|
Thở
|
![]() |
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
có thêm phần phụ chú.
THỞ
MỞ MÀN
1. Ánh sáng nhạt trên một sân khấu ngổn ngang đủ thứ rác rưởi. Giữ chừng năm giây. 2. Một tiếng kêu ngắn và yếu ớt và lập tức một tiếng hít hơi và ánh sáng tăng dần đến tối đa; tất cả diễn ra trong chừng mười giây. Im lặng và giữ chừng năm giây. 3. Một tiếng thở ra và ánh sáng giảm dần đến tối thiểu (như ở đoạn 1) tất cả diễn ra trong chừng mười giây và lập tức một tiếng kêu như lần trước. Im lặng và giữ chừng năm giây.
HẠ MÀN
RÁC
Không có thứ gì đứng thẳng lên, tất cả đều bị vất nằm ngổn ngang bừa bãi.
TIẾNG KÊU
Một mảnh tiếng kêu của trẻ sơ sinh được thu âm sẵn. Điều quan trọng là hai lần kêu phải hoàn toàn giống nhau; việc bật và tắt máy phát âm phải xảy ra ăn khớp với ánh sáng và hơi thở.
HƠI THỞ
Thu âm sẵn và khuếch đại.
ÁNH SÁNG TỐI ĐA
Không sáng rực. Nếu 0 = tối, và 10 = sáng rực, thì ánh sáng nên tăng dần từ khoảng 3 đến 6 và giảm xuống trở lại.
------------------------------------------------------ Phụ chú về vở kịch Breath Năm 1969, Beckett viết Breath (tôi dịch là Thở vì chữ "Hơi thở" có vẻ dài dòng) theo lời yêu cầu của Kenneth Tynan — nhà phê bình kịch nghệ hàng đầu của nước Anh. Tynan muốn Samuel Beckett viết một vở kịch rất ngắn để tham gia vào một chương trình tạp diễn đoản kịch mệnh danh là Oh, Calcutta do ông tổ chức. Oh, Calcutta bắt đầu công diễn vào tháng 7 năm 1970 tại rạp Round House ở phía bắc London và gây chấn động trong khán giả và giới phê bình. Tuy nhiên, Beckett không hài lòng vì Tynan đã tự ý đem thêm vào vở kịch vài diễn viên nằm phơi thân xác trần truồng trong đống rác. Ba mươi năm sau, vào tháng 11 năm 1999, Breath lại được trình diễn tại sân khấu West End — lần này hoàn toàn chính xác theo nguyên tác — và lại gây sửng sốt nơi khán giả. Vào tháng 9 năm 2001, Breath — cùng với 18 vở kịch khác của Beckett — đã được quay thành phim, do Barbican Centre ở London kết hợp với đài truyền hình Channel 4 cùng thực hiện. Việc quay phim Breath được uỷ thác cho nhà đạo diễn trẻ Damien Hirst (1965~). Anh phát biểu: Khi tôi được yêu cầu đạo diễn cho cuốn phim này, tôi đã đọc kịch bản và nghĩ rằng nó ngắn gọn và khắt khe vô cùng. Trong thời gian chuẩn bị quay, tôi cứ đọc đi đọc lại kịch bản và điều khiến tôi thật sự chú ý là lời chỉ đạo của Beckett: "Giữ chừng năm giây". Chính lúc ấy tôi mới nhận ra rằng Beckett có óc khôi hài khủng khiếp.
Dưới đây, tôi xin dịch và gửi đến độc giả bài viết thú vị của Paul Keller về cuộc trình diễn vở kịch Breath của Beckett vào tháng 11 năm 1999. Bài viết này do hãng thông tấn Reuters phát hành vào ngày 2 tháng 11 năm 1999, dưới nhan đề: "Londoners gasp at Beckett's 35-second play".
Dân London sững sờ trước vở kịch 35-giây của Beckett
(Reuters; 02/11/99)
Đối với những người hâm mộ, một vở kịch mà không có diễn viên, chỉ có một sân khấu đầy rác rưởi và chỉ mất 35 giây để trình diễn, chính là một lời bình châm biếm sâu cay về sự ngắn ngủi của cuộc sống. Đối với những người khác, nó là một tác phẩm vờ vĩnh của sự vô nghĩa. Vở kịch ấy, Breath, đang được ra mắt ở West End, London. Nó được viết bởi Samuel Beckett, kịch tác gia tiền-vệ Ái-nhĩ-lan đã quá cố và người đã đoạt giải Nobel Văn Chương. Danh tiếng của Beckett chẳng có ăn nhằm gì đối với những người chê bai. Tính cách khó hiểu của một trong những cuộc diễn kịch ngắn nhất thế giới làm cho một số người thật sự phẫn nộ. "Tôi chỉ muốn ghi nhận rằng, đối với tôi, đêm trình diễn hoàn toàn là trò lừa bịp và vờ vĩnh," một khán giả đã đưa ra quan điểm như thế. Vở kịch hiếm khi được trình diễn này đã lên sân khấu cùng với một vở kịch dài 45 phút của Beckett, Krapp's Last Tape, tại Arts Theatre, một nhà hát nhỏ ở khu kịch nghệ London. Sự kiện vở kịch gây tranh cãi có lẽ chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Những tác phẩm bi-hài khắc nghiệt của Beckett vốn khét tiếng trong việc gây nên những nhận định đối nghịch và phá vỡ những nguyên tắc cố hữu của sân khấu về thời gian, lối tổ chức tình tiết và nhân vật. Khi Waiting for Godot lên sân khấu cách đây 50 năm, các nhà phê bình đã chế giễu câu chuyện về hai gã cầu bơ cầu bất vô công rỗi nghề chỉ biết la cà loanh quanh và cãi vặt. Thế rồi vở kịch ấy đã trở nên lừng danh thế giới và đã được dịch ra nhiều ngoại ngữ. Hôm nay, nó thường xuyên được giới phê bình xếp vào danh sách những vở kịch hàng đầu của thế kỷ.
CHỈ CÓ 35 GIÂY — KHÔNG DÀN DỰNG NÓ THÌ BÂY GIỜ CÒN LÀM CÁI GÌ KHÁC CHỨ? Những chỉ dẫn dàn dựng vở Breath chỉ nằm trong một trang giấy và thời gian để đọc chúng còn dài hơn là trình diễn chúng. Một sân khấu đầy rác rưởi ngổn ngang hiện ra trong một thứ ánh sáng thoạt đầu mờ nhạt, rồi sáng hơn, rồi lại mờ đi. Cùng lúc ấy, khán giả nghe một tiếng kêu yếu ớt, Beckett gọi đó là "một mảnh tiếng kêu của trẻ sơ sinh được thu âm sẵn", và một tiếng người thở, tiếp theo là một tiếng kêu yếu ớt nữa trong lúc ánh sáng mờ dần và màn hạ. Bạn chỉ chớp mắt một cái là xem không kịp. "Đọc Breath rất thú vị nhưng tôi nghĩ thật là hấp dẫn để xem nó diễn ra trên sân khấu như thế nào," Edward Petherbridge nói. Ông là một diễn viên kỳ cựu của nước Anh, người chịu trách nhiệm mang Breath về London sau một vòng trình diễn quốc tế. Viết năm 1969, vở kịch được xem là một sự cách tân của sân khấu. Sức hấp dẫn của nó thường chỉ giới hạn trong vòng những người đặc biệt hâm mộ Beckett và những nhà đạo diễn sân khấu yêu thích kỳ vị. "Tôi nghĩ có lẽ có một ít người ở London thích xem nó. Và tôi nghĩ đúng, chỉ có một ít người," ông khoái trá nói, nhắc đến sự kiện vé bán không hết vì vở kịch cực ngắn của Beckett không đủ sức lôi cuốn khán giả kịch ở London. Vở kịch được tài trợ bởi Royal Shakespeare Company (RSC) [Hiệp hội Hoàng gia Shakespeare], một trong những tổ chức kịch nghệ hàng đầu của Anh. Thuyết phục RSC tài trợ cho cuộc trình diễn cũng không phải là quá dễ dàng, Petherbridge nhớ lại như thế. "Tôi nhớ rằng khi có một số người trong chúng tôi bắt đầu mất kiên nhẫn về việc xin tài trợ và tự hỏi liệu nó có đáng để khổ công hay không, thì tôi nghe chính tôi nói rằng nó là một vở kịch rất hay, nó chỉ mất có 35 giây để diễn — Không dàn dựng nó thì bây giờ còn làm cái gì khác chứ?"
BECKETT VÀ NHỮNG THÂN XÁC TRẦN TRUỒNG Phản ứng của khán giả thật trái ngược nhau: người thì giữ một sự im lặng đầy tôn trọng, kẻ thì cười ầm lên không kềm được — Petherbridge kể. Ông không hề hối hận đã đứng ra dàn dựng vở kịch này. "Có lẽ đây là cơ hội để đem nó lên sân khấu. Không có nhiều cơ hôi như thế đâu. Rốt cuộc bạn không thể tưởng tượng nổi bạn đến chỉ để xem nó." Petherbridge nói người ta cảm thấy nó âm thầm tác động đến họ, và, cũng như những vở kịch khác của Beckett, hình tượng của nó gây ám ảnh một cách kỳ lạ. Vở kịch hai-màn Happy Days có một người đàn bà bị chôn trong cát ngập đến hông, rồi ngập đến cổ; một vở kịch khác có hai nhân vật sống trong những thùng rác; còn cái miệng bị cắt lìa ra khỏi thân thể lại là điểm tập trung của Not I — một vở độc thoại làm xáo động tâm can. Breath trở nên khét tiếng một cách bất đắc dĩ cách đây 30 năm khi Kenneth Tynan, nhà phê bình sân khấu hàng đầu của Anh, mời Beckett đóng góp cho chương trình tạp diễn châm biếm Oh, Calcutta ở London. Tynan đem Breath vào chương trình ấy nhưng có thay đổi một chi tiết trọng yếu — những thân xác trần truồng được đặt thêm vào đống rác rưởi để tạo cảnh trí cho vở kịch. Nghe nói Beckett rất bực bội, đặc biệt khi tờ chương trình tạp diễn có ghi tên ông là tác giả của vở kịch. "Vì thế, lần này là lần đầu tiên Breath được trình diễn tại London trong dạng thức tinh thuần nhất của nó," Petherbridge nói. Trong dạng thức giản dị, bất khả lý giải của nó, Breath, ít nhất ở bề ngoài, dường như tóm lược tính cách của một nhà văn vốn chán ghét thứ ánh sáng hào nhoáng và tránh giải thích ý nghĩa của tác phẩm. Ngay cả khi được trao tặng Giải Nobel Văn Chương năm 1969, Beckett vẫn ở nhà, không đi nhận. Ông chưa bao giờ để báo chí phỏng vấn.
--------------------
Thở, dịch từ nguyên tác Breath, ở trang http://www.bradcolbourne.com/breath.txt
"Dân London sững sờ trước vở kịch 35-giây của Beckett", dịch từ nguyên tác "Londoners gasp at Beckett's 35-second play" của Paul Keller, ở trang http://www.samuel-beckett.net/Londoners_gasp.htm
|