Du: Cũng có thể, cũng không thể.

Gái Điếm: (Đổ dầu trên tay.) Có thể cái gì? (Nhắm hai mắt lại.) Cũng có thể không cái gì? (Lau mặt.)

Người Mộng Du: Chẳng là gì cả!

Gái Điếm: Thế là xong. (Buông viên bông gòn dùng để lau mặt trên tay xuống.)

Người Mộng Du: Xong cái gì?

Gái Điếm: Xong tức là xong. (Dùng một tờ giấy vệ sinh lau tay.)

 

(Gái Điếm ngẩng đầu lên, trên mặt chỉ thấy cái miệng đỏ tươi.

Người Mộng Du nhìn đăm đăm.

Gái Điếm móc từ trong va-li ra một cái đầu đàn ông giống hệt Người Mộng Du, nâng trên tay, quan sát kỹ một lần, sau đó, nhè nhẹ buông tay, cái đầu lăn xuống đất. Cô ta uể oải đứng dậy, đèn đường tăt ngúm. Gái Điếm biến mất.

Người Mộng Du đến trước cái đầu, cúi xuống quan sát, dùng chân dọ dẫm một hồi.

Lãng Tử cầm chai rượu bước vào.)

 

Lãng Tử: Trời sắp sáng đến nơi rồi, còn luẩn quẩn ở đây làm gì vậy?

Người Mộng Du: Ồ! (Vội vã đạp một cái, nghiền nát cái đầu, quay lại.) Xin lỗi. Mi hỏi gã xem cái đầu còn ở đây không?

Lãng Tử: (Khinh bạc.) Cái đầu? Sớm muộn gì rồi ai cũng mất, cũng có lúc để mất đầu, hơn nữa cũng không có cái đầu nào mà mãi mãi không mất cả.

Người Mộng Du: Đúng như thế, nhưng mà mi hỏi là cái đầu mi có còn không?

Lãng Tử: (Dương mi.) Chú có muốn uống thêm chút nữa không?

Người Mộng Du: (Tiếp lấy chai rượu rồi tu một hớp, cười.) Mi nói mi đã không còn phân biệt được rõ ràng là mi uống hay là cái đầu của mi uống.

Lãng Tử: Cũng như nhau thôi. (Dơ chai lên xem rượu.) Cái gì uống hết đều là rượu cả. (Ném chai đi.)

 

(Cả hai đều cười khoái chí.)

 

Người Mộng Du: Tất cả đều là do đàn bà gây ra, nếu không vì cái con đượi kia giữa thời tiết lạnh lẽo như vầy để lộ đùi chỉ mang có một đôi vớ ni-lông dài, nửa đêm mời mọc thiên hạ, thì giấc ngủ của bác đâu có bị phá đám? Mi nói mi thực có lỗi hết sức.

Lãng Tử: Đàn bà rốt cuộc cũng cứ là đàn bà.

Người Mộng Du: Câu ấy không sai! Sai là ở chỗ, mi nói, thiên vạn không bao giờ nên bao đồng chuyện đàn bà.

Nhưng mà ả nói là trên vớ của ả có một lỗ lủng---

 

(Lãng Tử bật cười ha hả.)

 

Người Mộng Du: Mi nói cái sai lầm của mi là ở chỗ lẽ ra không nên để ả băt chuyện!

 

(Lãng Tử lại bật cười ha hả.)

 

Người Mộng Du: Mi nói đều tại mi tự nhiên còn hỏi. Bớt nói càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu!

 

(Lãng Tử vẫn còn cười ha hả.)

 

Người Mộng Du: (Tự cười.) Mi nói nhưng mà mi vẫn hỏi.

 

(Lãng Tử lại cười nữa.)

 

Người Mộng Du: Mi nói mi không ngờ, lại bị lôi thôi đến như vầy...

 

(Lãng Tử vẫn còn cười.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi phải chăng gã cười mi?

 

(Lãng Tử lại cười nữa.)

Người Mộng Du: Điều này thì có cái gì đáng cười?

 

(Lãng Tử vẫn cứ cười.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi gã cười mi hay là cười cái lỗ lủng trên vớ?

 

(Lãng Tử lại cười nữa.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi gã có thể không cười được không?

 

(Lãng Tử vẫn nheo mắt cười.)

 

Người Mộng Du: Mi hỏi gã ngụ ý gì vậy?

 

(Lãng Tử vẫn cười không thôi.)

 

Người Mộng Du: Chẳng có ý nghĩa gì cả!

 

(Lãng Tử vẫn cứ cười.)

 

Người Mộng Du: Chính vì nhàn rỗi mà mới cười như điên như thế.

 

(Lãng Tử vẫn há miệng ra mà cười.)

 

Người Mộng Du: Bác không còn nói gì nữa. (Bỏ đi.)

 

(Lãng Tử vẫn cứ nhìn anh ta cười.)

 

Người Mộng Du: (Quay lại đối diện gã.) Mi hỏi gã có thể ngưng cái cười ngu xuẩn này được không?

 

(Lãng Tử miệng vẫn toang hoác.)

 

Người Mộng Du: (Hét lên.) Được rồi, khứa lão này! (Sấn đến, hai tay nắm lấy cổ Lãng Tử.) Mi không còn chịu đựng được sự châm chọc này, phải cho gã biết là mi không hề bạc nhược như thế, mi tràn đầy khí huyết, không phải là cái bóng của người khác, mi thực sự tồn tại, trên cái thế giới vô ý nghĩa này, ngay cả mi cũng vô ý nghĩa không kém, dùng sự phản kháng vô ý nghĩa ra đối phó với cái thế giới vô ý nghĩa này, cũng ít nhiều chứng minh được sự hiện hữu vô ý nghĩa của mi! (Thõng tay.)

 

(Lãng Tử ngã xuống đất, nụ cười vẫn ngưng đọng trên khuôn mặt.)

 

Người Mộng Du: (Ngạc nhiên.) Mi bóp cổ gã chết? Chuyện này không thể xảy ra được!

(Lay gã.) Đừng rỡn nữa, ông già! (Tát vào mặt gã cũng không thấy phản ứng.) Mi không cố ý dồn gã vào tử địa, chỉ bất quá không chịu nổi thứ châm chọc này... (Lui lại.) Mi nói---(Nhìn quanh.) Mi không có ai để giãi bày. Cho dù mi biết là bốn chung quanh có từng cặp mắt lớn không ngớt theo rõi mi, mi không tránh khỏi cái bẫy rập này, nếu như không do người ta đẩy mi xuống, thì cũng do mi tự sa vào, mi có phản kháng đi nữa, lấy ác trả ác, lấy phẫn nộ đối lại bạo lực, để hủy diệt người khác và tự cứu mình, để khỏi bị người khác hủy diệt, mi vẫn cứ rơi vào bẫy rập của họ như thường. Không, trong hoàn cảnh nguy hiểm như vầy, mi phải giả bộ như không có gì, làm cho xong cái việc này, đừng quan tâm là người ta quấy rầy mi trước hay mi quấy rầy người ta trước, còn như ai trước ai sau cái thứ tranh tụng này đừng có mong bao giờ phân minh được, tóm lại, mi phải xóa hết tang chứng vết tích, bất chấp mi có tội hay vô tội, song cái vụ này mi làm sao mà vô tội được, thế nhưng quyết định có tội hay không lại hoàn toàn không phải do mi.

(Ôm ông già lên, bỏ vào va-li, nhét tay chân ông vào trong, rasức ấn mạnh nắp, cuối cùng đóng lại được, ngồi trên va-li thở dốc.) Mi ở trên tội ác, không, mi ở ngoài tội ác, không, tội ác ở trong tâm mi, cái mi phải tiêu diệt chính là cái cảm giác tội ác ở trong tâm mi!

(Đứng dậy dậm chân, phát ra tiếng lộp cộp, rồi lập tức dừng lại, cởi giầy ra, cầm trong tay.) Mi không cách chi tiêu diệt cái cảm giác bẩm sinh này được, ai ai cũng có mi không hề vô tội, mi chỉ đừng nghĩ đến là được rồi!

 

(Trên cầu treo ánh bình minh le lói.)

 

Người Mộng Du: Trước khi trời sáng, trước khi xe rác đến mi phải trở về nhà, chỉ cần đừng đụng mặt các hàng xóm cùng lầu của mi trên hành lang đang lũ lượt đón chuyến xe buổi sáng, lặng lẽ lủi vào phòng, khe khẽ khóa lại, là mi an tâm, sảng khoái tắm một trận nước nóng, sau đó, sạch sẽ, thoải mái, nằm dài trên giường, tuyệt nhiên không cần phải âu lo gì nữa, cơn ác mộng này kể như qua luôn.

 

(Một người bịt mặt mặc áo lót giống y như Người Mộng Du xuất hiện trên cầu treo chặn đường anh ta trên cầu.)

 

Người Mộng Du: Ông là ai? Ông muốn gì? Mi muốn ông tránh qua một bên! Mi hỏi ông là ai? Mi hỏi ông rốt cuộc muốn làm gì? Mi muốn ông---để mi đi---qua---!

 

(Cả hai không ai nhường ai, lặng lẽ giằng co.

Tiếng xe điện ngầm lướt đến gần, hai người vẫn giằng co.

Xe phóng qua, đèn trên sân khấu tối đi. Có tiếng hét ú ớ khàn khàn.

Góc trái sân khấu phía trước sáng lên, trong toa xe trống vắng không người, chỉ có cuốn sách mở ra nằm trên sàn.

Người Soát Vé bước vào, nhặt sách dưới đất lên, bước ra.)

 

Màn hạ.

 

Paris, ngày 18 tháng 11, 1999.
(Vở kịch này được viết và diễn dưới sự bảo trợ của Beaumardais Foundation, Pháp Quốc.)

 

 

------------------------------------------------------------------

Vài đề nghị và thuyết minh về việc diễn vở "Người Đi Đêm":

1. Chủ đề của vở kịch này là ác mộng, đương nhiên là phải tránh mô phỏng cảnh huống của đời sống hiện thực hay cách trình bày tự nhiên, nhưng mà cũng tuyệt nhiên đừng cố làm ra vẻ quái đản. Sự truy cầu thực tại tâm lý và việc nhấn mạnh hình thức trình diễn kịch tính, phải nói là có thể đi đôi chứ không tương phản nhau. Trái lại, cái cường độ của vở kịch nằm ở chỗ đối ứng của hai bên. Diễn viên cần phải thiết lập trung tính của vai trò diễn viên trên sân khấu, sau đó mới lắng nghe, tường thuật và đóng vai của mình. Cái trung tính của vai trò diễn viên này giúp cho diễn viên thể nghiệm được nội tâm của các nhân vật cũng như bảo trì được cái quân bình của cảm giác trình diễn.

2. Các đồ vật trong kịch cũng là những đồng diễn giao lưu của các nhân vật, một khi diễn viên đã làm sống động được chiếc giầy, va-li, hộp giấy, đầu người và cánh cửa lớn, là có thể làm vở kịch sống động ra, cũng tránh làm cho những đoạn độc thoại khá dài biến thành tuyên đọc. Người dàn cảnh sân khấu cần phải làm nổi bật các đồ vật này, đừng để chúng bị chìm mất trong bối cảnh.

3. Vở kịch này dùng một số thủ pháp ảo thuật, cái chế tạo biến hóa kỳ dị của ảo thuật làm thành hiệu quả của vở kịch, đồng thời cũng dễ thích dụng với cách thiết kế bối cảnh và ánh sáng. Lúc sử dụng các biện pháp này cần phải linh lợi trong sáng, không cần phải quan tâm là khán giả có thấy hợp lý hay không.

4. Vở kịch này dùng hình thức kịch diễn nhắm thử giải thích một số chủ đề cổ xưa như Thượng Đế và ma quỉ, đàn ông và đàn bà, thiện và ác, cứu thế và thụ nạn, cũng như ưu tâm của người hiện đại về tha nhân và tự ngã, ý thức và ngôn ngữ. Nếu diễn kịch bằng Hoa ngữ, Lãng Tử trong vở kịch bất tất phải tương tự với hình ảnh Thượng Đế trong văn hóa truyền thống Tây phương, mà có thể tham chiếu Phật Sống Tế Công trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Các nhân vật khác cũng thế: Chúa Trùm có thể là Lão Đại của một bang hội, Du Côn có thể trở thành sát thủ, nhưng mà Gái Điếm thì đừng bao giờ mặc "kỳ bào," Người Mộng Du cũng như các nhân vật tương tự, đều mặc y phục thông thường của người hiện đại, chỉ đừng cần đeo cà-vạt hay nơ. Nếu diễn băng ngôn ngữ Tây phương, cách thiết kế y phục có thể tùy tiện.

Những ý kiến trên chỉ là để tham khảo.

 

----------------------------
Như Hạnh dịch từ nguyên tác Hoa ngữ Dạ Du Thần (Yeyoushen) của Cao Hành Kiện, trong Gao Xingjian, Yeyoushen: Gao Xingjian xijuji, 010. (Taiwan: Unitas Publishing Co., Ltd., 2001).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021