|
Ru
|
![]() |
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
SAMUEL BECKETT (1906-1989)
Lời người dịch:
Với các nhân vật và các mảnh đời giống nhau, với những lời đối thoại / độc thoại và những màn kịch tương tự, lập đi lập lại, hệt mà khác, khác mà hệt, sân khấu Beckett tất nhiên đã phản ánh cuộc đời của đại đa số chúng ta. Beckett vừa là cái thế giới tuyệt vọng của chiến tranh và vũ khí hạt nhân đang đe dọa loài người, vừa là cái thế giới tả tơi tro bụi hậu-Hiroshima. Mặc dầu vậy, cái không gian đen và cái không khí đen ấy, cũng đã được chiếu rọi bằng những điểm sáng của ánh đèn. Và sự hài hước.
Cuộc đời rất oái oăm, khó hiểu, nhiều khổ đau hơn hạnh phúc. Cuộc đời là một sự phi lý. Cho nên nhân vật truyện và kịch Beckett - thường là không tên và chỉ là một lời độc thoại lải nhải, triền miên để chứng tỏ rằng mình còn sống - luôn luôn chế diễu cái cảnh phù du của nhân thế, nguyền rủa các đấng sinh thành.[*] Trước khi chìm vào giấc ngủ ngàn thu, không tiếc thương không bịn rịn, N, nhân vật nữ trong kịch bản Ru, chỉ dung tục một tiếng fuck life, để giã từ trần giới, mà tôi xin tạm dịch là “cuộc đời cái con khỉ”.
Ru (Rockaby) là một bài thơ hiện sinh, là một điệp khúc về sự cô đơn, và tuổi già, và cái chết. Nó còn có thể là một bức tranh trừu tượng với những mảng màu đen, trắng, xám trên sàn gỗ. Nó cũng có thể là nhiều thứ khác nữa tùy ở mỗi cá nhân. Nhưng trước tiên, nó là cuộc đời y hệt của hai phụ nữ, một bà mẹ già đã hơi khật khùng và một cô gái lỡ thời, còn khoác chiếc áo dài của tuổi thanh xuân. Hai mảnh đời trơ trọi, hai kiếp người lẻ loi, được tác giả thu gọn trong một ngày độc nhất, ngày cuối cùng của cô gái trên dương thế.
Beckett nói các vở kịch của ông không nhằm tả chân sự việc ngoài đời, mà chỉ cốt diễn tả những tâm trạng. Đối với Hamm, nhân vật bị mù lòa và tê liệt trong kịch bản Chung cuộc (Endgame), thì chẳng có cái gì khôi hài hơn là sự bạc phước.
__________________
RU
Ánh sáng:
Mờ và yếu dần trên chiếc ghế. Sân khấu trong bóng tối. Một ánh đèn tròn rọi lên khuôn mặt nhân vật nữ, tuy cũng mờ nhưng không thay đổi, trong khi ánh sáng trên chiếc ghế cứ yếu dần. Ánh đèn tròn có thể khá rộng để khán giả có thể nhìn thấy rõ sự đu đưa yếu ớt, hay chỉ tập trung vào khuôn mặt thôi, khi chưa khởi sự hoặc khi đã đu đưa.
Lúc đầu: chỉ có ánh đèn tròn rọi lên trên khuôn mặt, một lúc lâu, rồi chiếc ghế mới đần dần hiện ra trong ánh sáng mờ mờ.
Lúc cuối: ánh sáng tắt trên chiếc ghế, chỉ còn lại ánh đèn tròn trên khuôn mặt, một lúc lâu, cái đầu rũ xuống nằm bất động, đèn tắt.
N:
Khuôn mặt của nàng đã già trước tuổi. Mái tóc bạc và rối. Đôi mắt mở to trên khuôn mặt trắng bệch. Đôi tay trắng bệch bấu chặt vào thành ghế.
Mắt:
Lúc thì khép chặt lúc thì mở to không chớp. Thời gian khép và mở cần phải được chia đều trong phần 1, phân nửa khép phân nửa mở. Trong phần 2 và 3, khép nhiều hơn mở. Nhắm hẳn lại từ giữa phần 4 cho tới lúc vở kịch chấm dứt.
Y phục:
Áo dài dạ hội màu đen có viền ren, phủ kín thân hình từ cổ xuống tới chân. Tay dài. Các vảy bạc đính vào vạt áo lấp lánh trong lúc đu đưa. Chiếc mũ lệch như sắp rơi, có kết những trang trí rất lạ kỳ để bắt ánh sáng lúc đu đưa.
Thái độ:
Toàn thân bất động cho đến lúc ánh sáng tắt trên ghế. Rồi cái đầu gục xuống trong ánh đèn tròn.
Đu đưa:
Yếu và chậm. Không do tác động của N, mà được điều khiển bằng máy.
Ghế:
Bằng gỗ, không sơn phết nhưng đánh thật bóng để bắt ánh sáng, và có thêm chỗ gác chân. Lưng ghế thẳng. Hai tay vịn cong và tròn đầu, như thể để cho dễ nắm.
Tiếng nói:
Nhỏ, đều, không biểu lộ tình cảm, yếu dần từ câu «không thể tiếp tục được nữa». Các câu chữ nghiêng được N phát âm chung với T, mỗi lần lại nhỏ hơn. Lệnh «Nói nữa đi» của N, mỗi bận càng yếu dần.
N - Nhân vật nữ ngồi trên ghế xích đu.
T - Tiếng nói thâu băng của nàng.
Đèn rọi lên mặt N đang ngồi trên một chiếc ghế xích đu đối diện khán giả, nhưng hơi lệch về mé trái.
Một lúc lâu.
N: Nói nữa đi.
Một lát. Nói và đu đưa đồng thời.
T: rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài nàng cũng phải nói cũng phải thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt đừng lang thang nữa đừng tới chỗ nọ chỗ kia đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một người như nàng một kẻ lạ mặt như nàng từa tựa như nàng lang thang như nàng tới chỗ nọ chỗ kia đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một người rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài nàng cũng phải nói cũng phải thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt đừng đi đâu nữa đừng tới chỗ nọ chỗ kia đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một mảnh linh hồn còn sống một mảnh linh hồn độc nhất vẫn còn sống vẫn còn lang thang tới chỗ nọ chỗ kia đôi mắt mở to như đôi mắt nàng dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một người một người như nàng từa tựa như nàng lang thang như nàng tới chỗ nọ chỗ kia rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài nàng cũng phải thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đừng lang thang nữa đừng tới chỗ nọ chỗ kia đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt
Đồng thanh: những vọng âm của «nên chấm dứt», ngừng đu đưa, ánh sáng yếu bớt.
Một lúc lâu.
N: Nói nữa đi.
Một lát. Nói và đu đưa đồng thời.
T: bởi thế cho nên cuối một ngày rất dài nàng đã trở về nhà và đã thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt đừng lang thang nữa đừng tới chỗ nọ chỗ kia mà phải trở về nhà ngồi bên khung cửa sổ ngồi lặng im bên khung cửa sổ đối diện những khung cửa sổ khác bởi thế cho nên cuối một ngày rất dài nàng đã trở về nhà ngồi bên khung cửa sổ vén tấm màn lên và ngồi ngồi lặng im bên khung cửa sổ khung cửa sổ độc nhất đối diện những khung cửa sổ khác những khung cửa sổ độc nhất khác đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một người một người ngồi bên một khung cửa sổ một kẻ lạ mặt như nàng từa tựa như nàng một mảnh linh hồn khác còn sống một mảnh linh hồn độc nhất khác vẫn còn sống đã trở về nhà như nàng rốt cục cũng đã trở về nhà như nàng cuối một ngày rất dài và cũng đã thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt đừng lang thang nữa đừng tới chỗ nọ chỗ kia mà phải trở về nhà ngồi bên khung cửa sổ ngồi lặng im bên khung cửa sổ khung cửa sổ độc nhất đối diện những khung cửa sổ khác những khung cửa sổ độc nhất khác đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một người một người như nàng từa tựa như nàng một mảnh linh hồn còn sống một mảnh linh hồn độc nhất vẫn còn sống một mảnh linh hồn độc nhất khác vẫn còn sống
Đồng thanh: những vọng âm «vẫn còn sống», ngừng đu đưa, ánh sáng yếu bớt.
Một lúc lâu.
N: Nói nữa đi.
Một lát. Nói và đu đưa đồng thời.
T: rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài ngồi bên khung cửa sổ ngồi lặng im bên khung cửa sổ khung cửa sổ độc nhất đối diện những khung cửa sổ khác những khung cửa sổ độc nhất khác màn đã hạ các tấm màn đều đã hạ xuống trừ tấm màn của nàng rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài ngồi bên khung cửa sổ ngồi lặng im bên khung cửa sổ đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất tìm kiếm một tấm màn một tấm màn cửa sổ khác còn mở hé một tấm màn cửa sổ độc nhất khác vẫn còn mở hé chỉ thế thôi không cần phải có một khuôn mặt sau khung kính không cần phải có một đôi mắt thèm thuồng như đôi mắt nàng thèm được ngó thèm được người khác ngó không có một tấm màn nào còn để mở hé như tấm màn của nàng từa tựa như tấm màn của nàng chỉ cần có một tấm màn vẫn còn để mở hé và nơi ấy có một kẻ khác tại một chỗ nào đó sau khung kính một mảnh linh hồn khác còn sống một mảnh linh hồn độc nhất khác vẫn còn sống rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài nàng cũng phải nói cũng phải thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt ngồi bên khung cửa sổ khung cửa sổ độc nhất đối diện những khung cửa sổ khác đôi mắt mở to dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất đã đến lúc nên chấm dứt đã đến lúc nên chấm dứt
Đồng thanh: những vọng âm của «nên chấm dứt» ngừng đu đưa, ánh sáng yếu bớt.
Một lúc lâu.
N: Nói nữa đi.
Một lát. Nói và đu đưa đồng thời.
T: bởi thế cho nên cuối một ngày rất dài nàng đã đi xuống rốt cục nàng cũng đã đi xuống trên các bậc thang dốc nàng đã hạ màn và nàng đã đi xuống nhà dưới ngồi trên chiếc ghế xích đu cũ chiếc ghế của mẹ nàng chiếc ghế mẹ nàng đã ngồi quanh năm suốt tháng trong bộ đồ đen đẹp nhất xích tới xích lui xích hoài xích mãi chờ đợi phút cuối cùng cái phút cuối cùng của mẹ nàng mẹ già nàng đã hơi khùng khùng tí thôi không nhiều lắm chỉ hơi khật khùng nhưng cũng vô hại và bà đã tắt nghỉ trong một ngày không trong một đêm bà đã tắt nghỉ trong một đêm cuối một ngày rất dài trên chiếc ghế xích đu trong bộ đồ đen đẹp nhất cái đầu rũ xuống trên chiếc ghế xích đu xích tới xích lui xích hoài xích mãi bởi thế cho nên cuối một ngày rất dài nàng đã đi xuống rốt cục nàng cũng đã đi xuống trên các bậc thang dốc hạ màn và đi xuống nhà dưới ngồi trên chiếc ghế xích đu cũ trên cánh tay vẫn còn ru xích tới xích lui xích hoài xích mãi đôi mắt đã nhắm lại rốt cục chúng cũng đã khép lại nàng vẫn từ bấy lâu nay đôi mắt mở to đôi mắt thèm thuồng dòm ngó khắp nơi trên trời dưới đất ngồi bên khung cửa sổ chỉ cốt để được ngó và được người khác ngó rồi một hôm nào cuối một ngày rất dài nàng cũng phải thầm nhủ bởi chẳng còn ai nữa đã đến lúc nên chấm dứt hạ màn và đi trên các bậc thang dốc xuống nhà dưới chính nàng hay là một mảnh linh hồn nào khác một mảnh linh hồn nào khác hãy còn sống bởi thế cho nên cuối một ngày rất dài nàng đã đi xuống trên các bậc thang dốc hạ màn và đi xuống nhà dưới ngồi trên chiếc ghế xích đu cũ xích tới xích lui xích hoài xích mãi nàng đã thầm nhủ không không thể tiếp tục được nữa nàng đã bảo chiếc ghế xích đu bảo cánh tay vẫn còn ru nàng đã bảo nó hãy ru cho nàng ngủ hãy vuốt mắt cho nàng ạ à à ạ à ơi cuộc đời cái con khỉ hãy vuốt mắt cho nàng hãy ru cho nàng ngủ hãy ru cho nàng ngủ
Đồng thanh: những vọng âm của «ru cho nàng ngủ», ngừng đu đưa, ánh sáng yếu dần, rồi tắt hẳn.
Nguyễn Đăng Thường dịch
đối chiếu theo bản tiếng Anh và tiếng Pháp
---------------------
Nguồn: Samuel Beckett, Ru (Trình Bầy, 2000 — trong tủ sách Tư liệu kịch). Bản gốc: Rockaby trong Three Occasional Pieces (Faber and Faber, 1982), và Berceuse (bản tiếng Pháp do tác giả dịch) trong Catastrophe et autres dramaticules (Les Éditions de Minuit, 1986).
Chú thích của người dịch:
[*] Khi đọc cuốn tiểu sử Beckett của Deirdre Bair, tôi mới được biết rằng Beckett không đồng ý với lối diễn dịch “cải lương” này, mà đại đa số độc giả cũng như khán giả đều đã vấp phải. Theo lời Beckett thì đó chỉ là một phương tiện kỹ thuật, một cách gọn gàng nhất để cho các nhân vật có thể đột hiện đột biến trên sân khấu. (Deirdre Bair, Samuel Beckett: A biography, New York and London: Harcourt Brace Jovanovich, 1978, tr. 396). Tuy nhiên, các nhà văn, nhất là các nhà văn thích bông đùa, thường tuyên bố những ý tưởng nghịch thường (paradoxe), chí ít là để “chọc quê” các độc giả trịnh trọng khi họ rón rén tiếp cận các tác phẩm, do vậy chúng ta vẫn được quyền (ngụy biện?) tiếp thu một tác phẩm văn học theo cảm xúc riêng, nếu trí tưởng tượng của ta không quá dồi dào phóng túng để dám suy diễn (theo vài nhà phê bình) rồi quả quyết rằng chờ Godot là đợi… Thượng đế!
|