kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Dao cảm

 

Lời toà soạn:
Kẻ vô loài là một vở kịch ngắn, trong tập SHORT PLAYS / KỊCH NGẮN của Nguyễn Quỳnh (dưới bút danh J.E. Williams), gồm 10 vở: The Outcast (2006, Kẻ Vô-loài), The Return (2006, Trở Về), Language (2006, Ngôn-Ngữ), North Mountain (2006, Bắc-sơn), Afternoon Yawning (2006, Ngáp Xế Trưa), Tây-Thi (2006), Intercursus (2006, Dao-cảm), Metaphor (2006, Ẩn-dụ), Vanitas (2005, Ngày Xanh Mòn Mỏi), và Belvedere (1996-2006, Đèo Ngoạn-Mục). Tập SHORT PLAYS / KỊCH NGẮN có lời nói đầu như sau:
 
Những vở kịch ngắn này được khởi sự viết từ ngày 28 tháng 2, 2006, ngoại trừ vở “Đèo Ngoạn-Mục” viết năm 1996, và được bố-cục lại. Hầu hết được trước-tác bằng Anh-ngữ, rồi chuyển sang Việt-ngữ với một vài thay đổi về mặt ngôn-ngữ, chứ không xâm-phạm nội-dung.

 

___________

 

DAO-CẢM

 

KỊCH NGẮN MỘT MÀN, MỘT CẢNH

 

Vào khoảng mười giờ sáng thứ bảy tại thư-viện riêng của giáo-sư ngữ-học kiêm triết-học. Một bức màn nhung phủ lên cửa kính nằm giữa thư-viện và hành lang rộng. Bên ngoài, chan hoà nắng vàng ấm-áp tháng mười. Loan ngồi bên bàn với cuốn sổ ghi chép, mắt theo dõi giáo-sư. Giáo-sư mặc chiếc áo choàng nhung xanh đậm. Ông đi đi lại lại trong phòng, lúc yên-lặng trong suy-tư, lúc đưa tay nhấn mạnh vào một í, phác-hoạ một một sơ-đồ, tìm chữ dùng cho đúng.

 

Giáo-sư: Chúng ta có tiếng nói không?

Loan: Em nghĩ có chứ. Hiển-nhiên là thế.

Giáo-sư: Tôi nắm lấy hai chữ “hiển-nhiên” để bênh vực cho cái quyền con người có tiếng nói. Thế nhưng, tiếng nói thuộc về kẻ mạnh. Cô cho tôi ví dụ.

Loan: Độc-tài.

Giáo-sư: Cô Loan rất thông-minh, biết ngay sự khác biệt giữa “con người trừu-tượng” và “con người trong xã-hội và chính-trị.” Trong xã-hội chuyên-chế, chỉ có kẻ thống trị là có “ngôn-ngữ” mà thôi. Người dân phải dùng ngôn-ngữ của nó. Cho nên tiếng nói của chúng ta bị ô-nhiễm.

Loan: Em đã hiểu câu hỏi của thầy.

Giáo-sư: Hôm nọ chúng ta bàn về chữ “Giao”“Dao” trong luận-văn Tiến-sĩ của cô.

Loan: Thầy đưa ra thắc-mắc về hai âm “G” và “D” trong tiếng Việt.

Giáo-sư: Giả-thiết của cô về hai âm đó, dựa trên tư-tưởng của Peirce, cần phải bàn kĩ hơn.

Loan: Luận-án của em toàn là giả-thiết.

Giáo-sư: “Giả-thiết” tốt chứ, vì tự nó có mục-đích, Télo, có nhận-thức, Epystemology, và có í-thức, Consciousness.

Loan: “Giả-thiết” đi từ “Định-luật, Kết-quả” và tiến đến “Trường-hợp của giả-thiết”.

Giáo-sư: Đúng thế. Đó chính là lối cắt-nghĩa của Peirce. Nhưng giả-thiết cũng có nghĩa “chộp được” hay Abduction”.

Loan: Chộp được “D” hay “G”.

Giáo-sư: Tiếng Việt là thứ tiếng mỗi âm chỉ vào sự-vật mà thành nghĩa.

Loan: Khi nó chỉ vào “dữ-kiện” thì sao?

Giáo-sư: Đấy nhé, cô vừa dùng chữ “dữ-kiện”. Nó là từ trừu-tượng, ta vay mượn của Tầu. Vậy ta phân-biệt ngôn-ngữ trong hai lĩnh-vực. Nghĩa của chữ đến từ sự quan-sát sự-vật, và nghĩa của chữ đến từ hoạt-động của trí-tuệ.

Loan: Trường-hợp thứ hai là những từ trừu-tượng.

Giáo-sư: Của lĩnh-vực chuyên-môn trừu-tượng, tức là “khái-niệm”.

Loan: Thế thì phải chỉ vào “sự-vật” và “sư-kiện” mới biết khi nào đọc là “D” và khi nào đọc là “G”.

Giáo-sư: Đó là lí-luận phổ-thông. Nhưng ngôn-ngữ phải là hoạt-động.

Loan: Nghĩa chỉ rõ ràng trong hoạt-động như Wittgenstein đã nói.

Giáo-sư: Đúng quá! Tôi luôn luôn nghĩ cô là sinh-viên ưu-tú.

Loan: Hãy nói tới “Dao” như “Cành Dao.”

Giáo-sư: Làm sao ta biết được “Dao” trong “Cành Dao” phải viết là “D”, tại sao lại không là “G”. Chúng là âm của địa-phưong hay là quyết định có tính tuỳ-nghi đã trở thành công-ước?

Loan: Nếu chúng không có nghĩa rõ ràng thì đó là tính tuỳ-nghi đã trở thành công-ước.

Giáo-sư: Đúng. Theo lí-luận, làm sao nghĩa lại dựa trên tính tuỳ nghi của âm.

Loan: Trừ phi âm đó có tính hoàn-vũ. Tức là căn-bản hay uyên-nguyên.

Giáo-sư: Đúng. Để cho thoải mái, chúng ta nên ra bao lơn nhìn trời mây để bàn về mấy tính mây trời trong trường-hợp này.

(Hai người đã ở ngoài hành lang)

Loan: Thế còn “Giao-hưởng” như trong “Giao-hưởng Khúc”, tức Symphony?

Giáo-sư: Lại là vấn đề phải biết chắc “Giao” có ngĩa gì, và “Dao” có nghĩa gì? Cô nói “con dao”?

Loan: Vâng. Em nghĩ thế. Ta vẫn nói “con dao”.

Giáo-sư: Thế “Dao” trong “con dao” và “Dao” trong “Cành Dao” có cùng nghĩa gốc không?

Loan: Cứ theo từ-điển của Cha Eugène Gouin, thì chữ “DAO” có một số nghĩa khác nhau.

Giáo-sư: Xê một tí cho khỏi nắng. Rồi. Cô cho biết vài nghĩa của “DAO”.

Loan: Nghĩa thông thường chỉ dụng cụ để cắt, xén, đâm, như “dao phay”, “dao bổ cau”, “dao găm”. Nghĩa thứ hai, em nghĩ có thể đến từ Hán tự.

Giáo-sư: Xin cô cứ nói là Tầu. Xin nói tiếp.

Loan: “DAO” có nghĩa là “màu xanh”, như “Quỳnh-dao” là “ngọc xanh”.[*] “DAO” có nghĩa là “lung lay, hất lên” như trong câu “Dao đầu bãi vĩ” . “DAO” cũng có nghĩa là “xa xôi”. “DAO” như trong câu “ Giao-linh / Đánh chuông” “Dao cầm / Đàn đá” “Dao khúc/ Bài hát bình dân hay “ca dao”...

Giáo-sư: Hay! Xê một tí vào trong cái dù kia. Gió làm tóc cô bay vướng mắt .

(Hai người khuất sau bức màn. Chị ở mở cửa đưa tay chỉ bộ sa-lông ra dấu mời Oanh ngồi và đưa ngón tay lên môi rồi chỉ vào bức màn í nói giáo-sư đang bận. Oanh gật dầu, ngồi xuống ghê, tay vắt vạt áo dài lên đùi, tay kia kia để giỏ đựng sách xuống sàn. Đằng sau bức màn...)

Loan: Đó là những chữ “DAO”, viết bằng “zê/D”

Giáo-sư: Thì ta cứ chấp nhận cách dùng “(D/Zê” như thế. Tôi chỉ có í-kiến: Nếu “Zê/D” trong “Dao-linh” có nghĩa là “rung-động/ đánh” thì tại sao ta không viết là “Dao-hưởng khúc”? mà lại viết là “Giao-hưởng khúc”?

Loan: Em nghĩ “Giao” trong “Giao-hưởng khúc” có nghĩa là “hoà-hợp”.

Giáo-sư: Thế thì “Dao-cảm” là hoà-hợp cảm-quan? Tại sao không viết là “Giao”?

Loan: Tập quán?

Giáo-sư: Còn gì nữa? Cũng trong từ-điển của Gouin đấy. “Dao-cảm”... cô học trường Pháp. Nghĩa là gì?

Loan: Là gì? “Dao-cảm” là gì?

Giáo-sư: Coïter! Giao-cấu.

Loan: “Giao-cảm” là “Dao-cấu”?

Giáo-sư: Thì cũng như cô đã biết “giao” có nghĩa là “hoà hợp”, như Giao-cấu, giao-hoan, giao-hợp.

Loan: Đừng! Thầy cứ nói, nhưng đừng. Đừng!

(Oanh đỏ mặt tủm-tỉm cười.)

Giáo-sư: Ô hay! Chúng ta đang đi sâu vào ngôn-ngữ. Như cô đã nói, “Đi sâu vào ngôn-ngữ phải là hoạt-động.”

Loan: Nhưng sao phải thế này?

(Oanh mở to đôi mắt, đưa ngón tay lên môi, từ từ mỉm cười.)

Giáo-sư: Thấy chưa? “Giao-hợp” tiếng Tầu không cho ta khái-niệm cụ-thể. Nó bắt ta liên-tưởng. Tức là dịch hay “translation”. Tiếng Việt ở trường hợp này cho ta thấy hoạt-động, không úp mở. Như thế này.

Loan: Sao phải thế này?

(Oanh lắc đầu, duỗi chân, miệng chúm chím.)

Giáo-sư: Không đạo-đức giả. Thế này phải gọi là gì?

Loan: Là gì?

Giáo-sư: Chả nhẽ học trường Tây nên cô quên tiếng Việt hay sao? Gọi là gì?

Loan: Địt!

(Oanh há miệng, quay nhìn về phía màn.)

Giáo-sư: Đúng! Thấy chưa? Âm “Đ” rất mạnh, từ hoạt động mà ra. Một âm thôi mà ta cảm thấy nó đi từ điểm này sang điểm khác. Đọc lại “Địt”!

Loan: Địt!

Giáo-sư: Hãy cho tiếng đồng nghĩa.

Loan: Đụ!

(Oanh cười úp mặt vào hai bàn tay.)

Giáo-sư: Đúng. Các cụ Việt nhà ta giỏi thật! Nữa. Nữa. Nữa!

Loan: Đéo.

(Vẫn úp mặt vào hai bàn tay, lắc đầu và dường như đang cố dằn tiếng cười.)

Giáo-sư: Đúng. Thấy không, sắc như dao đâm. Nữa. Nữa. Nữa!

Loan: Phét.

(Oanh vội đứng dậy. Nhưng quên giỏ đựng sách nên cúi xuống. Vừa lùc ấy trong màn...)

Giáo-sư: Rất tới. Âm “Đ” như tọng vào. Âm “Phơ” như day như thở. Còn gì hơn.

Loan: Mạnh và không thương tiếc như “Nói phét”.

(Oanh đỏ mặt quay lưng, bước lại cửa, tay sắp để vào quả đấm thi ngừng lại và lắng nghe.)

Giáo-sư: Ấy! Ví như thế có nghĩa “chỉ có PHÉT mới tới.” Tới chưa?

Loan: Tới. Tới lắm!

Giáo-sư: Thôi nhớ?

Loan: Thầy rất giỏi! Lối dậy táo bạo và nhiều kinh-nghiệm. Nhưng rất mất dậy!

(Giáo-sư vén màn bước ra mắt còn đờ đẫn, khựng lại nhìn Oanh. Oanh lúng túng.)

Oanh: (Nhìn đồng-hồ đeo tay) Chào thầy! Thầy hết bận chưa?

Giáo-sư: Ấy. Tôi xin lỗi làm mất giờ của cô! Cô Loan rất giỏi. Nhưng vẫn còn phải đi “thực-tế” nhiều lần nữa thì mới khuất phục được hội-đồng.

Oanh: Nếu thầy còn bận em sẽ đến vào ngày khác!

Giáo-sư: Không. Không! Không hoãn được. Tuần tới thì muộn. Mời cô ngồi xuống!

(Oanh ngồi xuống sa-lông. Giáo sư đi đi lại lại trong phòng, đầy đam mê và phấn-khởi. Oanh đợi chờ, tay đã cầm bút, cuốn vở ghi chép đã mở ra.)

Giáo-sư: Đề-tài luận-án của cô là gì?

Oanh: “Đầu”.

Giáo-sư: A! Tôi thích đề tài nghiên-cứu của cô. Hãy hiểu “Đầu” trong hai í-nghĩa. Í-nghĩa của trí-tuệ, ở đây là “tưởng-tượng” và í-nghĩa của một vật, lù lù đi đến, như “đầu tầu” . Xin cô Oanh cho ngay í-kiến.

Oanh: Em cần thầy giúp?

Giáo-sư: “Đầu” gì?

Oanh: Một câu hỏi?

Giáo-sư: “Đầu” trong câu hỏi “ siêu-hình” và “Đầu” trong câu hỏi về “nhận-thức”.

Oanh: “Đầu” là gì? và “Làm sao để biết “Đầu”?

Giáo-sư: (Nhẹ nhàng cởi đai áo choàng nhung xanh, lưng quay về phía khán-giả, mặt đối diện với Oanh) Rút kinh-nghiệm của cô Loan và để tranh thủ thời gian, chúng ta phải cụ-thể hơn. “Đầu” gì?

Oanh: (Ngỡ-ngàng mở to mắt, ngây như tượng đá) Đầu ... Đầu.. Thầy điên cái đầu!

Giáo-sư: Giời ơi! Đầu gì? Thề đi là cô đã biết đầu gì!

 

MÀN

 

-------------
Lưu-í: Trong vở kịch La Leçon, E. Ionesco miêu-tả ngôn-ngữ không theo qui-luật ngữ-học mà theo cái nhìn (intentionality) phi-lí bệnh-hoạn của con người bị thác-loạn tâm-trí (psychopath). Trong vở kịch Dao-cảm này tác-giả trình bày lí của ngôn-ngữ là lẽ sinh-tồn tự- nhiên của con người, không thể bị vi-phạm trừ phi ngôn-ngữ bị hiểu sai. Nhưng trên thực-tế tiếng nói của quần-chúng bị tiếng nói của uy-quyền thống-trị áp-đảo. Lối dùng hành-động dục-tính trong vở kịch qua ẩn-dụ “hiếp-dâm” tất-lí (paradox) là cách khôn-khéo uốn-nắn theo luật-pháp, để cho vấn-đề vi-phạm nhân-quyền diễn ra như là một thoả-ước. Đây chính là cái nhìn (intentionality) của quyền-lực.
 

 

_________________________

[*]Ở đây tác giả Nguyễn Quỳnh đã sử dụng cách giải nghĩa trong Dictionnaire vietnamien-chinois-français (1957) của Eugène Gouin. Theo Hán-Việt Từ Điển (1957) của Đào Duy Anh, “dao” 搖 có nghĩa là “một thứ ngọc tốt”. Theo Từ Điển Hán Việt Hiện Đại (1995) của Nguyễn Kim Thản và tập thể tác giả, “dao” có nghĩa là “ngọc đẹp”. Theo Từ Điển Trung Việt (1993) của tập thể tác giả nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, “dao” có nghĩa là “ngọc”. [Chú thích của Tiền Vệ.]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021