|
Sân khấu kịch tự động
|
![]() |
(bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn,
riêng tặng nhà văn Hoàng Ngọc Biên)
Daniel Spoerri, tên thật là Daniel Isaac Feinstein, sinh năm 1930 tại Galati, Romania. Năm 1942, vừa được 12 tuổi, Daniel cùng bố mẹ chạy sang Thuỵ-sĩ để tránh Đức quốc xã, rồi sống ở đó đến năm 1951. Ông học múa, rồi được tuyển vào làm việc như một vũ công ballet ở Nhà Hát Bern từ 1954-1957. Trong thời gian đó, ông cũng làm đạo diễn một vài cuốn phim ngắn.Năm 1959, ông sang Paris, và bắt đầu đi sâu vào nghệ thuật tạo hình. Năm 1960, ông cùng một số hoạ sĩ lập nên nhóm Tân Hiện Thực, và sáng tác những "tableaux pièges" đầu tiên. Đó là những "bức tranh" được thực hiện bằng cách gắn những đồ dùng thường nhật lên một tấm bảng, rồi treo tấm bảng ấy lên tường để trưng bày. Ông nổi tiếng về những "tác phẩm để ăn" (tức là những "tableaux pièges" trưng bày các đồ dùng nơi bàn ăn). Ông cũng là tác giả của rất nhiều kịch bản trình diễn. Trong những năm 1990, tác phẩm của ông được triển lãm ở nhiều nơi quan trọng trên thế giới, chẳng hạn ở Trung Tâm Văn Hoá Georges Pompidou tại Paris (1990) và Zabriskie Gallery tại New York (1996).
1. một phòng hay nhiều phòng. 2. những phòng này được ngăn cách nhau bởi những bức vách cứng hay uyển chuyển (vải, khói, những chất lỏng, những vật liệu co giãn, chẳng hạn một bức vách bằng cao su, khán giả có thể nhảy tông người vào vách từ một phía; chuyển động này trở thành một cảnh ngoạn mục nếu ta xem từ phía kia). 3. để đi từ phòng này đến phòng khác, không được bước xuyên qua khung cửa; phải sử dụng những lỗ được khoét sẵn ở trên cao hay dưới thấp. mỗi người phải tự khoét lỗ cho mình nếu bức vách được làm bằng giấy, chẳng hạn. 4. khán giả sẽ điều khiển ánh sáng trong các phòng một cách hữu ý hay vô ý. hữu ý, khi đèn được điều chỉnh, tắt, mở, bằng tay. vô ý, khi khán giả làm tắt đèn vì giẫm lên những nút bật. 5. để làm khán giả dự phần vào vở kịch một cách hoàn toàn vô ý, điều quan trọng nhất là nguyên tắc vận dụng các nút bật, qua đó việc tắt mở sẽ tạo ra những tiếng ồn hay nhiều phản ứng cơ học khác, cùng với ánh sáng đèn điện. 6. những tiếng động âm nhạc: cũng hữu ý hay vô ý được tạo nên bởi khán giả. họ giẫm lên các nút bật, hoặc họ chọn lựa những âm thanh và cường độ một cách hữu ý. nói chung, âm nhạc hay tiếng động dùng làm nền nên được giữ ở cường độ thấp. một crescendo [1] của âm thanh chỉ nên xảy ra thỉnh thoảng thôi. nên hết sức lưu tâm đến âm lượng, qua đó những đối cực sáng/tối, vô ý/hữu ý, có thể tương ứng với âm thanh to/nhỏ. 7. phải cân nhắc liệu khán giả có nên mang mặt nạ, như trong tuồng hát thời sơ khai, để qua đó nhấn mạnh sự vô danh tính, khiến vở kịch trở nên một biến cố khách quan hơn. (có thể làm mặt nạ bằng bất cứ thứ gì: một miếng vải, một mặt nạ chống hơi ngạt thật sự, một cái bô để tiểu tiện.) không phải tất cả mọi người đều cần mang mặt nạ. một số ít người có thể không mang mặt nạ và do đó sẽ được đặc biệt chú ý đến. có thể chọn người theo cách ngẫu nhiên, chẳng hạn cứ mười người thì có một người không mang mặt nạ. 8. các phòng có thể được sắp xếp như một mê cung. những tuyệt lộ chắc chắn dẫn đến sự lập lại những gì đã trải qua. do đó, thời gian thăm viếng của mỗi cá nhân phải khác nhau. điều này dẫn đến khả năng là không phải ai cũng đến được hết mọi chỗ. những bản chỉ đường sai sẽ làm tăng sự rối trí. 9. những trò "chơi nghịch" đặc biệt nào đó sẽ tạo sự thích thú trong mỗi phòng, ví dụ, bàn và ghế trong một căn phòng bị đám khán giả thay nhau cưa nhỏ ra, và đóng đinh để gắn lại với nhau, mọi sự diễn ra trong cùng một lúc. 10. không được sử dụng những objets d'art (vật thể mỹ thuật), hoặc bất kỳ thứ gì biểu lộ tính thẩm mỹ và có thể được đánh giá như một vật thể mỹ thuật. 11. đạo cụ: khi bước vào cửa, mọi người đều nhận được một vật gì đó để phải mang nó theo suốt buổi trình diễn, và có thể trả lại khi buổi trình diễn đã kết thúc, ví dụ: những trái bóng to lớn, những chiếc ghế, những chiếc xe đạp, những bàn đánh máy chữ, những chiếc ô, v.v. 12. văn bản: những cuộn giấy in văn bản có thể được sử dụng để giữ cho ngôn từ luôn luôn vận động vào mọi lúc. trong một phòng nào đó khán giả phải đọc một văn bản vào một máy vi âm. bằng cách đó, một dòng chảy ngôn từ bảo đảm không bị gián đoạn. nguyên tác này có thể được sửa đổi để cho phép những câu hỏi thỉnh thoảng được phát ra từ một phòng và những câu trả lời có thể đến từ một phòng khác. những câu trả lời sẽ không bao giờ tương ứng với những câu hỏi, vì những người trả lời không nghe được những câu hỏi. 13. những hiện tượng thị giác sinh động, như việc phóng chiếu những tia sáng xuyên qua kính quang phổ hay những tấm bìa có cắt hình, sẽ mang sinh khí đến với những căn phòng ngột ngạt. 14. những phòng gắn gương soi chứa đựng những rung động thị giác tái điệp vô hạn. 15. có thể ứng dụng thêm những đối cực: nóng/lạnh, thẳng/cong, mềm/cứng, đa sắc/đơn sắc, khô/ướt, v.v. 16. cá nhân các nghệ sĩ nên chịu trách nhiệm bài trí những phòng cá nhân. những điểm trên đây là một đề cương đơn sơ cần được khai triển thêm, và có thể thay đổi theo ý muốn trong quá trình thực hiện.
Nguyên tác "Spoerri's Autotheater", ZERO #3 (1961);
bản dịch Anh ngữ của Howard Beckman,
in lại trong Otto Piene & Heinz Mack (eds) ZERO
(Cambridge, Mass.: MIT Press, 1973), 218-219.
_________________________ [1]crescendo: thuật ngữ âm nhạc, chỉ sự tăng dần về cường độ. |